Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

Troong – Nhạc cụ họ màng rung của người Nùng – Lạng Sơn

Troong – Nhạc cụ họ màng rung 
của người Nùng – Lạng Sơn
Nguyễn Hạnh Sơn


Trống của dân tộc Nùng
Troong nghĩa trống. Trống của người Nùng có nhiều kiểu dáng, kích cỡ hơn người Tày nhưng có 2 loại là phổ biến: trống cao và trống dẹt. Đa số các loại trống đều bịt bằng da trâu, da bò hoặc da nai bào mỏng…
Hầu hết các dân tộc ở Lạng Sơn đều sử dụng nhạc cụ màng rung (loại trống bịt da). Trống bịt da phong phú và đa dạng về kiểu dáng, kích cỡ và chủng loại nhạc cụ. Đa số các loại trống đều bịt bằng da trâu, da bò hoặc da nai bào mỏng và đều là nhạc cụ thuộc chi gõ và phương pháp kích âm là cầm dùi gõ vào mặt trống.
Trống của người Nùng có nhiều kiểu dáng, kích cỡ hơn người Tày nhưng có 2 loại là phổ biến:
Trống cao
Trống dẹt
Trống cao chuyên dùng trong đội nhạc rủ tử. Thân trống được làm bằng khúc gỗ khoét rỗng bên trong, cao khoảng 45 cm, đường kính 23 cm. Mặt trống phía trên được bịt bằng da, phía dưới để hở, cắt vát thành 3 chân. Mặt trên được bịt da bằng cách ghim chặt vào thân trống theo cách đóng đinh, hai phía để thừa hai miếng da hình tam giác khoét hai lỗ để cắm dùi. Dùi trống làm bằng gỗ kiểu dùi trần. Trống rủ tử của người Nùng cũng như của người Tày được sử dụng trong ngày Tết Nguyên đán, ngày hội lồng tồng. Trống hoà cùng với thanh la, não bạt làm nhạc cụ đệm cho múa sư tử, đệm tiết tấu cho các trò diễn trong ngày hội Lồng Tồng.
Loại Trống dẹt thường sử dụng trong đội nhạc của các thầy tào. Tuy là trống dẹt nhưng mỗi đội nhạc của các thầy ở các địa phương có hình dáng kích cỡ khác nhau và đều có tên gọi chung là troong tào, tổng tào. Trống dẹt được làm bằng một khúc gỗ ngắn khoét rỗng bên trong, chiều cao khoảng 10 cm đường kính mặt trống 23 cm. Hai mặt đều bịt bằng da, đặc biệt phần da ở thân trống được đục thành những lỗ nhỏ tạo kiểu dáng độc đáo. Trống được đánh bằng một dùi gỗ, kiểu dùi bịt vải.
Hát Sli là một làn điệu đặc trưng của người Nùng
Hát Sli Giang – Nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Nùng
TH-Cinet-DTV
Hát Sli rất phong phú và hấp dẫn, nhưng thể hiện đậm nét thế giới tâm hồn và truyền thống văn hoá của cộng đồng người Nùng phải kể đến điệu Sli Giang.
Cùng với những phong tục, tập quán đặc sắc, các dân tộc Nùng (Bắc Kạn) còn được biết đến thông qua những làn điều dân ca giao duyên truyền thống; trong đó có điệu hát Sli nói chung và điệu Sli Giang của nhóm người Nùng Giang nói riêng.
Hát Sli là một làn điệu đặc trưng của người Nùng, song điệu Sli của mỗi nhánh dân tộc Nùng lại có sự khác nhau. Nhóm người Nùng Giang có Sli Giang; Nùng Phàn Slình có Sli Phàn Slình, Nùng Cháo có Sli Sình Làng, Cổ Lẩu… Nội dung của hát Sli nói chung, hát Sli Giang nói riêng rất phong phú và hấp dẫn, thể hiện đậm nét thế giới tâm hồn và truyền thống văn hoá của cộng đồng người Nùng trên địa bàn.
Sli Giang có nguồn gốc từ tỉnh Cao Bằng. Những năm trước đây, hát Sli Giang ở huyện Na Rì không được phổ biến rộng rãi, chủ yếu được lưu truyền từ những người cao tuổi cho các thế hệ sau trong các gia đình Nùng Giang. Một vài năm trở lại đây, cùng với các hoạt động bảo tồn lễ hội, phong tục truyền thống của các dân tộc thiểu số, chính quyền huyện Na Rì cũng chú trọng và dành nhiều ưu tiên cho việc lưu giữ, bảo tồn làn điệu dân ca truyền thống của các dân tộc, trong đó có điệu hát Sli Giang.
Điệu Sli có nhiều cách hát khác nhau. Hát Sli của mỗi nhánh dân tộc Nùng lại có những nét độc đáo riêng. Song, dù là Sli Giang, Sli Phàn Slình hay Sli Sình Làng… thì mỗi câu hát, mỗi âm điệu đều thể hiện thế giới tâm hồn phong phú, độc đáo của cộng đồng dân cư. Đơn cử như Sli Giang có thể hát đối, hát đơn hay hát xướng trong các ngày hội, ngày lễ, đám cưới, ngày vào nhà mới…
Đặc điểm của Sli Giang là âm điệu luyến láy, rõ lời, dễ nghe và dễ đi vào lòng người. Hát Sli Giang ngoài việc ví, đối, lời hát sli còn được coi như tiếng hát giao duyên. Trong lời hát của điệu Sli Giang luôn có sự liên tưởng, ví von, thông qua những hình ảnh cụ thể để nói lên tâm tình con người. Dù lời hát nói về cây cối, trăng sao, năm tháng… thì cuối cùng vẫn là để nói về tình cảm, tâm trạng và nguyện vọng của con người. Khi hát Sli không cần nhạc cụ hay điệu múa đi kèm. Người hát có thể hát bất cứ lúc nào, chỗ nào, miễn là có đối tượng để hát đối, hát cùng hoặc là đối tượng được hướng đến trong bài hát.
Để gìn giữ điệu Sli Giang của dân tộc Nùng, ngoài việc thành lập các Câu lạc bộ Văn hoá nghệ thuật dân tộc, thì việc truyền dạy lại cho thế hệ trẻ là hết sức cần thiết. Nhiệm vụ quan trọng của cấp Ủy, chính quyền và Ngành Văn hóa – Thông tin huyện Na Rì trong thời gian tới là tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, bồi dưỡng niềm say mê, yêu thích, tự hào cho những thế hệ sau đối với những làn điệu dân ca, dân vũ nói chung và điệu Sli Giang của dân tộc Nùng Giang nói riêng.
Hát Soong Hao.
Tiếng hát Soong hao của người Nùng Phàn Xình
Đến vùng đất vải Lục Ngạn, Bắc Giang, hẳn chúng ta không quên được những lời hát giao duyên ngọt ngào, đằm thắm nơi đây. Những câu hát bắc nên nhịp cầu lương duyên cho các đôi trai gái. Người Nùng Phàn Xình gọi đó là hát Soong hao.
Theo tiếng Nùng, Soong hao nghĩa là hai ta, đôi ta. Đây là lối hát giao duyên có từ lâu đời của dân tộc Nùng và đã trở thành cây cầu bắc mối lương duyên cho các đôi trai gái đến với nhau, yêu nhau và kết thành chồng vợ.
Khác với nhiều dân tộc thiểu số khác, hát Soong hao của dân tộc Nùng không có nhạc đệm. Tuy nhiên, không vì thế mà nó kém đi sức hập dẫn, say đắm, ngọt ngào. Đối với người Nùng, những tiếng hát ấy đã ăn sâu vào tâm khảm họ và tồn tại từ bao đời nay.
“Pê hạc pén ma cà nả sở
Kin càng say toong bô mi ho”
Dịch là:
“Tôi gặp được bạn trong phiên chợ này
Hỏi xem bạn đã có người yêu chưa”

Hát Soong Hao.
Hát giao duyên, đám cưới và ngày thường là những điệu hát chính của Soong hao. Các nhóm trai gái Nùng từ 5 – 7 người thường rủ nhau đi chợ phiên, khi trăng rằm, khi xuân đến để hát với nhau. Trong khi hát, trai ngồi một bên, gái ngồi đối diện. Qua những canh hát tập thể kéo dài, nếu tìm được bạn ưng ý, các nhóm tách nhau ra để hát đôi. Lúc này, họ sẽ hát những bài mang tính tâm sự, thổ lộ nỗi lòng và những lời sâu kín từ trái tim.
Hát Soong hao ngày thường (hát trong nhà) thường là khi đến chơi nhà người quen và được nhóm hát ở đó mời. Đầu tiên là những câu hát đối đáp sẵn có. Sau đó, để diễn tả tình cảm của mình, người hát đã ứng khẩu, hát với nhau những lời say đắm nhất. Cứ thế, hết đôi này đến đôi kia, hát Soong hao kéo dài đến hết cả đêm, sang ngày hôm sau. Chính nhờ những câu hát ấy mà nhiều đôi đã thành vợ thành chồng.
Bên cạnh đó, hát Soong hao trở thành một phần không thể thiếu trong đám cưới của người Nùng. Theo phong tục của dân tộc Nùng, khi chọn phù dâu và phù rể, nhà trai, nhà gái phải chọn người có ngoại hình đẹp, bản thân và gia đình tốt nhưng nhất thiết phải hát hay để có thể nắm chắc phần thắng khi thi hát và tạo không khí sôi nổi, vui vẻ trong đám cưới. Mỗi cuộc hát Soong hao có trình tự riêng tuỳ thuộc vào tâm trạng người hát hoặc quan hệ chủ – khách.
Ngày nay, hát Soong hao không chỉ là lời hát gia duyên nồng nàn của trai gái người Nùng mà còn được người dân nơi đây ứng dụng vào các phong trào văn nghệ, các cuộc vận động. Vì thế, không ít lời mới được ra đời, và nội dung của lối hát này cũng vì thế mà phong phú lên và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của các bà con dân tộc Nùng.
Theo http://dotchuoinon.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...