Thứ Ba, 20 tháng 10, 2020

Thơ Huy Cận trong tiếp nhận của lý luận phê bình văn học ở miền Nam giai đoạn 1954-1975

Thơ Huy Cận trong tiếp nhận của lý luận 
phê bình văn học ở miền Nam giai đoạn 1954-1975
1. Mở
Không biết tự bao giờ, những bài thơ trong Lửa thiêng của Huy Cận như: Tràng giang, Ngậm ngùi, Nhạc sầu, Điệu buồn… đã trở thành nỗi ám ảnh trong tâm thức của tôi. Chỉ nhớ rằng, thơ Huy Cận đã đến với tôi từ thuở ấu thơ qua bài Tràng giang, trong chương trình Quốc Văn, khi học lớp Nhất bậc tiểu học ở miền Nam trước 1975 (tức lớp 5 bây giờ), mà chúng tôi được học ở môn học thuộc lòng. Trong trí tưởng tượng của tôi lúc ấy, Tràng giang không chỉ là một con sông dài với những cánh bèo trôi bồng bềnh trên sóng nước mênh mông, không biết về đâu mà dòng sông ấy còn chuyên chở những nỗi buồn, niềm cô đơn của phận người. Và, thơ Huy Cận đã neo lại với tâm hồn tôi như một nhân duyên, từ đó. Song, tôi nghĩ: không chỉ  tôi mà hầu hết những học sinh, sinh viên và trí thức ở miền Nam trước 1975 đều thuộc thơ Huy Cận, yêu thơ Huy Cận và sống với những ảnh tượng trong thơ Huy Cận, nhất là khi bài thơ Ngậm ngùi của ông được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Và cũng từ đó, thơ Huy Cận càng rực sáng hơn trên thi đàn miền Nam trước 1975. Vì vậy, trong “lời phi lộ” gởi độc giả viết ngày 1/5/1967 tại Sài Gòn, khi tái bản tập thơ Lửa thiêng của Huy Cận, người viết đã chia sẻ: “Gần đây một số thi phẩm của các Thi nhân Tiền chiến được tuyển chọn làm tài liệu tham khảo văn chương cho chương trình Đại học Văn khoa. Trong số những thi phẩm ấy, có một số của các thi nhân mà hiện thời, họ đang sinh sống bên kia giới tuyến, nơi phân nửa của lòng đất mẹ cách ngăn! (…) Đứng trong địa hạt văn chương - đối với thi nhân - chúng tôi quan niệm rằng: Đây là những bông hoa tươi sắc ngát hương của “Vườn Hoa Tiền Chiến” thì, không lý nào chúng tôi lại dang tay ngắt bỏ đôi cành! Mà trái lại, chúng ta còn có cái trách nhiệm vun bồi, và vun bồi mãi mãi để cho Vườn Hoa Đất Nước ngày càng thêm phô Sắc ngát Hương… Có quan niệm và nhận chân được như thế, chúng ta mới có thể hy vọng sẽ làm tròn bổn phận của kẻ “chăn Vườn” hiện đại!” [1].
Với quan niệm cởi mở như thế, nên trong giai đoạn 1954-1975 ở miền Nam, thơ Tiền chiến, trong đó có thơ Huy Cận đã đưa vào giảng dạy trong nhà trường và được các nhà lý luận - phê bình văn học quan tâm nghiên cứu ở nhiều công trình như: Một thời lãng mạn trong thi ca Việt Nam, (Tân Việt Xb., SG, 1958) của Hà Như Chi; Thơ Việt Nam hiện đại 1900-1960, (Hồng Lĩnh Xb., Sài Gòn, 1969) của Uyên Thao; Lược sử văn nghệ Việt Nam - Nhà văn tiền chiến 1930-1945, nhận định văn học, (Vàng son Xb., Sài Gòn, 1974) của Thế Phong;  Hồn thơ nước Việt thế kỷ XX, (Sơn Quang Xb., SG, 1970) của Lam Giang - Vũ Tiến phúc; Những Khuynh hướng trong thi ca Việt Nam (1932 - 1962), (Khai Trí Xb., SG, 1962) của Minh Huy; Việt Nam Văn học sử giản ước tân biên (tập 3), (Quốc học Tùng thư Xb, SG, 1965) của Phạm Thế Ngũ; Việt Nam Thi nhân Tiền chiến (Quyển Trung) (Sống Mới Xb., SG, 1972) của Nguyễn Tấn Long; Dư vang nghệ thuật (tiểu luận lý thuyết phê bình thơ ca) (Nhà Xb. Hạnh, SG, 1971) và Một phương pháp phân tách chủ đề văn chương, (Lửa Thiêng Xb., SG,1974) của Trần Nhựt Tân; Huy Cận và những bước vong thân (khảo luận, phê bình văn học) (Nguyệt San Nhân văn số 8 tháng 2/1971) của Sông Thai,… Vì vậy, không phải ngẫu nhiên, Bùi Giáng, một thi tài, một nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình, dịch thuật văn học, một trong những gương mặt văn chương được xem là “quái kiệt” của văn học miền Nam trước 1975, trong tác phẩm Thi ca tư tưởng (tức đi vào cõi thơ cuốn 2), Ca Dao ấn hành lần thứ nhất vào tháng 12 năm 1969, tại Sài Gòn đã ca ngợi Huy Cận là một thiên tài thi ca, khi Bùi Giáng bình hai câu thơ của Huy Cận: “Và cổ đứng như mình cây vững chãi/ Và vai ngang như mặt nước xuôi dài”. Viết câu thơ lai rai như thế mới đích thị là thiên tài (…) Và cái câu: “Tôi đội tang đen và mũ trắng/ Ra đi không hẹn ở trên đường”. Ông viết hai câu thơ kỳ tuyệt như thế, thì thử hỏi: còn chi đáng kể nữa? Ông thừa sức xô ùa Đường thi chạy mất hút. Toàn khối thi ca Trung Quốc, toàn khối thi ca Tây Phương, hầu như bị nổ bung lông lốc, vì cái trái lựu đạn đơn giản đó của ông tung ra” [2]. Một nhà thơ tài năng, uyên áo và “ngông nghênh” như Bùi Giáng mà trân quí Huy Cận đến thế, thiết nghĩ là chuyện không bình thường và cũng là điều đáng để chúng ta suy ngẫm khi đến với thơ Huy Cận!?
Tiếp nhận thơ Huy Cận với một cái nhìn đa diện, đa chiều. khách quan, khoa học từ những công trình lý luận - phê bình ở miền Nam giai đoạn 1954-1975 là điều mà bài viết hướng đến nhằm xác lập giá trị về tài năng thi ca, địa vị, cũng như đóng góp của Huy Cận đối với nền văn học dân tộc mà các nhà lý luận - phê bình văn học ở miền Nam ghi nhận trong quá trình nghiên cứu thơ Huy Cận về phương diện nội dung và nghệ thuật.
2.Tiếp nhận thơ Huy Cận về phương diện nội dung
2.1. Thơ Huy Cận với nỗi buồn và niềm đau thân phận
Trong Mai sau, xem như một bài thơ tự tình của Huy Cận ở Lửa thiêng, thi nhân đã tự nhận “Chàng Huy Cận xưa kia hay sầu lắm/ Gió trăng ơi nay còn nhớ người chăng?/ Hơn một lần chàng đã gởi cho trăng/ Nỗi vô tận của hồn buồn không có”. Điều này cho thấy nỗi buồn và niềm đau thân phận đã trở thành một nỗi ám ảnh của vô thức và tâm linh trong thơ Huy Cận. Và như một định mệnh, nỗi buồn ấy không chỉ là nỗi buồn của riêng ông mà còn là nỗi buồn của những Thi nhân Tiền chiến cùng thời với ông. Nói rộng ra, đó cũng là nỗi buồn của cả một dân tộc ở những tháng năm đất nước còn chìm trong thời kỳ nô lệ đen tối với bao nỗi khổ đau bao phủ cuộc sống con người, nên Huy Cận và các Văn Thi sĩ Tiền chiến cùng thời phải sống trong nỗi buồn và niềm đau thân phận cũng là điều tất yếu. Vì thế, nhận xét về nỗi buồn trong thơ Huy Cận, Hà Như Chi trong Một thời lãng mạn trong thi ca Việt Nam, (Tân Việt Xuất bản, SG, 1958) cho rằng Huy Cận “đã cực tả được nỗi buồn hiu hắt, vươn lên giữa cái bao la vắng lạnh của một cõi lòng vời vợi yêu đương: Gió về lòng rộng không nghe/ Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư…
Trong cô đơn cảm xúc của thi nhân thật tinh tế. Người ta cảm thấy cái buồn đến chầm chậm trong lòng một đêm mưa: Đêm mưa làm nhớ không gian/ Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la…/ Tai nương nước giọt mái nhà/ Nghe trời nằng nặng nghe ta buồn buồn.” Cái buồn nơi đèo cao quán chật, cái buồn của kẻ lữ - thử dừng ngựa sườn non và nhất là cái buồn vô duyên cớ, đặc biệt lãng - mạn, cái buồn thật xa xưa, bắt nguồn từ vạn kỷ và theo đuổi thi nhân trong cái bơ - vơ của kiếp người: Thuyền về nước lại sầu trăm ngả/ Củi một cành khô lạc mấy dòng” [3].
Như vậy, trong cái nhìn của Hà Như Chi, nỗi buồn trong thơ Huy Cận là một sự mặc định của số kiếp và thân phận. Nỗi buồn ấy như bắt nguồn từ “vạn kỷ” và đeo đẳng suốt hành trình sống của thi nhân, trở thành một dòng chảy trong thơ Huy Cận, xuyên thấm trong từng ngữ ngôn như một thứ mặc khải của tâm linh, tạo nên nét riêng trong thơ Huy Cận, dự phần vào nỗi buồn của thời đại. Và, cũng như Hà Như Chi, khi nhìn nhận về nỗi buồn trong thơ Huy Cận, Phạm Thế Ngũ cho rằng: “Huy Cận đào sâu cái buồn mênh mang ấy quả đã góp phần bổ túc một đề tài muôn thuở, làm phong phú thơ mới ở một giai đoạn chuyên về đạo tình. Song ta cũng có thể nói, qua năm 1938, ở xã hội Việt Nam, cái vui vẻ trẻ trung người ta, kể cả thanh niên, uống đã tới chỗ cặn đắng. Cái buồn của Huy Cận đây phải chăng cũng là một phản ứng thời đại. Người ta nghĩ đến những lời rên rĩ bâng khuâng của Á Nam và Tản Đà. Chiếc linh hồn nhỏ là tác giả Lửa thiêng, phải chăng như một cánh chim đầu đàn tiên cảm cơn bão tố sắp tới” [4].
Có thể nói, vũ trụ thơ Huy Cận là vũ trụ của nỗi buồn mà ở đó, thi nhân đã sống với nó, mộng mơ vói nó, sầu khổ với nó, đớn đau với nó. Vì thế, xét về một phương diện nào đó, nỗi buồn trong thơ Huy Cận cũng là một biểu hiện niềm đau thân phận của kiếp lưu đày và điều này ta cảm nhận được trong sự chia sẻ của Nguyễn Tấn Long, khi ông luận giải về nỗi buồn trong thơ Huy Cận. Theo ông: “Bầu trời của vũ trụ là trời thơ của Huy - Cận, nhưng cũng nhân cái bao la mịt mù của không gian mịt mù mà Huy - Cận cảm buồn cái bé nhỏ của mình, một sinh vật biểu hiện cho bơ vơ, lạnh lẽo cô đơn, trống trải, sầu đau trong kiếp nhân sinh” [5]. Với Huy Cận không chỉ ở trạng thái buồn mà ngay trong niềm vui, trong lúc vui ông cũng cảm thấy những nỗi ưu lo thân phận. Đây cũng là nét riêng của thơ Huy Cận so với các thi sĩ cùng thời, nói như Nguyễn Tấn Long: “Buồn là điệu nhạc triền miên trong thơ Huy - Cận. Trong cái vui tưng bừng, rộn rã, người hay nghĩ đến cái tàn cuộc đìu hiu. Một sắc thái trái hẳn với cái không khí tươi nhộn của Xuân - Diệu. Có người cho rằng thơ Huy - Cận vì đó mà già. Không. Không già đâu! Huy - Cận chỉ nhìn đời bằng cặp mắt đạo mạo của một người đứng tuổi. Huy - Cận hãy còn trẻ; Tiếng thơ còn điểm nhiều nét yêu đời, mặc dù đời không đãi ngộ thi nhân. Buồn sầu cũng vì đó mà biến sinh. Cái “nhân” làm “quả” là vậy” [6].
Cảm nhận về nỗi buồn trong thơ Huy Cận, có lẽ Nguyễn Tấn Long là một trong những nhà lý luận - phê bình tỏ ra có năng lực cảm thụ văn chương và kiến văn phong phú. Điều đó được thể hiện qua những phân tích khá sâu sắc và tinh tế khi ông bóc tách và giải mã nỗi buồn trong thơ Huy Cận với nhiều trạng thái khác nhau: “Buồn. Buồn như vũ trụ phủ màu thê lương. Buồn như buổi chiều mưa trên sông lạnh. Buồn như tiếng nhịp chân của những người tiễn biệt. Thi nhân không sao khuây khỏa nỗi lòng mình khi nghĩ: Tương tư đôi chốn tình ngàn dặm/ Vạn lý sầu lên núi tiếp mây” [7] (…). Và “Tình đã buồn. Cảm thấy sự trống trải, đơn côi vây quanh. Với đôi mắt bi quan, thi nhân nhìn cảnh vật như phủ màu ảm đạm, tê tái thấm lạnh tấm lòng. Những giọt mưa đêm thánh thót rơi từ mái nhà gợi mối sầu tư: Tai nương nước giọt mái nhà/ Nghe trời nằng nặng nghe ta buồn buồn” [8] (…). Nên “Buồn của Huy - Cận dằng dặc tràn lan trong không gian, từng luồng gió lạnh thổi về tự muôn phương, thi nhân đã thấy lòng tê tái: Rơi rớt về đây muôn hướng gió/ Lòng sầu vạn dặm gió mưa phơi” [9].
Song, như trên đã nói, nỗi buồn trong thơ Huy Cận bao giờ cũng gắn với niềm đau thân phận. Bởi, trong tâm thức của thi nhân những nỗi khổ đau của phận người bao giờ cũng là những ám ảnh tạo nên dự phóng sáng tạo. Vì “Nếu không có một tấm lòng gắn bó với thân phận bọt bèo của con người, không dễ gì viết nên những lời thơ da diết cảm thương: Hình dáng cuộc đời từ đây xa tắp/ Xe tang đi xin đường chớ gập ghềnh!/ Không gian ơi xin hẹp bớt mông mênh/ Ảo nảo quá trời buổi chiều vĩnh biệt! (Nhạc sầu)” [10]. Thế nên, theo Sông Thai “Huy Cận đã nói giùm ta cái tâm sự cô đơn ngậm ngùi của mỗi cá nhân, viết hộ ta nỗi buồn nhân thế giữa một xã hội nhiều bon chen ti tiện hơn là tình cảm thông, hài hòa” [11]. Niềm cô đơn lạc loài ấy chính là biểu hiện của nỗi đau thân phận khi con người phải sống trong một chế độ xã hội mà ở đó những giá trị nhân văn không được tôn trọng, nhân vị con người luôn chênh chao bên hố thẳm của khổ đau và phiền muộn. Hơn ai hết, với sự nhạy cảm của một tâm hồn nghệ sĩ, Huy Cận đã thấu hiểu sâu sắc nỗi bi thương này. Thế nên, theo Sông Thai “Thế giới Lửa Thiêng là thế giới của những con người lẻ loi ở một thời đại mà trật tự phong kiến thực dân tràn đầy bất công thối nát và sự phản bội được thay thế cho những tấm lòng đôn hậu, vị tha, son sắt. Tiếng thơ trong Lửa Thiêng là những lời mời mọc khẩn khoản yêu thương hình thành bởi những nồng nàn ấm diệu. Phải trải qua nhiều xót xa cay đắng của hàng triệu con người nô lệ, phải có hàng chục năm chứng kiến và thể nghiệm sự đổi thay phũ phàng của nhân tình thế thái mới sáng tạo ra được một thế giới sầu muộn như thế” [12].
Thơ Huy Cận buồn là vậy, cô đơn là vậy, khổ đau là vậy nhưng trong tiếp nhận của Sông Thai “Ở Lửa Thiêng người ta không thấy nặng trĩu cái không khí sầu mộng sướt mướt hay điên loạn thần bí, mà chỉ thấy những câu thơ tuy buồn nhưng không phải là thứ buồn yếu đuối, sa ngã, tuyệt vọng. Lác đác trong Lửa Thiêng còn có những dòng thơ trong trẻo, náo nức yêu đời, ngày nay chúng ta đọc lại vẫn không hề thấy lạc lõng” [13]. Và như thế, trong sự tiếp nhận của Sông Thai, cái buồn và niềm đau thân phận trong thơ Huy Cận có những điểm khác với nỗi buồn trong thơ của các nhà thơ Tiền chiến cùng thời. Bởi, “Huy Cận tuy nói nhiều đến cái buồn của sự cô đơn khắc khoải nhưng tiếng thơ của ông trước sau vẫn không gây trong lòng ta cái ấn tượng, đó là những lời nỉ non ướt át hoặc là những điệu ru chán chường, sầu hận. Chính vì vậy mà đọc Lửa thiêng ta thường thấy mình bị cuốn hút vào quỷ đạo của một thứ chủ nghĩa nhân đạo nồng thắm, theo đó giữa con người với con người nên đối đãi với nhau thế nào cho phải lẽ, nhất là với những kẻ bất hạnh. Điều ấy càng dễ nhận thấy hơn ở những bài thơ Huy Cận viết về thiên nhiên” [14].
Thơ viết về nỗi buồn của Huy Cận luôn xa xót và thê thiết như một thứ mật đắng  nhưng không làm lòng ta quỵ ngã mà nỗi buồn ấy chỉ làm ta trân quí hơn cõi nhân sinh này. Vì nỗi buồn là một phần không thể thiếu trong cuộc đời mỗi con người. Nó là một phẩm tính Người mà thơ ca bất cứ thời kỳ nào không thể không quan tâm đến.
2.2. Thơ Huy Cận viết về tình yêu và thiên nhiên
Tình yêu một đề tài muôn thuở của thi ca, nhạc, họa. Đối với thi ca Tiền chiến, thơ viết về tình yêu được xem là một “đặc sản”, một “căn phần” không thể thiếu trong hành trình sáng tác của các thi nhân và Huy Cận không phải là một ngoại lệ. Thơ tình Huy Cận đặt trong khí quyển thơ tình của thi ca Tiền chiến lúc bấy giờ cũng không thiếu sự đắm đuối, mộng mị, vui buồn, chờ đợi, nhớ nhung… Song, dường như những dư vị ấy không đủ độ nồng cháy dữ dội như các thi nhân cùng thời, đặc biệt là Xuân Diệu, người được mệnh danh là “ông Hoàng” thơ tình lúc bấy giờ. Vì vậy, cảm nhận về thơ tình yêu của Huy Cận trong cái nhìn đối sánh với thơ tình Xuân Diệu, Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam Văn học sử giản ước tân biên (tập 3), (Quốc Học Tùng thư xuất bản, SG, 1965) cho rằng, mặc dù cùng viết về tình yêu nhưng “Huy Cận không như Xuân Diệu, hăm hở yêu, vội vã yêu, say mê, nồng nàn, sỗ sàng. Ông kín đáo rụt rè. Tình yêu ở thơ ông diễn ra mơ mộng trinh trắng (Áo trắng) hay tiếc nuối âm thầm” [15]. Và cũng từ điểm nhìn này, khi tiếp nhận Lửa thiêng của Huy Cận, Thế Phong trong Lược sử văn nghệ Việt Nam - Nhà văn tiền chiến 1930-1945, nhận định văn học, (Vàng son xuất bản, Sài Gòn, 1974) đã xác quyết: “Thơ của ông khác hẳn thơ Xuân Diệu, lời thơ thanh xuân đẹp, bay bướm, không chán mình, trốn trong tình yêu như Vũ Hoàng Chương, hoặc buồn ảo nảo như Lưu Trọng Lư” [16]. Còn ở một tầm khái quát hơn khi nghĩ về chất tình trong thơ Huy Cận, trong đó có tình yêu, Sông Thai trong Huy Cận và những bước vong thân (khảo luận phê bình văn học) Nguyệt san Nhân văn số 8 tháng 2/1971 lại cho rằng: “Ở Huy Cận còn có điểm đáng cho mọi người quí mến: Ấy là tấm lòng chung thủy trước sau như một của nhà thơ đối với tình yêu, quê hương và cuộc sống. Ở một nghệ sĩ thấm nhuần tinh thần nhân đạo chủ nghĩa, họ thường lấy cái đau khổ chung của xã hội làm đau khổ riêng của mình, và dường như cuộc đời càng khó khăn cơ cực thì họ lại càng gắn bó với nó hơn” [17].
Như vậy, cho dù chủ đề tình yêu trong thơ Huy Cận không được các nhà lý luận - phê bình văn học ở miền Nam giai đoạn 1954-1975 đề cập nhiều trong quá trình tiếp nhận như một số chủ đề khác, nhưng cũng gợi cho chúng ta nhiều vấn đề lý thú khi nghiên cứu về hành trình sáng tạo trong thơ Huy Cận thời Tiền chiến. Và cùng với chủ đề tình yêu, chủ đề viết về thiên nhiên cũng được các nhà lý luận - phê bình luận bàn từ những điểm khác nhau trong quá trình tiếp nhận thơ Huy Cận. Bởi thiên nhiên trong thơ Huy Cận là một phần không thể thiếu trong thi giới Huy Cận từ Lửa thiêng đến các tập thơ sau này của ông. Có thể nói thiên nhiên là ô cửa mở ra cho ta thấy thế giới tâm hồn của Huy Cận, một tâm hồn mà ở đó thiên nhiên là một căn phần tạo nên những dự phóng sáng tạo cho thơ ông. Vì thế, nhận định về thiên nhiên trong thơ Huy Cận, Phạm Thế Ngũ viết: “Huy Cận cũng như Xuân Diệu đã đem thiên nhiên vào thơ. Song nếu ở Xuân Diệu, thiên nhiên thường sực nức hương vị và ngôn ngữ ái tình, thì ở Huy Cận trong nhiều bài, núi sông cây cỏ cũng bình thản lặng lẽ, hàm súc như tâm hồn tác giả. Đây cảnh chiều xưa: Buồn gieo theo gió reo hò/ Đèo cao quán chật bến đò lau thưa; cảnh Thu rừng: Nai cao gót lẫn sương mù/ Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về; cảnh Tràng giang: Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp/ Con thuyền xuôi mái nước song song.” Cảnh cũng ẩn kín thâm trầm như thi sĩ, nhất là mang rõ cái buồn mênh mông và vô cớ trong lòng ông. Cái buồn ấy quả là cái điệu chung của vô số vần thơ Huy Cận, khác hẳn với cái điệu lạc quan sôi nổi, tươi trẻ của Xuân Diệu” [18]. Còn khi cảm nhận về việc miêu tả thiên nhiên trong thơ Huy Cận, Phạm Thế Ngũ cho rằng: “Huy Cận cũng như Xuân Diệu sử dụng một giác quan mẫn nhuệ lạ thường, rất nhạy với những âm hưởng, những giây tơ trong cảnh vật và cuộc đời. Ông rung động trước cảnh mai sương buông thưa, cảnh chiều thịnh trị, cảnh mùa xuân tươi mát. Ông nói đến “lá thơm như thể da người” và mùi của tơ duyên, mùi của luống đất mới xới. Ông thu được cả âm thanh thao thức trong mạch đời, thấy được ý mùa rợn trong thân mới, nhựa mạch trào lên lá cây. Ở chỗ này có thể nói Huy Cận tiến xa hơn Xuân Diệu. Thơ ông thiên hẳn về “duy cảm chủ nghĩa”. Thí dụ tả buổi Chiều xuân Huy Cận không tả bằng màu sắc mà tả bằng cảm giác đã lắng nghe kỹ lưỡng trong tâm hồn ông và trong thân hình tạo vật: Hai hàng cây xanh/ Đâm chồi hy vọng/ Ôi duyên tốt lành/ Én ngàn đưa võng” [19].
Và cũng trong trường mỹ cảm tiếp nhận thơ viết về thiên nhiên của Huy Cận, từ góc nhìn nhân văn chủ nghĩa, trên nền tảng của tình yêu thương con người, Sông Thai trong Huy Cận và những bước vong thân (khảo luận phê bình văn học) Nguyệt san Nhân văn số 8 tháng 2/1971, đã cho rằng: “Thiên nhiên trong thơ Huy Cận dù ở những hiện tượng huy hoàng hay ảm đạm cũng không bao giờ xuất hiện với cái nhìn bâng quơ, xa lạ mà mỗi đường nét luôn luôn thắm đượm tình người” [20]. Không dừng ở đó, để xác quyết hơn những lý lẽ của mình, Sông Thai lại tiếp tục luận giải vấn đề từ mối quan hệ giữa thiên nhiên với tinh thần nhân đạo chủ nghĩa mà theo Sông Thai: “Nhìn vào thế giới đề tài cùng những ngôn ngữ mà tác giả thường vận dụng để bảo rằng Huy Cận là một thi sĩ thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân đạo chủ nghĩa cũng không phải là một nhận định hàm hồ. Thật vậy, không phải là vô cớ mà Huy Cận đã chăm chú khơi sâu cái nguồn mạch ân tình của thiên nhiên và nâng niu nỗi buồn nhân thế với những Tràng giang, Thuyền đi, Thu rừng, Nhạc sầu, Ngậm ngùi, Bi ca…” [21]
Như vậy, trong cái nhìn của Sông Thai cũng như các nhà lý luận - phê bình văn học ở miền Nam trước 1975, viết về tình yêu và thiên nhiên, Huy Cận không chỉ đơn thuần thể hiện những rung cảm của mình trước khách thể thẩm mỹ mà qua đó thi nhân còn gởi gắm những ưu tư về cuộc đời, về thân phận. Đây cũng là một phương diện trong nội dung thơ Huy Cận mà lý luận - phê bình văn học ở miền Nam giai đoạn 1954-1975 quan tâm tiếp nhận.
2.3. Huy Cận với những suy tư về cuộc đời và tính triết luận trong thơ
Vốn mang trong tâm cảm một nỗi “sầu vạn cổ”, nên thơ Huy Cận là thơ đong đầy những ưu tư về cuộc đời, về thân phận. Và điều này đã kết tinh thành một phẩm tính trong thơ ông, đeo bám tâm thức ông như một định mệnh. Chính vì vậy, đọc thơ Huy Cận ta luôn bắt gặp những câu thơ đong đầy nỗi sầu khổ, niềm cô độc mà khi đọc lên lòng ta không khỏi chênh chao trước những ưu tư về thân phận: “Một chiếc linh hồn nhỏ/ Mang mang thiên cổ sầu/ Những nàng tiên dần chết/ Mơ mộng thuở xưa đâu? (Ê Chề) Và những quạnh hiu đặc quánh nỗi buồn đến rợn ngợp: “Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm thế!/ Chiều mồ côi đời rét mướt ngoài đường;/ Phố đìu hiu màu đá cũ lên sương/ Sương hay chính bụi phai tàn la tả? (Nhạc sầu). Vì thế, Lam Giang và Vũ Tiến phúc trong công trình Hồn thơ nước Việt thế kỷ XX, (Sơn Quang Xuất bản, SG, 1970), khi luận bàn về thi ca Tiền chiến đã xếp Huy Cận vào khuynh hướng thơ Trầm tư vì: “Thơ trầm tư thời Tiền chiến có giọng u buồn tẻ lạnh như không khí bãi tha ma. Buồn não lâu ngày rồi tâm hồn quen với nếp suy tư yếm thế. Nhìn vào đâu cũng thấy cảnh lẽ loi cô độc, trông vào đâu cũng thấy tang tóc đìu hiu. Nhất là vào những ngày mưa u ám liên miên tâm trạng của thi nhân càng thấm thía sự trống trải vắng lặng một cách kinh khủng: Đêm mưa làm nhớ không gian/ Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la/ Tai nương nước giọt mái nhà/ Nghe trời nằng nặng nghe ta buồn buồn” [22]. Không chỉ suy tư về nhân thế, về cuộc đời với những nỗi buồn bất tận mà thơ Huy Cận còn thể hiện những suy tư về sự tồn tại và hiện hữu của bản thể như một tâm thức hiện sinh, hơn là những suy tư mang tính siêu hình. Đây cũng là sự tiếp nhận của Thế Phong đối với thơ Huy Cận khi bàn đến những suy tư mang tính triết luận về cuộc đời trong sự đối sánh với thơ Hàn Mặc Tử. Theo Thế Phong, thơ Huy Cận “còn thêm một đặc tính nữa là đưa mình vào cõi siêu hình. Tự hỏi cái chết. Tự hỏi cuộc đời sẽ trôi dạt bến nào? Siêu hình trong thơ Huy Cận nhuốm màu triết lý nhân sinh nhiều hơn là thơ siêu hình Hàn Mặc Tử…” [23]. Còn trong cái nhìn của Nguyễn Tấn Long, Việt Nam thi nhân tiền chiến (Quyển Trung) (Sống Mới xuất bản, SG, 1972), với tuổi đôi mươi mà Huy Cận có những suy tư về cuộc đời mang màu sắc triết luận như thế là một điều khá lạ lùng: “Lửa thiêng ra đời với tất cả sự kinh ngạc của mọi người. Trong cái tuổi đôi mươi, Thi sĩ Huy - Cận, không, nghệ sĩ thì đúng hơn (nghệ sĩ trước cuộc đời), lẽ ra người trai ấy cũng như bao thiếu niên yêu đời sẽ nói đến “cái ta” nhiều hơn. Vì nó là mạch sống tiềm tàng, nó là nguồn vui ẩn súc, nó là trung tâm rung động hồn thơ, nó là động lực sáng tạo và phát thanh tiếng nói của lòng mình, tiếng nói bồng bột của tuổi trẻ.
Nhưng không. Huy Cận đứng nhìn đời như một triết nhân. Khách quan trong mọi sự vật; Huy - Cận xóa bỏ “cái tôi đáng ghét” của người thơ. Ta phải kể đây là một hiện tượng lạ” [24]. Còn Viên Linh khi luận giải những suy tư về cuộc đời của Huy - Cận cũng có những nhận xét khá tinh tế và sâu sắc khi ông xác quyết: “Người thi sĩ ở Huy - Cận không nhìn thấy cái nhỏ nhặt hằng ngày. Cái mưa không làm hẹp một khung cửa sổ. Cái nắng không làm bụi bặm ở trên đầu. Buổi chiều không chỉ tắt một ngày. Mà là xế bóng cuộc đời. Gió không chỉ lạnh tấm thân, nhưng mà lạnh cả nhân gian, “coi chừng cửa mộ quên không khép”. Huy - Cận không phóng lớn đối tượng, nhưng nhìn qua đối tượng để tìm một ý nghĩa sau cùng” [25].
Có lẽ, với một tư duy luôn hướng đến để “tìm một ý nghĩa sau cùng” mà những suy tư về cuộc đời trong thơ Huy Cận đã được khái quát thành những vấn đề có tính triết luận xung quanh nhiều bình diện của đời sống như: sự sống, cái chết, hiện hữu, hư vô, nỗi buồn, niềm đau, sư cô đơn thân phận… Và đây cũng là cái nhìn của Phạm Thế Ngũ khi cảm nhận về tính triết luận trong thơ Huy Cận khi ông cho rằng: “Rồi Huy Cận cũng tiến vào đường hướng thơ triết. Ông ngẫm nghĩ cái quanh quẩn tẻ nhạt của cuộc đời: Đời tẻ nhạt như tàu không đổi chuyến/ Đứng xem ngoài hay quay gót nhìn trong (…) Ông suy tưởng về cái chết (Chết, Nhạc sầu), về thân thể với linh hồn, thượng đế với tội ác (Thân thể). Ông đã đi sâu vào tư tưởng siêu hình hơn Xuân Diệu” [26].
Song, cũng trong trường tiếp nhận về tính triết luận trong thơ Huy Cận, Uyên Thao trong công trình Thơ Việt Nam hiện đại 1900-1960, (Hồng Lĩnh xuất bản, Sài Gòn, 1969), lại có một cách nhìn khác với Nguyễn Tấn Long, Phạm Thế Ngũ, khi ông không đánh giá cao tính triết luận trong thơ Huy Cận nhưng lại cảm thông với điều ấy và xem đó như một tất yếu vì không thể đòi hỏi gì hơn khi lúc đó, Huy Cận chỉ là chàng trai mới 23 tuổi. Theo Uyên Thao: “Một số thi bản của Huy Cận trong Lửa Thiêng có thể gọi được là triết luận, nhưng lại là một thứ triết luận non. Tác giả có băn khoăn có khám phá về những vấn đề nhân sinh, nhất là những vấn đề siêu hình, nhưng phần đông đều lặp lại những băn khoăn, những khám phá của người khác với thái độ của một người hay nghĩ ngợi lang bang. Điều này không đáng lạ, vì Huy Cận khi xuất bản Lửa Thiêng chỉ mới 23 tuổi” [27].
Và, mặc dù cho rằng chất triết luận trong thơ Huy Cận “còn non” nhưng Uyên Thao cũng phải thừa nhận thơ Huy Cận có tính triết luận và đây là một phẩm tính làm nên cái độc đáo của thơ Huy Cận so với các nhà thơ Tiền chiến cùng thời. Theo chúng tôi, đánh giá của Uyên Thao như thế không sai nhưng có phần khắt khe. Bởi như ông đã nói “Huy Cận khi xuất bản Lửa Thiêng chỉ mới 23 tuổi” vì thế những suy tư của thi nhân về cuộc đời, về nhân thế cũng chỉ là những suy nghĩ của một người trẻ tuổi, chưa có một quá trình nghiệm sinh sâu sắc. Song, ở một thi nhân còn trẻ như thế mà có những suy tư đầy tính triết luận về cuộc đời là điều đáng trân quý. Bởi, điều đó chỉ có thể có ở những thiên năng thi ca mà Huy Cận là một trường hợp như thế!.
3. Tiếp nhận thơ Huy Cận về phương diện nghệ thuật
Thi giới Huy Cận không chỉ để lại trong các nhà lý luận - phê bình văn học ở miền Nam giai đoạn 1954-1975 những ấn tượng sâu sắc về phương diện nội dung với nhiều cảm nhận đa chiều trên nhiều bình diện của những mỹ cảm thi ca từ những trường tiếp nhận khác nhau mà còn gợi mở nhiều vấn đề về phương diện nghệ thuật thi ca như: tứ thơ, âm điệu, ngôn ngữ, hình ảnh, thể thơ, nhạc tính… Sự tiếp nhận thơ Huy Cận từ phương diện nghệ thuật sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn tài năng của Huy Cận, một trong những gương mặt tiêu biểu của thi ca Tiền chiến mà nếu không có thơ Huy Cận, bầu trời thi ca Tiền chiến chắc chắn sẽ không thể hoàn hảo như nó đã hiện hữu trong tâm thức người đọc. Và với sự hoàn hảo đó, thơ Tiền chiến đã neo đậu trong tâm cảm người đọc như một hằng số văn hóa thơ ca, dù có trải qua bao bão giông, bởi những biến thiên của thời cuộc. Nghệ thuật thơ Huy Cận, vì thế là một phần không thể thiếu của thơ ca Tiền chiến mà ảnh hưởng của nó rất sâu sắc và dài lâu trong nền thi ca hiện đại Việt Nam.
3.1. Nói đến nghệ thuật thơ Huy Cận, điều đầu tiên Thế Phong quan tâm đó là tứ thơ trong thơ Huy Cận mà theo ông: “Huy Cận là một nhà thơ có nhiều khám phá mới trong tứ thơ. Ông tránh được những tình cảm tầm thường, ông đứng trên mức đó để nhìn biến chuyển xã hội quay cuồng. Ông đem hình ảnh thiên nhiên vào thơ, lời lẽ rất đẹp, cũng như khám phá đời sống nội tâm của dòng đời thật xúc tích. Huy Cận có một địa vị chắn chắn trong nền thi nghệ Việt Nam tiền chiến” [28]. Còn Trần Nhựt Tân thì quan tâm đến vấn đề âm điệu trong thơ Huy Cận mà theo tác giả đó là “một khuôn mặt của hình thức sáng tạo thơ ca”. Vì vậy, khi phân tích âm điệu trong thơ Huy Cận, Trần Nhựt Tân đã luận giải: “Một văn ảnh tuyệt đẹp không thể là một văn ảnh bị cô lập đối với các ý thơ vì vắng bóng âm điệu trong sự phổ tấu toàn bộ của ý thơ. Nói cách khác, có phải âm điệu chính là hơi thở của Nàng thơ trong thi ca? Nếu không có hơi thở thì làm sao Nàng thơ lại có thể sống? Làm sao thơ còn được gọi là thơ? Huy - Cận đã thở cùng Nàng thơ say sưa và ngây ngất trong Lửa thiêng nhiều lắm, nhiều lắm đến ngất ngây: Lâng lâng chiều ghé muôn tai/ Trong bóng chiều như mờ tiếng ai; “Đêm mưa làm nhớ không gian/ Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la/ Tai nương nước giọt mái nhà/ Nghe trời nằng nặng nghe ta buồn buồn”… Cùng một số chữ như lục bát (hay ca dao có dạng thức lục bát) thể sáu tám (thơ mới), vì đã được thai nghén từ một mĩ cảm với một sáng tạo mới của cảm thức quần thế ngang lưng chuyển hiện của nội - tâm xã - hội, nên đã xuất hiện trong Lửa thiêng như một bản đồ âm điệu của thi ca Huy - Cận đi vào hồn ta êm đềm, như lời ru hiền của lá hoa êm đềm, của thiên nhiên “Ngậm - ngùi”: “Nắng chia nửa bãi chiều rồi…/ Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu/ Sợi buồn con nhện giăng mau; Em ơi! hãy ngủ… anh hầu quạt đây!” [29].
Như vậy, trong quan niệm của Trần Nhựt Tân, âm điệu có vai trò vô cùng quan trọng chi phối các mỹ cảm khác trong sáng tạo thi ca và điều này trong thơ Huy Cận lại có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Bởi, âm điệu trong thơ Huy Cận khá độc đáo. Cái điệu buồn đã kết tinh thành “nỗi sầu vạn cổ” trong thơ Huy Cận phải chăng là biểu hiện của “bản đồ âm điệu của thi ca Huy - Cận”.
3.2. Một phương diện khác trong nghệ thuật thi ca của Huy Cận mà Trần Nhựt Tân quan tâm luận bàn, khi tiếp nhận thơ Huy Cận, đó là ngôn ngữ thơ mà đặc biệt là ngôn ngữ có tính so sánh trong miêu tả hiện thực. Theo Trần Nhựt Tân: “Ngôn ngữ thi ca vốn là một thế giới khả tính của những gì bất thực như đang có thực khiến từ đó mà chất thơ tỏa ngát gợi cảm (…). Bài Trông lên của Huy - Cận (in Lửa thiêng) cũng thật đáng là một khuôn vàng thước ngọc cho từ hoa tỉ giáo. Thi sĩ Huy - Cận với bài Trông lên (Lửa thiêng) So sánh hương thơm của lá với làn da trinh nữ, mỗi chiếc lá là một chiếc thuyền, và vòm trời xanh là biển cả, và mỗi ngọn gió là một cơn thủy triều dâng … Gió đưa hơi, gió đưa hơi/ Lá thơm như thể da người:  lá thơm…/ Da chiều mới tỏ sao hôm/ Màu thanh thiên đã vào ôm giữa hồn” (…) Ai dám so sánh mùi hương của lá cây với mùi hương của da người, nếu không là một thi sĩ tài hoa, giàu chất tâm hồn như Huy - Cận? Và chính trong so sánh này, thi sĩ đã vừa tạo chất thế gian cho lá, lại vừa thanh khiết hóa mùi thơm của da người (…)  Cả hai cùng có chung một mùi hương, hương của người, hương của da thịt hay của thảo mộc thanh khiết” [30].
Và trong cái nhìn của Trần Nhựt Tân, ngôn ngữ thi ca Huy Cận không chỉ để miêu tả hiện thực, để trình bày cảm xúc và suy nghĩ của thi nhân trước cuộc đời mà còn là một thứ “lập - ngôn”. Và chính ở phương diện lập ngôn này ta thấy được tài năng và phong cách ngôn ngữ riêng của Huy Cận so với các nhà thơ cùng thời như Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng qua các tập thơ của họ mà Trần Nhựt Tân đã khảo sát. Vì thế, theo Trần Nhựt Tân “Những điệu văn, những biểu từ mà Huy - Cận xếp đặt thành thơ, trong Lửa thiêng hầu hết đều giản dị (không đài cát kiêu sa như Mê hồn ca), nhè nhẹ êm đềm (không mãnh liệt sôi bỏng) Chỗ nào cũng toát lên một chất không gian mơ màng bao la như thể vũ trụ rơi tan trong hồn cảm ta, như không gian ẩn nấu thật trong ngôn ngữ ấy (…) Chính những khuôn mặt của ngôn ngữ đó làm thành lập - ngôn - huy - cận của một Huy Cận, lập - ngôn - lửa - thiêng trong Lửa thiêng. Lập ngôn là hiện hữu của yếu tính ngôn ngữ thi ca: Không còn bị ngôn ngữ thôi miên, cai trị, trái lại thi sĩ đã vào được tận uyên nguyên của ngôn ngữ rồi bắt ngôn ngữ gọi theo tiếng gọi của tâm hồn, bắt chúng chỉ dấu những gì Hồn - Huy - Cận “muốn” chỉ dấu ám ảnh đó: căn đễ của sáng tạo. Cho nên mỗi thi - sĩ - là - thi - sĩ đều có một lập ngôn riêng để chỉ dấu cho những ý thể (thème, chủ đề) riêng: “Không gian” trong Lửa thiêng, “tình” trong thơ Xuân - Diệu, “trăng” trong thơ Hàn - Mặc - Tử, “ca dao” trong Sang ngang (Nguyễn - Bính), “đêm”, “liêu trai”, “ngây ngất”, “bóng tối” trong Mê hồn ca (Đinh - Hùng)” [31].
Cũng nhìn nhận về nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ trong thơ Huy Cận nhưng Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam Văn học sử giản ước tân biên (tập 3), (Quốc Học Tùng thư xuất bản, SG, 1965), lại tiếp nhận việc sáng tạo ngôn ngữ trong thơ Huy Cận từ một điểm nhìn khác. Ông không đi vào luận giải việc sử dụng ngôn ngữ mang tính chất so sánh trong thơ Huy Cận như Trần Nhựt Tân mà qua so sánh cách sử dụng ngôn ngữ trong thơ Xuân Diệu và Huy Cận, Phạm Thế Ngũ chỉ ra “những ẩn dụ đột ngột, những ngữ điệu Tây”, “để loại bỏ sự quá độ, trở về phục hưng một ít chữ xưa, nhất là trau dồi kỷ thuật săn sóc âm vận và từ ngữ hơn” trong thơ Huy Cận. Vì vậy, khi nhận định về ngôn ngữ thơ Huy Cận, Phạm Thế Ngũ cho rằng Huy Cận: “đã lợi dụng phần nào sự canh cải mở đường của Xuân Diệu. Đến Huy Cận những ẩn dụ đột ngột, những ngữ điệu Tây, những lối nói như: bốn vách nghiêm trang, chiều lê cúi đầu, chiếu chăn không ấm… không còn làm cho người ta thấy chướng nữa. Ngoài ra ông còn làm việc để loại bỏ sự quá độ, trở về phục hưng một ít chữ xưa, nhất là trau dồi kỷ thuật săn sóc âm vận và từ ngữ hơn. Ở Xuân Diệu đôi khi người ta thấy một sự bừa bãi lòng thòng, những hàng dông dài non nớt pha loãng. Huy Cận khó tính hơn, muốn thu bỏ đúc chuốt, nói lên một tiếng thơ tinh thuần hơn. Sự cố gắng ước thúc có khi đưa đến một cách dùng chữ hoặc đặt chữ quá gò ép, như Nhà em ba ngõ lắm (để đối với Thôn anh một phương thôi)… Song những tì vết đó không làm cho chúng ta quên sự thành công của tác giả. Cái nghệ thuật hàm súc và tinh vi của ông đưa ông về thẩm thức Á đông, đưa ông đến cả chỗ học cổ và hoài cổ nữa và cho chúng ta những bài thơ rất hay. Nhũng bài lục bát như Thuyền đi, Thu rừng, thất ngôn như Tràng giang, Vạn lý tình phảng phất phong vị truyện Kiều và thơ Đường, đều là những kiệt tác trong thơ Huy Cận” [32]. Còn Sông Thai trong Huy Cận và những bước vong thân (khảo luận phê bình văn học) (Nguyệt san Nhân văn số 8 tháng 2/1971) thì chú trọng đến khía cạnh dùng từ ngữ nghe vang vọng “một nỗi niềm xao xuyến” mà theo Sông Thai: “Cũng không phải là một sự ngẫu nhiên mà nhà thơ đã tỏ ra trân trọng những chữ, những lời nghe vang động một nỗi niềm xao xuyến như: rã rời, xao xuyến, bơ vơ, ảo nảo, dặm xa, lữ thứ, tịch liêu, quán chiều, đìu hiu, canh khuya, ngại ngùng, chia lìa, rét mướt, héo hon, ghẻ lạnh, nao nao… Loại ngôn ngữ giàu âm hưởng quạnh hiu man mác ấy bàng bạc trong Lửa Thiêng, cùng với những ý thơ bát ngát tình người hòa quyện trong một thứ nhạc điệu ấm áp thật dễ gợi cho độc giả thấy sáng rõ mối tương giao nhân loại mà Huy Cận hằng gắn bó đeo đẵng.” [33]
3.3. Không chỉ quan tâm đến việc sử dụng ngôn ngữ trong thơ Huy Cận mà các nhà lý luận - phê bình văn học ở miền Nam giai đoạn 1954-1975 còn quan tâm đến nghệ thuật sử dụng thể thơ như: ngủ ngôn, lục ngôn, thất ngôn mà đặc biệt là thơ lục bát. Về phương diện này, Huy Cận được xem như một tài năng chói sáng mà một số bài thơ đặc sắc của ông như Ngậm ngùi, Tràng giang, Nhạc sầu… đã trở thành những tượng đài bất tử trong tâm thức người đọc bao thế hệ. Vì vậy, khi nhận định về văn nghiệp của Huy Cận cũng nhu Xuân Diệu, Thế phong trong công trình Lược sử văn nghệ Việt Nam - Nhà văn tiền chiến 1930-1945, nhận định văn học, (Vàng son xuất bản Sài Gòn, 1974) đã xác quyết: “Huy Cận và Xuân Diệu cùng nổi tiếng về thơ và cùng viết văn. Xuân Diệu viết Phấn thông vàng, còn Huy Cận viết cuốn biên khảo Kinh cầu tự. Nhưng nói đến Huy Cận hay Xuân Diệu: chẳng mấy ai biết họ viết văn mà chỉ nhớ họ là nhà thơ nổi tiếng mà thôi. Riêng với Huy Cận, ông là bậc thầy của lối thơ lục bát, gieo vận tuyệt vời” [34]. Còn trong cái nhìn của Phạm Thế Ngũ thì: “Về hình thức Huy Cận cũng kế tiếp Xuân Diệu ở nhiều điểm. Nói về thể cách ông cũng không ưa lối phá thể lộn xộn mà đi vào những điệu đều: ngũ ngôn, lục ngôn, 7 chữ , 8 chữ. Điệu 7 chữ phân đoạn 4 câu 3 hoặc 2 vần và điệu lục bát có thể coi là sở trường của Huy Cận” [35].
3.4. Luận bàn đến nghệ thuật thơ Huy Cận không thể không nói đến nhạc tính trong thơ ông. Bởi, nhạc tính là một yếu tính của nghệ thuật thơ ca, thể hiện tài năng sáng tạo và phong cách nghệ thuật của nhà thơ. Nói như Voltaire: “Thơ là nhạc của tâm hồn, nhất là của những tâm hồn quảng đại đa cảm.”[36] Điều này rất đúng với thơ Huy Cận. Tâm hồn Huy Cận là một tâm hồn đa sầu, đa cảm, vì vậy, nhạc tính trong thơ ông cũng là biểu hiện điệu hồn của ông. Luận bàn về nhạc tính trong trong thơ Huy Cận, Trần Nhựt Tân trong Dư vang nghệ thuật (tiểu luận lý thuyết phê bình thơ ca) Nhà xuất bản Hạnh, SG, 1971, cho rằng: “Huy - Cận đã đưa ta ra khỏi nhãn giới của ta để đi vào nhãn giới Huy - Cận, nhãn giới của bản chất Nghệ thuật ở đó ngôn ngữ được trả lại yếu tính và, cũng ở đó hữu thể phơi bày lẳng lơ như một đôi mắt ngoại tình trầm ngâm, nhãn giới của Nhạc và Thơ: “Chở hồn lên tận chơi vơi/ Trăm chèo của Nhạc, muôn lời của Thơ” [37]. Còn Nguyễn Tấn Long trong Việt Nam thi nhân tiền chiến (Quyển Trung), (Sống Mới xuất bản, SG, 1972), khi bàn về nhạc tính trong thơ Huy Cận lại có một cách tiếp cận khác khi cho rằng: “Tiếng thơ của Huy - Cận không dành sẵn cho ta một thứ âm nhạc để truyền cảm. Hơi và điệu thơ thường tỏ ra gút mắt, sường sượng, nó ngập ngừng, lựng khựng; ý thơ ta thấy không đúc kết vào một trọng tâm nhất định, dường như quá lỏng lẻo, rời rạc, nhưng chính khía cạnh ấy là chỗ ẩn tàng ý nghĩa sâu kín của Huy - Cận (…) Ta thấy các thi nhân bộc bạch nỗi lòng của mình lời thơ thấm thía ngấm vào và ngân lên ở tim ta: Thế là ta đã tiếp nhận được cái khoái cảm của rung động rồi vậy. Cho nên ta gọi họ là thi nhân của những tình cảm dung dị.
Trái lại, đọc Huy - Cận rồi lắng chờ sự rung động của trực cảm thì rất hiếm. Tiếng thơ của Huy - Cận đã không rung lên được thành tiếng nhạc ở lòng ta mà lại giữ ý quá kín đáo như cái hoa còn phong nhụy đang gói ghém hương thơm. Muốn tiêu hóa được chất thơ của Huy - Cận, ta phải nghiền nát, càng vụn ra lý càng sáng tỏ. Cho nên đọc Huy - Cận một lần, rồi đọc lại nghiền ngẫm, và đọc lại nữa, rồi ý nhạc mới vang lên. Lúc bấy giờ ta mới có cái thích thú là hiểu thơ của Huy – Cận.” [38]
Như vậy, trong cảm nhận của Nguyễn Tấn Long muốn hiểu nhạc trong thơ Huy Cận thì phải hiểu thơ Huy Cận Và muốn hiểu thơ Huy Cận thì “phải nghiền nát, càng vụn ra lý càng sáng tỏ” và lúc đó thì ý nhạc mới vang lên để hình thành trong ta những cảm xúc thẩm mỹ như một chìa khóa để mở cánh cửa đi vào thi giới Huy Cận.
4. Thay lời kết
4.1. Đến với thơ Huy Cận là đến với một thi giới mà ở đó chất chứa rất nhiều nỗi niềm “tinh vân” (từ dùng của Huy Cận). Bởi, trong suy niệm của Huy Cận, thi sĩ là người luôn đi tìm những nỗi niềm “tinh vân” trong cõi nhân sinh và khi tâm hồn thi sĩ chạm đến những nỗi niềm “tinh vân” thì thơ sẽ vụt hiện. Đọc thơ Huy Cận cũng chính là đi tìm những nỗi niềm “tinh vân” mà thi sĩ đã phóng chiếu trong thơ. Và tùy theo tầm đón đợi của mỗi người mà sự giải mã nỗi niềm “tinh vân” ấy sẽ khác nhau trong quá trình tiếp nhận thơ ông. Đây cũng là điều bình thường thể hiện tính dân chủ trong tiếp nhận văn học. Điều này đã thể hiện rõ trong việc tiếp nhận các hiện tượng văn học ở những công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học tại miền Nam giai đoạn 1954-1975, trong đó có các công trình tìm hiểu về thơ Huy Cận.
4.2. Đọc những bài nghiên cứu liên quan đến thơ Huy Cận mà phần lớn là các bài thơ trong tập Lửa thiêng, ta thấy việc tiếp nhận thơ Huy Cận của các nhà lý luận - phê bình văn học ở miền Nam cũng còn có những ý kiến khác nhau về một số bình diện trong nội dung và nghệ thuật thơ Huy Cận. Song, với tinh thần nghiên cứu khách quan, khoa học, công bằng, các nhà lý luận - phê bình đều tôn vinh Huy Cận là một nhà thơ tài năng, có những sáng tạo thơ ca độc đáo, có đóng góp quan trọng cho nền thơ ca dân tộc và ảnh hưởng của thơ ông đến các nhà thơ hiện đại Việt Nam sau này là điều không thể phủ nhận. Đúng như ý kiến của Tuần báo Nghệ thuật số 9 ngày 4-12-65 đã xác quyết: “Thơ Huy Cận là những đỉnh núi nhỏ trùng trùng trong một dãy núi lớn. Có “Ngậm ngùi” “Tràng giang” “nhạc sầu” và “Điệu buồn” Đọc thơ là phải đọc Huy Cận. Làm thơ là phải tránh Huy Cận.”[39]
4.3. Tinh hoa của Huy Cận phần lớn kết tinh ở tập Lửa thiêng, một tập thơ, trong đó có những bài thơ, cả nội dung và nghệ thuật đã đạt đến trình độ cổ điển, mẫu mực có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến sự vận động và phát triển của thơ ca dân tộc. Bởi theo Sông Thai trong Huy Cận và những bước vong thân (khảo luận phê bình văn học) Nguyệt san Nhân văn số 8 tháng 2/1971: “Lửa thiêng với kích thước nhân loại rộng lớn thông qua cái diện mạo độc đáo của nó, xứng đáng là một công trình sáng tạo giá trị bền lâu mà Huy Cận đã cống hiến cho văn học Việt Nam.” [40]
4.4. Kỷ niệm 100 ngày sinh Huy Cận, đọc lại những công trình nghiên cứu, lý luận - phê bình về thơ Huy Cận ở miền Nam giai đoạn 1954-1975, thiết nghĩ cũng là một điều cần thiết vì nó giúp chúng ta có một cái nhìn toàn diện hơn về thơ Huy Cận được bổ sung từ sự tiếp nhận qua các công trình nghiên cứu của những nhà lý luận phê bình ở “phía bên kia” mà do hoàn cảnh lịch sử ở những năm đất nước bị chia cắt, chúng ta chưa có điều kiện tiếp cận. Những công trình nghiên cứu về các hiện tượng văn học của dân tộc, trong đó có các công trình nghiên cứu về thơ Huy Cận xuất bản ở miền Nam trước 1975, vì nhiều lý do khác nhau, hiện nay không dễ tìm được đầy đủ. Song, trên cơ sở những công trình còn lại mà chúng tôi đã liệt kê ở trên, phần nào cũng giúp chúng ta thấy được tài năng thơ ca và chỗ đứng của nhà thơ Huy Cận trong nền văn học nước nhà qua sự nhìn nhận, đánh giá của các nhà lý luận - phê bình văn học ở miền Nam giai đoạn 1954-1975. Đây cũng là một hệ giá trị, chúng ta cần trân trọng, giữ gìn, nhất là trong thời kỳ đất nước đang trên đường hội nhập và phát triển của xu hướng toàn cầu hóa. Bởi nói như Max Jacob: “Cả thế giới trong một con người, đó là nhà thơ hiện đại.” [41] Và, Huy Cận là một trong những nhà thơ như thế!
Chú thích:
[1] Huy Cận, Lửa thiêng, Tái bản tại miền Nam, Sài Gòn, 1967, tr.6, 7
[2] Bùi Giáng, Thi ca tư tưởng (tức đi vào cõi thơ cuốn 2), Ca Dao xuất bản, SG, 1969, tr.88
[3] Hà Như Chi, Một thời lãng mạn trong thi ca Việt Nam, Tân Việt Xuất bản, SG, 1958, tr.28, 29
[4] Phạm Thế Ngũ Việt Nam Văn học sử giản ước tân biên (tập 3) do Quốc học Tùng thư xuất bản, SG, 1965, tr.579
[5] Nguyễn Tấn Long, Việt Nam thi nhân tiền chiến (Quyển Trung), Sống Mới xuất bản, SG, 1972, tr.596
[6] Nguyễn Tấn Long, Việt Nam thi nhân tiền chiến (Quyển Trung) Sống Mới xuất bản, SG, 1972, tr.596
[7] Nguyễn Tấn Long, Việt Nam thi nhân tiền chiến (Quyển Trung) Sống Mới xuất bản, SG, 1972, tr.606
[8] Nguyễn Tấn Long, Việt Nam thi nhân tiền chiến (Quyển Trung) Sống Mới xuất bản, SG, 1972, tr.608
[9] Nguyễn Tấn Long, Việt Nam thi nhân tiền chiến (Quyển Trung) Sống Mới xuất bản, SG, 1972, tr.609
[10] Sông Thai Huy Cận và những bước vong thân (khảo luận phê bình văn học) Nguyệt san Nhân văn số 8 tháng 2/1971, tr.14
[11] Sông Thai, Huy Cận và những bước vong thân (khảo luận phê bình văn học) Nguyệt san Nhân văn số 8 tháng 2/1971, tr.27
[12] Sông Thai, Huy Cận và những bước vong thân (khảo luận phê bình văn học) Nguyệt san Nhân văn số 8 tháng 2/1971, tr.28
[13] Sông Thai, Huy Cận và những bước vong thân (khảo luận phê bình văn học) Nguyệt san Nhân văn số 8 tháng 2/1971, tr.15
[14] Sông Thai, Huy Cận và những bước vong thân (khảo luận phê bình văn học) Nguyệt san Nhân văn số 8 tháng 2/1971, tr.26
[15] Phạm Thế Ngũ Việt Nam Văn học sử giản ước tân biên (tập 3), Quốc Học Tùng thư xuất bản, SG, 1965, tr.576
[16] Thế Phong, Lược sử văn nghệ Việt Nam - Nhà văn tiền chiến 1930-1945, nhận định văn học, Vàng son xuất bản, Sài Gòn, 1974, tr.243
[17] Sông Thai, Huy Cận và những bước vong thân (khảo luận phê bình văn học) Nguyệt san Nhân văn số 8 tháng 2/1971, tr.97
[18] Phạm Thế Ngũ Việt Nam Văn học sử giản ước tân biên (tập 3), Quốc Học Tùng thư xuất bản, SG, 1965, tr.577
[19] Phạm Thế Ngũ Việt Nam Văn học sử giản ước tân biên (tập 3), Quốc Học Tùng thư xuất bản, SG, 1965, tr.579
[20] Sông Thai, Huy Cận và những bước vong thân (khảo luận phê bình văn học) Nguyệt san Nhân văn số 8 tháng 2/1971, tr.26
[21] Sông Thai, Huy Cận và những bước vong thân (khảo luận phê bình văn học) Nguyệt san Nhân văn số 8 tháng 2/1971, tr.13, 14
[22] Lam Giang và Vũ Tiến phúc, Hồn thơ nước Việt thế kỷ XX , Sơn Quang Xuất bản, SG, 1970, tr.90
[23] Thế Phong Lược sử văn nghệ Việt Nam - Nhà văn tiền chiến 1930-1945, nhận định văn học, Vàng son xuất bản, Sài Gòn, 1974, tr.243, 244
[24] Nguyễn Tấn Long, Việt Nam thi nhân tiền chiến (Quyển Trung) Sống Mới xuất bản, SG, 1972, tr.590
[25] Dẫn theo Nguyễn Tấn Long, Việt Nam thi nhân tiền chiến (Quyển Trung) Sống Mới xuất bản, SG, 1972, tr.594
[26] Phạm Thế Ngũ Việt Nam Văn học sử giản ước tân biên (tập 3), Quốc Học Tùng thư xuất bản, SG, 1965,  tr.581, 582
[27] Uyên Thao, Thơ Việt Nam hiện đại 1900-1960, Hồng Lĩnh xuất bản, Sài Gòn, 1969, tr.209
[28] Thế Phong, Lược sử văn nghệ Việt Nam - Nhà văn tiền chiến 1930-1945, nhận định văn học, Vàng son xuất bản  Sài Gòn, 1974, tr. 244
[29] Trần Nhựt Tân, Một phương pháp phân tách chủ đề văn chương, Lửa Thiêng xuất bản, SG, 1974, tr.200 -2001
[30] Trần Nhựt Tân, Một phương pháp phân tách chủ đề văn chương, Lửa Thiêng xuất bản, SG, 1974, tr.172-173
[31] Trần Nhựt Tân, Dư vang nghệ thuật (tiểu luận lý thuyết phê bình thơ ca) Nhà xuất bản Hạnh, SG, 1971, tr.104
[32] Phạm Thế Ngũ Việt Nam Văn học sử giản ước tân biên (tập 3), Quốc Học Tùng thư xuất bản, SG, 1965, tr. 583
[33] Sông Thai Huy Cận và những bước vong thân (khảo luận phê bình văn học) Nguyệt san Nhân văn số 8 tháng 2/1971, tr. 14
[34] Thế Phong, Lược sử văn nghệ Việt Nam - Nhà văn tiền chiến 1930-1945, nhận định văn học, Vàng son xuất bản  Sài Gòn, 1974, tr. 245
[35] Phạm Thế Ngũ Việt Nam Văn học sử giản ước tân biên (tập 3), Quốc Học Tùng thư xuất bản, SG, 1965, tr. 583
[36] Trần Hoài Anh, Thơ - Quan niệm và cảm nhận, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2010, tr.282
[37] Trần Nhựt Tân, Dư vang nghệ thuật (tiểu luận lý thuyết phê bình thơ ca) Nhà xuất bản Hạnh, SG, 1971, tr.117 -118
[38] Nguyễn Tấn Long, Việt Nam thi nhân tiền chiến (Quyển Trung) Sống Mới xuất bản, SG, 1972, tr. 595 ,596
[39] Dẫn theo Nguyễn Tấn Long, Việt Nam thi nhân tiền chiến ( Quyển Trung) Sống Mới xuất bản, SG, 1972, tr.594
[40] Sông Thai, Huy Cận và những bước vong thân (khảo luận phê bình văn học) Nguyệt san Nhân văn số 8 tháng 2/1971, tr.102
[41] Trần Hoài Anh, Thơ - Quan niệm và cảm nhận, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2010, tr.270.
Xóm Đình An Nhơn, Gò Vấp, ngày 6/5/2019
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...