Nhạc cụ cổ truyền Việt Nam - Đàn K’lông Pút
K’lông Pút (Xylophone) là nhạc cụ của một số dân tộc ở
Tây Nguyên. Người Gia Rai gọi nó là Đinh Pút, còn người Ba Na ở vùng An
Khê gọi nhạc cụ này là Đinh Pơl.
Tuy nhiên cái tên K’lông Pút, tên gọi của loại nhạc cụ
truyền thống của người Xơ Đăng/Xê Đăng thường được sử dụng vào các dịp lễ hội tổ
chức trong làng hay trong gia đình đã trở nên quen thuộc với mọi người, dù ở
trong hay ngoài nước.
Cách sử dụng K’lông Pút khá lạ so với những nhạc cụ khác. Nghệ
nhân để hai bàn tay gần đầu ống nứa rồi vỗ tay vào nhau khiến hơi tác động vào
cột không khí của ống phát ra âm thanh, nghĩa là người sử dụng không cần chạm
tay vào nhạc cụ.
K’lông Pút là nhạc cụ do nữ giới sử dụng, thường được chơi
trên nương rẫy vào mùa lúa. Người ta tin rằng những ống nứa, tre của K’lông Pút
có “họ hàng” với những ống tre, nứa đựng hạt giống, mà trong các ống đựng hạt
thì có hồn của “Mẹ lúa” trú ngụ, do đó đánh K’lông Pút trên nương rẫy hay trong
những việc có liên quan đến lúa thóc “Mẹ lúa” sẽ giúp cho công việc tốt đẹp.
K’lông Pút dân gian có từ 2 đến 5 ống nứa rỗng loại lớn, dài
ngắn khác nhau. Ống ngắn nhất từ 60 đến 70 cm, ống dài nhất từ 110 đến 120 cm.
Đường kính ống từ 5 đến 8 cm. Những ống này xếp thanh một hàng trên giá, các đầu
ống xếp bằng nhau ở một bên, còn bên kia có đường xéo vì xếp theo thứ tự từ ống
ngắn nhất đến ống dài nhất.
K’lông Pút có âm sắc độc đáo, vừa có tính chất âm hơi lẫn âm
vỗ. Nó diễn đạt tình cảm mênh mông khoáng đạt hay xa xăm, huyền bí.
K’lông Pút dân gian có âm vực từ nốt đô của khóa fa đến nốt
sol của khóa sol. Về sau để diễn tốt hơn một số nghệ nhân cải tiến K’lông pút bằng
cách thêm một số ống bổ sung, sắp xếp thành hàng trên những ống của loại K’lông
pút bình thường, hoặc xen kẽ mới những ống cũ. Do đó loại cải tiến có âm vực từ
2 quãng tám trở lên, tính từ nốt sol của khóa fa đến nốt sol của khóa sol. Loại
này có đủ các âm và nửa âm trong 2 quãng tám.
1. Các ống nằm ngang trên một tản đán hoặc gác lên hai thân
cây, làm sao để vừa tầm cúi của người sử dụng. Cô gái khum 2 bàn tay trước miệng
ống cách khoảng 10 cm rồi vỗ hơi bàn tay vào nhau để luồng hơi phát ra lùa vào
miệng ống, làm chuyển động cột không khí bên trong phát ra âm thanh.
2. Có hai cô gái cùng sử dụng nhạc cụ này. Một cô giá có nhiệm
vụ chơi một số ống. Họ chơi những bài nhạc hai bè hoặc một bè nền kéo dài trong
lúc bè kia chạy giai điệu.
Dưới đây mình có bài “Người lưu giữ ‘linh hồn’ đàn Klông-pút
của dân tộc Xơ-Đăng” cùng với 3 clips nghệ thuật diễn tấu Đàn K’lông Pút để các
bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.
Mời các bạn.
Túy Phượng
(Theo Wikipedia)
Đàn K’lông Pút của người Xê
Đăng
Người lưu giữ “linh hồn” đàn Klông-pút của dân tộc Xơ-Đăng
Soha.vn
Trước nguy cơ thất truyền
văn hóa truyền thống, chị Y Sinh đang miệt mài giữ “linh hồn” dân tộc mình.
Niềm vui càng lớn hàng ngày
đến với chị Y Sinh mỗi khi có khách đến thăm và hỏi về đàn Klông-pút. Trong
ngôi nhà cấp 4 ở khối phố 3, thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô – Kon Tum), chị nhiệt
tình trả lời mọi thắc mắc và nhu cầu cần biết của chúng tôi về nhạc cụ này.
Để chúng tôi hiểu, vừa nói,
chị vừa hướng dẫn tỷ mỷ cho đứa cháu gái ở làng xuống học phổ thông học đàn đàn
Klông-pút. Ngồi cạnh chiếc đàn Krông-pút, chị khom người, mặt hướng về phía cây
đàn vỗ tay tạo thành những âm thanh trầm bổng, thánh thót của những bài dân ca
Tây Nguyên .
Diễn tấu xong, chị Y Sinh giới
thiệu: “Ngày xưa, phụ nữ thích chơi đàn này trong những đêm ở trên chòi
canh rẫy. Nghe ở gần thì ngỡ âm của nó nhỏ nhưng càng về khuya, tiếng đàn càng
vọng xa. Người bên kia quả đồi nghe người bên này chơi cũng mang đàn ra ‘vỗ’, rồi
kéo theo 5-7 chòi cùng chơi theo một bản nhạc làm cho không khí của núi rừng sống
động hẳn lên.
Thú dữ nghe âm thanh rộn
ràng của tiếng đàn thì sợ nên cảnh giác tránh xa. Không chỉ thế, tiếng đàn
Klông- pút cũng là một phương tiện thổ lộ tâm tư, tình cảm của một cô gái đã đến
tuổi lấy chồng, nhưng chưa có chàng trai nào vừa ý đến cầu hôn. Vì âm thanh của
nó nghe tưởng mộc mạc nhưng vô cùng sâu lắng và thiết tha…”.
Cũng như tiếng sáo Đinh-tút
của người Giẻ Triêng, tiếng đàn Goong của người Bah Nar, đàn Đing-năm của người
Êđê thì đàn Klông-pút là một loại nhạc cụ truyền thống của người Xơ-Đăng thường
được sử dụng vào các dịp lễ hội tổ chức trong làng hay trong gia đình.
Đàn Klông-pút cấu tạo rất
đơn giản, chỉ 2 hoặc 3 ống lồ ô (tre loại lớn), sau này người ta chế tác ra nhiều
cây đàn có tới từ 7 đến 10 ống tùy theo cách chơi của mỗi người để đánh những bản
nhạc mang nhiều âm điệu hơn. Ống ngắn nhất cũng phải 70-80 cm, dài nhất đến 1,5
mét, đều có đường kính từ 5-8 cm được kết bằng những sợi dây me vóc (mây rừng)
thành một ‘’chuỗi’’ như chiếc đàn T’rưng cho thuận tiện trong việc di chuyển từ
chỗ này đến chỗ khác.
Đàn Klông pút chủ yếu để phụ
nữ chơi bằng cách: Đặt đàn lên trên một phiến đá hoặc gác hai đoạn cây cao
ngang bụng rồi cúi hơi khom người khum hai bàn tay lại cách xa miệng ống khoảng
10 cm và vỗ để luồng hơi từ hai bàn tay phát ra lùa vào miệng ống, hơi sẽ làm
chuyển động cột khí bên trong ống bật ra ngoài tạo thành những âm “bụp… bum…”
Âm điệu cao, thấp khác nhau
tùy cách vỗ mạnh hay nhẹ. Chỉ một chiếc đàn Klông-pút 5 ống thôi người chơi
cũng đã “vỗ’’ trọn vẹn một bài hát trữ tình với đủ tiết tấu mà không hề gượng
ép. Song, muốn chơi được như vậy đòi hỏi các nghệ nhân phải tốn khá nhiều thời
gian học cách “vỗ’’ và thường xuyên tập luyện.
Đàn Klông-pút có thể độc diễn
những bài dân ca, hát Ayray (dạng nói thơ vần) trong lễ Mừng lúa mới, cúng Mùa
làm đất, cúng lễ giọt nước.., còn muốn đệm cho một bài hát có những âm điệu trầm
bổng, luyến láy dài thì phải cần tới 3 bộ đàn và cả 3 nghệ nhân đều đã từng diễn
tấu ăn ý một cách thuần thục.
Trước kia cứ gần đến mùa thu
hoạch, ở khắp các mảnh rẫy thường vang lên tiếng đàn Klông-pút, bởi người
Xơ-Đăng thường dùng những ống lồ ô để đựng những hạt giống. Trong đó, có lúa
nên bà con quan niệm trong những ống ấy “có hồn của mẹ lúa”, đánh Klông-pút vào
mùa sắp thu hoạch thì “mẹ lúa” sẽ giúp cho các công việc được thuận lợi.
Chị Y Sinh (ngồi bên trái)
đang hướng dẫn
học viên học chơi đàn K’lông Pút tại nhà mình.
Ngay cả đàn ông nghe tiếng
đàn Klông-pút cũng rất thích, nhiều người cũng đã say mê làm đàn và chơi đàn.
Làm đàn Klông-pút rất dễ, chỉ cần đốn những ống lồ ô thật thẳng, vỏ mỏng, một đầu
bít kín, đầu kia cắt vát mỗi ống mỗi khác để không cho trùng âm là được.
Với nét độc đáo của đàn
Klông-pút, vậy mà, nhiều năm qua, bà con dân tộc Xơ Đăng ở huyện Đăk Tô ít được
nghe tiếng Klông-pút, nhiều người lo ngại rằng cây đàn sẽ dần bị rơi vào quên
lãng bởi hình như nó không còn hợp với cuộc sống tất bật trong thời buổi hiện tại
này.
Để bảo tồn và phát huy truyền
thống các dân tộc bản địa chị Y Sinh, dân tộc Xơ-Đăng, ở tổ dân phố 3, thị trấn
Đăk Tô đã dành những thời gian rảnh rỗi hướng dẫn, truyền đạt cách chơi đàn
Klông-pút cho con cháu trong gia đình.
Chị tâm sự: “Qua tìm hiểu
thực tế ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đăk Tô và Tu Mơ
Rông tôi chỉ còn thấy ở một số làng trong xã Đăk Sao, Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông)
còn dùng nhạc cụ này. Người chơi nhạc cụ này chủ yếu là người già còn thanh
niên họ không mặn mà, thiết tha lắm.
Tôi sợ cây đàn này sẽ dần dần
bị lãng quên. Bằng kinh nghiệm của bản thân và lòng tự hào dân tộc tôi đã tìm
cách truyền đạt cách chơi cây đàn này nhằm giữ gìn nét văn hóa đặc trưng của
dân tộc mình. Ksiu Ước, người con thứ 2 đã được tôi truyền đạt, hướng dẫn cách
chơi đàn từ nhỏ. Vì vậy, khi học xong phổ thông Trung học cháu đã thi đậu vào
trường Cao đẳng nghệ thuật Quân đội và hiện nay đang công tác tại Đoàn nghệ thuật
ca múa nhạc dân tộc tỉnh.
Tuy nhiên, để chơi được nhạc
cụ dân tộc đúng, hay và giữ gìn được nó thì người chơi phải có niềm đam mê,
lòng tự hào dân tộc và phải có năng khiếu bẩm sinh…”.
Được biết, thời gian tới chị
dự định sẽ dành thời gian đi sưu tầm thêm một số nhạc cụ dân tộc khác như sáo
Đinh-tút, đàn Goong, đàn Ting Ning, đàn môi và xây dựng xưởng tại nhà để truyền
đạt kinh nghiệm , bày cách làm, sử dụng nhạc cụ dân tộc cho con, cháu và thanh
niên ở các làng đồng bào dân tộc trên địa bàn.
Mùa xuân là mùa khô ở Tây
Nguyên, mùa lễ hội của bà con các dân tộc ở Tây Nguyên. Mùa phát rẫy làm nương,
những cây đàn Klông-pút được đem ra rẫy để chơi. M ỗi dân tộc đều có nét văn
hóa riêng, n hư người Rẻ Triêng có tiếng sáo Đinh-tút, người Bah Nar có tiếng
đàn Goong thì đàn Klông-pút là một loại nhạc cụ truyền thống của người Xơ-Đăng.
Sử dụng nhạc cụ dân tộc là
nét văn hóa độc đáo và là truyền thống gắn liền với đời sống tinh thần của đồng
bào dân tộc thiểu số bản địa. Ngày nay, bảo tồn và phát huy những giá trị văn
hóa truyền thống từ ngàn xưa để lại là một không gian văn hóa tốt đẹp, đó thực
sự là một yêu cầu bức thiết hiện nay.
Mùa Xuân Đến – Đàn K’lông Pút
Ban Nhạc Gia Đình Trẻ Việt
Độc Tấu Đàn K’Long Put
Mùa Xuân Đến – Bích Đào
Độc Tấu Đàn K’Long Put
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét