Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Khúc hát thành phố cao nguyên

Khúc hát thành phố cao nguyên
Đà Lạt.
Buổi sáng.
Trời lạnh, xanh và trong.
Căn phòng sơ sài mà ấm cúng.
Vườn rau mượt mà phía trước…
Chủ nhân của căn phòng, vườn rau và của cả… đất trời Cao nguyên kia là Nguyễn Lương. Tôi có thể nói vậy vì xem kìa: anh đang say sưa đọc hàng chục bài thơ của chính anh  về Đà Lạt, trong đó có một bản trường ca gồm 5 chương dầy dặn. Rất nhiều trải nghiệm. Rất nhiều tâm huyết. Giọng anh xao động và trầm ấm. Người nghe duy nhất chỉ một mình tôi. Mà không, cả đất trời, cảnh vật Cao nguyên nữa chứ! Hiểu như thế nên tôi chăm chú lắng nghe, không bỏ sót một câu, một chữ. Đôi chỗ chưa rõ hoặc chưa hiểu, tôi nhờ anh đọc lại. Chẳng hạn, đoạn thơ này:
            Lối mòn vượt lên đỉnh núi
            Âm thầm thở dốc rìa buôn
            Lối mòn lặng lẽ về xuôi
            Như con suối không tên hòa vào sông cái…
Thơ Nguyễn Lương là vậy, hình ảnh dung dị, ít đại ngôn, lấy việc giãi bày chân thực cảm nghĩ làm trọng, có thể đôi khi dàn trải một chút, kể cả dễ dãi nữa, nhưng không khi nào không gợi lên một điều gì, buộc người đọc phải suy ngẫm. Cái lối mòn âm thầm thở dốc gắng vượt lên đỉnh núi cao, hay lặng lẽ về xuôi hòa vào đường cái, đại lộ, xa lộ như suối đổ vào sông rồi đổ ra biển cả – cái lối mòn quen thuộc được viết đầy dụng ý ấy như muốn nhắn nhủ ta những điều khác, cao hơn, sâu hơn về sự đời và lẽ đời. Sống, với người có ý thức, luôn bao hàm sự nghiền ngẫm về đời sống. Và người sống lâu trên cõi đời phải là người phát hiện ra nhiều điều thẳm sâu từ đời sống. Ở người làm thơ, nhờ được vậy, mà sự liên tưởng tinh tường hơn, trường liên tưởng, cũng nhờ vậy mà khoáng đạt hơn:
            Âm thanh này qua rất nhiều lặng im
            Qua núi cao đèo dốc
            Qua khe đá lá cành
            Mới nên khúc hát
            Róc rách, dạt dào, vẹn nguyên…
Đó là cảm nhận của Nguyễn Lương về Âm thanh của thác Prenn. Tôi nghĩ, chắc phải trải qua nhiều ngọt bùi cay đắng ở đời mới dễ tiếp nhận thơ của một người có thể chưa thật  tài hoa song luôn trăn trở trước lẽ sống còn, chuyện được mất, sự vinh nhục của đời người như thơ anh. Nguyễn Lương quả có thế mạnh trong sự phát hiện bề sâu. Điều này càng đặc biệt nổi rõ khi ngòi bút nơi anh chạm vào Đà Lạt – một chất liệu sáng tạo dễ biến thơ thành nhợt nhạt của sự dễ dãi, sáo mòn. Từ chất giọng trầm lắng phải thừa nhận là chưa có gì thật nổi trội của mình, anh hình dung ra thành phố của chúng ta: 
Thành phố nằm nghiêng nghiêng
Đôi cánh hoang sơ soãi về biển cả. 
Một con chim khổng lồ soãi đôi cánh về biển Đông… Tôi thích trạng thái động của thành phố, động nơi hình hài, động trong tâm tưởng. Dường như, con chim kia bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng nâng mình lên khỏi mặt đất, bay xa bay cao về phía mặt trời…
Xin cảm ơn tấm lòng của Nguyễn Lương dành cho thành phố Đà Lạt. Để rồi chúng ta có dịp đọc nhiều vần thơ hay viết về hoa của anh. Chẳng là, nói tới Đà Lạt mà không nói tới hoa thì coi sao được. Anh bảo, từ xa xưa, khi khuôn mặt còn chìm trong sắc lá Đà Lạt đã là thành phố của hoa. Đúng quá rồi! Cái khó là viết sao đây cho thật ấn tượng. Cây bút Nguyễn Lương đã hiến cho những người muốn đưa hoa vào thơ không ít bài học phải nói là quý giá. Trước hết, anh luôn nhìn hoa bằng đôi mắt lạ hóa vốn có ở người nghệ sỹ. Này nhé:
Hoa lồng đèn dấu mặt làm duyên
Và:
Hoa bìm bịp như những dấu chân
Biếc tím in lên sườn núi. 
Quả là Cõi thần tiên màu sắc như anh từng thú nhận. Chúng có sức huyễn hoặc bạn đọc là phải. Tuy nhiên, bí quyết thành công chính lại nằm ở sự gắn bó thành máu thịt giữa hoa và người. Có sự gắn bó thật sự ở nghĩa đen: 
… Bộ cúc áo dát vàng
Làm bằng hoa cúc dại
Cho em gái tôi hóa thành công chúa
Mỏng mảnh đôi tay em xòe múa
Hồng hồng
Tim tím
Cánh hoa me… 
Sâu xa hơn là sự gắn bó ở nghĩa bóng, nghĩa phái sinh. Đây là nỗi đau: 
Nghe gai tường vi bấu vào da thịt
Giọt lệ lăn tròn trên mỗi cánh hoa
Còn đây là niềm kiêu hãnh cao sang:
… Ông mặt trời
Thè những cánh lửa màu, đỏ rực
Là hoa trạng nguyên
Những cánh lá thiêng liêng
Non tơ nên đỏ thắm
Khoe với đời hơi ấm trẻ trung 
Hoa, đẹp ở sắc màu, quyến rũ ở hương thơm, đi vào thơ lại thêm sắc, thêm hương nhờ thấm đẫm tâm sự của người làm thơ. Nó có ý nghĩa nhân bản cao sâu hơn nhiều. Nhưng viết những vần thơ như vậy, một ai đó giàu có hồn thơ tạt qua Đà Lạt đôi ba ngày như du khách của cái đẹp cũng có thể làm được. Anh Nguyễn Lương còn có những vần thơ hay khác mà chỉ có những ai ăn đời ở kiếp nơi đây như là chủ nhân của cái đẹp mới viết nổi. Tôi muốn nhắc đến chương Quên giọng nói riêng mình của bản trường ca. Ở đây, không chỉ tồn tại sự cảm nhận mà còn tồn tại sự thức nhận: Tự giấu riêng mình/ cho chung thành phố. Hơn 100 năm qua, bao nhiêu thế hệ người Việt từ khắp mọi miền đất nước đã đến đây mang một ý nguyện chung ấy. Để cho:
Rừng núi dang tay thành câu hát ví
Trong điệu “mái nhì” xa lắm sông Hương
“Ra ngõ mà trông” nhớ lời “ví dặm”
Xôn xao từng nhịp “ xẩm xoan”… 
Bao làn điệu dân ca vang lên từ ba miền giờ kết lại trong một điệu khúc mới, đằm thắm và cuốn say. Ấy là vì: điều cốt lõi nhất đã được hết thảy mọi người Đà Lạt thấm nhuần: hãy chung sức chung lòng làm cho Thành phố ngày một sáng đẹp thêm lên.
Mùa xuân về trên thành phố ngàn hoa
Tôi xin lấy câu kết của bản trường ca để kết thúc đôi lời về tập thơ đầu tay của một cây bút thơ quen thuộc với Đà Lạt, với Lâm Đồng: anh Nguyễn Lương. Mời các bạn cùng thưởng thức.
Đà Lạt, 12/2001
Phạm Quang Trung
Theo http://www.pqtrung.com/


1 nhận xét:

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...