Nét đối lập độc đáo với hình tượng biển trong Sinh ra trên Đất nước «bao lơn của Thái Bình Dương», với
hơn ba nghìn cây số (1) bãi bờ duyên hải, con người Việt Nam - đương nhiên - dễ trải rộng tâm hồn theo chiều dài biển cả. Rất nhiều bài hát về biển (2) đã
được viết ra từ nhiều thập kỷ nay, với những nội dung và giai điệu khác nhau.
Từ sự hứng khởi, hào hùng của một chuyến vượt trùng dương đầy
hăng say và ước mộng, được mô tả bởi một Phạm Duy lạc quan, hồ hởi, thuở nước
nhà mới bắt đầu vượt thoát gông cùm thuộc địa:
Ra khơi
Thấy lòng phơi phới, thấy tình thế giới
Thấy mộng ngày mai, thấy niềm tin mới...
(Viễn Du (3), 1953)đến nỗi đau khổ, bi lụy, toát ra từ những ca khúc khá
«thời thượng» bây giờ, như của một Kim Tuấn chẳng hạn:
Sóng reo não nề, hải âu không về
Vắng em trên đời, biển thầm than khóc ngàn lần với tôi
Cùng tôi biển chết, cùng em biển tan
Ngàn năm nỗi đau hóa kiếp mây ngàn cô đơn biển cạn...
(Biển Cạn (4), 1997)
Hay của một Bảo Chấn, cũng trong tâm trạng tương tự, được
sáng tác vào cùng thập niên 1990:
Khi anh xa em, sóng thôi không xô bờ
Khi em xa anh, đá bơ vơ
Con sông lang thang đã khô nơi đầu nguồn
Bên em bên em, biển đã chết...
[Bên Em Là Biển Rộng (5)]
Biển với người, theo cảm hứng và quan niệm nghệ thuật của từng
tác giả, đã trải qua biết bao lần thay vai, «lột xác»!Đối với nhiều thi sĩ, nhạc sĩ - các bài hát trích dẫn ở đây hầu
hết đều được gợi hứng hoặc phổ từ thơ -, biển là chứng nhân, là bạn đồng
minh, là kẻ đồng tình, cho người trong cuộc có dịp mượn cớ tuyên ngôn, trong một
sự tan hòa lý thú giữa tạo vật với con người, giữa mộng và thực, như qua những
câu tha thiết đáng yêu này:
Anh xa em
Trăng cũng chợt lẻ loi… thẫn thờ
Biển cũng thấy… mình dài rộng thế
Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn
(Thơ Viết Ở Biển, Hữu Thỉnh
Biển, Nỗi Nhớ Và Em, nhạc Phú Quang) (6).
Hoặc, quen thuộc hơn đối với những ai sống trong Nam, là
những âm điệu du dương ghi dấu một thời:
Ngày mai em đi
Biển nhớ em quay về nguồn
Gọi trùng dương gió ngập hồn
Bàn tay chăn gió mưa sang...
(Biển Nhớ (7), Trịnh Công Sơn).
Nhưng rõ nét nhất cho mối tương quan giữa biển và tình yêu có
lẽ là điệp khúc đầy ma lực «Biển một bên và em một bên», còn vang vọng
trong ta từ lời trần tình nổi tiếng của một Trần Đăng Khoa ở tuổi thanh niên,
mà Hoàng Hiệp đã không bỏ lỡ cơ hội đặt nốt cho lời vào những năm 1984:
Khi chia tay anh dạo trên bến cảng
Biển một bên và em một bên
Biển ồn ào, em lại dịu êm
Anh như con tàu lắng sóng từ hai phía
Biển một bên và em một bên...
(Chút Thơ Tình Người Lính Biển) (8)
Thế rồi, nhích thêm một nấc nữa, biển được nâng lên
hàng người yêu : hình tượng biển từ đó trở thành quen thuộc và - lạ
thay - được nghiễm nhiên mang màu... «lưỡng tính».
Quả vậy, với Xuân Diệu, trong một sáng tác để đời - tuyệt vời
gợi cảm - được viết gần cả hai chục năm sau giai đoạn «thanh
xuân» tiền chiến - và đã được phổ nhạc bởi ít nhất ba tác giả khác
nhau (9) -, biển là một chàng trai đắm đuối, hừng hực ngất
ngây. Vì một tình yêu chinh phục, chiếm hữu, cuồng si, vũ bão:
Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ, thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi
Đã hôn rồi, hôn lại
Cho đến mãi muôn đời
Đến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt…
Cũng có khi ào ạt
Như nghiến nát bờ em
Là lúc triều yêu mến
Ngập bến của ngày đêm...
(Biển, 1962)
Rồi tới Trịnh Công Sơn, biển cũng đã từng mang vóc hình vạm vỡ,
hiên ngang, một cách đầy ám ảnh như tấm lưng trần «giống pho tượng Hy Lạp»
của chàng Vọi biểu tượng trong tiểu thuyết Trống Mái (1936) của Khái
Hưng:
Tình yêu như biển
Biển rộng hai vai
Biển rộng hai vai...
(Lặng Lẽ Nơi Này) (10)
Thế nhưng, từ vị trí đối cực, Xuân Quỳnh đã quyết định làm
ngược lại.
Nhà thơ chọn ví mình với biển - và hình ảnh đại dương, từ đó,
thuộc phái nữ - qua bài thơ Thuyền Và Biển (xuất bản năm 1963 11,
nhưng phải đợi thêm hai thập kỷ sau 12 mới thật sự được công chúng rộng rãi
biết đến, nhờ tài phổ nhạc của Phan Huỳnh Điểu 13):
Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông dường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu về đâu...Dường như vẫn chưa đủ. Xuân Quỳnh, sau đó, lại khẳng định
thêm lần nữa bản chất nữ tính của biển qua một bài thơ khác, cũng rất thành
công, mang tên «Sóng 14» (trong tập «Hoa dọc chiến hào», in
năm 1968):
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
Và cứ thế, trải qua nhiều năm tháng, vẫn trung thành lui tới
đều đặn trong tâm trí ta - cùng với hình tượng người đàn bà biển cả mặn
mà, thắm thiết - những lời ca mẫu mực, nhịp nhàng, lập đi lập lại như một hằng
số yêu thương:
Những ngày không gặp nhau, biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau, lòng thuyền đau rạn vỡ
(Thuyền Và Biển).
Cho đến một ngày...
Vâng, một ngày không xa, bỗng xuất hiện bất ngờ - óng ánh như
một báu vật rọi từ tấm gương phản diện, đồng thời lại khiêm tốn, nhẹ nhàng tuy
không kém phần khẩn khoản, thiết tha - những câu hát dịu êm, nghe thì đơn
sơ, mộc mạc mà âm vang, thấm thía lạ thường:
Đừng ví em là biển
Sâu thẳm và bao la
Thuyền nan em bé nhỏ
Không xa được bến bờ
Đừng ví em là biển
Nước mặn chát chân trời
Giữa mênh mông vẫn khát
Không uống được anh ơi!
Lời ca cất lên, bình dị mà ấn tượng. Như một đột biến trong
không gian thanh nhạc đã quá quen tai, không giống với bất cứ tác phẩm nào trước
đó: một yêu cầu - gần như là mệnh lệnh - của lý trí và tình cảm.
Lý trí, vì sự tương phản giữa thực tế hạn hẹp và mộng tưởng
vô bờ, giữa thuyền em «bé nhỏ» và biển cả «bao la».
Tình cảm, vì biển khơi thì «mặn chát» mà lòng em
chỉ khao khát ngọt ngào...
Đừng ví em là biển
Ngàn năm sóng xô hoài
Suốt cuộc đời không gặp
Đến bờ là tàn phai.Khẳng định lần thứ ba này là để nhắc rằng không thể nào ví em
được với biển. Bởi, nếu là sóng - như ý thơ Xuân Quỳnh -, thì bao giờ ta mới gặp được
nhau trong chuyển động «xô hoài» vô tận của đại dương, và một khi
«đến bờ» sóng lại phải chịu phận tan tác, «tàn
phai»?
Câu hỏi, nghĩ cho cùng, vượt cả khuôn khổ tâm tình để trở
thành vấn nạn hiện hữu. Không lên gân cường điệu, không trau chuốt hoa mỹ ngôn
từ, bài hát - tài tình thay - lại chạm đúng tới nhiều chủ đề
trung tâm, như ta sẽ tiếp tục khám phá: cái vẻ «mộc» của giọng
nói, thì ra, chỉ là một sự đánh lừa của cảm giác ban đầu.
Không, em không thể nào sánh được với biển cả. Chẳng cần chi
phải nói đến số lượng, kích cỡ, vốn đã vô cùng cách biệt! Chỉ cần
nhìn vào phẩm tính, công lao, linh hồn của biển - cao cả không bì được
và không hề đổi thay -, trong chu kỳ bất tận tròn khuyết, nổi chìm của mọi
vật thể, tâm thế, trước thời gian:
Vị mặn dâng cho đời
Buồn vui đầy lại vơi.
Lại một điểm xuất thần: chỉ qua hai câu ngắn ngủi, với
mười từ giản dị, tác giả đã tóm lược được ý nghĩa, lộ trình, cái lô chung (lot
commun) của mọi thân phận, số kiếp, giữa càn khôn. Cái lớn lao ở đây ẩn chìm
trong cái thường nhật, vô nghĩa, vô ân - «dâng cho đời», cho không
cần nhận -, mãi lập đi lập lại, như thao tác của ngàn triệu dã tràng, như bóng
dáng chàng Sisyphe15 trong huyền thoại Hy Lạp xa xôi...
Rồi bài hát bước sang phần điệp khúc, với những nốt vút
cao, lồng lộng:
Em không là biển khơi
Em chỉ là em thôi
Đừng ví em là biển
Càng rộng càng cô đơn
Mỗi năm ngàn trận bão
Tan nát cả tâm hồn
Tới đây, tuyên ngôn mới được phát biểu trọn vẹn, ngắn gọn, rõ
ràng, như một chân lý: tôi là tôi, duy nhất và tự tại.
Cùng lúc, một thông điệp tế nhị được gửi đi: đừng tự
đánh lừa bằng cách tôn vinh quá mức những đối tượng mình ước muốn hoặc
ngưỡng mộ. Một thứ mầm mống dễ dẫn tới phá sản tư duy - khó ngờ, đến lúc nào
không biết -, rình rập chẳng phải riêng ai mà là cả một thế hệ, một thời đại!
Xin anh hãy nhìn thẳng vào thực giới như nó là. Anh muốn
em là biển ư, để được gì? Bởi, càng bao la càng trống trải. Biển lớn bao nhiêu
thì dễ gặp bão tố bấy nhiêu!
«Mỗi năm ngàn trận bão/ Tan nát cả tâm hồn»:
hai câu cuối vọng lại, thê thiết, ngậm ngùi, như một thứ dư chấn dội từ những
thiên tai tàn phá. Và vì bài hát man mác nhuốm chút âm hưởng giọng dân ca Trung
bộ, người nghe không khỏi nao nao liên tưởng đến «khúc ruột miền
Trung» đau thương, vật vã mỗi năm, khi tới mùa bão lũ...
Thực tại đó khiến người con gái của bài ca bất chợt phải co
ro, rùn khép vòng tay lại - chừng như cũng ở cùng tư thế, dáng điệu «Em sợ lắm,
giá băng tràn mọi nẻo» 16 của người kiều nữ năm xưa, mà Xuân Diệu đã
một lần biến thành bất tử -, và buột miệng:
Em không là biển khơi
Bến bờ nằm khắp muôn nơi
Mà lòng em chỉ muốn
Của một mình anh thôi
Rồi bài hát được khép lại - khẩn khoản, dứt khoát - trên đôi
môi diễm lệ, rộn ràng:
Đừng ví em là biển
Em chỉ là em thôi
Đừng ví em là biển
Em chỉ là em thôi
Đừng Ví Em Là Biển là một thành tựu đặc biệt, đã đưa ra
được - trong mối tương quan cổ điển con người/ biển cả/ tình yêu - một phong
cách và cái nhìn mới, đối lập với hầu hết mọi tiếp cận hình tượng biển trước
đó. Có thể nói đây là tác phẩm mang tính phản đề khi đối chiếu với
quan điểm của Xuân Quỳnh và, trong chừng mực nào đó, với tất cả những bài đã
nêu trên.
Chẳng những về nội dung như vừa phân tích, mà cả trong quá
trình sáng tác, ca khúc có một sự đối xứng gần như toàn diện với nhạc
phẩm nổi trội số một trên chủ đề quan tâm: Thuyền Và Biển.Tác giả Minh Thiện (ảnh chụp năm 2010) *** Bởi vì, trước tiên, tác giả bài thơ gốc không đồng phái với
Xuân Quỳnh mà là một thầy giáo, bút danh Minh Thiện. Yêu thơ và làm thơ nhưng tự
nhận mình chỉ là «nghiệp dư», ông viết Đừng Ví Em Là Biển khởi từ một
ý định ban đầu để chúc mừng các nữ giáo viên giỏi mà ông đã gặp - nghĩa là hoàn
toàn khác với đối tượng và chủ đích mà người bạn đường tài hoa của Lưu Quang Vũ
nhắm khi sáng tác - trong một chuyến đi tham quan Hạ Long 17: đăng trên báo Quân
đội nhân dân năm 1997, nó đã gây cảm hứng cho nhạc sĩ Trần Thanh Tùng 18 để làm
nên bài tình ca độc đáo.
Cùng một mục đích vinh danh tình yêu, Xuân Quỳnh ví mình là
biển, còn Minh Thiện tránh biển. Để thăng hoa tình yêu, Xuân Quỳnh chắp đôi
cánh mộng mơ: Minh Thiện dựa sát thực tế. Trong khi Xuân Quỳnh ca ngợi
«sóng bạc đầu thương nhớ» thì Minh Thiện than «nước mặn chát chân
trời», «mỗi năm ngàn trận bão»...
Các tác giả xưa nay lấy biển làm chất liệu, khung cảnh, hoặc
đối tượng yêu đương biến tướng. Minh Thiện thì, trái lại, khước từ biển, để trở
lại với người. Con người bằng xương bằng thịt, yếu đuối, nhỏ nhoi:
Thuyền nan em bé nhỏ
Không xa được bến bờ
với cách nói chân chất và thực tế như cuộc sống thường
ngày:
... Sóng xô hoài [...]
Không uống được anh ơi [...]
Em chỉ là em thôi.
Mỹ học của Đừng Ví Em Là Biển là mỹ học phi lãng mạn.
Thanh đạm «dâng cho đời» mà vẫn thanh lịch: kiệm lời trong ngữ
điệu, tối giản trong thi pháp, Minh Thiện đã chứng minh qua tác phẩm của ông
giá trị của cái cụ thể, sức thuyết phục của giọng điệu dân dã hồn
nhiên.
Ngần ấy những đặc trưng cũng đủ để cho thấy việc thể hiện một
nhạc phẩm như Đừng Ví Em Là Biển không hẳn là chuyện dễ.
Thật thế, mặc dù đã có rất nhiều phiên bản trình bày, từ
Thanh Thanh Hiền đến Anh Thơ 19, qua những ca sĩ khác như Tân Nhàn, Minh Phương,
Hạ Vân, Thu Hiền (chưa kể tới Khánh Hòa, Hương Giang, Cẩm Tú, Quỳnh Vân, Lương
Ngọc Diệp...) 20, người nghe vẫn có cảm giác chưa tìm ra được người hát ngang
tầm: sự lột tả tinh thần và vẻ đẹp của tác phẩm đòi hỏi, ngoài chất giọng, sự
tinh tế trong độ đậm nhạt từng câu chữ, cũng như - hết sức quan trọng - sự ăn
khớp của phần phối khí, hòa âm, là cái tạo khí hậu cho bản nhạc.
Anh Thơ thường được nhắc tới như ca sĩ «chuẩn» của
bài này. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến không đồng tình. Lý do chính là vì Anh
Thơ - cũng như phần đông những người thể hiện khác - tiếc thay, đã không chú ý
đúng mức đến cái lõi cốt, cái hồn của bài hát, mà có vẻ như muốn chứng tỏ giọng
tốt nhiều hơn. Họ dễ rơi vào cái bẫy nấp đằng sau cụm từ «biểu diễn»
(thường được hiểu thành «phô trương») trước công chúng, khi tác phẩm
đòi hỏi cái khác: nét mềm mại, duyên dáng, sự sâu lắng, thiết tha.
Trong phiên bản chính thức trên mạng, ngoại trừ phần đàn và
trống đệm khá xa lạ với bài hát, đoạn Anh Thơ xướng thanh (vocalise) - mà
người soạn hòa âm đã thêm vào - càng khiến cho người nghe bỡ ngỡ, tưởng mình
đang đứng trước một bản nhạc... phương Tây nào đó! Về mặt này, theo thiển ý, phần
xướng thanh trong phiên bản Hương Giang hát 21 tương thích với dòng nhạc
hơn và cách ca sĩ này nhả chữ cũng phù hợp với tinh thần tác phẩm hơn. Dĩ
nhiên, người khó tánh có thể tiếc là Hương Giang giọng không được dày bằng Anh
Thơ, và cũng chưa biết khắc phục việc lấy hơi trong lúc hát để có thể diễn đạt
hay hơn nữa.
Sau gần hai mươi năm góp mặt với đời, Đừng Ví Em Là Biển
không hề bị «lão hóa» mà vẫn tràn đầy sức sống. Bằng cớ là nó được nhiều
người trẻ chọn để trình bày trong những dịp thi hát hoặc liên hoan 22, gặp gỡ
vui chơi, kể cả ở phòng trà, mà trường hợp Mai Thùy Ngân hát - với tất cả sự
tươi mát, yêu kiều, bên tiếng đàn guitare tài tử - ở quán Next Café 23 là một
điển hình thú vị.
Một dấu hiệu khác, nhà nghề hơn: ca sĩ Thành Lê 24, giải
nhất dòng nhạc dân gian cuộc thi Sao Mai 2007, cũng đã chọn bài của Minh Thiện/ Trần
Thanh Tùng trong album mới nhất của mình.
Song, thành thực mà nói, nếu phải tham khảo rộng rãi giới yêu
nhạc về bài hát này thì chắc có lẽ khó có phiên bản nào nhận được đa số tuyệt đối.
Trừ phi - biết đâu! - có được một sự đồng thuận chung quanh thành tích thể
hiện - khá cân đối, giản dị và êm ái - của Khánh Phương 25, một giọng nữ tuy ít
được biết đến nhưng tỏ ra có nhiều tiềm năng và phong độ...
Đừng Ví Em Là Biển là một hạt ngọc giữa biển nhạc hôm
nay: nhìn ra nó và làm cho nó sáng đẹp, phải chăng, tất cả chỉ còn tùy ở
con mắt và tài năng của nghệ nhân trong đời?.
Chú thích:
Tác giả Minh Thiện (ảnh chụp năm 2010) ***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét