Phải vào mùa thu năm nay,
khi chớm bước sang buổi xế chiều của tuổi tác, tôi mới sực tỉnh và nhận ra,
nhiều năm qua mình đã quá vô tình với những sáng tác của bạn bè, bỏ lướt qua
biết bao những giá trị được chắt ra từ bầu máu nóng mà bạn hữu đã vật vã trút
lên trang giấy của nghiệp mệnh. Những giá trị thi ca thì vẫn nguyên vẹn.
Nhưng quả là nó có bị phủ lên những lớp bụi của thời gian cùng sự quên lãng một
thời của dư luận. Những ánh sáng mà nó chất chứa ở trong chính mình, vẫn lấp
lánh và ngời sáng như buổi đầu nó hiển lộ. Tôi đã bỏ cái thời cơ mà lẽ ra
mình đã có, là chiêm ngưỡng vẻ đẹp đích thực của chúng ngay từ lúc nó ra đời.
Tôi từng tự vấn, rằng trong mấy chục năm đeo đuổi nghiệp bút mực, mình đã
dành ra bao nhiêu khoảng thời gian thích đáng để chiêm nghiệm, suy ngẫm về
sáng tác của những người cùng thời, cùng trang lứa, một cách sâu sắc, thấu tỏ
tinh thần thi ca của họ, trong sự thanh tĩnh cao nhất của tâm thế. Rồi thời
gian cứ trôi xuôi mải miết và vô tình. Giờ đã bắt vào mùa đông, đêm qua những
đợt gió mùa ào ào thổi suốt đêm. Hình như thời tiết và sự biến đổi của mùa đã
truyền những thông điệp và năng lượng của vũ trụ một cách thật mạnh mẽ, trực
tiếp. Nó đánh thức và làm trồi lên bề mặt của ý thức những xung động tiềm ẩn
sâu kín nhất của con người
Chót buổi cuối chiều ngày
đầu tuần của tuần trước, tôi và nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu ngồi ở một quán
trà, dưới tán những cây bằng lăng treo đầy quả trên hè đường phố Hà Đông. Nhà
thơ Nguyễn Linh Khiếu phàn nàn, Hà Đông gần đây sao đông đúc quá mức vậy. Rồi
nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu nói với tôi, anh vẫn cứ băn khoăn về cái quả bưởi
anh thả ở bến Âu Lâu – Yên Bái từ mùa xuân năm 1998, chắc nó phải qua bao ghềnh
thác, qua bao vùng đất. Liệu quả bưởi đó có về được quê anh, Mỹ Lộc – Thái
Bình hay không? Tôi chợt nhắc tới thơ của nhà thơ Trần Hùng, sắc diện nhà thơ
Nguyễn Linh Khiếu sinh động hào hứng một cách kỳ lạ. Anh nói trào chảy say đắm
về Trần Hùng và thơ Trần Hùng, như không có tôi trước mặt, như anh đang đứng
trên bục giảng đường Đại học Tổng hợp vậy. Đó là những suy nghĩ và cảm nhận
sâu sắc của nhà thơ Nguyễn
Linh Khiếu khiến đầy tâm
huyết về một nhà thơ, một vùng đất mà anh tâm đắc.
Tôi nhận thấy trong khoảng
trời đất bao la rộng lớn này, còn gì quý hớn là những sự đồng cảm của con người.
Sự đồng cảm giống như những luồng gió lớn đưa con người lên cao vút.
Mẹ
Xa một ngàn cây số
Cong đang nói cùng mẹ đây
Con quỳ xuống tắt đèn
Con nhắm mắt cho tối thêm
lần nữa
mẹ ơi quay lại với con
mẹ đứng trước bàn thờ
rồi tới ngồi bên lửa
để đun cho nồi nước nóng
lên
rồi lại đun cho nóng lên
ngoài hiên
những bông lửa trên trời đỏ
rực
mẹ chợt nhận ra
mình còn nhiều đứa con
chúng ra đi đã lâu mà
không về,
sao lại như thế nhỉ?
mẹ ơi
giao thừa rồi
con quỳ xin mẹ đây
xin mẹ uống một liều thuốc
ngủ
rồi nằm xuống-nhẹ nhàng
thôi
thanh thản cho đến sớm mai
sẽ trở dậy thắp hương mẹ
nhé
(Giao thừa)
Đây là nguyên văn bài thơ Giao
thừa của nhà thơ Trần Hùng viết năm 1989, tôi chép lại bằng bút mực
trong cảm xúc thức dậy từ sâu thẳm chợt dâng lên mãnh liệt. Trong cuộc đời của
một người mẹ, sự mất mát thiếu vắng những đứa con của mình, sự thiếu
vắng này nó trào đến và vút lên đau thương nhất là vào đêm giao thừa. Trong
những giờ phút thiêng liêng của một năm này, hình ảnh những người thân trở về
một cách trọn vẹn và đầy đủ nhất, nó làm sống lại từng hơi thở, cử chỉ, bước
đi của người thân, như có thể nghe thấy, chạm vào được. Không thời điểm nào
trong cuộc đời, mà người ta sống trong ảo giác với thế giới của những hồi ước
mạnh mẽ bằng những ngày cuối năm và đêm giao thừa. Mẹ ơi/giao thừa rồi/
con quỳ xin mẹ đây/ xin mẹ uống một liều thuốc ngủ/ rồi nằm xuống-nhẹ nhàng
thôi/ thanh thản cho đến sớm mai/ sẽ trở dậy thắp hương mẹ nhé. Đau
thương này, sức của một con người khó có thể chịu đựng nổi.
Bài thơ Giao thừa của
nhà thơ Trần Hùng đã dựng lên tượng đài của sự vĩnh hằng. Tượng đài của sự hy
sinh cao cả vô bờ bến của người mẹ. Con người với sự hy sinh cho lý tưởng của
mình, là phẩm chất cao quý bậc nhất mà loài người đã kết tinh đựoc và truyền
nối cho các thế hệ kế tiếp. Đó là bài ca mãi mãi thuộc về vĩnh hằng.
Tôi đọc thơ Trần Hùng,
không chỉ thấy thơ mà thấy trào ra những khối tâm huyết đã kết tụ ở trong tâm
can và huyết mạch xiết chảy của nhà thơ.
Trung thu
áp thấp về đêm Hà Nội
cha như ông trăng sau màn
trời
con đang làm gì con ơi
chiếc đèn ông sao trung
thu năm ngoái
vẫn nằm trến giá sách đầy
bụi
hay con đang ngồi ôm
ngoài kia
những ngôi sao đang bò ra
từ các góc tối
rủ con cùng chạy chơi
nếu thiếu nến thì con bắt
đom đóm bỏ vào
không có đom đóm thì cầm
sao ra ngoài ngõ
rồi đèn sẽ sáng lên
và con sẽ tin
cha trở về cho con đêm
trung thu khác
một đêm trăng xà cừ tíu
tít
trên những dấu chân bé bỏng
của con
(Nhớ con)
Tôi thấy đây không chỉ còn
là thơ thuần tuý nữa, mà đây là tấm lòng của người cha rộng như trời đất,
đang dõi theo và ôm trọn những đứa con của mình trong tết Trung thu. Đây là
áng thơ hay và vô cùng xúc động về tình phụ tử và Tết Trung thu mà tôi được đọc.
Đọc thơ Trần Hùng gợi cho tôi liên tưởng về loài chim Đan Tước chuyên sinh sống
ở trên núi cao, cả vòng đời của loài chim này chỉ cất lên tiếng hót vào giờ
hoàng đạo của những ngày thời tiết đẹp nhất. Tiếng hót của loài chim Đan Tước
trong trẻo vang vọng. Những dải âm của tiếng hót như làn gió thanh nhẹ vút
lên cao rồi toả xuống một vùng không gian rộng lớn của núi rừng, âm thanh của
nó vọng đến cả những thung lũng và khe sâu dưới chân núi.
Những bài thơ của nhà thơ
Trần Hùng thường được hắt lên bởi một ánh sáng mạnh, đó là ánh hồi quang toả
ra từ miền thẳm sâu của tiềm thức, từ niềm trắc ẩn như xuyên thấu vào lõi của
trái đất. Tôi cảm nhận được cái xung động cảm xúc cực kỳ mãnh liệt này. Nếu
chỉ bằng với trái tim bình thường của con người, thì sẽ không thể chịu nổi
cái áp lực của năng lượng quá mạnh xuyên qua nó. Có lẽ những câu thơ của nhà
thơ Trần Hùng đã truyền dẫn trực tiếp những xung lực mang đầy năng lực của cảm
xúc từ trái tim của nhà thơ - và những câu thơ là điểm cuối cùng
chứa đựng cái xung lực quá mạnh mẽ đó.
Gánh nặng nào
nắng vang vang trên đầu
gió hoang trên đồng
cá hoang dòng suối
tôi hoang lòng tôi
kìa con trai
hãy tới gục đầu vào ngực gầy
mà khóc
con sẽ về hiền ngoan với đất
(…)
thôi
chị xin nào em trai
chị sẽ đền cho em
bờ sông đầy cát
tôi biết tôi biết
có một mặt trăng ban ngày
một mặt trời ban đêm
lớn lên tôi mới lơ mơ hiểu
thêm
đấy chính là đôi mắt của một bé
nào đó
(Tự thoại kẻ tâm thần)
Đây là bài thơ của nhà thơ
Trần Hùng trực diện viết về lời tự thoại của người tâm thần. Một
người mắc bệnh lý nhiễu loạn tâm thần, gần giống hình bóng một số người
mắc bệnh tâm thần mà ta thi thoảng gặp trên đường phố ở một nơi nào đó. “ha
ha/ họ thua ta rồi/ đập đầu vào tường/ máu máu mắt mắt/ nụ cười bay bay”. “Người
đàn ông kia/ gánh nặng nào/ khiến người kêu cầu/ khiến người xua đuổi/ (…)/ lặng
im lời giẻ rách/ ánh sáng đang về/ từng dàn voi cao lớn/ đuôi sao chổi lê thê”.
Sự cảm thông chia sẻ của nhà thơ thật lớn lao nhường vậy. Thế giới của người
tâm thần hiện lên thật đẹp dưới ánh sáng của ký ức và tình yêu thương che chở
của những người thân. Sự cảm thông, chia sẻ và tình thương yêu của con người
là một thứ nước thiêng như thứ nước từ bình nước cam lồ của Đức Bồ
tát quán tự tại rưới xuống tình đồng loại, làm sự sống hồi sinh toả
hương ngào ngạt. Tôi cũng tự hỏi, nếu không có sự cảm thông, chia sẻ và tình
thương yêu của con người đối với nhau, thì nhân loại chắc đã biến thành sa mạc
cằn cỗi từ lâu rồi. “Ôi, xin mau tìm về/ nụ hôn yên tĩnh nhất/ trên vầng trán
nhàu nát/ - anh tôi”. Tôi cho rằng đây là một bài thơ lớn, bởi sự đồng cảm
chia sẻ thật ân tình và thiêng liêng với người mắc chứng bệnh tâm thần. Không
chỉ vậy, bài thơ còn toả ra vẻ đẹp của một đời sống tinh thần bị che mờ, khuất
lấp trước sự thờ ơ lãnh đạm của đồng loại, của cuộc đời. Ánh sáng huyền linh
trong thế giới đời sống tinh thần của người mắc bệnh tâm thần, lần đầu tiên
được nhà thơ Trần Hùng mở ra như một sự khải thị, trong tình thương yêu, cảm
thông, chia sẻ tột cùng.
Thơ Trần Hùng mở thông những
cánh cửa thật rộng tới một thế giới vỗ những đôi cánh khát vọng giữa bầu trời
của tình yêu, ước vọng trong“niềm trinh tĩnh vỡ oà” (Thời gian)
Phương trời nào ta cùng
nhau trôi đi vun vút
qua bao nhiêu vườn nắng
qua bao nhiêu vườn người
cơn mưa chiều dòng kênh xa
lạ
(…)
Mây bay về đâu cho tôi
theo với
(Phương hạc bay)
Thôi chào nhé
những bờ vườn hoe nắng
hoa rau dền gai, hoa rau
sam tím
chào dòng sông lặng im
(…)
Ròng ròng một mùa hè
tôi đi
tôi đi
tôi đi
nhẹ nhàng như cánh bướm
tìm về giấc thuỵ miên vĩnh
viễn
(Thảm thắc)
Dưới đôi cánh đập mạnh
trong bầu trời của ước vọng, ngập tràn âm thanh và ánh sáng “ròng ròng”. Cùng
nhau trôi đi vun vút, chập chờn “nhô lên nỗi buồn sừng sững” (Thời
gian). Ta có thể chạy đuổi với theo những đám mây “mây bay về đâu cho
tôi theo với”, nhưng ta cũng có thể nhẹ nhàng như cánh bướm trở vào giấc
thuỵ miên trong chiếc kén của vĩnh hằng. Tôi tự hỏi, rằng
trong khoảng trời đất này, có ước vọng nào mang tính biểu tượng về con người
với hai thái cực của tâm thế, đẹp và lãng mạn hơn hình ảnh con người chạy đuổi
với theo những đám mây, rồi nhẹ nhàng chìm vào giấc thuỵ miên trong ngôi nhà
vĩnh hằng của những chiếc kén.
Kia buổi sớm
Hạt mầm thức dậy
Niềm khát vọng nhói đau
(Khát vọng)
Mây lang thang
Nhớ mùa thu rất xa
(…)
Trên thảm lá dày
Gương mặt cổ nhân về đâu
đây bên chiếc đồng hồ nước
(Đồng hồ mùa thu)
tôi đã ôm con tôi thật lâu
tôi đã khóc trên ngực người
yêu
tôi lầm lũi bước theo những
giọt nước mắt…
(Gửi một thi sĩ)
Dù sao, những sợi dây mỏng
tang tưởng như vô hình của cuộc đời nơi thế tục, vẫn ghì riết níu kéo đôi
cánh ước vọng của nhà thơ. Làm sao có thể dứt được những sợi dây giằng dịt của
tình thương nỗi nhớ. Nó liên tục như những đợt sóng vỗ dồn dập vào ghềnh đá của
số phận lầm lũi bước theo những giọt nước mắt, của niềm khát vọng
nhói đau, như hạt mầm thức dậy vào buổi sớm nào đó trong
cuộc đời. Những đám mây vẫnlang thang nơi mùa thu rất xa, ở
đấy trên thảm lá dày, gương mặt cổ nhântrở về bên chiếc đồng hồ nước.
Ở đấy, “những con ve ngày ấy đã già/ chúng biến thành nếp nhăn trên cây cổ thụ/
chiều nay bên gốc cây nhìn lên/ ta lặng người/ trước bình thản cây thăm thẳm
lên trời” (Thời gian)
Ôi, những cái cây mãi mãi
nằm trong biểu tượng khát vọng của con người, trong sự bình thản và thăm
thẳm vươn lên bầu trời. Chân lý này đâu phải lúc nào và đâu phải ai cũng
nhận ra, cùng thấu ngộ.
Thơ Trần Hùng luôn mở
toang cánh cửa thế giới của cảm xúc và cảm giác đầy ấn tượng, từ một trực
giác được ghi lại, bảo lưu đầy đủ và chính xác, từng cất giữ trong ký ức của
nhà thơ.
Xưa ai áo trắng như em, ai
cầm hoa cúc xanh như em
Trăng lên từ cánh đồng
võng nước, tiếng sênh sáo cuối mùa, tay cầm tay lá trắng, em che trăng một tấm
yếm sồi, ta che em ngực trần lá nóng.
Xưa ai áo trắng như em, ai
cầm hoa cúc xanh như em
Bến đò than, sung rơi tầm
tã, tay cầm tay lá lúa, mùi tóc ẩm, mùi áo ẩm, mùi dòng sông ngun ngút.
Rồi gật đầu tạnh cơn mưa nắng
lên ngơ ngác.
(Cúc xanh)
Người đi đâu cả rồi
Liềm hái còn đây
(…)
Giờ chim xa, mây xa, nước
im
Người đi đâu cả rồi.
(Trên cánh đồng làng)
Trong cái thế giới như vừa
trở về từ giấc mộng thoáng buồn và xa vắng.Người đi đâu cả rồi, liềm hái còn
đây. Kìa mây xa, những cánh chim cũng đã xa khuất ở phương trời nào, gió
lặng, nước im. Một không gian thật tĩnh lặng, xa ngái, trống vắng và tiếc
nuối. Tất cả vẫn còn đấy, mà tất cả đã trở về một thế giới nào đó khác biệt.
Nơi ấy, bến đò than sung rơi tầm tã, mùi tóc ẩm, áo ẩm, mùi dòng sông
ngun ngút. Trăng lên từ cánh đồng võng nước, ai đấy áo trắng như
em, cầm bông cúc xanh như em thuở ấy, đang trở về như thực như mơ. Chợt
giật mình, tạnh cơn mưa nắng lên ngơ ngác.
Cuộc đời là vậy đấy. Bảo
là thực thì là thực, bảo là mộng thì là mộng. Quá vãng liên tục thổi những luồng
gió và hắt ánh sáng mạnh lên hiện tại. Ta cứ thử giả định, nếu vào một lúc
nào đó, quá khứ ngừng thổi những đợt gió về hiện tại, thì đời sống của con
người trên thế gian này thật đơn điệu, nhàm tẻ và trống rỗng lạnh lẽo như thế
nào.
Rồi một ngày nắng lên
thênh thênh nước về
Rồi một ngày cô Mùi ra đi
bước chân xa lắm
Và chúng mình cũng ra đi,
theo phù sa về các đường chân trời
Bỏ lại những vườn trăng,
những câu đồng dao rơi vãi
Bỏ lại con thuyền
(Gọi nguồn)
Thế giới của cảm xúc và niềm
trắc ẩn mở ra trong những câu thơ của Trần Hùng, rộng thênh và đẹp đến nao
lòng. Những con thuyền, những vườn trăng, và những câu đồng
dao rơi vãi. Bảo là bỏ lại, nhưng thực ra nhà thơ đang níu kéo, nâng niu
và thổi hồn vào chúng, làm cho chúng trở nên thật sinh động và quyến rũ.
Rồi một ngày nắng lên
thênh thênh nước về, và chúng mình cũng ra đi, theo phù sa về các đường chân
trời.
Tuổi trẻ như những ngọn
gió buổi mai, mới mẻ, tinh khôi, trong trẻo và tràn trề sức sống – Chúng cuốn
theo một tiếng gọi rất xa nơi chân trời của khát vọng. Tuổi trẻ luôn làm mới
thế gian này bằng đôi cánh ước vọng của mình
Qua nhà thơ Nguyễn Thành
Tuấn, tôi mới thực sự biết Cao Bằng và nhà thơ Trần Hùng, cũng chỉ cách đây
dăm năm. Tôi còn nhớ, chuyến đi đầu tiên của chúng tôi lên Cao Bằng, chuyến
đi làm nhà thơ Nguyễn Thành Tuấn thật sự hào hứng, anh là người yêu và hiểu
Cao Bằng một cách kỳ lạ.
Trước khi đến Cao Bằng gặp
nhà thơ Trần Hùng, theo gợi ý của nhà thơ Nguyễn Thành Tuấn, chúng tôi vào
bái yết đền Đuổm, toạ trên núi Điểm sơn, đây là khối đá vôi tận
cùng phía nam của vòng cung sông Gâm. Đền Đuổm thờ ngài Dương Tự Minh, được sắc
phong là Cao Sơn quý minh. Ngài là Phò mã lang của nhà Lý, được
hai vua nhà Lý gả cho hai công chúa là công chúa Diêm Bình và công chúa Thiều
Dung. Hai công chúa cũng được thờ tại đây.
Nhà thơ Trần Hùng nói với
tôi, anh mới chỉ in hai tập thơ mỏng vào năm 1991 và năm 1998. Tập thơ đầu
tay Gọi bạn của nhà thơ Trần Hùng được nhà thơ Trúc Thông viết lời
giới thiệu. Tôi chỉ thực sự được đọc thơ của nhà thơ Trần Hùng, là vào mùa hè
năm 2007, anh sao lại cho tôi một bản tập thơ Mơ quê, xuất bản từ năm
1998. Chúng tôi gặp nhau nhiều lần, nhưng chưa bao giờ nói chuyện về văn
chương. Đọc thơ Trần Hùng, tôi mới hiểu, đối với nhà thơ Trần Hùng mối quan
tâm sâu sắc của anh không hẳn là câu chuyện thi ca, mà là câu chuyện của cuộc
đời, đến độ nếu không có thi ca để ký thác, thì thật khó sống một cách thăng
bằng và bình thản những năm tháng của một đời người trên thế gian đầy những
lo âu bất trắc trong tiếng gõ cửa không ngừng của định mệnh. Có lẽ cái cao
quý tột cùng của văn chương nghệ thuật và thi ca, cái mà nó phải mang vác
cũng chỉ có chừng ấy mà thôi.
Lần tìm trong cỏ đêm thấy
bài thơ cũ
Tìm trong bài thơ cũ thấy
chiếc trâm cỏ thì người xưa đánh rơi
Và tôi chẳng thể cầm lòng,
tôi lặng lẽ như vì sao xa nhất
(Ba giờ sáng)
Thơ Trần Hùng là thế, cứ
run rẩy kiếm tìm, nâng niu, đồng cảm, sẻ chia với những gì mất mát của cuộc đời,
trong tình cảm thiêng liêng nhất với sự đi lên đi xuống không ngừng của cảm
xúc và suy tưởng. Trên đôi cánh vỗ không mỏi trong trập trùng của ước vọng,
đôi lúc nhà thơ Trần Hùng cũng gợn lên thoáng qua cái linh cảm “có thể ban
mai trong tôi sắp tắt/ (…)/ tôi cảm thấy một điều đang đến rất gần rất gần”
(Ánh lên gương mặt).
Đọc thơ Trần Hùng, tôi thấy
nhớ non nước đèo dốc Cao Bằng với những phiên chợ sớm. Tôi lẩm nhẩm ngâm hai
câu thơ trong bài thơ Sơn hànhcủa Đỗ Mục:
Đình xa toạ ái phong lâm
vãn
Sương diệp hồng ư nhị nguyệt
hoa
(Dừng xe vì yêu cảnh rừng
phong buổi chiều
Lá gặp sương mùa thu màu đỏ
hơn cả hoa tháng hai)
Tôi đọc thơ Trần Hùng, cảm
nhận được cái sắc đỏ, ánh lên như là cáimàu đỏ của lá gặp sương mùa thu trong
câu thơ của Đỗ Mục vậy. Đó là cái sắc đỏ hiện ra từ sự ngâm trải trùng điệp của
một đời người.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét