Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Người mang Đà Lạt về xuôi

Người mang Đà Lạt về xuôi
 Kể ra, với Đà Lạt, tôi vẫn luôn tự xem là kẻ đến sau. Mãi đến 1982, tôi mới chính thức được Đà Lạt chấp nhận. Mười sáu năm trời, biết bao vui buồn. Và tôi biết mình không thể sống xa thành phố mến yêu này mà có thể bình yên, thanh thản cho được. Đó là thành phố của tôi. Tự khi nào, tôi đâu có hay! Mà Đà Lạt đâu chỉ “của tôi”. Nhớ lại cuộc chia tay mới đây với một nhà thơ đến từ Thủ đô Hà Nội. Anh có nhiều sáng tác hay về Đà Lạt. Tôi thành thực nói: “Xin cảm ơn những bài thơ đầy ấn tượng của anh về Đà Lạt của chúng tôi”. “Ồ, Đà Lạt của chúng ta chứ! Vậy sao lại cảm ơn” - Anh vặn hỏi lại. Nghe giọng nói và nhìn vào mắt anh, tôi biết là anh cũng thành thực như tôi. Phải rồi, đó là “Đà Lạt của chúng ta” - những ai nặng lòng với nó, suốt đời tự nguyện vì nó. Như một thứ báu vật trời cho, có phải càng nhiều người nhận quyền sở hữu, Đà Lạt càng nhiều phần giá trị hơn lên?
Trong số những nhà văn nặng tình nặng nghĩa với Đà Lạt, tôi nghĩ nhiều đến Triệu Lam Châu. Anh là nhà thơ dân tộc Tày, quê ở Cao Bằng, hiện đang giảng dạy tại Trường trung học Kỹ thuật công nghiệp Tuy Hoà, Phú Yên. Mới đây, Triệu Lam Châu cho in tập Trăng sáng trên non có lời đề tặng trân trọng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Tôi không kìm nổi sự xúc động khi đọc chùm thơ chân tình và nồng ấm về Đà Lạt của anh, gồm các bài: Chút tình cờ đáng quý, Một nét lòng tôi trên phố núi, Mặt trời Đà Lạt, Anh mang Cam Ly về xuôi, Tâm tình Đà Lạt. Tất cả là 5 bài, số lượng đâu có ít. Có lẽ chẳng thua kém ai cả. Đáng nói nhiều hơn là tấm lòng dạt dào, sâu nặng của Triệu Lam Châu với Đà Lạt:
                                    Bao nỗi niềm xúc cảm trong lòng
                                    Cứ trùng điệp như rừng thông kia đó
 Phải rồi, chính anh, bằng những vần thơ đằm thắm của lòng mình, đã thật sự mang Đà Lạt về xuôi…
 Nhiều người thú nhận, đứng trước Đà Lạt như đứng trước người đẹp ấy, tốt nhất là nên im lặng mà ngắm nghía, mà thưởng ngoạn. Mọi lời tán dương tuồng như thừa thãi. Ngôn từ có vẻ như bất lực, thậm chí thành vô nghĩa, vô duyên. Nhưng lẽ nào cứ im lặng mãi. Trong khi: Tim đập mạnh thế này làm sao yên được. Bao điều thôi thúc tự bên trong buộc phải nói ra. Mà phải nói sao cho thật tương xứng với lòng mình trước thiên nhiên nơi đây: Tôi cứ muốn hoà tan trong gió cho rừng thông xoá hết. Vậy nên, tôi xin được chia sẻ với Triệu Lam Châu về món nợ tinh thần khó bề đền đáp nổi trước Đà Lạt của chúng ta. Nếu có gì còn phải trăn trở chỉ là mong sao phải viết về Đà Lạt cho hay hơn thôi:                              
                                    Bài thơ đã viết xong rồi
                                    Trong tâm tưởng
                                    Nhưng chưa hiện được hình trên trang giấy
                                    Đà Lạt khất nợ nần cho tôi
Nhưng trước mọi chuyện là phải thật với chính mình. Không gì quý hơn trong thơ cho bằng một chữ chân. Đó là con đường ngắn nhất, giúp thơ đi thẳng vào trái tim con người. Tôi không trách cứ mà thêm quý mến sự cẩn trọng sau của nhà thơ:
                                    Tôi rất sợ tính vồ vập của mình
                                    Mới gặp lần đầu, nói yêu ngay, sao được
Kinh nghiệm cho hay, những người như thế khi đã nói lời yêu là ta có thể tin cậy được. Thêm một lần tin khi biết nhà thơ của chúng ta chỉ nói những gì trái tim mách bảo: Tôi giơ bàn tay chai sần cho thành phố/ làm quen. Không một chút điệu đàng, uốn éo. Nguyên vẹn một trái tim trần trước một thành phố mang nhiều vẻ kiêu sa. Đà Lạt sẽ hiểu lòng anh. Để rồi Đà Lạt sẽ thể tất cho những ý thơ chưa thật mới mẻ này của anh:
                                    Đà Lạt diệu huyền trong sương kỳ ảo
 Và:
                                    Đồi cỏ mượt như nhung
                                    Thung lũng tình yêu đẹp như huyền thoại
Chỉ bởi nhiều thi sĩ trước anh đã phát hiện ra rồi. Tôi biết Triệu Lam Châu luôn ý thức được cái thách thức nghề nghiệp nghiệt ngã kia. Anh còn biết cách để khẳng định đóng góp của riêng mình. Bằng phương thức nào đây? Bằng chính việc lặng lẽ ngắm trời xanh qua kẽ lá/ Lưới tình ai đan kín không gian. Bí quyết thành công trong thơ nằm ở lưới tình đấy thôi. Từ đó, cảnh trí Đà Lạt như được sống dậy, bổi hổi bồi hồi trong ta. Xin phép đưa ra hai dẫn chứng trong bài Chút tình cờ đáng quý và bài Một nét lòng tôi trên phố núi. Ở bài đầu tôi để ý đến hai câu sau:
                                    Rừng thông hát rì rào như gợi nhớ
                                    Một cái gì chợt đến đã đi xa
Viết rừng thông hát rì rào thì chưa vượt thoát khỏi cách nói thông thường dầu có nhân hoá gì gì đi nữa. Rừng thông hát rì rào như gợi nhớ có lay động vì xác định hơn, nhưng vẫn chưa có gì thật đáng nói. Gợi nhớ: Một cái gì chợt đến đã đi xa kia! Ôi, lẽ vô thường! Mọi cái chợt đến chợt đi trong khoảnh khắc đầy biến ảo. Và lòng người cũng vậy: Thoáng một chút ngỡ ngàng bối rối. Nói gọn lại, câu thơ trên đứng được là nhờ sự gợi nhớ thoảng qua ấy của người làm thơ. Còn đây là hai câu trong bài thứ hai:
                                    Thành phố bồng bềnh trong sương sớm
                                    Giấu nơi nào giấc mơ đêm qua
Câu đầu chưa có gì đáng nói chỉ vì đã được nói quá nhiều. Khi nối với câu sau ý thơ tự nhiên biến ảo đến xôn xao trong tâm tưởng người đọc. Đà Lạt là xứ sở huyền ảo - huyền ảo ở cảnh bồng bềnh trong sương sớm, huyền ảo còn ở chiều khác của thực tại giấc mơ đêm qua. Hơn một lần huyền ảo! Cái âm vang của cõi thơ ở đây là vậy. Tác giả đã nhập vào hồn Đà Lạt, để mỗi câu mỗi lời thốt ra như được ướp trong hương hoa Đà Lạt, như được phủ bởi làn sương Đà Lạt. Không, tôi không muốn nói quá lời. Xin hãy cùng tôi đọc những dòng thơ sau:
                                    Nắng tươi hồng, hàng thông nhẹ vút
                                    Xao động hoài cơn gió ban mai
Hai câu thơ có nắng, có gió, và có hàng thông. Đâu chỉ Đà Lạt mới có những thứ ấy! Nhưng thói thường sự khác biệt lại tồn tại ở ngay cạnh sự gần gũi, tương đồng. Ở đây là nắng tươi hồng, hàng thông nhẹ vút, trong sự xao động của lòng người qua cơn gió ban mai. Đà Lạt hiện ra rồi đấy. Mọi thứ, nhờ chan chứa cái tình của người làm thơ, giờ mới được giao hòa trong âm thanh, sắc màu kỳ lạ của đất trời bao la:
                                    Lòng cứ nghĩ hoa rừng lên tiếng hát
                                    Cho đất trời suối núi long lanh
Rồi có người sẽ bảo tôi: nào có gì thật đặc sắc đâu, những câu thơ ấy. Xin được dẫn ra bài Mặt trời Đà Lạt của Triệu Lam Châu để thêm một lần cảm thông với đánh giá của tôi. Nhà thơ để trí tưởng tượng của mình được thoả sức tung hoành. Đây, mặt trời Đà Lạt vào buổi sáng:
                                    Mặt trời ngủ dưới hồ Xuân Hương
                                    Sương sớm mới tan lâu đến thế
Tôi ngỡ ngàng thảng thốt. Cái lý giải thích sương mờ lâu tan tuyệt nhiên không phải để thoả mãn đầu óc mà để thoả mãn con tim. Đó là cái lý của thi ca, của nghệ thuật đấy mà! Còn đây, mặt trời Đà Lạt lúc xế chiều:
Mặt trời nằm trong mỗi vòm thông
                                     Nên nắng mới dịu dàng đến thế
Lại dùng lý để diễn tình mà ta không có cảm giác khó chịu vì sự trùng lặp. Nhà thơ của chúng ta không chỉ chan hoà trong cảnh mà trân trọng nâng niu cảnh, tuồng như mọi cử chỉ đều phải sẽ sàng, sợ động mạnh một chút sẽ làm tan biến cái vẻ đẹp mong manh của Đà Lạt chúng ta… Lạ nhất phải nói là mặt trời Đà Lạt về đêm:
                                    Mặt trời nằm trong mỗi trái tim say
                                    Cho thành phố bước vào huyền thoại
 Vẫn lý lẽ, nhất quán với mạch chung của cả bài thơ. Thi phẩm như nhắc người Đà Lạt chúng ta chớ nên vô tình trước vẻ đẹp vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho Thành phố cao nguyên. Có phải không ít lần trong đời, do nỗi thúc bách của cơm áo đời thường, ta đã xao nhãng ánh nắng mật ong kia, đồi thông trập trùng kia, thác trắng xoá như áo dài tiên nữ kia (thơ Phạm Vĩnh). Vụt đến trong óc tôi câu thơ của Nguyễn Công Trứ:
                                    Gió trăng chứa một thuyền đầy
                                    Của kho vô hạn biết ngày nào vơi
Sự giàu có của vẻ đẹp thiên nhiên chỉ ở những tâm hồn giàu có. Gió trăng mãi mãi chỉ là “vật tự nó” lạnh lùng và cách biệt nếu con người chưa biết chuyển thành “vật cho ta”.
Tôi thật sự trân trọng những vần thơ đẹp mà Triệu Lam Châu đã hào phóng dâng tặng cho Đà Lạt. Tình yêu đích thực phải chăng là vậy, chỉ biết cho mà chả nghĩ đến nhận bao giờ:
                                    Ôi những rừng thông trùng điệp
                                    Nối theo nhau đưa nhạc tới cuối trời
Chùm thơ của Triệu Lam Châu như là những ngọn gió trong lành thổi vào cảnh sắc Đà Lạt, giúp đưa vẻ đẹp của thành phố cao nguyên tới mọi chân trời…
Phạm Quang Trung
Theo http://www.pqtrung.com/


1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...