Nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra kết luận này : Mặc dầu đạt
được nhiều thành tựu đáng kể, cho tới giờ, văn chương viết về chiến tranh và
cách mạng ở nước ta chưa thật tương xứng với những chiến công hiển hách cùng những
hy sinh to lớn của dân tộc trong suốt hai cuộc kháng chiến vừa qua.
Về
đại thể, đây là một nhận xét đúng, tuy cần được phân tích cụ thể cho thấu đáo
hơn. Chẳng hạn, theo tôi, có lẽ khái quát trên phù hợp với hiện trạng truyện mà
không mấy thích hợp với hiện trạng thơ. Có thể nói không sợ qúa rằng, trên
thực tế, thơ viết về chiến tranh và người lính của ta đã hoàn thành xứng đáng sứ
mệnh mà lịch sử và nhân dân giao phó. Ở đây không thể liệt kê được hết những
bài thơ đặc sắc, những tên tuổi sáng chói xuất hiện trong chiến tranh và sau
hòa bình, mặc áo lính hay mặc thường phục, sẽ có chỗ đứng vững chãi trong lịch
sử thơ ca của dân tộc.
Thành
tựu thi ca viết về chiến tranh và người lính được lý giải bởi nhiều nguyên do.
Dung lượng nhỏ thích hợp với thời chiến khi mọi người đang dồn công sức và thì
giờ cho chiến thắng, cũng thích hợp hơn với gian đoạn đầu của thời bình khi cuộc
sống còn ngổn ngang bao trở ngại, khó khăn. Đặc biệt, trong hoàn cảnh chiến
tranh ở ta, tâm thế sáng tạo thi ca có những ưu thế nổi trội. Cảm hứng thơ bao
giờ cũng mang tính trực tiếp tức thời :
Câu
thơ đến thường tình và đột biến
Như
cánh rừng bất chợt nở đầy hoa
(Anh
Ngọc)
Chất
lý tưởng nâng cánh thi ca hơn là chất hiện thực:
Họ
làm thơ khi gùi gạo trên lưng
Lưng
trĩu xuống nhưng vần thơ bay bổng
Thơ
với đời gắn bó với nhau, người làm thơ và người đọc thơ cảm thông với nhau - sự
gắn bó và cảm thông lạ kỳ đến mức hiếm có. Tôi nghĩ, nền thi ca cách mạng Việt
Nam (chủ yếu là thi ca viết về chiến tranh và người lính) không thua bất kỳ nền
thi ca hàng đầu nào trên thế giới ở thế kỷ hai mươi này. Chỉ tiếc là ta chưa có
những tài năng đặc biệt xuất sắc. Vẻ đẹp nghiêng về đội ngũ, chung cho cả một nền
thơ.
Riêng
với hiện tình của truyện, rộng ra của văn xuôi, thì kết luận nói trên của những
nhà nghiên cứu xem ra không phải bàn cãi gì thêm. Điều này đặc biệt phù hợp với tiểu
thuyết sử thi.(*)
Ai
cũng biết mỗi thể tài văn chương có vị thế riêng nhằm thỏa mãn những nhu cầu thẩm
mỹ riêng. Tiểu thuyết sử thi đặt ra những vấn đề xã hội lớn với tầm bao quát lịch
sử rộng, không thể thiếu trong mảng đề tài chiến tranh cách mạng. Điều này lý
giải những dự định sáng tác dài hơi đã và đang được nhiều nhà văn thực hiện, và
trong số đó không ít người coi đây là những ấp ủ sáng tạo cuối cùng của đời mình.
Điểm qua những bộ tiểu thuyết dầy dặn viết về chiến tranh, ta có thể nhận ra một
số hạn chế chủ yếu sau :
-
Sự kiện lấn át nhân vật
-
Nặng tính tư liệu, giá trị văn chương chưa cao
-
Số phận, đường đời nhân vật chưa ăn nhập với lôgíc lịch sử
Không,
tôi không có ý trách cứ các nhà tiểu thuyết. Họ đã gắng sức và đã làm được nhiều
việc có ý nghĩa. Vả lại, viết những bộ tiểu thuyết thành công về những năm
tháng chiến tranh trong điều kiện vừa qua đâu phải dễ. Tôi chỉ muốn nói, sự
trông chờ của công chúng yêu thích văn chương, của sự nghiệp văn chương nước
nhà đối với các nhà văn thì vẫn còn nguyên đó. Và tôi muốn nói thêm, đã đến lúc
các nhà văn nên bắt tay ngay vào công việc với ý thức: Hoặc là lúc này hoặc là
không bao giờ cả! Vì sao vậy?
1.-
Muốn viết hay về chiến tranh phải ít nhiều trải qua chiến tranh. Nhìn vào đội
ngũ của chúng ta, không phải đã hết những điều đáng lo ngại. Các nhà văn dầy dạn
chiến trận hoặc đã già yếu “lực bất tòng tâm” hoặc lo công tác quản lý, biên tập,
ít thời gian chuyên dành cho sáng tác. Những nhà văn khác rảnh rỗi hơn lại viết
cầm chừng, nhất là ưa viết hồi ký, công việc không phải lao tâm khổ tứ nhiều bằng
viết truyện.
2.-
Muốn viết một bộ tiểu thuyết sử thi về chiến tranh phải thật giàu tâm huyết. Qủa
thật vẫn còn một số nhà văn chưa ý thức được hết ý nghĩa của những trang viết về
cuộc chiến đã qua. Họ thích viết về những vấn đề thuộc đời sống hiện tại hơn. Đấy
là chưa nói cuộc sống vật chất của phần đông nhà văn còn thiếu thốn. Chế độ nhuận
bút có nhiều điều bất hợp lý. Tách mình ra khỏi cuộc sống đời thường, dồn sức
cho các sáng tác dài hơi qủa là một thách thức lớn.
Nhưng,
biết làm sao được! Món nợ tinh thần vẫn còn nguyên đó. Người cầm bút có trách
nhiệm không quên và không thể nào quên. Cần tranh thủ nắm bắt những thuận lợi của
thời kỳ mới, phát huy sức mạnh của mỗi người để tạo ra những tác phẩm lớn viết
về chiến tranh và người lính trong thời gian tới. Được vậy, bạn đọc chúng ta mới
có cơ sở để mong chờ...
(*) Trong văn xuôi, có lẽ truyện ngắn đạt được nhiều thành tựu hơn
cả
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét