Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

Tìm hiểu ca dao, dân ca dân tộc Cơ Ho

Tìm hiểu ca dao, dân ca dân tộc Cơ Ho 
Múa Xoan của dân tộc K’Ho.
Người Cơ Ho nói riêng, các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung, vốn không có văn tự, nên khi muốn lưu giữ kho tàng văn hóa dân gian của dân tộc, họ phải sử dụng lối văn truyền khẩu, nên các hình thức nói kể thiên về văn vần và bắt đầu nghệ thuật âm nhạc của mình bằng lối hát – nói, trong đó yal yau (bài kể chuyện xưa) là tiêu biểu. Ngay cả khi khuyên nhau, các bài luật tục được trình bày theo thể hát nói:
“Chim sáo không ngừng rỉa cánh
Chim le le không rảnh rỉa đuôi
Con ếch trong hang kêu ộp oạp
Con cá dưới hố quẫy lum bum
Con trâu đã trả, chuyện đã xếp rồi
Con trâu đã đền, chuyện đã xếp yên
Cháu không muốn phiền về câu chuyện cũ
Lờ cũ đã rách, rái về mò cá
Ná xưa đã gãy, khỉ lại phá nương.
Ngoài loại bài để cúng và loại bài để xét xử, còn có nhiều bài văn vần khác có thể gọi là bài ca tình cảm, mà đa phần được sử dụng trong hình thức đối đáp giữa nam và nữ. Loại này thiên về việc bộc lộ cảm xúc giữa con người, chủ yếu là người trẻ. Chẳng hạn có bài ca ngợi vẻ đẹp của người con gái:
Cô gái kia đẹp như lá hành nghiêng
Anh sóc bắt gặp
Cô kia trắng, anh rái cá bắt gặp
Cô kia đẹp, phượng hoàng bắt gặp
Gái mới lớn, heo rừng đâm cây.
Vóc dáng con người Tây Nguyên không chỉ được so sánh với những con vật rừng quen thuộc với một cư dân từng sống và “ăn rừng”, mà còn được ví von với hình dáng và màu sắc cây trái:
Thân con gái như cây rau rịa
Tay con gái như măng mới mọc
Thân con gái như chuối chín trên cây…

Nhạc cụ dân tộc K’Ho
Với những bài ca tình cảm như thế này chủ yếu là để hát, hát trong lễ hội, trên rẫy rừng, bên suối vắng hay trong nhà sàn, hát bày tỏ nỗi lòng, hát chung vui hay tỏ tình thân thiết giữa người nam và người nữ. Loại này có thể được gọi là lah long hay tam pơt với tư cách là bài hát giao duyên, bài hát trao duyên với sự hài hòa với các yếu tố thơ – nhạc và các yếu tố khác như trong môi trường diễn xướng dân gian. Đó là thơ – nhạc dân gian, là tình ca dân gian với tính chất trữ tình thật sự. Trong trường hợp này thì bài ca tình cảm hoàn toàn tương đương với thuật ngữ dân ca mà giới nghiên cứu và công chúng đã từng biết:
Chiếc cườm đẹp
Chiếc cườm đá quý
Trái cây chín trên rừng
Cơm đùm trong giỏ anh phải tự đi tìm
Măng pưt măng wai, ê ê măng tre dọc bờ suối
Những cô gái, từng đoàn đi làm chòi cao
.
Những câu ca dao mang tính biểu trưng cao với lối nói ví von như:
Tôi chìa tay trái xin anh miếng trầu
Tôi đưa tay phải hỏi anh chiếc áo
Tôi đến bên ngựa xin anh lục lạc
Lục lạc kêu rằng ta nên vợ nên chồng.
Hiện nay càng ít người nhớ đến, cũng như những câu tục ngữ ngày càng khó sưu tầm.
Gái không chồng làm việc không xong
Trai chưa vợ hay sinh chuyện chẳng lành.
Làm nhà cần có gỗ
Đan rổ cần có tre
Làm nghề nông phải dùng nước.
Khéo léo lúc trẻ nhỏ,
Giàu có vào tuổi trung niên
Thông minh đến lúc tuổi già.

Em hát Giang giao (ảnh Lê Công)
Hầu hết các dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng đều có lối hát Yal yau. Yal yau như nguyên nghĩa của nó là ngẫm ngợi chuyện xưa. Yal yau có thể hát từ ngày sang đêm. Có những bài yal yau như là những trường ca hát hai, ba ngày đêm liền nhưK’Rai – Ka Lin, Sa rơpu mang Yu Mòng – Dòi, K’Tàng Dam Prah. Nhiều cuộc hát yal yau cuốn hút người nghe suốt đêm đến sáng, hết trưa sang chiều, và bao nhiêu ché rượu cần là bấy nhiêu chuyện yal yau được khơi dậy.
Trong các thể loại tiền âm nhạc của người thiểu số Tây Nguyên, gần gũi với yal yau nhất là đơs crih. Đơs là nói, kể,crih là chuyện lạ. Đơs crih là những bài hát mang nội dung lạ. Có thể hiểu đó là những bài lạ mà thay vì kể chuyện thì hát - nói cho nhau nghe trong những cuộc đi xa nhằm rút ngắn dặm đường.
Bộ chiêng 6 của dân tộc K’Ho.
Đặc điểm dân tộc K’Ho
Vốn văn học nghệ thuật dân gian Cơ Ho rất phong phú. Thơ ca giàu trữ tình và đầy nhạc tính. Một số vũ khúc cổ truyền thường được diễn trong các lễ hội. Các nhạc cụ truyền thống như bộ cồng chiêng sáu chiếc, kèn ống bầu (Kơmbuat), đàn ống tre (Kơrla), trống (Sơgơr)… có khả năng hoà âm với lời ca hoặc độc tấu.
Gần đây, ông Nguyễn Huy Trọng, một linh mục ở giáo xứ Kala, huyện Di Linh, tỉnhLâm Đồng đã sưu tập được khoảng 400 chuyện cổ tích, nhiều câu thơ (tam pla) và 30 trường ca, sử thi của người Cơ Ho trong đó có trường ca Gơ Plom Kòn Yồi dài hơn 6.000 câu.
Tác phẩm văn học nổi tiếng là Gơ Plom Kòn Yồi. Truyện được sưu tầm khoảng từ năm 1971-1974, do cụ Kơ Brok – ngoài 70 tuổi kể suốt đêm trong một lễ hội “Tế thần ăn trâu” (Lơh Yàng nô sa rơpu) tại vïng Riongto (thuộc huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng ngày nay).
Đó là một câu chuyện về tình yêu và hôn nhân giữa hai nhân vật chính là người vợ Gơ Plom Kòn Yồi và người chồng Tòng Kòn Tăc. Nhưng xuyên suốt câu chuyện, luôn luôn có bóng dáng cả dân tộc Cơ Ho, có sự sinh và sự chết, có cái thiện và cái ác, có những địa danh từ Riongto qua các vùng miền người Cơ Ho sinh sống ra đến tận Pơjai (Phan Thiết ngày nay). “Nói là tình yêu nam nữ, nhưng thực chất, đó là tình yêu dân tộc”.
Ca dao - dân ca
Những bài ca dân gian được gộp chung các hình thức mà cư dân bản địa vẫn gọi là nri (luật tục), bài cúng (hay bài ca nghi lễ), tam pơt và lah long (hát đối đáp, giao duyên hay bài ca tình cảm). Bài ca nghi lễ hay bài cúng được sử dụng một cách phổ biến trong các lễ cúng thần linh của cư dân. Cấu trúc của các bài ấy thường có vần, số chữ trong các câu không nhất thiết phải như nhau, số câu trong các bài cũng khác nhau.
Luật tục (nri) đã đề cao các vị thần linh và coi những việc làm của họ là mẫu mực, phải tuân theo. Khi xử tội những người vi phạm luật tục, người ta lại đọc hay hát bài ca luật tục. Những bài ấy mang sức nặng của truyền thống vă hóa lâu đời, thiêng liêng, lại được cô đúc trong những công thức chặt chẽ, được thể hiện bằng những hình ảnh quen thuộc, rất gần gũi với tư duy sinh hoạt của cư dân. Dù luật tục được truyền miệng nhưng chúng vẫn có giá trị củng cố gia đình– dòng họ – bon làng, duy trì trật tự kỷ cương theo cơ chế tự quản.
Về nội dung, mỗi câu chữ đều chứa một nội dung cụ thể, phản ánh một hiện tượng tự nhiên hay xã hội, đúc kết một kinh nghiệm sản xuất hay sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, ta hiểu theo nghĩa cụ thể, nghĩa đen, nghĩa trực tiếp vẫn là chủ đạo. Vì vậy, từng câu ít khi tự đứng độc lập như một tác phẩm mà phải liên kết chặt chẽ với nhau trong một bài khá dài mang tính tổng hợp tri thức thực tiễn, truyền bá kinh nghiệm sống, chúng lại thường ít đứng một mình mà liên kết lại thành một cấu trúc chặt chẽ dưới dạng bài với vần nhịp khá chuẩn.
Người Cơ Ho nói riêng, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung, vốn không có văn tự, nên muốn lưu giữ kho tàng văn hóa dân gian của dân tộc, họ phải sử dụng lối văn truyền khẩu, nên các hình thức nói kể thiên về văn vần và bắt đầu nghệ thuật âm nhạc của mình bằng lối hát - nói, trong đó yal yau (bài kể chuyện xưa) là tiêu biểu.
Âm nhạc dân gian
Cùng với ca hát, người Cơ Ho còn có nhiều loại nhạc cụ khác nhau và được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động nghi lễ, hội hè. Công dụng nổi bật của chúng là tạo nền cho các nghi thức tế lễ, phối tấu cùng với ca hát và “chỉ huy” các động tác nhảy múa. Các nhạc cụ tiêu biểu là đàn đá (lu gòng), chiêng (cing), trống da nai (sơgơr), khèn bầu, khèn môi, đàn sáu dây, sáo… là những nhạc cụ cổ truyền thống với âm sắc độc đáo và có cấu tạo mang bản sắc dân tộc. Đàn đá và chiêng là hai loại nhạc cụ khá phổ biến trong cộng đồng người thiểu số. Bộ chiêng người Cơ Ho có sáu chiếc:
Cing me (chiêng cái) giữ nhịp
Cing rdơn (chiêng cả) phụ nhịp cho chiêng cái
Cing ndơn đổi giai điệu
Cing thơ và cing thi trả lời khi chiêng cái gọi.
Khi đánh chiêng, người Cơ Ho xếp theo hình vòng cung, theo thứ tự các chiêng kể trên, tay trái đỡ mặt trong, tay phải đánh. Đội hình di chuyển khi ngược khi xuôi, âm thanh trầm bổng, luyến láy được tạo ra nhờ tay chụp, xòe hay xoa mà tạo nên. Riêng trống là loại nhạc cụ phổ biến ở hầu khắp các nhóm cư dân. Chiêng là cách gọi theo người Việt. Theo tiếng Cơ Ho, chiêng là cing. Chiêng không có núm gọi làcing, chiêng có núm gọi là mồng (cồng). Theo người Lạch, chiêng có 36 nhịp đánh khác nhau. Chiêng được sử dụng trong các dịp vui.
Người K’Ho hướng về ngọn lửa như 
hướng về một thế giới huyền bí…
Độc đáo Lễ cúng thần Lửa của người Cơ Ho
TH-Cinet–DTV
Cũng như trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc, lửa đã thắp sáng tâm linh của người Cơ Ho bằng những giá trị thiêng liêng của nó. Chính vì vậy, trong những dịp buôn làng mở hội, họ đều tổ chức lễ cúng gọi thần Lửa với những nghi thức đặc biệt thiêng liêng…
Với dân số gần 150.000 người, đồng bào Cơ Ho là một trong bốn dân tộc có dân số đông trong các dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên. Cũng như các dân tộc anh em sinh sống trên vùng đất Tây Nguyên, người Cơ Ho còn bảo tồn nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Một trong những biểu hiện độc đáo đó là lễ cúng gọi thần Lửa trong các dịp buôn làng mở hội…
Trong quan niệm của người Cơ Ho, vũ trụ bao gồm ba tầng: tầng trời, tầng người sống và tầng người chết. Cao nhất trên cùng chính là tầng trời, nơi cư ngụ của các vị thần linh. Đứng đầu trong các vị thần ấy là Yàng N’Du – vị thần khai sáng và quyền năng tối thượng. Bên dưới thần N’Du là các vị thần khác ngự trị bao đời nay trong đời sống tâm linh của người Cơ Ho như: thần Lúa (Yàng Coi), thần Đất (Yàng Tía), thần Mặt Trời (Yàng Măt Tơ Ngai), thần Nước (Yàng Đạ), thần Núi (Yang Pnâm)… và thần Lửa.
Cũng như trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc khác, lửa đã thắp sáng tâm linh của người Cơ Ho bằng những giá trị thiêng liêng của nó. Họ hướng về ngọn lửa như hướng về một thế giới huyền bí từ bao đời nay giữa không gian núi rừng. Trong những đêm trường gió hú, ngọn lửa hiện hữu xua tan tăm tối, và góp thêm vào những tầng giá trị văn hóa của cư dân sống nơi núi rừng. Bởi vậy, trong những dịp buôn làng mở hội, lễ cúng gọi thần Lửa được diễn ra với những nghi thức đặc biệt thiêng liêng…
Lễ cúng gọi thần Lửa được tổ chức với 
những nghi thức đặc biệt thiêng liêng…
Buổi lễ cúng gọi thần Lửa đã được chuẩn bị từ trước đó nhiều ngày. Đêm hành lễ bắt đầu với sự tụ họp của dân làng ở nơi trang trọng nhất trong buôn. Trong buổi lễ mọi người đều hướng về phía già làng, hướng mắt về không gian thiêng và lắng nghe tiếng cầu khấn của già làng cũng là tâm nguyện của cả cộng đồng. Lời khấn Yàng của già làng chính là thông điệp cầu an của người Cơ Ho trong những buổi hành lễ:
“Ơ…ơ…Yàng…! Hỡi thần Lửa linh thiêng… Khắp bốn phương Ngài đang ở đâu? Đang trú ngụ ở những cánh rừng phía đông hay thung lũng phía tây – Dù Ngài có ở xa cách năm ngọn đồi, bảy con suối – Chúng con đang làm lễ cúng Ngài – Tre nứa chúng con để sẵn – Đá thiêng chúng con để sẵn – Củi rơm chúng con để sẵn – Chờ Ngài cho lửa – Ngọn lửa sẽ giúp xua đi màn đêm tăm tối – Đem ánh sáng và may mắn về cho buôn làng – Hỡi thần Lửa linh thiêng…”.
Sau lời khấn, chính tay già làng giết gà, trâu, heo hoặc dê hiến tế, dùng máu con vật hiến sinh bôi lên những ngọn đuốc đã được chuẩn bị chờ sẵn và cọ hai thanh tre vào nhau để phát ra ngọn lửa. Lửa từ tay người già truyền cho một chàng trai trẻ khỏe mạnh và giỏi giang. Ngọn lửa sáng lên giữa đêm trường núi rừng, thắp sáng mọi ngõ ngách tối tăm, ngọn lửa được chia về với từng bếp lửa cộng đồng. Và, thần Lửa đã chứng kiến, tiếp nhận lời khẩn cầu và cho phép đêm hội bắt đầu…
Trong những đêm hội của người Cơ Ho, tiếng chiêng luôn rộn rã đồng hành bên ánh sáng ấm áp của những ngọn lửa. Thần Lửa và thần Chiêng hòa hợp bên nhau và sẻ chia với đời sống tâm linh của người Cơ Ho. Lửa sáng đến đâu, âm thanh của chiêng lan tỏa đến đó. Trong những đêm hội, ngọn lửa rực sáng cả một góc núi rừng, giàn chiêng sáu vây quanh bập bùng và vòng người tạo thành vòng xoang xoắn xuýt bên nhau – điệu múa vui của cộng đồng đêm càng về khuya càng thêm rộn rã…
Lễ dâng trâu của dân tộc K’Ho
Lễ dâng trâu tế thần của tộc người Cơ Ho, Bình Thuận
TH-Cinet–DTV
Cứ 17 năm, người Cơ Ho, xã Đông Giang huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) lại tổ chức lễ dâng trâu tế thần một lần, để tạ ơn thần mặt trời, thần lúa mẹ, tổ tiên…
Là một xã vùng cao của huyện Hàm Thuận Bắc, Đông Giang 100% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, gồm tộc người Cơ Ho và Raig. Xã có 3 thôn, 9 xóm, mỗi xóm đều có thờ các vị thần, riêng thần núi thì mỗi xóm thờ 1 vị thần núi. Với tộc người Cơ Ho thì cứ 17 năm, tộc này sẽ tập chung về đông đủ để tổ chức lễ dâng trâu tế thần một lần để tạ ơn thần mặt trời, thần lúa mẹ, tổ tiên… đã cho tộc họ con cháu khỏe mạnh, có cái ăn cái mặc. Do vậy, có những người con lần đầu tiên được chứng kiến lễ hội dân tộc mình.
Mâm lễ dâng lên tế thần gồm có thịt trâu, thịt gà, thịt heo, thịt dê, khăn trắng, rượu cần, lúa mẹ, bánh nếp, trứng gà, cơm. Con dao dùng để đâm trâu, heo, dê, có hình lưỡi kiếm và phải được cúng kỹ lưỡng. Lễ hội được tổ chức tại sân làng hoặc bìa rừng.
Nguồn gốc của lễ hội theo tộc người Cơ Ho truyền lại, từ thời xa xưa, tộc người Cơ Ho rất ít người, tổ tiên họ chỉ sinh ra được 1 người con gái (mẫu hệ), rồi người con gái đó lớn lên lập gia đình cũng chỉ sinh ra tiếp 1 đứa con gái và cứ nối tiếp nhau như vậy. Nói là dòng tộc nhưng đếm chẳng được bao người, đến lượt người con gái sau này lấy chồng chưa thấy có con, mặc dù đã đi xin, đi cầu các vị thần, tổ tiên khắp nơi. Đêm ấy người nữ đó nằm mơ, có người báo là phải ăn thịt trâu tơ thì sẽ đông con lắm cháu. Sáng hôm sau người này quyết định làm theo giấc mơ, gia đình đã mổ trâu cho cô ăn, cô đã ăn hết 1 con trâu trong vòng 7 ngày. Và 1 tháng sau cô đã có tin vui. Cô đã sinh 9 người con đều khỏe mạnh, và 9 người con này lớn lên lập gia đình cũng sinh rất nhiều con cháu. Từ đó, người Cơ Ho cho rằng ăn thịt trâu rất may mắn, nên họ làm trâu cúng tế thần linh. Còn 17 năm làm một lần, con số 17 là số tuổi con người mới lớn, tràn đầy nhựa sống, khỏe mạnh, con số đẹp của tộc người Cơ Ho.
Lễ hội dâng trâu tế thần được bà con Cơ Ho xã Đông Giang tổ chức nhằm biết ơn đến ông bà tổ tiên, đến các vị thần, qua đó cũng là cầu bình an, may mắn đến với họ tộc, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu…
Bà con chuẩn bị cho Lễ mừng lúa trổ bông.
Lễ mừng lúa trổ bông của người Cơ Ho, Lâm Đồng
(TH-Cinet–DTV)
Lễ mừng lúa trổ bông của người Cơ Ho (Lâm Đồng) là một trong những nghi lễ quan trọng nhất nhằm cúng tạ ơn Yàng sau những mùa thu hoạch, mừng vui của cả buôn làng…
Là một trong 3 dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng, người Cơ Ho có số dân đông nhất. Họ sống chủ yếu bằng canh tác lúa nước ở những thung lũng sâu, có lối sống tín ngưỡng thờ đa thần giáo như thần sông, thần núi, thần cây… Với đời sống văn hóa tinh thần phong phú nên các lễ hội thường gắn liền với các hoạt động nông nghiệp. Các lễ hội xoay quanh chu kỳ của mùa vụ và để cầu một năm mưa thuận gió hòa, cây lúa nhiều hạt, hạt chắc không bị sâu… Đây luôn là mơ ước của người Cơ Ho và là lý do đồng bào tổ chức “Lễ Mừng lúa trổ bông” vào tháng 7 hàng năm.
Lễ hội được tổ chức vào tháng 7 hàng năm. Quy mô của lễ hội lớn hay nhỏ, lễ vật nhiều hay ít tùy thuộc vào sự tham gia và đóng góp của mỗi hộ gia đình. Lễ được tổ chức trong một ngày với nhiều nghi thức khác nhau tại một mảnh đất bên cánh đồng lúa của dân làng. Sau đó mỗi gia đình cũng tự tổ chức lễ tại nhà của mình.
Nghi lễ mừng lúa trổ bông được bắt đầu bằng nghi thức đâm trâu, con trâu được đeo mặt nạ có biểu tượng âm dương đất trời. Dân làng và khách được mời quây tròn xung quanh cùng tham dự. Trước khi đâm trâu, già làng cùng những người có uy tín đứng thành hàng trước cây nêu, một người đại diện đốt cây trầm nước để hương thơm lan toả lấy cái may mắn xua đuổi cái xấu, cái không tốt đi nơi khác. Sau đó họ đọc lời khấn cầu Yàng, lời khấn có ý “xin yàng năm cũ đã qua, năm mới đã tới, xin yàng cho lúa nhiều hạt, đặng năm nay đủ ăn, dư đến sang năm”.
Trong lúc già làng chuẩn bị cầu khẩn, thanh niên trong làng đứng bên ngoài huýt sáo to 3 lần để kêu gọi, mời thần linh. Người được giao nhiệm vụ đâm trâu là người khỏe mạnh, có kinh nghiệm. Trước khi đâm, người ta chặt vào khuỷu hai chân sau của con trâu sau đó dùng giáo đâm mạnh vào ngực trâu để trâu chết nhanh. Theo người quan niệm của người Cơ Ho, trâu chết nhanh được cho là may mắn, điều đó có nghĩa là thần linh đã tiếp nhận vật hiến tế cùng lời thỉnh cầu của dân làng, giúp cho một vụ mùa sắp đến bội thu, mưa thuận, gió hòa, núi rừng yên ổn, dân làng no ấm.
Sau khi trâu chết, già làng lấy máu trâu bôi lên cây nêu, máu có màu đỏ tượng trưng cho sự sống, sự sinh sôi nảy nở, sự mong ước của mọi người. Dân làng lấy máu trâu đựng trong ống tre hoặc bôi lên thanh tre vót nhọn có tua trắng và cây cỏ tranh có thắt hình chiếc nơ tượng trưng cho cây lúa cắm trên cánh đồng của mình cầu thần phù hộ lúa không bị sâu ăn, mùa màng bội thu, hạt chắc, hạt nhiều, dân làng có cái ăn, cái mặc. Trâu được thanh niên trong làng làm thịt, đầu trâu, da, xương, móng chân, đuôi treo ở bên dưới cây nêu để hiến cho thần, các vật hiến tế này được treo ở ngoài đồng 7 ngày.
Bàn thờ chính, nơi cúng kêu gọi thần linh về với dân làng được bày lễ vật gồm: chuối, gà, bánh nếp, trứng, thịt, tim trâu… Gà được nhổ sạch lông, không nấu chín đặt vào nơi cúng. Sau khi cầu khẩn xong già làng thái nhỏ một ít thịt trâu bỏ xuống bàn thờ nhỏ để thần linh về thưởng thức vật lễ chung vui với dân làng. Thịt trâu được chia đều cho từng gia đình, phần còn lại được nấu để dân làng và những người tham dự cùng ăn sau lễ cúng, lúc này mọi người đều ăn uống vui chơi tại chỗ cho đến tối.
Sau lễ cúng ngoài đồng, trong từng gia đình, họ cũng tổ chức lễ hiến tế gà, máu gà được bôi lên trán mỗi người, họ đặt lông gà trong từng góc nhà mình với ý nghĩa cầu may mắn, bình an. Hòa trong tiếng chiêng, tiếng trống họ vui chơi và nhảy múa cùng những người tham dự, lúc này mỗi gia đình sẽ đi cầu chúc cho nhau, trong tâm khảm mỗi người đều dâng lên một niềm hy vọng, các vị thần sẽ phù hộ cho họ một sức khỏe, một vụ mùa bội thu vào năm tới…
Sau khi sinh được 7 ngày em bé K’Ho sẽ được làm lễ đặt tên.
Nghi lễ đặt tên cho con của người Cơ Ho, Lâm Đồng
Cinet – DTV
Lễ đặt tên cho con là một phong tục truyền thống độc đáo, là một thành tố văn hóa, tôn giáo quan trọng liên quan đến các nghi lễ vòng đời của dân tộc Cơ Ho ở Lâm Đồng.
Theo thống kê hiện nay, người Cơ Ho có khoảng hơn 150.000 người tập trung ở các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Di Linh của Lâm Đồng. Người Cơ Ho hiện nay vẫn còn lưu giữ được nhiều phong tục truyền thống độc đáo trong đó có “Lễ đặt tên cho con”.
Theo quan niệm của người Cơ Ho, việc làm lễ đặt tên cho con là một trong những nghi lễ rất quan trọng và cần thiết vì đứa trẻ sinh ra cần phải được các Yàng (thần linh) che chở phù hộ trong suốt cuộc đời. Bởi vậy, cứ sau khi sinh được 7 ngày là mọi người trong gia đình phải làm lễ đặt tên cho em bé.
Và trong 7 ngày ở cữ của người mẹ, người Cơ Ho cho cắm một cành cây có gai dài khoảng chừng 1m bên ngoài vách nhà nơi gần bếp lửa – chỗ nằm của hai mẹ con vừa để ngăn ma, quỷ và vừa để báo hiệu trong nhà có người mới sinh không cho khách và người lạ vào nhà.
Để chuẩn bị cho nghi lễ đặt tên con, trước đó người cha và mọi người trong gia đình đã phải bỏ thời gian để đan một chiếc gùi hoa nhỏ xinh, cùng với bộ khung dệt vải hoặc rổ xúc cá nếu bà mẹ sinh con gái. Cũng có khi là một cái xà gạt (dao có cán đi rừng đặc trưng của người Tây Nguyên) và một cái ná (cung tên) nhỏ nếu đó là con trai.
Địa điểm tổ chức lễ, tại gian chính của nhà ngay trước bàn thờ. Lễ vật dâng cúng thần linh khá đơn giản không quá cầu kỳ, bao gồm: một chóe rượu cần, một con gà sống, một nhánh chuối, một quả trứng gà, một chén cơm và một chén đựng bộ lòng gà, một chén tiết gà (sau khi hiến sinh).
Bên cạnh đó, được bày thêm chiếc gùi, bộ khung dệt hoặc chiếc xà gạt, chiếc ná nhỏ đã được chuẩn bị từ trước (đây là những vật tượng trưng) để cầu mong thần linh ban cho con gái thì xinh đẹp, chăm chỉ, khéo tay; con trai thì được “dài chân, dài tay như con vượn, khỏe mạnh như con gấu, con hùm” để chinh phục núi rừng săn bắt thú, giỏi việc nương rẫy.
Người được mời tham gia buổi lễ gồm có ông cậu, già làng và bà mụ (bà đỡ), mẹ con mới sinh và bà con bên nội bên ngoại của em bé để làm chứng. Thường bố vợ là người đứng ra làm lễ cúng Yàng. Ông mặc áo, khố truyền thống, đầu đội khăn choàng, tay cầm một chiếc roi làm bằng mây rừng và lục lạc. Ngồi cạnh ông là người mẹ bế con và bà đỡ.
Trong lễ cúng, trước khi hiến sinh, người chủ cúng hai tay ôm con gà đưa lên ngang tầm mắt hướng thẳng lên bàn thờ và bắt đầu cầu khấn thần linh phù hộ cho đứa trẻ. Tất cả những người trong gia đình và họ hàng nội ngoại có mặt đều chắp tay và cầu nguyện cho đứa trẻ.
Ngay sau khi khấn xong, con gà được cắt tiết cho vào chén, còn lưỡi gà được moi ra, người cúng vừa khấn đọc tên đứa trẻ vừa cầm lưỡi gà nhúng vào rượu cần chọi lên bàn thờ từ 1 đến 3 lần cho đến khi lưỡi gà dính vào bàn thờ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tên của đứa trẻ cũng đã được thần linh chấp nhận. Sau đó, người ta lấy máu gà trong chén chấm lên trán đứa trẻ xin thần linh ban cho nó luôn mạnh khỏe và tới đây nghi lễ cũng được kết thúc.
Người Cơ Ho theo chế độ mẫu hệ nên con cái thường được đặt theo họ mẹ. Họ thường chọn tên của những người giỏi giang có tiếng tăm trong dòng họ, buôn làng để đặt tên cho con cháu. Họ cũng kiêng không lấy tên các thần linh để đặt cho con vì họ tin rằng những tên này sẽ mang đến tai họa, điềm dữ cho đứa trẻ trong suốt cuộc đời.
Lễ đặt tên cho con là một phong tục truyền thống độc đáo của người Cơ Ho nói riêng và một số tộc người sống ở vùng Tây Nguyên nói chung. Đây cũng là một trong những giá trị văn hóa truyền thống cần được bảo tồn và phát huy.
Theo http://dotchuoinon.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...