Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Bông hồng miền nắng xanh

Bông hồng miền nắng xanh
Ngồi bên bàn, Diễm Lê khum tay chống cằm, tư lự nhìn ra cửa. Ngoài ấy, những bóng cây đang nhích dần, đổ dài trên lối sỏi giữa vạt đồi ba zan ánh đỏ. Gió se lạnh thổi vi vút qua rặng thông. Nắng rải mỏng xuống những thảm hoa muôn sắc như càng mỏng hơn trong cái lạnh cuối ngày. Đám chim bồ câu con bay lên chấp chới, con sà xuống cùng những tiếng gù bổi hổi cả một khoảng không gian.
Mọi người đã tản về. Chỉ còn nàng trong văn phòng, vì chính nàng cũng là chủ nhân của ngôi biệt thự này. Sau hồi được nhận bất động sản của cha để lại, cách đây hơn chục năm, nàng đã cho Công ty Xuất khẩu Hoa thuê ngôi biệt thự làm Chi nhánh giao dịch. Công việc của nàng hàng ngày ngồi bên cỗ máy tính gõ các văn bản đầy rẫy số liệu về các loài hoa, về những dự án sản xuất, xuất khẩu hoa của Công ty… Nàng gõ mà đôi mắt nhìn ra ngoài, vẫn không sai một từ, một số nào. Ngón tay rê trên bàn phím nhẹ như làn gió lướt qua mặt sỏi, như tay người nghệ sĩ dương cầm chơi rất ngẫu hứng. Lòng nàng đang xôn xang một cảm xúc mới lạ, giống như chồi thông non bật lên từ một gốc thông đã trải qua bao mùa sương nắng. Nàng đang chờ người ấy đến. Mấy ngày nay, vào giờ này anh thường xuất hiện dưới đầu dốc với cây đàn ghi ta trên vai, như một lãng tử. Nàng bồi hồi nhớ… Chiều hôm ấy cũng như chiều nay. Khác chăng, có một cơn mưa bóng mây vừa đi qua bầu trời. Chợt nàng dụi mắt. Ai kia? Giống anh Ngân quá! Không tin vào mắt mình, nàng lại dụi lần nữa. Đúng rồi! Đúng Ngân rồi! Sao bao năm trời bây giờ mới thấy anh xuất hiện? Trên lối sỏi, một người đàn ông đang đi tới, trên vai vác một cây đàn ghi ta, ung dung và thơ thới. Bóng nắng, bóng những cây thông ngã dài loáng thoáng qua người anh. Gương mặt chữ điền, cằm rộng, đôi mày rậm, sống mũi thẳng. Dáng vạm vỡ, bờ vai mập, cân đối trong màu quân phục xanh đã cũ. Mái tóc xoăn bồng bềnh, kiêu hãnh. Càng gần càng rất rõ. Trái tim nàng bỗng loạn nhịp. Đúng anh rồi! Mẹ ơi! Nếu còn, chắc mẹ cũng nhận ra ngay! Nàng xô chiếc ghế, gọi thất thanh:
- Ngân! Anh Ngân...!
Người đàn ông giật mình, chững lại. Một chút bối rối, ngơ ngác. Anh định hướng, nhìn qua cánh cổng. Nàng bước tới, tiếng hơi lạc đi: -Ngân! Anh Ngân! Em đây... Diễm Lê đây!
- Sao? Xin lỗi! Chị gọi tôi phải không ạ?
- Vâng! Em gọi anh. Anh Ngân phải không? Đúng rồi!
- Ấy chết! Chị nhầm rồi! Tôi không phải Ngân, không phải người ở đây! Người đàn ông tròn xoe mắt, đầy vẻ ngạc nhiên. Anh hạ cây đàn, chống xuống đất: -Tôi giống anh Ngân của chị lắm à?
-Vâng! Anh... Anh không nhận ra em ư? Diễm Lê. Em là Diễm Lê của anh ngày trước đây! Trời ơi! Sao anh lại có thể quên em, quên ngôi biệt thự này? Đôi má chợt nóng bừng, nàng trân trân nhìn  anh: -Không lẽ em nhầm? Không lẽ em thay đổi đến mức anh không nhận ra ư?
- Chị ơi! Xin chị thông cảm coi kỹ lại đi. Tôi mới từ miền Bắc, trong đoàn sáng tác của các văn nghệ sĩ Quảng Ninh vào đây lần đầu tiên. Tôi đang trên đường đi thăm chợ thành phố về. Chả lẽ chị nhầm tôi đến thế sao?…
- Dạ! Không! Đúng anh rồi! Anh đùa em sao? Anh không khác xưa mấy, có già đôi chút và mập hơn trước nhiều. Nhưng trộn anh vào đâu em cũng nhận ra! Làm sao em quên được gương mặt anh? Cả dáng đi, nét râu ngang, cả giọng nói, nụ môi cười nữa. Y trang Ngân ngày nào. Vào nhà đi cưng! Còn chọc em chi nữa?…
-Trời ơi! Chị tha lỗi! Tôi chỉ ngang qua đây. Các bạn tôi đang đợi xe ở nhà Sáng tác Đà Lạt, để kịp lên Lang Bian dự đêm lửa trại của đồng bào Tây Nguyên. Lúc nào rảnh, mời chị lên Nhà Sáng tác ở đường Yên Thế chơi với bọn tôi cho vui. Tôi giống người của chị lắm à? Anh hỏi lại lần nữa với nụ cười hóm hỉnh và đưa tay bóp chặt tay nàng.
- Anh! Anh quay lại nhé! Em…em muốn hỏi chuyện… Nàng hấp tấp dặn theo. Bóng anh lùi nhanh qua lối sỏi. Trở vào nhà, lòng nàng tràn ngập nỗi hoang mang. Chả lẽ Ngân quên nơi này ư? Hay trên đời lại có người giống Ngân đến vậy?
Ngày ấy, nàng là một hoa khôi phơi phới như nụ hồng nhung buổi sớm của trường Lysec Yersin Đà Lạt. Cha nàng là một quan chức Kiểm lâm địa phương có năng lực và thận trọng. Nhưng ông hiền lành và nhút nhát. Cũng chính bởi tính nhút nhát ấy mà ngày Đà Lạt giải phóng, ông đã đánh mất một cơ hội đoàn tụ với gia đình. Vì thiếu hiểu biết về thời cuộc và quá sợ hãi, cha nàng đã bị một số quan chức lôi kéo bỏ trốn, chạy vào Sài Gòn. Trong những ngày cuối cùng ở Sài Gòn, ông nhắn vợ con, sẽ đón để chờ di tản sang Mỹ. Nhưng mẹ con nàng nhất quyết không làm theo ý ông. Cao nguyên Lang Bian, thành phố sương mù đã đón nàng khóc chào đời. Dòng suối Vàng, hồ Đan Kia đã cho nàng nguồn nước trong lành. Nàng không thể xa xứ sở này được… Trước khi Sài Gòn thất thủ, trong đám quan chức tranh nhau bỏ chạy lên máy bay trực thăng, ông đã bị chúng gạt phăng xuống biển. Mãi sau này mẹ con nàng mới biết tin do một người bạn của cha thoát được, từ Mỹ gửi thư về. Ông ta kể: “Trên chiếc trực thăng bên này nhìn sang chiếc trực thăng bên kia đang ì ạch cất lên, rõ ràng tôi trông thấy ông nhà chới với, một tay còn bám chặt vào mép cửa. Kinh hoàng, tôi nhắm mắt lại. Không biết những gì đã xảy ra?…”
Toà biệt thự của cha nàng tạm thời bị niêm phong. Trong những người lính Giải phóng tiếp quản thành phố hay lui tới toà biệt thự, nàng để ý có một người lính. Anh tên Ngân, trẻ măng, điển trai và rất hiền. Chính anh là người đã xin cho mẹ con nàng được ở tạm căn phòng nhỏ cạnh ngôi biệt thự sang trọng trong thời hạn niêm phong. Hàng ngày, từ trụ sở Quân quản, anh thường lui đến chăm sóc những bồn hoa cây cảnh trong khu ngoại thất toà biệt thự rất cẩn thận như của chính nhà mình. Nhiều lần nàng gặp anh đứng lặng ngắm những bông hoa rất lâu như thể chưa bao giờ được thấy. Anh còn mở quyển sổ ra hí húi vẽ ký hoạ những bông hoa, những dáng cây bon sai, những chiến sĩ trẻ ngồi cạnh gốc tùng, cạnh bức tường hoa. Nàng nghe thấy anh ao ước: “Khi nào về quê, mình sẽ trồng những vườn hoa như thế này. Bên hoa, cuộc đời sẽ thanh bình và thánh thiện biết bao nhiêu!” Có lần nàng đi qua, anh xin được vẽ nàng. Nhưng nàng xấu hổ chạy vội vào phòng, đứng vạch rèm cửa nhìn ra. Các anh rất vui nhộn, cười đùa, hát nghêu ngao trêu chọc nhau như bọn con nít thật vô tư. Vậy mà những bạn bè quan chức của cha lại bảo bộ đội giải phóng sống khô khan, không thiết gì đến cỏ cây, hoa lá! Họ sẽ đốt trụi thành phố này như đốt một vòng hoa! Nhưng những gì nàng thấy lại khác hẳn. Nàng hài lòng và bắt đầu cảm tình. Anh và nàng đã có những giây lát bất chợt từ xa nhìn lại nhau như hai con chim trong rặng thông cùng chờ cất tiếng hót...
Năm sau, một đêm trăng đầu tháng, dưới chân dốc, anh đã gặp và ngỏ lời yêu nàng. Trong đáy lòng, nàng cũng cảm, cũng yêu anh. Đêm ấy, mảnh trăng như một cánh hoa hồng vàng đính trên bầu trời. Hai người ngồi bên nhau đến tận lúc cánh hồng vàng nhập vào vườn hoa bên kia đồi. Từ đó, cứ ngày chủ nhật là nàng lại phấp phỏng đợi anh dưới chân dốc. Anh đến, cái nắng chiều lạnh thế, chợt ấm áp, dịu êm. Quê anh ở một vùng đồng bằng ven biển, xa lắm, có tiếng sóng âm vang, có cánh đồng vàng tít chân mây, có con đò chở bọn học trò làng sang trường huyện. Những ngày gió bắc thổi tông tông, đứng trên bến đợi đò, anh phải lấy giấy báo gấp lại nhiều lần lót vào trong ngực để chống cái rét ghê người. Gác chuyện vào đại học, anh lên đường theo kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hành quân qua những vùng núi cao, đèo dốc, áo anh bạc phếch cùng mái tóc xoăn rối đỏ bụi đường. Gương mặt chữ điền rám đen vì khói lửa, gió Lào, vì sương nắng, vì mưa rừng xối xả. Chỉ riêng ánh mắt là rất sáng, với cái nhìn sâu thẳm. Nàng vẫn còn nhớ rất rõ, cả nụ cười tươi tắn, pha chút hóm hỉnh và hơi kiêu của anh. Nụ cười như hút người ta vào cõi nhớ. Anh đã xin phép mẹ nàng cho anh lui tới. Mẹ nàng nhận lời và coi anh như một người thân trong nhà. Vì quá đau đớn về cuộc bỏ chạy của chồng, mẹ nàng trở nên trầm uất như một chiếc bóng. Trong hoàn cảnh cô đơn, âu lo, sợ hãi, nàng hy vọng anh sẽ là chỗ dựa. Bởi dù sao mẹ con nàng lúc này vẫn còn là diện vợ con của quan chức thời Mỹ-Nguỵ. Anh hứa ngày nào xuất ngũ, sẽ đưa nàng và mẹ về vùng biển quê anh ngồi trên con thuyền căng cánh buồm nâu lướt sóng. Nàng cũng hứa: “Khi ấy, em sẽ mang những đoá hồng đượm nắng cao nguyên ra bến đò quê anh!”…
Một đêm đã khuya lắm, anh gõ nhẹ cửa, bước vào. Đầu tóc ướt đẫm sương, lạnh ngắt. Anh nói qua hơi thở gấp gáp: -Diễm Lê! Sớm mai anh đi rồi, nhận nhiệm vụ mới lên biên giới Tây-Nam. Đời lính mà em. Chưa hết giặc quấy nhiễu, chưa thể được ngồi yên! Anh đến chia tay và cầm cho em giấy tờ bàn giao tài sản. Ngôi biệt thự này của cha đã được mang tên em! Ngày mai mẹ và em chuyển lên ở ngay nhé! Cầm lấy bàn tay nàng, anh thốt gọi: Diễm Lê! Anh yêu em! Hãy đợi anh. Đất nước bình yên, anh sẽ về đón em! Thôi! Anh đi đây!
Bất ngờ quá. Nàng ôm chặt lấy anh. Hơi thở anh phả vào môi nàng nồng ấm như ánh nắng ban mai rọi trên đoá hồng nhung. Nước mắt nàng chan chứa vào mặt, vào vai anh. Nàng lặng đi trong xúc cảm tê dại. Lần đầu tiên nàng ngã vào lòng một người con trai mà nức nở không thành tiếng: -Trời! Sao vội quá vậy anh? -Công việc mà em! -Em không cần hiểu công việc của anh! Em chỉ biết được anh yêu và yêu anh! Một năm quen nhau, hai năm yêu nhau. Ba mùa phượng tím nở bên ngôi biệt thự và rắc bông xuống mái tóc hai người. Anh chưa hề hôn nàng. Nàng chưa hề nhận được đôi môi cháy bỏng đặt lên bầu má chín rức. Hình như anh e ấp? Hình như anh cố kìm giữ đợi một ngày nào đó? Còn giây phút này, nàng ngẩng khuôn mặt xinh đẹp lên chờ đợi. Anh bảo:
- Anh không thể để em một mình ôm nỗi đau khổ! Không muốn em là hòn vọng phu. Nàng bấm nhẹ vào lưng anh:
- Nhưng… Anh… đó là hạnh phúc của em!
- Anh hiểu! Anh muốn sự trọn vẹn… Hẹn em ngày trở lại. Ngày của trái hồng chín, ngày của đất trời cao nguyên thơm lừng và trong vắt… Anh khẽ nhắc lại: Ngày mai mẹ và em dọn lên biệt thự cho mát mẻ và đường hoàng, nhé em! Nàng vùng khỏi vòng tay anh:
- Không! Em cần anh! Em cần anh, chứ đâu cần ngôi biệt thự đó!
Một năm. Ba năm. Rồi năm năm... Thời gian thật vô tình. Chiều chiều, nàng lại ra đứng dưới giàn hoa bên cánh cổng ngóng chờ. Đỉnh núi Lang Bian vẫn trước mặt nàng. Đồi thông và những con dốc ba zan vẫn như xưa. Những trái thông vẫn chểnh mảng rụng vườn sau... Chỉ khác chăng bây giờ trong biệt thự có thêm một cơ quan chi nhánh Công ty Xuất khẩu Hoa. Anh không thể lạc lối về! Hay anh đã sao rồi! Lạy Chúa! Nàng nhắm mắt lại, không dám nghĩ điều gì khác nữa. Nàng đã đợi anh đến héo mòn. Vì thương con, mẹ nàng bỗng lâm bệnh và mấy năm sau thì bà qua đời. Thấy nàng vẫn phấp phỏng, vẫn khăng khăng đợi anh về, Diệp Sương, bạn gái  từng bực tức khuyên: “Sao mi mù quáng vậy? Biết khi nào chàng trở lại mà mi mài tuổi xanh vào những tháng năm trống rỗng?” –“Không! Anh sẽ về! Nếu phản bội, mình sẽ có tội với anh!” Vậy là, lặng lẽ sống, nàng từ chối mọi cuộc gặp gỡ, du ngoạn với bạn bè, từ chối mọi lời ngỏ ý của những người đàn ông. Nàng sợ xảy ra niềm yêu. Yêu nhau để xa cách thì nàng không thể chịu nổi. Nếu nàng yêu, lại chuốc lấy sự xa cách mà thôi! Hàng triệu cành hoa từ Công ty của nàng đã tới phương xa, nhưng nàng thì vẫn sống khép mình, cất tuổi thanh xuân trong ngôi biệt thự màu vàng ốc. Và tất cả những kỷ niệm tưởng nằm yên dưới đáy lòng. Nếu không có người đàn ông kia xuất hiện…
Mấy hôm sau, người đàn ông lại đi qua. Nàng hồi hộp chờ anh tới gần rồi khẽ gọi: -Anh bộ đội ơi! Anh nhạc sĩ ơi! -Chào em cô gái Lam Hồng! Anh hóm hỉnh nheo mắt chào nàng với cái tên một bài hát mà nàng vẫn từng nghe. Nàng líu ríu cầm cây đàn, đưa anh bước lên những bậc thềm. Nàng vui hẳn ra như con chim sáo. Nom bộ mặt anh ngộ quá. Anh vẫn vui tính như xưa nên mới đùa dai đến vậy!
Người đàn ông bẽn lẽn bước theo. Anh không ngờ lại xảy tình huống này. Không biết nói sao cho nàng hiểu nỗi nhầm của nàng, anh đành tủm tỉm cười để giữ bình tĩnh. Nhưng anh càng tủm tỉm thì nàng càng nhận ra anh là chàng giải phóng quân Ngân ngày nào.
-Ngân tệ quá! Bao nhiêu năm không nỡ nhắn lấy một lời cho mẹ con em. Bây giờ anh ở đâu? Mẹ em mất hơn chục năm nay rồi, vì nhớ anh lắm đó! Anh rõ tệ! Bức tường hoa mà anh thường vẽ các bạn anh vẫn còn ngoài kia…
- Không! Tôi chưa hề biết vẽ. Tôi là Nhâm cơ mà. Nguyễn Văn Nhâm. Giấy chứng minh và thẻ Hội viên của tôi đây. Nguyễn Văn Nhâm. Bút danh Ngọc Nhâm. Quê Quảng Ninh, vịnh Hạ Long. Đúng ra bên bờ Bạch Đằng giang. Cô có biết nơi đó không? Anh rút trong túi sau ra một chiếc bóp nhỏ rồi lấy hai tấm thẻ ép platic chìa cho nàng xem: -Cô coi đi. Nàng run run đôi tay, đón lấy:
- Nguyễn Văn Nhâm sinh… năm… Trời! Anh tên Nhâm thật à? Anh là nhạc sĩ? Tháng năm sinh cũng giống Ngân! Sao lại giống nhau đến kỳ vậy hở anh?  Nàng thất vọng ngồi xuống chiếc đi văng. Khuôn mặt não nùng như đoá hồng nhung héo: -Em nhầm thật ư? Ngân của em ơi! Nàng gục vào đôi bàn tay mình để mặc nước mắt cứ thế ứa ra. Trời ơi! Xấu hổ quá! Em nhầm thật ư? Trên đời sao lại có hai giọt nước giống nhau đến vậy? Bây giờ… còn một mà thôi… Chàng nhạc sĩ lúng túng an ủi:
-Thôi! Em hãy bình tĩnh, lắng lại chút đỉnh cho đỡ rầu lòng. Thì cứ coi tôi là… là Ngân… Tôi giống Ngân đến thế sao?
-Dạ! Dạ! Giống lắm! Không phân biệt nổi! Nàng lau nước mắt. Sực nhớ, nàng vội rót ly nước mời anh và kể lại chuyện của nàng. Anh chăm chú nghe, rồi chia sẻ nỗi xót xa: -Vậy là em đã chờ đợi gần ba mươi năm?
Sao anh ấy lại không nhắn lấy một tin gì cho em thế nhỉ? Hay anh ấy đã… Anh chợt sững lại khi biết mình chạm vào nỗi đau, có thể là nỗi mất mát của nàng. Nhưng anh vẫn nghĩ: Hay anh bộ đội Ngân nào đó đã hy sinh? Hoặc vì một nhiệm vụ đặc biệt, anh ấy phải giấu và quên đi chuyện đời riêng? Trong chiến tranh, mọi tình huống đều có thể xảy ra.
- Anh biết không? Ròng rã hai mươi bảy năm chờ đợi, em vẫn tin là anh sẽ trở lại. Không có anh ở bên, ngôi biệt thự này sẽ trở nên vô nghĩa. Em không thể chịu nổi hơn nữa. Nếu Ngân xảy chuyện gì, em sẽ chết mất. Anh có biết Ngân của em ở đâu không? Hãy trả Ngân cho em đi! Nàng lại ngước đôi mắt thâm quầng nhìn anh đau đáu, run rẩy: Hay anh còn đùa em? Anh nói gì đi chứ?
Chàng nhạc sĩ biết nói gì hơn? Chao ôi! Thật đáng thương, thật tội cho nàng. Một đoá hồng nhung vẫn phảng phất vẻ đẹp buổi ban mai, ai đó đã bỏ quên nơi thành phố trong rừng? Anh cảm thấy nơi sống mũi cay cay. Chả lẽ cứ nhận liều cho cô ấy vui? Nhưng ta không thể đi quá khoảng cách mỏng manh. Lợi dụng sự mù quáng của người khác chính ta sẽ trở thành mù quáng! Anh vỗ vai nàng, dỗ dành: -Thôi! Diễm Lê hãy nén lòng. Biết đâu gần đây anh ấy sẽ về. Trên đời, anh tin mọi thứ bất ngờ đều có thể sẽ đến! Rồi anh kể về mình cho nàng nghe. Quê anh bên bờ sông Bạch Đằng, phía trước là biển Hạ Long với muôn trùng đảo đá; phía sau là núi Yên Tử chập chờn mây trắng. Nơi ấy, anh đã trưởng thành từ những tháng năm gian khó, từ cánh buồm nâu ngang tàng vượt sóng, từ những tiếng gầm xả hơi đầy kiêu hãnh của nhà máy điện Uông Bí… Anh đã lên đường vào chiến trường chiến đấu, rồi trở về, sang nước bạn Đông Âu học tập và lao động. Người vợ xinh đẹp của anh cũng từng phải chờ đợi anh mười lăm năm xa ngái… Anh yêu thơ, làm thơ từ thuở học trò trường làng. Rồi cũng như bước chân theo cơn gió cuộc đời, anh bị cuốn hút vào những nốt nhạc mê hồn. Tiếng sáo diều trên tầng không vi vu đã kéo trái tim anh lên với khát vọng cháy bỏng. Giã từ cánh đồng, anh vào học ở nhạc viện Hà Nội và đã có những thành công. Nhiều ca khúc của anh đã phát sóng trên các Đài Phát thanh và Truyền hình. Nó đượm chất lính hồn nhiên, đượm chất dân ca mượt mà, sâu lắng, mang âm hưởng những lời ru của đồng bằng Bắc Bộ, của những câu hò sông biển Hạ Long. Đến đâu cũng vậy, vừa hạ ba lô, anh đã đi và lang thang cùng trời mây, non nước để thu những cảnh quan, những tư liệu cuộc sống vào tâm khảm, như thể sợ không còn cơ hội để làm việc. Sau chiến tranh, bao nhiêu thứ đang đợi người lính. Cuộc đời sẽ rất ngắn, nếu ta ngồi nghỉ, gậm nhấm ngọt ngào chiếc bánh thời gian!…
Từ hôm đó, chiều nào anh cũng đến thăm nàng. Lúc nhờ nàng đánh vi tính hộ bài thơ, bản nhạc vừa sáng tác. Lúc khoe với nàng về những con dốc cheo veo, những con suối, những thung lũng có cái tên lãng mạn. Đà Lạt đẹp hơn rất nhiều trong lời kể, trong giọng nói của anh. Nàng muốn níu giữ anh ở lại thật lâu để được ngắm nhìn, được thẩm định trí nhớ và được trò chuyện. Sao anh vẫn giống Ngân đến lạ kỳ? Mặc dù nàng đã cố trấn tĩnh, xua đi ý nghĩ “đây phải là Ngân?” Từ hôm có anh, nàng vui và trẻ hẳn. Mọi người trong cơ quan cũng nhận biết điều đó từ khi thấy chàng nhạc sĩ mặc áo lính thường lui tới ngôi biệt thự. Nàng thu xếp công việc rất nhanh gọn và trên bàn ngày nào cũng thay một bình hoa với những bông hồng nhung tươi rói. Nàng vẫn bâng khuâng, rung động trong cảm xúc sống lại quá khứ và sống cùng hiện tại, lúc mờ xa, lúc tỏ như vầng trăng trước mặt, vẫn tin chính chàng nghệ sĩ là Ngân của nàng thoát xác. Ngân và Nhâm, hai mà một, có khác gì đâu giữa hai cái tên hiện hữu trước mặt nàng một con người hoàn thiện bằng xương bằng thịt! Định mệnh đã thay Ngân bằng Nhâm cho nàng chăng? Đời nàng, suốt thời gian qua như một đống củi đang cháy nồng nàn, bỗng tắt, nhưng than còn âm ỉ, nay chợt có dịp khơi cháy lại. Ngọn lửa lắm lúc muốn bốc cao cháy hết mình. Nhưng nàng lại sợ ngọn lửa cháy hết mình bao nhiêu thì lại càng nhanh lụi bấy nhiêu. Giờ phút gần gụi của hai người càng nhanh xa cách bấy nhiêu.
Bỗng chuông điện thoại di động reo. Anh xin lỗi ra ngoài nghe và sau đó không hề giấu giếm: “Chị bảo ngoài Bắc lạnh lắm. Anh có tự giặt áo quần được không? Nếu dùng bàn là thì để số nhẹ thôi, kẻo xém vải!” Lát nữa lại có tin của con gái anh nhắn: “Bố ơi! Ngoài này dịch cúm gà đang lan đến, nhiều nhà phải đem huỷ từng đàn gia cầm, trông xót quá!” Chị lại gọi: “Thằng Nam đã thi đậu bằng lái xe. Giờ anh đang ngồi nói chuyện với ai? Nhớ nghỉ sớm giữ gìn sức khoẻ…” Nàng nghe rõ giọng người đàn bà đằng kia ngọt ngào, gạn gùng một cách khéo léo, dặn dò kỹ lưỡng coi anh còn trẻ con lắm. Lần nào anh cũng trả lời một cách hồn nhiên, ấm áp và dí dỏm: “Anh đang ngồi với nàng thơ và những nốt nhạc”...
- Chắc chị ấy đẹp lắm anh nhỉ? Anh rất yêu vợ. Đúng không? Nàng buột miệng hỏi anh, mặc dù biết là mình hỏi quá vô duyên. Anh cũng thật thà:
- Chị đẹp từ thuở sinh viên. Bọn anh học cùng một khoá. Chị hơn anh một tuổi. Nhưng bây giờ vẫn không khác mấy ngày xưa. Chị có lúm đồng tiền một thời làm anh mê hồn. Chị là nguồn cảm xúc trong nhiều sáng tác của anh… Nghe anh nói mà nàng như hụt hẫng. Một cảm giác gì đó rất nhẹ như một ngọn gió lạnh lùa vào kẽ tóc. Một chút hờn ghen vô cớ lan toả và xâm chiếm cõi lòng. Kể ra nàng cũng có một người đàn ông để được chăm sóc. Kể ra người ấy đang ngồi trước mặt nàng.
- Anh nói chuyện khác cho vui đi! Nàng giật mình khẽ nhắc.
Anh lại kể cho nàng những buổi đi thăm thung lũng Tình Yêu, Vườn hoa Thành Phố, lên thác Prenn, thác Đam B’ri hùng vĩ, vào hồ Tuyền Lâm nghe tiếng chim hót, ngẩn ngơ bên Thiền viện Trúc Lâm… Rồi trên đỉnh Lang Bian. Lần đầu tiên anh được vui một đêm lửa trại cồng chiêng, được nhảy và hát nhiệt tình, được uống rượu cần với những chàng trai cô gái Tây Nguyên. Anh bảo các bạn anh có nhiều người cũng hăng hái, trăn trở lặn lội đi thực tế như anh và họ đã có những tác phẩm hay về Đà Lạt.
- Anh đến cả hồ… Định nói hồ Than Thở, nhưng anh bỗng nói chệch sang hồ Đan Kia, sợ động phải nỗi buồn của nàng. Vì hồ Than Thở là một chuỗi truyền thuyết về mối tình cắc cớ của một đôi trai gái yêu nhau tha thiết nhưng không thành. Hình như nàng cũng cảm nhận được ý nghĩ của anh! Nhìn ánh mắt nàng, anh thấm hiểu dần nỗi cháy lòng của người chờ đợi. Nàng đã chờ đợi, một sự chờ đợi đến bảo thủ, cố hữu, khiến nàng sắt đá không nhận ra sự khác biệt giữa anh với người chiến sĩ tên Ngân. Nàng yêu Ngân đến nỗi mù quáng cả hơi thở của người yêu! Hơi thở của Ngân ngày xưa trộn lẫn vào hơi thở của Nhâm hôm nay thành một ư?
- Có dịp… anh sẽ đón em ra thăm vịnh Hạ Long! Nàng vội che miệng anh:
- Không! Đừng hứa! Lời hứa thường dễ làm người ta xa nhau! Ngồi bên anh thế này là em hạnh phúc lắm rồi!…
Cứ sau một ngày đây đó khắp thành phố hoa, chiều muộn, anh lại đến ngôi biệt thự cho nàng được vui. Anh không nỡ để nàng cô quạnh khép cuộc đời sau cánh cổng nặng nề kia. Một tình cảm lạ dâng trào trong anh, nó giống một làn nước xanh của biển cả tràn vào cửa sông muốn chan hoà vào dòng phù sa đỏ đang thao thiết chảy ngàn năm. Nó muốn thay đổi sắc màu của dòng sông anh từng tắm lội từ thuở bé thơ. Bên dòng sông là một bến đò. Tiếng gọi từ bến đò chợt vọng lên.
Một chiều cuối tuần nữa. Mặt trời cao nguyên như một trái hồng cài trong rừng thông se lạnh. Anh kia rồi, đang bước ngoài lối sỏi.
- Anh đến chia tay em. Mong em đừng buồn…
- Không buồn sao được, hở anh? Nàng thảng thốt.
- Đêm qua, nghĩ về em, không thể ngủ được, anh liền vùng dậy ngân nga những nốt nhạc... Anh lấy trong cặp ra một bản nhạc: -Đây là bản “Tình khúc Đà Lạt-Hạ Long” mới viết xong. Anh hát thử em nghe nhé!
- Vâng, cưng hát đi!
Ôm cây đàn vào lòng, anh đứng dậy cười rất tươi, so dây, rồi cất tiếng hát. Nụ cười kiêu hãnh mới giống nụ cười của Ngân làm sao! Giọng anh trầm và ấm như run lên, hoà vào từng giọt ghita. Những ca từ thật đẹp, thật mượt mà. Hạ Long quê anh thành phố biển xa. Vùng than bao la mênh mông sóng hát bốn mùa. Anh tới Đà Lạt một chiều nắng xanh...
- Chao ôi! Nắng xanh! Vậy mà ở đây em đâu có biết nắng Đà Lạt lại là nắng xanh! Em cứ ngỡ từ trước tới giờ là nắng lạnh, nắng vàng, sắc vàng của mùa thu buồn và hoa cúc quỳ chứ nhỉ?
- Không! Với anh, Đà Lạt là một miền nắng xanh em ạ. Nắng được nhuộm bởi màu xanh của rừng thông, của ngàn cây và ngàn hoa! Nắng xanh của tuổi trẻ, của mùa xuân. Nắng của lòng em đợi chờ không bao giờ phai lạt.
Những tia nắng lọt qua rèm cửa sổ chiếu xuống nền gạch hoa lúc này rõ ràng là một màu nắng xanh dịu nhẹ, lung linh. Nàng ngân nga theo anh: “Mai anh về rồi nhớ lắm Đà Lạt ơi! Mai anh về rồi nhớ lắm Đà Lạt ơi!...”Nàng ào tới ôm chầm lấy anh, hôn lên gương mặt, vào mái tóc phong trần, khét nắng. Nồng nàn và cháy bỏng. Khao khát và tin yêu. Anh. Em van anh! Anh có phải là Ngân của em. Anh đừng dối em! Anh đừng xa em!.
Dương Phượng Toại
Theo http://www.vanchuongviet.org/


1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...