Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

Độc đáo nghi thức cầu mưa người Thái, Sơn La

Độc đáo nghi thức cầu mưa người Thái, Sơn La
TH-Cinet-DTV
Cầu mưa là dịp trọng đại nhất trong năm của người Thái.
Đối với người Thái ở bản Nà Bó, Mộc Châu (Sơn La), lễ hội cầu mưa là dịp trọng đại nhất trong năm.
Truyền thuyết kể rằng, xưa kia ông trời làm hạn hán, quanh năm khô hạn, cây cỏ, vạn vật muôn thú đều chết hết. Người dân không biết làm cách nào bèn bàn nhau lên trời xin nước. Nhưng vì sợ ông trời nổi giận nên trong bản có một bà Góa tình nguyện ra đi. Trước khi đi, bà đã ăn một bữa cơm với con và dặn dò mọi người trong bản. Cảm kích trước lòng của bà, dân bản đã quyên góp những lễ vật để bà mang theo như tấm lòng thành kính của người dân cầu xin ông trời rủ lòng thương mà ban nước xuống.
Theo quan niệm của người Thái, thầy cúng là người chịu trách nhiều cầu mưa, mong cho dân bản có được một năm bội thu. Trước ngày diễn ra Lễ cầu mưa, người Thái ở bản Nà Bó không kể lớn bé, già trẻ, trai gái làm vệ sinh sạch sẽ chỗ ở. Thông điệp của họ muốn gửi đến ông Then rằng, họ đã sống tốt và biết bảo vệ những gì ông trời ban tặng.
Công việc chuẩn bị đồ cúng thường do phụ nữ đảm nhận
Từ đêm trước ngày diễn ra lễ hội, mọi người đã chuẩn bị chu đáo, quần áo sạch sẽ, nhà cửa gọn gàng và thể hiện thái độ nghiêm túc. Công việc chuẩn bị đồ cúng thường do phụ nữ đảm nhận. Đồ cúng không quá cầu kỳ mà là những đồ ăn thường ngày của bà con người Thái. Đó là măng đắng, chuối xanh, cơm lam, cá xông khói, bánh trưng, bánh ít, gạo nếp, gà luộc…
Trước đó một hôm, họ chuẩn bị cây nêu và các vật dụng cho buổi lễ. Những vật dụng này cũng rất gần gũi với người dân hoặc có liên quan đến việc truyền tải thông điệp từ người dân đến ông trời.
Buổi sáng trong ngày cúng lễ, những người phụ nữ Thái sẽ đi lấy nước và làm lễ tại mó nước đầu nguồn của bản. Tại đây, sẽ diễn ra 2 phần lễ, phần lấy nước và cúng thổ địa để xin nước.
Những người tham gia cúng tế chính là phụ nữ
Tiếp đó là một lễ khác cũng là cúng xin thần linh để xin nước mang về làm lễ cầu mưa được diễn ra tại một cái miếu. Bà con dựng một cái miếu nhỏ với đầy đủ lễ vật để bà chủ tế làm lễ. Những người tham gia cúng tế chính là phụ nữ. Mỗi lễ cúng diễn ra trong gần 1 tiếng đồng hồ, sao cho khi mọi nghi thức xong, cũng là lúc mặt trời cũng ló rạng.
Cúng xong, người ta sẽ vứt một quả trứng vào mó nước nguồn như để hiến tặng các vị thần linh. Hoàn tất các nghi lễ cầu mưa, bà góa sẽ đến từng nhà, gọi tất cả phụ nữ trong nhà ra mó nước sinh hoạt hàng ngày của bản để lấy nước. Mỗi người lấy ít nhất 1 đến 2 ống nước và nước sẽ dùng để thực hiện các nghi thức trong buổi lễ cầu mưa.
Dân bản cùng đi lấy nước
Trong khi đó, những người phụ nữ khác làm nhiệm vụ chuẩn bị đồ cúng tế và chờ đoàn rước nước về. Toàn bộ đồ cúng tế được bày quanh cây nêu trước sự chứng giám của ông trời. Người dân nhảy múa và làm lễ xung quanh. Chủ tế sẽ kêu than với ông Than về nỗi khổ của người dân khi thời tiết khô hạn, mùa màng thất thu. Thấu hiểu nỗi khổ của người dân, kết thúc lễ cúng, ông Then sẽ dùng lá cây và nước rời khỏi vị trí của mình và đi vẩy nước vào tất cả người dân với ý nghĩa là sẽ ban mưa cho bà con.
Kết thúc phần lễ cầu mưa, để ăn mừng khi ông Then đã đồng ý cho mưa, tất cả bà con người Thái bắt đầu chơi hội. Họ múa xòe, chơi ném còn giao duyên, chơi Tó Má Lẹ và uống rượu… Mặc dù đã trải qua rất nhiều thời gian nhưng Lễ hội xin cầu mưa của người Thái ở bản Nà Bó 1 vẫn giữ được tất cả các nghi thức truyền thống mà không phải người Thái ở đâu cũng có thể làm được.
Ngôi nhà sàn – nét văn hóa đặc sắc của dân tộcThái
Nhà sàn – công trình đoàn kết 
của cộng đồng dân tộc Thái
TH-Cinet-DTV
Nhà sàn không chỉ là không gian sinh hoạt, còn là công trình kỳ công của cả cộng đồng người Thái (Nghệ An), ở đó tình đoàn kết của cộng đồng làng bản được thể hiện rõ nét nhất.
Nhà sàn nguyên bản của người Thái ở Nghệ An ngày xưa chỉ có 2 – 3 gian, cột chôn. Gian để bàn thờ phía ngoài là nơi cấm kị đàn bà con gái ngủ nghỉ hay ngồi ăn cơm. Gian trong vừa để sinh hoạt cũng là gian bếp, về sau nhà có điều kiện thường dựng nhà kê táng (cột nhà được dựng trên các trụ đá). Dưới gần sàn người ta nuôi gà vịt, gia súc, đặt cối giã gạo… Tùy điều kiện của từng gia đình, ngôi nhà sàn cũng dài, ngắn khác nhau, nhưng gian ngoài cùng phía cầu thang vẫn để bàn thờ và gian trong cùng thường đặt chiếc bếp hình vuông làm nơi nấu nướng.
Ngày nay, cấu trúc nhà sàn của người Thái thường làm 3 hoặc 5 gian. Gian ngoài để tiếp khách, ăn cơm, uống rượu cần. Nếu khách ở xa nghỉ lại, thì chủ nhà sắp xếp gối, chăn, nệm, màn ở gian ngoài. Nệm và gối được làm bằng bông lau và chất vải thổ cẩm do bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái dệt nên.
Nhà sàn được làm bằng gỗ các loại như: săng lẻ, lim, chò chỉ… mái lợp có thể bằng gỗ, lá cọ, ngói hoặc tôn…. tùy vào hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình mà định liệu cách làm nhà 3 hay 5 gian, lợp tranh hay ngói, gỗ xẻ hay gỗ tròn.
Để có được ngôi nhà sàn đòi hỏi sự góp công sức của cả cộng đồng. Những ngôi nhà bề thế càng cần sự giúp sức của nhiều người. Trong kế hoạch dựng nhà sàn, trước hết phải họp bàn với anh em họ tộc, sau đó người đàn ông trụ cột trong gia đình lên rừng chọn gỗ dựng nhà. Việc khó khăn đầu tiên là lựa gỗ làm cột, rồi đến các bộ phận khác của ngôi nhà.
Trong công đoạn dựng nhà, người ta phải dùng đến 2 chiếc tời và hàng chục, thậm chí hàng trăm người kéo mới có thể dựng xong một vì nhà. Sau đó là việc lắp những bộ phận khác như kèo, xà thượng ốc đều là những thanh gỗ rất nặng nề, lại lắp đặt trên cao đòi hỏi sự khéo léo cũng như kinh nghiệm của người thợ làm nhà. Đến khi lợp nhà lại cần một lượng nhân lực rất lớn để vận chuyển vật liệu.
Sau khi hoàn thành việc dựng nhà, người Thái thường tổ chức lễ mừng nhà mới. Ngoài gia chủ còn có những người đã góp phần làm nên căn nhà, vì thế, những cuộc mừng nhà mới thường kéo dài thâu đêm suốt sáng.
Nhà sàn của người Thái không chỉ là một không gian sinh hoạt, nó là kỳ công của cả cộng đồng, ở đó tình đoàn kết của cộng đồng làng bản được thể hiện rõ nét nhất. Có thể nói, ngôi nhà sàn là mối dây làm nên những buôn, những bản mường, còn là nét văn hóa đặc sắc của dân tộcThái.
Theo http://dotchuoinon.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...