Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

''Hạ trắng'' - Bài hát hay toàn diện


''Hạ trắng'' - Bài hát hay toàn diện 
Cách đây đã 35 năm (năm 1980), lần đầu tiên tôi được đi máy bay hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất và đặt chân vào thành phố Hồ Chí Minh công tác.
Những lúc hết giờ làm việc trong “Tổng Nha Cảnh sát”-  258 Nguyễn Trãi (cơ quan Bộ Công an ở phía Nam), tôi có đi bát phố Sài Gòn và tình cờ mua được một cuốn sách in khá đầy đủ (cả phần nhạc và lời) các bài hát chọn lọc, do các nhạc sỹ: Tôn Thất Lập, Phạm Trọng Cầu và Trịnh Công Sơn… sáng tác. Đặc biệt, cuốn sách còn in đen trắng các hình vẽ “phăng-tê-zi” nét mặt các nhạc sỹ này. Và tôi biết đến tên tuổi nhạc sỹ Trịnh Công Sơn từ năm ấy.
Đến những năm sau này, mỗi khi được đi công tác đường dài bằng phương tiện ô tô, ngồi trong xe, tôi thường chọn băng, đĩa nghe các bài hát của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.
Chắc chúng ta ai cũng biết về một bài hát đồng ca, đề tài sáng tác có tính chất bao quát toàn bộ giang sơn xã tắc, tầm cỡ “vĩ mô”; đó là bài hát “Nối vòng tay lớn” của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Bài hát rất hay.
Về đề tài tình mẫu tử, Trịnh Công Sơn có bài hát “Huyền thoại Mẹ”. Bài này có thể hát đơn ca nam, đơn ca nữ đều được. Thậm chí cũng có thể hát tốp ca hay hát đồng ca.
Trong phần lời bài hát có những câu biểu hiện khi mẹ còn sống:
“Mẹ chìm trong đêm tối
Gió mưa tóc che lối con đi”
Làm tôi nhớ đến văn hoá châu Âu, người mẹ không lấy tóc bao bọc, che chở lối đi cho con an lành. Mà người châu Âu lại ví cha mẹ như những viên đá, viên gạch lát đường cho con cái họ đi được thuận tiện, dễ dàng.
Nhưng tôi thấy Trịnh Công Sơn và người châu Âu đều thống nhất với nhau một điểm: người mẹ đối với con-là tất cả.   
Hoặc trở lại lời bài hát “Huyền thoại Mẹ” có những câu biểu hiện cả khi mẹ còn sống và khi mẹ đã mất:
“Mẹ là gió uốn quanh
Trên đời con thầm lặng”
Điều này chứng tỏ Trịnh Công Sơn rất thấu hiểu người con (đang sống) - không bao giờ vĩnh biệt người mẹ đã mất. Và có lẽ ông tưởng tượng, khi mẹ đã mất, nhưng vẫn là làn gió mát lành, thầm lặng uốn quanh trên đời con…
Nhân đây tôi muốn nêu một điều tâm linh chung, thật ra là: người sống không bao giờ vĩnh biệt người chết. Mà chỉ có người chết vĩnh biệt người sống.
Cho nên trong một số bài Điếu văn trước khi tiễn đưa người chết “ra đồng”, đã viết và đọc (Điếu văn): chúng ta xin vĩnh biệt người này hay người kia là không đúng với tâm linh. Mà lẽ ra phải viết và đọc ngược lại (người này hay người kia vĩnh biệt chúng ta) mới đúng. 
Trở lại Nhạc Trịnh trong tôi về đề tài tình ca, Trịnh Công Sơn có bài hát “Hạ trắng”, thích hợp cho đơn ca nam và là một trong những bài hát tôi rất thích nghe. Bởi vì bài hát này hay toàn diện, cả phần giai điệu - nhạc và phần lời.
Riêng phần lời bài hát quá yêu thương một người em gái mảnh mai, có đôi vai gầy. Khiến tôi hình dung (người em gái này) giống như em Na-ta-sa cũng có cái đẹp mảnh mai (trong tiểu thuyết Chiến tranh và Hoà Bình, của Đại Văn hào Lép-tôn-xtôi ở nước Nga).
Tôi không thể nào quên mấy lời bài hát “Hạ trắng”:
“Gọi nắng
Trên vai em gầy
Đường xa áo bay
Nắng qua mắt buồn
Lòng hoa bướm say…”
Để rồi:
“Áo xưa dù nhàu
Cũng xin bạc đầu
Gọi mãi tên nhau”.
Và:
“Nắng đưa em về miền cao gió bay
Áo em bây giờ mờ xa nẻo mây
Gọi tên em mãi suốt cơn mê này.”
Qua lời bài hát “Hạ trắng”, nói lên một nỗi nhớ nhung, một tình yêu thương thiết tha, chung thuỷ, son sắt của một người con trai đối với một người con gái, từ khi đầu xanh - tuổi trẻ. Cho đến khi đầu bạc - tuổi già:
“Áo xưa dù nhàu
Cũng xin bạc đầu
Gọi mãi tên nhau”.
Song trước khi kết thúc bài viết này, tôi cho rằng trong sáng tác các bài hát của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, cũng có một hạt sạn và là một sự trùng lặp thú vị ngẫu nhiên.
Cụ thể trong Kinh Thánh bên Công giáo có câu: “Từ cát bụi lại trở về cát bụi”. Và có lẽ câu Kinh Thánh này, đã ảnh hưởng đến cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, khi ông sáng tác bài hát “Cát bụi”. Vì phần lời bài hát có câu: “Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi, để một mai vươn hình hài lớn dậy, ôi cát bụi tuyệt vời”…
Đã khiến chúng ta không loại trừ số người nào đó nhập tâm, “mê tín” câu hát nêu trên, rồi có thể bị lu mờ đi “Núi Thái Sơn” - tượng trưng công lao người cha và quên đi “Nước trong nguồn chảy ra” - tượng trưng nghĩa tình người mẹ trực tiếp sinh thành ra họ.
Đấy là còn chưa kể đến bốn người nữa (có quan hệ mật thiết, huyết thống): Ông nội, bà nội, ông ngoại và bà ngoại đã sinh ra bố mẹ họ. Chứ đâu phải do “hạt bụi nào hoá kiếp” sinh ra họ, như lời bài hát “Cát bụi” của Trịnh Công Sơn.
 Đây là một hạt sạn trong sáng tác âm nhạc của cố nhạc sĩ (Trịnh Công Sơn). Và đặc biệt ngẫu nhiên, hạt sạn - hạt bụi này lại rơi đúng vào bài hát “Cát bụi”. Một sự trùng lặp thú vị.
Tuy nhiên chúng ta, trong đó có những người hâm mộ âm Nhạc Trịnh trong tôi Công Sơn, chắc cũng cho qua “hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi”… đối với một người chẳng làm cha như cố nhạc sỹ (Trịnh Công Sơn) đã mất cách đây 14 năm, vào ngày 01/4/2001, khi ông mới ngoài 60 tuổi.   
Nguyễn Thành Lập
Theo http://motthegioi.vn/
Cảm nhận về ca khúc ''Hạ trắng'' 
của Trịnh Công Sơn
Nhạc nền Ha trắng - Ngọc Lan
Bài hát đầu tiên của Trịnh Công Sơn mà tôi biết đó là "Diễm Xưa", tôi chẳng biết cô Diễm là ai. Bài hát tiếp theo chính là "Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên", người ta nói Em cũng chính là Diễm (!?) Kể từ lúc đó, tôi cứ cho rằng những bài hát của Trịnh Công Sơn viết về Sài Gòn, nơi có Em. Cho đến một ngày tôi nghe "Hạ Trắng".
Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, quanh năm nắng. "Hạ Trắng" - lạ thật lạ đối với tôi, vì Sài Gòn chỉ có nắng vàng, nếu không nói đến những ngày nắng đổ lửa (chắc là Hạ Đỏ...)
"Gọi nắng!
Trên vai em gầy
Đường xa áo bay
Nắng qua mắt buồn
Lòng hoa bướm say
Lối em đi về
Trời không có mây
Đường đi suốt mùa
Nắng lên thắp đầy "
Trời không có mây, đường đi suốt mùa nắng lên thắp đầy thì đúng là Sài Gòn rồi. Chợt tự hỏi vì sao người ta phải "gọi nắng".
"Gọi nắng!
Cho cơn mê chiều
Nhiều hoa trắng bay
Cho tay em dài
Gầy thêm nắng mai
Bước chân em về
Nào anh có hay
Gọi tên cho nắng
Chết trên sông dài"
Dù chẳng hiểu hết bài hát, tôi vẫn cứ thinh thích cái vẻ lung linh huyền ảo trong nó. Có hoa, có bướm, có em xinh xinh, thanh thanh. Tự dưng tôi nghĩ đến một dáng nhỏ áo dài trắng đi trong chiều hoa sứ bay bay. Hoa sứ, tự nó không tung bay cho người ta cái cảnh lấp lóa nắng chiều, nhưng bản thân nó mang một mùi hương dịu dàng và dễ thương; có lẽ làm người ta say hương hơn say nắng.
"Thôi xin ơn đời
Trong cơn mê này
Gọi mùa thu tới
Tôi đưa em về
Chân em bước nhẹ
Trời buồn gió cao
Đời xin có nhau
Dài cho mãi sau
Nắng không gọi sầu
Áo xưa dù nhàu
Cũng xin bạc đầu
Gọi mãi tên nhau"
Vậy đó, đã có người say mà. Tôi chợt thấy bóng người con gái rất huyền ảo, xa mờ. Có một người ngủ giữa ngày nắng lấp lóa. Có một người thấy em trong mơ. Có một bóng hình chợt tan biến. Có một người gọi mãi trong cơn mê.
Tôi thích nhất câu "áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu, gọi mãi tên nhau..."
Khi viết những lời này, tôi chợt nhớ đến một người, một người thường hay gọi nắng. Chẳng biết giờ này người ta đang làm gì, có đang nghe Trịnh Công Sơn như tôi. Sài Gòn vẫn còn nắng, vẫn luôn nắng.
Nếu có một ngày bạn mơ một bóng hình. Nếu có một ngày bạn yêu một tà áo trắng. Nếu có một ngày hoa bướm tung bay đem lại cho bạn nụ cười vu vơ. Hẳn ngày đó bạn sẽ yêu "Hạ Trắng".
Theo http://www.geocities.ws/
Lắng nghe và cảm nhận: Hạ trắng
Trong khoảng không gian mênh mang tĩnh lặng của mùa hạ, tôi bâng khuâng gọi nắng… gọi em. Trong khoảng không gian mênh mang tĩnh lặng của mùa hạ, tôi bâng khuâng gọi nắng… gọi em. Những ảo ảnh về em, về nắng và cả “lối em đi về trời không có mây” chợt nhòa, chợt hiện trong cơn mê chiều hoang hoải của tôi… “Gọi nắng Trên vai em gầy đường xa áo bay Nắng qua mắt buồn lòng hoa bướm say…
Bước chân em về nào anh có hay... 
Em đấy, em của tôi với đôi vai gầy thật nhỏ bé giữa cuộc đời rộng lớn và tà áo bay làm sáng cả con “đường đi suốt mùa nắng lên thắp đầy”. Em là cả sự tinh khôi của đất, của trời, của nắng vàng mùa hạ, của những bông hoa… 
Thứ hương thơm của hoa Dạ lý hương là một trong những nguồn cảm hứng cho sự ra đời của Hạ trắng Trịnh Công Sơn Như sợ em đi mất, tôi lại tha thiết gọi, tha thiết chờ mong và níu giữ một niềm riêng ảo ảnh. Em đến bên tôi nhẹ nhàng như hơi thở, “bước chân em về nào anh có hay, gọi em cho nắng chết trên sông dài”. Muốn đưa em về bên thế giới của tôi nên khao khát xin đời gọi mùa thu tới, “chân em bước nhẹ trời buồn gió cao”. Phải, đời cho tôi và người con gái mỏng manh như sắc nắng ấy được tương ngộ, tôi xin đời mãi có nhau và nắng vì thế cũng chẳng còn sầu được nữa. “Áo xưa dù nhàu... cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau...” em nhé! Nhưng dường như ảo ảnh của tôi con cơn mê chiều hoang hoải ấy đã dần tan biến, nên kẻ đưa em về lại chẳng phải là tôi. “Nắng đưa em về miền cao gió mây” nơi tôi không thể nhìn thấy em được nữa. “Áo em bây giờ mờ xa nẻo mây” nhạt nhòa trong sắc trắng vô thường. Tôi mải miết chạy trên con đường đầy nắng hư hư, thực thực nhưng hình bóng của em tôi không thể nào nắm bắt. Nhưng tôi sẽ “gọi tên em mãi suốt cơn mê này”, tôi nhủ lòng như vậy. Có thể cuộc đời tôi chỉ như một cơn mê hay tôi đang mê và em là ảo ảnh… nhưng tôi sẽ luôn như thế… yêu em, Hạ trắng!.

Đàn guitar bài hát "Hạ trắng" tuyệt đỉnh

Theo http://vietbao.vn/ 



1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...