Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

Ca nương Nguyễn Kiều Anh sáng tạo với bản sắc riêng

Ca nương Nguyễn Kiều Anh sáng tạo với bản sắc riêng
Xinh đẹp, duyên dáng, tươi trẻ, giọng hát ngọt ngào, sáng trong… là những mỹ từ mà khán giả dành cho ca nương 20 tuổi đời với 14 năm tuổi nghề Nguyễn Kiều Anh. Thuộc thế hệ thứ 7 nối tiếp truyền thống ca trù của gia tộc (cháu nội của nghệ nhân ca trù nổi tiếng Nguyễn Văn Mùi), ca nương Nguyễn Kiều Anh đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả cả nước qua các chương trình truyền hình “Tìm kiếm tài năng Việt 2013” (Vietnam’s Got Talent 2013), “Giai điệu tự hào”… và ngày càng khẳng định bản lĩnh nghệ thuật của mình.
* PV: Chào Kiều Anh! Vừa qua, theo dõi “Giai điệu tự hào”, nghe em hát Quảng Bình quê ta ơi, chị và mọi người đều rất thích. Bài hát ấy đã đi vào lòng người mấy chục năm qua, nó không chỉ nói về Quảng Bình đâu, mà nói về cả nước trong một thời đại. Nhưng Kiều Anh đã đưa được cái tươi trẻ, duyên dáng, cái chất giọng rất riêng của em, làm cho bài hát như sống dậy trong một thế giới nghệ thuật mới. Rất cảm ơn em! Và nhân đây hỏi: khi hát bài này, Kiều Anh có tập luyện, chọn lựa gì nhiều không, có nghiên cứu giọng dân ca Khu 4 không; em có đến Quảng Bình chưa…?
* Kiều Anh xuất thân từ gia đình hát ca trù nổi tiếng, và chắc em đã thấm ca trù từ bé, chuyên hát ca trù và nổi bật ở chương trình “Tìm kiếm tài năng Việt Nam” (Vietnam’s Got Talent). Ca trù là một thể loại thính phòng, quý tộc; các cụ nhà Nho như Nguyễn Khuyến - Dương Khuê, văn nghệ sĩ như cụ Nguyễn Tuân thì thích lắm. Chị nghe Kiều Anh hát, rồi nghe lại, đơn cử như NSND Quách Thị Hồ, ca nương Thúy Hòa…, thấy Kiều Anh vừa kế thừa vừa đổi mới cách hát. Kiều Anh cho biết quá trình tập hát, biểu diễn của em và ý kiến của các bậc tiền bối, đàn chị đàn anh về em như thế nào?- Ca nương Nguyễn Kiều Anh: Đúng như chị nói, Quảng Bình quê ta ơi là một bài hát đã được nhiều thế hệ người dân Việt Nam yêu mến, nên khi được Ban tổ chức mời tham gia chương trình “Giai điệu tự hào” em thấy rất vui và cũng có một chút lo lắng, vì thứ nhất Quảng Bình quê ta ơi là một ca khúc đã được các nghệ sĩ lớn thể hiện rất thành công, thứ hai là sở trường của em lại là “world music” (một thể loại nhạc cho phép sự kết hợp cũng như pha trộn nhiều dòng nhạc khác nhau) và dân ca. Tuy vậy, bản thân em cũng thấy yêu ca khúc này và sau một thời gian ngắn tập luyện với ban nhạc và nhóm bè thì em cũng đã thể hiện bài hát tốt nhất có thể. Em rất vui vì tình cảm của khán giả dành cho em sau khi em trình bày bài hát tại chương trình “Giai điệu tự hào”. Trong thực tế, em mới chỉ đi qua Quảng Bình chứ chưa được dừng chân ở đó, nhưng được biết rằng đây là một vùng nhiều nắng và gió, hứng chịu nhiều bom đạn trong chiến tranh và vô cùng anh dũng, lại bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ. Em rất mong một ngày gần đây sẽ được hòa mình vào cuộc sống của người dân Quảng Bình để có thêm nhiều cảm xúc khi thể hiện ca khúc Quảng Bình quê ta ơi. Và thành công của sự mới mẻ trong giai điệu bài hát này cũng phải kể đến sự phối âm, phối khí của chú Quốc Trung và tiếng đàn ghita của nhạc sĩ Thanh Phương nữa ạ.
- Qua chương trình Vietnam’s Got Talent 2013, em cũng đã có dịp bày tỏ với khán giả và những người yêu mến bộ môn nghệ thuật này. Em được sinh ra trong một gia đình có truyền thống hát ca trù nhiều đời. Ngay từ khi còn rất nhỏ em đã được sống trong lời ca tiếng phách, như một sự tự nhiên ca trù đã thẩm thấu vào con người em, nên khi gia đình định hướng cho các cháu - thế hệ đời thứ 7 như chúng em tiếp nối truyền thống ấy thì mấy chị em chúng em được ông nội và cha, cô, chú dành thời gian, tâm huyết cho việc truyền dạy những kỹ thuật khó của ca trù là “vang - rền -nền - nảy”. 
Như mọi người cũng nhận định, ca trù là một bộ môn nghệ thuật bác học, người hát phải kết hợp giữa vừa hát vừa gõ phách, chính vì vậy dù điều kiện tập luyện rất tốt thì việc học hát ca trù cũng phải rất kiên trì. Về lề luật trong ca trù thì người hát phải tuân thủ cho đúng khuôn phép, tuy vậy đối với mỗi một người thì sự thấu hiểu về ca trù, về ý nghĩa thơ văn trong mỗi làn điệu cũng như sự tinh tế của ca nương sẽ làm nên một bản sắc riêng của mỗi người. Đối với em khi hát em chỉ biết hòa mình vào từng lời văn, ý thơ và thông qua đó em thật sự mong muốn khán giả, cũng như những người yêu ca trù “cảm” được kỹ thuật, nghệ thuật này qua mỗi làn điệu mà em thể hiện.

* Cho đến nay ca trù còn ít người biết thưởng thức… Kiều Anh hay biểu diễn ở đâu?
* Kiều Anh đã pha cách hát của pop-rock vào ca trù để chiều người nghe hiện nay; chị hơi phân vân là ta có nên làm thế không? Mình cần giữ thuần giọng ca trù nó mới độc đáo, nó mới là của mình, chứ phá cách thế thì nó sẽ ra sao? Kiều Anh lại hát cả ca trù bằng tiếng Anh, có nên không? Nếu đến Mỹ, Anh biểu diễn thì chị nghĩ là nên, nhưng ở Việt Nam thì nó có cần thiết không?- Em nghĩ không chỉ ca trù mà hầu như âm nhạc truyền thống và dân ca Việt Nam đều là những loại hình “kén tai” những tầng lớp khán giả thế hệ mới. Nên có một sự thật đó là những người làm nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật ca trù nói riêng có ít cơ hội được thể hiện mình, được thỏa sức với đam mê của mình hơn loại hình nhạc nhẹ. Em và gia đình thường tham gia biểu diễn tại những chương trình có tính chuyên biệt về thể loại, có màu sắc truyền thống - đương đại, hoặc các lễ hội âm nhạc. Ngoài ra, em cũng thường được lưu diễn ở nước ngoài, đặc biệt là những nước châu Âu, với mục đích ngoại giao, giao lưu văn hóa, quảng bá nghệ thuật của nước nhà là chính.
- Thực ra mọi người đã quen khi gắn tên em với từ “ca nương”, thành ra luôn nghĩ những phần biểu diễn của em đều là ca trù. Nhưng em hiểu những bài hát chị đang muốn nhắc tới là những bản “world music” mà em đã thể hiện trước công chúng. Thật ra, đó là những bài hát được phát triển từ các làn điệu hát ca trù, quan họ và chèo cổ nhưng khi hát em vẫn phải giữ cái chất riêng của từng làn điệu và cái khó cũng là nằm ở chỗ đó chị ạ! Cũng có rất nhiều người đã lo lắng cho em khi thể hiện sự sáng tạo có phần táo bạo như vậy, nhưng với sự dìu dắt của nhạc sĩ Quốc Trung và nỗ lực của bản thân, được tham gia biểu diễn một số chương trình thì em ngày càng cảm thấy yêu thích thể loại “world music”. Nhất là qua theo dõi phản ứng của khán giả em thấy mọi người ngày càng ủng hộ em nhiều hơn, nên em thấy tự tin vào điều mình đang làm. Loại hình world music có sự kết hợp, pha trộn nhiều dòng nhạc khác nhau. Và em nghĩ rằng, đã là người nghệ sĩ thì khi đứng ở sân khấu nào sự sáng tạo cũng đều cần thiết cả, và nếu còn được khán giả ủng hộ thì mình luôn phải làm mới mình trên nền tảng bản sắc riêng của mình.
* Kiều Anh đang học ở Học viện Âm nhạc, em có dự định gì trong nghề nghiệp của mình trong tương lai? Làm cô giáo và biểu diễn? Kiều Anh định hướng nghề nghiệp cho mình như thế nào? Và một câu hỏi nhỏ: Kiều Anh đã có “ý trung nhân” chưa?
- Hiện em đang học đại học năm thứ nhất - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Trước mắt em đặt mục tiêu cho mình là phải hoàn thành chương trình học. Bên cạnh đó em vẫn tiếp tục biểu diễn loại hình nghệ thuật mà em đang theo đuổi.
Thực sự là trước đây em cũng từng mong muốn được là giảng viên trong các trường nghệ thuật, nhưng thời gian này em cũng đang ấp ủ những dự định cho riêng mình. Tuy vậy, em chắc chắn rằng công việc của em trong tương lai sẽ liên quan đến nghệ thuật để không uổng phí những năm tháng tuổi thơ em đã gắn bó với truyền thống nghệ thuật của gia đình và kiến thức học được ở Học viện Âm nhạc mà em đã học được 11 năm. Còn về “ý trung nhân” như chị hỏi có lẽ em xin phép chị được trả lời vào một dịp khác, lúc ấy em đã thực sự trưởng thành và mọi chuyện đủ chín để em có thể bật mí trước khán giả và những người yêu mến em.

* Cảm ơn Kiều Anh. Chúc em nhiều sức khỏe, nhiều thành công và mãi xinh đẹp!.
TƯỜNG VY thực hiện
 (Hồn Việt số 83, 7/2014, tr. 55)
Theo http://honvietquochoc.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...