Hát trống quân - Nghệ thuật diễn xướng
đặc sắc ngày Tết Trung
thu Bắc Bộ Tết Trung Thu ở miền Bắc có tục hát trống quân. Đôi bên nam nữ
vừa hát đối đáp với nhau, vừa đánh nhịp vào một sợi dây gai hoặc dây thép căng
trên một chiếc thùng rỗng, bật ra những tiếng “thình thùng thình” làm nhịp cho
câu hát. Những câu hát vận tức là hát theo vần, theo ý hoặc hát đố có khi có sẵn,
có khi lúc hát mới ứng khẩu đặt ra. Cuộc đối đáp trong những buổi hát trống
quân rất vui và nhiều khi gay go vì những câu đố hiểm hóc.
Hát trống quân là sinh hoạt văn hóa dân gian, bằng hình thức
hát giao duyên của người Việt ở vùng đồng bằng và trung du từ Thanh Hóa trở ra.
Nhiều vùng có Hát trống quân nhưng nổi tiếng nhất là ở Dạ Trạch, huyện Khoái
Châu, tỉnh Hưng Yên.
Phần lớn người dân không rõ Hát trống quân có từ bao giờ, chỉ
biết được cha ông truyền lại và hát đến nay. Tuy nhiên, ở Dạ Trạch, các cụ cho
rằng, Hát trống quân có từ đời vua Hùng thứ 3, khi công chúa Tiên Dung gặp và kết
duyên với Chử Đồng Tử, khai phá vùng đất này, dạy dân cách trồng lúa, ươm tơ, dệt
vải và dạy họ cả điệu Hát trống quân. Cũng có người cho rằng, Triệu Quang Phục
khi đánh thắng Trần Bá Tiên liền cho quân sĩ ăn mừng bằng cách gõ nhịp ngay
trên thuyền, trong những bụi lau sậy tại đầm lầy Dạ Trạch.
Trước Cách mạng tháng Tám, Hát trống quân ở Hưng Yên rất thịnh
hành, tổ chức nhiều tại làng và giao lưu với các vùng lân cận. Trong kháng chiến
chống Pháp và chiến tranh chống Mỹ, Hát trống quân nơi đây không còn được trình
diễn như xưa, có nguy cơ thất truyền. Sau những năm 1980, người dân các nơi dần
khôi phục các hoạt động giải trí, trong đó có Hát trống quân. Nhiều địa phương
đã thành lập các đội văn nghệ hay câu lạc bộ, như: Đội văn nghệ thôn Đức Nhuận
(năm 1985), Câu lạc bộ Hát trống quân Hương Nhãn (năm 2008), Câu lạc bộ Hát trống
quân thôn Tiên Kiều (năm 2000), Câu lạc bộ Hát trống quân thôn Kênh Cầu (năm
2014), Đội văn nghệ thôn Phú Mỹ, Câu lạc bộ Nghệ thuật truyền thống xã Hùng An
(năm 2001), Tổ Hát trống quân thôn Đồng Chung (năm 2010), Câu lạc bộ Hát trống
quân lời cổ (năm 2010). Riêng Câu lạc bộ Trống quân ở xã Dạ Trạch, huyện Khoái
Châu hiện có 6 Nghệ nhân ưu tú.
Hát trống quân là dân ca đối đáp, giao duyên, trao đổi kinh
nghiệm sống trong xã hội nông nghiệp lúa nước, được tổ chức chính vào dịp Tết
Trung thu. Người dân thường tổ chức hát trống quân vào dịp nông nhàn, sau vụ
mùa thu hoạch. Đây là hình thức sinh hoạt mang tính thời vụ, bởi nó phụ thuộc
vào chu kỳ cây trồng nông nghiệp. Ngoài ra, các làng còn tổ chức hát vào dịp hội
làng, như lễ hội đền Dạ Trạch (tháng Hai Âm lịch).
Người hát trống quân thực hành ở nhiều không gian khác nhau
như: lúc đi cấy, làm đồng, trong dịp Tết Trung thu, trong lễ hội, đám khao… Trước
đây, hát trong đám khao là hình thức sinh hoạt văn hóa của các gia đình có người
được phong chức, phong sắc, lên lão… Người ta tổ chức đám hát ở ngay tại sân
nhà chủ. Những người hát hay, ứng đối giỏi trong vùng được mời đến hát, gia chủ
và dân làng cũng có thể tham gia. Tuy nhiên, đây thường được coi là sân chơi của
những người tầng lớp cao, nên giới bình dân ít khi tham dự. Bởi vậy, có thể coi
hát trong đám khao là trình diễn mang tính nghệ thuật cao nhất của hát trống
quân. Và, gia chủ bao giờ cũng treo thưởng cho những người ứng đối tài giỏi nhất,
hát hay nhất.
Hát trống quân được diễn xướng theo 2 hình thức:
– Sinh hoạt mang tính thi thố, đối đáp, dân gian gọi là đám
hát, thường được tổ chức vào buổi tối, rất hiếm khi tổ chức ban ngày.
– Sinh hoạt tự do, ở mọi lúc mọi nơi, thuộc về những cá nhân
đơn lẻ. Người ta có thể hát khi đi cấy, đi làm cỏ, lúc nghỉ bên vệ đường… phần
nhiều là để giải trí. Với hình thức sinh hoạt này, người trẻ có điều kiện học hỏi
và rèn luyện theo lớp đi trước và hình thành lớp người kế cận.
Hát trống quân là dạng hát nói, hát kể nương theo niêm luật
và thanh điệu bằng trắc. Các điệu Hát trống quân chủ yếu là thể lục bát, song
thất lục bát hay thất ngôn bát cú biến thể chút ít. Khi diễn xướng trống quân,
người hát phải biết “phát tiếng”, “nhả lời”, chuyển âm tạo điệu. Chủ đề thường
ca ngợi quê hương đất nước, lao động sản xuất, tình yêu đôi lứa, các điển tích
văn học…
Một đặc điểm khác khá đặc trưng của diễn xướng trống quân là có
hiện tượng thay đổi cấu trúc lời thơ, đặc biệt ở Dạ Trạch, người hát thường hát
trước 4 từ sau của câu 6 ở đầu mỗi lần hát và hát trước từ thứ 8 của câu 8 trước
từ thứ 7 ở cuối mỗi lần hát. Hiện tượng này là thủ pháp nhấn từ, nhấn mạnh vào
cụm từ 3-4-5-6 và từ 8, cụ thể: câu lục mở đầu là 3-4-5-6/1-2-3-4-5-6; câu bát
kết thúc mỗi trổ (người địa phương gọi là câu đổ) là 1-2-3-4-5-6/8-7-8. Đây được
coi như một thủ pháp nghệ thuật đặc biệt, đôi khi gặp ở Hát trống quân phổ biến
hay thể loại nhạc cổ truyền Bắc Bộ khác nữa. Tuy nhiên, nó không trở thành một
hiện tượng mang tính quy luật như ở trống quân Dạ Trạch. Khi câu đổ vang lên là
dấu hiệu báo kết trổ để bạn hát đối đáp chuẩn bị nhập cuộc, tiếp nối.
Để thực hành Hát trống quân, không thể không kể đến việc chế
tác trống quân, ngôn ngữ âm nhạc, lối hát, phương thức diễn xướng.
Về chế tác trống quân:
Theo các nghệ nhân, khi làng lập đám hát, việc đầu tiên phải
làm là dựng trống (bắc trống). Trước hết, chuẩn bị một sợi dây mây tươi dài khoảng
4,5 – 5m, hai chiếc cọc tre hoặc gỗ dài chừng 35 – 40cm, một thùng gỗ (hoặc sắt
tây) có đường kính từ 35 – 45cm, cao khoảng 45 – 50cm và một cái nạng gỗ (làm bằng
chạc cây) cao chừng 12 – 15cm. Dây mây được ngâm nước để đạt tới độ mềm dẻo cần
thiết, rồi đập dập 2 đầu dây và buộc chặt vào 2 cái cọc. Cọc được kéo căng sợi
mây ra và đóng lút 2 đầu xuống nền đất rắn. Giữa hai đầu sợi mây là thùng gỗ lật
úp, được gia cố bằng 3 đai tre, miệng thùng được chêm cách đất để tạo khe thoát
âm. Sợi mây được gác lên nạng gỗ đặt giữa đáy thùng, căng tối đa, để đảm bảo tiếng
vang của trống quân. Nghệ nhân vừa căng dây, vừa điều chỉnh âm thanh cần thiết.
Cái thùng có vai trò như bầu cộng hưởng còn chiếc nạng là ngựa đàn. Khi diễn xướng,
2 người hát bên nam và bên nữ bắc nghế ngồi chéo nhau quay mặt vào thùng gỗ. Đến
phiên ai hát thì người đó dùng dùi gõ vào đoạn dây mây ở gần nạng gỗ, trống sẽ
phát ra những âm thanh không xác định cao độ, sắc thái hơi giống với tiếng trống
da loại nhỡ, nhưng nghe nhỏ và đanh hơn.
Hiện ở Dạ Trạch, nghệ nhân vẫn dùng dây mây, nạng để căng trống.
Tuy nhiên, họ dựng trống bằng cách đào một hố sâu khoảng 20 – 30 cm, đổ vỏ ốc
xuống, bắc hai thanh tre lên miệng hố và úp thùng gỗ lên, chia đều dây mây buộc
hai đầu dây vào hai cọc, úp nạng gỗ xuống và nâng dây mây lên trên nạng cho
cân. Hoặc để thuận tiện khi trình diễn theo sân khấu hóa, họ không đào hố mà
dùng miếng gỗ dài 5 – 6m để đặt trống lên trên. Một số địa phương khác, nay
không làm trống quân mỗi khi có đám hát, mà chuyển sang dùng trống bịt da hai đầu
và dùi gõ trực tiếp.
Ngoài chức năng giữ nhịp và tạo âm nền tiết tấu đệm cho giọng
hát, trống quân còn được dùng để phân ngắt giữa các câu thơ, các trổ hát. Bên cạnh
đó, nó còn khỏa lấp chỗ trống khi người hát chưa kịp nghĩ lời ca tiếp theo.
Về ngôn ngữ âm nhạc:
Giống như ở nhiều vùng từ đồng bằng đến trung du, các bài Hát
trống quân ở Hưng Yên cũng thuộc loại nhịp chẵn (nghĩa là có sự luân phiên đều
đặn giữa phách mạnh và phách nhẹ). Một số câu hát có lời ca trùng khớp với những
câu hát của các loại hình âm nhạc dân gian khác.
Hát trống quân ở Hưng Yên có lúc dùng nhạc cụ đệm (trống
quân) trong đám hát, có lúc không (khi hát trống quân tự do). Trống quân trong
đám hát có nhiệm vụ giữ nhịp với những âm hình, tiết tấu khác nhau, thường thống
nhất ở tính trữ tình/bình ổn. Các dạng tiết tấu không chỉ “đệm”, “làm nền” cho
giọng hát, mà trong nhiều trường hợp, còn giữ vai trò “lưu không” khi thay đổi
các giọng hát (từ giọng nam sang giọng nữ hoặc ngược lại). Giai điệu của hát trống
quân gần với ngữ điệu của tiếng nói, lời được chuyển tải từ thơ.
Về lời hát:
Lời ca của trống quân là tiếng nói tâm tình, ước vọng về một
cuộc sống tươi đẹp, thể hiện trí tuệ của người lao động trước những hiện tượng
tự nhiên và xã hội. Do bản chất của Hát trống quân là hình thức hát đối đáp trai
gái nên tình yêu nam nữ vẫn là chủ đề nổi bật nhất, biểu hiện ngay từ cách xưng
hô: anh - em, chàng - nàng, ta - mình giữa các cặp hát.
Về phương thức diễn xướng:
Hát trống quân có thể diễn xướng khi đi làm đồng, trong hội
hè, ở đám khao… Trong từng trường hợp nhất định, trật tự các bài Hát trống quân
có thể khác nhau, tùy theo nội dung của câu hát, bài hát: hát chào, hát mời,
hát mời trầu, hát giao duyên, hát đố, hát họa, hát thách cưới, hát chia tay.
Trong một đám hát trống quân trước đây, người hát thường được
chia làm hai nhóm: nam và nữ, đứng ở hai bên dây của trống quân. Mỗi nhóm thường
có từ 4 đến 5 người, là những người hát hay, ứng đối lời thơ nhanh. Đại diện mỗi
nhóm ngồi hát ở hai bên. Hát trống quân được trình bày theo hình thức từng người
hát một, do đó, đầu tiên bên nam (hoặc nữ) cử một người vào hát trước để chèo
kéo bên kia vào cuộc, khi người hát gần xong khổ thơ của mình thì bên nữ (hoặc
nam) cử người của bên mình vào. Người hát vừa hát, vừa dùng một que tre nhỏ gõ
vào sợi dây mây đệm cho giọng hát của mình, đồng thời, giữ nhịp mỗi khi hết một
câu hát. Khi cặp nam nữ đối đáp so tài, tất có kẻ thắng, người thua. Và, bên
nào thua sẽ thay người khác vào hát tiếp.
Về cấu trúc, mỗi lượt hát đối (hay đáp) được coi như một trổ.
Mỗi trổ hát gồm ít nhất 2 cặp thơ lục bát. Những trổ hát dài nhất thường không
quá 12 đến 14 cặp thơ.
Các hình thức diễn xướng có tổ chức với những chủ đề, nội
dung đặc trưng, một đám hát trống quân bao giờ cũng được chia thành nhiều chặng.
Quy trình diễn xướng trống quân thường biểu hiện cấu trúc kiểu mở đầu – tiếp diễn
– kết thúc với tính lề luật khá cao. Có thể thấy ở trình tự: hát lập đám (hát
chào), hát vận, hát giao hẹn, hát mời nước, hát mời trầu, hát huê tình, hát họa,
hát đố, hát thách cưới, hát kể chuyện.., kết thúc bằng hát chia tay.
Tại Dạ Trạch, các nghệ nhân cho biết, mỗi đám hát phải có đủ
bốn đôi nam nữ, trải qua các chặng, một đôi có thể hát suốt đêm, có khi một vài
đêm. Ngày nay, những người yêu thích trống quân cổ đã biên soạn và dựng lại được
bốn đôi đặc trưng của trống quân xưa.
Mở đầu, xen giữa hay kết thúc các trổ, các phần, người hát
thường sử dụng những làn điệu dân ca khác của người Việt như hát ví, cò lả, sa
mạc… làm phần kết nối. Chúng có tác dụng như những đoạn chen, khiến cho tính
nghệ thuật của đám hát thêm phong phú, làm cuộc chơi thêm hấp dẫn. Mặt khác, đặc
điểm đó cũng đòi hỏi người trình diễn buộc phải có khả năng bẻ làn, nắn điệu,
phải được rèn luyện theo thời gian.
Về tập tục, lề lối:
Để chuẩn bị cho đám hát trống quân, chỉ nghệ nhân cao tuổi mới
được kiểm tra chất lượng âm thanh của trống. Người mở đầu đám hát bao giờ cũng
là người địa phương giới thiệu về quê hương mình và giới thiệu bản thân. Trong
đám hát, một số nơi còn có hát xui (hát trợ giúp).
Hát trống quân ở Bắc Bộ nói chung và ở Hưng Yên nói riêng có
nguồn gốc gắn liền với những sự kiện chống ngoại xâm của dân tộc. Có thể nói,
đó là nguồn gốc mang đậm dấu ấn lịch sử Đại Việt. Riêng hát trống quân Dạ Trạch
còn gắn với truyền thuyết Chử Đồng Tử – Tiên Dung, gắn với Lễ hội Chử Đồng Tử.
Hát trống quân thường có nội dung đề cập đến các sự kiện lịch sử, địa danh làng
xã, tục cưới hỏi, sản vật quê hương… Vì vậy, có thể coi nội dung các câu hát là
kho sử liệu quý về lịch sử làng xã, có tính giáo dục cao trong cách thức ứng xử,
ca ngợi cái đẹp, phê phán cái xấu. Thời điểm tổ chức hát trống quân của cộng đồng
cũng thể hiện đặc trưng của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ. Hát trống
quân ở Hưng Yên góp phần làm giàu kho tàng văn học dân gian và âm nhạc truyền
thống dân tộc, thể hiện sự cố kết cộng đồng của cư dân nơi đây. Sinh hoạt văn
hóa này đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người dân, góp phần giải tỏa
những lo toan, nhọc nhằn trong cuộc sống, sản xuất của cá nhân nói riêng và cộng
đồng nói chung.
Với giá trị tiêu biểu, Hát trống quân ở Hưng Yên được Bộ trưởng
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc
gia tại Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL ngày 21/11/2016.
2/10/2020
Nguồn: DCH.GOV.VN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét