Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

Say đắm điệu “Xường” dân tộc Mường

Say đắm điệu “Xường” dân tộc Mường
TH-TQ-DTV
Xường một loại dân ca tiêu biểu của 
người Mường cần được phát huy và bảo tồn.
Ngoài những bài ca nghi lễ như mo, cầu vía, cầu yên, hát rang, bộ mẹng, hát ru… vượt lên trên các loại dân ca trữ tình và các loại dân ca khác, trở thành một loại dân ca tiêu biểu của người Mường (Thanh Hóa) phải kể đến “Xường”.
Loại dân ca dùng để giao duyên
“Xường” – là một loại dân ca không thể thiếu được trong đời sống của người Mường. Nó thường sử dụng trong hát giao duyên trai gái, bộc lộ những tâm tình nỗi lòng trong cuộc sống tình cảm. Nguồn gốc của “Xường” được các già làng truyền lại rằng:
“Xưa có mụ Dạ Dần (nữ thần sáng tạo) gánh xường đi qua miền đất xứ Thanh. Không ai biết mụ sẽ trao xường ở đâu và cho ai. Bỗng nhiên gánh xường đứt quai, một sọt rơi xuống mường Ai, còn đầu kia rơi xuống mường Ống, gánh xường còn rơi vãi khắp nơi, dân mường Ống, mường Ai bèn rủ nhau ra nhặt. Vì vậy mà xường mường Ống và mường Ai được cho đó là xường gốc.”
Với sự kiện mang đậm tính huyền thoại này đến nay dân gian vẫn hằng nhắc nhớ: “đứt gánh mường Ai, đứt quai mường Ống”, địa danh đứt này thuộc đồi Lai Ly, Lai Láng, mường Ai nay thuộc xã Văn Nho, Kỳ Tân; mường Ống thuộc các xã Điền Trung, Điền Quang huyện Bá Thước, nơi có dãy Pù Luông quanh năm mây phủ và dòng Mã giang hùng vĩ, cuồn cuộn đổ về xuôi. Bởi vậy, người Mường Thanh Hoá từ bao đời nay rất trân trọng và tự hào với di sản văn hoá – xường của các thế hệ cha ông truyền lại: Đất thì xường, mường thì rang/Kẻ Chợ, Mường Ngoài còn đang có tiếng, cả một vùng Mường quê Thanh nơi đâu cũng cất cao khúc hát tâm tình.
Hát Xường – dân ca tiêu biểu của người Mường.
“Xường” của người Mường khi hát giao duyên chủ yếu là về đêm. Môi trường và không gian diễn ra trên ngôi nhà sàn. Nam ở gian ngoài, nữ ở buồng trong, có bếp lửa hồng và ngọn đèn dầu. Người ta còn gọi đó là áng Xường. Đến với áng Xường còn có nhiều trai gái người đứng tuổi ngồi nghe thưởng thức. Ở đó đôi trai gái lấy lời hay ý đẹp, giọng tốt để trao đổi tình cảm. Có nhiều “bạn đôi Xường” hát với nhau cả đêm còn chưa thấy mặt. Đó là các trường hợp trai, gái mường xa đến chơi, giữa chủ và khách cùng hát với nhau. Trong hát đối của các đôi nam nữ, tùy thuộc vào tài năng của chàng trai, cô gái mà lời hát là những câu hỏi ý tứ sẽ thể hiện được thái độ vui vẻ, giận hờn, trách móc hay nũng nịu, đằm thắm. Chính vì vậy, các chàng trai thường trổ hết tài năng của mình khi học hát xường.
Nhìn chung ở cái ngày xưa ấy, con trai, con gái lớn lên cùng với công việc đồng áng, nương rẫy, cày cấy, chăn tằm, con trai phải lo học thổi sáo, đàn môi, học Xường, con gái lo thêu dệt và học Xường. Không hát Xường được, không dám đi chơi xa và cũng không có bạn bè. Hát Xường trở thành một sinh hoạt, một nhu cầu và một đam mê tất yếu của người Mường, nhất là ở lớp trẻ.
Trong các loại dân ca Mường, hát “Xường” không dễ, nhất là loại Xường gốc “Xường cân” (trừ loại Xường tự do). Bởi vì loạiXường gốc, Xường cân bản thân nó đã có cấu tứ riêng biệt chặt chẽ. Nó đòi hỏi người hát phải tuân theo các bước, các cung và các bậc nhất định. Trong các bậc của Xường lại có“dắt hoa” (cái Wa), “theo tiếng chim” (pẳt siềng chim) đôi khi trong một bậc lại có “rẽ ngang, dán cách” (T,reẻ Zán) hoặc giam bậc, chài ra (xán xa) nghĩa là một bên muốn nhanh lên bậc trên, nhưng một bên lại muốn giữ lại, ghìm lại, đòi hỏi“đôi bạn Xường” phải gỡ, gỡ ra được mới là tay cao Xường. Tương tự như vậy ở cung đầu, mặc dù bên khách đã có thể bằng lòng cùng nhau hát Xường đêm nay “cho vui áng” hát“cùng nhau cho rạng đêm”. Nhưng khi vào cuộc là “đối tác”(nhất là bên nữ) không phải đã dễ hát ngay. Muốn bên nữ (khách) hát thì bên nam phải có Xường chào, hỏi, mời hát. Mời chưa hát thì nài, nài không được thì dỗ, dỗ không được thì khích:
Em có cồng vui sao em không gióng
Em không gióng nhiều cũng nên gióng ít
Dẫu em tiếc, em kẹt cũng gióng vài dùi
Thử xem âm thanh còn vui hay đã mất tiếng!?
Kết thúc cuộc Xường có thể là một đêm có thể là ba đêm. Buổi kết thúc có khi họ đã mê nhau thì họ hát Xường thề, nhưng phổ biến là Xường tiễn biệt với lời thương nhớ quyến luyến, nhắn gửi.
“Xường” của người Mường, nhất là Xường bậc có vị trí lớn trong văn hóa dân gian Mường. Nó làm cho tiếng Mường trở nên trong sáng, làm cho tâm hồn Mường trở nên phong phú và nâng cao giá trị nhân văn trong văn học dân gian Mường. Nó có giá trị đóng góp vào nền văn học dân gian của các dân tộc Việt Nam.
“Xường” Thanh Hóa có thể phân làm các loại sau:
Xường tự do và Xường cân, còn gọi là Xường bậc. Xường tự dothường là thể hiện sự cảm xúc tản mạn về nhiều mặt của cuộc đời, thân phận con người. Xường tự do là hình thức “độc” diễn phản ánh mọi sắc thái tình cảm của cư dân Mường trong cuộc sống, người hát tự do sáng tác hoặc hát theo lời ca có sẵn được trao truyền trong cộng đồng
Xường bậc là hình thức hát đối đáp giữa nam và nữ, có thể thức, cung cách riêng, người hát có tài ứng đáp và giọng hát truyền cảm, có sức lan toả và lay động tâm hồn. Xườnglà làn điệu hát dân gian, được dùng để ca ngợi, phản ánh tâm tư tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, để trai gái tỏ tình, làm quen với nhiều hình thức đa dạng. Xường có nhiều loại:
– Xường chúc
– Xường kể
– Xường Đang
– Xường trai gái – giao duyên.
Xường bậc có quy mô lớn, dài hơi hơn, có quy củ, căn cốt hơn. Ở đó có các bước, các cung bậc. Có thể thấy ở loạiXường này có hai cung rõ rệt. Cung đầu có thể gọi đó là cung mở đầu để đi vào Xường bậc. Người Mường gọi đó là cung “lượn áng”. Cung này thường thấy có các bước:
– Xường chào hỏi
– Xường mời, nài
– Bước chân ra đi
– Ngoái trông
– Khen đất khen mường
– Khen giàu có
– Đánh thức Xường
– Sự tích Xường
– Trồng bông trồng hoa
– Trồng Kè
– Mở đường
Như vậy ở cung đầu này cũng đã ít nhất có 11 bước, từChào hỏi cho đến Mở đường. Mở đường (Phảt Khà) được biểu tượng như là mở đường cho đường vào đêm hát, đường tình, đường nghĩa. Khi đã phát được đường, bắc được cầu:“Nên lối em đi nên đường anh lại” thì Xường chuyển sang cung thứ hai là “lên bậc”.
Xường có cung có bậc thì đã rõ, nhưng có bao nhiêu bậc? Dân gian bảo rằng có 12? Cũng cần làm quen trong FolKlore con số ít khi là con số số học, phần lớn đều là con số ước lệ. Đừng vội tin rằng con số 3, số 9, số 12, 18 và 36 là con số chính xác. “Mười hai bà mụ”, “mười hai bến nước”, “ba mươi sáu chước”… đó chẳng qua là để nói số nhiều mà thôi. Cho nên nói Xường có 12 bậc cũng theo kiểu cách đó. Nhưng nhiều bậc trong đó thì đã rõ. Tên của các bậc đều là tiếng Mường cổ mang tính tượng hình theo một chiều cao dần phù hợp với cung bậc tình yêu hoặc gợi lên một cái gì cụ thể. Bậc 1 có tên “góp nhặt” (cu nhu cỏp nhỏp), ở đây là sự tìm tòi, gom góp, nhặt nhạnh những ý hay lời đẹp để hátXường với nhau.
Các bậc có tên tiếng Mường mang tính gợi hình: Lêu lao lên lồm, poong soong poót soót, Zờm Zờm, Zằng Zắng… Cách hát, còn có thể gọi là trình diễn ở mỗi bậc đều có gài hoa (cái Wa) theo tiếng chim (pẳt siềng chim) khác nhau. Đôi trai gái hát với nhau đều phải theo “căn cốt” của Xường có đối có đáp nhưng lại phải có vận dụng, sáng tạo “theo nó mà vượt lên nó”. Đó mới là người giỏi Xường. Cung bậc, căn cốt không làm hạn chế sự sáng tạo của người hát Xường.
Xường chúc thường được sử dụng trong những ngày vui như vào dịp năm mới, cầu chúc cho: Dưới sân lắm trâu nhiều bò/Trên nhà nhiều lúa chăm, lúa nếp… Có nhiều con trai/Có nhiều con gái/Con trai đan lưới gian ngoài/Con gái dệt vải gian trong… cuộc sống sung túc, an lành, mạnh khỏe, chúc về nhà mới, chúc mừng đám cưới, đứa trẻ chào đời…
Xường kể (mo) thường hát khi có chuyện buồn trong tang ma. Xường kể về sự ra đời của vũ trụ, con người, muôn vật, lời dặn của người mất đối với gia đình, làng nước, niềm thương xót, nhớ nhung không quên đối với người đã khuất khi từ biệt cõi đời…
Trong số các loại Xường thì Xường trai gái là hình thức phong phú và có nhiều bài hát nhất. Xường trai gái là các bài ca trao duyên, trao tình giữa một bên là trai thanh và một bên là gái lịch, thông qua lời hát để bén duyên nhau mà nên chồng vợ. Xường trai gái là lời hát cất lên từ trái tim rạo rực thương yêu, không phân biệt địa vị cao thấp trong xã hội hay hát Xường vì vật chất.
Xường giao duyên chủ yếu là hát về đêm: Đêm nay anh lắng em Xường/Nghe chưa liền anh đường cố chấp/Em Xường chưa liền khúc anh chớ có cười/Hát “cho vui áng” hát “cho rạng đêm”. Môi trường và không gian diễn ra trên ngôi nhà sàn, còn gọi đó là Áng Xường. Trong những cuộc hát Xường thường có đầy đủ trà nước, trầu, thuốc lào… mọi người dùng chung và đèn đuốc cũng được thắp sáng để tiện cho việc trai gái có thể nhìn mặt chọn bạn tìm hiểu lẫn nhau… nam ở gian ngoài, nữ ở buồng trong. Đến với Áng Xường còn có người già và trẻ nhỏ ngồi nghe thưởng thức. Hát Xường diễn ra giữa trai gái trong làng hay từ mường xa đến chơi, giữa chủ và khách cùng hát với nhau.
Với Xường giao duyên, thường trong cuộc hát có hai bước chính là “lượn áng” và vào bậc. Bước thứ nhất có các chặng đó là Xường chào và Xường mời. Xường chào là lời chào khách của chủ, thăm hỏi, thể hiện sự kính trọng lịch sự và lễ độ giữa chủ và khách.
Xường chào thường mở đầu bằng những lời hỏi thăm quê quán: “Em từ cửa nhà đi ra chơi áng/Em đi đến nơi Cun Khang bán đất/ Em đi khuất chỗ Cun Khang bán đạo/ Em ở đất mường nào lắm cun nhiều quan?…
Xường mời thông thường bên chủ mời bên khách hát xường, nếu chủ mời không được thì chủ nài nỉ khách. Chủ đã hátXường nài rồi mà khách vẫn chưa chịu hát thì phải dỗ, tiếp tục nài và dỗ bằng được cho đến khi khách lên tiếng để rồi cả hai bên cùng nhau đối đáp với lời hát vừa thăm dò vừa khiêm nhường, ý nhị:
Nữ:
Em xường chưa liền anh đừng cố chấp
Em xường chưa liền khúc anh chớ có cười
Nam:
Lắng xường em nói chưa liền anh đâu dám chấp
Xường em chưa liền khúc anh đâu dám chê…
Xường “lượn áng” là khúc dạo đầu của cuộc hát Xường, chưa gửi lời thương trao lời nhớ, nhiều khi tuy chỉ mới là lời hát chào mời mà đã thâu đêm suốt sáng.
Bước hai của Xường giao duyên là Xường lên bậc: Xường đã có căn có cốt/Tìm đặt câu đẹp lời hay/ Để đêm nay ta lên chơi xường bậc… Xường có nhiều bậc và thường cho là 12 bậc ứng với mười hai tháng của một năm và phải hát tuần tự. Bậc một gọi là:
– “Cu nhu cọp nhọp” thể hiện sự tìm tòi, thu lượm những lời hay ý đẹp để trao duyên trao tình với nhau.
Các bậc tiếp theo là:
– Zờm Zờm
– Poong soong poót soót
– Zằng Zắng
– Lêu lao
– Lên lồm,…
Cách hát ở mỗi bậc đều có gài hoa (cái wa) để lên bậc, trong mỗi bậc lại có phần phát triển “trẻ zán” khác nhau làn cho cuộc hát thêm sinh động và hấp dẫn. Trai gái hát đối đáp với nhau đều phải tuân thủ theo quy tắc của Xường vừa phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo và phù hợp với chủ đề, cách thức mà người hát đối với mình đưa ra.
Thông thường, cuộc Xường có thể là một đêm, cũng có khi là ba đêm. Khi kết thúc có:
– Xường thề
– Xường dặn
– Xường tạm biệt.
Xường thề, Xường dặn thường kết hợp với nhau, còn Xường tạm biệt hát sau cùng với lời hát gửi thương, gửi nhớ, thiết tha sâu nặng:
Ước chi ta đi củi chung một vác/Đi nác chung một giếng/Náu nướng chung một bóng râm/ Trời mưa lam thâm đội chung nón kín…,
Đến lúc chia xa thì:
Em về chốn xa đất xa mường/Anh gửi em nón trắng đi đàng/ Gửi em trầu nang ăn sá…
Và cùng hẹn nguyền kết tóc, xe tơ:
Muốn cho tiện nẻo đi về/Anh sang làm rể em về làm dâu…
Như vậy ta thấy ở các cuộc hát “Xường” nổi lên ở hai điểm, đó là cuộc sinh hoạt văn hóa: thi hát lời hay giọng tốt, đối đáp thông minh và quan trọng là đôi bạn tình tìm đến nhau bởi cảm mến vì tình.
Khác dân tộc Thái, dân tộc H’Mông có tục bắt vợ, hay tục ngủ thăm của một số dân tộc phía Bắc thì tục tìm bạn đời của người Mường, Thanh Hóa trước đây lại mang một màu sắc khác. Hát “Xường” phải luôn được sáng tạo cho phù hợp với hoàn cảnh, tình cảm của người hát.
Cồng chiêng không chỉ đơn thuần là nhạc cụ mà đã trở thành giá trị văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng của người Mường (Hòa Bình).
Cồng chiêng trong đời sống văn hóa 

của người Mường, Hòa Bình
TH-Cinet-DTV
Đối với người Mường (Hòa Bình), cồng chiêng không chỉ đơn thuần là nhạc cụ mà đã trở thành giá trị văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng.
Có thể nói, cồng chiêng có mặt ở mọi lúc, mọi nơi trong lao động, sinh hoạt đời thường; trong quyền lực của lang đạo xưa và trong lễ nghi tín ngưỡng phong tục, trong suốt cuộc đời người Mường từ khi sinh ra đến khi về với Mường ma.
Không gian văn hóa cồng chiêng Mường bắt nguồn từ truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời, được khẳng định trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật và được kế tục qua nhiều thế hệ. Dù chưa có công trình nghiên cứu về việc chế tác chiêng của người Mường nhưng từ xa xưa, họ đã biết thổi hồn cho cồng chiêng, sáng tác được các bản nhạc và tạo ra những phương thức đánh chiêng phù hợp với tính cách, tâm lý đặc trưng của dân tộc.
Một bộ cồng chiêng hoàn chỉnh có 12 chiếc, chia đều ra làm 3 bộ (chiêng dàm, chiêng bồng, chiêng tlé), ngoài ý nghĩa âm nhạc còn biểu hiện cho 12 tháng trong năm. Chiêng có mặt ở mọi lúc, mọi nơi trong lao động, sinh hoạt đời thường; trong quyền lực của lang đạo xưa và trong lễ nghi tín ngưỡng phong tục, trong suốt cuộc đời người Mường từ khi sinh ra đến khi về với Mường ma. Chiêng còn là dụng cụ thông tin liên lạc, báo hiệu, phát lệnh khi bản làng có cướp bóc, giặc giã để tập hợp nhân dân cùng đoàn kết bảo vệ sự bình yên.
Một bộ cồng chiêng của người Mường (Hòa Bình).
Cồng chiêng gắn bó với người Mường không chỉ để thỏa mãn nhu cầu thưởng thức âm nhạc mà có vai trò lớn trong lao động, sản xuất. Trong khi trống đồng là loại vật linh được coi là quyền sở hữu của tầng lớp lang đạo lớn xưa thì cồng chiêng chiếm lĩnh, lan tỏa trong không gian rộng lớn, in sâu, hòa đậm trong mỗi bản làng, gia đình một cách dung dị.
Người Mường có tới 24 lễ hội có sử dụng cồng chiêng như lễ mừng nhà mới, thành hôn, khai hạ… Nếu cồng chiêng Tây Nguyên người đánh chủ yếu là nam giới thì với người Mường là nữ giới. Nhiều tài liệu ghi lại, trước đây, người Mường đã sử dụng tới trên 1.000 cô gái với phương thức hòa tấu, trình diễn trên 1.000 chiếc chiêng. Âm nhạc nền nếp, sôi động, giai điệu hòa thanh chuẩn mực, động tác, đội hình chuyển động thướt tha, giàu mỹ cảm.
Ngày nay, với phương thức trình diễn linh hoạt, cởi mở, từ dàn chiêng nhỏ tới dàn chiêng hoành tráng hàng ngàn chiếc phối hợp với nhiều hình thức khác tạo nên nền âm nhạc, không gian văn hóa cồng chiêng đương đại.
Không gian văn hóa cồng chiêng Mường hình thành, phát triển là một hiện tượng văn hóa đặc sắc, quý giá trong nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Nó có giá trị cao, nâng đỡ sự cộng cảm, bồi dưỡng tinh thần cộng đồng và lòng tự hào dân tộc, góp phần tạo nên bản sắc riêng biệt đối với mảnh đất, con người Hòa Bình.
Lễ thờ cá của người Mường
Một số tín ngưỡng đặc trưng của người Mường
TH-Cinet-DTV
Với người Mường cư trú ở các tỉnh miền núi phía Bắc, tín ngưỡng giữ vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần cũng như sinh hoạt, lao động của họ.
Các dân tộc miền núi phía Bắc có rất nhiều tín ngưỡng thờ phụng. Đối diện cuộc sống nơi núi cao hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, họ càng cần nhiều hơn niềm tin tâm linh, làm chỗ dựa để vượt qua những khó khăn. Trong số đó, phải kể đến các tín ngưỡng độc đáo của dân tộc Mường.
Tín ngưỡng thờ đá
Người dân tộc thường thờ những hòn đá có hình thù kỳ lạ, liên tưởng đó là các vị thần, thánh đã giúp con người chinh phục thiên nhiên. Tục thờ đá được thể hiện rõ nét nhất ở trong lễ mừng nhà mới với các ông đầu rau (hòn nục chủ và hai hòn nục treo), thờ các vị chư thần thổ địa, thờ thần đá (bụt mọc).
Người dân tộc Mường ở Cao Phong (Hòa Bình), ngày nay vẫn còn tồn tại truyền thuyết về thần đá. Bấy giờ, khi khơi dòng lấy nước làm ruộng, gặp phải hòn đá chắn dòng, người dân bẩy đi chỗ khác để nước tiêu thông. Hôm sau, kỳ lạ thay khi hòn đá đã trở về chỗ cũ. Người dân lại tiếp tục đẩy xa hơn nữa nhưng liên tiếp nhiều ngày, sự lạ vẫn tiếp diễn. Theo lời thầy cúng, người dân bèn mang đá về thờ. Từ đó cuộc sống được thần đá phù hộ, khiến mưa thuận gió hòa. Tục thờ thần đá cũng có từ lúc đó.
Tín ngưỡng thờ cây
Người Mường cho rằng có những loài cây có tính linh thiêng, là nơi trú ngụ của các lực lượng siêu nhiên, người dân tộc coi việc thờ cây có ý nghĩa quan trọng. Các loại cây được tôn làm vật thiêng và thờ cúng là si, chu đồng, đa, gạo… Thậm chí, nhiều loại cây xuất hiện rất sớm trong các tác phẩm văn học dân gian truyền miệng. Điển hình như tác phẩm “Đẻ đất, đẻ nước” của người Mường (Hòa Bình).
Một số dân tộc khác còn có tục thờ mía trong các đám tang hay trở thành lễ vật trong đám cưới truyền thống. Trong các ngày lễ mừng cơm mới, họ còn có tục thờ lúa nương, với quan niệm cây lúa cũng có linh hồn, nếu chăm chỉ cầu khấn, lúa Mẹ sẽ gọi vía các lúa con về sinh sôi nảy nở, giúp cho cuộc sống của người dân thêm no đủ.
Tín ngưỡng thờ động vật
Cuộc sống nơi núi rừng hàng ngày đều đối mặt với các loài muông thú, đa phần các dân tộc đều cho rằng thú rừng như hổ, báo, hươu, nai… đều là những con vật linh thiêng, vừa là nguồn thức ăn quý giá, vừa là vật tế lễ, chứa đựng những sức mạnh siêu nhiên. Nếu thờ cúng, người đi rừng sẽ tránh được tai họa khi, có thêm sức mạnh.
Ngoài động vật trong rừng, các vật nuôi trong nhà như trâu, bò, lợn, gà… đều được cho là những con vật có linh hồn. Các bài văn nói trong đám tang cổ truyền của một số dân tộc có những đoạn kể tạ ơn các con vật đã gắn bó thân thiết với con người. Ví dụ khá độc đáo, người Mường có tục thờ Cóc, là loài đã có công gọi mưa và đem lại sự sinh sôi nảy nở cho dân bản. Hình tượng cóc đã được đúc trên mặt các trống đồng ở Hòa Bình còn được lưu giữ đến nay. Trong các đám tang một số dân tộc, còn thấy xuất hiện các hình tượng cờ con cá, đại diện cho nước và cờ con hươu, đại diện cho trên cạn, cùng dẫn đường cho linh hồn người chết về với cõi trời.
Tín ngưỡng dân gian đã tác động vào mọi mặt đời sống của người Mường, hình thành một hệ thống nghi lễ, phong tục tập quán bền vững trong sản xuất, đời sống xã hội và tâm thức, tình cảm, nếp nghĩ của mỗi người dân Mường. Tín ngưỡng đã đóng vai trò thiết yếu trong cuộc sống của con người và cộng đồng dân tộc. Sinh hoạt lễ hội diễn ra thường xuyên đã làm cho đời sống văn hóa tinh thần trở nên phong phú, góp phần quan trọng xây dựng kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc của người Mường.
Màn biểu diễn săn thú tại lễ hội mở cửa rừng.
Lễ hội Mở cửa rừng của người Mường Yên Lập, Phú Thọ
TH-Cinet-DTV
Lễ hội Mở cửa rừng là lễ hội truyền thống của người Mường huyện Yên Lập (Phú Thọ), đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi con người, trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu mỗi dịp xuân về.
Lễ hội Tì Sằn – đooc moong hay còn gọi là lễ hội Đi săn – Mở cửa rừng của người Mường huyện Yên Lập thường được tổ chức vào ngày mồng 6 hoặc mồng 7 Tết; một số nơi khác tổ chức vào 15 tháng Giêng âm lịch để bắt đầu một mùa mới vào rừng hái lượm và săn bắt thú.
Thành quả sau khi vào rừng săn.
Theo tích xưa ghi lại: Trong lễ hội này, một người săn giỏi (trùm săn) của mường cùng các cụ già có kinh nghiệm bàn định hướng xuất phát làm ăn và chọn điểm săn. Mọi người tỏa ra vây quanh, những thợ săn giỏi tìm chỗ đón lõng ở các khe, các lối mòn thú hay đi, những người khác khép kín dần vòng vây. Những chú chó săn của mường theo hiệu lệnh của cồng săn vượt lên sục sạo các bụi rậm đánh hơi thú. Thú rừng bị vòng vây khép kín dồn dần vào một nơi. Trước là bị chó tấn công, sau là người ùa đến dùng gậy nhọn, cây lao chặn đánh. Cuộc săn chấm dứt bằng hiệu lệnh cồng.
Lễ hội Mở cửa rừng luôn thu hút nhiều người tham gia vì đây là dịp vừa để gặp gỡ, giao lưu vui vẻ vừa để cầu mong cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, thể hiện ước nguyện, khát vọng về cuộc sống ấm no, sung túc về vật chất, tinh thần cũng như sự tuần hoàn của quy luật để vạn vật sinh sôi, nảy nở.
Biểu diễn điệu đâm đuống trong lễ hội Mở cửa rừng.
Tại lễ hội nhiều tiết mục văn nghệ quần chúng, trình diễn các tiết mục diễn sướng dân gian được tổ chức như: Múa trống đu, hò đu, múa sênh tiền, đâm đuống của dân tộc Mường, giao hữu bóng chuyền, đi cầu kiều, chọi bi, đánh cờ tướng. Ngoài ra còn có các gian hàng bày bán các mặt hàng đặc sản, nông sản của địa phương như nếp gà gáy, nếp nương, mật ong, khoai, sắn, măng…
Mở cửa rừng là lễ hội truyền thống của người Mường huyện Yên Lập, đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi con người, trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu mỗi dịp xuân về. Đây là một hình thái sinh hoạt đặc biệt với tổng hòa văn hóa và nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo. Nó có vai trò quan trọng trong tích lũy, kế thừa và củng cố các giá trị về tính cố kết cộng đồng. Trong đó, hội đi săn thú là quan trọng nhất và mang tính cộng đồng rõ nét nhất, có ý nghĩa mở đầu cho một mùa làm ăn, lao động gặp nhiều may mắn, đem lại những kết quả tốt đẹp.
Đây cũng là nơi gặp gỡ, vui chơi, giải trí nên nó có ý nghĩa tinh thần to lớn với người Mường nói chung và người Mường xã Minh Hòa nói riêng… Hi vọng lễ hội này sẽ được tổ chức thường xuyên hàng năm để thế hệ trẻ sau này có cơ hội tìm hiểu sâu hơn, rõ hơn về lễ hội và truyền thống văn hóa của dân tộc mình.
Nghi lễ Sắc phong và Rước Thánh trong lễ hội Đình Cổi
Lễ hội cầu phúc Đình Cổi dân tộc Mường, Hòa Bình
TH-Cinet-DTV
Lễ hội Đình Cổi được duy trì qua nhiều thế hệ, giờ đây đã trở thành một nét văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người Mường (Hòa Bình).
Nói văn hoá dân tộc ở tỉnh Hoà Bình thì trước hết phả nói tới văn hoá của dân tộc Mường. Do những đặc điểm về lịch sử và vị trí địa lý cho nên người Mường còn bảo lưu được nhiều giá trị văn hoá cổ truyền. Phần lớn đồng bào Mường vẫn ở nhà sàn, uống rượu cần và có nhiều sinh hoạt văn hoá cộng đồng trên nhà sàn. Truyền thống đạo đức gia đình giữ được những nét đẹp: Yêu trẻ, kính già, hiếu khách. Không những thế, người Mường nơi đây vẫn giữ được những lễ hội cổ truyền: Hội xuân Xéc bùa, hội Xuống đồng, hội cầu Ma, lễ Rửa lá lúa, lế Cơm mới… Trong các lễ hội không thể thiếu lễ hội Đình Cổi.
Đình Cổi xưa còn có tên gọi là Đình Chung Điếm, được khởi dựng vào đầu thế kỷ 19, tọa lạc trên khu ruộng Cọil Khưa, gần chân núi Khụ Bậyl. Đình làm theo kiến trúc nhà sàn của người Mường 3 gian 2 trái với 6 hàng chân cột được kê trên đá tảng, mái lợp tranh, dài khoảng 8m, rộng khoảng 5m, cao 7m, gồm cửa chính, một cửa phụ và 7 cửa voóng, gầm sàn cao 1,4m. Mặt quay hướng Nam. Vật dụng để dựng đình chủ yếu bằng gỗ. Các vị thần được thờ tại đình là: Quốc Mẫu Hoàng Bà, Vua Cả (Thánh Tản), Vua Cun, Vua Hai (Cao Sơn và Quý Minh đại Vương), Thành Hoàng, ông bà Nhất Huyệt, Kem, Cai…
Vào ngày mồng 7 tháng Giêng theo lịch Mường (tức ngày mồng 8 tháng Giêng Âm lịch hàng năm), người dân xã Bình Chân ở huyện Lạc Sơn lại tổ chức lễ hội Đình Cổi. Bà con nơi đây không còn nhớ lễ hội Đình Cổi có từ bao giờ, chỉ nghe các cụ già trong làng kể lại. Thời ấy, Mẹ là Quốc Mẫu Hoàng bà cùng các vua thường qua lại đây dạy dân cách trồng trọt, khai phá ruộng nương, cấy lúa, trồng bông dệt vải. Nhớ ơn công đức, lời dạy của Quốc Mẫu và các vua, người dân trong vùng đã lập miếu thờ. Lễ hội Đình Cổi bắt đầu từ đó và được duy trì qua nhiều thế hệ, giờ đây đã trở thành một nét văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người Mường.
Mâm cúng các vị thần có đầy đủ lễ ngọt và lễ mặn.
Lễ hội được bắt đầu bằng một hồi trống để báo hiệu cho con cháu trong Mường về tụ họp ở đình làng. Nghi lễ đầu tiên là rước kiệu, có thầy mo đi đầu làm lễ, sau đó là đoàn khênh kiệu, cờ hội, đoàn cò ke ống sáo, đội múa chèo và đoàn sắc bùa. Tất cả đều ăn mặc theo đúng phong tục xưa.
Khi thầy mo làm lễ mời các thần về dự hội thì cũng là lúc đoàn múa chèo bắt đầu biểu diễn. Điều đặc biệt là những người múa chèo phải là con trai ở xóm Cành. Vì theo chuyện xưa những đứa trẻ chăn trâu ở xóm Cành gặp Quốc Mẫu cùng hai con gái là vua út, vua cả từ Ba Vì về đến đồng Khâm Mụ, xã Bình Chân thì trời đã trưa, ba mẹ con ngồi nghỉ ăn cơm gói. Thấy trẻ trâu xóm Cành chia thành hai bên để chơi trò chơi, Quốc Mẫu và các vua biến thành người ăn xin rồi tham gia một điệu múa. Điệu múa đó được gọi là múa Chèo, dân làng Cổi thường tái hiện vào dịp lễ hội hàng năm, phản ánh về quá trình sản xuất nông nghiệp, hôn nhân gia đình và truyền dạy cho đời về đạo lý làm người.
Trong mâm cúng các vị thần (Quốc Mẫu Hoàng bà, vua và Thành Hoàng làng) ngoài các sản vật như xôi trắng, thịt trâu, rượu còn có các món ăn chay như chuối luộc, đu đủ luộc, mía và các loại bánh…
Xong phần “Lễ”, phần hội được mở ra tưng bừng, náo nhiệt mà tiêu biểu là các màn múa sơ khai nguyên thuỷ, mô tả đời sống sinh hoạt vui tươi, lạc quan của dân Mường. Trong âm thanh rộn rã của bài cồng “Bông trắng bông vàng” hoà nhịp với dàn nhạc sênh tiền, trống, phách; các điệu múa bắt ếch, giáo roi, xỏ rề, đi cấy, kéo tiền và mặt mẻ… lần lượt được biểu diễn.
Lễ hội không chỉ mang ý nghĩa truyền thống “uống nước nhớ nguồn, mà còn là dịp để cầu phúc, cầu mùa “trồng ngô có bắp to; trồng lúa có bông dài, hạt chắc; nuôi con cúi, con ca mau lớn; con cháu được khỏe mạnh, học hành tiến bộ; ra đường gặp bạn bè luôn hòa nhã; đi đường gặp bình an…
Hội Đu Xuân – một nét đẹp trong đời sống 
văn hóa của người Mường
Độc đáo Hội đu xuân của người Mường, Yên Bái
TH-Cinet-DTV
Hội đu xuân từ lâu đã trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa của người Mường, huyện Văn Chấn (Yên Bái). Đây còn là dịp để các nam thanh nữ tú qua giao duyên, đối đáp mà nên vợ nên chồng.
Người Mường ở Văn Chấn vẫn giữ được nhiều tập quán truyền thống trong đó có tục chơi đu ngày xuân. Cây đu (cội đu) của người Mường chỉ được dựng vào dịp tết nguyên đán. Thời gian vui chơi hội đu thường kéo dài từ 30 tết đến rằm tháng giêng. Hoặc do có những nơi xưa kia chỉ làm một vụ nên sau tết là lúc nông nhàn họ có thể chơi đu hết tháng giêng. Nhưng nếu chơi đu cả ngày chỉ có từ 30 tết đến hết mùng 4 còn lại thường chơi vào ban đêm.
Cây đu của người Mường được dựng trước Tết Nguyên đán vài ngày. Trước khi bước vào hội đu người già có uy tín trong làng, bản sẽ tiến hành lễ cúng đu nhằm báo với tổ tiên trời đất rằng mùa xuân đã về. Già làng cũng cầu khấn các vị thần linh phù hộ cho người dân trong bản làng được mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Người Mường quy định chỉ những nam thanh nữ tú chưa có gia đình mới được tham gia vào hội đu. Bước vào hội đu, những người chơi đu cùng nhau hát một câu khai hội:
Cứ như vậy, người hò người đáp làm cho không khí của hội xuân diễn ra hết sức lãng mạn, bay bổng theo từng câu hát giao duyên của những nam thanh nữ tú. Khi đáp lại tất cả mọi người đều phải bắt đầu từ Hò gia ơi (Hò trả ơi…) đây chính là câu mời được ngân nga để mời người khác đối đáp lại. Những người có khả năng đối đáp nhanh, có gọng hò hay và nhớ được nhiều câu hò sẽ được những người tham quan cổ vũ, reo hò.
Nội dung của những câu hò, câu đối trong của những cô gái chàng trai người Mường là những câu hát giao duyên, gửi trao tình ý, tình cảm sâu sắc. Qua một vào câu hát, cô gái chàng trai nào dường như đã hiểu được tình cảm ẩn sâu trong những lời hát đó sẽ xin được dừng cuộc chơi và nhường chỗ đu đó cho những người khác. Họ chủ động hẹn hò nhau, mời nhau thăm nhà, làm quen với cả gia đình và bắt đầu cuộc hẹn hò trong mùa xuân đó.
Khi cảm thấy thực sự mến nhau họ có thể xin cho cội đu dừng lại để xuống đu, với lý do có thể họ muốn đưa cô gái ấy về nhà kẻo trời tối, trời mưa…bố mẹ cô gái sẽ lo. Đồng thời đó là sự khéo léo nhường chỗ trên đu cho người khác. Xuống khỏi đu cô gái chắc chắn sẽ còn nhiều e dè. Nhưng người con trai chủ động tiếp cận. Nếu cô gái mời về nhà thì đó là điều kiện tốt nhất để thăm nhà cô ấy, làm quen với cả ga đình và hẹn gặp nhau vào lúc nào đó trong hội đu xuân. Tất nhiên không dễ gì mà trong ngày một, ngày hai đã được các cô gái mời về nhà, vì các cô gái rất thận trọng trong việc làm quen. Hội đu xuân của người Mường là một hình thức sinh hoạt văn hóa giao duyên trong ngày xuân, nó còn là nơi giao lưu của cộng đồng gắn chặt tình đoàn kết.
Theo http://dotchuoinon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...