Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Cảm nhận văn chương ngôi thứ tư số ít

Cảm nhận văn chương ngôi thứ tư số ít

Cùng trong một tiếng ...
(Thay lời tựa)
Cùng trong một tiếng tơ đồng
Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm
Thưởng thức tiếng đàn Kiều trong tiệc đón Thúc Sinh nhưng mỗi người (Kiều, Thúc Sinh, Hoạn Thư) có nhlĩng niềm nỗi khác, thậm chí ngược trái nhau. Và rồi, nhiều trăm năm sau, nghe cung đàn năm cũ, mỗi bạn đọc Nguyễn Du lại thấu trong Bốn dây như khóc như than ấy là Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay!...
Lawrence Ferlinghetti(*) đã nêu "52 định nghĩa về thơ để sử dụng trong thế kỷ 21". Xin trích một số câu:
- Thơ đó là cách đi tới nơi tận cùng của ý thức.
- Bài thơ là một tấm gương thả bộ theo một đường phố đầy những lạc thú thị giác.
- Thơ là chiếc lá chói lọi của tưởng tượng. Nó phải rực sáng và làm cho bạn gần như mù quáng.
- Thơ là ánh sáng mặt trời tràn qua mắt lưới vào buổi sáng.
- Thơ được tạo thành bởi những quầng sáng tan dần trong một đại dương âm thanh.
- Thơ là tất cả những gì được sinh ra với đôi cánh và cất lên tiếng hát.
- Thơ là cái gì tồn tại giữa các đòng chữ.
- Thơ được tạo nên bởi âm tiết của những giấc mơ.
- Thơ là sự đối thoại của những pho tượng.
- Một bài thơ không cần được giải thích.
- Thơ la tiếng nói của ngôi thứ tư số ít.
Rõ ràng là ta đã lạc vào mê hồn trận! Nhưng thử đặt lại vấn đề, nếu chỉ có một định nghĩa duy nhất đúng, rõ ràng và dễ hiểu về thơ (và nghệ thuật nói chung), thì tình hình sẽ tồi tệ đi rất nhiều. Và có khả năng, nghệ thuật sẽ tự hủy diệt.
Vì thế, cảm nhận văn chương là gửi mình vào một thế giới hư huyền, mà ở đó, tuỳ theo tâm cảm, văn hoá, năng lực..., mỗi người sẽ đi tìm và chiếm lĩnh một văn bản khác lung linh hơn, ý nghĩa hơn văn bản duy nhất, cố định bằng ngôn ngữ của tác giả. Harold Bloom, trong cuốn sách Bản đồ đọc nhầm (1975), quan niệm rằng, mọi sư đọc đều là "xuyên tạc" văn bản (mà người đọc nhà thơ là kẻ có khả năng "xuyên tạc" nhiều nhất). Đương nhiên, Bloom không hề biện minh cho việc đọc tuỳ tiện xuyên tạc, thoát ra ngoài ngôn ngữ và lối viết của mỗi tác giả.
Tập sách nhỏ này chỉ muốn tự giới thiệu một cách cảm nhận văn chương, mà những khi chấp bút, người viết lại ở trong mỗi tâm trạng, mỗi khả năng không giống nhau và không phải lúc nào cũng biết mình tỉnh táo. Vì lẽ đó, nhiều bài viết chọn vào tập sách này cũng được soi ngắm lại, khi thêm một lần bước vào âm tiết của những giấc mơ để cất công đi tìm cái gì tồn tại giữa các dòng chữ. 
Có giấc mơ nào giống giấc mơ nào?! Có tồn tại nào là không đổi?!...
Nếu nhỡ đâu đó tôi có "đọc nhầm", có "xuyên tạc" thì mong bạn đọc hãy lượng thứ. Và đã nhỡ như thế, tác giả những trang sách mỏng manh này vẫn cảm thấy mình có ích cho bạn đọc, cho chính mình; để kỳ vọng bạn và tôi sẽ tiếp tục rẽ sang một lối khác trong cơ man nẻo đường đi tìm ngôi thứ tư số ít.
Những chiếc bóng trong... 
Mùa xuân chín
Trong làn nắng ửng khói mơ tan .
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý bóng xuân sang.
Sóng cỏ xanh tươi gọn tới trời,
Bao cô thôn nữ hát trên đồi.
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nước mây.
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc
Trông ra ý vị và thơ ngây.
Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:
- Chị ấy năm nay còn gánh thóc,
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang...
(Mùa xuân chín - Hàn Mặc Tử)
1. Bóng xuân
Bài thơ có tên Mùa xuân chín, vậy mà nhà thơ chỉ dành có 5 dòng để tả cảnh xuân. Đúng hơn, tả một chiếc bóng: bóng xuân. Nàng xuân đến thật diễm ảo. Áo biếc thướt tha, nàng bước chân trên thảm cỏ xanh non; nàng không đến gần ai mà thấp thoáng mơ hồ trên giàn thiên lý; chung quanh nàng là nắng ửng khói mơ huyễn hoặc...Xuân Diệu trong Đây mùa thu tới, tả nàng thu như một thiếu phụ đang tang chế cho một mùa hè rực rỡ đã lâm chung: 
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
Đây mùa thu tới! Mùa thu tới!
Với áo mơ phai dệt lá vàng...
Không, nàng xuân của Hàn Mặc Tử có vẻ tươi tắn và tràn trề sức sống. Nhưng đấy cũng chỉ là một chiếc bóng, chợt ẩn chợt hiện đến là mong manh!...
2. Bóng người
Tôi đã từng thắc mắc rằng, như nhiều người đã nói, thời điểm mô tả (thời gian nghệ thuật) trong bài thơ là những ngày cuối xuân, khác với Nguyễn Bính có Mùa xuân xanh; nhưng sao ở khổ mở đầu lại bảo bóng xuân sang; bóng xuân qua mới phù hợp chứ? Hình như từ chínkhông có ý nhấn mạnh về sắc xuân của thời gian mà muốn nói về xuân sắc của đời người. Vì vậy, 11 dòng thơ còn lại gần như tập trung khắc họa bóng dáng những con người. Ai vậy?!
Bóng người đầu tiên được nhà thơ cảm nhận là một...đám xuân xanh. Đấy là bao cô thôn nữhiện ra trong tiếng hát. Hãy chú ý nơi vọng ra khúc ca xuân. Tiếng hát trên đồi, vắt vẻo lưng chừng núi, giọng điệu hổn hển như người đang chạy đua với đèo dốc; lời ca như giữa mộng, như có như không, dễ bay biến giữa không gian xa vời, giữa thời gian khoảnh khắc. Đám xuân xanh ấy vô tư quá trong phút giây xuân chín! Khách tha hương đành buột miệng: Trông ra ý vị và thơ ngây. Đấy không phải lời tán thưởng giọng hát, mà nỗi than thầm về một bi kịch báo trước bước đi biến đổi lạnh lùng của kẻ trót mang xuân sắc!
Nếu những chiếc bóng nói trên còn chung chung mơ hồ thì hình bóng Chị ấy ở cuối bài thơ bỗng dưng xác định cụ thể trong tâm tưởng thi nhân phút giây hoài nhớ một quê nhà:
Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:
- Chị ấy năm nay còn gánh thóc,
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang...
Đây là một trong những câu thơ hoài hương có thể ở chung với Nhật mộ hương quan hà xứ thị - Yên ba giang thượng sử nhân sầu (Thôi Hiệu) (*), với Cử đầu vọng minh nguyệt - Đê đầu tư cố hương (Lý Bạch) (*), với Lòng quê dờn dợn vời con nước (Huy Cận)... Nhưng nhớ quê thì ít mà nhớ về chị ấy thì nhiều. Tiếng gọi thầm sao mà tha thiết, mênh mang. Hình bóng chị được đóng khung trong đường viền của không gian dòng sông vừa cụ thể vừa mang chất tượng trưng. Phải chăng, Chị ấy chính là một thiếu nữ của ngày này năm cũ, đã khởi đi từđám xuân xanh thuở vô tư tiếng hát. Chao ôi là bước đi khắc nghiệt của thời gian! Thấp thoáng trong đám xuân xanh ấy, trong Chị ấy là chiếc bóng thi sĩ Hàn lẻ loi giữa phút giây xuân chín với một dự cảm ngậm ngùi về sự giới hạn của đời anh, đời người không thể nào khác được.
Này bạn đọc, không có giàn thiên lý, bạn có thấy một bóng xuân sang?!
Cuối thiên kỷ thứ hai
(*) (*) - Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
      (Tản Đà dịch)
- Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương.
Một khoảng không của Huy Cận
Thơ nói chung, Thơ mới nói riêng, có quá nhiều ly biệt; trong ly biệt quá quen bóng dáng con thuyền: Bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền (Chinh phụ ngâm), Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm... (Nguyễn Bính), Thuyền ơi thuyền xin ghé bến lênh đênh... (Vũ Hoàng Chương). Thơ Huy Cận cũng không hiếm cánh buồm viễn xứ: Thuyền về nước lại sầu trăm ngả... (Tràng giang), Thuyền người đi một tuần trăng... (Thuyền đi) Vạn thuở chờ mong một cánh buồm... (Đảo). Tất cả đều là thuyền trôi thuyền dạt bơ vơ, người đi mất hút xa tít mù khơi...
Nhưng với Em về nhà thì nỗi vô định lại không phải ở phía người trên sóng nước:
Thôi sáng hung rồi; em hãy đi
Tự nhiên em nhé! Chớ buồn chi.
Suốt ngày nhắc nhở em từng phút,
Anh đoán thuyền em đến bến gì.
Này lúc bên đường bóng đứng trưa,
Thuyền em qua thác sóng xô lùa.
Sông êm, bãi cát con cò đứng
Khỏi vực, lòng em hết sợ chưa?
Tới ngã ba sông, nước bốn bề,
Nửa chiều gà lạ gáy ven đê.
Làng xa lặng lẽ sau tre trúc;
Bến cũ thuyền em sắp ghé về.
Khi bóng hoàng hôn phủ núi xa
Khi niềm tơ tưởng vướng chân, và
Khi cầm không được anh ngồi khóc:
Ấy lúc em tôi đã tới nhà.
(Theo Huy Cận đời và thơ,
Nxb Văn học, Hà Nội, 1999)
Lời mở đầu cuộc chia tay thật tỉnh táo. như là một lời khuyên thiệt thà, một nhắc nhở chẳng hề cơn cớ chi. Mà xem ra nào có chuyện gì đâu?!
Thôi sáng hung rồi; em hãy đi
Tự nhiên em nhé! Chớ buồn chi.
Như ông anh miền Trung nhắc cô em gái về lại luỹ tre làng, đơn giản, hơi chút lạnh lùng lại còn thúc giục. Thế rồi, khi người ấy dời chân (có lẽ?), mười bốn dòng thơ còn lại làm thành những đợt sóng tuôn trào trong lòng người ở lại. Thuyền em bắt đầu trôi trong tâm tưởng:Suốt ngày nhắc nhở em từng phút - Anh đoán thuyền em đến bến gì...
Thuyền em dần tái hiện trong những thời gian, không gian thắc thỏm lòng người. Em một mình dong ruổi, lên thác xuống ghềnh trong hành trình quy cố hương đơn lẻ:
Này lúc bên đường bóng đứng trưa,
Thuyền em qua thác sóng xô lùa.
Sông êm, bãi cát con cò đứng
Khỏi vực, lòng em hết sợ chưa? 
Tới ngã ba sông, nước bốn bề,
Nửa chiều gà lạ gáy ven đê.
Làng xa lặng lẽ sau tre trúc;
Bến cũ thuyền em sắp ghé về.
Một không gian quạnh vắng đìu hiu nhưng không đến nỗi Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi (Truyện Kiều), không phải là một chuyến hải trình đầy bất trắc. Bất trắc không ở nơi sông nước. Sông nước không nguy hiểm mấy, nếu như không muốn nói ngược lại, là quá nên thơ! Bất trắc đang tích tụ phía lòng người kia!...
Mọi việc bắt đầu từ đây, từ ngay lúc này đây:
Khi bóng hoàng hôn phủ núi xa
Khi niềm tơ tưởng vướng chân, và
Khi cầm không được anh ngồi khóc:
Ấy lúc em tôi đã tới nhà. 
Thế là kết thúc một chuyến đi (hay một lần gặp gỡ?) - Ấy lúc em tôi đã tới nhà...Mọi việc ngỡ đà xong hết. Nỗi đau ly biệt trong thơ trước đó (và sau này) thường dâng ngập hồn người lúcTrông vời, gạt lệ, phân tay (Truyện Kiều); nhưng ở bài thơ này thì ngược lại, bỗng nổi giông gió cuồng phong ở phút giây thuyền đỗ bến.
Bài thơ là một khoảnh khắc dồn tụ vào một thời điểm khốc liệt. Và, không nói thêm gì khác nữa. Em về nhà còn quá nhiều những - khoảng - không cho người đọc mặc sức tưởng tượng, mặc sức đưa mình vào một chuyến ra đi mới.
Thơ Huy Cận là "linh hồn trời đất" (Xuân Diệu), "với một ít cát bụi tầm thường thi nhân lại có thể đúc thành bao nhiêu châu ngọc" (Hoài Thanh), hoặc nói kiểu Bùi Giáng là "cõi miền huyền bí nhất của tinh thể Đông Phương"... Thơ Huy Cận còn đặc sắc ở một chỗ khác. đó là khoảng không của ngôn ngữ thơ.
Theo dõi đời thơ Huy Cận (tập trung ở Thơ mới) những bài thơ hay của ông bao giờ cũng gắn với những khoảng không, những trống vẳng lặng im kỳ lạ. Huy Cận là thi sĩ của những điều không nói rõ, không muốn nói hết, và có thể, không nói hết được. Người đọc cũng chẳng bao giờ hiểu hết - hiểu hết thì hết thơ... Khi Huy Cận xa rời đặc điểm đó, thơ ông có thể vẫn được chấp nhận nhưng không sống được lâu. Điều đó góp phần lý giải vì sao, vẫn hồn thơ ấy, vẫn tài hoa ấy, vẫn câu chữ uyên áo ấy mà thơ Huy Cận có lúc không còn là một ngọn Lửa thiêng (*)
Trở về Màu tím hoa sim
MÀU TÍM HOA SIM
Hữu Loan
Nàng có ba người anh di bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh.
Tôi người vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xin
bên anh chồng độc đáo.
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến chinh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê...
Nhưng không chết
Người trai khói lửa
Mà chết
Người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh
Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi giâyphút cuối 
không được nghe nhau nói
không được trông nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tính
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa...
Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường Đông Bắc
Được tin em gái mất 
trước tin em lấy chồng;
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên 
ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về cỏ vàng chân mộ chí.
Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tính hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà 
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết.
Nhìn áo rách vai 
tôi hát trong màu hoa 
Áo anh sứt chỉ đường tà 
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu...
Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm 
Tím tình ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều 
hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu 
Tôi với vọng về đâu 
Áo anh nát chỉ dù lâu...
1. Văn bản tin cậy 
Toàn văn bản chép tay bài thơ Màu tím hoa sim có chữ ký của nhà thơ Hữu Loan (ghi ngày 12/10/2004) và có dấu đăng ký của Cục tác quyền (ngày 19/10/2004) do Công ty cổ phần Công nghệ Việt (Vitek) vừa công bố đã  hoàn thành thủ tục hợp đồng chuyển nhượng bán quyền với số tiền 100 triệu đồng. So với các bản đã in từ trước đến nay, bản mới đã có thay đổi ít nhiều. Vậy đâu là bản đáng tin cậy nhất?!
Bài thơ vừa công bố có một đoạn cuối do chính nhà thơ Hữu Loan bổ sung, mà theo ông, nó đã viết thêm từ rất lâu:
...Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Nghiêng đồi hoa sim.
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết 
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu 
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết.
Nhìn áo rách vai 
tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu...
Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm 
Tím tình ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều 
hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu 
Tôi với vọng về đâu 
Áo anh nát chỉ dù lâu...
So sánh với bản thường lưu hành, ta thấy bài mới công bố có thêm mười bốn dòng. Mười bốn dòng thêm cho cái kết một bài thơ, đâu phải chuyện nhỏ!? Có thề do mấy nguyên nhân:
Theo Hữu Loan xác nhận, bài thơ được sáng tác ngay tại mộ người vợ trẻ, rồi được ghi vào chiếc quạt giấy; sau đó chiếc quạt được gửi lại nhà một người bạn ở Thanh Hóa, người bạn ấy đã chép lại và chuyền tay nhau suốt những năm tháng ấy. Chiếc quạt giấy bây giờ chắc là không còn. Việc chép lại, rồi chuyền tay nhau trong những năm tháng chinh chiến của hơn 50 năm trước, làm
sao không có chuyện sai lệch?! Hoàng Cầm cũng từng không thể nhớ thật chính xác về toàn văn bài thơ Bên kia sông Đuống của mình...
Trong quá trình sáng tạo, hầu như rất hiếm có bài thơ nào được viết một mạch không hề chỉnh sửa hoặc biên tập gì. Đất nước của Nguyễn Đình Thi là ghép từ hai, ba bài thơ khác trước đó. Tràng giang của Huy Cận có nhiều cách chọn lựa ở khổ đầu và khổ cuối. Tống biệt hành của Thâm Tâm còn có thêm một khổ nữa... Cũng còn một lẽ, khi in sách báo hoặc lúc chép tay chuyền nhau ai đó đã "biên tập" hoặc "lượt bớt" những dòng mà họ cho là... thừa trong đoạn kết. Thực tiễn tiếp nhận có khả năng chọn lọc văn bản theo cách đó.
Dẫu nguyên nhân nào chăng nữa, thì người đọc vẫn phải đối diện với một thực tế: Có ít nhất hai văn bản đang tồn tại. So sánh hai đoạn kết, rõ ràng là bản mới công bố tỏ ra dềnh dàng, kể lể mà không có sự đột biến hay âm vang vốn cần có cho một đoạn kết thơ. Giữa một văn bản của lòng mình và một văn bản của tác giả mới công bố, người đọc có quyền tiếp nhận theo cảm xúc riêng - một mỹ cảm vốn được hình thành và hoá thành dấu hằn ký ức từ hơn nửa thế kỷ cho một tác phẩm nghệ thuật. Mấy năm trước, có người muốn khôi phục lại khổ cuối cho Tống biệt hành (... Ly khách ven trời nghe muốn khóc...) nhưng không thể, bởi đối với người đọc, bài thơ cần phải dừng đúng ở dòng Em thà coi như hơi rượu say... Thơ như một hình ảnh không dịch chuyển của hoài niệm - nó là nó chứ không ai khác, không thể thêm bớt...
2. Số phận một bài thơ - một đời thơ
Màu tím hoa sim được xem là "một trong những bài thơ tình hay nhất cửa thế kỷ 20" và cũng là bài thơ có số phận nghiệt ngã nhất. Sau khi được công bố: bài thơ càng được người đọc đón nhận, yêu mến bao nhiêu thì tác giả của nó càng vướng vào bấy nhiêu hệ lụy: từ đây, cuộc đời riêng và cuộc đời nghệ thuật của Hữu Loan bỗng rẽ sang một bước ngoặt khác. Trong một thời gian dài, dễ chừng cũng trên dưới 30 năm, ở miền Bắc, Màu tím hoa simkhông được phổ biến. nếu không muốn nói là cấm in, cấm đọc. Tác giả của bài thơ sống lặng lẽ âm thầm, lao động cật lực để nuôi sống gia đình. Và có lẽ, từ đấy, người đọc dường như bị đánh mất cơ hội được tiếp tục chiêm ngưỡng một hồn thơ hào sảng, bi tráng, mới mẻ, đằm thắm của Hữu Loan - một hồn thơ có lúc đạt đến sự tổng hoà tinh anh giữa Phạm Huy Thông của Thơ mới, Hoàng Cầm và Quang Dũng trong những ngày đầu kháng chiến, một giọng thơ thô ráp mà tinh vi với kiểu bậc thang gân guốc mang dáng dấp một Maiakovski . Lý do bài thơ không được phổ biến thật đơn giản:. Đấy là thơ buồn, thơ mất mát, bi thương, không có lợi cho cuộc kháng chiến đang hồi khốc liệt... Khi đã xem sự lợi hại trên hết vì cuộc kháng chiến, vì lợi ích của giai cấp, của một cộng đồng thì cái đẹp có lúc không thể thoát khỏi số phận bi kịch.
Nhưng con đường thơ từ một người đến muôn người lại có quy luật riêng của nó - thứ "quy luật phản quy luật ". Màu tím hoa sim thay vì chìm vào quên lãng thì lại được cất giữ trong lòng người sâu kín hơn: thay vì công khai trên đài báo, trên sách giáo khoa thì nó lại "rút vào bí mật" để rồi băng qua con đường vốn là đại lộ của thi ca đích thực - lối đi của kẻ mang thông điệp từ một trái tim đến một trái tim, tưởng nhỏ bé mỏng manh lại hoá ra vàng đá. Cái gì còn sẽ còn nguyên - Cái gì tan ngỡ vững bền cũng tan ...(Trần Đăng Khoa). Ở trường hợp này, không chỉ còn nguyên, mà bài thơ bỗng nhận thêm những giá trị, thêm những thử thách và thêm những che chở, thương yêu, bù đắp. Khi che khuất ánh sáng, hồng ngọc bỗng bất ngờ ánh chiếu một thứ màu sắc ảo huyền...Thử nghĩ ngược lại, nếu Màu tím hoa sim bình yên vô sự, thì chắc chắn, nó đã có một thân phận khác. Và trong trường hợp ấy, biết đâu, ta có một - Hữu Loan - khác chứ không phải một Hữu Loan của Đèo cả, Những làng đi qua, Hoa lúa... và nhất là Hữu Loan của Màu tím hoa sim...
3. Trong màu sim tím
Sức hấp dẫn của Màu tím hoa sim, trước hết như đã nói, là ở phần số có vẻ không may của nó. Nhưng để trở thành một trong những bài thơ đáng nhớ: không thể chỉ là chuyện rủi may.
Màu tím hoa sim lôi cuốn người đọc ngay từ hoàn cảnh sáng tạo: Cái chết đột ngột của người vợ trẻ ở hậu phương. Lê Đỗ Thị Ninh (sinh năm l932) vốn là học trò của Hữu Loan khi ông còn học Collège Đào Duy Từ ở Thanh Hóa. Rồi Hữu Loan ra Hà Nội học Tú tài. Tại đây, ông gặp lại cô học trò ngày xưa, và kết duyên vào năm 1948. Cưới xong đâu có mấy ngày, Hữu Loan phải tức tốc hành quân theo Sư đoàn 304. Mấy tháng sau ngày cưới, ông nhận được tin vợ bị nước cuốn trôi - Gió sớm thu về rờn rợn nước sông...
Như phần đầu bài thơ đã kể, đôi vợ chồng trẻ không có được nhiều thời gian hạnh phúc của thời chiến chinh, họ cưới nhau xong là đi. Nhưng điều ngang trái là ở chỗ, không chết người trai khói lửa - mà chết người gái nhỏ hậu phương... Càng ngang trái bẽ bàng là nàng không chết vì bom đạn quân thù mà chết vì một nguyên nhân khác. Nghịch cảnh phi lý ấy đã bộc phát sáng tạo thơ ca. Lời kể tự nhiên, vỡ oà, mê tưởng...réo gọi người đọc bằng cơn thống thiết của một tâm hồn giữa phút giây tuyệt vọng.
Mà cái đẹp của sự tuyệt vọng lại chính là một trong những chân giá trị của nghệ thuật. Màu tím hoa sim, vì thế, như một một bức khốc văn đọc trước mộ người bạc mệnh, thiệt thà mà tài hoa, đắng cay mà đằm thắm, hát ca mà chứa chan nước mắt...Nó mang dáng vẻ hiện đại của thế kỷ chiến tranh thế giới nhưng lại tiếp mạch tự tình dân tộc theo kiểu một Phạm Thái - Trương Quỳnh Như. Người đọc không đọc theo thơ mà đọc theo lòng; bước lên nhịp cầu cảm thông niềm đau mất để đặt chân đến ngưỡng cửa sự chiêm bái cái đẹp bi ai. Không có hoàn cảnh riêng, biết có Màu tím hoa sim, biết có một Hữu Loan?! Hoặc có thể vẫn có một Hữu Loan, nhưng chắc không phải là người - của - màu - hoa - tím - ấy... Chính cuộc sống đã sáng tạo ra thi sĩ, và thi sĩ, không ai khác, mang lại cuộc sống cho thơ...
Hoàn cảnh sáng tạo là chiếc nôi đưa ru tinh thần nhân bản của bài thơ. Một thời, do ngộ nhận về chức năng và giá trị của văn học hoặc do sự cảm nhận chủ quan đã dẫn đến việc hiểu không đúng nội dung tác phẩm. Cho rằng bài thơ lên án chiến tranh, thể hiện khát vọng hạnh phúc thông qua tiếng kêu xé lòng của lứa đôi trong bom đạn. Thực ra, Màu tím hoa sim còn đề cập đến một khía cạnh khác của cuộc đời. Tất cả nằm trong "câu chủ đề" này:
Nhưng không chết
Người trai khói lửa
Mà chết
Người gái nhỏ hậu phương
Vậy thì đâu chỉ chiến tranh?! Chiến tranh thường chết Người trai khói lửa chứ (Lấy chồng thời chiến chinh mấy người trở lại - Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi), hoặc chết cả hai người, ở đây chỉ chết nguời gái nhỏ hậu phương, mà lại chết đuối, không phải do giặc bắn em rồi quăng mất xác (Quê hương - Giang Nam)?! Rõ ràng, cảm hứng Hữu Loan hướng về cái ngang trái bất thần giáng xuống lứa đôi, giáng xuống hạnh phúc con người, cái nỗi cổ kim hận sự không ai lường được trong cõi người ta đầy bất trắc này, ở đâu cũng có và đời nào cũng không thể tránh khỏi !... Thế mới đau, mới không thể nào hiểu thấu, mới thấy những đồi hoa sim dài trong chiều không hết. Thế mới có thêm trong thi ca cái màu tím chiều hoang biền biệt bên cạnh màu quan san biệt ly một thuở...
Sau Màu tím hoa sim, ta thấy xuất hiện Núi đôi của Vũ Cao, Quê hương của Giang Nam - những bài thơ mà nhiều người cho rằng, cùng viết về một đề tài nhưng đã vượt qua hạn chế về tư tưởng của Màu tím hoa sim. Cả hai bài thơ vừa nói đều ảnh hưởng rõ ràng motype của Hữu Loan về đề tài, kết cấu, cách kể (yêu nhau - tôi đi bộ đội - em ở nhà chết - tôi về đau xót). Thực ra, hai bài thơ vừa nói đã đặt một vấn đề hoàn toàn khác với Màu tím hoa sim.  Núi đôivà Quê hương thể hiện tình yêu gắn bó với tình đồng chí, hoà quyện với lòng căm thù và tinh thần chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc. Màu tím hoa sim  không đặt vấn đề về tổ quốc, về tình đồng chí, về lòng căm thù giặc... Tác giả muốn khóc than bất hạnh để ca ngợi hạnh phúc muôn năm của con người, để vĩnh hằng hoá tình yêu.
Sức hấp dẫn của Màu tím hoa sim còn ở và chủ yếu là ở trong hệ thống nghệ thuật của bài thơ. Cả bài thơ là sự hồi tưởng qua giọng kể của chính tác giả. Tự nhiên mà chắt lọc, hơi thơ mãnh liệt nhưng liền mạch, không thấy gãy vỡ cấu trúc. Bài thơ như một vở kịch, như một cuốn phim được quay theo thủ pháp hồi nhớ có khả năng đan quyện cái đau với cái vui; niềm thương với nỗi tiếc, có diễn biến và cao trào, khiến người đọc cuốn theo cuộc nhân duyên ngắn ngủi của hai hình tượng - tôi và nàng. Thủ pháp ấy khiến liên tưởng đến kiểu điếu văn nhằm tạo ra âm điệu tưởng tiếc với trường cảm xúc cộng hưởng vô cùng. Giọng kể ấy lại gắn với kiểu câu thơ tự do rất mới lúc ấy, xuống dòng nhiều chỗ rất "tức" (gần giống như thơ bậc thang), góp phần làm cho ngôn ngữ kể như tiếng nấc, tiếng kêu uất nghẹn của kẻ đau thấu trời xanh...
Vẻ đẹp của bài thơ còn là cách sử dụng thủ pháp tương đồng - đối lập tạo hiệu quả nghệ thuật rất cao. Hữu Loàn có năng lực thiên phú trong xâu chuỗi những nét tương đồng: Yêu nàng như tình yêu em gái (ân tình, nồng thắm), nàng không đòi may áo mới - tôi mặc đồ quân nhân(yêu thì chẳng câu nệ gì), ngày xưa nàng yêu hoa sim tím - áo nàng màu tím hoa sim - chiều hành quân qua những đồi sim (thương nhớ, thuỷ chung), nàng vá cho chồng tấm áo ngày xưa -  nhìn áo rách vai - tôi hát trong màu hoa (nỗi đau mất mát)... Đặc biệt. các hình ảnh đối lập là sáng tạo độc đáo nhất của Hữu Loan, tạo sức gợi mạnh mẽ và có "độ không nói" có "sự im lặng giữa các từ", sự dồn nén cao ngất: Không chết người trai khói lửa - mà chết người gái nhỏ hậu phương (oan khiên), chiếc bình hoa ngày cưới - thành bình hương tàn lạnh vây quanh (trớ trêu), được tin em gái mất - trước tin em lấy chồng (ngang trái)...
Màu tím hoa sim là tình ca, không phải tráng ca. Bài thơ không viết về chiến tranh mà nói về thân phận con người. Mỗi lần đọc Màu tím hoa sim ta thấy lòng mình như dao cứa là nhờ Hữu Loan đã xuất thần góp một khúc đoạn trường nữa cho nền văn chương giàu nỗi nhân tình của đất nước Việt Nam. Màu tím hoa sim là một tài sản mỹ học, đó mới là một giá trị đích thực. Bỗng nhớ Joseph Brodsky (Nobel 1987): "Tài sản mỹ học của cá nhân càng giàu có bao nhiêu, thì khiếu thẩm mỹ càng vững chắc bấy nhiêu và quan điểm đạo lý càng rõ ràng hơn. Do đó, anh ta càng có tự do hơn mặc dù cũng có thể, chưa chắc đã hạnh phúc hơn".
Nỗi nhớ trong Tây Tiến và Bên kia Sông Đuống
Tây Tiến của Quang Dũng và Bên kia Sông Đuống của Hoàng Cầm được sáng tác vào năm 1948. Đấy là một trong những thời điểm khắc nghiệt và thử thách nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp. Cảm hứng mất mát, bi thương đều hiện ra trong các sáng tác tuỳ theo góc nhìn của từng nghệ sĩ - chiến sĩ trong vạn ngàn ngày đạn lửa (Tố Hữu). Cả hai bài thơ đều có cùng hoài niệm về một quá khứ dần xa mà khả năng có thể một đi không trở lại. 
Quang Dũng "bồi hồi Nhớ Tây Tiến" (1) ; còn Hoàng Cầm thì "tâm tư chồng chất những nhớ thương, tiếc nuối..." (2). Nhưng dường như, đọc lại hai bài thơ này, cảm giác hãy còn một điều gì ẩn chứa bên trong mà tác giả không nói hết, hoặc người đọc chưa kịp nhận ra?! Nhớ trong hai bài thơ ấy là nhớ những gì, quan trọng hơn là nhớ cái gì sâu sắc nhất, quán xuyến nhất của kẻ để hồn về Sầm Nứa và người muốn hành hương trở lại Bên kia Sông Đuống?!...
1. Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi
"Đoàn quân Tây Tiến, sau một thời gian hoạt động ở Lào về Hoà Bình thành lập Trung đoàn 52. Đại đội trưởng Quang Dũng ở đó đến cuối năm 1948, rồi được chuyển sang đơn vị khác. Rời xa đơn vị cũ chưa bao lâu, ngồi ở Phù Lưu Chanh, anh viết bài thơ bồi hồi "Nhớ Tây Tiến" (3). Bốn đoạn thơ dài ngắn khác nhau, bàng bạc nhớ thương. Đoạn 1: Nhớ một vùng núi rừng mà đoàn binh Tây Tiến đã đi qua: Đoạn 2: Nhớ những kỉ niệm hân hoan đời lính. Đoạn 3: Nhớ đời lính lãng mạn, bi hùng. Đoạn kết: Gửi trọn lòng mình về Tây Tiến.
Cách phân đoạn, phân ý như trên cho thấy cái khó, nếu xét về lôgic cấu trúc ý tứ bài thơ. Và nếu tìm cảm hứng chủ đạo của mỗi đoạn thơ thì lại không nhìn được tính nhất quán của trục liên tưởng - hoài niệm. Toàn bộ hình ảnh, chi tiết, ngôn ngữ, giọng điệu được tái hiện qua kí ức tựa như những thước phim quay chậm, vừa đặc tả cận cảnh vừa lướt thoáng mờ nhoè, vừa liên tục triền miên vừa đứt nối đột ngột. Vì thế, có những hình ảnh, ngôn từ không thể đi đến tận cùng hoặc xác định cách hiểu rõ ràng, kiểu như : hội đuốc loa, kìa em xiêm áo, đoàn binh không mọc tóc, quân xanh mau lá, áo bào thay chiếu, dáng người trên độc mộc...
Thơ tựa một giấc mơ được nhớ lại. Giấc mơ ấy có qui luật riêng của nó. Đã nhiều lần Tây Tiến trực tiếp gọi tên nỗi nhớ nhưng cũng chỉ biết đấy là một nỗi nhớ chơi vơi:
- Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
- Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
- Có nhớ dáng người trên độc mộc
- ...
Nhớ cảnh, nhớ người, nhớ gian khổ bi thương, nhớ niềm vui khoảnh khắc, nhớ mơ mộng một thời trai trẻ...Đủ cả cung bậc. "Nỗi nhớ dường như xua tan dần sương khói của thời gian, không gian xa cách, làm hiện hình ngày càng rõ nét những kỉ niệm của đoàn quân Tây Tiến trên núi rừng Tây Bắc ngày nào" (4).
Nhưng đâu là nỗi nhớ bao trùm nhất, lớn nhất làm nên chất bi tráng đầy ám ảnh trong bài thơ được xem như là đỉnh cao nhất của thơ Quang Dũng? Phải chăng, nhà thơ muốn tập trung "làm hiện hình ngày càng rõ nét những kỉ niệm của đoàn quân Tây Tiến"?
Trước hết hãy trở về với cái tôi trữ tình tác giả trong bài thơ: Nguyên Đại đội trưởng Quang Dũng - thi sĩ Quang Dũng - đang hồi tưởng, đang ngược dòng chảy xiết thời gian để trở về vùng kỉ niệm. Vùng kỉ niệm ấy không được mô tả như nó vốn có trong thực tại quá vãng mà được giãi bày như nó đang tồn tại trong hồn mình vào thời điểm đang nói. Có hai Quang Dũng, một Đại đội trưởng đoàn binh Tây Tiến của ngày ấy và một thi sĩ Quang Dũng của hiện tại. Người này đang thương nhớ người kia? Hiện tượng này xét ở góc độ tâm lí là bình thường. Cái khác thường là ở chỗ, từ hiện tượng đó, thơ ca đã cất lên tiếng nói nào - đúng hơn, bằng cách nói độc đáo không lặp lại như thế nào?!
Tố Hữu, trong bài Nhớ đồng, đã viết: Đâu những ngày xưa tôi nhớ tôi. Rồi đến Việt Bắc: Mình đi mình có nhớ mình. Xuân Diệu cũng đã từng tự phân thân: Xin đừng tìm biết rõ chàng ta, Từ tôi phút ấy sang tôi phút này...Rất có khả năng, hai cái tôi ấy đang nới dần khoảng cách thời gian, không gian, đang dự báo lo âu về cái ngày mình không còn là mình của ngày xưa nữa nữa. Cho nên, cái tôi của ngày cũ bỗng hiện lên chấp chới bao màu sắc, trong ánh hào quang rực rỡ của tưởng tượng được nhân lên: Trong sự "tha hóa" của chính mình đó, chiếc áo thô mộc đơn giản của cô gái miền núi bỗng thành xiêm áo tự bao giờ, tiếng khèn điệu nhảy thô sơ bỗng trở nên man điệu ảo huyền, những người lính rụng tóc hoặc cạo đầu, da xanh vì sốt rét bỗng thành đoàn binh không mọc tóc...dữ oai hùm; mộ hoang u tịch bên đường hoá thành rải rác biên cương mồ viễn xứ; trang phục người lính thiếu thốn, chằm vá trở thành áo bào như trong trí tưởng người chinh phụ ngày Chàng từ đi vào nơi gió cát...Ngôn ngữ được cách điệu với nhiều từ Hán Việt trang trọng, cổ điển, giọng điệu pha chút tráng ca thời cổ lai chinh chiến...Dễ thấy, thiên nhiên Tây Bắc hoang liêu được tô đậm vẻ dữ dằn. khốc liệt nhưng lại thiên trọng về vẻ phi thường, lãng mạn của sự dữ dằn khốc liệt ấy...Tất cả nhằm vẽ vời hình ảnh người lính - cái tôi hoá thân của nhà thơ trong không - thời gian quá khứ có một không hai ấy. 
Như vậy nhớ - một - tôi - thời - Tây - Tiến chính là nỗi nhớ mãnh liệt nhất, là hoài mong vô vọng mà tràn đầy niềm tin một khi Sông Mã xa rồi...Nỗi nhớ ấy luôn làm con người thấy mình bé lại và người khác nhận ra mình lớn lên: Đó là nơi nương tựa vĩnh cửu và mơ hồ nhưng vững chãi, mãnh liệt.
Quên mới đáng sợ, và quên chính mình hôm qua mới là cái đáng sợ nhất! Khổ cuối bài thơ bộc lộ tư tưởng nghệ thuật ấy. Từ Tây Tiến được nhắc hai lần trong hai hàm nghĩa khác nhau:
Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Đấy là Tây Tiến của người đi, của người đã xa. Tây Tiến trong ký ức, Tây Tiến trong thăm thẳm một chia phôi. Câu thơ Một mình làm cả cuộc phân li (5), buồn nhớ đến mênh mang...
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.
Và đấy là Tây Tiến của hồn về, của người nỗ lực mong trở lại. Tây Tiến trong thề hứa muôn đời chung thủy với một tôi một thủa , mặc dòng sông đời thác cuốn vẫn chấp nhận chẳng về xuôi. Câu thơ ngân lên phẩm chất người đẹp đến nao lòng...
Gẫm lại những bài thơ hay một thời, hình như đều có nỗi nhớ kì lạ ấy - Vu vơ, Quê hương của Tế Hanh, Nhớ rừng của Thế Lữ, Màu tím hoa sim của Hữu Loan, Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử...
Nhân đây, xin trích các hướng dẫn giảng dạy hơi lạ của Sách Giáo viên Văn 12 (Nxb Giáo dục - 2000) về khổ cuối nói trên: "Hình  ảnh Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi: chẳng về xuôi nghĩa là bỏ mình trên đường hành quân; còn Hồn về Sầm Nứa có thể hiểu: chí nguyện của các chiến sĩ sang nước bạn, hợp đồng tác chiến với quân tình nguyện Lào chống thực dân Pháp, họ quyết tâm thực hiện lí tưởng ấy đến cùng. Cho nên, dù đã ngã xuống trên đường hành quân, hồn (tinh thần của các anh) vẫn đi cùng với đồng đội, vẫn sống trong lòng đồng đội..." (trang 62). Thật vậy chăng?!...
2. Những chuyện muôn đời không nói năng
Bên kia Sông Đuống là nỗi đau mất mát, là niềm thương tiếc không nguôi về một miền quê đang chìm trong bóng giặc. Sông Đuống - linh hồn quê hương Kinh Bắc đang nằm nghiêng nghiêng trong hồi tưởng của đứa con xa. Quê nhà dần dần hiện ra trong mạch cảm xúc tuôn trào không kìm chế của khúc ly quê hương.
Hoàng Cầm nhớ cảnh đẹp, trù phú:
- Ngày xưa cát trắng phẳng lì...
- Một dòng lấp lánh...
- Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc...
- Quê hương ta lúa nếp thơm nồng...
Cảnh ấy có thể bắt gặp trên nhiều trang thơ khác, ở nhiều miền quê khác. Có gì gây ấn tượng?!
Rồi Hoàng Cầm nhớ người thân yêu: những nàng, những em, những cô hàng xén, những cụ già phơ phơ tóc trắng, những mẹ già nua còm cõi...
Từng ấy cảnh, từng ấy người vẫn chưa làm thành nỗi nhớ sâu lắng mang dấu ấn tình cảm và sáng tạo của thi nhân. Cho đến khi, những cảnh, những người kia gắn chặt với một vùng văn hóa mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên thì Bên kia Sông Đuống mới sáng bừng lên tư tưởng nghệ thuật của nó. Những hình tượng thành công nhất của bài thơ này luôn gắn liền giữa nỗi nhớ cảnh 
nhớ người với những giá trị tinh thần muôn đời Kinh Bắc. Không nghi ngờ gì nữa, tiếc thương lớn nhất, nỗi đau lớn nhất chính là sự tan vỡ những giá trị tinh thần, khi Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn. Hòa bình rồi sẽ trở lại; con sẽ được về bên mẹ, kẻ ly hương sẽ trở về mái nhà xưa; nhưng những giá trị mấy trăm năm ấy không thể cùng lúc hồi hương. Mất văn hóa, con người tha hương ngay trên chính nơi chôn rau cắt rốn của mình.
Khó có thể vẽ bức tranh tang thương dâu bể này lần thứ hai:
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngã
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu.
Không thể miêu tả nỗi nhớ về nụ cười gái quê nào dung dị mà nồng ấm, chói lòa đến thế, đấy là nụ cười thiếu nữ Việt Nam của mấy thế kỉ:
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng...
Và không bao giờ có thể tả được gương mặt người mẹ trong trạng huống có một không hai này:
Khuôn mặt bừng lên như dựng trăng
Ngậm ngùi tóc trắng đang thầm kể
Những chuyện muôn đời không nói năng...
Với bốn dòng thơ trên, Hoàng Cầm đã ghi tên mình vào những nhà thơ có câu thơ viết về mẹ hay nhất của văn học Việt Nam xưa nay.
Những câu thơ trích trên như những chuỗi ngọc lấp lóa không thể nào nhận rõ từng sắc màu phản chiếu. Đấy là những dòng thơ tuôn chảy từ trong vô thức, " được tạo nên bởi âm tiết của những giấc mơ" (Lawrence Ferlinghetti - Sđd). Hình như tác giả không có chủ định làm thơ. Như Hoàng Cầm đã kể, có một người con gái mơ hồ nào đó đứng đọc cho ông viết một mạch những câu thơ ấy giữa đêm khuya. Đấy cũng là một đặc điểm trong quá trình sáng tạo của tác giả Lá diêu bông. Lúc nào ông xa rời điều ấy, lúc ông "cố ý làm thơ" thì thơ lại trở nên "vô tình" với mong muốn của thi nhân. Bên kia Sông Đuống là bài thơ hay, nhưng Bên kia Sông Đuống lại là bài thơ có không ít những khổ thừa,. những chữ dễ dãi cũng là vì lẽ ấy: Ví như :Dao loé giữa chợ - Gậy lùa cuối thôn - Lúa chín vàng hoe, giặc mất hồn - Ăn không ngon - Ngủ không yên - Lòng không vững - Chúng mày phát điên, Để con đi giết giặc - Lấy máu nó rửa thù này - Lấy súng nó cầm trong tay - Mỗi đêm một lần mở hội - Trong lồng con chim múa hoa cười, À ơi... Cha con chết trận từ lâu - Con càng khôn lớn càng sâu mối thù - Tiếng em cắt cỏ trại tù v.v... Những câu thơ trên là những  câu thơ thật, nhưng thông điệp thẩm mĩ thấp; ý vừa lộ vừa thừa: kể lể nhiều mà sự cộng hưởng lan toả không bao nhiêu. Khi viết nhưng câu thơ vừa kể: "người con gái mơ hồ" ấy hình như vừa đi vắng...
Tây Tiến của Quang Dũng và Bên kia Sông Đuống của Hoàng Cầm đã quát hiện từ nửa thế kỉ trước: Sự tiếp nhận của bạn đọc ngày ấy và bây giờ về hai thi phẩm này đương nhiên khác nhau - cái khác của sự phát triển hình tượng thơ trong tâm lý và hoàn cảnh thưởng thức của công chúng nghệ thuật mỗi giai đoạn. Hình tượng thơ bao giờ cũng được tồn tại trong thế vừa ổn định vừa dịch chuyển. Nó vừa ở lại vừa ra đi...
Ngộ nhận Bùi Giáng
Bùi Giáng là một hiện tượng văn học đặc biệt. Đặc biệt khác với vĩ đại. Mặc dù nhà văn và tác phẩm lớn lao nào cũng rất đặc biệt, cá biệt. Chung quanh cuộc đời và tác phầm của ông là những nhận định không thống nhất.
Ông tự gây ra và không tự gây ra những trớ trêu đáng có và không đáng có cho người yêu ông mê mệt, cho những ai thích phiếm luận văn chương nhưng không đọc ông đến độ, và cho cả những người không dính líu với trang viết nhưng lại bận lòng với cuộc đời riêng tư của nghệ sĩ...
Con người thật và chân dung tinh thần trên trang viết Bùi Giáng là một (quan hệ phức hợp đưa đến những cảm nhận khác nhau. Tác giả với tư cách là con người và tác già với tư cách cái - tôi - nghệ - sĩ được cam thấu qua trang viết tuy là một nhưng không phải là một, không bao giờ là một. Một ở cõi người ta còn một ở trong thế giới nghệ thuật: Một thì ăn ở với đời, một thì sống trong giây phút thăng hoa. Một này có khi (thường là rất ít khi.) hoàn toàn là một kia, nhưng lắm khi, một kia chính là sự gạn lọc, là sự phát tiết tinh anh, là tất cả năng lượng tiềm ẩn phút giây bộc phát không lặp lại, là cấp số nhân những ước mơ hiển hiện của một này... Oái oăm, Bùi Giáng phải chăng là sự ngộ nhận giữa hai (hoặc nhiều hơn?) con người ấy; oái oăm, sự ngộ nhận đó lại nhiều khi làm ông nổi tiếng và "vĩ đại" không kém sản phẩm nghệ thuật (tiếng nói cuối cùng, giá trị duy nhất của nhà văn) mang lại?! Nghe ông nói, nhìn ông hành xử, đọc ông viết (thời điểm này với thời điểm kia, trang trước với trang sau, câu trên với dòng dưới...) bao giờ cũng là sự không nhất quán mà lại thống nhất trong cái nhìn vừa tổng thể vừa chi tiết của các tư cách trên. Ông như một..."cô đồng"! Điệu nhảy của ông Bùi trở nên thiêng liêng huyễn hoặc khi có tiên thánh giáng vào. Nhưng khi ông múa may ở giữa ngã tư đường phố trong trạng thái thần kinh không kiểm soát hành động, lúc ấy tiên thánh đãthăng rồi!...(xin bỏ qua sự khập khiễng vốn có). Hại thay, sự thăng - giáng này lại vô hồi bất tận, khoảnh khắc lẫn lộn và thiếu thời gian biểu để người đọc biết mà lạy những câu thơ xuất thần khi ông Bùi...giáng.  Đọc thơ ông (sáng tác cũng như dịch thuật), văn ông (khảo luận, văn dịch) có sự nhập nhòa không phân định đó. Nó tăng trưởng theo chiều tuổi tác, theo thời thế, theo bệnh tật và theo tài năng (bên này của sự phát triển và bên kia dốc trượt của đỉnh điểm mà nghệ sĩ nào rồi phải bước qua). Từ Mưa nguồn đến Sa mạc phát tiết, rồi tới Rong rêu vàĐêm ngắm trăng chính là chặng đường đau khổ ấy. Vì  thế, Bùi Giáng mở đầu cho một "trường phái." mà kẻ bắt chước ông, tự xưng là môn đệ của ông, chẳng bao giờ có thể vượt qua bậc thầy khả kính của mình ở mọi phương diện.
Thật khó diễn đạt điều này nữa...Không loại trừ nhưng lúc ông mất kiểm soát (với tư cách con người bệnh tật) thì nó lại giúp ông xuất thần xuất chiêu (với tư cách con người nghệ sĩ) những dòng thơ (thường là lục bát - thể thơ thành công hơn cả và gắn với máu thịt hồn quê kiểng trong ông) đầy ma lực. Đảo lộn mọi trật tự ngôn ngữ thông lệ, chồng lấp khép mở hình ảnh, nhạc tính lạ lùng ngân rung, cộng hưởng nhiều yếu tố ngẫu nhiên...để có những câu thơ "trời cho", mà ai cũng phải kinh ngạc.
Lục bát của ca đao mượt mà; lục bát thời Thơ mới thêm nỗi đắm say; đến Bùi Giáng, lục bát đã thành diễm ảo. Cũng cái cách ấy, nhưng khi thần xuất thì những câu thơ ông (kể cả những câu...dịch) có lúc là mớ chữ sắp xếp vụn vỡ, không biết đâu vào đâu, chỉ còn chút âm điệu kêu vang vốn có của tiếng Việt giàu âm thanh, (Một hôm gầu guộc gầm ghì. - Bồm gao gạo đỏ bỏ buồm gạo đen...). Chính Bùi Giáng cũng đã thức tỉnh điều ấy, mặc dầu ông còn bao biện đôi phút, xưng tụng đôi chút trong câu thơ này: Người điên ngôn ngữ điệp trùng - Nử chừng như mộng nửa chừng như mê...
Một câu hỏi đặt ra, nếu không điên (hiểu là một loại bệnh tâm thần) liệu Bùi Giáng có viết hay như thế không, có viết hay hơn thế không?! Chưa có câu trả lời xác đáng; bởi những gì chưa xảy ra hoặc nếu thay đổi đi sự cố quá khứ đối với người nghệ sĩ thì hoàn toàn không ai biết chính xác tác phẩm của họ sẽ đi đến đâu. Nhưng chắc chắn rằng, người đọc sẽ không bận lòng với những trang, những dòng kì dị khác người nhưng không thể cho là sự độc đáo đáng tồn tại của nghệ thuật. Và người đời chắc không chứng kiến và thêu dệt những kiểu hành xử lạ lùng tội nghiệp của Bùi Giáng khi cơn bệnh giày vò ông.
Có người đã đặt ra câu hỏi với Hàn Mặc Tử, nếu không mắc bệnh nan y thì thi sĩ Hàn có tồn tại được thế? Nỗi đau, bệnh tật, nỗi đời riêng bất hạnh của nghệ sĩ rất nhiều khi là nguồn năng lượng kỳ lạ làm "bệ phóng" ghê gớm thúc đẩy những sáng tạo tung vỡ đột biến. Nhưng cũng không loại trừ khả năng, những tai ương đó níu cánh đường bay sáng tạo lẽ ra không chỉ dừng lại nửa chừng đầy tiếc nuối như ta đã biết...
Bùi Giáng không phải nhà tư tưởng, không phải triết gia, không là đạo sĩ nguyên nghĩa...Cuồng sĩ, quậy sĩ càng không đúng với ông...Bùi Giáng là Bùi Giáng, duy nhất không giống ai mà không ai có thể giống mình. Ông là một tài năng vốn có là hiếm có bằng sự bẩm sinh bằng con đường tự học là tự "đốn ngộ". Ông đem đến cho thơ thêm một hơi thở mới lạ mà dễ chừng một thế kỷ chỉ xuất hiện mấy người. Ông là một dịch giả tài hoa trên lĩnh vực thơ văn là triết học. Ông là người có phong cách và có những ý tưởng độc đáo với những trang khảo luận văn chương nhiều hấp lực. Ông không thuộc những nhân cách vĩ đại nhưng là người không hề mưu cầu và không biết mưu cầu, không hề cơ hội và không biết cơ hội, không hề nửa vời và không biết nửa vời...ông sống hết mình với đúng - sai - hoảng - loạn...Văn đàn đất Việt ông ngồi riêng một chiếu! Ai ghé vào, giỏi lắm cũng chỉ làm người hầu kẻ hạ cho ông mà thôi! Mà hầu hạ được ông, cũng là một vinh dự, một lạc thú!...
... Làm cho cho hại, cho tàn, cho cân !... (Truyện Kiều) 
Nguyễn Minh Hùng
 Theo http://www.vanhochiendai.com/

1 nhận xét:

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...