Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

Ngủ thăm - Phong tục độc đáo của người Mường, Hòa Bình

Ngủ thăm - Phong tục độc đáo của người Mường, Hòa Bình
TH-Cinet-DTV
Tối tối bản Mọc lại nhộn nhịp bước chân 
các chàng trai đi cạy cửa ngủ thăm
Người Mường (Hòa Bình) còn tồn tại một phong tục rất độc đáo, đó là “ngủ thăm”. Nếu mọi chuyện tốt đẹp, sau vài lần ngủ thăm, chàng trai sẽ mang bạc trắng, lợn béo sang hỏi cô gái làm vợ.
Đây là một tục lệ đã có hàng nghìn năm tuổi của đồng bào các dân tộc thiểu số Thái, Mông, Dao, Mường… Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, tục ngủ thăm nhiều nơi đã không còn tồn tại. Chỉ có ở bản Mọc, xã Đồng Nghê tục cạy cửa ngủ thăm vẫn còn được giữ gìn nguyên sơ.
Tối tối khắp xóm lại nhộn nhịp bước chân trai tráng trong làng và thanh niên các xóm lân cận. Các chàng trai bản Mọc bắt đầu biết cạy cửa từ lúc mới 14 tuổi. Tất cả con trai trong bản đều nắm rõ nhà nào có con gái mới lớn, then cửa chỗ nào, bên trong có gậy chống hay không, nhà có mấy con chó… Bất kể nhà nào, cứ có con gái chưa chồng từ 14 tuổi trở lên, con trai đều có thể đến cạy cửa ngủ thăm. Nhiều nhà còn tự hào vì con gái mình có nhiều người đến ngủ thăm.
Khi đêm xuống, các chàng trai chưa vợ có thể cạy cửa nhà các thiếu nữ mới lớn để chui vào tán tỉnh. Vào được rồi, chàng ta sẽ nằm xuống bên cạnh cô gái và phải để tự bàn tay cô gái ấy tắt hay vặn nhỏ ngọn đèn. Hai người chỉ được trò chuyện, tâm sự ở tư thế chung chăn, chung gối mà không được chạm vào người nhau.
Tuy nhiên, một chàng trai sau khi cạy cửa vào được nhà, chui được vào màn nhưng chưa chắc đã được các thiếu nữ cho ngủ thăm. Có cô gái dửng dưng, có cô cự tuyệt, có cô hét toáng lên khiến một số chàng chưa đủ kinh nghiệm non gan chạy “mất dép”.
Theo phong tục của người dân nơi đây, người lạ muốn cạy cửa ngủ thăm thì phải xin phép trưởng bản trước, nếu không sẽ bị trai bản đánh chết.
Người Mường xưa cho rằng, tình cảm không chỉ là chuyện riêng tư của đôi trai gái mà còn là mối quan tâm chung của thổ thần (thần đất, quán xuyến công việc của mỗi nhà), tổ tiên và gia đình. Do đó người con trai (từ 15 tuổi trở lên) phải cạy cửa vào tận giường tâm tình cùng người con gái trước sự chứng kiến của ba bề, bốn bên.
Hành động cạy cửa cũng chính là dịp để thử tài khéo léo, giỏi giang của chàng trai. Việc “vào tận nhà, xà tận giường” đối tượng cũng chính là dịp để người con trai tìm hiểu gia cảnh của người con gái mà mình có thể lấy làm vợ… Sau vài đêm đêm tìm hiểu như thế, cô gái sẽ có quyền quyết định cho chàng trai “ngủ thật” hay không. Nếu mọi chuyện tốt đẹp, sau vài lần ngủ thăm, chàng trai sẽ mang bạc trắng, lợn béo sang hỏi cô gái làm vợ.
Giờ đây, mặc dù đời sống văn hóa có nhiều đổi thay, nhưng tối tối bản Mọc vẫn nhộn nhịp bước chân các chàng trai đi cạy cửa ngủ thăm. Đó là một nét văn hóa riêng, độc đáo của người Mường nơi đây.
Trang phục dân tộc Mường.
Trang phục dân tộc Mường
TQ-DTV
Theo truyền thống, một bộ trang phục nam người Mường gồm có áo ngắn, áo chùng, quần, thắt lưng, khăn…
Áo cánh ngắn bốn thân của người Mường được may từ vải bông hay vải tơ tằm, vạt dài gần chấm mông, vai có miếng vải mềm hình lá sen, tiếng Mường gọi là lá hôi, hai bên hông áo xẻ tà. Nẹp áo ngực đơm khuy cài cúc, ba túi, hai túi to phía dưới hai vạt trước bà túi nhỏ trên vạt ngực trái tay nối liền với cầu vai. Áo cánh nam may vừa, tạo dáng khoẻ khoắn của đàn ông.
Quần vải chàm may rộng trùng với mắt cá chân, cạp to, khi mặc dùng dây vải buộc ngoài cho chặt, nay người ta may cạp quần dải rút. Ngày xưa, nam giới Mường còn dùng thắt lưng nơi eo bụng, còn gọi là khăn quần. Loại thắt lưng này dài gần bằng cái tên của người phụ nữ, thắt xong để xõa mối xuống chấm đầu gối, mà có người cho đó là dấu vết của dải khố ngày xưa.
Xưa đàn ông búi tóc, trên đầu bịt khăn, mối khăn vòng sau gáy, gài dưới mái tóc. Còn loại khăn khác nữa ngắn hơn, bịt từ phía sau ra trước trán rồi thắt mối, hai mối khăn dựng nghiêng giống như hai cái sừng trông thật khoẻ khoắn và độc đáo.
Trong ngày lễ hội, đàn ông Mường mặc những bộ quần áo mới. Bộ nam phục trang trọng thường làm bằng vải lụa, màu tím, xanh, hoặc màu vàng tơ tằm đầu chít khăn màu tím than, thắt lưng lụa màu xanh đậm ngả tím, bên ngoài khoác thêm chiếc áo chùng lụa, màu đen, cổ cao, vạt dài phủ gối, cài khuy áo phía nách phải, hai bên tà áo xẻ cao.
Các sơn nữ Mường
Về trang phục nữ, người Mường thường mặc là áo ngắn (pắn). Đây là loại áo cánh ngắn, xẻ ngực, thân ngắn hơn áo cánh của người Kinh, ống tay dài. Trước kia, áo pắn chỉ có hai màu nâu và trắng nhưng nay, phong phú hơn với đủ mọi màu sắc.
Váy của phụ nữ Mường là váy đen dài, đầu váy được trang trí bằng những hoa văn thổ vẩm nổi bật do người con gái Mường tự dệt nên. Chiếc váy còn rất ấn tượng khi cạp váy ôm sát thân, cạp hoa phô trước ngực, thắt lưng xanh, tấm khăn trắng đội đầu và vòng kiềng sáng lóng lánh, tất cả đều tạo nên sự duyên dáng và khéo léo của người phụ nữ Mường từ xưa đến nay.
Phần lớn trang phục nữ đều do họ tự làm, từ khâu dệt vải, nhuộm màu đến trang trí hoa văn. Người Mường có công đoạn nhuộm thân váy khá công phu, tạo nên màu vải vừa bền nhưng có độ bóng rất cao. Phụ nữ Mường ra công nhuộm hồng hoặc đỏ, xanh, điểm vào những bông hoa. Cách tạo những bông hoa này không phải do thêu, dệt mà là do tài khéo nhuộm. Khi nhuộm người ta thắt nút vải lại, sao cho những chỗ đó thuốc nhuộm không thấm vào được, nhuộm xong, nơi đó hiện lên những bông hoa trắng giữa nền hồng, đỏ hay xanh, chỗ thưa chỗ mau. Khi ngồi nẹp trong gấu váy lộ ra từng đoạn đủ khoe màu bông hoa.
Người Mường quan niệm chiếc váy là yếu tố đóng vai trò trung tâm của bộ nữ phục. Nó không chỉ phủ từ thắt lưng trở xuống mà còn che cả phần ngực. Hơn thế nữa, trên phần cạp váy che ngực là nơi duy nhất người phụ nữ Mường dụng công trang trí, là một mảng quan trọng còn lại của nghệ thuật tạo hình cổ truyền dân tộc.
Trang phục của người Mường càng đặc sắc và nổi bật bởi sự hỗ trợ của rất nhiều đồ trang sức như khuyên tai, trâm cài đầu, vòng cổ, vòng tay, xà tích. Ngày thường, những đồ trang sức này như là thứ vật quý, nhất là những đồ trang sức bằng bạc, người ta cất giữ trong hòm, trong rương.
Vào những ngày lễ tết, hội hè, cưới xin phụ nữ mới mang ra dùng. Đôi vòng cổ bằng bạc sáng lóng lánh đã thực sự là bộ phận trang phục không thể thiếu được của phụ nữ Mường. Người Mường dùng hai loại vòng cổ (lằm), loại dẹt có nổi gờ ở giữa gọi là lằm ba, loại tròn gọi là lằm lâm. Trên mặt vòng cổ lằm ba trạm trổ hoa văn hình dây rất tinh tế còn trên vòng lằm lâm thì chỉ trạm văn hoa thị. Phụ nữ Mường ít đeo vòng đơn, mà thường đeo vòng kép, một chiếc vòng to một chiếc vòng nhỏ.
Tuy nhiên, những người quyền quý ở Mường vẫn hay đeo chuỗi hạt cườm hay còn gọi là pươn khau và bộ xà tích bằng bạc.
Chiếc Khăn duyên – biểu tượng cho 
lòng chung thủy của phụ nữ Mường.
Chiếc Khăn duyên – biểu tượng cho 
lòng chung thủy của phụ nữ Mường
TQ-DTV
Trang phục của thiếu nữ Mường cùng với những bản sắc văn hoá dân tộc đặc trưng luôn để tạo ấn tượng đẹp cho du khách. Trong đó, phải kể đến chiếc Khăn duyên minh chứng cho sự thủy chung.
Ngoài nghề trồng lúa nước, người Mường còn có cả tập quán chăn nuôi và nghề thủ công. Trong đó đáng chú ý hơn cả là nghề dệt vải làm trang phục. Trang phục truyền thống của phụ nữ Mường không cầu kỳ như váy áo cua dân tộc Dao, không rực rỡ hoa văn như dân tộc Mông, nhưng váy áo Mường lại thể hiện được nét duyên dáng, tinh tế và dường như ẩn chứa sự dịu dàng kín đáo của người phụ nữ Mường.
Với chiếc yếm bên trong, áo dài, áo ngắn bên ngoài, đi cùng chiếc váy và giải thắt lưng duyên dáng, điểm xuyết bằng những chiếc vòng bạc, những chuỗi hạt cườm quý giá, bên hông là bộ xà tích bằng bạc buông lơi… Tất cả đều thật đẹp nhưng sẽ thật thiếu cho bộ trang phục của người phụ nữ Mường nếu không có thêm dải khăn buộc đầu màu trắng – Chiếc khăn đội đầu chỉ là một dải vải trắng không viền, rộng chừng một gang tay, khoảng 15cm, dài khoảng 50 – 60 cm quá vòng đầu để thắt sau gáy theo kiểu thắt vặn, không luồn dưới tóc. Chiếc khăn này dùng để giữ cho nếp tóc được gọn gàng, che cơ thể trước nhiệt độ, thời tiết và những bất trắc ở núi rừng. Một chi tiết tuy rất đơn giản nhưng lại mang một ý nghĩa sâu sắc.
Sơn nữ Mường
Huyền tích dân tộc Mường về chiếc khăn cũng rất lãng mạn, nó là vật chứng cho tình yêu vĩnh cửu:
“Xưa lắm ở Mường Dậm có chàng trai nghèo tên Khỏe yêu đắm đuối cô con gái nhà lang xinh đẹp tên là Út Dô. Do khác biệt về thân thế, bị gia đình ngăn cản, đôi trai tài, gái sắc không lấy được nhau đã dẫn đến một mối tình tuyệt vọng. Chàng Khỏe để bảo vệ bản làng đã tạm biệt người yêu và đã một mình chiến đấu với hai con hổ. Sau nhiều ngày giao tranh, chàng Khỏe đã ôm cả vợ chồng hổ dữ lao xuống vực sâu ở núi Zang. Người dân Mường tránh được tai họa thú dữ, nhưng nỗi đau mất người yêu của nàng Út Dô chẳng ngày nào vơi cạn. Ngày ngày, nàng Út Dô vẫn ra bờ suối nơi chia tay với Khỏe để ngóng đợi người tình. Út Dô lấy mảnh vải trắng chưa kịp nhuộm màu mà chàng Khỏe xé ra từ vạt áo tặng lại để lau nước mắt. Vào một đêm trăng sáng, nàng Út Dô đã chết, thân thể nàng hóa cây clang nở hoa trắng dọc hai bên suối.”
Từ đó, tất cả phụ nữ Mường đều đội một cái khăn trắng trên đầu để tưởng nhớ Út Dô và chàng Khỏe… Chiếc khăn duyên không chỉ giữ cho nếp tóc được gọn gàng, che cơ thể trước nhiệt độ thấp ở vùng núi rừng, mà còn gắn với nhiều sinh hoạt cộng đồng và có những ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.
Chiếc khăn duyên đội đầu đã luôn gắn bó, khó rời với mái tóc của người phụ nữ Mường từ khi e ấp tuổi thanh xuân đến lúc thành bà, thành mế. Mảnh vải trắng đội đầu của người phụ nữ Mường không hẳn là chiếc khăn tang cho mối tình tuyệt vọng của chàng Khỏe và nàng Út Dô, mà màu trắng của chiếc khăn cũng như màu trắng của những bông clăng là biểu tượng cho sự chung thủy, trong trắng của người con gái Mường. Đồng thời nó cũng thể hiện những khát vọng hạnh phúc lứa đôi của người Mường, những khát vọng nhỏ nhoi, giản dị nhưng thật đáng quý…
Theo http://dotchuoinon.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...