Thứ Ba, 6 tháng 10, 2020

Vi vu miền Tây

Vi vu miền Tây

Không phải bây giờ, trong quy hoạch phát triển, chúng ta mới nghĩ và dùng nhiều đến khái niệm ‘miền Tây” để chỉ vùng phía Tây Quảng Nam chạy dọc phía Đông của dãy Trường Sơn hũng vĩ.

Bắt đầu từ ranh giới phía Bắc giáp Thừa Thiên - Huế đến phía Nam giáp vùng núi Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum - nơi bắt đầu của cao nguyên Tây Nguyên;  mà trong chiến tranh, cách mạng đã định danh “miền Tây” với cả một tầm nhìn chiến lược lâu dài, nơi hoạt động của cách mạng, thủ phủ của kháng chiến Khu V và là bàn đạp để giải phóng đồng bằng, thành thị….
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7/1954), trên địa bàn Quảng Nam và Đà Nẵng có Ban Cán sự miền Tây Quảng Nam và đến năm 1969, đổi tên và chia thành là Ban Cán sự Nam Trà ở tỉnh Quảng Nam và Ban Cán sự Lam Sơn ở tỉnh Quảng Đà; mà tiền thân là Phòng Quốc dân thiểu số tỉnh. Ở cái đất đánh giặc như cơm bữa này, hầu hết những người tham gia cách mạng đều “nhảy núi” đến với “miền Tây”. Có người lên, rồi về. Có người lên, rồi gởi một phần cơ thể để lại núi rừng. Có người từ biệt mẹ già bên mái tranh nghèo, khắc tên vào đá, giữa mù mịt trắng trời sương núi,… không về [1]. Có người “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với đồng bào dân tộc, rồi trở thành C’tu hóa, B’hnoong hóa, Cadong hóa,… sinh cư lập nghiệp cùng đồng bào cho đến tận bây giờ.
 Thời chiến tranh, “nhảy núi” là xa lắm, mù mịt lắm, gian khổ lắm giữa rừng thiêng, nước độc, hùm, beo,… Xưa, dân gian Quảng Nam gần như có phân định cách biệt giữa miền xuôi với miền ngược thông qua các ngõ nguồn:
Hữu Bàng sát núi Trà My
Chiên Đàn thì lại ở về phía trong
Thu Bồn một dãi cong vòng
Ô Gia thì ở bên dòng sông Con
Lỗ Đông sát núi Cao Sơn
Cu Đê thì ở gần hòn Hải Vân
Nói đâu xa, hồi mới tái lập tỉnh (1997), tròn 20 năm, nói đến vùng núi Quảng Nam cũng thấy còn xa lắc, xa lơ. Năm 2000, anh Ngô Văn Hùng - Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường “lệnh” tôi dẫn nhóm anh em lên Phước Sơn triển khai phổ biến kỹ thuật cho bà con. Xe từ Tam Kỳ ra Đà Nẵng và từ đó lên Giằng (bây giờ là Nam Giang) để lên Khâm Đức (Phước Sơn). Đoạn bắt đầu chạm miền Tây, xe ô tô không còn nghĩa chạy nữa, mà bò lập bập, rồi….nhảy - nhảy đều, nhảy thót; rồi có lúc chúi đầu, lắc lư như say rượu…; Chúng tôi dùng khái niệm Ô tô ngựa (Ô tô chạy như ngựa lao dốc) tếu táo để động viên nhau. Gần 12 giờ trưa, ăn cơm tại Thành Mỹ; khoảng 16 giờ đến Khâm Đức. Trọn một ngày.
Cơn mưa đầu chiều làm cho ánh nắng nhuộm cánh rừng óng ánh, rực rở. Thấm cái sự tài tình của Phạm Tiến Duật ngày nào:
Anh lên xe trời đổ cơn mưa
Cái gạt nước xua tan nỗi nhớ
Em xuống núi nắng về rực rở
Cái nhành cây gạt nỗi riêng tư
Bây giờ, xe đi miền Tây như lướt gió, êm ru. Dậy sớm tí, từ Tam Kỳ ra Ngã ba Cây Cốc (Thăng Bình), theo Quốc lộ 14E lên Hiệp Đức, vi vu giữa núi đồi, ăn sáng Khâm Đức; ngồi thong thả ly cà phê phố núi, vẫn kịp giờ làm việc hành chính. Mà không riêng chi lên Khâm Đức, tại điểm nối với Quốc lộ 1A, theo Quốc lộ 40B (tiền thân là  ĐT 616), đến với các huyện miền Tây Nam Quảng Nam, xa nhất là Nam Trà My, cũng đi, về trong ngày. Anh Vũ Ngọc Hoàng khi còn làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam rất dân dã chiết tự và dùng âm Tắc Pỏ (trung tâm huyện lỵ Nam Trà My) rằng: đừng thấy đường tắc, mà bỏ  để cố gắng phát triển giao thông miền núi. Rồi, Quốc lộ 14B nối thành phố Đà Nẵng lên Đại Lộc, gặp đường Hồ Chí Minh tại Thạnh Mỹ (Nam Giang); Quốc lộ 14G nối Đà Nẵng với Prao (Đông Giang) và từ đó ngược lên huyện lỵ Tây Giang chừng 40 km… Giữa bạt ngàn sương phủ trắng núi rừng, bỗng ngẫu hứng:
Đường lên Tây Giang thon gầy tay thì con gái
Sương trắng trời miền biên ải quê em
Nếu ngày xưa, 6 ngõ nguồn tạo kết nối miền xuôi với miền ngược thì Quảng Nam ngày nay kết nối vùng Đông với vùng Tây qua 5 tuyến Quốc lộ ngang: 14G, 14B, 14D, 14E và 40B, tất cả đều có điểm đầu từ đường thiên lý Bắc Nam, điểm cuối nối với đường Hồ Chí Minh -Trường Sơn. Cứ tính nôm na theo chiều dài bờ biển, cách khoảng 25km có một ngõ nguồn đến với miền Tây.
Đường lên miền Tây xứ Quảng bây giờ đi ngang, về tắt được, rộng thênh thang, tha hồ lướt gió. Đến cuối năm 2016, tròn trịa 20 năm tái lập tỉnh, tất cả 96 xã toàn miền Tây đã có đường ô tô đến trung tâm xã, mà nói theo tỷ lệ thì đạt 100%; nghĩa là các xã vùng cao, xã biên giới của hai huyện Tây Giang và Nam Giang chung đường biên giới với Lào với chiều dài 142,5 km cũng đến được. Thế mới biết dọc, ngang vi vu miền Tây thú vị thật.  Mới đây thôi, năm 1992, nhà văn Nguyễn Bá Thâm có một cuộc hoài niệm ngao du “Đi dọc đường biên” [2] với đầy ắp hơi thở núi rừng miền Tây xứ Quảng cũng còn lắm gian khổ. Tôi biết Bá Thâm (gọi thân mật) khi cơ quan anh còn thuê nhà tạm bợ tại đường Nguyễn Đình Chiểu (Tam Kỳ) cũng bởi cái bệnh chữ nghĩa phiêu bồng. Có lần, đậm chất giọng xứ Nghệ, anh khen: “Làm quản lý như ông, mà có đôi câu thơ, tôi thấy hay đấy, quý thật”. Cái gì, chứ với thơ, văn, anh quý hơn vàng.
Nếu ví Tây Giang như nàng công chúa nằm kiêu sa giữa rừng xanh[3], thì Làng truyền thống C’tu như bộ ngực căng tròn con gái thì thiếu nữ. Đứng trên khuôn viên làng, ta thấy rất rõ trung tâm hành chính được tọa lạc bên dòng Avương, giữa bốn bề rừng núi xanh thẩm. Anh Bh’riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang, mà với tôi, anh còn là nhà ngôn ngữ học C’tu, thông tin: Lễ hội ở Tây Giang không còn cảnh đâm trâu máu me nữa. Chuyện lạ và khó tin. Giật gân quá. Hỏi ra, thì quả thật Tết Đinh Dậu - 2017, tất cả 90 làng ở Tây Giang không còn cảnh đâm trâu, các giá trị văn hóa lễ hội khác vẫn giữ nguyên, sinh động. Nếu nhìn về góc độ quản lý, thì đó là kết quả của cả một quá trình đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc. Cũng đã hơn 40 năm giải phóng và tròn 20 năm tái lập tỉnh, mới có được. Đâu dễ.
Còn nhớ, thời chiến tranh, cách mạng miệt mài vận động, đồng bào C’tu đã bỏ hủ tục man rợ săn máu, còn gọi là “Tục đầu tôi” gắn liền với quan niệm tâm linh là vật tế thần. Bỏ hủ tục man rợ săn máu và bỏ tục đâm trâu chết chóc là những cuộc cách mạng về văn hóa của đồng bào C’tu. Vai trò của già làng, của đồng bào dân tộc trong xây dựng và phát triển miền Tây là rất lớn.
Ngày hội của đồng bào dân tộc sôi động lắm. Nhớ có lần cùng lãnh đạo tỉnh tháp tùng Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm xã Trà Nú - Bắc Trà My, đồng bào chào đón Tổng Bí thư điệu cồng chiêng vang rền rừng núi, rất mãnh liệt, hừng hực. Rồi chuyện lễ hội với vũ điệu dâng trời tân tung, da dá của đồng bào C’tu… Văn hóa núi rừng miền Tây phong phú, đa dạng. Cũng chẳng có nơi nào tiên phong bảo tồn tất cả ngôn ngữ của đồng bào dân tộc như Quảng Nam làm: Bộ Từ điển, Ngữ pháp, dạy hoc,… về Tiếng C’tu - Việt, Cor - Việt, Bh’noong - Việt, Ca doong - Việt. Văn hóa tạo thế đứng cho miền Tây.
Theo đường Hồ Chí Minh, xuôi về thị trấn P’rao (Đông Giang), xe bám theo sườn núi, uốn lượn như bay. Vi vu. Tôi còn nhớ, anh Nguyễn Bằng khi còn làm Bí thư Huyện ủy Đông Giang đã cùng tôi lướt sóng thăm Thủy điện A Vương, đã thốt lên: Hạ Long giữa đại ngàn. Miền Tây đã có điện thay sao [4], 16/42 công trình đã phát điện thương mại với 1.093,56MW, điện lượng 3.913,81 triệu kwh/ năm. Điện lưới Quốc gia đã về đến ngõ ngách các xã, đến 97,5% số hộ có điện; mà chỉ nay mai là phủ hết. Điện ở miền Tây như giấc mơ có thật. Với tôi, so với bậc đàn anh Hồ Văn Điều với đôi chân trần bám chặt vào đất rừng đi vận động cách mạng cho đồng bào dân tộc, anh Nguyễn Bằng cũng là cây đại thụ của miền Tây, luôn âm ỉ trong anh làm thế nào để nâng cao năng lực đồng bào dân tộc để bám theo sự phát triển. Anh Đỗ Tài - Bí thư Huyện ủy Đông Giang mời tôi ly rượu Ka Kun, cũng như Ba Kích, giới mày râu tự an ủi nhau ông uống bà khen, khoe: Lên Đông Giang, nhớ vào mùa boòn boon. Không chỉ riêng vùng đất mà anh gọi là xứ Tiên có boòn boon đâu nhé. Mà thật, boòn boon tại thôn Phú Mưa, xã Jơ Ngây ngon nhất; giống như Tiên Châu của Tiên Phước vậy. Chủ tịch xã Jơ Ngây Jơ Râm Thị Nếp cứ cười, chúc rượu, hai má đỏ ửng. Hứng chí, xuất thành vế đối: Nếp rẩy làm rượu nếp, Thị Nếp - Chủ tịch xã Jơ Ngây say ngây ngất.
Trận cười nghiêng ngã đưa chúng tôi đổ về Thạnh Mỹ (Nam Giang) vừa chập tối. Có thánh mới tìm cho ra quán cơm ngày nào nhâm nhi cùng anh Chơ Rum Nhiên - Trưởng Ban Tuyên giáo, bây giờ là Bí thư Huyện ủy, đành nhậu với ông bạn quê, nhảy núi lên đây, làm đến Phó Công an huyện. Hồ hởi, ông Đại tá báo tin sắp tới trung tâm hành chính huyện về lại chốn xưa - Thạnh Mỹ, mừng đến sướng rân. Ở Thạnh Mỹ có chợ đêm, mà theo như bác tài của cơ quan tôi, nó có từ lâu rồi, phục vụ cho cánh làm ăn buôn bán xuôi ngược miền Tây.
Cũng theo hướng đi năm xưa, chúng tôi phóng lên Khâm Đức - thủ phủ miền Tây trong chớp nhoáng. Những người bạn ngày nào cùng tôi tổ chức tập huấn kỹ thuật cho bà con đã nghỉ hưu. Cách đây vài năm, ông cụ thân sinh tôi mất, anh em miền núi, như: anh Thanh, anh Tiến, anh Thuyên, anh Mẫn, anh Nhuận… lặn lội đến chia buồn. Cảm động là anh Vân, ngày nào là Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phước Sơn, sau này trở thành nhà nghiên cứu lịch sử của huyện, chủ biên nhiều công trình, mà mấy ai chuyên nghiệp làm được, phóng xe máy tóc dựng ngược như cỏ mây, cúi đầu tiễn biệt người đã khuất. Bất ngờ, ứa nước mắt. Cái tình người miền Tây sao quý vô cùng. Anh Phạm Thế Quyền - Bí thư Huyện ủy Phước Sơn không giấu khát vọng: Thị xã Khâm Đức trong tương lai gần. Miền Tây xứ Quảng âm u ngày nào bây chừ ‘nhà có số, phố có tên”. Lê Lam Giang kết duyên miền sơn cước mộng mơ này mà thốt lên: Tình yêu đắm thắm mặn mà Phước Sơn (Nghĩa tình Phước Sơn).
Xuôi về Hiệp Đức giữa rừng cao su mướt xanh, làm tô mì Quảng bên bờ sông Tranh tại cầu Tân An. Dân Quảng làm chi thì làm, ngơ ngác đâu cũng tìm tô mì Quảng. Anh Đào Bội Thuyên, nguyên Chủ tịch Hiệp Đức đam mê sáng tạo, tham gia và đạt nhiều giải thưởng Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh, nên được gắn cái mác “Chủ tịch sáng tạo”. Còn tôi, vẫn thường đùa anh Chủ tịch liên hiệp huyện, cũng từ cái việc cắt mỗi huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Phước Sơn, Tiên Phước vài xã để thành lập Hiệp Đức vào ngày cuối cùng của năm 1985.
Vẫn còn đó tâm huyết cho một cuộc Hội thảo Khoa học quy mô lớn về vai trò lịch sử của Khu di tích căn cứ Phước Trà trong những năm tháng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1973 - 1975), nơi đề ra kế hoạch cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 tại miền Trung, theo Nghị quyết vào tháng 1 năm 1975 của Đảng; nơi nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước ta Võ Chí Công (Năm Công) làm việc và chỉ đạo kháng chiến.
Theo Ngã ba Phú Bình, dân thường gọi Ngã ba Kiểm Lâm vì có Trạm Kiểm lâm đóng tại đây, đến thị trấn Đông Phú (Quế Sơn), ngược Đèo Le nổi tiếng gà ngon xứ Quảng đến Nông Sơn thăm làng cây trái Nam Bộ Đại Bình. Ở cái vùng thung lũng này, xưa là đại bản doanh Tân tĩnh Trung Lộc của Nghĩa hội Quảng Nam, do cụ Phó bảng Hồng lô Tự khanh Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo. Từ căn cứ Tân tỉnh Trung Lộc, nghĩa quân tiến công các thành, tỉnh, như: Đà Nẵng, La Qua… cho đến các đồn lũy như Bãi Chài (Duy Xuyên), Nam Chơn, Hà Thân (Đà Nẵng), Gò Mùn, Hà Nha (Đại Lộc)…Câu ca dao ngày nào đằm thắm, chảy mượt lòng người dân xứ Quảng:
Ngó lên Hòn Kẽm - Đá Dừng
Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi.
Băng về vùng Sơn - Cẩm - Hà đau thương một thời, mà tội ác trời không dung, đất không tha [5] của kẻ thù vẫn còn hằn nỗi đau; qua Khu căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam là đến miền trung du “Anh nói với em rằng Tiên Phước quê mình” với này tiêu, này quế, này chè,… cùng câu ca nổi tiếng:
Đường lên Tiên Phước quanh quanh
Có con cò trắng đậu cành thương thương
Sông Tiên nước chảy đôi đường
Ai về nhắn bậu người thương vẫn chờ.
Không phải ngẫu nhiên mà Nhà học giả cũ trên bước đường canh tân - Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng - Cụ Huỳnh lại lấy hiệu Mính Viên. Cũng lạ, mảnh đất mới thành lập tròn 100 năm (1916 - 2016) mà làm nên những giá trị tiêu biểu, kiểu mẫu của xứ Quảng, trong đó giá trị thực học còn nóng hổi đến bây giờ. Triết lý của bộ ba huyền thoại xứ Quảng (Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp) về khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh rất gần gũi với công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục, sức mạnh của dân và an sinh xã hội mà chúng ta đang hướng đến. Cái làng tân học Phú Lâm có khác nào kiểu mẫu của xây dựng nông thôn mới.
Về Tiên Phước giữa mùa hoa sưa thanh tao ngập tràn làng quê, ngập tràn ngõ đá rêu phong cổ kính, như lạc vào chốn tiên nữ, mới thấy Vũ Công Điền rất tinh tế làm bộ ảnh Hoa sưa hút hồn. Hoa lá miền Tây như tỉnh, như mơ.
Lần theo câu hát “Quế Trà My hương thơm rừng man mác” của cố nhạc sĩ tài danh xứ Quảng Phan Huỳnh Điểu đến với vùng cao sơn ngọc quế Trà My, mà bây giờ là huyện Bắc Trà My và Nam Trà My. Xã Trà Tân - Bắc Trà My được mệnh danh là xã di tích, bởi cơ man là di tích của Khu DTLSCM Trung Trung bộ - Nước Oa. Mới ngày nào lên kết nghĩa, lội bì bỏm mới vào đến trụ sở UBND xã; bây giờ, xã đã gần về đến đích “xã nông thôn mới” như lời khoe của anh Nguyễn Văn Khánh - Bí thư Đảng ủy xã. Mà trong hơn 90 xã miền Tây, cũng đã có 10 xã được công nhận; dự định vài năm nữa đạt bằng 30% số xã được công nhận “xã nông thôn mới”, rồi tiếp…
Theo phía Nam bờ sông Tranh, có thể nói bắt đầu từ Thủy điện Sông Tranh 2, ngược đường QL 4OB lên Nam Trà My. Nói theo cách ví von ngày nào của anh Vũ Ngọc Hoàng, đường lên Tắc Pỏ bây giờ, không tắc, sao bỏ. Ngồi nghỉ tại Thác Năm Tầng như mái tóc buông dài của sơn nữ, núi rừng xanh ngút ngàn. Thật nhé, phía bên ni đèo Lò Xo (Phước Sơn) là màu xanh, phía bên kia là Tây Nguyên gần như không còn màu xanh. Xe chạy từ Kon Tum đến Gia Lai, Đắk Lắc, xuôi Đắk Nông như chạy giữa sa mạc, còn chăng chỉ có rừng cao su. Nhà thơ Văn Công Hùng, cựu sinh viên Khoa Văn - Tổng hợp Huế thảng thốt: những khu rừng... không cây trong khắc khoải Tây Nguyên trôi như là sự cảnh báo về rừng miền Tây. Tỷ lệ che phủ rừng ở Quảng Nam đến 64,1%, vượt con số nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh [6] đưa ra là 60%.
Cách đây không lâu, tôi có trong đoàn công tác của UBND tỉnh, do anh Lê Văn Thanh - Phó Chủ tịch dẫn đầu. Đoàn khởi đầu từ Trạm Y tế xã Trà Linh lúc 7h30, cuốc bộ băng rừng lội suối, vượt qua hai cái dốc dằn mặt và dằn lòng, đến Trạm sâm trên đỉnh Ngọc Linh lúc gần 16h. Lúc đầu, đoàn đi cùng nhau, một hồi, tách thành từng nhóm. Tôi, anh Hai - Giám đốc Sở Y tế, anh Tưởng - Phó Ban Dân tộc và anh Mẫn - Phó Chủ tịch Nam Trà My thành nhóm, với sự giúp đỡ hai thanh niên sở tại mang hành lý, kể cả chai nước lọc để uống. Anh em nóng quá cởi trần, thỉnh thoảng phì phèo điếu thuốc, đôi lúc nghĩ giống lục lâm. Mỗi ông một cái khăn ướt vắt vai để làm mát, một cây gậy để chống và có cảm giác như tất cả các lỗ đều... thở. Thở như trâu mở cày. Thế có bỏ bèm gì đâu với bao lớp thanh niên chân cứng, đá mềm xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.
Anh Hồ Quang Bửu - Chủ tịch sâm như tôi vẫn thường yêu mến gọi, say sưa kể chuyện về cây sâm Ngọc Linh như chuyện cổ tích. Năm 2017 này, lần đầu tiên có một Lễ hội sâm tại núi rừng Nam Trà My, đúng hơn là tại miền Tây xứ Quảng. Sâm Ngọc Linh bây giờ không chỉ có ở đỉnh Ngọc Linh; mà được trồng trên địa bàn 7 xã của Nam Trà My, được di thực thành công tại Ch’Ơm - Tây Giang, mà theo các nhà khoa học tại Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh: Tổng hàm lượng các saponin của sâm di thực tại Tây Giang tương đương với mẫu sâm nguyên chủng.
Miền Tây xứ Quảng là thủ phủ dược liệu quý giá. Các dược liệu quý, tên tuổi như Sâm Ngọc Linh, Quế Trà My đã được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý; rồi: Ba Kích, Ka Kun, Sa nhân,… Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu (Bộ Y tế), trên địa bàn tỉnh có trên 832 loài dược liệu, trong đó có 36 loài cây thuốc hiện nằm trong “Sách đỏ Việt Nam”. Dược liệu miền Tây cũng đã tính đến từ lâu, nhưng rồi chẳng đâu vào đâu. Tại diễn đàn khoa học quy mô lớn, anh Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh thẳng thắn nhìn nhận: “Tiềm năng thì lớn về dược liệu, nhưng vẫn cứ loanh quang luẩn quẩn chưa phát triển tương xứng thì nhất định có căn nguyên. Do đó, cần cần phải tính toán, nghiên cứu lộ trình bài bản, thận trọng phân tích kỹ lưỡng, chứ không thể ầm ầm ào ào được” [7]. Chính vì lẽ đó, UBND tỉnh ban hành cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển một số loài cây dược liệu giai đoạn 2016-2020 nhằm tập trung bảo tồn chủ động nguồn gene, sản xuất cây giống và phát triển cây dược liệu, đưa cây dược liệu thoát khỏi nguy cơ khai thác cạn kiệt và trở thành cây hàng hóa có lợi thế cạnh tranh cao, góp phần xói đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc vùng cao. Khát vọng trở thành trung tâm dược liệu lớn nhất vùng Nam Trung Bộ đang rất gần.
20 năm tái lập tỉnh, từ thu nhập được tính bằng trái ngô, cân lúa rẫy,... đã đạt 11 triệu đồng/người năm; tăng 54% so với năm 2012 mới đây thôi. Tỷ lệ hộ nghèo từ 47,93% năm 2012, giảm còn 34,89% năm 2016 (theo chuẩn nghèo đa chiều, tương đương 27%), vượt chỉ tiêu Nghị quyết 55 đặt ra là 36%. Vẫn còn đó những khó khăn, nhưng cái nghèo, cái đói không còn là nỗi ám ảnh, sợ hải ở miền Tây nữa.
Đường mòn Trường Sơn huyền thoại năm xưa không còn nữa, có nơi đã mãi mãi nằm dưới lòng hồ thủy điện, nơi cây cỏ đã vùi lấp, nơi được nối vào đường Hồ Chí Minh ngày nay; nhưng nơi ấy đã rực cháy lên màu hoa đỏ như cách ví von đầy hình ảnh sinh động về sự phát triển, mà sinh thời, cố Nhạc sĩ Thuận Yến đã khát vọng và tiên lượng. Ngày nay, mô hình phát triển vùng Tây Quảng Nam được xác định và tổ chức theo dạng hành lang phát triển, gồm 03 hành lang kết nối với 3 vùng động lực phía Đông của tỉnh Quảng Nam: Hành lang vùng Bắc Quảng Nam, hành lang vùng Trung Quảng Nam và hành lang vùng Nam Quảng Nam.[8] Sự kết nối đó mang dáng dấp lịch sử, văn hóa của xứ Quảng.
Miền Tây là miền văn hóa, miền hoa lá và cây trái chín mọng, thủ phủ nguồn giene và dược liệu mức tiếng gần xa; là mảnh đất di tích của lịch sử hào hùng;… Đến với miền Tây bây chừ, tha hồ vi vu giữa ngút ngàn xanh thẳm, trong điệu cồng chiêng nghiêng ngã núi rừng…Câu ca xứ Quảng dặn lòng: Thương nhau mấy núi cũng trèo,….
Chú thích:
[1] Dẫn theo bài hát Màu hoa đỏ của cố Nhạc sĩ xứ Quảng Thuận Yến
[2] Tên tập bút ký của Nhà văn Nguyễn Bá Thâm, Hội VHNT Quảng Nam xuất bản, 2004.
[3] Nhà báo Lê Anh Dũng - Vóc dáng Tây Giang giữa đại ngàn Đông Trường Sơn
[4] Ý thơ của nhà thơ Tố Hữu
[5] Thảm sát Sơn - Cẩm - Hà năm 1954.
[6] Nghị quyết số 55/2012/NQ-HĐND về Chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2013 - 2016 (Nghị quyết 55)
[7] http://m.tienphong.vn/
[8] Quyết định số 4033/QĐ-UBND, ngày 23/12/2013 của UBND tỉnh Quảng Nam về phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng Tây Quảng Nam.
Mùa sưa nở - 2017
PNS
Theo http://www.skhcnquangnam.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...