Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Bút ký văn học

Bút ký văn học
Dạo này, tôi thường hay đọc lại những trang hồi ký của các nhà văn Việt Nam về nghề nghiệp, về thời cuộc, nhất là các cuốn “Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học”, “Chiến trường, sống và viết”... Rồi Nguyên Hồng, Tô Hoài, Xuân Diệu, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Thị... Đó là những tư liệu sống thật sự quý giá. Đọc chúng quả rất bổ ích, ngay cả lúc này, khi mọi chuyện về nghề viết tưởng như khác trước, khác rất nhiều rồi.
Trong chiến tranh, thiếu thốn đủ thứ. Cái ăn, cái mặc còn thiếu, nói gì đến phương tiện để viết. Nhà văn Thanh Giang kể  “Ở chiến trường, sáng tác về đêm. Chỉ dưới ánh đèn hạt đậu bằng chai rượu cồn, chúng tôi viết trang này qua trang khác, viết thâu đêm” (Chiến trường sống và viết). Còn nhà văn Phan Tứ thì nhớ mãi cái “chỗ ngồi viết lý tưởng” của mình vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đó là kho thóc của B28 (tức Đảng ủy Nam Tam Kỳ) ở trong một cụm rừng ven núi, giữa thôn Tứ Mỹ và nóc ông Bền - một làng người Thượng. Ông cam đoan sẽ tự túc gạo, muối và giữ kho thóc. Tuy ông cũng được ưu tiên hưởng sinh hoạt phí 5 đồng tiền Ngụy, đủ để mua hai lon gạo và một ít muối. Trong Ban Tuyên huấn khu V chỉ có đồng chí Phó Ban và ông là được cấp đến mức này (Chiến trường sống và viết). Sống kham khổ vậy mà nào có được yên để viết. Đỗ Chu, theo hồi ức của Lưu Quang Vũ, khi còn là một chiến sĩ phòng không, “ở trong một chiếc lều vải bạt cùng với các chiến sĩ của khẩu đội. Bàn viết của Chu là một hòm đạn pháo 57. Anh đang chuẩn bị tập “Phù sa” cho Nhà xuất bản Văn học; công việc của anh luôn bị ngắt quãng bởi những hiệu lệnh báo động. Đỗ Chu bỏ bút, chụp lên đầu cái mũ sắt, chạy ra ụ pháo, ngồi vào vị trí pháo thủ số 5 mà anh đã rất thành thạo” (Chiến trường sống và viết).
Có thể đọc nhiều, rất nhiều những dòng, những trang như vậy. Và chợt một câu hỏi lớn nảy ra trong đầu tôi : Vậy tại sao giờ đây, khi điều kiện sống và viết của các nhà văn ta đã được cải thiện về căn bản, hầu như không còn ai sống quá kham khổ, quá chật vật, mà sao vẫn có người chưa dám xả thân vì nghề, chưa thật thiết tha với trang giấy và ngòi bút như cần phải có ? Để phần nào giải đáp câu hỏi lớn nhức nhối này, tôi lại lần dở tiếp những trang sách còn nóng hổi sự sống văn chương kia. Và...
Nguyễn Thi thổ lộ: “Ước mợ của tôi là được sống và chiến đấu cùng với đồng bào Nam bộ. Nghệ thuật của tôi cũng bắt nguồn từ đó. Tsêkhốp đã từng nói: Nghệ thuật sở dĩ đáng quí và thuyết phục được mọi người chính là ở chỗ không cói dối được đó. Tôi phải đi chiến trường mới được” (Chiến trường sống và viết). Nguyễn Thị, một nhà văn - chiến sĩ tiêu biểu nhất đã đổ máu vì những trang viết chân thực như vậy đấy! Ở đời mỗi người tự chọn cho mình một cách chết, và cách chết thể hiện cách sống của mỗi người là theo ý nghĩa này chăng? Con người ấy sẽ làm nên trang viết ấy, nào có khó hiểu gì đâu.
Ý nghĩ của nhà văn Nguyễn Thi có gì thật gần gũi với ý nghĩ của nhà thơ Xuân Diệu trong cuộc kháng chiến chống Pháp khi lần đầu tiên ông tiếp xúc với chất thơ mới mẻ của bài “Cá nước”. “Một chất gì đó đã sinh ra - Xuân Diệu kể lại - cái chất đó có thể sinh ra được do tâm hồn người... Đó là lòng chân thành , chân thành, đó là Tố Hữu, Tố Hữu. Chúng tôi, một số thi sĩ đã viết thơ từ trước Cách mạng tháng Tám, không phải là chúng tôi không biết xào nấu cho thơm điếc mũi lên ! Nhưng chúng tôi đứng lặng trước cái chất tình người này : Một thoáng lặng nhìn nhau - Mắt đã tìm hỏi chuyện - Đôi bộ áo quần nâu - Đã âm thầm thương mến, trong tiếp xúc hàng ngày, những con người đã thấu đến cốt lõi của nhau: Tình giai cấp, tình kháng chiến” (Lượng thông tin và những kỹ sư tâm hồn ấy). Cách viết của Xuân Diệu là vậy: Đầy cảm xúc và rất phóng khoáng. Nhưng thật, thật lắm! Ta hoàn toàn có thể tin được.
Ở một góc độ khác, Nguyên Ngọc “nhớ lại và suy nghĩ”: “Những năm tháng  đó trên chiến trường, những người viết văn và làm nghệ thuật chúng tôi đều thầm có một mong muốn, còn hơn thế nữa, một khát vọng, một nhu cầu tinh thần bức bách : Khát vọng được sống như những người anh hùng”. (Chiến trường sống và viết). Tôi nghĩ “khát vọng” này đã thật sự truyền sức sống sang “Đất nước đứng lên”, “Đường chúng ta đi”, “Rừng Xà nu”... cùng nhiều tác phẩm say cuốn lòng người khác của anh. Người đọc được soi sáng bởi lý tưởng thẩm mỹ cao đẹp của nhà văn, để rồi:
Không ai có thể ngủ yên trong đời chật
Buổi thủy triều vẫy gọi những vầng trăng
                                     (Thơ Chế Lan Viên)
Những trang sách đi ra từ tầm cao của cuộc đời và góp phần nâng cuộc đời lên những tầm cao mới...
Tôi lại đọc, đọc hồi ức của Nguyên Hồng về những ngày cuối cùng của Nguyễn Huy Tưởng - một nhà văn không chỉ lớn nơi trang sách mà còn lớn, rất lớn trong cuộc đời riêng: “Nguyễn Huy Tưởng mổ xong, nằm thiêm thiếp. Gương mặt anh hốc hác, nhợt nhạt. Người anh đẫy chắc thế mà gầy rám xuống giường. Thấy tôi vào, Nguyễn Huy Tưởng từ từ mở mắt. Anh đưa ngay tay đón bắt tay tôi, cười, giọng thều thào :
- Tơ rai!... Tơ rai!  ... Tơ rai! (Tiếng Anh) nghĩa là: Tin tưởng!) (Sức sống của ngòi bút). Hãy nhớ lại, Nguyễn Huy Tưởng sống trong những năm tháng đầy khó khăn như thế nào ! Mọi chuyện đâu đã được an bài. Xung đột là có thật, cuộc xung đột quyết liệt diễn ra hàng ngày, trong từng văn nghệ sĩ. Vậy mà họ đâu có mất niềm tin và hy vọng vào sự nghiệp này, vào cuộc sống này. Và họ đã tìm cách để vươn dậy, để vượt thoát mọi thách thức, mong giữ cho được lòng tin. Thử tưởng tượng, một người bình thường khi mất lòng tin thì sẽ ra sao? Huống hồ, đây lại là nhà văn. Bạn đọc biết nương tựa vào đâu khi nhà văn - người đại diện cho lương tri của thời đại, lương tâm của dân tộc lại bị nao núng, bị lung lạc. Đừng đánh mất cái quí giá nhất của người cầm bút, đó là lòng tin. Bài học thấm thía rút ra từ cuộc đời cầm bút của Nguyễn Huy Tưởng đâu có nhỏ.
Nghĩ tới ông, tôi hay liên tưởng tới Phađêev ở Liên Xô (trước đây), nhà văn gần như sống cùng thời và có hoàn cảnh tương tự như Nguyễn Huy Tưởng. Hoàn cảnh sống càng tăm tối, tấm gương của nhà văn này lại càng tỏa sáng... Đấy là chưa nói thiếu hoặc mất lòng tin, thì nhà văn chưa thể cầm bút để viết được cái gì cho ra hồn cả. “Các tác giả chỉ nhằm trình bày một sự thật mà họ tin hoàn toàn rằng chính đó mới là sự thật. Họ chỉ cốt diễn tả một chân lý mà họ tin đến tuyệt đối rằng chính điều đó mới là chân lý” (Nguyễn Khải - Một bản thu hoạch).
Tôi đọc tiếp những hồi ức của Văn Cao về Thâm Tâm. Khoác ba lô đi theo kháng chiến, từ “chân trời của một người” tới “chân trời của tất cả”, Thâm Tâm viết khá chật vật. Do vậy khi làm xong bài thơ “Chiều mưa đường số 5”, nhà thơ vui sướng lắm, tâm đắc lắm. Ông nói với Văn Cao :
- Đã lâu mình mới làm được một bài đấy!
- Sao anh không làm nhiều vào?
Thâm Tâm cười khẩy:
- Cũng muốn làm nhưng không được.
Vâng, làm thơ, viết văn, một thứ văn thơ đích thực, đâu có dễ dàng như... đi dạ hội, hay như... đi ăn tiệc. Tay tiên một vẫy đủ mười khúc ngâm (Kiều), ấy là khi cảm hứng dâng đầy, câu chữ cứ như tuôn trào dồn dập, tự nhiên. Không thể dừng, không thể dứt được! Nhưng cảm hứng, nói như văn hào Pautôvxki, sẽ không đến nếu ta bỏ “đói” nó. “Tứ khổ, ngôn cam”, suy nghĩ khổ đắng, nói ra mới ngọt ngào được! Thấy nhiều nhà thơ (thường là loại “bậc trung”), viết nhanh đến phát khiếp đi được... Khi mà tài năng ở người cầm bút chưa đủ lớn, tôi có thói quen đoán định giá trị của tác phẩm qua công sức của người viết. Trở lại câu chuyện trên, Thâm Tâm viết khó khăn là thế mà Văn Cao cũng đã hài lòng với bài thơ ấy đâu: “Tôi không thích bài thơ ấy lắm, mặc dù nội dung của nó đã khác hẳn thơ anh ngày trước. Tôi thấy bài thơ hơi dễ dãi, không mang màu sắc gì riêng của tác giả” (Chiến trường sống và viết).
Ôi, cái nghiệp văn chương mới cay nghiệt làm sao! Nhiều người kinh hãi là phải. Rất dễ đi vào và rồi bước ra tay trắng lại hoàn tay trắng như chơi. Văn chương, nghệ thuật, đâu phải chuyện “lấp trống thời gian... việc giống nhau ngày này qua ngày khác... chuyện kỹ xảo... không phải là cuộc sống dễ dàng” (Pautôvxki).            
Phạm Quang Trung
Theo http://www.pqtrung.com/


1 nhận xét:

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...