Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

Hương thu

Hương thu
Nói đến mùa thu, đã có nhiều thi nhân muôn đời đổ bút mực mà vẫn thả lòng tri ngộ. Còn bao người thở dài vì bút mực của mình không đua kịp với cái đẹp đầy bí ẩn vi diệu khó chạm tới của mùa thu.
Phải chăng hương thu cũng bắt đầu từ đây. Bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi đem lại ít nhiều cảm nhận cho mọi người hương của mùa thu từ núi rừng đến đồng bằng vùng thôn quê: “… Gió thổi mùa thu hương cốm mới…/ Núi rừng đây là của chúng ta/ Những cánh đồng thơm ngát...”.
Hương thu làm cho tôi có một khoảnh khắc chênh chao khi chạm vào những giọt sương giăng khắp các tầng cây lúc bình minh, kéo theo se lạnh tràn qua những cánh đồng lúa vàng mênh mông, nương đồi bát ngát hương thơm của vùng thôn quê hòa cùng những hoa trái quanh vườn căng tròn như người con gái tuổi mười tám, đôi mươi vẫy chào hương thu đầy phấn chấn.
Tôi đi qua cái nắng như tơ từng sợi thả xuống vàng óng ánh, khói lãng đãng trên vùng thôn quê, trên những con phố trải vàng lao xao lá rụng. Cái nắng dịu dàng, nhẹ nhàng, từng cơn gió se se lạnh phảng phất bay qua cánh đồng, nương lúa chín, trái ngọt thơm ngát quanh vườn, tất cả tạo nên một mùa thu no ấm. Tiết trời mùa thu tạo cho lòng ta phấn chấn, bịn rịn hơn mỗi lần đi qua vùng thôn quê.  
Nói đến hương của mùa thu, ta không thể không nhớ đặc sản quê nhà như: lê vàng, lê xanh Thạch An, Bảo Lạc, Hà Quảng; hạt dẻ Trùng Khánh; cam Hòa An; cốm thơm đầu mùa… Đâu đâu cũng có tấm lòng trìu mến, mời gọi quý khách thưởng thức quả ngọt, cốm thơm tạo nên hương thu đầy quyến rũ.
Sản phẩm lê vàng, lê xanh những năm bảy mươi, tám mươi của thế kỷ XX đã cùng học sinh, sinh viên các trường trung học, cao đẳng, đại học đồng hành về miền xuôi và đi vào các trường chuyên nghiệp khắp cả nước. Nhớ lại thời sinh viên về nghỉ hè thường trùng rằm tháng Bảy và chuẩn bị đi nhập trường khai giảng năm học mới, lê - món quà không thể thiếu mang đi làm quà cho các thầy, cô giáo và bạn bè trong lớp.
Ngoài lê là sản phẩm mùa thu của Cao Bằng, không thể không kể đến hạt dẻ Trùng Khánh. Sau những đợt gió se lạnh đu đưa, những chiếc lá vàng dịu dàng nhè nhẹ rời cành bay xuống mặt đất tô đậm thêm sắc vàng mùa thu. Lúc này hạt dẻ như cô gái khoác bộ áo đầy tua sắc nhọn hé nở nụ cười khoe mùa thu hoạch đã đến.
Hạt dẻ được ví như người con gái đến tuổi mới đi lấy chồng, vì hạt dẻ chín vỏ mới hé mở khi cơn gió phảng phất đi qua lặng lẽ rơi xuống mặt đất, khi đó người thu hoạch mới tách vỏ bọc đầy gai để lấy hạt. Hạt dẻ Trùng Khánh thơm ngon, ngọt bùi không chỉ nổi tiếng với khách trong tỉnh mà còn trong cả nước.
Mùa thu, du khách có dịp đến thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao với khung cảnh thiên nhiên thơ mộng làm say đắm lòng người, sẽ được thưởng thức hạt dẻ và đem về làm quà cho người thân, bạn bè. Ngoài hạt dẻ, du khách đến thăm Cao Bằng còn được hòa mình cùng các cô gái, chàng trai thôn bản ra đồng chọn những bông lúa nếp thơm ngát hạt còn ngậm sữa đem về nhà tuốt, rang, rồi giã bằng tay làm cốm. Cốm ăn cùng với hạt dẻ có vị thơm ngon, ngọt bùi của núi rừng mà không nơi nào có được.
Nói đến hương thu, nhà thơ Trần Thủ Đức có cái nhìn tinh tế về hương lúa: “Dẻo thơm hạt gạo quê hương/ Có cả năm nắng, mười sương người trồng… Vẫn mang hương lúa tình người quê ta”. Cốm ở vùng thôn quê được kết tinh từ hương của trời, sữa của đất, những hạt mưa mùa hạ, giọt mồ hôi tạo nên màu sắc của hương thu.
Hương lúa, hương quả - hương của làng quê, hương của thiên nhiên, đất trời nơi thôn dã, hương của đồng lúa bốn mùa mưa nắng là thứ hương mùa thu nếu ai trong đời chưa được một lần thưởng lãm, cảm nhận thì thật đáng tiếc. 

3/10/2020
Chu Văn
Theo http://baocaobang.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...