"Huyền thoại một miền quê" - Khúc hát
tươi đẹp về tình yêu
quê hương tha thiết “Biển rì rào con sóng vỗ miên man/ Sầm
Sơn hôm nay rực ánh nắng tràn” - ngay từ những câu hát đầu tiên cất lên, thành
phố biển xinh đẹp Sầm Sơn đã hiện diện với tư cách là hình tượng nghệ thuật,
nguồn cảm hứng chủ đạo của tác phẩm. Càng đi sâu vào ca khúc, vẻ đẹp về đất và
người Sầm Sơn càng được khắc họa một cách chân thực nhưng không kém phần tinh tế,
sinh động. Bởi lẽ, ca khúc được viết nên bằng chính những trải nghiệm, gắn bó,
yêu thương tha thiết của tác giả đối với mảnh đất này.Nhạc sĩ Phạm Khánh Hoàng luôn trau chuốt tỉ mỉ từng
khuông nhạc,
ca từ trong mỗi sáng tác của mình.
Khi bàn về mối quan hệ giữa sáng tạo nghệ thuật và tiềm thức,
có một so sánh, liên tưởng khá thú vị, sâu sắc rằng: Trên một biểu đồ toán học,
nếu trục ngang là ý thức - thực tại - là chiều đồng đại, trục dọc là tiềm thức
- di truyền - lịch đại thì chắc chắn tác phẩm nghệ thuật hiện ra ở ngã tư của
hai trục dao động này. Điều này hoàn toàn đúng với quá trình nhạc sĩ Phạm Khánh
Hoàng sáng tác ca khúc “Huyền thoại một miền quê”. Trong căn phòng làm việc nhỏ,
ấm cúng, nhạc sĩ Phạm Khánh Hoàng thân tình chia sẻ: “Tuy không phải là người
sinh ra ở Sầm Sơn nhưng tôi theo bố mẹ về công tác ở đây từ những ngày còn thơ
bé cho đến hôm nay. Vì vậy, đối với tôi, mảnh đất biển ấy có sự gắn bó thiêng
liêng, mật thiết chẳng khác nào nơi mình chôn nhau cắt rốn”. Năm tháng cứ thế
trôi qua, từ cậu nhóc lần đầu tiên đặt chân đến Sầm Sơn với biết bao bỡ ngỡ, mơ
hồ, Hoàng lớn lên cùng tiếng sóng vỗ rì rào, bãi cát dài phẳng lặng và những
người ngư dân chân chất, thật thà.
Cho đến tận bây giờ, khi TP Sầm Sơn đang ngày càng phát triển,
anh Hoàng vẫn không thể nào quên được ký ức tuổi thơ. Anh kể: Ngày ấy, Sầm Sơn
vẫn còn hoang sơ lắm, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Buổi sáng,
anh cùng lũ trẻ con trong làng hò nhau đi vơ lá cây, củi khô về nấu ăn hoặc đi
“hôi” những con cá, con mắm của ngư dân làm rơi vãi sau mỗi chuyến kéo rùng. Cảnh
sắc thiên nhiên nơi đây, tự muôn đời, vẫn luôn đẹp như thế, nhất là vào buổi
bình minh hay khi hoàng hôn buông xuống. Mỗi buổi chiều về, biển Sầm Sơn nhuốm
một màu đỏ thẫm. Xa xa, từng con thuyền trở về mang theo cả niềm vui, nỗi buồn,
trăn trở của ngư dân. Gia đình không làm nghề biển nhưng từng hình ảnh, ký ức ấy
cứ thế in sâu vào tiềm thức của Hoàng, kết thành tình cảm yêu thương, gắn bó
sâu đậm, góp phần nuôi dưỡng mạch nguồn cảm hứng sáng tác cho chàng sinh viên
khoa sáng tác âm nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Xuất phát từ tận đáy
lòng, như một lời cảm ơn, ngay khi vừa tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt
Nam, Hoàng viết ca khúc “Huyền thoại một miền quê” - đây là một trong những
sáng tác đầu tay của anh.
Những chia sẻ chân thành của nhạc sĩ Phạm Khánh Hoàng khiến
người nghe như càng thấm thía, rung động hơn với từng giai điệu, ca từ. Nội
dung của bài hát tập trung khắc họa vẻ đẹp của đất và người Sầm Sơn. Trong đó,
ký ức tuổi thơ của người nghệ sĩ đã được chuyển hóa thành chất liệu nghệ thuật
đặc sắc. Theo “dấu chân ai tìm về kỷ niệm”, với dòng cảm xúc chân thật, ngôn ngữ
bình dị, giọng điệu tình cảm, tha thiết xen lẫn niềm tự hào, “huyền thoại một
miền quê” được viết nên bởi sự cộng hưởng của nhiều yếu tố. Đó là cảnh sắc
thiên nhiên tươi đẹp: “Biển chiều về gió đùa tóc em bay/ Hoàng hôn quê hương
nhuộm tím cánh buồm”. Nét đẹp lao động sản xuất của những người ngư dân với “nước
da màu rám nắng”, “những câu hò điệu nhặt khoan dô huầy” để “khi thuyền về tôm
cá đầy khoang”. Và nhắc đến Sầm Sơn không thể không nhắc nhớ về những điều đã
góp phần làm nên chiều sâu văn hóa lịch sử của một vùng đất: “Sầm Sơn quê tôi
có hòn Trống Mái đã đi vào huyền thoại từ bao đời/ Và dệt nên những mối tình mộng
mị, để ngàn đời vang câu hát giữa trùng khơi”.
Là nhạc sĩ có chiều sâu tâm hồn và trí tuệ nhưng ít ai biết
được, có một quãng thời gian rất dài, vì sự e dè của một nhạc sĩ trẻ, Hoàng sáng
tác nhiều ca khúc nhưng chỉ để khỏa lấp khao khát, niềm đam mê với nghề nhưng
chưa đủ tự tin để phát hành. Năm 2009, Phạm Khánh Hoàng sáng tác ca khúc “Huyền
thoại một miền quê”, sau đó lẳng lặng thu âm ca khúc để thoảng hoặc nghe lại
như một cách tự động viên mình. Anh Hoàng kể: “Rất tình cờ, bố tôi nghe được ca
khúc này. Và có lẽ vì tâm đắc, ông đã tự mình cầm đĩa nhạc đó, đạp xe xuống gặp
ông trưởng đài phát thanh lúc bấy giờ mời nghe thử. May mắn thế nào, bài hát lại
được phát trên loa phát thanh của thị xã Sầm Sơn. Tôi không hề hay biết về điều
đó. Mãi cho tới khi, trong một lần về Sầm Sơn tắm biển, loáng thoáng có nghe thấy
bài hát của mình. Ngày ấy, dọc bãi biển Sầm Sơn, cách một đoạn lại có một loa
phát thanh và đều phát bài hát đó. Người dân đón nhận, lắng nghe một cách say
sưa; bạn bè biết chuyện gọi điện chúc mừng rất nhiều”. Cảm xúc của người nghệ
sĩ khi lần đầu tiên chứng kiến “đứa con tinh thần” của mình được công chúng đón
nhận, thật chẳng biết lấy gì tả xiết niềm vui sướng. Anh Hoàng chia sẻ: “Có một
khoảng thời gian, chiều nào tôi cũng về ngồi bên bãi biển để đợi xem loa phát
thanh có phát bài hát của mình không”. Trước sự đón nhận nhiệt tình của công
chúng; được sự động viên của những người có chuyên môn, anh Hoàng quyết định
thu âm lại ca khúc với giọng hát của ca sĩ Hoàng Thắng; sau đó gửi ca khúc “Huyền
thoại một miền quê”, “Chiều sông Mã” tham dự Giải thưởng văn học – nghệ thuật
năm 2018 của Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa và vinh dự đoạt giải B.
“Huyền thoại một miền quê” là ca khúc được viết bằng cả tâm
huyết, cảm xúc thăng hoa trong tâm hồn người nghệ sĩ. Từ thành công ấy, Hoàng tự
tin để nhìn lại quá trình sáng tác của mình. Giờ đây, cái tên Phạm Khánh Hoàng
đã trở nên quen thuộc với công chúng yêu âm nhạc xứ Thanh qua nhiều tác phẩm viết
về quê hương Thanh Hóa như: “Chiều sông Mã”, “Về lại biển”, “Về Thanh Phong nối
lại dòng đời”, “Tình mẹ”, “Khúc hát về Nông Cống”, “Ta cùng về Thanh Hóa thân
yêu”, “Ngôi sao xanh đi cùng trái tim hồng”... Một tác phẩm nghệ thuật khi đến
được với công chúng phải trải qua con đường rất gian nan. Người nghệ sĩ sáng
tác được một tác phẩm hay, chất lượng mới chỉ là một phần rất nhỏ. Nếu một tác
phẩm hay mà chỉ được cất trong ngăn kéo thì tác phẩm ấy hoàn toàn không có giá
trị. Chỉ khi tác phẩm ấy ở trong lòng công chúng, sống cùng đời sống của công
chúng mới tạo nên giá trị và phát huy được giá trị của tác phẩm ấy. Tuy nhiên,
bản thân người nghệ sĩ phải vững lập trường, đủ bản lĩnh để bảo vệ “đứa con” của
mình, đừng như người “đẽo cày giữa đường”. Hơn tất cả, Phạm Khánh Hoàng hiểu rằng:
Tình yêu quê hương tha thiết vẫn mãi là mạch nguồn cảm xúc dâng trào, thôi thúc
anh tiến bước trên con đường sáng tạo nghệ thuật.
31/5/2020
Nguyên Linh
Theo http://baothanhhoa.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét