Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Trông người mà ngẫm đến ta

Trông người mà ngẫm đến ta
Bấy lâu nay, tôi luôn quan tâm đến diễn biến của nền văn chương đương đại Trung Quốc vốn có nhiều điểm gần gũi với hoàn cảnh nước ta. Tôi đồng thời ưa lắng nghe những ý kiến bàn về văn chương thường trung thực và sống động của các nhà văn, như là một cách bổ trợ tích cực cho phần thiếu hụt của hệ thống lý luận văn chương còn mang nặng tính học đường và học viện hiện nay. Vậy nên, khi cầm trên tay số báo “Văn nghệ” ra ngày 6 –5- 2000, tôi lập tức bị hút vào tiêu đề của bài báo “Lắng nghe nhà văn”, trong đó phản ánh quan niệm văn chương của các nhà văn Trung Quốc qua cuộc điều tra tương đối quy mô vào đầu năm 1999. Với tinh thần từ người mà nghĩ đến mình, tôi xin đưa ra một vài thu hoạch của bản thân, rất mong được bạn đọc cùng xem xét.
1. Đánh giá bao quát về diện mạo văn chương Trung Quốc đương đại
Khoảng 40% số người được hỏi cho rằng: “So với các giai đoạn lịch sử từ khi dựng nước, bây giờ là thời kỳ cuộc đột phá của sự phát triển văn học đang được thai nghén”(*). Tinh thần cơ bản của nhận định, theo ý tôi, khá phù hợp với thực chất của văn chương thời kỳ đổi mới ở ta. Nhưng cái quan trọng nhất là ở tiêu chí đáng giá. Các nhà văn Trung Quốc không dùng tiêu chí cũ để xem xét nền văn chương đang biến đổi. Họ nhận ra sự chuyển biến về chất theo xu hướng hiện đại hóa, nhân loại hóa, và xem đây chính là cơ sở chủ yếu để nhìn nhận cái được và cái chưa được của văn chương đương đại. Thiết nghĩ, điều này buộc nhiều nhà nghiên cứu và phê bình ở nước ta phải suy ngẫm lại.
Chả là rất nhiều lần, trên báo chí, ta nghe những nhận định đại loại như sau : “Truyện ngắn được mùa”, “tiểu thuyết có dấu hiệu chững lại”, “thơ đang cựu mình theo xu hướng đa dạng hóa”, “lý luận phê bình thì yếu kém”. Những đánh giá trên, về đại thể, vẫn chủ yếu dựa vào những thành tựu đã định hình của ngày hôm qua để nhìn nhận văn chương đang thay đổi với “gia tốc lịch sử “(chữ dùng của nhà văn Phong Lê) của ngày hôm nay, nghĩa là còn căn cứ vào những tiêu chí cũ đã bị thực tế văn chương hiện đại vượt qua. Nếu dựa vào cơ sở vừa nêu ở trên thì có lẽ sự đánh giá sẽ rất khác. Ta lại có thể nói thế này : “Thơ có nhiều thành tựu”, “tiểu thuyết đang chuyển mình”, “lý luận phê bình đang trăn trở tự đổi mới”, còn “truyện ngắn thì chưa có dấu hiệu khởi sắc”.
Tôi thử phân tích theo hướng này. Văn chương thời đổi mới đạt được nhiều thành công hơn cả chính là thi ca. Ở đây, ta không căn cứ vào “lượng”, mà dựa vào “chất”. Cũng không phải là “chất thơ” chung chung mà là những bước chuyển đầy quả cảm mang tính quyết định theo hướng  hiện đại hóa hòa nhập vào xu trào chung của nhân loại ở dòng thơ trẻ trong khi vẫn không tách rời cội nguồn dân tộc . Thứ đến là tiểu thuyết. Nếu ai để ý một chút sẽ có thể nhận ra sự vỡ vạc từ trong sâu thẳm quan niệm của các nhà tiểu thuyết. Chứng tỏ họ không thỏa mãn với dạng tiểu thuyết cũ , cả về tinh thần lẫn thi pháp. Thực tế họ viết ít hoặc viết mà chưa được đông đảo công chúng thừa nhận là có nguyên do sâu xa từ đây. Kế theo là lý luận, phê bình. Có bộ phận sơ cứng, ít biến đổi. Đáng lưu ý là có một bộ phận đang ưu tư tìm tòi về quan niệm và đang mạnh dạn thể hiện cách nhìn mới ấy qua phê bình. Họ có tiếp thu trên tinh thần phê phán mọi quan niệm văn chương hiện đại của nước ngoài, chủ yếu là của Âu – Mỹ. Phần chính là họ biết xuất phát từ nhu cầu đổi mới tư duy lý luận tự nhiên của dân tộc và thời đại. Cuối cùng ta mới kể đến truyện ngắn. Hầu như thể tài này chưa có thay đổi gì thật đáng kể. Chỉ do ngắn nên người ta đọc nhiều; chỉ do viết theo cách quen thuộc nên người ta dễ tiếp nhận. Nếu xét truyện ngắn đã đưa lại những gì thật mới mẻ về cách thức tiếp cận đời sống, nhất là về thi pháp, thì có lẽ ta dễ thống nhất với nhận định vừa nêu.
Tôi nghĩ thời nào có kiệt tác của thời ấy. Xin hãy dùng tiêu chí đánh giá văn chương từ sự đổi mới toàn diện và triệt để trong quan niệm, khi ấy chắc mọi sự sẽ khác.
2. Lợi hại của nền kinh tế thị trường đối với sự phát triển của văn chương
Tôi rất thích đọc những ý kiến xác đáng của các nhà văn Trung Quốc xoay quanh thoại đề thú vị này. Chắc cũng nhiều suy nghĩ thiết thực và bổ ích cho chúng ta gợi lên từ đó.
Cái lợi lớn nhất của nền kinh tế thị trường, theo các nhà văn Trung Quốc, chính là”sự đa dạng hóa quan niệm văn học” (chiếm 46%)  đưa đến “sự đa dạng hóa sáng tác văn học” (chiếm 65%) . Sau nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy lý luận văn chương ở bậc đại học, mãi tới gần đây, tôi mới vỡ ra một điều là, không thể kiên trì một lối nhìn duy nhất (rất có thể là đúng nhất) để xem xét đặc thù của văn chương mà lại mong thuyết phục nhiều người cho nổi. Văn chương là một thực thể tinh thần kỳ diệu vào bậc nhất của con người và xã hội. Nó như viên kim cương đa diện đa màu trước ánh sáng mặt trời. Nhìn ở những góc độ khác nhau , viên kim cương sẽ ánh lên những sắc diện sắc màu khác nhau. Hãy bằng nhiều cách tiếp cận mới mong tiến gần tới một ý niệm tương đới đầy đủ về nó. Có lẽ vì vậy mà những người am hiểu rất  ngại đưa ra một quan niệm nào đó về văn chương. Họ biết khi ấy rất khó tránh khỏi phiến diện nên dễ rơi vào lố bịch. Do vậy cần xem sự đa dạng hóa quan niệm về văn chương chính là bước tiến có tính đột khởi theo xu hướng hiện đại. Sau đấy mới có thể nói đến sự đa dạng hóa trong sáng tác. Bởi, với chúng ta, sáng tạo văn chương cơ bản là hoạt động mang tính tự giác của ý thức. Nhà văn có thể nói ra, cũng có thể không, nhưng bao giờ cũng viết dưới ánh sáng của một quan niệm văn chương nào đó. Sự đổi mới theo xu hướng đa dạng hóa về quan niệm cần được xem là bước quyết định mang tính định hướng lâu dài. Có thế, văn chương mới mong bao quát được mọi biểu hiện đa tạp của thực tại, để rồi mới mong thỏa mãn được nhu cầu thẩm mỹ đa dạng của bạn đọc thời nay.
Còn cái bất lợi lớn nhất mà nền kinh tế thị trường đem tới cho văn chương, theo quan niệm của các nhà văn Trung Quốc, là gì ? Đó là “chủ nghĩa lý tưởng đang ngày một phai mờ” (chiếm 33%), nên“cái thiếu thốn nhất của văn học đương đại là sự cao thượng”(chiếm 30%). Đó cũng chính là điều đáng bận tâm ở ta. Nhiều người hiện giờ còn đồng nhất văn chương mang khuynh hướng minh họa đáng trách cứ một thời với văn chương giàu chất lý tưởng đáng học hỏi mọi thời. Có lẽ trong trường hợp này đã xuất hiện một sự ngộ nhận  tai hại. Với chúng ta, mọi giá trị văn chương bao giờ cũng dồi dào chất nhân văn, chất dân tộc. Nói một cách khác, văn chương theo xu hướng đổi mới càng phải không ngừng gia tăng tính lý tưởng trong khi vẫn duy trì tính hiện thực. Tuy nhiên, theo các nhà văn Trung Quốc, cái nguy hại lớn nhất của nền kinh tế thị trường lại là ở “việc hám danh cầu lợi” ( chiếm 58%). Dường như chúng ta chưa ý thức được hết mặt trái trầm trọng này tới nhân cách nhà văn. Đấy là chưa nói, có người còn xem lợi danh là  lẽ thường tình ở đời. Lại càng thường tình hơn đối với người cầm bút khi xã hội chưa lo đủ cho họ về vật chất, khi sứ mạng của họ là phải để lại sự nghiệp trước tác cho đời. Ở đây ta cần phân biệt danh lợi như một điều kiện tất yếu để tồn tại với danh lợi như là mục đích tối thượng của đời người. Thử hỏi, một nhà văn suốt đời đeo đuổi hư danh và trục lợi liệu có còn xứng đáng với thiên chức cao quý của mình ? Cái gọi là sự đóng góp của họ chắc chắn cũng tầm thường như chính mục tiêu mà đời họ đeo đẳng.
Tuy vậy, “xét từ lâu, từ dài mà nói, ảnh hưởng mặt phải của nền kinh tế thị trường sẽ lớn hơn ảnh hưởng mặt trái của nó”. Rồi thực tế sẽ đưa ra câu trả lời, nhưng hiện giờ  chúng ta vẫn hoàn toàn có cơ sở để tin vào những lời tiên đoán này.
3. Về chủ nghĩa hiện thực
Tôi để ý tới những thông tin sau: “Khoảng 40% người được hỏi chỉ xem chủ nghĩa hiện thực là một thủ pháp sáng tạo, còn khoảng 41% lại xem nó là một thứ tinh thần sáng tạo”. Riêng ở điểm này, có dịp tiếp xúc với nhiều nhà văn, lắm khi tôi không khỏi sững sờ vì ngoài chủ nghĩa hiện thực ra, dường như họ không quen thậm chí không chấp nhận những phương pháp sáng tác khác. Phải nói là ta chưa bao giờ xem nhẹ những đóng góp quý giá và to lớn của chủ nghĩa hiện thực vào kho tàng văn chương dân tộc và nhân loại. Nhưng bên cạnh những cái hay dễ thấy, chủ nghĩa hiện thực cũng còn có nhiều cái dở khó thấy hơn, cần được bổ trợ từ các phương pháp sáng tác khác. Ngay thời kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ta cũng chưa bao giờ xem chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là phương pháp sáng tác duy nhất mà chỉ là phương pháp sáng tác tốt nhất thôi. Độc tôn một phương pháp sáng tác nào thực chất là tự trói tay chân mình một cách dại dột. Trong khi đời sống con người mới muôn màu muôn vẻ làm sao.
Nói vậy, không có nghĩa là chủ nghĩa hiện thực đã hoàn toàn lỗi thời. “Hơn 43% người được phỏng vấn cho rằng trong 10 năm tới chủ nghĩa hiện thực vẫn là chủ lưu của văn học”. Có điều, chủ nghĩa hiện thực phải thay đổi cho phù hợp với xu thế của thời đại. “Gần 40% số người được phỏng vấn cho rằng, con đường đột phá của chủ nghĩa hiện thực ngày nay là ở chỗ gợi mở được mối quan hệ mâu thuẫn giữa sự phát triển cá nhân với sự phát triển lịch sử xã hội”. Ngay cả điều này có lẽ cũng khiến các nhà viết văn xuôi ở ta phải suy nghĩ lại. Xu hướng cần tránh là không nên gắn chủ nghĩa hiện thực với chủ nghĩa công lợi vì thực chất đó là “sự phản bội” đối với chủ nghĩa hiện thực.
Tôi đặc biệt thấm thía khi biết rằng có tới 58% số người được hỏi chủ trương “thâm nhập cuộc sống đích xác là con đường tất yếu của việc sáng tác văn chương”. Như vậy có nghĩa là nền văn chương chân chính thời nào cũng vậy bao giờ cũng phải gắn bó với đời sống, giải đáp những vấn đề nóng bỏng và trọng yếu của đời sống. Rồi mọi thứ có thể qua đi và mọi điều có thể thay đổi, nhưng đây chắc chắn là một nguyên lý thẩm mỹ bất di bất dịch soi sáng những sáng tạo chân chính vì cuộc sống tốt đẹp của con người.
4. Quan hệ giữa nhà văn với nhà phê bình
Kết quả của cuộc thăm dò về vấn đề này không nằm ngoài dự kiến của nhiều người rằng còn tồn tại một khoảng cách khá lớn giữa giới nhà văn với giới phê bình. “Gần nửa số người được phỏng vấn đã tỏ ra hoàn toàn dửng dưng, hoặc thi thoảng quan tâm, hoặc kính nhi viễn chi với bình luận”. Điều đáng suy nghĩ là các nguyên cớ của những tiếng “thảo phạt phẫn nộ” ở những người tham gia cuộc điều tra khi hướng tới các nhà phê bình. “Số người nhận định bình luận văn học đang rơi vào cảm tình hóa, dung tục hóa chiếm tới gần 60%”. Hoàn toàn thích hợp nếu soi vào đời sống phê bình văn chương của ta trong thời gian qua. Cảm tình hóa thì quá rõ rồi ! Nhiều người viết phê bình chủ yếu vì nhà văn mình quen biết chứ đâu phải vì sự phát triển của nền văn chương dân tộc. Khen chê thiếu hẳn tính khách quan cần thiết. Bệnh dung tục hóa còn nặng nề hơn. Không ít bài viết chiếu lệ (khen một chút chê một chút) ; viết chung chung (đặt vào tập sách nào cũng đều hợp cả); viết hời hợt (thiếu phân tích làm nổi rõ bút pháp và phong cách); viết né tránh (ít có sự đánh giá, nhất là ít đưa ra những nhận định chung trong sự đối chiếu với sự đòi hỏi của văn chương); viết khô khan (thiếu rung động thẩm mỹ cần phải có); viết cẩu thả (nhiều sai phạm về lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu)…
Bước đột phá thúc đẩy phê bình văn chương nằm ở đâu? Theo các nhà văn Trung Quốc, trước hết, là “cần xúc tiến sự đa dạng hóa” phê bình (chiếm 34%) cũng rất thích hợp với ta. Rõ hơn là cần khuyến khích các bộ phận phê bình như : phê bình báo chí, phê bình nghệ sĩ, và phê bình chuyên nghiệp. Đặc biệt, cần mở rộng diện hoạt động và nâng cao chất lượng của phê bình chuyên nghiệp – bộ phận chủ chốt bao giờ cũng làm nên thành bại của một nền phê bình văn chương. Cũng cần đa dạng hóa phong cách phê bình : phong cách xã hội, phong cách thẩm mỹ, phong cách hình thức… Mạnh dạn đổi mới thi pháp phê bình : hết sức tránh khuôn sáo; tăng cường tranh luận và đối thoại một cách khoa học và có văn hóa…
Sau nữa, cũng theo các nhà văn Trung Quốc , là “cần tăng cường hơn nữa sự hiểu nhau giữa nhà văn với nhà phê bình” (chiếm 29%). Điều này đối với chúng ta cũng khỏi phải bàn. Sự cách xa, thiếu cảm thông giữa giới sáng tác với giới phê bình có nguyên nhân từ hai phía. Không thiếu nhà văn lên tiếng bất cần phê bình (trong khi, không có nền văn chương phát triển lành mạnh nào lại thiếu phê bình). Cũng không ít nhà phê bình cao đạo với nhà văn (trong khi, phê bình muốn mang lại hiệu quả xã hội rộng rãi lại không thể không gắn với sáng tác). Theo tôi, đã đến lúc, cả hai giới nhà văn và phê bình nên chủ động tháo gỡ hàng rào ngăn cách, xích lại gần nhau, trên tinh thần đồng nghiệp thân ái, tất cả vì sự phát triển của nền văn chương dân tộc.
5. Vấn đề ảnh hưởng của văn chương phương Tây
Về điểm này, trong phiếu điều tra có 4 mục lựa chọn là : chủ nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa cá nhân, chủa nghĩa phi lý tính, và tinh thần phê phán. Ngoài chủ nghĩa phi lý tính có số phiếu thấp nhất (17%), 3 mục còn lại là tương đương nhau.
Tôi thấy “chủ nghĩa cá nhân” dùng ở đây là không mấy thích hợp. Có lẽ nên thay bằng “cái cá nhân” hoặc “tính cá thể”. Vì khi nói “chủ nghĩa”, theo thói quen sử dụng ngôn ngữ thông thường, là nghiêng hẳn về phiá cá nhân, đối lập với cộng đồng. Như thế là đáng tránh hơn là đáng theo. Riêng “cái cá nhân” là đúng và cần trong xã hội hiện đại.
Tôi còn lưu ý tới điều này: 
“Mặc dầu có những ý kiến chia rẽ và lý giải khác nhau đối với sự phát triển chủ nghĩa hiện đại ở Trung Quốc, nhưng vẫn còn một điểm chung đồng: Chủ nghĩa hiện đại đã chưa được vận dụng đúng đắn”. Đối với văn chương ở ta, nhất là thơ, nhận xét này có lẽ thích hợp hơn cả. Nhiều trào lưu thi ca ở Âu Mỹ đã ảnh hưởng đến ta. Chưa hết những khuynh hướng “bám gió theo trào”. Sự học hỏi mới dừng ở mức độ sơ khai, nên sống sượng, hời hợt, chưa chiếm được cảm tình và lòng tin của bạn đọc và của giới phê bình. Tai hại hơn là vì thế mà công chúng có phần hoài nghi thậm chí dửng dưng với khuynh hướng học hỏi nghiêm túc có thành quả của không ít các nhà thơ trẻ.
Tôi xin được kết thúc những thu hoạch nghề nghiệp chắc còn sơ sài và khiếm khuyết của mình nhân một bài báo dịch từ Trung Quốc với niềm hy vọng tốt đẹp vào nền văn chương dân tộc trườc thềm thiên niên kỷ mới.
Phạm Quang Trung
Theo http://www.pqtrung.com/


1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...