Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

Những tác phẩm văn học đặc sắc của người Thái cổ

Những tác phẩm văn học đặc sắc của người Thái cổ
TH-Cinet-DTV
Dân tộc Thái có cả một kho tàng văn học dân gian quý báu với truyện thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện thơ… làm say đắm bao thế hệ người nghe.
Người Thái có vốn văn hóa dân gian rất phong phú và đặc sắc. Về cơ bản, văn học Thái được thể hiện qua các lĩnh vực như: Các câu truyện thần thoại, các câu truyện cổ tích, truyện thơ…
Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Yên Bái đang lưu giữ một số tác phẩm còn nguyên vẹn qua các bản ghi chép bằng chữ Thái cổ trên giấy bản, giấy dó hoặc trên lá cây. Đây thực sự là những tác phẩm văn học cổ từ nội dung đến hình thức, trong đó một số tác phẩm đặc sắc về chủ đề tình yêu đã để lại rất nhiều ý nghĩa cho thế hệ sau, phải kể đến hai tác phẩm: “Xống chụ xon xao” và truyện “An Đức”.
Tác phẩm “Xống chụ xon xao” là một truyện thơ, nổi tiếng có giá trị văn hóa cao, được nhân dân Thái yêu mến, say mê, là niềm tự hào của dân tộc Thái. Sức lôi cuốn của Tiễn dặn người yêu có thể được thấy qua câu ca từ từ xưa của người Thái: “Hát Tiễn dặn lên, gà ấp phải bỏ ổ, cô gái quên hái rau, anh đi cày, quên đi cày…”.
“Xống chụ xon xao” kể về một đôi trẻ lớn lên rồi họ yêu nhau. Trong hạnh phúc tình yêu họ cảm thấy nhiều lo ngại. Chàng trai chạy vạy tìm sắm lễ vật, rồi tìm đến xin ở rể nhà cô gái. Nhưng cha mẹ cô chê anh nghèo hèn, không nhận lời. Cùng lúc đó, một người trai khác cũng đến xin ở rể. Cha mẹ cô bằng lòng ngay.
Khi cô gái biết chuyện thì mọi việc đã thu xếp xong. Cô hết sức đau đớn, nhà cô có người ở rể – cô đã có chồng. Nhận được tin này, chàng trai đau khổ vô cùng. Anh quyết chí đi buôn làm giàu, dặn cô gái dù thế nào cũng chờ và tin ở anh.
Sau một thời gian, nhà chồng đuổi cô về nhà mẹ đẻ. Cô vừa về lại có người đến hỏi, cha mẹ bán đứt cô cho một gia đình cửa quan. Ở đây cô càng khổ hơn. Họ lại đem cô ra chợ bán rao với giá chỉ “một cuộn lá dong đổi lấy người”… Và rồi người đổi lấy cô với giá như thế chính lại là người yêu cũ của cô. Bây giờ anh đã có nhà cao cửa rộng. Đôi bạn tình nhận ra nhau. Anh quyết định lấy cô làm vợ.
Tác phẩm thứ hai, Tập truyện An Đức là một bài trường ca trong tình yêu bất hủ của chàng trai An Đức với nàng Chiêu Nghĩa. Cuộc sống hạnh phúc của họ chỉ được trong khoảnh khắc ngắn ngủi thì một kẻ gian ác có quyền thế tên Cửu Hoa đến giết hại chồng nàng rồi cướp nàng Chiêu về làm vợ.
Từ đó, cuộc sống tủi nhục bất hạnh của nàng trải qua năm tháng triền miên cộng với sự nhớ nhung chồng cũ An Đức của mình, nàng đã tự sát mong kiếp mới được gặp lại chồng cũ. An Đức bị giết hại oan ức, đổi kiếp tái sinh lên trời đã được đức chúa trời hiểu thấu và sai người tìm nàng Chiêu cho An Đức.
Trải qua những lần tìm kiếm…, khi trở lại cõi trần với quê hương bản mường yêu quý của mình, An Đức và Chiêu Nghĩa không những là tình thủy chung trong sáng mà còn là tình thương nghĩa nặng.
Chàng An Đức và nàng Chiêu Nghĩa đã được dân qúy trọng phong tặng ngai vua và từ đó những bất công, bất hạnh đã không còn nữa, dân bản mường đâu đâu cũng được hưởng cuộc sống yên vui từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Trong kho tàng văn học của người Thái còn rất nhiều tác phẩm được lưu truyền làm say đắm bao nhiêu thế hệ người đọc, người nghe. Góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa Dân tộc Việt Nam.
Lễ hội cầu an thường được tổ chức 
vào cuối tháng giêng, đầu tháng 2 âm lịch hàng năm.
Độc đáo lễ hội cầu an dân tộc Thái, Sơn La
TH-Cinet-DTV
Lễ hội cầu an cho bản của người Thái (Sơn La) là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng rất quan trọng đối với cộng đồng người ở Tây Bắc.
Lễ hội cầu an cho bản mường (xên bản, xên mường) của người Thái, đặc biệt là người Thái Mai Châu, Thuận Châu, Mộc Châu, người Mường… là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng rất quan trọng đối với cộng đồng người ở Tây Bắc. Lễ hội có liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần, tâm linh của cả bản mường, đến mùa màng, sức khỏe và sự làm ăn của cộng đồng năm ấy, nên được tổ chức rất trọng thể, vui vẻ, thu hút sự tham gia của đồng bào ở địa vực lớn (bản, mường).
Lễ hội cầu an thường được tổ chức vào cuối tháng giêng, đầu tháng 2 âm lịch hàng năm, tại Thuận Châu, Mộc Châu gắn với tục giết trâu hiến sinh cầu và tạ thần linh. Để chuẩn bị cho lễ hội, ngay từ dịp Tết Nguyên Đán, mọi thứ dùng cho lễ hội đã chuẩn bị xong. Lễ hội thường kéo dài trong ba ngày. Người chịu trách nhiệm chính trong tổ chức lễ hội cầu an bản mường là a nha, nhưng người trực tiếp điều hành buổi lễ lại chính là ông thầy cúng (mo mường). Dân chúng trong mường, ngoài bản, bất kể già trẻ gái trai đều có nghĩa vụ tham gia, đóng góp tùy sức mình và được quyền tham dự lễ hội của mường.
Bắt đầu ngày hội, người ta làm nhiều mâm cỗ cúng (mỗi mâm cỗ tượng trưng cho một bản lớn, xưa, có tạo bản đứng đầu, các bản nhỏ không được tượng trưng bằng mâm cỗ) đặt cạnh nguồn nước thiêng của mường. Khi buổi lễ bắt đầu, mo mường quì trước các mâm cỗ, phía sau là a nha, tạo bản, dân mường qùi lễ. Trong không khí trang nghiêm, linh thiêng, ông mo trang trọng, xuất thần đọc bài cúng đã thông thuộc, mời tổ tiên (ông cha bà cố nội ngoại tiếng Thái là Pao pu pang cải), thần đất (Chau đỉn), chủ nguồn nước (Chau nặm bo), thổ công thổ địa… về nhận lễ vật, dùng cỗ, vui vẻ với cộng đồng dân cư bản mường; đồng thời cầu mong tổ tiên thần linh ban phúc, phù trợ cho bản mường bình yên, làm ăn suôn sẻ, con người khỏe mạnh, ngô lúa sinh sôi, gia súc gia cầm đàn đàn, lớp lớp. Khấn xong, mo mường và các vị chức sắc cùng dân bản mường vái lạy tổ tiên và các vị thần. Trong lúc đó, mo mường ném hai quả trứng (một đỏ, một trắng) và một nắm cơm nhỏ xuống nguồn nước.
Cuộc lễ kết thúc, mọi người bắt đầu vào cuộc 
ăn uống cộng cảm, vui chơi thể thao, văn nghệ…
Cuộc lễ kết thúc, mọi người bắt đầu vào cuộc ăn uống cộng cảm, vui chơi thể thao, văn nghệ… Cuộc ăn uống cộng cảm diễn ra hết sức vui nhưng đúng lễ nghi. Các ông mo mường, a nha, tạo bản… ăn làm phép ở mâm cỗ chính, rồi đi từng mâm; ở mỗi mâm các ông ăn một miếng thịt, uống một hớp rượu. Kế đó, cả bản mường ăn uống vui vẻ cho bằng hết các mâm, không được bỏ thừa hay đem về.
Để chuẩn bị cho việc diễn ra những trò chơi trong hội lễ, ngay từ sáng tinh mơ của ngày đầu tiên, bên cạnh vị trí cúng lễ (mặt bằng, có thể là bàn đá cạnh nguồn nước), người dân bản đã sửa sang, dọn dẹp một mặt bằng rộng, cách nơi hành lễ khoảng trên dưới 100m. Mọi hoạt động hội hè, trò chơi, văn nghệ, thể thao… đều được diễn ra nơi đây. Trời về chiều, trong tiếng trống, tiếng chiêng dìu dặt lúc khoan lúc nhặt, dân làng tổ chức xòe vòng, xòe đôi, xòe đơn thật hào hứng. Bên mâm rượu tập thể, những nam thanh nữ tú hát giỏi múa hay, biết nhiều, nhanh nhẹn trong ứng đối vừa ăn uống, chọc ghẹo, vừa hát đối đáp giao duyên. Họ hát giới thiệu, khen ngợi nhau, bày tỏ chí hướng, tỏ lòng với nhau… trong men rượu, men tình… Bên cạnh đó, dăm bảy đôi nam nữ (thường là những đôi đã ngầm kết nhau, tổ chức múa sạp, thi bắn nỏ, bắn súng hỏa mai. Nhiều nơi còn có tục đi săn tập thể vào ngày kết thúc lễ hội.
Lễ hội cầu an của người Thái, Sơn La là dịp để mọi người tụ họp, gặp gỡ với tổ tiên, thần linh, gặp gỡ với nhau trong cả sinh hoạt vật chất lẫn hành động tâm linh; vừa bộc lộ niềm thành kính, ngưỡng vọng thánh thần, vừa thể hiện sức mạnh của con người; vừa cầu phúc cho một cuộc sống hạnh phúc, an bình, vừa bộc lộ khả năng vui chơi, thi tài… Có thể nói, lễ hội cầu an bản mường là một hoạt động văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của các tộc Thái… một sinh hoạt văn hóa dân gian tổng thể; một nguồn vui không thể thiếu của cư dân ít người nơi rẻo cao Tây Bắc xa xôi, mỗi khi mùa hoa ban trắng nở.
Tết Độc lập của người Thái, Yên Bái
TH-Cinet-DTV
Ngày Tết Độc lập từ lâu đã trở thành một ngày Lễ, ngày Tết quan trọng, một nét văn hóa độc đáo của người Thái ở xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái).
Giống như người Mông ở Mộc Châu (Sơn La), người Thái ở xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) cũng đón Tết Độc lập vào ngày 2/9 hàng năm. Ngày Tết Độc lập từ lâu đã trở thành một ngày Lễ, ngày Tết quan trọng, một nét văn hoá độc đáo của người Thái nơi đây và theo họ, Tết Độc lập rất quan trọng, chỉ sau Tết Nguyên đán.
Các loại bánh không thể thiếu trong 
mâm cơm Ngày Tết Độc lập của người Thái.
Trong Ngày Tết, trên mọi ngả đường của 5 thôn Hát 1 và Hát 2, Lừu 1, Lừu 2 và thôn Vũng Tầu nhà nào nhà nấy bảo nhau quét dọn, sửa sang ngay ngắn, sạch đẹp… Không khí Tết từ trong nhà ra ngoài ngõ, trên những con đường vào bản… Người Thái các bản năm nào đến ngày này cũng tổ chức ăn mừng. Gia đình nào có nhiều thì ăn nhiều, có ít thì ăn ít. Đây còn là dịp để cho cả gia đình cùng ngồi ôn lại những ký ức hào hùng của dân tộc, nhà nào nhà nấy ai cũng háo hức…
Mâm cơm truyền thống mà người Thái dâng cúng tổ tiên là một thủ tục không thể thiếu trong ngày Tết Độc lập, cùng với các món ăn chính được chế biến từ các loại động vật như: gà, vịt, lợn… thì các loại bánh chưng dài và bánh rợm… cũng hết sức quan trọng vì không những được chủ nhà dùng để cho con cháu mà còn dùng để tiếp đãi và làm quà cho khách khi đến chơi nhà. Còn đối với trẻ con thì háo hức theo gia đình đi chợ sắm sửa giầy dép và quần áo mới để diện trong ngày Tết Độc lập.
Chuẩn bị mâm cỗ mời anh em, họ hàng.
Tại mỗi gia đình, sau khi đã chế biến đủ các món ăn truyền thống của dân tộc, trước khi dọn mâm cỗ mời anh em, con cháu trong nhà và đãi khách thì chủ nhà phải làm lễ dâng cúng tổ tiên, mời tổ tiên về ăn Tết, chia vui cùng con cháu. Báo cáo với tổ tiên hôm nay là ngày lành tháng tốt, ngày được gia đình chọn và tổ chức lễ mừng Tết Độc lập.
Từ khi thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới” đồng bào Thái Hát Lừu cũng ăn Tết Độc lập tiết kiệm, gọn nhẹ hơn. Trong ngày Tết mọi người khuyên nhau không được uống rượu say, đặc biệt là khi đi xe máy không được uống rượu; không được ăn uống linh đình, lãng phí và kéo dài 3, 4 ngày như trước. Ăn Tết Độc lập xong phải bắt tay ngay vào việc sản xuất, chăm sóc cây trồng, vật nuôi…
Nhiều hoạt động giao lưu văn nghệ 
được tổ chức trong ngày Tết Độc lập.
Việc đón Tết Độc lập ở Hát Lừu đã trở thành một dấu mốc quan trọng để đánh giá các phong trào thi đua lập thành tích của xã. Ngày này thực sự có ý nghĩa đối với người Thái ở Hát Lừu, đặc biệt là giúp cho thế hệ trẻ nhớ lại ngày Độc lập của dân tộc Việt Nam.
Trải qua thời gian lịch sử, ngày Tết Độc lập đã góp phần bảo tồn, lưu truyền những nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái ở Hát Lừu và đây cũng là cách mà người Thái dạy cho con cháu mình nhớ về ngày trọng đại của cả nước, nhớ về đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam, nhớ về ngày mà tất cả các dân tộc cùng hướng về Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Lễ hội Hết Chá là lễ hội đoàn kết cộng đồng.
Hết Chá – Lễ hội văn hóa 
tâm linh của người Thái ở Sơn La
TH-Cinet-DTV
Lễ hội Hết Chá của người Thái ở Sơn La là hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh sâu sắc, là lễ hội đoàn kết cộng đồng, cùng giúp nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Bản Áng, xã Đông Sang đã trở thành khu nghỉ mát và du lịch sinh thái thơ mộng. Mảnh đất nơi đây giàu truyền thống, con người hiền hòa hiếu khách, với nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Thái. Tháng Ba, vào mùa hoa ban rực sáng núi rừng, người dân bản Áng lại tưng bừng tổ chức “Lễ hội Hết Chá”.
Theo người dân nơi đây kể lại về nguồn gốc của lễ hội: Chuyện rằng, xưa kia, người Thái rất nghèo, không có tiền mua thuốc chữa bệnh, thường đến nhờ thầy mo. Thầy mo dùng mẹo và nhờ thần linh nên đã chữa được bệnh cho dân làng. Mang ơn thầy mo, nhiều người xin được làm con nuôi của ông. Và rồi, cứ mỗi dịp cuối năm (vào 29, 30 Tết), con cháu lại đến tạ ơn thầy mo, nhưng thời điểm đó đang bận rộn cho tết nên thầy mo ấn định lễ tạ ơn sẽ tổ chức vào tháng 3 hàng năm… Lễ hội Hết Chá từ đó mà thành.
Một nghi thức trong lễ “Hết Chá” của người Thái Trắng.
Lễ hội cũng là dịp để người dân tạ ơn đất trời, tạ ơn đấng sinh thành, giáo dưỡng, cầu chúc cho vạn vật hòa hợp, sinh sôi nảy nở, cuộc sống yên vui, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu, mọi người ấm no hành phúc.
Giống như bao lễ hội khác lễ hội Hết Chá cũng gồm 2 phần: lễ và hội. Phần lễ là dịp để người con nuôi bày tỏ lòng thành kính với thầy mo đã chữa bệnh cho mình, mang tính nhân văn sâu sắc. Thông qua phần lễ với những tích xưa được kể và dựng lại do chính những người dân biểu diễn, người tham dự lễ hội sẽ được truyền dạy kinh nghiệm sản xuất cũng như nghe những lời răn dạy để mọi người sống với nhau tốt hơn. Điểm nổi bật của những tích trò là tính hài hước, hóm hỉnh theo lối gái giả trai, trai giả gái, làm cho người xem cười thỏa thích.
Phần hội diễn ra những trò diễn dân gian vui nhộn, dạy con cháu khai hoang ruộng, tập cho trâu cày, khơi dậy nền văn minh lúa nước của đồng bào dân tộc. Đan xen một số tiết mục kịch câm dí dỏm, vui nhộn phê phán những thói hư tật xấu, khích lệ những cái hay, cái đẹp trong cuộc sống thường nhật.
Phần hội diễn ra những trò diễn dân gian vui nhộn.
Bên cạnh đó, là những điệu xòe uyển chuyển, nhịp nhàng, duyên dáng quanh cây nêu hòa cùng tiếng trống, chiêng rộn rã và âm thanh chầm bổng của đội nhạc như đang mời gọi. Điệu xòe trong Lễ hội Hết Chá được gọi là “Xòe Chá” gồm 6 mục chủ yếu, mỗi mục gắn với một sự việc, được minh họa bằng kịch câm.
Mọi hoạt động trong Lễ hội được diễn ra xung quanh một cây nêu, khơi dậy cuộc sống bình dị với thiên nhiên hoang dã được thể hiện trên cây nêu, với hoa ban, hoa mạ, hình con thú, con chim, ve sầu, ong bướm, chống chiêng… đủ mầu sắc treo trên cây nêu, tượng chưng cho sự sống, mùa xuân. Gốc cây nêu đặt những chum rượu cần để mời khách.
Trong phần hội còn diễn ra những hoạt động vui chơi giải trí vui nhộn ở nhiều khu vực, thi: xòe dân tộc Thái, món ăn dân tộc, đi cầu kiều, đi cà kheo… Lễ hội Hết Chá không chỉ là hình thức sinh hoạt văn hóa tâm lin, còn thể hiện ý thức gắn kết cộng đồng dân tộc Thái sinh sống trên mảnh đất Sơn La giàu đẹp.
Lễ hội gội đầu có ý nghĩa hết sức quan trọng 
trong đời sống tâm linh của bà con dân tộc Thái Trắng.
Lễ gội đầu độc đáo của người Thái Trắng
TH-Cinet-DTV
Lễ hội gội đầu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của bà con dân tộc Thái Trắng, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và đạo lý uống nước nhớ nguồn cao đẹp của dân tộc.
Lễ gội đầu là lễ quan trọng mở đầu của các lễ hội trong năm của người Thái Trắng. Bước vào năm mới mọi người trong thôn bản đều phải gội đầu để rửa trôi những cái vất vả, bệnh tật, điều không may mắn của năm cũ, tống tiễn tai ương, nhọc nhằn, bệnh tật xuôi theo dòng nước (sông, suối) đi mãi không lặp lại, đồng thời cầu con người có sức khoẻ, năm mới tốt lành, gặp điều hay, làm ăn phát đạt.
Theo truyền thuyết về lễ gội đầu, xưa có vị nữ tướng anh hùng tên là Nàng Han, sau khi cầm quân đánh đuổi giặc Phẻ ra khỏi bờ cõi phía bắc, thì cũng là lúc chiều 30 Tết. Nàng Han lệnh cho quân sĩ “gác súng gươm”, xuống sông tắm rửa, gội đầu chuẩn bị đón mừng năm mới hòa bình trở lại. Từ đó người dân trong làng lấy ngày này tổ chức lễ gội đầu.
Người Thái cũng quan niệm gội đầu trong tư thế không được đẹp mắt sẽ làm phật ý những người đã khuất. Bởi vậy việc gội đầu phải được hoàn thành trước ngày 28 Tết. Hết 3 ngày Tết hay khi tiễn những người đã khuất về trời thì người phụ nữ mới được phép tắm rửa, gội đầu trở lại.
Những búi tóc cao nơi đỉnh đầu (người Thái gọi là tăng cẩu) là dấu hiệu chứng tỏ một cô gái Thái đã lập gia đình. Từ khi lập gia đình thì búi tóc đó ít khi bị xõa ra nhờ bí quyết vấn tóc và cả cái trâm bạc cài lên cố định tóc. Chiếc trâm bạc đó vừa là vật trang sức, vừa thể hiện thứ bậc của người phụ nữ Thái trong quan hệ xã hội. Bên cạnh điệu xòe và chiếc khăn piêu, mái tóc trở thành nét riêng có của phụ nữ Thái.
Bên cạnh điệu xòe và chiếc khăn piêu, 
mái tóc trở thành nét riêng có của phụ nữ Thái.
Mái tóc thường được chăm chút cẩn thận và nuôi dài, rất hiếm phụ nữ Thái cắt tóc ngắn. Ngày xưa phụ nữ Thái thường gội đầu với lá cây rừng để giữ tóc đen mượt. Người Thái quan niệm, việc gội đầu của người vợ có quan hệ mật thiết với tính mạng của người chồng, nhất là khi người chồng đang đi xa và làm những việc nguy hiểm. Bởi vậy để tránh nguy hiểm cho chồng, người vợ thường không gội đầu trong suốt thời gian chồng đi vắng. Để cho những búi tóc luôn sạch, không bị gầu, không bị bết lại, phụ nữ Thái có một bí quyết riêng là dùng nước gạo để gội đầu. Nước gạo phải là nước vo gạo nếp và phải thật đặc như kiểu hòa bột vào nước. Nước đó phải để ít nhất 2 ngày hai đêm đến khi thành một hỗn hợp sền sệt và có mùi thum thủm thì mới được đưa ra để gội đầu.
Không chỉ kiêng gội đầu lúc chồng đi vắng mà phụ nữ Thái cũng không được gội đầu vào 3 ngày Tết hoặc khi nhà có đại tang. Khi bố, mẹ qua đời, con dâu và con gái không được gội đầu, tắm rửa từ khi bắt đầu các công việc chuẩn bị tang lễ đến khi tang lễ kết thúc.
Trong lễ hội Gội đầu, nhiều nơi còn tổ chức hội đua thuyền, lập lễ cúng Nàng Han, tế thần sông, thần núi cùng nhiều trò chơi dân gian khác ghi nhớ công lao của nữ tướng anh hùng Nàng Han và những anh hùng có công giữ yên bờ cõi, cầu mong cho bản làng được yên vui, cho sức khỏe của từng thành viên trong gia đình và cộng đồng, một năm mới khởi đầu tốt lành.
Lễ hội Gội đầu được tổ chức hiện nay không những để tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Bắc, giữ gìn nét văn hóa truyền thống mà còn là dịp để quảng bá giới thiệu tiềm năng văn hóa, thể thao, du lịch và con người Tây Bắc.
Theo http://dotchuoinon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...