Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Đến với mùa xuân trong bài “Du xuân” của Nguyễn Thị Huệ

Đến với mùa xuân trong bài 
“Du xuân” của Nguyễn Thị Huệ 
Xin trân trọng giới thiệu
Đến với mùa xuân trong bài “Du xuân” của Nguyễn Thị Huệ “Thơ Đường  tỉnh Thái Nguyên”
Du xuân
Ai ơi: xuân đã đến đây rồi
Thấp thỏm bao ngày mới tới nơi
Mặt đất choàng xanh màu áo mới
Bầu trời trải rực sắc hoa tươi
Ta về thi hội nghe câu hát
Mình đến vườn thơ đọ tứ chơi
Náo nức ngày vui tình thắm nở
Rộn ràng nghĩa đẹp mãi sinh sôi
Bài thơ muốn nhắc đến ngày xuân, một mùa xuân, mùa của du lịch, mùa của các lễ hội trong cả nước, mùa của cây trái đâm chồi nảy lộc, mùa của hoa lá ngập tràn trên mọi miền của đất nước mùa muôn loài sinh sôi nảy nở và cũng là mùa mọi người đua nhau đi du lịch, đi lễ hội ở các đình chùa miếu mạo... để cầu tài, cầu lộc, cầu danh... hay mong cho mình có sức khoẻ trong năm tới được mọi sự như ý.
Hai câu mở tác giả viết:
“Ai ơi! xuân đã đến đây rồi”
Tác giả vận dụng từ ngữ khéo léo với đại từ chỉ tên “Ai” cộng với từ “ơi” một tiếng gọi, một lời nhắc nhở mọi người xuân đã đến. Mùa xuân đến mọi người đang mong đợi, chờ đón để cùng nhau thực những mục đích những ước mơ ý nguyện của mình tác giả viết:
“Thắp thỏm bao ngày mới tói nơi”
Đúng thế khi gần tết đến xuân về, mọi người ai ai cũng chờ đợi mong ngóng, đón đợi mùa xuân ấm áp được hưởng cái ấm nắng của mùa xuân và hạt mưa bụi lất phất, tiết trời xuân còn se lạnh của cuối đông, cây trái cũng đâm chồi nảy lộc.
Hai câu thực:
Mặt đất choàng xanh màu áo mới
Bầu trời trải rực sắc hoa tươi
Mùa xuân mùa của muôn loài cây cỏ đâm chồi nảy lộc ra hoa kết trái Nguyễn Thị Huệ chị đã khai thác những hình ảnh đẹp, tươi mát, với lối vi von so sánh làm người đọc cảm thấy một màu xanh một màu xanh non mơn mởn với động từ “ choàng xanh” có khác gì con người choàng lên người một bộ đồ mới đẹp mắt cảm thấy lạ lẫm đẹp mắt hay cả một không gian, một bầu trời trải rực một màu hoa xanh, đỏ, tím, vàng thật xuân thật đẹp rất đúng cái nghĩa của mùa xuân, mùa của hoa lá. Chỉ một từ trải thôi ta đã đủ thấy tác giả muốn khơi dậy cái sắc màu của hoa lá rộng đến mức nào với bao màu sắc đẹp tươi tắn. Những vế đối của câu thơ, từng cặp thật hoàn chỉnh:
Mặt đất > < Bầu trời
Choàng xanh > < Trải rực
Mùa áo mới > < Sắc hoa tươi
Tác giả mô tả rõ nét của ngày xuân, một màu xanh, một màu hoa tươi đẹp đẽ trải rộng mênh mông:
Hai câu luận:
“Ta về thi hội nghe câu hát
Mình đến vườn thơ đọ tứ chơi”
Chị muốn gửi gắm cho độc giả biết đây là mùa hội một mùa nên thơ làm cho người yêu thơ phải say thơ về với hội làng hội thơ để nghe hát, nghe thơ
“Ta về thi hội nghe câu hát”
Một câu thơ rất tế nhị hình như tác giả muốn nhắc đến hai người đi hội làm thơ, câu thơ tình tứ với cặp đối hoàn hảo làm cho bài thơ thêm sống động:
Ta về > < Mình đến
Thi hội > < Vườn thơ
Nghe câu hát > < Đọ tứ chơi
Câu thơ gợi lên cả một sự say đắm của tác giả, một niềm vui trí tuệ có tính chất nhân văn sâu sắc
Hai câu kết càng nổi lên sự sống động cảnh xuân tết vui tươi, nhộn nhịp, tấp nập của mùa xuân:
“Náo nức ngày xuân tình thắm nở
Rộn ràng nghĩa đẹp mãi sinh sôi”
Thật vậy ngày xuân tết từ già đến trẻ mọi người đều náo nức trẩy hội du xuân nơi này, nơi khác, đến các đình đền chùa miếu để cầu tài, cầu lộc, cầu danh... người đi ngược, kẻ về xuôi tấp nập rộn ràng Vũ Đình Liên đã viết:
“Mùa xuân hoa đào nở
 Lại thấy ông đồ già
 Bày mực tàu giấy đỏ,
 Bên phố đông người qua...”
Thật tấp nập đông vui. Tác giả đã dùng những hình ảnh “ náo nức, rộn ràng” để mô tả sự tấp nập đông vui nhộn nhịp.
Tóm lại bài “Du xuân” là một bài thơ luật đường mô tả mùa xuân, một mùa lễ hội, mùa của mọi người đi hội, đi du lịch để khám phá và tham quan những di tích lịch sử hay những thắng cảnh trên mọi miền của đất nước mà tác giả đã miêu tả mà gợi lên bao cảnh đẹp của mùa xuân mùa của hoa lá đâm trồi nảy lộc, mùa sinh sôi nảy nở của muôn loài cây cỏ. Tác giả vận dụng và sử dụng biện pháp tu từ ví von so sánh nhân hoá để diễn tả một mùa xuân cây cối xanh tươi, con người và cây trái thật đẹp. Bài thơ có tính nhân văn làm độc giả cảm nhận được cái tinh tuý của mùa xuân mà mọi người ai ai cũng thích.
 Hoàng Anh
 Theo http://thoduongdatviet.com/

                                                              


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...