Âm nhạc dân tộc bồi đắp yêu thương Đất nước Việt Nam của chúng ta có 54 dân tộc thì mỗi
dân tộc lại có nét độc đáo riêng biệt trong âm nhạc của mình.
Đó là hát then của người Tày, Thái; hát tang ca, hát ống của
người Mông; múa hát với cồng chiêng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; hay những
làn điệu chèo, quan họ, ca Huế, ca trù, cải lương luôn làm say đắm lòng người…
Kho tàng âm nhạc dân tộc ấy tạo nên sự phong phú, đa dạng trong đời sống văn
hóa của người Việt và góp phần không nhỏ vào tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Âm nhạc dân tộc với những ca từ và cung bậc luyến láy đã vẽ
lên cảnh đẹp cũng như đời sống truyền thống của từng vùng đất, từng tộc người.
Hay nói cách khác, âm hưởng của dân ca sẽ ra dáng hình lãnh thổ địa hình, thần
thái của đất nước. Ví như ta nghe điệu dân ca Mông, dân ca Thái hay dân ca Tày,
sẽ hình dung ra cảnh sông núi hùng vĩ của Tây Bắc, Việt Bắc; nghe làn điệu quan
họ Bắc Ninh là thấy những cánh cò lả lướt trên cánh đồng phì nhiêu, với những
nam thanh nữ tú áo the khăn xếp, nón thúng quai thao đi trẩy hội ngày xuân;
nghe ca Huế là nghĩ ngay đến sông Hương, núi Ngự Bình với người con gái tà áo
tím, ăn nói nhỏ nhẹ của vùng đất cố đô; nghe ca cải lương là như được hòa mình
vào sông nước Nam Bộ với những con người thật thà, chất phác…
Một buổi diễn sân khấu ca nhạc truyền thống, được xây dựng
theo tinh thần nghi thức của một lễ hội làng Việt ở chốn đình xưa.
Ảnh: VnExpress.
Âm nhạc dân tộc luôn làm cho chúng ta thêm yêu quý quê hương,
đất nước của mình hơn. Dân ca chính là tiếng lòng sâu thẳm nhất, chân thật nhất,
là lời ăn tiếng nói, là ứng xử giao hòa, là kinh nghiệm sống bao đời được chắt
lọc, đúc kết. Đó cũng là ước vọng, niềm tin, là cõi thiêng của tâm linh dân tộc.
Ai cũng mang trong máu thịt của mình một dòng chảy văn hóa về với nguồn
cội truyền thống con Lạc, cháu Hồng. Nên khi nghe hay hát những làn điệu
dân ca là hát về Tổ quốc, về đất nước. Để từ đó mỗi người sẽ dâng lên niềm tự
hào, tự tôn dân tộc, thêm yêu quý nơi mình đã sinh ra, lớn lên và cố gắng học tập,
cống hiến hết mình cho đất nước. Tình yêu quê hương, tình yêu Tổ quốc được bồi
đắp từ những khúc hát dân ca là lẽ như vậy.
Tiếc thay, hiện vẫn còn không ít người, nhất là giới trẻ, lại
chỉ thích những dòng nhạc ngoại với những giai điệu “bốc lửa”, chát chúa hay những
câu “ráp” nhạt nghĩa mà quên đi những làn điệu đã nuôi nấng tâm hồn ta từ khi
còn trong nôi. Chúng ta hội nhập về văn hóa nhưng không phải hòa tan vào những
dòng nhạc xô bồ, nhức nhối mà cần phải chắt lọc tinh hoa âm nhạc của nhân loại
để nâng tầm âm nhạc dân tộc lên cao.
Trước lúc đi xa, Bác Hồ muốn nghe một câu hò xứ Huế, một câu
ví, giặm hay một đôi làn quan họ. Điều này chứng tỏ tình yêu Bác dành cho những
khúc hát dân ca rất dạt dào, tha thiết, cháy bỏng như tình yêu của Bác với quê
hương, đất nước. Bác đã nhắc chúng ta phải ghi nhớ âm nhạc dân tộc mãi là
"món ăn tinh thần" vô giá, không thể thiếu được trong mỗi con người
Việt chân chính, phải bảo tồn, gìn giữ và phát huy trong mọi thời đại. Nó sẽ
giúp chúng ta bồi đắp tâm hồn cao đẹp, ý chí kiên cường, sự sáng tạo không ngừng
và tinh thần vì nước, vì dân cao độ để hội nhập và phát triển mạnh mẽ cho hôm
nay, cho muôn đời sau.
10/5/2020
Lê Phi Hùng
Theo https://www.qdnd.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét