Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016

Ngọt ngào điệu hát ống Bắc Giang

Ngọt ngào điệu hát ống Bắc Giang
Cùng với biết bao câu hò, điệu hát trong nền văn hóa nghìn năm đất Việt, hát ống của vùng quê Bắc Giang ghi dấu ấn bởi chất mộc mạc, trữ tình và hình thức thể hiện vô cùng độc đáo.
Nức tiếng một thời
Hát ống (hay ví ống) là tên gọi của một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc đã ra đời và tồn tại hàng trăm năm nay trong cộng đồng làng Việt, đặc biệt là ở xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang - nơi được coi như cái nôi của lối hát rất chân quê mà giàu cảm xúc này. Từng có lúc hát ống Tân Yên nổi tiếng gần xa, lan truyền khắp các vùng phụ cận. Từ thời phong kiến, những người thợ cày, thợ cấy, thợ gặt đã cùng nhau cất lên lời hát ngợi ca lao động, ngợi ca vẻ đẹp quê hương, tình làng nghĩa xóm, tình yêu đôi lứa... Dưới gốc đa ở Nhã Nam, Phồn Xương, có những canh hát trước đây đã kéo dài suốt một ngày. Theo ông Ngô Văn Nguyên, Chủ tịch CLB hát ống, hát ví Liên Chung, dân gian vẫn truyền lại câu chuyện: Trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám, ở thời kỳ hòa hoãn lần thứ hai với thực dân Pháp (1897-1909), nơi đây đã diễn ra rất nhiều hoạt động văn nghệ giữa nghĩa quân và nhân dân trong vùng, trong đó có hát ví, hát ống được mọi người yêu thích hơn cả. Tương truyền rằng ông Cả Trọng, người con trai của Ðề Thám, cũng là một người hát rất hay.
Cái tên hát ống nghe lạ mà quen bởi thực chất đó chính là lối hát ví, hát giao duyên đối đáp qua lại vốn phổ biến trong dân gian xưa nay. Hát ống cũng mang những đặc trưng của các hoạt động sinh hoạt âm nhạc cộng đồng truyền thống như: được truyền từ đời này sang đời khác, hình thức diễn xướng đơn giản, gắn liền với cảnh quan thiên nhiên và sinh hoạt đời thường của người nông dân. Hát ống, với bản chất là hát ví, có giai điệu và ca từ mộc mạc, giọng hát như giọng thơ, thường là thể thơ lục bát dễ nhẩm, dễ thuộc. Nhưng điểm khác biệt và độc đáo là ở chỗ người ta sử dụng những chiếc ống hát được nối với nhau vừa để truyền âm, vừa để động tác khi hát trở nên duyên dáng hơn, cuốn hút hơn.

Ống hát thường được làm bằng những nguyên liệu tự nhiên vốn rất sẵn ở các vùng quê như ống tre hoặc nứa. Sau khi làm sạch, tròn trịa, một đầu ống người ta bịt lại bằng da con ếch, rồi nối hai ống với nhau bằng sợi tơ hoặc cước với khoảng cách vài chục sải tay. Khi hát, mỗi khi bên này dùng ống làm loa để hát thì bên kia đặt ống lên tai để nghe, rồi đổi lại. Cứ thế, cứ thế, sợi tơ mỏng mảnh khẽ rung lên, truyền đi những âm điệu ngọt ngào, khiến cả người hát lẫn người xem đều thích thú, say mê. Trong ký ức của nhiều người dân làng Hậu, xã Liên Chung bây giờ vẫn ghi nhớ hình ảnh những buổi hội làng hoặc sinh hoạt văn nghệ ở đình, chùa, những đêm trăng thanh gió mát, nam thanh nữ tú trong làng lại ngân nga những câu hát đượm tình quê hương, thắm tình người. Ðã có nhiều mối lương duyên giữa trai gái trong ngoài thôn được se nên cũng từ những sợi tơ ấy. Bà Nguyệt, một bậc cao niên trong làng vui vẻ bày tỏ: "Cũng chẳng ai biết hát ví, hát ống có từ bao giờ, tôi chỉ nhớ từ tấm bé đã hay theo mẹ ra đình, nghe các bà, các mẹ, các bác hát với nhau. Dần dần hiểu được ý nghĩa và thuộc nằm lòng luôn". 
Rồi bà ngâm luôn một trổ hát ví mà chắc hẳn đã theo chân bà từ thời son trẻ: 
Không dây mà buộc em chàng
Trăm sông một bến tình này anh trao
Thắm phai nàng hỡi má đào
Ðá vàng ta quyết dạt dào thủy chung...
Trải qua nhiều năm, bằng trí óc sáng tạo và tình cảm dạt dào, người dân chốn thôn quê đã tạo nên một kho tàng những câu hát hết sức dân dã mà sâu sắc, có khi trầm lắng suy tư, khi lại hóm hỉnh không ngờ. Chẳng hạn như trong một cuộc hát ống mà đôi bên nam nữ cùng so tài ứng tác với nhau, một bên hỏi, một bên trả lời. Nữ hát: Em đố chàng: 

Hoa gì sớm nở tối tàn
Trắng, hồng, đỏ thẫm, tím than trong ngày?
Hoa gì trắng đỏ cùng cây?
Hoa gì đêm nở, ban ngày cấm cung? 
Nam trả lời: 
Phù dung sớm nở tối tàn
Năm màu thay đổi chan chan trong ngày
Hoa giấy trắng đỏ cùng cây
Hoa quỳnh đêm nở, ban ngày cấm cung.
Có khi đó lại là những câu hát trở nên bông đùa hơn, táo bạo hơn, vừa để trêu chọc, vừa để thử tài ứng khẩu của đối phương. Phía bên kia nếu không nghĩ ra câu nào thì xem như chịu thua, chỉ còn cách hẹn lần sau. Qua đó, có thể thấy rằng hát ống, hát ví không chỉ là nơi lưu trữ nhiều giá trị tinh túy của trí tuệ dân gian, mà còn mang đến một không gian văn hóa cộng đồng hết sức đặc sắc, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của con người.
Gìn giữ cho muôn đời sau
Tuy từng có thời kỳ hát ống ở Bắc Giang xuất hiện thưa thớt và gần như vắng bóng, nhưng nó vẫn tồn tại, vẫn có sức sống và đang dần được khôi phục, lưu truyền trở lại. Bằng những câu hát ngẫu hứng trên đồng ruộng, khi tát nước, khi vơ cỏ, hoặc những buổi sinh hoạt văn nghệ quần chúng, hoặc những lời ru của bà, của mẹ cho con cháu nghe, người dân ở Tân Yên vẫn có những cách tuyệt vời để giữ gìn hát ví, hát ống. Mặt khác, nhiều nghệ nhân, nhiều người sưu tầm tâm huyết với bộ môn nghệ thuật này cũng dày công kiên trì, tìm hiểu và ghi chép lại được hàng nghìn lời hát cổ. Cuối tháng 4 vừa qua, CLB hát ống, hát ví xã Liên Chung đã chính thức được thành lập, mang đến một sân chơi định kỳ và rộng rãi cho người dân. Ðây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy chính quyền địa phương đã quan tâm và tạo điều kiện trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa này. Với 31 hội viên đầu tiên, đến nay số hội viên CLB vẫn đều đặn tăng lên, trong đó có cả những nghệ nhân cao niên, lẫn những thanh, thiếu niên có tuổi đời còn trẻ. Thu Trang, một sinh viên báo chí hào hứng cho biết:

"Mới đầu nghe nói đến hát ống em thấy rất xa lạ. Nhưng một lần gần đây được bạn rủ về quê Bắc Giang chơi, em được trực tiếp nghe hát ống và thấy thật sự thích thú. Hóa ra hát ống là hát đối đáp qua lại giao duyên, và còn có thêm những chiếc ống hát ngộ nghĩnh, giống như trò chơi thời thơ ấu của trẻ con vậy. Các bác nông dân hát rất hay và lời hát giàu ý nghĩa". Không chỉ độc đáo ở hình thức, hát ống còn thú vị ở chỗ: tùy hoàn cảnh, tùy hứng thú mà người hát còn có thể thêm bớt từ ngữ, biến đổi sao cho linh hoạt dựa trên những câu hát cổ, hoặc là sáng tác thêm. Hiện nay CLB hát ống vẫn đang duy trì hoạt động, phân loại, dạy hát, thi hát cho các hội viên và tất cả người dân tham gia. Phó Chủ tịch UBND xã Liên Chung Dương Minh Hiếu cũng nói thêm rằng trong tương lai không xa, hát ống, hát ví sẽ được đưa vào các trường học ở xã, để lớp trẻ biết đến và yêu mến hơn văn hóa quê hương mình.
Những ngày đầu tháng 10 vừa qua, trong thời gian diễn ra Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch Bắc Giang 2012, cùng với nhiều sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể khác, hát ống đã được tôn vinh và giới thiệu đến với du khách gần xa. Hy vọng rằng, với bản sắc độc đáo và sức lan tỏa mạnh mẽ của mình, hát ống Bắc Giang sẽ không bị lãng quên mà sẽ được phát huy trong nền văn hóa tiên tiến mà đậm đà bản sắc của dân tộc.

HOÀNG MỸ HẠNH
Theo http://www.coviet.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...