Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

Người giữ hồn sử thi Raglai

Người giữ hồn sử thi Raglai
TTXVN
Nghệ nhân dân gian Mấu Quốc Tiến đã hơn 25 năm rong ruổi qua từng thôn làng của người Raglai và ghi lại những câu hát sử thi Raglai. Tài sản quý giá nhất ông có được là 4 bộ sử thi đã được biên soạn, xuất bản và hơn 300 băng ghi âm của 4 bộ sử thi Raglai khác. Ông được mọi người cảm phục, yêu mến gọi là “người giữ hồn sử thi Raglai” của núi rừng Khánh Sơn
Trong không gian tĩnh lặng một chiều tháng 3 ở thung lũng Tô Hạp, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa), chỉ có tiếng chim và gió rừng lồng lộng, ông Mấu Quốc Tiến cất vang bài ca sử thi của người Rắc Lây (Raglai). Giọng ca tha thiết, từng tiếng ngân nga như đưa người nghe hòa vào không gian mênh mang của núi rừng. “Không để sử thi Raglai rơi dần vào quên lãng”, niềm trăn trở ấy đã thôi thúc nghệ nhân dân gian Mấu Quốc Tiến hơn 25 năm rong ruổi qua từng thôn làng của người Raglai và ghi lại những câu hát sử thi Raglai. Đến bây giờ, khi tuổi đã ngoài ngũ tuần, tài sản quý giá nhất ông có được là 4 bộ sử thi đã được biên soạn, xuất bản và hơn 300 băng ghi âm của 4 bộ sử thi Raglai khác. Ông được mọi người cảm phục, yêu mến gọi là “người giữ hồn sử thi Raglai” của núi rừng Khánh Sơn.
Miệt mài hơn 25 năm sưu tầm, ông chia sẻ về niềm đam mê ấy: Thế hệ chúng tôi lớn lên cùng lời ru của bà, của mẹ. Lúc đưa nôi, hay nằm trên lưng mẹ lên rẫy, từng tiếng ru dìu dặt, dịu dàng ngấm dần vào tâm hồn, để rồi khi lớn lên những âm sắc ấy vẫn không sao phai nhạt trong tâm trí. Cả cuộc đời qua những năm kháng chiến, hòa bình, hội nhập kinh tế, đời sống đồng bào ngày càng phát triển ấm no, hạnh phúc… tôi chứng kiến và lo ngại là nền văn hóa Raglai ngày càng mai một. Lớp trẻ hôm nay ít quan tâm đến sử thi, những tiếng ru của người Raglai đang bị thay bằng những bài nhạc trẻ…
Để tìm lại lời ru, chuyện kể một thời nuôi lớn tâm hồn mình và bảo tồn sử thi Raglai không để rơi dần vào quên lãng, ông Tiến đã cất công sưu tầm lại những lời ru ấy từ các già làng, các bà, các mẹ. Từ năm 1985, ông Tiến bắt đầu tiến hành việc sưu tầm sử thi Raglai cùng với sự giúp sức của cụ Nguyễn Thế Sang, cụ Trần Vũ (nguyên là cán bộ văn hóa của tỉnh, huyện). Năm 1987, tác phẩm đầu tiên “Bảo tồn chữ viết và văn hóa Raglai” của ông Tiến đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đánh giá cao, mở đầu cho một loạt kế hoạch bảo tồn văn hóa Raglai của ông. Năm 1999, phối hợp với Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, tác phẩm “Akhàt jucar Raglai” đầu tiên của ông được xuất bản. Trong 10 năm kế tiếp, 3 bộ sách “Udai- Ujàc”,̣ “Amã Chisa – Amã cuvau Vongcơi”,̣ “Awơi nãi tilơr” ra đời. Tổng cộng 4 bộ sử thi được xuất bản dày hơn 10 nghìn trang giấy, viết bằng 2 thứ tiếng Raglai và tiếng Việt. Ông Tiến đã sưu tầm được 8 bộ sử thi, ngoài 4 bộ đã xuất bản thành sách, còn 4 bộ được ghi ở hơn 300 băng thu âm đang nằm ở Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam chưa được gỡ ra và dịch lại.
Nói về sử thi người Raglai, ông Tiến cho biết đó là những câu chuyện, kể về những anh hùng chống lại thiên nhiên khắc nghiệt, đấu tranh sinh tồn và chống giặc ngoại xâm. Người anh hùng là những chàng trai vạm vỡ như Udai- Ujàc, là người đội lốt thú như Amã Chisa – Amã cuvau Vongcơi hay là người phụ nữ như Awơi nãi Tilơr đấu tranh chống lại thần rừng, thần biển bảo vệ người dân… Những câu chuyện đấy được truyền từ đời này sang đời khác bằng nhiều âm điệu. Điệu “Siri” dìu dặt kéo dài như lời ru con của các bà mẹ Raglai hát trên đường đi lên rẫy, khi trỉa bắp, trồng mì, hái rau rừng. Điệu “Majêng” ngân nga như lời tâm sự của người mẹ kể cho con nghe khi ru bé ngủ. Điệu “Adoh” với âm tiết nhanh, rộn ràng thường được dùng cho những buổi sinh hoạt cộng đồng, những mùa lễ hội. “Say mê lắm, mỗi lần nhớ về những bài hát ru của mẹ, hình ảnh những anh hùng hiện lên trong trí tưởng tượng của mình. Họ uy nghi, mạnh mẽ làm được những việc phi thường, khuấy động đất trời… Mỗi lần nghe tôi thêm yêu mến vùng đất này, thêm tự hào dân tộc của mình, có được những nét văn hóa đặc sắc”- ông Tiến tâm sự.
Để sưu tầm lại 8 bộ sử thi trên quả không dễ dàng chút nào, với chiếc casset cầm tay, tuần nào ông cũng đến các làng bản để gặp các mẹ, thu lại các bản sử thi qua trí nhớ của họ. Lúc đầu còn nhiều người biết, còn nhiều người nhớ nên việc thu âm còn thuận lợi nhưng những năm gần đây công việc trở nên rất khó khăn. Các bà, các mẹ bây giờ tuổi đã cao, trí nhớ mai một, sức khỏe yếu lắm, rất nhiều người đã khuất núi. Huyện Khánh Sơn chỉ còn 2 bà nắm rõ sử thi Raglai nhưng đều đã yếu rồi.
Gian khổ là thế, nhưng điều làm ông trăn trở là lớp trẻ ngày nay ít người thuộc sử thi của người Raglai. Nếu có biết thì cũng chỉ thuộc được một vài đoạn, có thuộc thì nhiều lúc cũng không hiểu vì có nhiều từ cổ. Để lớp trẻ học được, những đêm bên bếp lửa, ông Tiến lại nghiền ngẫm từng đoạn, từng câu của sử thi. Những đoạn nào hay, sống động ông trích dẫn lại và soạn thành từng tập nhỏ để hát lại cho thế hệ trẻ nghe. Không chỉ là sử thi, để thế hệ trẻ hiểu hơn về văn hóa Raglai, ông còn sưu tầm và dịch ra 2 thứ tiếng Raglai và Việt một loạt các tác phẩm khác được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cấp bằng chứng nhận như: “Truyện cổ Raglai”, “Tri thức bản địa của người Raglai”, “Thành ngữ, tục ngữ Raglai”, “Khánh Hòa diện mạo văn hóa một vùng đất”… Hiện tại ông Tiến còn là người dịch thuật, phụ trách chương trình tiếng dân tộc Raglai ở Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Khánh Hòa.
Ghi nhận sự đóng góp của ông Mấu Quốc Tiến cho nền văn học dân gian, đầu năm 2012, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian đối cho ông Tiến. Có được vinh dự này, ông Tiến phấn khởi lắm. Mỗi ngày, những bước chân của “Người giữ hồn sử thi Raglai”- Mấu Quốc Tiến lại thêm phần miệt mài hơn. Ông lại rong ruổi khắp thôn làng để tìm, ghi chép, lưu giữ những lời ru của núi rừng với ước muốn làm sao để những Akhàt Jucar, Udai- Ujàc, Amã Chisa – Amã cuvau Vongcơi, Awơi nãi tilơr… không chỉ lưu giữ trên văn bản mà mãi vang lên trên nương, rẫy, trong những đêm bên bếp lửa ấm áp của người Raglai.
Một sử thi Raglai độc đáo
(trích đoạn)
Awơi Nãi Tilơr là một trong những Akhàt Jucar Raglai mà đoàn cán bộ của Viện Nghiên cứu văn hoá Việt Nam phối hợp với nhóm nghiên cứu địa phương sưu tầm được ở Khánh Hoà trong khuôn khổ dự án Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên.
Tóm tắt tác phẩm Awơi Nãi TiLơr
Trong các akhàt jucar, người Raglai thường lấy ngay tên nhân vật chính trung tâm làm tên tác phẩm. Trường hợp Awơi Nãi TiLơr cũng vậy, đây là câu chuyện về nữ nhân vật anh hùng được người Raglai tôn kính như vị nữ thần của họ.
Tác phẩm gồm 54 khúc ca, có thể tóm tắt cốt truyện theo 4 phần chính.
Phần thứ nhất (Từ khúc ca 1 đến khúc ca 10):
Kể về hành trình của Awơi Nãi TiLơr đến xứ Thần Biển Khơi và cuộc hôn nhân giữa ChiGanrưh và ChiGanval với hai công chúa con thần Biển Khơi là Matien và Sa-ien.
Tại một Palơi Raglai ở cõi trần gian nọ, có một người con gái xinh đẹp tuyệt trần lại có tài phép do trời ban cho, đó là Nãi TiLơr. Mồ côi cha mẹ, nàng ở với người chú “chủ cơ ngơi rẫy cũ kho tàng tại nhà tổ mẫu”. Tiếng tăm về tài sắc của Awơi Nãi TiLơr lừng lẫy khắp núi rừng, khắp buôn xa bản gần, vang xa, vang mãi đến tận xứ sở của thần Biển khơi Putau Tuwaq và chúa thần mẫu Via Valìq. Vua thần Biển khơi cùng chúa mẫu lệnh cho thuộc hạ đến nhà Awơi Nãi TiLơr buộc nàng phải tìm cho được trầm hương to bằng đùi, ngà voi cao bằng đầu người để cống nạp, nếu không sẽ dâng nước làm hại dân làng.
Các dũng sĩ Amã Dưh, Tumữh, Chi Ganrưh, Chi Gaval…bèn cấp tốc đem thừng to bằng bắp tay, đem ná và đủ các loại bẫy lên rừng tìm trầm hương, tìm kỳ nam, vây bắt voi giúp nàng Nãi TiLơr. Họ đi hết ngày này sang tháng khác để rồi đều trở về tay không.
Awơi Nãi TiLơr quyết định một mình đi tìm vật lễ. Nàng đi mãi vào rừng sâu gặp thần trầm hương. Sau khi nghe nàng kể, thần thương tình hóa phép cho nàng cây kỳ nam “to bằng đùi”. Awơi Nãi TiLơr tiếp tục tìm đến nơi đàn voi thần thường đi uống nước biển tận xứ Ia Tra. Nàng ra tận cuối con đường, nằm xõa tóc chờ. Thấy người con gái xinh đẹp nằm chắn đường khóc lóc, chúa voi trắng hỏi nguyên nhân mới hay nàng muốn xin ngà trắng “cao bằng đầu” để làm lễ vật. Chúa voi, sau khi căn dặn bầy đàn mọi điều, đã rút cặp ngà trao cho Awơi Nãi TiLơr. Cặp ngà thần vừa rút ra, voi trắng đầu đàn gục xuống, đàn voi cùng nhau đưa xác voi thần vào rừng sâu.
Có đầy đủ lễ vật, Awơi Nãi TiLơr cùng các tráng sĩ Raglai đến xứ sở của vua chủ thần Biển. Sau khi cống nạp, tức giận vì lời nói xúc xiểm xấc xược của hai công chúa con thần Biển là MaTien và Sa-ien, nàng Awơi Nãi TiLơr rút gươm thần thách chém. Thua cuộc, hai công chúa buộc phải đi theo Awơi Nãi TiLơr.
Về đến xứ sở nhà sàn, Awơi Nãi TiLơr tổ chức đám cưới cho hai nàng công chúa nên duyên chồng vợ với hai dũng sĩ của mình là ChiGanrưh và ChiGanval. Ban đầu MaTien và Sa-ien không chịu nhưng khiếp sợ trước lưỡi gươm của Awơi Nãi TiLơr hai nàng buộc phải bằng lòng.
Đám cưới được tổ chức xong phần lễ đến phần hội. Awơi Nãi TiLơr sai người đến nhà chứa bông dệt vải mời hai chàng Chiyàc và Chijaràc ra chung vui. Nghe đầu đuôi câu chuyện, hai chàng trai này muốn đích thân hai công chúa phải mang cơm rượu lễ cưới ra mời tận nơi hai chàng mới đồng ý. Khi hai nàng đến theo lệnh của Awơi Nãi TiLơr, vừa gặp mặt, MaTien đã phải lòng Chiyàc, còn Sa-ien mê Chijaràc.
Phần thứ hai (Từ khúc ca 11 đến khúc ca 20):
Kể về những cuộc hôn nhân của các nhân vật chính – hôn nhân giữa người anh họ của TiLơr là Ujàc với công chúa Makia con của vua Lửa thiêng lòng đất Longca và hôn nhân giữa TiLơr với Jihia, con của ông thần Mương máng bà thần Sấm sét.
Người anh họ của Awơi Nãi TiLơr là Amã dam Ujàc. Ujàc cũng mất cha mẹ từ sớm. Chàng ở với hai người em gái là Vala và Via Carưh. Một hôm Ujàc từ giã hai em gái tìm đến xứ sở của vua Lửa thiêng lòng đất Long ca xin hỏi công chúa Makia làm vợ. Sau khi tổ chức đám cưới theo đúng tục lệ cổ truyền của người Raglai tại cột cái nhà sàn, nơi thờ tổ tiên ông bà nhà vợ, chàng Ujàc đem công chúa Makia trở về nhà mình để làm lễ cưới huaq vu. Anh em bên xứ sở của Awơi Nãi TiLơr vui mừng lên ngựa, cưỡi voi sang vui cùng Ujàc.
Khi Awơi Nãi TiLơr dự đám cưới của người anh họ trở về đến nhà thì có hai người khách lạ đến thăm. Đó là hai chàng trai con của ông thần Mương máng bà thần Sấm sét: Jihia và Chita. Cảm mến tài năng của Jihia, nàng TiLơr ưng cái bụng khi nghe chàng ngỏ ý muốn bắt mình về làm vợ. Nghe tin này, chàng Ujàc cùng với vợ và hai em gái sang làng Awơi Nãi TiLơr để dự đám cưới. Chita gặp là phải lòng hai nàng Vala và Via Carưh, em gái của Ujàc.
Phần thứ ba (Từ khúc hát thứ 21 đến khúc hát 41):
Kể về những trận chiến kinh hoàng long trời lở đất giữa quân của hai chúa làng TiLơr và Ujàc với quân các đầu vua chúa, các thần ác.
Trong khi mọi người đang vui vẻ đấm mala, múa chiêng trong đám cưới của nàng TiLơr với Jihia, Chita với hai cô em gái của Ujàc, Jahuruơi con của thần Vườn chuối vườn cau đến chọc ghẹo Awơi Nãi TiLơr và hai nàng Matien, Sa-ien. Awơi Nãi TiLơr tức giận đánh đuổi Jahuruơi “bay ra cạnh rào, văng vào bụi rậm”.
Rắp tâm trả thù. Jahuruơi vượt đèo băng suối đến xứ sở 17 đầu vua chúa Cur, Jawa,…; vua Lửa Tumuh, ông bà thần Ếch kỳ dị, vua thần Bão tố , bà thần Gió Lốc…xin cầu họ kéo quân đánh đổ anh em nhà TiLơr. Jahuruơi dựng chuyện rằng TiLơr vô cớ đánh hắn, doạ giết hắn chỉ vì hắn là người khách lạ, là Raglai, là Chăm. Các đầu vua chúa, các vị thần ác cùng tập trung quân tại tảng đá thần, cây cau thần một bụi, nơi xứ sở bãi sình lầy có khúc gỗ thần trôi nổi. Họ quân kéo đến bằng ngàn, bằng trăm…, các loài độc vật như nhền nhện, rắn rít, cọp beo, ong độc, kiến độc …hàng đàn hàng lũ.
Biết chúa chủ mình đang bị Jahuruơi rắp tâm hãm hại, chú gà trống thần vườn cau dò la các nơi đóng quân của quân thù, báo cho mọi người hay biết để chuẩn bị chống giặc. Awơi Nãi TiLơr cùng Ujàc rầm rộ kéo quân đến đá tảng thần cây cau thần một bụi.
Trên đường ra trận, hai nàng công chúa con vua thần Biển khơi – Matien và Sa-ien – sinh hạ hai đứa bé trai – ChiBlang và Langjùq. Chúng là kết quả tình yêu của hai nàng với Chiyàc, Chijaràc chứ không phải với những người chồng được cưới được xin.
Trong lúc đó, ở xứ sở của Awơi Nãi TiLơr, Vua thần Biển Putau Tuwaq và chúa mẫu Valìq tức giận vì Nãi TiLơr cố chấp bắt con gái họ phải lìa cha xa mẹ, đã làm phép dâng nước biển giết hại mọi người. Hay được tin dữ, Awơi Nãi TiLơr lập tức sai gà trống thần bay về xứ sở cậy nhờ hai chàng Chiỳac và Chijaràc giúp sức. Hai chàng trai đã dùng quạt thần vàng hoá phép cho nước rút đi.
Sau khi làm phép cứu bản cứu làng, Chiyàc và Chijaràc lên ngựa thần, cưỡi tê giác thần, tay cầm gươm vai vác giáo bay ra chiến trường giúp Awơi Nãi TiLơr. Sau nhiều trận giao tranh ác liệt, Chiyàc và Chijaràc lập mưu chém chết ông bà vua thần Ếch kỳ dị, chiếm lấy các bảo bối như dây thừng thần biết tự trói, ngải thần sống, ngải thần chết để cứu quân mình, giết quân giặc buộc quân 17 đầu vua chúa phải xin hàng, cắt đất phân chia ranh giới, hứa vĩnh viễn về sau không còn xâm hại.
Thừa thắng xông lên, hai chàng dũng sĩ Chiyàc, Chijaràc xông vào trận địa dùng dây phép bắt trói thần lửa Tumuh, buộc Tumuh phải cống nạp voi thần để được cởi trói và xin nộp hai con gái là Awơi Chrỉq và Awơi Ranỉq-pariaq về làm tôi tớ cho Awơi Nãi TiLơr để được đổi mạng.
Trong lúc đó, hai nàng Matien và Sa-ien đến xứ sở vua thần Bão tố vua thần Gió lốc dùng mưu làm cho phép thần của hai người này không linh nghiệm và giết chết họ.
Sau khi đánh đổ 17 đầu vua chúa và các vị thần ác, đích thân Awơi Nãi TiLơr truy tìm Jahuruơi, kẻ đã gây ra những cuộc chiến đẫm máu. Nàng đã lập mưu, bắt giết được Jahuruơi đang sợ hãi rúc trốn trong gộp đá.
Phần thứ tư cũng là phần kết 
(Từ khúc ca 42 đến khúc ca 54):
Đoàn quân chiến thắng trở về. Đám cưới của Chiyàc, Chijaràc với hai công chúa con Vua thần Biển khơi và đám cưới của Chi Blang và Langjùq với hai nàng con vua thần Lửa Tumuh.
Cuộc chiến kết thúc, nơi bãi đầm lầy, cây cau thần một bụi, đoàn quân chiến thắng của Ujàc và Awơi Nãi TiLơr tắm táp tẩy rửa những vết máu còn vương trên quần áo, tẩy rửa mọi thù oán, tị hiềm.
Vợ chồng Putau Tuwaq hoá phép đổ dầu trơn nơi gốc me gian trại chờ thần trên đường trở về của đoàn quân cho “trượt chân ngựa, ngã chân voi, té chân người”. Biết đây chính là mưu kế của cha mẹ mình, hai nàng công chúa Matiên và Sa-ien đã làm phép cho trôi đi dầu trơn chỉ trong nháy mắt. Xong việc, Matien và Sa-ien đòi trở về quê hương. Khi biết sự tình trước kia hai công chúa vì bị ép buộc phải cưới Chiganrưh và ChiGaval nhưng đã yêu thương và có con với hai chàng Chiyàc, Chijaràc, nàng Awơi Nãi TiLơr hứa sẽ tổ chức lại đám cưới ưng dạ thuận ý cho hai nàng. Thấy Awơi Nãi TiLơr hiểu được cái bụng, biết được cái gan của mình, hai công chúa con Putau Tuwaq bằng lòng ở lại.
Về đến nhà, Awơi Nãi TiLơr lập tức tổ chức lại đám cưới cho hai công chúa con thần Biển khơi – Matien và Sa-ien – với hai chàng Chiyàc, Chijaràc, cùng lúc làm đám cưới Huaq vu cho Chi Blang và Langjùq với hai nàng con vua thần Lửa Tumuh là Awơi nãi Chrỉq , Awơi nãi Ranỉq-pariaq.
Mọi người sống hạnh phúc, cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, ấm no.
Lễ Ăn Đầu Lúa của tộc Raglai.
Lễ hội Ăn Đầu Lúa của Tộc người Raglai
Bên cạnh Lễ Bỏ mả, người Raglai ở Ninh Thuận còn có một lễ hội rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt: đó là lễ Ăn đầu lúa.
Lễ Ăn đầu lúa diễn ra đầu năm theo 5 năm, 7 năm hoặc 10 năm một lần, tuỳ theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Thông thường lễ này diễn ra trong vòng 3 ngày sau khi kết thúc một chu kỳ sản xuất trong năm, là lúc toàn gia tộc sum họp vui vầy, là dịp đền ơn đáp nghĩa với tổ tiên, ông bà, cha mẹ; với những người đã khuất và trời đất, núi rừng.
Lễ này mang tính chất cộng đồng gia tộc, lễ vật đơn giản, có nơi làm trâu, gà, rượu cần nhưng là một lễ hội mang tính cộng đồng cao, không những thu hút các thành viên trong dòng tộc mà còn thu hút bà con ở các buôn làng khác đến tham gia, từ dòng tộc này đến dòng tộc khác. Họ đến thăm hỏi và cùng nhau uống rượu cần để quên đi lao động vất vả, những lo âu hằng ngày, chúc nhau những lời tốt đẹp nhất trong năm mới và cùng bắt tay vào chu kỳ sản xuất mới.
Lễ Ăn đầu lúa là một lễ hội đặc sắc của Dân tộc Raglai. Nếu có dịp tham quan các khu du lịch sinh thái, du lịch về nguồn kết hợp với tìm hiểu phong tục tập quán và bản sắc văn hoá vùng miền của các dân tộc thì đó là một chuyến du ngoạn tuyệt vời.
Lễ bỏ mả – nghi lễ tâm linh của người Raglai
(TH-Cinet-DTV)
Lễ bỏ mả là một nghi lễ tiêu biểu và quan trọng nhất trong hệ thống các nghi lễ truyền thống của người Raglai. Nó thể hiện một cách đầy đủ, đậm nét bản sắc văn hóa của tộc người này.
Raglai – dân tộc có nền văn hóa cổ truyền phong phú
Là tộc người thuộc ngữ hệ Malayo – Polinésien (Nam đảo) ở Việt Nam, người Raglai cư trú lâu đời ở các tỉnh cực Nam Trung Bộ, tập trung chủ yếu ở các địa bàn vùng núi và một số ít ở ven biển. Trong thành phần 54 dân tộc Việt Nam, Raglai là tộc người chiếm tỷ lệ thấp, nhưng có thể nói đây là dân tộc có nền văn hóa cổ truyền phong phú, đa dạng và có nhiều giá trị đặc sắc. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, như thay đổi về điạ bàn cư trú, giao lưu tiếp xúc với các tộc người,… dân tộc Raglai đã hình thành nên một nền văn hóa truyền thống mang sắc thái riêng.
Người Raglai chuẩn bị cho buổi lễ bỏ mả
Người Raglai có một tài sản văn hóa dân gian vô cùng phong phú, đa dạng và đặc sắc. Sự phong phú và đa dạng thể hiện rõ nhất là ở hệ thống các lễ hội, nhạc cụ, các làn điệu dân ca, sử thi, truyện cổ tích, câu đố, thành ngữ, tục ngữ,…Trong đó, Lễ hội truyền thống chính là nơi hội tụ, cố kết cộng đồng Raglai luôn bền chặt. Lễ hội cũng là nơi đào tạo lớp nghệ nhân mới, quan trọng hơn nữa nó là cái nôi hàm chứa, bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật dân gian. Lễ xong là đến phần hội. Bao giờ cũng vậy, khi men rượu cần đã bén là “bùng phát” tất cả các loại hình văn nghệ dân gian của các thành viên trong gia tộc, dòng họ: diễn tấu thi tài đánh mã la với những bài hay nhất, khó nhất: Ruwe. Poriyu Crao, Atoq pakrup; Dong Tiwan, Dong Sia Sia… diễn ra sôi nổi.
Lễ bỏ mả – nét văn hóa đặc sắc của người Raglai
Cũng như các dân tộc Tây Nguyên khác, người Raglai quan niệm rằng; trong cõi nhân gian có hai thế giới cùng tồn tại là thế gian của những người đang sống và những người đã mất. Theo tập tục cổ truyền, lễ bỏ mả (còn gọi là lễ bỏ ma) được thể hiện dưới hai hình thức: Bỏ mả cùng lúc với đám tang và bỏ mả có thời gian chuẩn bị, nhưng bỏ mả cùng lúc với đám tang có nhiều thuận lợi hơn.
Thực hiện nghi lễ bỏ mã
Lễ bỏ mả cũng tùy thuộc vào kinh tế của từng gia đình. Nhà nào kinh tế khá giả làm lớn, gia đình khó khăn làm nhỏ. Thông thường nghi lễ này được tiến hành trong 3 ngày với các nghi thức khác nhau, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc được truyền lại từ đời này sang đời khác và bảo tồn cho đến ngày nay.
Trong các ngày tổ chức lễ, ngày thứ hai được xem là lễ chính, thu hút hàng xóm láng giềng, bạn bè gần xa cùng nhau ăn buổi cơm cuối cùng để “dứt dứt” cùng người đã khuất. Chương trình lễ diễn ra rất nhiều nghi thức: Lễ bầu chủ nhang, dặn hồn mả, cúng Kagor, đập heo, gà, rước hồn mả về ăn cơm, làm tầng mả cho người đã chết, cúng cơm sáng, lễ dứt dứt.
Các thầy cúng mời người đã khuất về nhận lễ vật trong lễ bỏ mả
Múa, hát trong nghi lễ.
Điệu hát không bao giờ được thiếu sau lễ bỏ mả chính là Suri Budhi atau (hát trao gởi tâm tình giữa đàng gái và đàng trai chấm dứt quan hệ với người đã khuất); hát pato khuyên dạy cháu con, hát manhi lakay – kumay (đối đáp trai gái). Hát Alew, Katheng (tâm tình); thổi kèn bầu Kupoat đệm cho hát, thổi kèn bầu Sarakel đệm cho múa, búng đàn môi Awat, Radik… Lúc này thì chẳng cần ai giới thiệu, chẳng cần có người nghe, người xem; mình hát, mình múa chính là múa – hát cho mình. Cuộc vui kéo dài cho đến khi nào rượu cần đã nhạt và mặt trời đã lên cao mới kết thúc.
Lễ bỏ mả của người Raglai thể hiện tình cảm, trách nhiệm của người sống đối với người chết. Đồng thời còn là dịp thể hiện sự đền ơn đáp nghĩa công lao ông bà, báo hiếu cha mẹ và còn biểu hiện tình làng nghĩa xóm gắn kết bền chặt, thể hiện văn hóa ứng xử giữa con người với con người. Nó chứa đựng những quan niệm về sự sống, cái chết và quan niệm về thế giới tâm linh. Đối với họ, chết không phải là hết mà là bắt đầu cho cuộc sống khác ở một thế giới khác, đó là xứ sở của ông bà tổ tiên. Đó chính là những sắc thái văn hóa góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của người Raglai nói riêng, các tộc người nói chung.
Theo http://dotchuoinon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...