Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

Nhà sàn - Kiến trúc độc đáo của người K’Ho, Lâm Đồng

Nhà sàn - Kiến trúc độc đáo của người K’Ho, Lâm Đồng
TH-Cinet–DTV
Nhà sàn của người K’Ho (Lâm Đồng).
Ngày nay những mô hình nhà sàn cao đã có nhiều chuyển biến sang nhà sàn thấp, đến nhà trệt và mái làm bằng tôn rất là phổ biến trong buôn làng của người Cơ Ho (Lâm Đồng).
Dân tộc Cơ Ho là một trong 3 dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng. Họ sống chủ chủ yếu bằng canh tác lúa nước ở những thung lũng sâu, có lối sống tín ngưỡng thờ đa thần giáo như thần sông, thần núi, thần cây…
Trước đây, nhà sàn truyền thống, cổ xưa nhất của người Cơ Ho được làm từ các loại vật liệu: tre, nứa, lá. Cột và các thanh gác sàn bằng gỗ tròn, vách và cửa làm bằng phên. Sàn gác một lớp cây lồ ô để tròn, bên trên trải lồ ô đập giập, mái lợp lá mây hoặc cỏ tranh kết tấm.
Đến giai đoạn cận đại người Cơ Ho đã sớm chuyển từ nhà sàn bằng phên, tre, lá sang kiểu nhà sàn ván. Nhà sàn của người Cơ Ho ở giai đoạn này vẫn sử dụng chủ yếu các vật liệu bằng loại gỗ tròn bóc vỏ (để làm cột, lan can, cầu thang), ván vách được làm bằng gỗ xẻ chưa có sự bào chuốt, mái vẫn lợp bằng lá mây kết tấm. Nó khác nhiều so với nhà sàn hiện đại của người Cơ Ho mà hiện nay vào các buôn làng chúng ta vẫn còn bắt gặp. Nhà sàn hiện đại thì cột chủ yếu được làm bằng gỗ xẻ: Cột vuông, vì kèo, lan can, cầu thang cũng được làm bằng gỗ xẻ có góc cạnh, ván thưng buồng đã được bào chuốt và đặc biệt mái nhà đã được lợp tôn thay cho lá mây hoặc cỏ tranh.
Bước vào nhà của người Cơ Ho sẽ thấy sát bên vách phải nhà là buồng bố mẹ, bên vách trái là buồng con gái. Phần không gian ở giữa nhà là nơi bài trí chính. Chính giữa nhà (sát vách trong) là bàn thờ để cúng Giàng. Sát vách dưới bàn thờ là một giàn chóe tròn và cồng chiêng. Bên dưới sàn để một hàng chóe lớn. Tiếp theo là bộ Nhồng Ôi và Jroong Klừng. Hai vật này được làm trong dịp cúng lúa mới và lễ ăn trâu. Cây nêu rượu cần được đặt ở giữa nhà cạnh bếp tiếp khách. Cây nêu được làm và trang trí rất công phu. Màu đen họ dùng than củi, màu đỏ họ dùng máu trâu bôi vào để mời gọi thần linh. Trên cây nêu trang trí hình chiêng, hình cối giã gạo, hình chim, chân cây nêu trang trí hình mặt người.
Không gian phòng tiếp khách trong ngôi nhà Sàn của người K’Ho.
Buồng cha mẹ thường được bài trí khá đơn giản. Trước đây họ chỉ trải chiếu nằm trên sàn, thường chiếu được trải nằm xong lại cuộn tròn gác treo bên vách. Tấm đắp, quần áo thì có một giàn lửng bằng lồ ô để gác lên. Ná và ống tên treo trên vách ngay đầu nằm của người đàn ông. Bởi họ cho rằng nếu để ở chỗ khác thì sẽ mất thiêng, không săn được thú rừng.
Người Cơ Ho theo mẫu hệ nên chỉ có con gái mới ở với bố mẹ, sau khi trưởng thành người con gái chọn một chàng trai ưng ý và tổ chức “bắt chồng”: Mang lễ vật sang nhà trai làm đám cưới và đưa chàng trai về nhà ở hẳn cùng bố mẹ mình. Buồng của con gái cũng được bài trí tương tự như buồng của cha mẹ, ngoài ra còn có thêm vài vật dụng như chiếc gùi hoa, gùi có nắp để các đồ dùng riêng tư của cô gái.
Bếp khách thường được đặt ở xế bên trái cửa ra vào gần với cây nêu rượu cần, nó được dùng để sưởi ấm cho khách và cả nhà. Bếp khách cũng là không gian để tiếp khách, sinh hoạt hội tụ những người trong gia đình sau một ngày lao động mệt nhọc. Bếp nấu ăn thường được bố trí lùi sâu vào phía bên phải hoặc bên trái nhà cách xa không gian thiêng. Bên trên có giàn bếp bằng tre để hong thịt, thức ăn, hạt giống và các vật dụng cần hun khói như gùi, rổ, rá, cán xà gạt… Khi còn sinh hoạt chung trong nhà dài thì người Cơ Ho đặt cả bếp khách lẫn bếp nấu chung trong nhà ở nhưng khi tiến lên nhà sàn ván với từng gia đình riêng lẻ thì bếp nấu đã được chuyển ra nhà bếp ở bên hông nhà lớn.
Hiện nay trong các buôn làng của đồng bào dân tộc bản địa ở Lâm Đồng nói chung và người Cơ Ho nói riêng, những ngôi nhà sàn truyền thống không còn nhiều. Đặc biệt cách bài trí bên trong cũng đã thay đổi cùng với những vật dụng mới do ảnh hưởng của sự giao lưu văn hóa và sự du nhập của các tôn giáo. Vì vậy, chính quyền địa phương cần sớm có những giải pháp cụ thể, thích hợp để bảo tồn những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc trong thời hiện đại để vừa có thể gìn giữ được bản sắc.
Sơn nữ K’Ho, Kră Jăn Loen, trong một kỳ thi Hoa Hậu Dân Tộc.
Đặc sắc trang phục dân tộc Cơ Ho
Trải qua rất nhiều biến thiên của lịch sử, bộ trang phục truyền thống của dân tộc Cơ Ho vẫn còn bảo lưu được nhiều sắc thái văn hóa truyền thống…
Người Cơ Ho ngày xưa ăn mặc rất đơn giản: tất cả đều cởi trần, đàn ông đóng khố, phụ nữ mặc váy ngắn. Khi vải còn khó tìm, họ đã dùng vỏ cây rừng ngâm cho hết nhựa, gấp đôi lại khoét cổ và ống tay khâu lại bằng dây mây để làm áo chống rét.
Người đàn ông đóng một chiếc khố dài từ 1,5 đến 2m, rộng và có hoa văn theo dải dọc, quấn vòng quanh bụng, luồn qua háng, để cho hai đầu khố qua phía trước và phía sau mông. Trong khi đó, phụ nữ thì mặc váy hở quấn quanh người một vòng và dắt cạp. Váy của họ thường màu đen bố cục hình dải màu trắng viền dọc tấm vải. Nếu thời tiết lạnh, họ khoác thêm chăn (ùi) ra ngoài.
Trong các buổi lễ cúng bái, người Cơ Ho thường diện trang sức là chuỗi cườm đeo ở cổ. Riêng thiếu nữ chưa chồng thêm vòng đồng đeo ở cổ tay cổ chân đến 25 chiếc, đến khi lấy chồng thì tháo bớt ra. Đàn ông khi đã có vợ vòng đồng thường xuyên đeo ở cổ tay. Ngoài ra, người Cơ Ho cổ còn cà răng căng tai, nhuộm răng.
Trang phục truyền thống phụ nữ K’Ho
Theo tục truyền thống, các cô gái Cơ Ho phải biết dệt vải từ khi còn nhỏ để đến tuổi trưởng thành thì đem sản phẩm dệt của mình làm đồ sính lễ sang nhà trai. Tuy nhiên, nghề dệt vải nơi đây chỉ dừng lại ở mức không chuyên và chỉ làm trong thời gian rảnh rỗi.
Nguyên liệu dệt vải chủ yếu là sợi bông do đồng bào tự trồng, các loại cây phụ liệu được lấy từ núi rừng, ruộng rẫy. Màu nhuộm vải được bà con lấy từ các loại củ, quả, lá cây trong rừng như: Củ nghệ chế ra màu vàng, hạt quả cari còn gọi là quả nho để chế màu cam, vỏ và thân cây lốt tạo màu đỏ, lá cây drửm tạo màu xanh đậm, xanh dương, còn màu đỏ thì lấy từ loại cỏ họ dền, phơi khô, nấu, lọc rồi nhúng sợi vào.
Sơn nữ K’Ho
Để màu nhuộm được bền, bao giờ trong dung dịch nước nhuộm sợi, bà con cùng hòa thêm bột vỏ sò và tro củ chuối. Khi dệt, người phụ nữ ngồi duỗi thẳng chân trên sàn, hai chân đạp và giữ chặt một thanh chủ của khung dệt (gọi là đưng- pong) và một thanh chủ khác được dùng dây móc vào lưng người dệt để cố định và kéo căng khung sợi. Các thanh khác tùy theo chức năng của chúng mà luồn rất khéo vào giữa giàn sợi…
Trên những tấm vải thổ cẩm của dân tộc Cơ Ho, nét độc đáo nhất chính là những họa tiết, hoa văn sinh động được người dệt gửi gắm bằng tất cả tâm hồn, tình cảm cũng như sự cảm nhận về thế giới tự nhiên, con người của mình.
Đó có thể là các loại hoa văn hình kỷ hà, người, các loài muông thú và các vật dụng quen thuộc, gần gũi trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của bà con như: cầu thang nhà sàn, cổ nỏ, tua cây nêu, cán xà gạt, con thuyền, mắt chim công, đường ranh, lá đùng đình, cây chông, vầng trăng, con bọ chè, cườm chim cu…
Linh mục Nguyễn Huy Trọng
Người giữ “kho báu văn hóa” Cơ-ho
Minh Đức – Hoàng Hà, TNO
Suốt 5 năm băng rừng, lội suối sưu tầm, rồi mấy thập niên nghe lại, viết ra, phân loại… bây giờ, ông có cả một kho tàng văn hóa, văn học dân gian đồ sộ với khoảng 40.000 trang tư liệu gốc, gồm truyện cổ, ca dao, tục ngữ, trường ca và đặc biệt các phong tục tập quán truyền đời… của người Cơ-ho, trong đó có các nghi thức, nghi lễ tế thần. Ông là linh mục Nguyễn Huy Trọng, ở giáo xứ Kala, cách Đà Lạt hơn 70 km.
Nghe đến ông đã lâu, nhưng chưa một lần gặp mặt, vì thế, từ TP.HCM, chúng tôi liên lạc xin một cuộc hẹn cho “chắc ăn”. Ông bảo: “Các anh cứ lên, có gì tôi nói nấy, tự nhiên như cây mọc giữa rừng đấy mà”. Câu trả lời chân chất như một người dân tộc khiến chúng tôi đặt ngay vé xe đò ban đêm để kịp cuộc hẹn vào sáng sớm hôm sau.
Căn nhà sàn làm bằng gỗ mộc nằm giữa những vườn cà phê xanh ngút ngát, kiến trúc khá đơn giản nhưng toát lên vẻ uy nghi và như một nét chấm phá của bức tranh đồi quê yên bình. Chủ nhân, vị linh mục già đã ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy” ra cửa đón khách với nụ cười thân thiện. Không có vẻ là một nhà hiền triết như chúng tôi hình dung ban đầu, ông trông rắn chắc, có phần “thô kệch” như lão “nông tri điền” chính hiệu. Thấy ánh mắt khách thoáng băn khoăn, ông cười độ lượng: “Thì tôi gốc là một nông dân, sống nơi đây mấy chục năm cùng những người anh em làm vườn, mình cũng làm vườn thôi…”.
Không khí cởi mở ngay từ đầu buổi gặp gỡ…
Dân tộc K’Ho thời Pháp thuộc
Gạn tìm ngọc quý
Nói về kho tàng văn hóa, văn học dân gian đồ sộ của mình ông nói rất thật rằng: “Lúc đầu tôi cũng chẳng lưu tâm đến việc sưu tầm đâu. Khi được gửi về coi giáo xứ này, tôi chỉ nghĩ mình muốn làm tốt nghiệp vụ thì phải hiểu người bản xứ. Mà muốn hiểu người bản xứ thì phải học ngôn ngữ của họ để hiểu; trước hết là lễ giáo, tập quán, phong tục”. Vừa làm vừa học, ông chọn cách học “lăn” vào thực tế. Và chính từ đây, ông nhận ra có một nền văn hóa, văn học trong cộng đồng người Cơ-ho để rồi khám phá chúng.
Ban đầu, ông tự mình đi sưu tầm. Những lúc rảnh rỗi, ông lại khoác lên vai chiếc gùi đựng vài vật dụng cá nhân, con dao phát rừng, băng đồi, vượt suối đến nhà những người lớn tuổi trong thôn bản để hỏi chuyện. Dần dà, ông nhận ra cách sưu tầm tốt nhất là thông qua các lễ hội – sinh hoạt văn hóa cộng đồng lớn nhất của người Cơ-ho. Ở đó, người Cơ-ho ngoài việc tế thần, thưởng thức rượu cần, múa cồng chiêng, họ còn thâu đêm chụm đầu nghe những người lớn tuổi kể những câu chuyện mang đậm dấu ấn tập quán, phong tục được cô kết hàng ngàn năm qua. Cứ thế, ông khăn gói đến các lễ hội nghe người già kể chuyện, ghi ghi, chép chép, điều gì thắc mắc thì hỏi. Dấu chân ông in trên khắp các vùng đất Di Linh, Đức Trọng, Bảo Lộc…
Nhưng trong một lễ hội lại thường có rất nhiều người kể chuyện, một mình ông không thể ghi chép hết. Vì thế, ông bắt đầu vạch kế hoạch tìm cộng sự để sưu tầm hiệu quả hơn. Ông chọn khoảng 30 người đàn ông Cơ-ho có trình độ, am hiểu phong tục tập quán, biết tôn trọng, gìn giữ nét văn hóa dân tộc để tham gia công việc. Rồi ông mua máy ghi âm, tập vở, bút viết trang bị cho các cộng sự, hướng dẫn họ cách sử dụng cũng như khai thác làm sao để có được những cốt truyện đầy đủ nhất.
Cách làm chính của nhóm sưu tầm là dùng máy ghi âm lại lời kể. “Phải thu âm mới nắm bắt được tâm trạng, tiết tấu câu chuyện, từ đó mới tìm ra cốt truyện tương đồng nhất” – linh mục Trọng nói. Một lễ hội có khi chỉ có một câu chuyện, cũng có khi có rất nhiều những câu chuyện khác nhau, do nhiều người khác nhau kể. Cộng sự mang băng ghi âm về, mỗi câu chuyện lại được mở băng để 5 người cùng nghe và ghi lại. “Tôi cần 5 người ghi, trong đó một người ghi chính là người trực tiếp nghe câu chuyện tại lễ hội, nắm bắt được thái độ biểu cảm của người kể. Còn 4 người khác cùng ghi để thể hiện câu chuyện theo cách họ hiểu. Cách hiểu của người Cơ-ho ấy mà. Từ đó cho mình cái nhìn những nét cảm chung nhất của người Cơ-ho, đồng thời cũng tìm ra những dị bản của câu chuyện” – linh mục giải thích. Có những câu chuyện được kể đi kể lại ở nhiều lễ hội, hoặc tại một lễ hội năm nào cũng tổ chức, nhưng ông vẫn đề nghị các cộng sự đi thu âm rồi về tỉ mỉ chép ra để so sánh, để thấu hiểu một nền văn hóa mà ông bảo: “Ở đó, những người Cơ-ho là thầy, tôi là trò đi học họ”. Nhưng làm trò như ông quả thật không đơn giản, vừa học vừa gạn tìm ngọc quý, kiên trì suốt mấy thập niên để bây giờ trong tay có cả một kho báu văn hóa của người Cơ-ho.
Một bản làng dân tộc K’Ho.
Nhà nghiên cứu văn hóa
Thời gian linh mục Trọng cùng các cộng sự tiến hành thu âm, sưu tầm kéo dài trong khoảng 5 năm (1971-1975), sau đó ghi chép ra hơn 400 cuốn vở loại 100 trang bằng tiếng Cơ-ho. Đó là tư liệu nền– phần tinh túy nhất. Sau đó, ông ngồi sắp xếp lại theo từng thể loại: văn vần, thơ, truyện cổ… hoặc theo từng đề tài: tình yêu, hôn nhân, sinh đẻ, chết… để dễ bề chú giải. Từ cái gốc khoảng 40.000 trang viết tay, nếu đem dịch ra tiếng Việt, chú giải hết thì có lẽ phải đến cả trăm ngàn trang.
Ông bảo rất khó để khẳng định trong “kho báu” của mình hiện có bao nhiêu đầu truyện, vì có những truyện chỉ vài trang; có những truyện tới hàng trăm trang. Riêng truyện cổ, ông bảo có khoảng 400 tác phẩm, còn trường ca có khoảng 30 tác phẩm. Đồ sộ nhất có lẽ là truyện thơ Gơ Plom Kòn Yồi, dài hơn 6.000 câu. Khi chúng tôi đến, ông vừa hoàn tất việc dịch, diễn giải, đánh máy, in mẫu tác phẩm này. Truyện được sưu tầm khoảng từ năm 1971-1974, do cụ Kơ Brok – ngoài 70 tuổi kể chính suốt đêm trong một lễ hội “Tế thần ăn trâu” (Lơh Yàng nô sa rơpu) tại miền Riongto (thuộc huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng ngày nay).
Đó là một câu chuyện tình yêu nam nữ, giữa hai nhân vật chính là Gơ Plom Kòn Yồi (người vợ) và Gơ Tòng Kòn Tăc (người chồng). Nhưng xuyên suốt câu chuyện, bên cạnh họ luôn có bóng dáng cả dân tộc Cơ-ho, có sự sinh và sự chết, có cái thiện và cái ác, có những địa danh từ Riongto qua các vùng miền người Cơ-ho sinh sống ra đến tận Pơjai (Phan Thiết ngày nay). “Nói là tình yêu nam nữ, nhưng thực chất, đó là tình yêu dân tộc” – ông đúc kết.
Vài nét về linh mục Nguyễn Huy Trọng:
Ông sinh năm 1938 tại Quế Võ, Bắc Ninh. Năm 1969 được bổ nhiệm làm linh mục và trông coi nhà thờ Kala từ đó đến nay. Từng học qua các thứ tiếng: Anh, Pháp, Latin, Do Thái… nhưng tự nhận sau tiếng mẹ đẻ thì tiếng Cơ-ho mới chính là ngôn ngữ thứ hai của riêng mình.
Xung quanh tác phẩm này cũng có những tranh luận khá thú vị. Ông kể có những đoàn nghiên cứu từ Hà Nội, khi nghe ông có “sử thi của người Cơ-ho” đã lặn lội vào gặp ông. “Tôi nghĩ là họ tìm cái này – ông chỉ vào tác phẩm Gơ Plom Kòn Yồi – nhưng sau khi xem lời giới thiệu nội dung tác phẩm thì họ có chiều suy nghĩ. Theo họ thì cần phải xem lại mới rõ là sử thi hay không. Vì sử thi thì phải có chiến tranh. Còn trong Gơ Plom Kòn Yồi không có chiến tranh. Tôi thì nghĩ khác. Truyện có cốt, trên đường hai nhân vật chính đi tìm tình yêu có toàn dân tộc hỗ trợ, đi đông lắm, thành từng đoàn, từng đoàn.
Lễ cúng gọi thần Lửa được tổ chức với 
những nghi thức đặc biệt thiêng liêng…
Suốt hành trình, nhân vật chính (hay cả dân tộc) cũng phải đối mặt với sinh-tử, thiện-ác… trước khi có được một tình yêu vĩnh cửu. Thế không phải là đấu tranh sao?” – ông say sưa phân tích, lôi khách vào miền văn hóa Cơ-ho xưa, rồi đột ngột lôi khách trở về thực tại: “Nhưng thôi, tôi sưu tầm không nhất thiết phải là sử thi hay trường thi, mà tôi đam mê dân tộc Cơ-ho nên tìm tòi, viết ra tất cả tư liệu mình có, rồi theo tự nhiên nó thành sử thi hay trường thi gì đó không quan trọng. Tôi đã làm xong cuốn này, sắp tới sẽ gửi cho Viện Khoa học xã hội Việt Nam một bản, trong đó có ghi rõ một số yêu cầu khi sử dụng. Còn họ sử dụng hay không là quyền của họ”.
Mở một trang trong Gơ Plom Kòn Yồi, ông say sưa đọc:
Yàng neh cih ươ jơng anä (*)
Làng anä in rơjơi lòt biê
Yàng neh cih ươ fê ãn (*)
Làng anä in rơjơi lơh kòi
Yàng neh cih ươ bơc anä (*)
Làng anä in rơjơi hòi yàng
Yàng neh cih jơ kàng anä (*)
Làng anä in rơjơi đơs prum…
Tạm dịch nghĩa:
Thần vạch nơi chân tôi
Để cho tôi có thể đi rừng
Thần ghi nơi tay tôi
Để cho tôi có thể làm lúa
Thần khắc nơi miệng tôi
Để cho tôi có thể gọi Thần
Thần chạm nơi hàm tôi
Để cho tôi có thể nói khôn…
“Bài này đại ý nói dân tộc Cơ-ho là người làm lúa, mà muốn làm lúa thì phải cầu thần (lơh kòi, hòi Yàng). Sâu xa hơn, không chỉ làm lúa, trong đời sống của người Cơ-ho mọi việc đều có thần. Xa hơn nữa, các dân tộc vùng Tây Nguyên đều có thần trong đời sống tâm linh. Vừa rồi không gian văn hóa cồng chiêng ở Tây Nguyên được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, cái sâu xa cũng bắt nguồn từ thần linh. Tại sao có cồng chiêng? Phải có thần linh mới có cồng chiêng, có đâm trâu… mà nếu tách ra thì đâu còn ý nghĩa nữa. Nhân sinh quan của họ đấy. Anh thấy không, hiểu cho hết nội dung những câu của người Cơ-ho đâu có dễ” – ông nói liền một mạch.
Rồi ông mang cuốn Gơ Plom Kòn Yồi cất vào kho, khệ nệ trở ra với một chồng sách trên tay, giới thiệu: “Còn đây là bộ Văn vần Cơ-ho, tôi mới biên soạn được 3 tập – chưa dịch ra tiếng Việt, gồm 22.659 câu hay bài, gọi thế nào cũng được. Tôi cũng sắp xếp theo thứ tự A-B-C”. Ông ngừng lại, lật tiếp và chỉ vào một trang: “Đây. Người Kinh mình có truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên thì người Cơ-ho cũng có truyền thuyết: Bơnồ òr nau/ ù dùl kơnăc/ Răc dùl rơsòn/ Kòn dùl mai dùl bàp – Xưa xửa xừa xưa/ Đất một cục/ Chim một tổ/ Con chỉ có một cha một mẹ. Vũ trụ quan của họ đấy. Anh thấy sao?”.
Để lưu ngọc cho đời…
Khi đọc cho chúng tôi quan điểm về vũ trụ của người Cơ-ho, chúng tôi hiểu thông điệp ông muốn chuyển tải là dù người Kinh, người Cơ-ho hay bất cứ dân tộc nào… sinh ra trên đất Việt Nam này đều cùng một cha một mẹ. Nhưng rõ ràng, nếu chỉ nhìn vào những dòng chữ viết từ phiên âm Cơ-ho mà không được dịch giải, sẽ có mấy ai hiểu được một nền văn hóa, văn học đặc sắc đã và đang tồn tại, dù đó là của một người anh em cùng cha mẹ sinh ra, cùng “máu đỏ da vàng”? Và điều ông cặm cụi đọc, phân loại, sắp xếp, chú giải… trong suốt mấy thập niên qua cũng nhằm để những thế hệ sau khi tiếp cận các tư liệu văn hóa, văn học của người Cơ-ho có thể hiểu được. Đó chính là một cách bảo tồn, lưu giữ “ngọc” lại cho đời.
Sơn nữ K’Ho, Kră Jăn Loen.
Nhưng với một người vốn tính cẩn thận, đam mê văn hóa Cơ-ho như ông, đó chưa phải là cái đích cuối cùng. Ông quan niệm: “Cho dù tôi có dịch ra, chú giải cẩn thận thì đó cũng chỉ là ý kiến cá nhân, dĩ nhiên là có tham khảo của những người Cơ-ho khác nhưng cá nhân vẫn chi phối. Vì thế, tôi đang gắng sức để sắp xếp những vấn đề mình quan tâm thành một cuốn theo vần A-B-C…, một kiểu từ điển về ngôn ngữ Cơ-ho để mọi người sau này có thể tra cứu, hiểu câu truyện theo cách của mình”.
Nền tảng cho cuốn từ điển này, hơn 20 năm trước đây ông đã tự sắp xếp, viết tay khoảng 1.600 trang để phục vụ cho việc tự nghiên cứu. Nay ông sẽ bổ sung thêm từ mới, thêm ý nghĩa cho đầy đủ và có phần chú giải, phiên âm thêm bằng tiếng Pháp, đặc biệt là đưa nhiều tư liệu bản địa vào minh họa. Hy vọng, đó chính là chiếc chìa khóa cho những thế hệ sau mở kho báu văn hóa, văn học Cơ-ho mà ông cất công sưu tầm.
Tại ngôi nhà sàn của linh mục Trọng có hai lá thư mà theo lời ông: một của giáo sư Phan Đăng Nhật, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa (thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam); một của Viện trưởng – giáo sư Nguyễn Xuân Kính, gửi cho ông sau khi nhận được bản đề dẫn truyện Gơ Plom Kòn Yồi ông gửi ra. Đánh giá về giá trị cũng như phương pháp sưu tầm của linh mục, giáo sư Nhật viết: “…Tác giả có một vốn hiểu biết rất sâu sắc và phong phú về người Cơ-ho về các mặt: ngôn ngữ, phong tục tập quán, tâm lý, văn hóa… Đúng là người đã từng hơn 30 năm sống với người Cơ-ho, tận tình học tập, nghiên cứu, tìm hiểu về người Cơ-ho.
Một điều đáng trân trọng nữa là tác giả hết sức kính trọng, hâm mộ và hết lời ca ngợi người Cơ-ho, ca ngợi văn hóa, lịch sử và sử thi của họ. Trên đây là những điều kiện và tiền đề khiến cho bài viết có nhiều điều đáng tin cậy.
Về phương pháp sưu tầm, ghi chép văn học dân gian, tác giả đã tuyệt đối tôn trọng nguyên tắc đảm bảo tính khách quan; cụ thể là, đã cố gắng ghi chép nguyên trạng của nó, ngay trong và sau khi ghi chép đã nhiều lần thẩm tra lại để điều chỉnh và sự điều chỉnh này cũng không hề chủ quan mà thông qua sự hỏi han và chấp thuận của các nghệ nhân, già làng. Theo như lời thuật lại, tác giả ghi cả chữ dân tộc và dịch sang tiếng Việt có đánh dấu số dòng.
Việc chú thích (theo lời thuật lại) được làm khá tỉ mỉ và cẩn trọng. Tôi nhận thấy giống cách làm của các học giả Pháp, như: J.Dounues và L.Sabatier”.
Còn giáo sư Nguyễn Xuân Kính viết: “…Những người thực hiện dự án sử thi đi tìm linh chi, giả sử không gặp linh chi mà gặp trầm hương thì xét về đại cục, điều này cũng rất có ý nghĩa.
Giả sử sau này các chuyên gia về sử thi xác định đây không phải là sử thi (theo tiêu chí của họ là phải có đề tài chiến tranh chẳng hạn) thì tác phẩm của người Cơ-ho rất đáng trân trọng đang ở nơi linh mục cũng rất đáng được công bố…”.
Theo http://dotchuoinon.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...