Trăm năm trong cõi người ta…
Khi thế giới tưởng niệm trăm năm ngày giỗ của Gustav Mahler,
những người yêu nhạc cổ điển tại Hoa Kỳ cũng được nhắc nhở về công lao rất lớn
của bậc thiên tài âm nhạc này riêng cho nước Mỹ...
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Gustav Mahler là thần đồng âm nhạc, học và chơi nhạc khi còn
rất trẻ. Ông cũng là nhạc sĩ đã để lại dấu ấn lớn lao trong dòng nhạc cổ điển
Tây phương của thế kỷ 20. Ông còn là nhạc trưởng hình như được đấng toàn năng
phái xuống trần để làm khổ các nhạc công trên ngôi đền âm nhạc khi tấu nhạc lên
cho Thượng đế. Nhưng Thượng đế của ông cũng là người yêu nhạc bình thường như
chúng ta. Ông đem nhạc xuống cho chúng sinh và vì vậy mà gây vấn đề cho mọi người
chung quanh!
Với dân Mỹ, Gustav Mahler là nghệ sĩ đã thổ huyết cho nhạc và
cho họ. Dù đã lâm trọng bệnh mà vẫn điều khiển dàn nhạc cho một tác phẩm cuối
cùng tại thính đường Carnegie Hall. Sau đó, ông lên tàu hồi hương và trút hơi
thở cuối cùng vào một ngày của tháng 5, tại Âu Châu...
Sinh vào ngày “song thất”, mùng bảy tháng 7 năm 1860, Gustav
Mahler quy tụ khá nhiều mâu thuẫn của Âu Châu. Ông là người gốc Do Thái, xuất xứ
là dân Áo sinh tại Bohemia, là nhạc sĩ đã đưa dòng nhạc cổ điển Ðức-Áo vào thế
kỷ 20, thành nhạc trưởng đã đại chúng hóa loại nhạc sang quý này cho dân Mỹ ở
“Tân thế giới”. Ông từ bỏ Do Thái giáo cải đạo theo Công giáo, vậy mà nhạc của
ông có lúc bị chế độ phát xít Ðức sau này khai trừ vì gốc gác Do Thái, trong
khi nhiều người khác lại nghi ngờ âm nhạc của ông là có tinh thần... chống Do
Thái. Ông là thiên tài âm nhạc có lúc bị khủng hoảng tâm thần vì gia cảnh nên
tìm đến nhà tâm phân học Sigmund Freud. Là người cầm đũa điều khiển dàn nhạc,
ông đụng lớn với nhạc trưởng mà trăm năm thiên hạ mới có một người, là Arturo
Toscanini.
Sự xung khắc với Toscanini và mười năm chán chường với cõi
Vienna uể oải lười biếng trong dàn Metro-politan Opera, khiến cho Gustav Mahler
lên tàu thủy qua “Tân thế giới” vào cuối năm 1907. Ông đến Mỹ điều khiển dàn
giao hưởng của New York (New York Philharmonic Orchestra) theo một giao kèo mà ở
thời ấy đã coi là hậu hĩnh. Mỹ luôn tự hào là biết tung tiền ra đúng lúc để quy
tụ nhân tài của thế giới.
Thấy dàn Philharmonic này cũng đang ủ dột, ông có quyết định
như một doanh gia Mỹ. Là sa thải phân nửa nhạc công của dàn nhạc! Rồi lập kế hoạch
cải tiến cách tiếp nhận nhạc cổ điển. Ông không muốn loại nhạc này chỉ là thứnhạc
cung đình cho giới có tiền, được trình diễn trong một đại sảnh nguy nga, mà dự
tính... đem nhạc vào đời, tới đủ loại quần chúng khác.
Cũng lại rất Mỹ, đã dự tính là Gustav Mahler bắt tay vào thực hiện ngay!
Mua vui cũng được một vài trống canh
Cũng lại rất Mỹ, đã dự tính là Gustav Mahler bắt tay vào thực hiện ngay!
Mua vui cũng được một vài trống canh
Ông xẻ chương trình hòa tấu năm đầu của Carnegie Hall làm tư,
làm bốn mùa bán vé cho bốn loại thính giả qua bốn chủ đề khác biệt. Tại vùng đất
mới này, chưa nhạc trưởng nào dám làm cái chuyện quá mới đó. Ngoài loạt nhạc cổ
điển rất bình thường như ai ai cũng đã quen, Mahler tung ra một “Chu kỳ
Beethoven”. Nói cho đúng ý của ông là để “giáo dục người yêu nhạc cổ điển, giáo
dục ban nhạc và để cho sinh viên nghe!”.
Đọc đến đây, xin quý độc giả hãy thử nhắm mắt lại mà hồi tưởng
không khí đó. Mỗi Chủ Nhật, dàn nhạc vĩ đại này sẽ trình tấu cho sinh viên và
thợ thuyền, với giá vào cửa rất bình dân chứ không đắt đỏ như các buổi trình diễn
cho giới quý tộc có tiền! Vì vậy, người ta mới gọi chủ trương của Gustave
Mahler là “đại chúng hóa” nhạc cổ điển. Ðã thế, loại chủ đề thứ tư của ông
là... Nhạc Sử, vừa trình tấu vừa diễn giải trình tự của dòng nhạc cổ điển.
Chính điều này khiến nhiều nhà phê bình âm nhạc thời nay đã lắc đầu phán câu
xanh dờn: Các chương trình lịch sử của truyền hình Mỹ bây giờ thật ra chẳng
phát minh ra cái gì mới lạ mà phải chịu ơn con người tiên phong này!
Khi đi bước tiên phong thì người ta thường đi một mình, còn bị
các đồng nghiệp ném đá vào lưng nữa. Gustav Mahler có bị như vậy. Ông quả thật
là một thiên tài, nhưng nổi loạn!
Nhạc trưởng nào thì cũng muốn có đông đảo quần chúng bỏ tiền
ra nghe và vỗ tay, được các nhà phê bình âm nhạc tán thưởng qua nhiều bài xưng
tụng. Gustav Mahler lại rất Mỹ khi nói rõ mục tiêu của các chủ đề nói trên là để
giải trí, để càng ngày càng có nhiều người ưa thích. Ông còn cho viết ngay trên
tờ chương trình như vậy để giáo dục và mua vui! Dù là nước Mỹ của những người
đi tiên phong và khai phá, cái lối ngang tàng ấy của Gustav Mahler đã làm nhiều
người phật lòng. Giới phê bình âm nhạc rất thanh lịch trong tháp ngà thì đã
đành. Các nhà Mạnh thường quân bỏ tiền ra nuôi ban nhạc cũng thế. Họ hơi phân
vân giật mình với tinh thần quá độc đáo ấy. Gustav Mahler còn là người hết sức
ngoan cố.
Qua đến mùa sau, ông còn xông vào một cõi hoang sơ khác, đó
là cho trình tấu tác phẩm của các nhạc sĩ còn sống và đôi khi chưa nổi danh. Bắt
dàn giao hưởng quảng bá những nhạc phẩm quá mới lạ này là lấy một rủi ro về
kinh doanh, có khi còn làm hỏng loại nhạc cổ điển cao quý! Ngoan cố hơn nữa,
Gustav Mahler còn bắt dàn giao hưởng này... đi “tua”, đi lưu diễn các tỉnh, chứ
không chỉ cấm cung trong khu Manhattan! Lý luận rất Mỹ của ông là khi lưu diễn
thì cũng là lúc ban nhạc tập dượt, mà khỏi tốn thời giờ.
Triết lý của Mahler lại không đến nỗi thực dụng như vậy. Ông
thấy rằng quần chúng mà không tiện tìm đến nhạc thì nhạc phải tìm đến họ. Ðúng
một trăm năm trước, cũng vào một buổi đầu năm như thế này, đáng lẽ Gustav Mahler
đã có thể cáo ốm vì lý do chính đáng được các bác sĩ đưa ra: lâm trọng bệnh. Một
lý do còn chính đáng hơn nữa, là Hội Ðồng Quản trị dàn Philharmonic đã quyết định:
một luật sư lấp ló sau rèm với giấy tờ ác nghiệt. Nhạc trưởng Mahler vẫn lắc đầu,
cầm đũa vào Carnegie trình diễn, và biết rằng đó là lần cuối. Mãi sau này, khi
thế giới khám phá ra nghệ thuật của nhạc sĩ Mahler, người Mỹ mới thấm được công
lao vĩ đại của nhạc trưởng Gustav. Ông là người đã đưa dòng nhạc quý tộc đến quần
chúng Mỹ, đã hướng dẫn và giúp đỡ nhiều nhạc sĩ mầm non và để lại một di sản
huy hoàng dù tạ thế khi mới 50 tuổi. Mà chưa có cơ hội nhìn thấy thiên hạ cúi đầu
nghe nhạc của mình.
Âu cũng là chuyện “chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” như đại
thi hào Nguyễn Du ngày nào mượn thân phận nàng Kiều để mong “mua vui cũng được
một vài trống canh”…
Theo NGUYÊN THÀNH – CAO TRÍ
songnhac.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét