Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng kế
hoạch truyền dạy mã la cho 2 thôn Cầu Gãy và Đá Hang thuộc huyện Ninh Hải.
Đây là hai thôn có người Raglai cư trú độc lập ở vùng núi khu
vực du lịch vịnh Vĩnh Hy, từ lâu đã thất truyền vốn văn hoá văn nghệ dân gian
truyền thống, trong đó có văn hoá mã la.
“Mã la”, “mả la” hay “ma la” là cách gọi theo tiếng dân tộc
Kinh về nhạc cụ gõ bằng đồng của dân tộc Raglai. Có thể vì loại nhạc cụ này thường
được sử dụng nhiều trong lễ bỏ mả (bỏ ma) nên được gọi là ma la, sau này gọi trệch
đi thành mã la? Còn người Raglai gọi mã la là “char”, là một loại chiêng không
có núm, người Ê đê gọi là chiêng bằng.
Trong vùng đồng bào Raglai sinh sống, hầu như không làng
(palei) nào là không có mã la. Theo số liệu điều tra của Sở Văn hóa Thông tin
Ninh Thuận, năm 2005, trên toàn 26 xã, 78 palei Raglai ở Ninh Thuận còn 220 bộ,
1772 chiếc mã la. Làng còn nhiều mã la nhất là làng Kamau, xã Ma Nới, huyện
Ninh Sơn với trên 30 bộ, 168 chiếc.
Bộ mã la là biểu hiện của một gia đình mẫu hệ Raglai. Mỗi bộ
mã la có ít nhất là 2 chiếc (mã la đôi), còn gọi là mã la mẹ – con (Ina – Ana).
Bộ mã la 4 chiếc là bộ có 1 mẹ và 3 con (mẹ, con trưởng, con giữa, con út). Nhiều
vùng có các bộ mã la 7, 9 hoặc 12 chiếc. Những bộ mã la nhiều chiếc thì có nhiều
mã la mẹ: mẹ cả, mẹ hai, mẹ ba và nhiều con. Trong một bộ mã la, 3 chiếc mã la
quan trọng nhất có chung tên gọi với thứ bậc khác nhau: mã la Ina mul (mẹ lớn –
bà trưởng tộc); mã la Ina Ru wơ (mẹ Ru wơ) và mã la Ana Tuluih (con gái út).
Ngoài các mã la “mẹ” ra, trong bộ mã la còn có rất nhiều “con”. Khác với bộ cồng
chiêng Ê Đê, cồng lớn có vai trò giữ nhịp cho cả bộ. Còn ở bộ mã la Raglai, chiếc
mã la “mẹ” có vai trò giữ nhịp chính để các mã la con hoà theo. Nếu là bộ mã la
nhiều mẹ thì mã la “mẹ cả” sẽ đảm nhiệm vai trò này.
Mã la của người Raglai có thể chưa được đặt vào thể loại nhạc
cụ chính trong hồ sơ văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Nhưng cũng có nhiều ý kiến
cho rằng: mã la là một loại nhạc cụ gõ bằng đồng độc đáo của một trong những
dân tộc Tây Nguyên đã tồn tại hàng bao đời nay, phải được đặt nằm chung trong sắc
màu văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, cần được nghiên cứu, sưu tầm nghiêm túc để
bổ sung cho hồ sơ về văn hóa cồng chiêng ở Việt Nam.
Trước nguy cơ, nhạc cụ mã la của người Raglai cũng như các nhạc
cụ gõ bằng đồng khác của các dân tộc miền Trung – Tây Nguyên khác hiện đang nằm
trong tình trạng “chảy máu”. Thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng đời sống
văn hoá cơ sở, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận đã có chính sách
trang bị lại nhạc cụ dân tộc cho các thôn, bản người dân tộc thiểu số mỗi khi
được phát động xây dựng thôn văn hoá, trong đó có nhạc cụ mã la cho các thôn
người Raglai. Gần đây nhất, Sở đã mở lớp dạy Mã la cho người Raglai sinh sống ở
hai thôn Cầu Gãy và Đá Hang.
Nghệ nhân Mấu Quốc Tiến – tộc Raglai
TH-TQ-DTV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét