Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2020

Tình yêu và hình ảnh người đàn bà trong thơ xưa

Tình yêu và hình ảnh 
người đàn bà trong thơ xưa

Tôi không gọi đây là một khảo luận văn học, tôi gọi bài viết này là tập tài liệu văn học. Bài này sẽ đi ngược dòng thời gian, từ Thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, nửa đầu Thế Kỷ 20, đi ngược về những nhà thơ đời Lý, Thế Kỷ 11. Đây chỉ là công trình ghi chép rất nhỏ về một chủ đề, giúp các bạn yêu văn học đỡ mất công tìm kiếm.
Trong Thơ của người xưa chúng ta gập một số hình ảnh đàn bà Việt Nam mà ngày nay, và mãi mãi về sau, xã hội Việt Nam không còn họ nữa: những người đàn bà làm nghề cô đầu, một nghề phục vụ đàn ông đã có trong xã hội ta kể từ những năm giữa Thế kỷ 19 - khi nền đô hộ của người Pháp được đặt vững vàng trên đất nước ta, và suy tàn đi vào những năm 1940 - khi Việt Nam đi vào chu kỳ loạn và thay đổi.
Dù có tinh thần bài Trung Hoa nặng đến đâu chăng nữa, tôi nghĩ ta cũng phải nhận rằng người Việt Nam, từ mấy ngàn năm, đã học tập rất nhiều thứ của người Trung Quốc, trong số có “nghề chơi” là một. Hát ả đào, hay hát cô đầu ở nước ta, là một biến thể của nghề ca kỹ ở Trung Quốc. Hình ảnh đậm nét nhất, gây ấn tượng nhất
của những nàng ca kỹ Trung Hoa là hình ảnh và tâm sự người thiếu phụ bến Tầm Dương, do Bạch Cư Dị vẽ lên và để lại, sống mãi trong thơ văn từ hơn ngàn năm trước đến nay.
Hai ông Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề, trong quyển Việt Nam Ca Trù Biên Khảo, viết:
“ Lối hát ả đào có từ thời nhà Lý. Năm Thuận Thiên thứ 16 - 1025 - Vua Lý Thái Tổ đặt chức quản giáp cho giới con hát. Trong đời nhà Lý, có Tống Đạo sĩ là người nước Tầu sang ngụ nước ta, dậy con gái nước ta múa hát.
“Cuối đời nhà Hồ - 1400-1407 - có người con hát họ Đào, quê ở làng Đào Xá, tỉnh Hưng Yên, lập mưu giết được giặc Minh. Khi nàng chết, dân làng nhớ ơn lập đền thờ, gọi thôn nàng là thôn Ả Đào. Từ đấy, những cô gái đi hát được gọi là Ả đào, hoặc Đào nương.”
Nghệ thuật múa hát ông cha ta học được của người Tầu đó truyền đến Thế kỷ 19 chia thành hai ngành chuyên biệt và chuyên nghiệp, nhiều người làm hai ngành này có thể sống được với nghề: trình diễn ca múa trên sân khấu: chèo, tuồng, và hát trong phòng: hát ả đào.
Hát ả đào, hay hát cô đầu, có nhiều cách, thể, điệu: Hát nói, Hát ru, Gửi thư, Kể chuyện, Bồng mạc, Sa mạc v.v... Không có ý chuyên khảo về đề tài Hát Ả Đào nên tôi chỉ viết thoáng qua phần này. Lời của các điệu hát giống nhau, thường là thơ lục bát, lời Hát Nói là một thể riêng. Hát Nói là điệu ca phổ biến nhất trong những điệu ca ả đào. Các thi sĩ xưa của ta sáng tác khá nhiều bài Hát Nói. Như thể thơ Lục bát, Hát Nói là thể thơ hoàn toàn Việt Nam; trong Hát Nói có rất ít ảnh hưởng của thơ Đường luật.
Tản Đà, Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát đều sáng tác Hát Nói, nhiều bài được làm ra với dụng ý rõ ràng là để cho các cô đào hát. Một số vị quan lại thời ấy, tuy không phải là thi sĩ theo nghĩa thi sĩ chúng ta hiểu hiện nay, đã sáng tác Hát Nói, đặc biệt là sáng tác của những ông quan lại họ Dương: Dương Khuê, Dương Lâm, Dương Tự Nhu.
Nghề cô đầu ở nước ta thịnh vượng nhất cùng với thời hiển đạt của những ông Án sát, Tuần phủ, Tổng đốc nhà Nguyễn. Thời xưa ấy các ông chơi trò hát cô đầu mà không có mặc cảm tội lỗi. Thi sĩ Tú Xương công khai tuyên dương thú hát cô đầu của ông trong bốn câu:
Có phải rằng ta chẳng học đâu,
Mỗi năm ta học một vài câu.
Ví dù Vua mở khoa thi Trống,
Lạc nhạn, xuyên tâm, đủ ngón chầu.
Lời thơ vừa ngông, vừa hài hước, nhưng cũng có nhiều thực tế. Nếu như Vua mở khoa thi đánh trống cô đầu thật, biết đâu Ông Tú Xương đã chẳng đỗ ông Nghè - Nghè Trống cũng là Nghè - đường công danh của ông đã không lận đận như với khoa thi chữ. Chúng ta hãy nghe ông Tú diễn tả nhân sinh quan của ông qua bài:
Hát Cô Đầu
Nhân sinh quí thích chí
Chẳng gì hơn hú hí với cô đầu.
Khi vui chơi năm ba ả ngồi hầu,
Chén rượu cúc, đánh chầu năm ba tiếng.
Tửu hậu khán hoa nhàn bất yếm,
Hoa tiền chước tửu hứng vô nhai.
Hỡi ai ơi.. Chơi lấy kẻo hoài,
Chơi cũng thế mà không chơi cũng thế.
Của trời đất xiết chi mà kể,
Nợ công danh thôi thế cũng xong.
Chơi cho thủng trống tầm bông.
Nhân sinh quý thích chí: người ta ở đời cốt thỏa thích ý mình. Uống rượu, xem hoa mãi chẳng chán, trước hoa, uống rượu thú không biết ngần nào. Trống tầm bông: trống hai mặt, thắt lại ở giữa, đánh lên tiếng kêu nhẹ là tầm, tiếng kêu nặng là bông.
Thi sĩ nói: Chơi là lãi. Chơi cũng thế mà không chơi cũng thế! Người trẻ tuổi chưa có kinh nghiệm sống, nếu nghe theo lời khuyên này, có thể mang hại. Có làm  mới có thể có chơi. Chúng ta phải làm rồi mới chơi được. Dù cho ta có điều kiên đi nữa nếu ta chỉ sống để chơi, để hưởng thụ không mà thôi, cuộc sống của ta cũng bị lệch. Theo tôi, điều kiện để chơi là phải làm việc. Nhưng chỉ hùng hục làm mà không chơi, không biết chơi, không biết hưởng lạc thú ở đời, cũng là hỏng.
Về một mặt, nói một chiều, tính ra quả “chơi là lãi” thật. Trong thời gian nằm trong tù tôi có dịp suy nghĩ - lơ mơ thôi - về đề tài ấy. Nằm cùng với tôi trong nhà tù cộng sản có những anh nhà buôn, nhà bán, cả đời ăn mắm, mút ròi, chuyên tính lợi cho mình, hại cho người, buôn gian, bán lận, một vốn, bốn lãi, chất chứa, ký cóp, bòn mót của cải để làm giàu. Cộng sản vào Sài Gòn, các anh này mất hết, không những chỉ bị mất hết của cải, nhà cửa, các anh còn bị bọn cộng sản cho vào tù vì cái tội giàu tiền. Sống trong cái gọi là chế độ xã hội chủ nghĩa - quái thai của quái quỉ Cộng sản - anh ăn chơi cũng tù mà anh không ăn chơi cũng tù. Chỉ có điều khác là những anh giàu tiền đã bị tù rồi còn phải khai báo, phải nộp của, đã mất trắng những của nổi nhà cửa, kho hàng, tiền vàng, các anh còn bị bóp cho lè những của chìm ra,  những anh đã ăn chơi đã đời rồi thì nằm phây phây, các anh này không còn gì để bọn cộng sản có thể lột. Trong trường hợp ấy - đúng như lời ông Tú Xương nói - quả thật sống ở đời “chơi là lãi” đấy.
Nói đến hát cô đầu, nhiều người Việt - những người chưa từng bao giờ biết cái thú hát cô đầu - cũng ít nhiều biết bài Hát nói, như bài này:
Hồng Hồng, Tuyết Tuyết
Ngày xưa Tuyết muốn lấy ông
Ông chê Tuyết bé, Tuyết không biết gì.
Bây giờ Tuyết đã đến thì
Ông muốn lấy Tuyết, Tuyết chê ông già.
Hồng Hồng, Tuyết Tuyết
Mới ngày nào chửa biết cái chi chi,
Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì
Ngoảnh mặt lại đã đến kỳ tơ liễu.
Ngã lãng du thời quân thượng thiếu,
Quân kim hứa giá ngã thành ông.
Cười cười, nói nói thẹn thùng
Mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại.
Riêng một thú thanh sơn đi lại
Khéo ngây ngây, dại dại vì tình.
Đàn ai một tiếng Dương tranh!
Hồng Hồng, Tuyết Tuyết - nghe nói, nghe nói thôi, người viết gần như mù tịt về chuyện này - là bài hát được hát nhiều nhất trong những chầu hát cô đầu. Vì lời hay, đủ khổ, dễ hát, bài HHTT còn được dùng làm bài mẫu cho các em cô đầu tập hát - Cô đầu có hai loại: cô đầu hát và cô đầu rượu, cô đầu rượu không biết hát, chỉ để hầu khách - Tác giả HHTT là Dương Khuê, người được Nhà thơ Yên Đổ khóc trong thơ:
Bác Dương... Thôi đã thôi rồi...
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta…
Vân Trì Dương Khuê, sinh năm 1836, mất năm 1898, quê làng Vân Đình, Hà Đông, đỗ tiến sĩ năm Tự Đức 21 - 1868 - từng làm Tổng Đốc Nam Định và Ninh Bình.
Hồng Hồng, Tuyết Tuyết diễn tả tâm trạng những tay chơi hào hoa khi đã có tuổi. Vào những năm 1960 tâm trạng này được diễn tả bằng câu: ”Đừng gọi anh bằng chú...” Cô bé mười tuổi chưa biết chuyện đời năm ta bốn mươi tuổi, số tuổi sung mãn nhất của người đàn ông, trở thành cô gái hai mươi tươi mởn khi ta năm mươi tuổi, thể xác ta đã suy nhược nhưng lòng ta vẫn còn đầy những tham lam chưa thỏa. Ta thấy hạnh phúc đã ở ngoài tầm tay của ta. Khi ta đang ăn chơi, em còn nhỏ. Nay em đến tuổi lấy chồng, ta già rồi. Xưng chú, xưng anh với em đều ngượng miệng, xưng ta thì nhạt nhẽo và phách lối. Gọi nàng là em thì kỳ kỳ mà gọi nàng là cháu thì vô luân. Tình trạng ngang phè, vô duyên, ngôn không chính mà danh chẳng thuận một ly ông cụ nào.
Sau Tháng Tư 1975 vợ chồng tôi trôi dạt về căn nhà nhỏ trong cư xá nghèo này, cư xá có tên Là Cư Xá Tự Do. Lúc chúng tôi mới về đây cô bé nhà trước cửa mới mười tuổi, còn chơi trò nhẩy dây, đánh cầu ngoài đường. Những mùa mưa, mùa nắng Sài Gòn qua đi, tôi võ vàng, gầy ốm, méo mó, răn reo, ngồi bó gối sau khung cửa sổ, buồn phiền nhìn ra con đường nhỏ. Rồi một sáng bọn đầu trâu, mặt ngựa đến nhà tôi, tôi xách cái túi du hành cũ lên xe bông đi tu... Những mùa mưa, mùa nắng Sài Gòn qua đi, tôi xách cái túi rách trở về mái nhà xưa. Tôi lại ngồi bó gối sau khung cửa sổ nhìn ra con đường sám ngắt. Tôi già hơn, mệt mỏi hơn, võ vàng, gầy ốm hơn, méo mó hơn. Cư xá nghèo hơn, đổ nát hơn, rêu phong hơn, u ám hơn. Một sáng tôi sững sờ nhìn cô gái mười bẩy, mười tám tuổi nhà trước cửa. Chưa bao giờ tôi thấy thời gian qua rõ ràng đến như thế... Bẩy, tám năm trời qua mau ơi là mau...
Dương Vân Trì có mấy bài Hát Nói diễn tả tâm tình tiếc ngày xưa, thương người cũ, ngậm ngùi vì thời gian qua mau: “Đêm khuya chợt nhớ chuyện thời trẻ. Trong mắt người ta đã già rồi…” thật cảm động:
Tặng Cô Đầu Phẩm
Dạ thâm hốt ức thiếu niên sự
Giận hồng quân ghen ghét kẻ hồng quần.
Trải nắng mưa gầy biết mấy phần xuân,
Mà son phấn cũng phong trần thế nhỉ?
Nhãn trung chi nhân ngô lão hỹ!
Lệ Giang Châu chan chứa bởi vì ai!
Tân tri, cựu hận bời bời,
Tình duyên ấy lôi thôi bao kể xiết.
Ướm hỏi khách biết chăng, chẳng biết?
Thương cho tình mà lại tiếc cho tài.
Hay là nhớ chốn Chương Đài,
Xạ lan mùi cũ, hán hài lối xưa?
Hay là nhớ chốn mây mưa.
Gập Cô Đầu Cũ
Hốt ức lục, thất niên tiền sự
Nợ phong lưu chưa trả hương nguyền.
Đến bây giờ lại gập người quen,
Nỗi lưu lạc, ghét ghen là thế thế.
Thiếp tự thân khinh, lang vị khí.
Thần tuy tội trọng, đế do liên.
Can chi mà tủi phận, hờn duyên,
Để son phấn đàn em sau khúc khích.
Ý trung nhân chỉ khả tình tương bạch.
Thôi bút nghiên, sênh phách cũng đều ai.
Trông nhau nói nói, cười cười.
Giải nghĩa mấy câu chữ Hán: Chợt nhớ chuyện sáu, bẩy năm về trước. Thiếp tự thân khinh: Em biết cái thân em không ra gì nhưng chàng chưa nỡ bỏ em. Thần tuy có tội nhưng vua vẫn còn thương. Ý trung nhân: người có tình với nhau chỉ nên nói thật nỗi lòng với người tình…
Trong một tỉnh nhỏ nào đó ở miền Bắc Việt Nam một đêm cách đêm nay một trăm ba mươi, một trăm bốn mươi năm, người lãng du Dương Vân Trì đi hát cô đầu. Cô đào hát có chồng là kép đàn, theo đúng quy luật đã thành văn:
Cô đầu, cô đách
Lấy quan, quan cách,
Lấy khách, khách về Tầu,
Lấy nhà giàu, nhà giàu phải tội tiêu xưng,
Trở về lấy chú tửng tưng
Tốt bền cố hỉ.
Những người đàn bà chơi bời thường không lấy được chồng tử tế, dù có nhiều thiện chí muốn trở về cuộc sống lương thiện, có nhiều cố gắng đến mấy đi nữa, thường họ cũng không gập được hạnh phúc trong cuộc sống vợ chồng. Có lẽ vì họ đã quen với nếp sống ăn chơi sa đọa, chỉ quen hưởng thụ, phần vì thành kiến của xã hội không tin tưởng họ, vì chẳng có mấy người đàn ông dại dột làm cuộc thử nghiệm vợ chồng với họ. Nhưng trong đời ta cũng thấy có nhiều em chơi bời thực sự trở thành vợ hiền khi có người yêu thương họ. Và một khi đã hiền, các em hiền hơn nhiều những em con nhà lành đổ đốn khi có chồng.
Người đào hát trong bài Hát Nói dưới đây có chồng là kép đàn, ông kép đàn mới chết. Nhà hát có khách, nàng hát vài bài rồi xin phép ngừng, vì đang có tang chồng, không tiện ngồi lâu. Ta có thể cười chê việc nàng làm là trò giả dối: đã là cô đầu tiếp khách thì dù hát vài bài hay hát suốt đêm cũng là tiếp khách, còn bầy đặt làm gì. Nhưng đôi khi chúng ta cũng quá dễ dãi trong việc khen chê. Cuộc sống còn có đạo đức là do những giữ gìn nho nhỏ ấy. Và giữ gìn lễ nghĩa nho nhỏ như vậy cũng là tốt rồi, ta không nên đòi hỏi gì hơn. Chỉ khi nào chúng ta không còn giữ gìn gì cả, không còn biết ngượng ngùng chi hết, dù là giả vờ, lúc đó chúng ta và cuộc sống mới thật là khốn nạn.
Cô đào xin phép ngừng hát vì chồng nàng mới chết, ông khách lãng du có biết chồng nàng, từng nhiều lần được nghe vợ chồng nàng đàn hát, tức cảnh làm bài hát nói:
Tặng Cô Đầu Hai
Lấy ai là kẻ đồng tâm
Lấy ai là kẻ tri âm với nàng.
Đêm khuya luống những bàng hoàng
Người đi đâu vắng mà đàn còn đây?
Nghe đàn nhớ lão Trung kỳ
Vợ mi ở đó, mi đi mô chừ?
Sớm khuya xe tẩu phụng thờ
Hóa chồng cũng thể như chưa có chồng.
Nhân vong cầm tại
Nhớ chàng Hai mà gặp lại cô Hai
Tiện đây hỏi một đôi lời
Đàn bản ấy cùng ai so phím cũ?
Hồng phần kỷ nhân vi quả phụ?
Bạch đầu nan lão Trác Văn Quân!
Thế thì khi gió gác, lúc trăng sân
Chừng Bạch Tuyết, Dương Xuân còn tưởng nhớ.
Hãy ngồi lại hát chơi khúc nữa
Có trách chi tang trở xóm Bình Khang.
Xưa nay nghề nghiệp thế thường.
Ngắn thôi nhưng đủ ý, bài hát nói vừa trữ tình, vừa hiện thực, vừa cảm thương, đường hoàng, vừa hóm hỉnh và khéo nói. Hiện thực ở câu: ”Sớm khuya xe tẩu phụng thờ...” Một câu thôi mà nói lên được một số sự kiện: hát cô đầu là có đàn bà, rượu và thuốc phiện. Tửu, sắc, yên, đổ, bốn món ta quen gọi là Tứ Đổ Tường, ba món tập hợp trong nhà cô đầu, chỉ thiếu có cờ bạc. Đổ: cờ bạc, thường đi một mình. Đổ cờ bạc, đổ bác, không phải là chữ “đổ” trong Tứ Đổ Tường. Thường cờ bạc là không có đàn bà, không có rượu, thuốc phiện. Những ông kép đàn cho cô đầu hát thường nghiện thuốc phiện, có thể nói trăm ông kép đàn thì có đến 101 ông nghiện á phiện. Nhiều cô đầu biết tiêm thuốc phiện. Qua bài hát nói ta thấy anh kép đàn nghiện hút đã qua đời, vợ anh bầy bộ bàn đèn của chồng lên bàn thờ để thờ. Chi tiết này rất hiện thực. Nó ghi lại hình ảnh một thời kỳ đã qua trong xã hội ta, khi việc dùng á phiện được nhà cầm quyền coi là hợp pháp, khi Nhà Nước Bảo Hộ tổ chức việc nhập cảng á phiện và bán á phiện cho dân. Người kép đàn là người miền Trung. Dương Vân Trì đã khéo léo dùng tiếng Trung Kỳ để gợi lại việc Bá Nha Chung Tử Kỳ cảm nhau qua tiếng đàn. “Mi” trong câu “Vợ mi ở đó mi đi mô chừ...?” không mang ý khinh thường mà là tiếng gọi nhau thân mật của người miền Trung. “Nhân vong, cầm tại: người mất, đàn còn” lấy ở điển Bá Nha-Tử Ky, diễn tả thật đúng cảnh người kép đàn không còn nhưng cây đàn của anh vẫn còn đó. Phải tài hoa và tài tình lắm mới tức cảnh làm ngay được bài thơ nhiều ý hay như Dương Vân Trì làm bài này. Đó chưa kể kinh nghiệm sống: đàn bà đẹp khó có thể ở góa lâu được; các nàng có muốn ở góa bọn đàn ông cũng không chịu, những anh yêu nàng, muốn các nàng, thường làm đủ mọi cách để ép buộc các nàng phải bước đi bước nữa. Đa tình như nàng Trác Văn Quân làm sao có thể ở góa cho đến lúc bạc đầu cho được? Đó chỉ là qua kinh nghiệm thôi, và kinh nghiệm đó đúng.
Ta có câu: ”Chẳng ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời...” Tôi thấy kinh nghiệm trên chỉ đúng trong thời loạn, khi xã hội có những biến động lớn, có sự thay đổi lớp người cầm quyền, nhưng trong những thời xã hội yên bình, một số gia đình nào đó nắm quyền thống trị xã hội trong vài trăm năm, ta thấy có những nhà quyền quí cha truyền, con nối không phải chỉ ba đời mà là cả chục đời. Vì vậy ta có câu ca dao:
Con vua thì lại làm vua
Con lão sãi chùa lại quét lá đa.
Nhưng một dòng họ không thể nắm quyền thống trị xã hội được mãi mãi. Tranh dành và chiếm giữ quyền làm chủ xã hội là việc mà loài người đã làm dài dài từ ngày họ sống thành xã hội. Sau năm 1954 ở miền Bắc, ta thấy tình trạng:
Con anh mõ làng lên làm chủ tịch,
Con nhà chánh tổng ra ở chuồng vịt ngoài đồng.
Những năm 1930 trong số những người sống ở bên sông Nhĩ, Hà Nội, có câu:
Con ơi đừng khóc, mẹ sầu,
Cha con đốt lửa dưới tầu Long Môn.
Bao giờ con lớn, con khôn
Thì con lại xuống Long Môn con làm…
Từ năm 1975 câu hát trên có thay đổi chút ít để hợp với hiện cảnh:
… Bây giò con lớn, con khôn
Con làm chủ tịch để con thằng tư sản
nó xuống Long Môn nó làm…
Ta vừa đi lạc chút xíu ra ngoài đề tài: ”Tình Yêu và Hình Ảnh Đàn Bà trong Thơ Xưa”, nay ta trở lại:
Gập Cô Đầu Khanh
Cầm tay nhớ những bao giờ
Mười lăm năm lại tình cờ gặp nhau.
Cuộc vui chớ gợi tiếng sầu
Tri âm ta lại bắt đầu tri âm.
Thế thượng tri âm tối nan đắc
Độc khanh tri ngã, ngã tri khanh.
Đem má hồng ánh với mắt xanh,
Ấy ai ấy với mình duyên ngộ nhỉ!
Ngã thính khanh ca tần quán nhĩ,
Khanh tri ngã túy thả vong tình.
Thôi thời thôi, ta hãy mần thinh,
Chẳng túc trái cũng tiền sinh chi đấy tá.
Liên khanh đáo để hoàn liên ngã,
Hữu tình ta dám há vô tình.
Ái khanh thị dĩ khanh khanh!
Dương Tự Nhu
Bổ di còn chuyện trích tiên
Có người họ Chử ở miền Khoái Châu
Ra vào nương náu hà châu
Phong trần đã trải mấy thâu cùng người.
Tiên Dung gặp buổi đi chơi
Gió đưa Đằng Các, buồm xuôi Nhị Hà
Chử Đồng ẩn chốn bình sa
Biết đâu gặp gỡ lại là túc duyên
Thừa lương nàng mới dừng thuyền
Vây màn tắm mát kề liền bên sông
Người thục nữ, kẻ tiên đồng
Tình cờ ai biết vợ chồng duyên ưa…
Bạn vừa đọc truyện tình Chử Đồng Tử-Tiên Dung, một truyện tình cổ trong những chuyện tình cổ nhất của dân tộc ta. Truyện được ghi lại bằng thơ trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca - ĐNQSDC - thi phẩm được in năm 1870, đồng soạn giả là hai ông Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái. Bản ĐNQSDC được dùng trong bài này là bản do ông Hoàng Xuân Hãn hiệu đính, soạn lại, viết tựa, xuất bản năm 1949 ở Sài Gòn. 
Chuyện tình Chử Đồng Tử-Tiên Dung là dã sử. Nàng là công chúa đời vua Hùng ngày xửa, ngày xưa, công chúa không thích sống trong cung cấm, công chúa lãng du giang hồ; nàng là thủy tổ của giới thiếu nữ thích đi du lịch, một thứ bụi đời vương giả, một Công Chúa Giang Hồ. Chàng là con nhà nghèo. Chuyện kể họ Chử bị nạn cháy nhà, của cải, đồ đạc mất hết, hai bố con chỉ còn một cái khố thay phiên nhau đóng. Họ kiếm ăn bằng nghề bắt cá. Khi ông bố, hay anh con đem cá ra chợ bán, phải gặp người ta, thì đóng khố, người kia trần truồng không khố trốn nép trong bụi rậm. Ông bố trước khi chết dặn anh con chôn mình trần truồng, giữ lấy cái khố mà mặc. Chử Đồng Tử không nỡ chôn bố trần truồng, chàng mặc khố cho bố còn mình ở truồng. Chuyện kể rõ là vì không có khố Chử không dám lên bờ, khi bắt được cá thì ngâm nửa mình dưới sông, đến bán cá cho những người trên thuyền đậu bến. Cuộc sống của Chử kéo dài như thế cho đến một chiều ngày hè, thuyền của Công Chúa Tiên Dung tới nơi, Chử không kịp chạy, phải vùi mình trong cát để trốn. Thị nữ của Tiên Dung quây màn ngay chỗ Chử nằm trốn để Tiên Dung tắm; họ không biết có chàng trai nằm vùi mình dưới cát ở trong chỗ họ quây màn. Như vậy là Tiên Dung tắm sông nhưng không tắm dưới sông mà sai múc nước sông lên tắm trên bãi cát. Nàng dội nước tắm, nước trôi cát làm lộ ra chàng. Nàng và chàng cùng trần truồng ở trong màn. Chẳng cần phải có óc tưởng tượng ta cũng biết trong màn lúc ấy phải có, ít nhất, hai em thị nữ hầu công chúa tắm, dội nước, sát sà bông, kỳ lưng v.v... nhưng chàng họ Chử không dính em thị nữ nào mà lại dính ngay công chúa.
Chuyện tình dục thứ hai trong lịch sử ta là cuộc tình Lê Đại Hành Lê Hoàn - ông này có tên đường ở khu trường đua Phú Thọ, Sài Gòn - với Thái Hậu Dương Vân Nga nhà Đinh. Năm 968, Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 Sứ Quân, thống nhất đất nước, lên ngôi vua, xưng là Đinh Tiên Hoàng Đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. ĐNQSDC ghi Đinh Tiên Hoàng không phải là ông vua tốt, vua áp dụng hình phạt quá tàn ác, nuôi hổ cho vồ người, đặt vạc dầu nấu người phạm tội. Vua có năm bà hoàng hậu. Năm 979, Vua uống rượu say, bị cận thần là Đỗ Thích giết chết cùng với con trai tên Liễn. Các quan giết Đỗ Thích, lập con thứ của Vua là Đinh Tuyền lên làm vua. Khi lên ngôi vua, Đinh Tuyền mới 6 tuổi. Dưới đây là chuyện ghi trong ĐNQSDC:
Chơi bời gần lũ tiểu nhân
Rượu hoa ngọt giọng, đền xuân mơ màng
Trùng môn thưa hở đề phòng
Để cho Đỗ Thích gian hùng nỡ tay
Nối sau Thiếu Đế thơ ngây
Lê Hoàn tiếp chính từ rày dọc ngang
Tiếm xưng là Phó quốc vương
Ra vào cùng ả họ Dương chung tình…
Và đây là chuyện tình Lê Hoàn-Dương Vân Nga trong Việt Sử Tiêu Án, tác giả Ngọ Phong Ngô Thời Sĩ. Bản dịch của Hội Nghiên Cứu Văn Hóa Á Châu, xuất bản ở Sài gòn năm 1960. Trích:
... Vệ Vương mới 6 tuổi, Lê Hoàn giữ binh quyền, ra vào cung cấm, Thái hậu là Dương thị tư tình với Lê Hoàn, cho Lê Hoàn làm nhiếp chính, Hoàn cậy được Thái hậu yêu, tự xưng là Phó vương. Ngưng trích.
Năm 1979, Việt Cộng và Tàu Cộng tình hữu nghị thắm thiết, ngoài là đồng chí, trong là anh em, sông liền sông, núi liền núi, khắng khít như môi răng, trở mặt đánh nhau chí chạt, hai tên cùng hộc máu. Bắc Cộng lăng-xê tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga, đào Thanh Nga, cải lương chi bảo của Sài Gòn 1970 đóng vai Dương Thái Hậu. Ý đồ của việc trình diễn vở tuồng ấy là khêu gợi tinh thần đánh Tầu của nhân dân Việt, và rủ rê nhân dân Việt Nam Cộng Hòa làm như Thái Hậu Dương Vân Nga: Thái hậu bỏ nhà Đinh, quên chồng, quên quyền lợi của con, yêu và trao quyền bính cho Tướng Quân Lê Hoàn trẻ tuổi, uy dũng, khỏe mạnh, nhân dân VNCH nên quên quốc gia VNCH bại trận, nên bỏ rơi bọn tù nạn nhân cộng sản để đi với những người Việt Cộng chiến thắng. Đào Thanh Nga Thái Hậu Dương Vân Nga một đêm bị bắn chết khi từ trong xe hơi về tới trong sân nhà. Bắc Cộng đổ cho bọn Bắc Kinh giết Thanh Nga vì nàng đóng tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga bài Tẫu. Vụ án mạng Thanh Nga bị cho chìm suồng.
Và như thế là Vua Ta - Đinh Bộ Lĩnh Cờ Lau anh hùng, có công thống nhất đất nước, xây nền độc lập - bị giết cùng với con trai, vợ trẻ về vòng tay người khác, nghiệp vua chỉ có 11 năm! Vua được nhân dân biết ơn, Sài Gòn thủ đô Quốc Gia VNCH có đường Đinh Tiên Hoàng dài và lớn.
Chuyện tình thứ ba: Lý Chiêu Hoàng-Trần Cảnh. ĐNQSDC ghi:
Chiêu Hoàng là bậc nữ nhi
Phấn son gánh việc gian nguy được nào!
Xây vần cơ tạo khéo sao
Bỗng xui Trần Cảnh hiện vào hầu trong
Người yểu điệu, kẻ thư phong
Bén hơi rơm lửa, động lòng mưa mây
Vẩy nước chậu, vắt khăn tay
Khi đêm đạp bóng, khi ngày ngồi chung
Hoa đào đã dạn gió đông
Vua tôi phận đẹp, vợ chồng duyên may…
Ở đây có câu tục ngữ: “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Con trai, con gái cứ ở gần nhau là thể nào chuyện tình dục cũng xảy ra. Đừng nói lửa gần rơm, lửa mà gần gỗ lim thì chẳng cần lâu ngày gỗ lim cũng cháy. Đây là mưu của Trần Thủ Độ - ông này không có tên đường ở Sài Gòn - Vua Cô mới bảy, tám tuổi, cho Trần Cảnh trai mười, mười một tuổi vào cung ăn ở chung phòng với Vua là chít Vua dzồi!. Hai trẻ tắm chung nên mới có chuyện té nước nghịch đùa nhau. Trẻ đùa té nước nhau mà cho là: “Vua đem nước cho Trần Cảnh...”, phải là Trần Thủ Độ, người nói câu “Nhổ cỏ phải nhổ cả rễ”, mới có thể suy diễn như thế.
Quả núi Tiêu Sơn có nhớ công,
Mà em bán nước để mua chồng?
Kết tội Chiêu Hoàng ”bán nước” là không đúng, là quá đáng. Tản Đà chỉ dùng tiếng “bán nước” để hạ tiếng “mua chồng.” Vua chỉ nhường ngôi, vua không bán nước, Vua cũng không mua chồng. Đây là cuộc cướp ngôi - dân chủ là đảo chính - không đổ máu. Ông Tổ nhà Lý là Lý Công Uẩn, nguyên là chú tiểu Chùa Tiêu Sơn, Bắc Ninh. Nhà Lý làm vua được 219 năm, truyền 9 đời vua.
Và đây là hai chuyện dâm tình đời Trần. Trích ĐNQSDC:
Bởi ai đầu mở hôn phong
Khiến nên một đạo khuê phòng thẹn riêng
Thuần bôn dong thói ngửa nghiêng
Họ đương lấy lẫn nào kiêng sợ gì
Thiên Thành công chúa vu qui
Sao Trần Quốc Tuấn cướp đi cho đành
Sính nghi đem tiến thiên đình
Thụy Bà lăng líu, Thiên Thành ngẩn ngơ…
Đời Trần, Vua Trần Thái Tông, vua Trần đầu tiên, tức Trần Cảnh, người khi còn là chú nhỏ, được Trần Thủ Độ cho vào cung nhà Lý, chơi với Vua Cô Lý Chiêu Hoàng rồi làm chồng Chiêu Hoàng, được Chiêu Hoàng truyền ngôi, làm mất nhà Lý. Trần Thái Tông ở ngôi 33 năm, một ông vua tương đối tốt. Trong đời vua Thái Tông, Trần Quốc Tuấn, người sau là Hưng Đạo Vương, mới  mười sáu, mười bẩy tuổi. Vì nhà Trần người trong họ lấy nhau công khai nên mới sinh ra chuyện tình độc đáo như sau:
Việt Sử Tiêu Án. Ngọ Phong Ngô Thời Sĩ. Trích:
… Con An Sinh Vương là Quốc Tuấn đoạt hôn (bắt cô dâu sắp kết hôn với người khác làm vợ mình).
Thiên Thành Công chúa là em vua Thái Tông, được vua hứa gả cho Trung Thành Vương. Ngày cưới, Vua cho mở hội, đưa dâu. Lúc bấy giờ Công chúa đã đến ở nhà Nhân Đạo Vương - thân phụ của chú rể Trung Thành Vương - Quốc Tuấn yêu Công chúa, muốn đoạt lấy làm vợ, đương đêm lẻn vào phòng Công chúa mà thông gian. Thụy Bà Công chúa, chị của Thái Tông và chị của Thiên Thành Công chúa, từng nuôi Quốc Tuấn làm con nuôi, thấy chuyện xẩy ra như thế sợ có tai họa cho Quốc Tuấn, vội đến tâu trình với Vua, xin Vua thương mà cứu mạng Quốc Tuấn; bà tâu Quốc Tuấn đã bị Nhân Thành Vương bắt. Vua sai quan quân đến dinh Nhân Thành Vương, tìm thấy Quốc Tuấn đang ở trong buồng nằm của Thiên Thành Công chúa. Đến lúc ấy Nhân Thành Vương mới biết có Quốc Tuấn ở trong dinh mình.
Thụy Bà Công chúa đem 10 mâm vàng làm lễ cưới, xin Vua gả Thiên Thành Công chúa cho Quốc Tuấn. Vua bất đắc dĩ phải bằng lòng… Ngưng trích.
Đấy là chuyện tình thời trẻ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, anh hùng lịch sử số một của dân tộc ta. Ta có nhiều vua, nhiều tướng đánh thắng quân xâm lược đến từ phương Bắc, nôm na, dễ hiểu là Ba Tầu, oanh liệt nhất là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, rồi Bình Định Vương Lê Lợi và Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ. Ngay cả thời bây giờ khi văn minh Âu Á trời đã thu sạch, luân thường đảo ngược từ lâu, việc làm của chàng thanh niên Quốc Tuấn cũng không thể chấp nhận được: Cướp vợ của anh họ mình, dâm Công chúa ngay trong ngày cưới Công chúa. Lấy công chúa là bà cô, em gái của bà mẹ nuôi mình. Điều đáng nói là Công chúa chịu, Công chúa không phản đối cũng không kêu cứu, không tố giác. Chuyện lấy Công chúa là cô - cô họ cũng là cô - làm vợ không phải lỗi của Quốc Tuấn,  họ Trần của chàng người trong họ chuyên lấy nhau. Nhân Thành Vương, ông bố chồng, ù lì đến cái độ không biết có trai lạ nằm trong phòng ngủ của con dâu mình ngay trong nhà mình! Kể cũng lạ!
Chuyện đáng nói là tuy lãng mạn và liều mạng vì tình như thế, Trần Quốc Tuấn vẫn là đấng anh hùng kiệt xuất nhất lịch sử dân tộc ta. Như vậy có nghĩa là dâm không làm cho con người tồi tệ, chỉ có những con người tồi tệ bị tồi tệ thêm vì dâm. 
Đời Trần Anh Tôn, Vua Chiêm là Chế Bồ Đài, tên nữa là Chế Mân, dâng hai châu Ô, Lý làm lễ cưới Công chúa Huyền Trân. Vua gả Công chúa cho Bồ Đài. Được một năm Bồ Đài chết. Theo tục lệ Chiêm Thành, hoàng hậu phải lên giàn hỏa chịu chết thiêu cùng với xác Vua. Vua sai Khắc Chung vào kinh đô Chiêm Thành điếu tang, Khắc Chung nói với triều đình Chiêm là Hoàng hậu phải ra bờ biển làm lễ chiêu hồn, rước linh về, thì khi lên hỏa đàn mới linh thiêng được. Người Chiêm tin thật, để cho Khắc Chung đưa Huyền Trân ra bờ biển làm lễ, Khắc Chung đưa Huyền Trân xuống thuyền chạy luôn ra biển. Một cuộc cướp người đầy kịch tính, gay cấn, giật gân, hấp dẫn, nhiều tình tiết. Người đây là đàn bà, không phải đàn bà thường mà là công chúa, hoàng hậu. Một thứ Mission Impossible. Huyền Trân và Khắc Chung yêu nhau. Lợi dụng cơ hội ngàn năm một thuở này hai người yêu nhau làm cuộc du thuyền tình, đi du dương trên biển tình mãi đến một năm sau mới về đến kinh đô Thăng Long. Hưng Nhượng, một vị vương nhà Trần, rất ghét chuyện Huyền Trân làm tình với Khắc Chung, nói về Khắc Chung:
- Cho nó sống là không tốt. Tên nó lại là Trần Khắc Chung. Rất có thể nó sẽ làm cho nhà Trần ta bị mất...!
Trần Khắc Chung nguyên họ Đỗ - Đỗ Khắc Chung - vì có công nên vua Trần cho phép nhập họ Trần. Nhà Trần có hai ông Trần Khắc: Trần Khắc Chân có công bắn chết Chế Bồng Nga trên cửa biển - Chế Bồng Nga là ông tổ mười ba đời của Chế Bồng Thẹo - Sài Gòn thủ đô ta có Đường Trần Khắc Chân ở Tân Định, bên Đường Trần Quang Khải, cùng khu với hai Đường Đặng Dung, Đặng Tất, hai vị tướng cuối đời Trần - Đặng Dung: Thế sự du du... Vô cùng thiên địa... Thời lai đồ điếu... Vận khứ anh hùng - Công Chúa Huyền Trân là tên con đường sau Dinh Độc Lập, trước Vườn Tao Đàn. Đường này trước 1956 là Đường Miss Cawell, một nữ y tá người Anh phục vụ ở chiến trường Âu châu trong Thế Chiến Thứ Nhất.
Anh Cu Công An Việt Cộng Huỳnh Bá Thành, trong thời “đồ điếu thành công” của anh, những năm 1977-1978, viết truyện Vụ Án Hồ Con Rùa, tả  Đường Huyền Trân Công Chúa là “con đường duy nhất ở Sài Gòn không có số nhà”. Nhiều người cho lời Huỳnh bá Thành là đúng. Huỳnh bá Thành tỏ vẻ khoái chí vì phát kiến của anh. Nhưng phát kiến ấy sai. Đường Huyền Trân Công Chúa có số nhà. Đường ngắn. Một bên là dẫy tường sau của Dinh Độc Lập, dẫy này không còn nhà nên không có số nhà, chỉ có một cổng sau của Dinh. Bên kia đường là một phần Hội Quán Thể Dục Sài Gòn, thời Tây là Cercle Sportif Saigonnais, hội quán trước 1956 là của các ông Tây, bà Đầm thuộc địa, sau 1956 là hội quán của những anh chức vụ cao trong chính quyền: bộ trưởng, giám đốc, và bác sĩ, kỹ sư, nhà giàu, rồi cổng vào sân Tao Đàn, trước 1956 là sân Vườn Ông Thượng. Sân Đá Banh Tao Đàn không có số nhà.
Nhưng ngã ba Đường Huyền Trân - Nguyễn Du có một nhà của Sở Điên Lực Sài Gòn, nhà này mang số 2. Nói đường Công Chúa Huyền Trân không có số nhà là nói bậy, là không biết gì về Sài Gòn, là không phải người Sài Gòn chân chính. Nhà Số 2 Đường Huyền Trân Công Chúa lù lù ra đấy, có đui mới không thấy, có ngu tận mạng mới mở mồm nói đường Huyền Trân Công Chúa không có số nhà!
Chiêu Quân là thủy tổ của những phụ nữ Tầu lấy chồng ngoại quốc, Huyền Trân là thủy tổ của những phụ nữ Việt lấy chồng ngoại nhân. Công Chúa Huyền Trân của ta xứng đáng được ta tôn vinh, tri ân; gần như tất cả những người phụ nữ Việt lấy chồng ngoại nhân đều không mang một chút lợi lộc gì về cho đất nước, cho dân tộc, Công Chúa Huyền Trân đem về cho đất nước hai châu Ô Lý, tức hai tỉnh Phan Rang, Phan Rí, mở đường cho ông cha ta đi xuống miền Nam.
Trần Khắc Chung và Trần Huyền Trân không cùng họ. Tuy có công cứu Huyền Trân khỏi chết trên dàn hỏa kinh đô Đồ Bàn, nhưng Khắc Chung can tội "hưởng" Công Chúa suốt một năm dài trên thuyền tình lênh đênh ở Vịnh Hạ Long. Một cuộc tình thật đẹp, một chuyến du tình tuyệt vời, một cốt truyện để làm phim xi-nê thật hấp dẫn.
Năm 1986 Đảng Cộng Sản Việt Nam họp Đại Hội 6, theo chân xuống hố của Đảng Cộng Sản Liên Xô, Tổng Bí Thư Nguyễn văn Linh công bố chính sách đổi mới, yêu cầu đảng viên nói thật, nói thẳng và làm một số “những việc cần làm ngay”, trong số có việc “cởi trói cho văn nghệ”. Sau hơn mười năm bị cấm, truyện tiểu thuyết đủ loại lại được in, bán loạn cào cào ở Sài Gòn. Những năm nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa bị rọ mõm mới được cởi trói, chưa được tháo rọ mõm - 1988-1990 - việc xuất bản tiểu thuyết ở Sài Gòn là việc hốt bạc. Sau hơn mười năm không được đọc tiểu thuyết, dân Sài Gòn xếp hàng ở những tiệm sách để mua truyện mới. Tôi ở tù về năm 1990, còn hưởng được hai năm viết truyện linh tinh, kể cả truyện võ hiệp, loại truyện dễ viết nhất, dễ xuất bản, dễ bán nhất. Truyện tôi viết được mua, được xuất bản nhưng tôi không được để tên thật. Đến năm 1992 Việt Cộng lại xiết ngành xuất bản, truyện võ hiệp bị cấm, truyện dã sử Việt Nam thì được. Giới thợ viết xoay sang viết truyện dã sử. Nhiều quái phẩm ra đời, như truyện Nguyễn Trãi đấu chưởng với cao thủ võ lâm Tầu, Nguyễn Huệ đấu kiếm với bọn thích khách đến ám sát Vua ở Thăng Long, bọn võ sĩ Bắc Hà bắt cóc Công Chúa Ngọc Hân, Nguyễn Du sang Tầu, đến Thiếu Lâm Tự học võ v.v... Khi ấy tôi đã định viết truyện tình Khắc Chung-Huyền Trân. Với cốt truyện có thật truyện sẽ tha hồ có những màn đấu chưởng, đấu kiếm, kể cả đấu phép kịch liệt giữa Khắc Chung cùng các võ sĩ Việt với những cao thủ Chiêm Thành, Tầu, Miên, Xiêm La, Lào tùm lum tòa loa..           
Khắc Chung tài hoa, can đảm, từng được Vua Trần cho làm sứ giả sang dinh quân Nguyên nói chuyện với Ô Mã Nhi. Khắc Chung ứng đối giỏi, Ô Mã Nhi phải phục. Rất có thể Khắc Chung và Huyền Trân đã có tình ý với nhau từ trước khi Huyền Trân đi sang Chiêm Quốc, hoặc Khắc Chung đã yêu Huyền Trân từ lâu nay được dịp đi cứu nàng, tất nhiên chàng phải hưởng nàng. Và nàng sẵn sàng cho chàng hưởng. Tội gì mà không thuyền tình một lá lênh đênh trên sóng nước Hạ Long đẹp tuyệt vời. Thuyền đi từ biển Quảng Nam - Quảng Ngãi mà một năm mới về đến Hà Nội. Thật đã.
Sử không viết gì về đoạn cuối của cuộc tình đẹp ấy: khi về Đông Kinh, tức Thăng Long, lại tức Hà Nội, cuộc sống của đôi tình nhân lịch sử, vương giả ấy ra sao? Hoàng gia có cho Huyền Trân làm vợ Khắc Chung hay không? Nếu không được chung sống vợ chồng với Khắc Chung, Công Chúa Huyền Trân đi đâu, về đâu?
Nếu tôi viết truyện cuộc tình Khắc Chung-Huyền Trân, tôi sẽ cho khi về Thăng Long, Khắc Chung bị tống xuống hầm đá tử tù, Huyền Trân tổ chức cứu chàng. Hai người yêu nhau lại xuống thuyền ra đi. Họ bỏ kinh đô, bỏ những người chuyên cản trở, phá hoại tình yêu, họ đưa nhau đi đến những nơi chân trời, góc biển, cuối bãi, đầu ghềnh, sơn cùng, thủy tận; họ  đi và sống với nhau, sống với Tình Yêu - Tình Yêu viết hoa hai chữ T, Y. Nếu làm phim, tôi sẽ đạo diễn cảnh cuối cùng: Hoàng hôn, mặt trời vàng ối xuống trên biển, chiếc thuyền buồm trôi về phía mặt trời lặn, tiếng hát theo cánh buồm bay lên: ”Biển tình ái xá gì phương hướng nữa. Thuyền tình ơi theo gió hãy cho ngoan…” Hết phim. Khán giả ra về, ngơ ngẩn vì mối tình quá đẹp! Những khán giả nam, nữ đi xem phim một mình chưa bao giờ cảm thấy họ cô đơn, họ thiếu thốn, họ thiệt thòi, họ bất hạnh đến như thế!
Chuyện tình dục trở thành thảm kịch bi thảm nhất trong lịch sử ta là thảm kịch Nguyễn Trãi - Thị Lộ - Lê Thái Tông.
Việt Nam Sử Lược. Trần Trọng Kim. Trích:
Khi Vua Thái Tông lên làm vua thì Ngài mới có 11 tuổi…
... Vì ít tuổi lại không có người phụ tá, cho nên sau thành ra say đắm tửu sắc, làm nhiều điều không được chính đính.
Tháng Bảy năm Nhâm Tuất (1442), Thái Tông đi duyệt binh ở huyện Chí Linh. Bấy giờ ông Nguyễn Trãi đã về trí sĩ ở trại Côn Sơn, thuộc huyện Chí Linh. Khi vua đi qua đó có vào thăm, và thấy người hầu của ông ấy là Nguyễn Thị Lộ có tài sắc, bèn bắt theo hầu. Đi đến huyện Gia Định, nay là huyện Gia Bình ở Bắc Ninh thì vua mất. Triều đình đổ tội cho Nguyễn thị Lộ giết vua, bắt ông Nguyễn Trãi làm tội và tru di cả ba họ.
Vua Thái Tông làm vua được 9 năm, thọ được 20 tuổi. Ngưng trích.
Chính sử chỉ ghi ngắn gọn và mơ hồ như thế. Ngoại sử, dã sử làm dài dòng và thần bí hóa sự việc: kể Thị Lộ là con rắn hiện thành người vào báo oán ông Nguyễn Trãi. Nhưng viết như tác giả Trần Trọng Kim về cuộc tình Thái Tông - Thị Lộ như thế là không đúng. Thái Tông là một anh trẻ tuổi có tật thích dâm đàn bà hơn tuổi. Làm vua năm 11 tuổi, 20 tuổi chết thượng mã phong, như vậy là ngay từ những năm mới 15, 16 tuổi Vua ta đã hành dâm loạn cào cào châu chấu. Trước khi "làm" Thị Lộ - hơn vua 10 tuổi - Thái Tông đã "làm" bà Ngô Ngọc Dao, bà này có thai, được tuyển vào cung làm Tiệp Dư,  bà Ngọc Dao sinh ra Vua Lê Thánh Tông, ông vua thứ ba rất anh minh đời nhà Lê.
Đọc sử nước nhà tôi vẫn lấy làm lạ về chuyện ông Vua Cha anh hùng, thông minh, nhân đức, sinh ra ông Vua Con hết sức dâm dục, hoặc tàn ác, ngu độn. Đó là trường hợp Vua Lê Thái Tổ Lê Lợi sinh ra Vua Lê Thái Tông Thị Lộ. Ông vua Thái Tông chuyên dâm đàn bà hơn tuổi và chết vì thượng mã phong lại sinh ra Vua Lê Thánh Tông Tự Thành rất hiền đức, thông minh, tài hoa. Lại như đời Tiền Lê, Vua Lê Đại Hành anh dũng sinh ra Vua Lê Long Đĩnh Ngọa Triều tàn ác, bạo ngược khủng khiếp.
Đây là truyện ngoại sử viết về thảm kịch Nguyễn Trãi - Thị Lộ - Thái Tông.
Khoa Cử Việt Nam. Tác giả Đỗ Bằng Đoàn - Đỗ Trọng Huề. Xuất bản năm 1999 ở Calgary, Canada. Trích:
Ông (Nguyễn Trãi) có người thiếp yêu Nguyễn Thị Lộ, nhan sắc hoa cười, ngọc nói, lại giỏi văn chương. Thị Lộ cha mẹ mất sớm, nhà nghèo, phải lên Thăng Long ở gần Hồ Tây, bán chiếu, nuôi em ăn học. Vì duyên văn tự, được ông để ý, cho vào hàng tì thiếp. Nàng thường cùng ông làm thơ xướng họa, những chiếu, thư, từ, trát do ông thảo ra, phần nhiều đưa cho nàng xem trước.
Thái Tông nghe tiếng Thị Lộ là bậc tài nữ, bèn triệu vào cung, phong làm Lễ Nghi Nữ Học Sĩ, giao cho trông coi việc lễ nghi ở trong cung và chầu hầu bên cạnh. Kể tuổi Vua kém nàng đến gần 10 tuổi.
Tháng Bẩy năm Đại Bảo thứ ba (1442) ông về trại Côn Sơn. Ngày 4 Tháng Tám Vua ghé vào  trại Côn Sơn. Mồng 5 Vua hồi loan, Thị Lộ theo hộ giá. Đi đến trạm Lệ Chi, làng Đại Lai, phủ Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, Vua truyền nghỉ lại, gọi Thị Lộ vào hầu rượu. Nửa đêm Vua băng hà. Triều đình buộc cho Thị Lộ tội giết vua, bắt hạ ngục tra xét. Ông Nguyễn Trãi bị buộc tội thông đồng giết Vua, bị bắt hạ ngục. Trong ngục ông làm bài thơ tù:
Oan Thán
Phù tục thăng trầm ngũ thập niên,
Cố sơn tuyền thạch phụ tình duyên.
Hư danh, thực họa, thù kham tiếu,
Chúng báng cô trung, tuyệt khả liên.
Số hữu nan đào, tri thị mệnh,
Văn như vị táng dã quan thiên.
Ngục trung độc bối không tao nhục,
Kim khuyết hà do đạt thốn tiên!
Than thở nỗi oan
Nổi chìm trong cõi tục trải năm mươi năm,
Đã phụ tình duyên với suối và đá nơi núi cũ.
Danh hư mà vạ thực, nghĩ cũng buồn cười,
Chúng đều dèm pha người trung cô thế rất đáng thương tâm.
Số khó tránh mới biết là do mệnh,
Văn chương như chưa mất ấy là tự Trời.
Trong ngục đọc mặt sau tờ giấy thật tủi nhục,
Biết làm sao đưa được thư lên cửa Vua?...
Chìm nổi trong vòng năm chục năm,
Non xưa, suối cũ phụ tình thâm.
Danh hư, họa thực, cười ta dại,
Đời ghét người ngay, biết đã lầm.
Tình thế khó qua do số mệnh,
Văn chương chưa dứt hoặc thiên tâm.
Thân tù luống những nhìn sau giấy,
Cửa khuyết dâng thư cách vạn tầm.
Khi bị tra khảo Thị Lộ hết sức kêu oan, sau bị cùm kẹp quá đau, phải nhận liều là Nguyễn Trãi xui nàng giết Vua. Thế là ông bị ghép vào tội thí nghịch, phải tru di tam tộc. Quyến thuộc nhà ông bị bắt hết, con trai đem xử trảm, con gái sung vào làm tì bộc trong các nhà quan. Ngày 16 tháng 9 năm Nhâm Tuất (1442) ông cùng họ hàng bị giải ra pháp trường xử trảm. Năm ấy ông 63 tuổi. Nguyễn thị Lộ bị kết án trầm hà, bỏ vào cũi, thả xuống giữa sông Nhĩ Hà. Ngưng trích.
Khả năng tưởng tượng của nhân dân ta thật đáng nể. Không biết ai là tác giả chuyện rắn báo oán để giải thích nguyên nhân cái chết bi thảm của đại công thần Nguyễn Trãi. Nhân dân không muốn nói ông và gia tộc bi xử tử vì Vua Thái Tông chết trong khi đang hành dâm với vợ bé của ông là Thị Lộ, rõ hơn là Vua Thái Tông chết trên bụng Thị Lộ, nên nhân dân đặt ra chuyện rắn báo oán nhà họ Nguyễn.
Thảm kịch Nguyễn Trãi làm tôi thắc mắc. Chuyện kể Nhà Đại Nho - Đại Quan Nguyễn Trãi - Vua Lê Thái Tổ phong ông là đại công thần, ông từng làm Tể Tướng - bị tru diệt một cách thê thảm vì một nguyên nhân lảng nhách. Tôi nghĩ  chuyện ông gặp Thị Lộ đi bán chiếu ở giữa đường, làm bài thơ Hỏi cô bán chiếu là chuyện do nhân dân đặt ra:
* Ả ở đâu mà bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa. Được mấy con?
* Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon,
Can chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân xanh mới độ trăng tròn lẻ,
Chồng còn chưa có, hỏi chi con?
Lời thơ, kiểu thơ có vẻ là thơ của một tay chơi Cầu Ba Cẳng thả lời ong bướm với em bán chiếu rong gặp ở quán cóc bên chợ Kim Biên hơn là lời thơ và kiểu hỏi chuyện gái lạ giữa đường của một đại nho - đại quan. Người như quan Tể Tướng không thể làm thơ cóc nhái ve vãn gái ngoài đường sàm sỡ như thế. Lời thơ cũng chẳng hay ho gì. Người phụ nữ Việt bán chiếu rong năm 1430 gánh chiếu đi bán chứ không để chiếu trên xe ba bánh đẩy đi bán rong như những phụ nữ bán chiếu rong ở Sài Gòn những năm 1970, 1980. Vì họ gánh chiếu đi bán nên họ còn chiếu hay hết ta biết ngay, khỏi cần hỏi chẳng hay chiếu ấy còn hay hết. Và người ta hỏi còn chiếu hay hết để người ta mua, ả bán chiếu không thể ngang ngược hỗn, chanh chua láo, hỏi lại khách can gì đến ông mà ông hỏi hết hay còn?
Sự kiện làm tôi thắc mắc là Ức Trai Tiên sinh là một nhà trí thức, các ông nho học ngày xưa ngoài kinh sử, còn thông thạo ba mục y, lý, số. Mà chẳng cần phải có học, phó thường dân thôi cũng biết phòng thân, cũng biết khi chị vợ bé của mình làm trò dâm dục với anh đàn ông khác mình phải lập tức cho ả đi chỗ khác chơi không thì có ngày mình thân bại, danh liệt vì sự dâm dục của ả. Phó thường dân chữ nhất không biết còn biết như thế, huống chi Ức Trai Tiên sinh là bậc đại nho?
Vua Lê Thái Tông, 20 tuổi, là ông Vua duy nhất của ta chết vì thượng mã phong - Vua cũng có thể là ông vua duy nhất trên thế giới chết trên bụng đàn bà. Ông Nguyễn Trãi là đại công thần duy nhất không những chỉ trong lịch sử ta mà là trong lịch sử quân chủ thế giới bị chết thảm vì sự dâm dục của ông vua của mình.
Tôi sẽ viết về một số nhân vật Đàn Bà Việt khác trong Thơ ta và lịch sử.
Hoàng Hải Thủy
Theo http://cothommagazine.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...