Buổi trưa hôm sau lúc tan
giờ học, tôi khoan khoái trở về nhà định bụng sẽ làm một giấc cho đến tối. Vì
ngày mai là ngày kỉ niệm Chúa chịu chết, thường lệ trường tôi được nghỉ. Hơn
nữa theo lời yêu cầu của mấy thầy già xứ, cha T. cho bọn học trò nghỉ thêm một
buổi chiều nay để chúng dọn mình xưng tội rước lễ trong tuần Thánh. Cơm nước
xong, tôi lên giường vừa chợp mắt được một lát thì thằng Ánh vào đánh thức
tôi dậy. Cha T. cần hội giáo viên ở phòng khách nhà xứ. Tôi khoát tay cho thằng
Ánh trở về ngồi dậy mặc quần áo mà không khỏi cảm thấy băn khoăn về cuộc gặp
gỡ sắp tới. Vì lẽ ra, cả buổi chiều nay cha T. bận việc thiêng liêng không
còn thể dư thì giờ để giải quyết một chuyện gì khác. Nhất là qua lời thằng
Ánh, buổi họp chỉ còn có thêm cô giáo và anh K. chứ ngoài ra nó không thấy được
cha T. căn dặn phải mời thêm một số thầy nào nữa.
Khi tôi bước vào căn phòng
khách nhà xứ thì đã thấy cô giáo và anh K. ở đấy. Cha T. giơ tay tỏ ý mời tôi
ngồi xuống chiếc ghế dài cùng chỗ với anh K. Cô giáo ngước mắt nhìn tôi rất
nhanh rồi lại cúi xuống. Tôi mời các thầy và cô tới đây vì một lời tố cáo
quan trọng. Cha T. đưa mắt nhìn khắp chúng tôi. Trong khi cha nói, một ngón
tay trỏ của cha gõ gõ xuống mặt bàn theo từng nhịp nhẹ. Có người đã gửi cho
tôi lá thư này, cha giơ lá thư lên cho chúng tôi thấy, tố cáo một chuyện
không thể tưởng tượng được xẩy ra giữa các giáo viên của trường, cha nói tiếp.
Mọi người vẫn im lặng. Đột nhiên cha T. hất hàm nhìn thẳng vào mặt tôi, họ tố
cáo thầy với cô giáo làm chuyện ô uế tại xứ này. Tôi bàng hoàng như người bị
dội một gáo nước thật lạnh, sao lại có chuyện như thế được, tôi nghe thầy K.
và cô giáo đã đính hôn. Như chỉ đợi có thế, anh K. nhếch miệng cười vênh mặt
nhìn tôi, tại sao lại không có thể xảy ra đưqợc. Nếu có đủ bằng cớ
tôi đệ đơn xin từ chức. Tôi buột miệng và chờ đợi phản ứng của cô giáo, nhưng
cô vẫn nín thinh. Căn phòng đột nhiên im lặng, như một thứ im lặng giả tạo đè
chĩu lên đầu mỗi người. Tôi không muốn các thầy tranh luận ở đây, cha T. bật
lên nói, lá thư này là một lời cảnh cáo không thể bỏ qua, mặc dù nó không đưa
ra đủ bằng cớ, mặc dù nó lại là của một kẻ nặc danh. Anh K. cướp lời, của một
kẻ nặc danh hèn nhát. Cha T. sửng sốt nhìn anh, tôi cũng mong như thế… Anh K.
cười gằn đứng dậy, không, chính cha mới là kẻ hèn nhát. Không dám đọc lên cho
mọi người nghe, cha lại còn định bỏ qua lá thư đó bằng một lời cảnh tỉnh đạo
đức giả vờ. Kẻ bị tố cáo trong thư cũng là kẻ hèn nhát. Nó bị vạch mặt nạ đạo
đức lại còn lên mặt đòi bằng cớ. Nó tưởng một cái đơn từ chức có thể bôi mờ
được chuyện tồi bại… Tôi và cha T. cùng đứng dậy một lượt, K. dằn giọng nói
tiếp, cái không khí này làm tôi nghẹt thở. Cô (anh chỉ vào cô giáo), cô giáo
kia chỉ là một nạn nhân khốn nạn. Cách đây ít lâu tôi có đem lòng yêu mến cô,
vì tưởng rằng sẽ gặp được một người vợ đẹp mẹ hiền… Nhưng cô không phải là hạng
người như tôi tưởng. Tôi không bao giờ tin vào lời đồn thổi, nhưng lâu dần rồi
tôi cũng phải thấy lòng tin tưởng của tôi đối với cô bắt đầu lung lay. Những
sự kiện khiến tôi hoài nghi tấm lòng thành thực của cô là lá thư gửi cho ông…
(K. nhìn tôi rồi rút túi lấy lá thư của cô giáo đặt lên mặt bàn) và cuốn nhựt
ký này (anh lôi trong ngực áo ra một cuốn sổ nhỏ bọc vải đen có in chữ vàng ở
gáy, trong lúc cha T. đứng sững nhìn K., tôi khoanh tay ngó ngang cô giáo. Cô
vẫn điềm nhiên ngước mắt nhìn lên K. Anh hấp tấp lật mấy trang đã đánh dấu sẵn
bằng mấy mẫu giấy báo, đọc to) “Cha không bao giờ tiết lộ sự bí mật của
đời con. Sự bí mật đó thuộc vào phần mà cha sẽ mang theo xuống mộ. Chỉ có Cha
mới rõ sau này. Con phải hiểu rằng Ánh cần có một người cha. Riêng cha, đối với
nó đã cố hết sức uốn nắn. Nhưng cha nghĩ dầu sao, ở tuổi ấy nó cũng vẫn cần
có một mái nhà, một mái nhà khác hơn hiện tại với tình thương mến của con”. K.
lật sang đoạn khác. “Cha cầu Chúa cho con mở mắt để nhìn ra sự thật. Một
sự thật có thể làm biến đổi cả đời con.
Mặc dầu cha vẫn nhớ tới bổn phận và lời thề hứa trước mặt Chúa là bảo toàn danh dự cho con. Kh. ơi!Cha muốn cho con can đảm nhận lấy phần việc của mình. Cha mong ước con trở lại đường lối quang minh mà Chúa đã vạch ra. Nếu lìa Ánh, cha cũng sẽ hết sức đau lòng. Nhưng sự đau khổ sẽ dẫn ta tới Chúa, nếu tâm hồn ta biết đón nhận cùng một lượt sự đau khổ đó và ơn Chúa. Hơn nữa, dầu sao người ấy cũng đã thành thật yêu con. Cha nghĩ là có lẽ không còn dịp may nào hơn để con thoát khỏi một tình trạng hiểm nhèo”. Anh K. gấp quyển sổ lại nhìn cha T. ngay từ phút đầu, nhận thấy sự vồn vã của cha đối với dự định hỏi cô giáo của tôi, tôi đã lấy làm lạ. Nhưng bây giờ, bây giờ thì tôi đã hiểu rõ ràng tại sao cha lại có thái độ ân cần vồn vã, vì…thằng Ánh là con của cha với cô giáo!
Như một tiếng sét, tôi
bàng hoàng đưa mắt nhìn cha T. và cô giáo. Cha T. cúi đầu lẩm bẩm điều gì, giọng
cha hơi run vọng tới tai tôi không rõ, nhưng tuyệt không có lấy một cử chỉ, một
dáng vẻ gì giải thích sự xúc động cả. Cô giáo kêu lên hai tiếng “trời ơi” rồi
đưa hai tay bụm chặt lấy măt, gục đầu xuống.
Anh K. đặt quyển sổ xuống
bàn gay gắt. Từ nay, tôi xin phép gọi cha bằng ông. Vâng… Ông. Ông không thể
xứng đáng với bộ y phục nhà tu kia nữa. Ông đã bao dung một đứa đàn bà xảo
trá, dâm loạn. Ông còn cả gan coi thường dư luận khi nhận thằng Ánh làm con
nuôi (K. quay sang cô giáo). Còn cô, tôi cần nói ngay với cô là tất cả những
dự định xây dựng của tôi đối với cô, từ giờ phút này kể như không còn nữa. Cô
Khanh! Vâng, tên thật của cô là Lệ Khanh chứ không phải cái tên Thanh giả hiệu
kia. Làm gì mà cô phải đổi cái tên mĩ miều ấy, nếu không phải là đã hơn một lần
cô bán rẻ nó. Làm gì mà cô phải lưu lạc xứ người, nếu chẳng vì để khỏi nghe
những lời nguyền rủa… Trong lúc K. dừng lại lấy hơi, cha T. giữ nét mặt bình
thản. Còn cô giáo vẫn cúi đầu như chờ đợi. Chờ đợi gì? Mọi người im lặng như
chịu đựng. Không dè trước cái phản ứng thụ động đó K. hùng hổ hơn lên, tất cả
các người, các người chỉ là những xác chết, những xác chết thối ttha trong những
cái áo quan thếp vàng đẹp đẽ. Các người chỉ là những kẻ đã thối nát đến tận
cùng xương tuỷ. Khi con thú bị lột da, hạnh kiểm của các người đáng được nêu
ra cho công chúng phỉ nhổ. Cử chỉ của các người thật đáng sỉ nhục.
Trong lúc K. nói, tôi liếc
nhìn cha T. với nước da nhạt màu sáp, dáng người cao, gầy, gần như thấy suốt
được, hợp với bộ đồ đen mặc trên mình, nó khiến cha có vẻ thuộc hẳn về giáo hội,
về cái thế giới âm u hãm mình đánh tội của thời xa xưa. Tới khi K. ngừng lại,
cha T. mới chậm rãi ngẩng đầu lên đôi ngươi đắm trong một lớp sương mù, như
thể một lúc vừa chịu ơn thánh sủng. Những ngón tay cha đặt trên bàn chầm chậm
như một loài ốc. Mọi người im lặng. Trong ánh mắt cha T. một tia
sáng bắt đầu xuất hiện nhưng mơ hồ như vẫn còn một phần sương mù bao phủ. Đột
nhiên, cặp môi cha mấp máy, giọng chậm và nhỏ như muốn để chính mình có đủ
thì giờ nghiền ngẫm. “Chúa đã phán không ai có quyền xét xử ai, nếu
không muốn bị xét xử. Riêng cha không những cha xét xử, không tự biện hộ
cho mình. Cha còn xin Chúa tha tội cho con, tha tội cho chúng ta, tất cả”. Giọng
nói cha T. nhỏ dần và sau cùng chỉ còn thoảng nhẹ như hơi thở. Anh K. bỏ ra
ngoài để lại cuốn nhật ký và lá thư trên bàn. Cha T. ngập ngừng một lúc, nhìn
tôi và cô giáo rất nhanh rồi cúi nhặt cuốn nhật ký. Cha ra khỏi phòng khách
thì cô giáo ngẩng đầu lên. Tôi với lấy lá thư lại gần nắm tay cô giáo, thôi,
về đi em. Cô giáo vịn vào tay tôi đứng lên như một người ốm chưa khỏi hẳn.
Tôi ngước đầu lên, tầm mắt chạm vào tượng Thánh giá lủng lẳng trên tường. Một
cơn lốc cuốn bụi mịt mù ngoài sân trống.
Khi chúng tôi bước ra tới
cửa, thằng Ánh đang ngồi dưới một cụm hoa loay hoay với với đôi săng đan của
nó. Đôi săng đan mà sau này tôi mới rõ là K. đã cho Ánh khi nhờ nó lấy trộm
cuốn nhật ký của cha T. Ánh trông thấy chúng tôi thì chột dạ, dúi vội đôi săng
đan vào một bựng cỏ rồi chạy ra đẩy cổng. Lúc bấy giờ trời đã ngã chiều. Ánh
nắng nhuộm vàng mái tóc thằng bé. Cô giáo dừng lại một giây xoa đầu Ánh dịu
dàng.
Tôi đưa chân cô giáo về tới
nhà, lúc quay trở lại nhà trọ trời đã tối sẫm. Từ các “giong” trên, từng đám
người đổ ra kéo nhau đi về phía nhà nguyện dự lễ Rửa chân. Tôi vào nhà cơm nước
qua loa rồi lên giường nằm lặng nhưng không sao ngủ được. Chừng hai ba tiếng
đồng hồ sau tôi vừa thiếp đi thì nghe tiếng động nhè nhẹ như tiếng gõ cửa. Rồi
có tiếng gọi lúc đầu thì nhỏ sau to dần. Tôi ngồi nhỏm dậy vặn bấc đèn lên
cao. Ánh đèn khiến tôi hơi rức mắt. Anh K. đã đứng ở đầu giường tôi tự lúc
nào. Ngó thấy anh tôi kinh ngạc đưa tay dụi mắt. Anh K. thấy dáng điệu của
tôi như vậy thì nhún vai sè hai tay trước mặt với một vẻ thiểu não vô cùng.
“Chúng nó” gặp nhau rồi anh ơi! Tôi ngồi thẳng dậy đưa mắt nhìn anh, “chúng nó” là ai? Thì cô giáo của anh với thằng “khốn nạn”. Nghe anh K. nói, tôi giật bắn người buột miệng, cha T.? Anh K. lắc đầu thở dài buông phịch người xuống một chiếc ghế. Bóng anh che khuất một mảng ánh sáng hắt lên vách chập chờn. Anh kể, hồi tối tôi có việc, đi ngang qua nhà cô giáo. Tới trước nhà cô, tôi chợt thấy một cái bóng đen cao lớn đang vén cái mành mành lên. Nó đứng chắn ánh đèn nên tôi không nhìn rõ mặt. Tôi thoáng nghe tiếng cô giáo rú lên nho nhỏ. Cái mành mành buông xuống, người khách lạ đã bước vào trong nhà. Tò mò, tôi vội chạy lại nép sát vào bức vách nghe ngóng. Ông còn về đây làm gì? Em đừng sợ, tôi hiện bị bọn kháng chiến truy tầm, nên phải về đây nhờ cha T. giúp cách vượt qua sông vào Tề, tôi muốn lại thăm em lần chót. Tôi không muốn nhìn thấy mặt ông nữa. Nhưng còn đứa bé, dầu sao tôi cũng là cha nó. Tôi tưởng ông làm cha nó lúc này đã quá muộn, nó đã có một người cha và không cần sự can thiệp của một người như ông; chuyện cũ đã qua, xin ông đừng đến quấy rầy một tâm hồn đã ghê tởm ông nữa. Nhưng dù sao cô cũng phải cho tôi biết tên nó là gì? Không thấy tiếng trả lời. Bỗng tôi nghe có một tiếng xô ghế, rồi người đàn ông ấy bước ra hấp tấp.Tay ông vén cái mành mành lên khiến tôi nhìn rõ cô giáo đang ngồi quay lưng ra phía ngoài. Đột nhiên, tôi thấy người khách bỏ rơi cái mành mành bước trở lại phía cô giáo lẹ hết sức, đến nỗi cái mành mành chưa rơi hẳn xuống, tôi đã thấy cô giáo quay phắt lại, khuôn mặt bừng bừng. Tôi hoảng sợ định la lên nhưng lại thôi, tiến lại gần hé cái mành mành thấy người khách lạ chính là ông M. vừa trở lại làng này lúc chiều qua và hiện ở trong nhà xứ đã xô cô giáo xuống chân ghế. Ông ta lặp lại, tên nó là gì? Cô giáo vẫn im lặng. Bất chợt, hai tay ông vung ra xiết chặt lấy chiếc cổ trắng nõn của cô. Cô giáo ú ớ một hồi, cuối cùng tôi nghe thấy cô nhắc đến tên thằng “Ánh”. Người đàn ông buông tay ra, cô đưa một bàn tay lên xoa cổ, mái tóc buông rũ che khuất một bên mặt. Mắt bên trái cô mở rộng mà như bất động. Trong một phút tôi nhìn cô không chớp như thể bị con mắt đó thôi miên. Rồi không rõ có phải vì nhìn thấy tôi hay không, cô lịm đi ngã hẳn xuống chân ghế dầu ngoẹo sang một bên. Trong lúc ông M. hấp tấp chạy tới, tôi mới vội vàng bỏ về đây…
Trong lúc anh K. kể chuyện,
tôi đi lại trong cái bóng tối dày đặc sau lưng anh. Tới lúc anh ngừng lại,
tôi còn nghe rõ những tiếng lẩm bẩm của chính mình “vô lý! Ông M. mà là cái
bóng đen đằng sau nhà bệnh?”. K. quay lại nhìn tôi, một đường viền ánh sáng bọc
quanh làn má phính của anh. Anh nói sao? Tôi chột dạ quay lại, ánh sáng hắt
vào thái dương khiến tôi đưa tay lên vuốt tóc, không. Tôi lắc đầu mấy cái liền.
Anh K. ngơ ngác nhìn tôi. Tôi đưa chân anh ra về, anh dừng lại một giây trước
cửa tỏ ý hối hận về chuyện không hay xảy ra hồi chiều. Mùi hoa móng rồng nồng
nặc khiến tôi hắt hơi ở bạo cửa. Chân tôi vấp phải thành gỗ nhẵn nhụi mà lạnh
buốt.
Khi anh K. đi xa rồi, tôi
quay vào giường nằm lại nhưng chỉ được một lát, hình như tôi vùng dậy mặc vội
quần áo quyết định đi tìm cô giáo. Tôi nhớ có tiếng gió bên tai thổi vù vù và
từng tiếng động trong đêm đều ngừng cả lại khi chân tôi tiến tới. Tóc xoả bờm
xờm rũ trên trán trên mắt tôi và mỗi khi tôi hé miệng lấy hơi, một chút lạnh
lùa vào rồi lại phà ra ngay theo cùng hơi thở. Đến trước nhà cô giáo, tôi nhớ
mình dừng lại. Bên trong đèn đóm tối om, khung cửa mờ mờ ẩn hiện trong cái
bóng trăng mỗi lúc càng như nhợt nhạt hơn lên. Hình như tôi đứng lại một lúc
khá lâu, sau cùng buồn rầu đưa tay ngắt một nụ ngọc lan bỏ vào túi áo trước
khi quay gót trở về.
Qua khu vườn muỗm, thình
lình tôi chợt thấy một bóng đen từ phía nhà xứ đi ra. Cái bóng ấy lừng lững
tiến lại phía tôi hết sức chậm chạp. Mà lạ thay, lúc đó tôi có cảm tưởng là
đôi chân người ấy vẫn đứng nguyên một chỗ, duy có đất dưới chân ông chuyển động.
Cảm giác này khiến tôi sợ hãi đến nghẹt thở. Tôi víu chặt lấy một cành muỗm,
muốn bỏ chạy nhưng cố hết sức toàn thân cũng không thể nào nhúc nhích được.
Cho tới khi một vạt áo thâm chùng phớt ngang mặt, tôi mới hoàn hồn nhận ra
ông Bô Khương và nép sát người vào gốc muỗm. Tôi như bị bao vây bỡi một màn
lưới âm thanh dai dẳng, đều đều toát ra từ muôn gốc cỏ. Đi qua tôi chừng chục
thước, ông Bô Khương chợt ngừng lại. Qua làn sương mỏng, tôi thấy bóng ông
lay động và càng mỗi lúc tôi càng như bị thu hút bỡi cái bóng ấy. Hình như có
một cái gì toát ra lạnh lẽo tuyệt vọng bắt tôi rùng mình đến ớn lạnh cả xương
sống. Ngay lúc đó, các tiếng động chung quanh im bặt. Cả cái màn lưới âm
thanh dày đặc kia cũng khôgn còn dai dẳng nữa. Tôi như bị úp chụp bỡi một
không gian đóng kín, tách biệt với thế giới bên ngoài. Rồi đột nhiên tôi giật
mình nhận ra một giọng nói thoảng nhẹ bên tai. Một giọng nói mà đến bây giờ
tôi cũng không dám chắc, có hẳn là của ông Bô Khương; vì tôi có cảm tưởng đấy
không phải là tiếng nói của thế gian này, mà là như vọng lại từ một khoảng trời
cao nào đó. Tôi như bị mê hoặc đi trong cái âm thanh kỳ lạ kia cho tới khi bừng
dậy, nhận ra mình vẫn đứng bên gốc muỗm, hai vai áo ướt sũng và qua làn sương
mỏng, tôi thấy bóng ông Bô Khương mờ dần rồi khuất hẳn sau nhà xứ. Lối mòn
tôi đi đột nhiên vượt hẳn lên giữa một mặt phẳng âm thanh mỗi lúc càng như
thũm sâu xuống mãi…
Khi tôi mở mắt dậy, căn buồng
đã lờ mờ sáng, thứ ánh sáng nhợt nhạt đầu ngày. Tôi chớp mắt nhìn vào trong
nhà. Người lão bộc đang bụm miệng thổi tắt ngọn lửa trong cái thông phong
đèn. Ánh lửa bùng lên thật cao rồi phụt tắt. Lão thấy tôi còn oằn người trên
bạo cửa thì ngượng ngùng nói, tôi thấy thầy đương ngon giấc nên không dám
đánh thức. Tôi nằm đây đã lâu chưa, tôi lồm cồm bò dậy hỏi. Người lão bộc lắc
đầu, tôi cũng không được rõ, gần sáng lúc tôi tỉnh dậy thấy trên nhà vẫn còn
để đèn nên mới chạy lên.
Khi tiếng chân của người
lão bộc đã nhỏ dần ở vườn sau, tôi còn đứng sững ở cạnh bàn, tay nắm lấy cái
thông phong đèn, lúc lắc đầu thật mạnh như vừa tan một cơn ảo mộng. Tôi nhớ tới
nụ hoa ngọc lan mà trong giấc mơ đã ngắt ở trước cửa nhà cô giáo, bất giác
đưa tay sờ túi thì đột nhiên tôi giật bắn người vì nó vẫn nằm ở đấy. Tôi bàng
hoàng sống trong một cảm giác thực hư lẫn lộn, không sao phân biệt được nữa…
Ngay lúc ấy, tôi nghe có
tiếng lao xao ngoài lộ rồi qua khung cửa mở, một đám chừng bảy, tám đứa học
trò lớn thủ vai quân Du Dêu, mặt mũi bôi nhọ gớm ghiếc, đang diễn lại một cuộc
lùng bắt Chúa Cứu Thế. Tiếng xích sắt, tiếng gậy gộc trong tay chúng chạm vào
nhau loảng xoảng trong khi chạy. Âm thanh xa dần và sau cùng chỉ còn thoảng
nhẹ như hơi gió. Tôi quay vào nhà mặc vội quần áo mà thực ra cũng không rõ là
định đi đâu cả.
Qua khu nhà nguyện, tôi
nghe có tiếng thầy già xứ đọc sách Thánh từ phía trong vọng ra, “Khi ấy Chúa
bảo hai ông Maisen và Aaron ở Ai Cập rằng, tháng này là tháng thứ nhất trong
năm, tháng thứ nhất trong mọi tháng. Hãy bảo cho toàn dân biết rằng: Ngày thứ
mười trong tháng này, mỗi họ và mỗi nhà phải chọn một con chiên. Nếu trong
nhà không có đủ người để ăn, thì hãy mời thêm những người lân cận nhất, đủ để
ăn. Phải chọn con chiên đực, trong sạch, được một năm. Các người cũng có thể
thay thế bằng một con dê đủ điều kiện như thế. Hãy giữ nó cho đến ngày mười bốn
tháng này và tất cả dân chúng Israel sẽ hiến dâng nó vào buổi chiều.
Hãy lấy máu nó bôi trên hai cánh cửa và xà ngang của nhà có người ăn. Trong
đêm ấy, hãy ăn thịt nướng với bánh không men và rau rừng. Đừng ăn sống hoặc
luộc, nhưng nướng. Hãy ăn tất cả đầu, chân và bộ lòng. Không được để thừa đến
sáng mai. Nếu còn thừa thì hãy đốt đi. Đây là cách thức phải giữ trong khi
ăn: Hãy thắt lưng, chân xỏ giầy và tay cầm gậy. Hãy ăn vội vã vì là ngày vượt
qua, ngày Chúa vượt qua…” (*). Trên không, bầu trời nhợt nhạt một màu trắng
đục hơi buồn. Tiếng thầy già xứ từ phía sau nhỏ dần rồi thôi, không còn đuổi
tới.
Ngang nhà cô giáo tôi để ý
nhìn vào. Không một cánh cửa nào hé mở. Có lẽ cô đang còn ở nhà thờ. Một nụ
ngọc lan nằm tênh hênh trên mặt đất. Tôi quay trở lại. Hai bên đường, lá tre
lay động. Một con chim nhỏ rũ cánh bay đi làm vẩn trong giây lát làn không khí
yên tĩnh chung quanh.
Khi tôi bước vào, nhà thờ
lạnh lẽo đượm một màu tang. Thánh giá phủ bằng khăn tím. Cô giáo quỳ ở hàng
ghế thứ ba kế bên chiếc bồn chứa đầy hoa xoan và nả. Trong Cung Thánh, cha T.
vừa cử hành xong lễ mở khăn và đang trao tượng Chúa cho hai người giúp việc đứng
ở nền trước bàn thờ. Bóng anh K. giang rộng hai tay trên gác chuông sửa soạn
giữ phần cho hội hát. Cha T. cởi giầy, xuống tới trước Thánh giá. Ngay lúc đó
tiếng hát vang lên. Cha cúi hôn chân Chúa. Điệu trầm xuống, xuống sâu tới
mãi, Pópule méus, quid féci tibi? Aut in qou contristàvi te? Respónde
mihi (1). Đột nhiên tôi thoáng len một chút rùng mình. Hai người
giúp lễ đã đưa tượng Thánh giá xuống đặt ở chiếc bồn ngang với hàng ghế của
cô giáo. Quia edùxi te de tèrra AEgỳpti: Parásti Crúcem Salvatóri
túo (2).Cô giáo đứng dậy rời hàng ghế tiến lên Cung Thánh, ánh
sáng nhuộm đầy mái tóc vấn trần. Tôi lặng lẽ cúi đầu đi ra. Mùi hoa xoan nồng
nặc trong không. Bên kia hồ sen, bọn học trò lớn vây bọc chung quanh ông Bô
Khương và đang tiến về phía nhà xứ. Tiếng xích sắt kéo lê trên mặt đường nghe
như một chuỗi dài hạt nước.
Buổi trưa trong lúc dọn
cơm, đột nhiên người lão bộc dừng tay lại nhìn tôi, chiều nay thầy có ra xem
xử án? Tôi ngơ ngác không hiểu. Lão nói tiếp, xử án Bô Khương. Tôi nghĩ đó là
một phần mới thêm thắt vào chương trình ngày lễ, mỉm cười lắc đầu. Người lão
bộc như đoán được ý nghĩ của tôi, lão trợn mắt, chuyện thực đó thầy. Cha T.
nhất định sẽ hành tội hắn. Tôi gắt lên, sao lại có thể vô lý như thế được?
Không ai xét xử một người điên. Thầy không tin sao, lão nói giọng có vẻ bực
mình, buổi sáng Bô Khương vào chợ ăn cắp cam của một bà già bán hàng. Mấy đứa
học trò đang thủ vai Du Dêu đùa bắt giữ trình cha. Thưa thầy, dè đâu cha T. nổi
giận. Người bảo dầu sao Bô Khương cũng mang vết tích của người truyền giáo. Vết
tích của một nhục nhã nhất trên đời, tôi cướp lời lão và chợt nhận ra cái vô
lý tưởng không thể nào có được. Người lão bộc đứng nhìn tôi, một chút sau lão
âm thầm bước qua khung cửa ăn ra vườn sau. Bầu trời ẩm ướt. Gió đong đưa mấy
cái gọng vó ở lều con Hạnh.
Sau giấc ngủ trưa mệt nhọc
tôi ra tới nơi, đám người đi xem đã đứng đông đặc cả cái sân cỏ phía sau nhà
nguyện. Tôi đưa mắt tìm cô giáo, không thấy đâu cả nhưng con Hạnh thì đang đứng
lẫn trong đám người ở làng bên. Một vài người có con em theo học trong trường
thấy tôi đi qua ngã mũ chào, một số người khác ngồi xếp bằng ngay trên thảm cỏ.
Chiếc áo thâm chùng đã cởi ra vắt gọn ghẽ ở vai. Trên mấy bậc cấp nhà thờ, một
hàng ghế dựa được xếp ngay ngắn theo hình cung, nhưng cha T. và các quan
khách thì chưa thấy tới. Đám người bu quanh vẫn ồn ào bàn tán sôi nổi. Một số
người bỏ ra rửa chân ở cái ao con đằng trước nhà thờ. Vài người khác lơ đãng
ngửa mặt ngó lên cây gạo coi lũ chim làm tổ. Tôi nghe mấy người chung quanh
nói loáng thoáng là đâu như bữa nay còn có cả gã chủ tịch UBKCHC xã bên tới dự.
Vài thanh niên công giáo nghe tin này tỏ vẻ bất mãn vô cùng. Nhưng những người
theo phe kháng chiến tới xem thì coi bộ hài lòng ra mặt. Khi tôi quay lại
nhìn về phía con Hạnh, bắt gặp mấy gã du kích đóng đồn nơi cửa sông lởn vởn
chung quanh nó. Con Hạnh cũng đã trông thấy tôi, nó nheo mắt mỉm cười. Ngay
lúc ấy một hồi trống vang lên. Tiếng ồn ào bỗng dưng im bặt. Không ai bảo ai,
mọi người đều ngẩng lên nhìn cả về phía thềm nhà nguyện. Cha T. đã ngồi vào
ghế giữa, kế bên là gã chủ tịch và mấy vị tai mắt trong làng. Thế rồi đột
nhiên những tiếng xì xào lại nổi dậy, trước nhỏ sau to dần. Từ một chiếc cửa
nhỏ ở mé bên phải nhà nguyện, bõ Khản hiện ra cùng với ông Bô Khương. Tôi để
ý nhìn và chợt rõ hai cổ tay ông bị trói chặt vào nhau về phía trước. Bõ Khản
bước lên vài bước, nhưng ông Bô Khương thì vẫn đứng nguyên ở bạo cửa, cặp môi
nhếch ra hé cười. Mãi đến khi bõ dừng lại giơ tay vẫy, ông mới lững thững tiến
lên, bước từng bước khó khăn lệch lạch như bị sai khiến bỡi một sức vô hình
trong khi cặp mắt mở to. Và tất cả mọi nét trên gương mặt ông hoàn toàn bất động,
không thuyên giảm. Tôi lách đám đông định vòng qua bên hông nhà thờ để nhìn
cho rõ, vì cả bõ Khản lẫn ông Bô Khương bước ra tới giữa bậc thềm đều đã xoay
lưng lại. Khi tôi chen tới bên ngoài, tiến lên được vài bước thì thấy bóng thằng
Ánh từ phía cổng nhà xứ chạy vụt ra về phía nhà cô giáo. Dáng điệu của nó khiến
tôi nghi ngờ hết sức. Tôi quay lại nhìn con Hạnh vừa lúc nó cũng đang nhớn
nhác đưa mắt tìm tôi. Tôi rời bóng nó bước đuổi theo thằng Ánh. Được một
quãng, ngó trở lại, con Hạnh đang lách mình qua mấy gã du kích để chạy về
phía tôi. Một gã loạng choạng suýt ngã vì bị người nó va vào trong khi đang đứng
bắt chéo chân trên sân cỏ. Tôi quay lại, bóng thằng Ánh nhảy chân sáo vừa khuất
tại một khúc rẽ ở “giong” trên. Chân tôi bước mau tưởng chừng như chạy. Khi
chỉ còn cách nhà cô giáo một đoạn ngắn, tôi thấy bóng thằng Ánh xô cửa bước
vào. Gió thổi nhẹ và lác đác từng hạt mưa nhỏ phả vào mặt tôi. Tới sát nhà cô
giáo đột nhiên chân tôi dừng hẳn lại vì một tiếng động lớn từ trong nhà vọng
ra, mà hình như là tiếng ghế đổ. Mưa bắt đầu nặng hạt lộp độp nhỏ vào mấy tàu
chuối trên đầu, tôi thoáng nghe tiếng cô giáo hắt ra với vẻ giận dữ, đến bây
giờ tôi mới hiểu rõ, thì ra chỉ vì những nhớp đang đè nặng trên đầu ông, chỉ
vì muốn bọn chó săn lãng đi trong chốc lát sự có mặt của ông ở làng này mà một
kẻ vô tội như gã thầy già điên kia phải chịu nhục hình... Giờ đây hẳn à ông
toại nguyện. Tôi đoán chắc linh hồn chị Agnès lẫn cả người bạn gái của tôi đã
rộng lòng tha thứ cho ông. Nhưng riêng tôi, tôi không muốn nhìn thấy bộ mặt
ghê tởm của ông nữa. Bây giờ, đò đã sẵn sàng rời bến. Ông còn đợi chờ gì?
Nhưng xin ông hiểu cho rằng thằng Ánh là của tôi, của riêng tôi thôi. Không
ai có quyền giữ nó, ông đi đi! Đột nhiên tôi nghe tiếng thằng Ánh hét lên rồi
ông M. từ trong nhà bước ra, hất mạnh cái mành cửa, lôi thằng Ánh chạy vụt về
phía bến đò. Tôi rời bụi chuối bước vội vào nhà. Cô giáo đang gục đầu trên
bàn thở dốc, mớ tóc xoã phủ đằng trước che khuất hẳn khuôn mặt. Nhác thấy
tôi, cô chồm dậy. Tôi dang tay ra, vừa kịp đỡ thân hình cô đổ tới. Mắt cô
giáo khép lại. Tôi vỗ vỗ vỗ nhẹ vào một bên má cô. Cô giáo tỉnh lại. Tôi kéo
cô chạy đuổi theo thằng Ánh. Đường láng như bôi mỡ, tóc cô xổ tung bay dài về
phía sau. Qua khỏi nghĩa địa, cô trượt chân ngã chúi. Bóng ông M. và thằng
Ánh ở phía trước mờ mờ qua làn mưa dày đặc. Tôi chụm hai tay vào miệng gọi
tên thằng Ánh. Tiếng tôi bạt về phía sau. Tôi quay lại chìa tay về phía cô
giáo. Cô chống một tay trên mặt đất còn một tay giơ lên với lấy. Tôi kéo cô
giáo lên. Qua mớ tóc rối của cô, tôi nhìn thấy bóng một gã du kích đang đuổi
theo con Hạnh ở khúc rẽ chúng tôi vừa qua. Tôi hốt hoảng quay lại, nắm chặt
tay cô giáo kéo đi thật mạnh. Gần tới bến đò, con Hạnh đuổi kịp chúng tôi.
Bóng ông M. và thằng Ánh vừa lọt khỏi mui thuyền. Con đò tròng trành tách bến.
Cô giáo đứng vịn vào vai tôi đưa tay áo lên chậm mi mắt. Ngay lúc đó, một tiếng
“đoàng” vang dậy. Người lái đò hốt hoảng cúi rạp xuống mạn thuyền bỏ rơi con
sào. Tôi quay lại, người du kịch hạ súng lặng đứng nhìn con thuyền dần dần ra
khỏi tầm đạn, trôi theo dòng nước. Tôi nhận ra nó chính là đứa bị con Hạnh xô
phải trong sân cỏ. Đột nhiên có tiếng cô giáo kêu lên. Con đò đang đi từ từ
quay mũi trở lại. Tôi đưa tay vuốt vội mớ tóc rũ sũng nước trên trán. Gã du
kích từ phía sau tiến lên vài bước. Con đò chuệnh choạng ghé sát vào bờ. Bóng
ông M. hiện ra đừang trước mui thuyền, hai tay bồng thằng Ánh. Con Hạnh rú khẽ.
Tôi nhìn rõ một vệt máu đang chảy dài trên ngực áo ông. Cô giáo vùng chạy tới,
chúng tôi theo sau. Riêng có gã du kích vẫn đứng nguyên hờm súng. Ông M. đã
bước lên bờ, chiếc đầu thằng Ánh rũ xuống một bên cánh tay. Da mặt nó xám ngắt
và nơi ngực, máu đỏ lòm loang một khoảng lớn. Cô giáo nhìn thằng Ánh rồi bật
khóc nức nở. Ông M. nét mặt có vẻ buồn rầu. Gã du kích đứng sang một bên nhường
lối cho chúng tôi qua. Mưa vẫn rơi đều đặn. Nước róc rách chảy trong một lòng
cống qua đường. Tất cả như một đám rước, đi ngược bờ đê tiến về phía nhà thờ.
Những bụi cây hai bên đường bắt đầu sẫm lại. Hơi nóng từ trong người tôi bừng
bừng thấm qua làn vải ướt. Vài người trên đường ngơ ngác nhìn chúng tôi đi
qua.
Khi chúng tôi về tới cửa
nhà nguyện, cuộc phụng vụ vừa xong. Cha T. quì lại sau hồi chuông tắt lửa.
Bóng bõ Khản lênh khênh chụp cái bù đài lên từng ngọn nến. Ánh sáng leo lét
nhỏ dần, chặt đôi gương mặt bõ. Mọi người lục tục rời hàng ghế. Khi thấy
chúng tôi, họ dừng cả lại đứng như bất động. Ngay lúc ấy một làn chớp loé
lên. Bóng ông Bô Khương vụt hiện ra rất nhanh ngoài sân cỏ, mang hình ảnh cứu
chuộc thê thảm trên đỉnh đồi Golgotha đồng thời với một tiếng sét
kinh hoàng. Tôi run rẩy bấu chặt tay vào bờ tường nhìn xác thằng Ánh xám ngắt
loạng choạng trên tay ông M. Đầu cô giáo gục xuống, gương mặt hoàn toàn nằm
trong bóng tối. Dư âm tiếng sét còn lại vang rền. Tôi nghe chừng cả một khoảng
trời cao vừa sụp đổ.
Tháng VIII, MCMLXIII
(trích phần cuối tập truyện Hồi
Chuông Tắt Lửa, Nxb Nam Sơn, SàiGòn ngày 21.2.1964. Một phần của truyện
này đã xuất hiện trên Văn số 6 ngày 15-10-1964 chủ đề tuyển tập
những cây bút trẻ)
(*) Theo Cựu ước, lễ
ăn thịt chiên là để kỷ niệm ngày giải phóng dân Israel ra khỏi ách nô lệ Ai Cập.
ĐAừng khác, việc hiến dâng còn mang ý nghĩa như một sự Cứu Chuộc, một bí
tích: mọi tội ác của người ta sẽ đổ lên đầu con chiên đực trong sạch kia và
khi con vật được thiêu huỷ đi, nó mang theo luôn tất cả những vết tích nhơ bẩn
đó. (Chú thích của nhà xuất bản)
(1) Dân ta hỡi,
Ta đã tìm gì cho nươi? Hoặc ta đã làm phiền lòng ngươi điều gì? Hãy trả lời
cho Ta hay.
(2) Phải chăng
vì Ta đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập: Nên Thập ác ngươi dành cho đấng cứu
người.
Nguồn: Ấn Thư Quán
|
Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016
Hồi chuông tắt lửa
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Khúc hát Marseilles
Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...
-
Vài nét về văn học Đông Nam Á Đặc điểm của văn học Đông Nam Á (ĐNA) Nói đến văn học Đông Nam Á là phải nói đến sức m...
-
Cảm nhận về bài thơ một chút Kon Tum của nhà thơ Tạ Văn Sỹ “Mai tạm biệt – em về phố lớn Mang theo về một chút Kon Tụm”… Vâng...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
Trả lờiXóamáy bay eva air
giá vé máy bay đi mỹ giá rẻ
hãng hàng không korean air tại việt nam
vé máy bay đi mỹ rẻ
đặt vé máy bay đi canada
Những Chuyến Đi Cuộc Đời
Du Lich Tu Tuc
Tri Thức Du Lịch