Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

Sống trong tiếng gọi và chết cho lý tưởng

Sống trong tiếng gọi và chết cho lý tưởng
Rầm… rầm… ì… đùng…
Con nhỏ nằm trùm mền kín mít mà tim vẫn đập thình thịch, nó co rúm người lại trong chiếc mền mỏng, mắc chứng gì mà nó sợ sấm chớp dữ lắm, mỗi khi nhìn thấy trên bầu trời có mấy tia đỏ nháng lên là người nó run bần bật, có những khi đi ngoài đường một mình gặp trúng mưa bất chợt mà có kèm theo sấm chớp thì ôi thôi nước mắt nước mũi nó cũng chảy tèm lem, vừa chạy xe vừa khóc nhưng ai biết được là nước mưa hay nước mắt…
Sau cơn sốt xuất huyết đờ đẫn, nó và con nhỏ em quyết tâm đi thay đổi không khí, bỏ xa phố thị với những ồn ào khói bụi, bỏ xa những con đường chật hẹp với đầy dẫy những khối nhà cao ốc nhức mắt, khó thở. Nó đi, đến một thị trấn nhỏ cách thành phố chỉ khoảng năm mươi cây số nhưng xét về tầm cao thì chắc thuộc loại ở trên đầu người ta.
Chiếc xe tay ga cũ kỹ ì ạch cõng hai con nhỏ bò dần lên núi. Núi cao và khúc khuỷu, ngoằn ngoèo như con rắn uốn lượn theo sườn núi. Một bên là vách núi, một bên là suối sâu, còn con đường thì cao cao vắt vẻo. Ngồi sau xe  mà nó chỉ dám nhìn thẳng về phía trước rồi ôm eo nhỏ em bẻ  theo con đường cong cong không thấy xe đối diện ào xuống lúc nào vì bị khuất tầm nhìn trước mặt…
Cuối cùng rồi cũng đến nơi với cái đầu lao đao. Chỗ tụi nó tá túc là một điểm nhóm của người sắc tộc Raglay, một nơi vừa thân vừa thương mà nó quý mến.
Hai con nhỏ được Thầy Cô Truyền Đạo cho ăn cơm rồi nghỉ ngơi, chiều sẽ đi long nhong thăm thú núi rừng, lịch mà nó vẽ sẵn rất hấp dẫn làm con nhỏ em ham chơi cứ ngồi cười hí hí. Ăn cơm xong thì con nhỏ em leo lên nệm gục tại chỗ, ngáy nghe o o, nó cũng nằm kế bên nhắm mắt để đó cho khỏe, và rồi nó lại nghe tiếng ì đùng đó. Tiếng sấm báo hiệu cơn mưa ào đến, nhanh không diễn tả được, mưa núi lạ lắm, không tí tách nhẹ nhàng như mưa ở phố, không bay bay nên thơ để ta có thể xòe tay nắm lấy chút ít vương vấn như trong những bài thơ. Mưa núi đổ rầm rầm xuống với một lượng nước khổng lồ, vừa mới đây thôi bầu trời còn trong xanh sáng trưng, vậy mà chỉ nghe rầm rầm vài tiếng sấm thì đã đen kịt, gió quất ầm ầm, từng ngọn cây chao đảo ngã nghiêng, những ngôi nhà nhỏ bé dường như co mình lại theo từng con gió, những chiếc xe lao nhanh trong mưa trên  con đường xâm xấp nước. Con nhỏ he hé mắt ra khỏi cái mền và quan sát thấy những điều đó qua cửa kính của phòng nhóm mới xây. Nó nghĩ “Chúa ôi! phải chăng Ngài đang mở các cửa vực trên trời? Con chưa thấy cơn mưa nào lớn và nhiều nước đến thế” còn người miền núi khỏe thiệt, làn da đen sạm, rắn chắc không cần áo mưa hay dù mà cứ thế phóng xe lao vun vút trong màn mưa dày đen kịt…
Quay sang nhỏ em tính kêu nó dậy để coi mưa núi như thế nào thì thấy con nhỏ cuộn tròn như con tằm đang nằm trong kén, mặc cho mưa dội xuống mái tôn nghe ầm ầm, nhỏ em vẫn say sưa ngáy đều, đúng là còn con nít, mưa như vầy mà không coi, mai mốt về dưới xuôi có chuyện gì đâu mà kể cho tụi bạn nghe nữa, ngủ dậy xong tiếc cho mà coi nha nhỏ.
Nó lại trùm mền chỉ để chừa cặp mắt, nó thấy ông thầy truyền đạo già đi lên, tay cầm cây lau nhà (bự gấp đôi cây lau nhà dưới xuôi, chắc là do ông tự làm), dáng người ông nhỏ nhắn, gầy gò, tóc đã gần trắng xóa, dáng điệu rất từ tốn. Ông kiên nhẫn lau từng chút một những hạt mưa tạt vào phòng nhóm, ông khom người xuống, kì cọ từng vết bẩn trên sàn nhà cho đến khi cây lau nhà nặng trĩu nước thì ông lại cúi xuống gồng người để vắt khô giẻ lau, cứ như thế ông cẩn thận từng chút như một chú kiến thợ chăm chỉ, chẳng hề hay biết là có đôi mắt lấp ló sau cái mền đang quan sát ông. Con nhỏ lại nghĩ “Chúa ôi! một con người cần mẫn trong việc nhỏ như thế thì con tin chắc rằng đây là một đầy tớ tốt của Chúa, xin giúp con làm một việc gì đó có ý nghĩa trong chuyến đi này, Chúa ôi!” Ý định viết một bài về ông thầy đã nhen nhúm lên từ  hình ảnh ấy.
Thời tiết trên núi ngộ ghê, cứ như tính tình đỏng đảnh của một cô gái mới lớn, vừa mới vui vẻ nói cười tíu tít đó, một lát sau đã xụ mặt nước mắt ướt mi. Sáng nắng chiều mưa! Y như vậy.
Sau hơn một tiếng đồng hồ Chúa mở cửa đập trút nước xuống núi rừng bao la thì mọi vật khác hẳn, bầu trời lại sáng bừng, trong xanh, con nhỏ bước ra ngoài ngước mắt lên thấy trên cao phía hướng bắc mọc lên một cái cầu vồng rực rỡ, nó nhớ đến giao ước về Cái Mống mà Đức Chúa Trời đã lập với loài thọ tạo của Ngài, môi nó nở nụ cười rất tươi với ánh mắt biết ơn Cha Thiên Thượng. Sau cơn mưa cảnh vật khác lắm, cây cối được tắm mát thỏa thuê đang rung rinh trong gió rì rào một điệu nhạc vui tai, màu xanh của núi rừng tràn ngập được thu vào trong khóe mắt, suối đầy nước chảy róc rách như bản nhạc giao hưởng của thiên nhiên ban tặng. Chúa cho phép mọi điều xảy ra trong quy luật và ở mỗi nơi sẽ có quy luật riêng, Chúa tạo ra muôn loài vạn vật, Chúa biết hết nơi nào cần gì. Trên núi nầy hệ thống nước chưa được kéo đến, người dân chỉ sống nhờ vào những cơn mưa từ trời, ruộng rẫy, mùa màng chỉ chờ nước trời tưới xuống, mọi thứ đều cần nước trời như lời một bài đồng dao Việt Nam mà ai cũng thuộc:
_ Lạy Trời mưa xuống
lấy nước tôi uống
lấy ruộng tôi cày
cho đầy nồi cơm
tôi đơm cho dễ
tôi lễ Ông Trời…
Hít một hơi thật sâu cái không khí mát lành của tiết trời thu cao nguyên, con nhỏ thấy bệnh tật chẳng còn vấn vương mình nữa, nó nhìn quanh và thấy vợ của ông thầy đang ngồi trước cửa nhà nguyện, nó nhớ tới lời hứa nguyện lúc nãy, nó liền tranh thủ sáp tới ngồi kế bên:
_ Cô ơi! Hì hì…
Chắc cái mặt nhăn nhở vì ý định nhờ vả lộ ra thì phải nên vợ của ông thầy mới hỏi:
_ Muốn hỏi cái gì đây? Cô nói tiếng Kinh không nhiều lắm nên con nhỏ cố gắng để nghe thông tin cho khỏi sai lệch.
_ Cô ơi! Thầy dâng mình hầu việc Chúa lâu chưa ạ?
_ Hồi còn thanh niên lận, vì Thầy sinh ra trong một gia đình yêu mến Chúa, lúc đó Thầy là trưởng ban thanh niên… Tiếng Cô lơ lớ, không có bỏ dấu làm con nhỏ vừa lắng cái lỗ tai vừa banh con mắt ra nhìn cái miệng cô để vừa nghe vừa đoán.
_ Vậy cả nhà mình ở đây lâu chưa Cô? Nó tìm những câu hỏi ngắn gọn diễn tả để cô hiểu cho dễ.
_ Từ năm 1976 đó con, còn trước kia nhà mình ở Đà Lạt, rồi chiến tranh xảy ra, dân bắt đầu di cư để tránh súng đạn, tránh đói…
_ Cô ơi! vậy Thầy Cô có bao nhiêu người con ạ? Con nhỏ cứ chậm rãi khai thác tối đa thời gian rảnh của người phụ nữ hiền lành, chân chất (mà vừa đi chân đất nữa)
_ Nhà mình có mười một người, tám trai, ba gái. Cô nhắc đến những đứa con với ánh mắt long lanh trìu mến, đong đầy tình yêu thương cuả người mẹ cả đời hi sinh vì chồng vì con.
_ Vậy nhà mình có đủ một đội bóng rồi cô hen, hi hi… Con nhỏ còn cố ghẹo cho cô cười mới được.
_ Những năm tháng Thầy đi học chắc là vất vả lắm cô nhỉ? Nó  đoán được câu trả lời nhưng nó vẫn hỏi.
_ Ừ! Vất vả lắm con à, Thầy phải đi học suốt, hết Sài Gòn rồi tới trường Bết Lê Hem (gần Thần Học Viện cũ) ở Nha Trang, học nhiều lắm, học hoài, học cho đến ngày nay luôn…
_ Sao học hoài mà chưa được phong chức vậy ạ? Bây giờ vẫn còn nằm trong top “truyền đạo tình nguyện”.
_ Cũng không có biết nữa! Cô nhìn xa xăm và cười, nụ cười đôn hậu và buồn.
_ Vậy chắc nhà mình khó khăn lắm cô hén? Thầy phải học miết, rồi lo cho nhà nguyện, rồi chăm sóc đàn chiên. Cô ơi! Mọi gánh nặng gia đình đều đè lên vai cô rồi!
  Con nhỏ nhìn người phụ nữ gầy gò, xơ xác, chỉ mới năm mươi sáu tuổi mà trông cô già quá, nhiều lần sanh đẻ, nhiều việc nặng như làm nương làm rẫy, chăm con mấy chục năm nay đều đè nặng trên đôi vai gầy kia. Ôi! Nó thương bà, muốn ôm bà như ôm mẹ khi mẹ nó còn sống, khóe mắt cay cay, nó cúi xuống quyển sổ viết viết, xóa xóa cho bớt đi niềm thương cảm đang dâng lên trong lòng.
_ Mình là người lớn, ăn mì ăn khoai qua ngày cũng được, tội nghiệp mấy đứa nhỏ đi học, xuống dưới Kinh cái gì cũng mắc, tụi nhỏ chỉ dám ăn mì tôm mà học. Cô cúi xuống vân vê tà áo để giấu đi giọt nước mắt vì thương con, vì nỗi lòng chẳng mấy khi được bày tỏ. Nó hiểu điều đó.
_ Cô ơi! Vậy nhà nguyện này là đất mình dâng luôn hả cô?
_ Ừ! Của nhà mình dâng đó, từ đó đến giờ nhóm trong nhà nguyện vách nứa, mái tôn, bây giờ cất lại khang trang mát mẻ nhưng chính quyền chưa công nhận, không cho nhóm trong nhà nguyện mới. Cũng khổ tâm lắm con à!
_ Dạ! con nhỏ chỉ biết dạ để chia sẻ chứ chẳng biết nói gì khác.
Người phụ nữ ấy lại ngước nhìn lên bầu trời (khỏi cần coi đồng hồ như nó) rồi nói ”Cô đi nấu cơm”. Nói xong cô đứng lên lụi hụi đi xuống nhà sau, kế bên ngôi nhà nguyện đẹp đẽ vừa cất là một căn nhà (hay lều nhỉ) được che tạm bợ bằng những miếng tôn lủng lỗ chỗ, ánh nắng có thể xuyên qua và đêm xuống có thể nhìn thấy bầu trời đầy sao nếu không có mưa.Thầy Cô và bốn người con chưa lập gia đình ở đó.
Con nhỏ nhìn bao quát xung quanh để kiếm tư liệu cho bài viết, những dữ kiện dở dang chưa đầy đủ mà tấm lòng đầy nhiệt huyết của nó lại đang tuôn trào. Vừa lúc đó ông thầy cũng tiễn khách ra về, nó chộp lấy cơ hội mon men theo chân thầy:
_ Thầy ơi! Cho con hỏi thăm…
_ Ừ! Hỏi chỗ để đi chơi hả?
_ Dạ không! Con muốn hỏi về cuộc đời của Thầy?
_ Có chi đâu mà, tôi được Chúa kêu gọi khi còn thanh niên và từ đó cứ đi theo tiếng Chúa gọi, sống trong tiếng gọi đó, và sẽ chết vì lý tưởng đó. Nhiều thăng trầm trong cuộc sống, trong chức vụ, tôi chẳng sợ nghèo đói, chẳng sợ khó khăn, chỉ sợ lòng con người ngày càng chật chội…
_” ý da! Vậy là Thầy cũng có nỗi sợ đó chớ’’, nó nghĩ đến nỗi sợ sấm chớp… Con nhỏ nghe và cười.
_ Hồi trẻ tôi được ở với hai vợ chồng giáo sĩ người Mỹ lúc còn ở Đà Lạt, họ biết nói tiếng Raglay, họ dạy Kinh Thánh rồi gởi cho tôi đi học nhiều lắm… Tiếng Thầy đều đều như xa rời thực tại, quay về với quãng thời gian đầy kỷ niệm.
_ Thầy ơi! Thầy có biết là ông bà giáo sĩ đó rất nổi tiếng không ạ?
_ Không biết đâu! Chỉ biết họ rất yêu mến Chúa và rất tốt bụng. Vậy con biết hả?
_ Dạ con thấy hình trắng đen Thầy để trong tủ. Đó là Ông Bà Mục Sư Giáo Sĩ Tôn Thất Bình (Thomas Hartman Stebbins - người Mỹ được sinh ra trên đất Việt Nam).
Thầy ở với người nổi tiếng mà không biết luôn ạ? Hi hi…
_ Vậy à! Ồ bây giờ tôi mới được biết, ông bà ấy nói được tiếng Raglay của chúng tôi luôn đó.
_ Dạ! Ông Bà ấy rất giỏi, biết nhiều thứ tiếng lắm ạ, họ đi nhiều nơi để rao giảng Tin Lành như Đà Nẵng, Tuy Hòa, Huế, Đà Lạt, Sài Gòn, mở mang nhiều hội thánh mới, họ đã ở Việt Nam hai mươi năm để truyền giáo mãi cho đến ngày 30 tháng 4, từ trên nóc Tòa Đại Sứ Mỹ rời khỏi Việt Nam trên một chiếc máy bay trực thăng với những giọt nước mắt tuôn tràn. Ông Bà không muốn rời khỏi Việt Nam, muốn được chết và chôn tại chính nơi ông đã được sinh ra, đó là những tấm gương sáng ngời trong công tác phục vụ Chúa.
_  Ừ! Những năm tháng tôi được ở cùng ông bà đã hình thành nên tôi của ngày hôm nay, những điều tôi đã được dạy dỗ sẽ đi cùng tôi mãi trên con đường phục vụ Chúa. Tháng mười một này ông bà sẽ về Việt Nam để hoàn thành việc lồng tiếng Raglay cho bộ phim “Cuộc đời Chúa Giê Xu”, tôi cũng được góp chút sức mọn mình vào, ấy là niềm vinh dự cũng như ân sủng mà Đức Chúa Trời đã dành cho tôi, được gặp lại những người mà lòng tôi yêu quý, kính trọng…
Ông thầy nói đều đều, giọng nhẹ nhàng nhưng con nhỏ cảm nhận được niềm vui trong từng lời ông chia sẻ cho nó nghe. Bây giờ thì nó biết rằng Chúa dạy: “Xem trái biết cây” chẳng sai chút nào.
_ Thầy ơi! Nếu có dịp con cũng muốn gặp mặt ông bà giáo sĩ Tôn Thất Bình một lần. Nếu được ôm ông với bà chắc con sẽ không tắm một tuần luôn đó, hi hi…
Con nhỏ vẫn chứng nào tật đó cứ nghiêm túc được một chút là lại cà rỡn. Chợt nhớ ra điều gì đó, nó nhìn ông thầy rồi hỏi:
_ Thầy ơi! Thanh niên Raglay bây giờ tiếp thu mọi thứ rất nhanh, họ sử dụng rành rẽ mọi thứ công nghệ như người Kinh, con sợ một ngày nào đó họ sẽ quên luôn tiếng mẹ đẻ ( khi đi học họ được dạy bằng tiếng Kinh). Thầy có chọn người để truyền thụ lại kiến thức không ạ? Vì con biết chính thầy là người dịch quyển Thánh Ca từ tiếng Kinh qua tiếng Raglay nhưng Kinh Thánh Raglay thì chưa có, vì sao vậy ạ?
_ Ờ, con hỏi thì ta nói cho mà nghe! Vì người Raglay sống rải rác nhiều nơi, họ vẫn nói tiếng Raglay nhưng chữ viết thì lại không thống nhất nên quyển Kinh Thánh bằng tiếng Raglay vẫn chưa được hoàn thành, ta vẫn không yên lòng về việc này vì những người già như ta rồi sẽ chết, thế hệ mai này sẽ không giữ nổi nguồn cội của mình. Ta cũng xin Chúa cho có người để kế nghiệp nhưng thật là khó… Giọng ông nghe rầu rĩ, buồn bã, day dứt vì những điều còn dang dở.
Con nhỏ lại im lặng. Khi nó im lặng là đồng nghĩa với tâm trạng bí ý tưởng mà nó thì rất ghét điều đó. Ông Thầy thấy mặt nó cứ nghệch ra suy tư, chắc tội nghiệp nên đứng lên:
_ Thôi con đi long vòng chơi đi, chút về sẽ có bắp luộc ăn.
Ôi! Nhắc tới bắp luộc là mắt nó lại sáng lên như cũ (vì nó rất thích ăn bắp). Con nhỏ đứng phắt dậy “Dạ” rõ to và cười rất tươi, chẳng có vẻ gì là ưu tư như ông thầy thấy lúc nãy nhưng nó vẫn biết mình đã nghe và nó giữ điều đó trong lòng.
Bước ra khỏi cửa nhà nguyện thì đã xế chiều, không khí lành lạnh và sương của núi rừng phủ một lớp trắng mờ đục như có thể với tới tầng mây. Con nhỏ choàng thêm chiếc khăn mỏng, hú nhỏ em và bắt đầu thong dong.
Trên vùng cao nguyên bây giờ cũng hiện đại lắm, từ núi này qua núi khác sẽ có những chiếc cầu sắt chắc chắn bắc qua, giữa thênh thang của đại ngàn có hai con nhỏ đứng la lên A A A vang vọng, một vài người đi rẫy về gùi những giỏ đầy mì nhìn và cười, chắc họ tưởng “mấy con Kinh này bị gì thế nhỉ” hi hi…
Phía dưới những chiếc cầu đều là suối, mùa này suối chảy nhẹ nhàng, êm êm, còn khi mùa mưa về thì nó trở nên hung dữ lạ thường, nó sẵn sàng cuốn phăng tất cả mọi thứ nếu bất cẩn rơi vào dòng chảy của nó. Nhưng bù lại khi mùa mưa qua đi thì phù sa sẽ màu mỡ, người dân lại trồng trọt được mùa, Chúa chẳng cho điều gì xảy ra quá sức loài người cả, Ngài là Đấng Tạo Hóa và con người là tạo vật được chính Ngài dựng nên, hà hơi sống vào mũi và trở thành một loài sinh linh. Chúa yêu con người! Nó tin điều đó cho nên nếu như thế hệ của ông thầy qua đi, nó vẫn tin rằng Chúa sẽ dấy lên những người có tâm tình để gây dựng nhà Chúa, từ xưa đã thế và về sau vẫn vậy.
Sáng Chúa Nhật con cái Chúa người Raglay đến nhóm rất sớm, họ chỉ toàn nói tiếng của họ, có hai con nhỏ cứ nhìn, nghe rồi ú ớ vì không hiểu. Hội Thánh vẫn nhóm lại trong căn nhà vách nứa mái tôn tạm bợ mà Thầy Cô đang ở, người đến nhóm ngồi chật kín, con nhỏ chợt mỉm cười về câu nói của ông thầy “không sợ nhà chật vì ta có thể ngồi gần nhau lại, chỉ sợ tấm lòng con người ngày càng chật mà thôi” thật đúng như vậy! Ngồi gần nhau rất thân thiện, rất ấm áp. Chương trình thờ phượng cũng là tiếng Raglay, chỉ có đoạn Kinh Thánh Ông Thầy giảng là được đọc bằng tiếng Kinh thôi. Chúa dạy thờ phượng Chúa bằng tâm thần và lẽ thật nên hai con nhỏ cũng chẳng ngại, nghe ông thầy giảng rất hùng hồn, rất có uy quyền trong lời nói, nghe và cảm nhận bằng tấm lòng chứ thật ra cứ như bắp rang bơ… hi hi…(tâm hồn thèm bắp vẫn trỗi dậy)
Con nhỏ ngồi dưới lắng nghe, nó nhìn ông thầy chăm chú, nó biết được cuộc đời ông đã phải nếm trải biết bao nỗi cực nhọc trên đất này, biết bao tổn thương, đau đớn vì kẻ thù, vì người gian ác nhưng ông đã lựa chọn “sống trong tiếng gọi và chết cho lý tưởng”, ông chọn kính sợ Chúa, phục vụ Chúa dù biết rằng phải đối mặt với thiệt thòi vì ông biết đời sống trên đất này chỉ là tạm thời, sự đầu tư có ích là dành cho cõi đời đời. Con nhỏ chẳng thể lột tả hết được những điều ông đã trải qua trên vài trang viết, nó cũng chẳng thể chia sẻ cùng cô sự hi sinh cả một đời với tư cách người giúp đỡ mà Chúa ban cho ông thầy, nó chỉ có cái ôm xiết nhẹ dành cho bà, nó biết một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân nhưng khi thấy én chao nghiêng trên bầu trời trong xanh thì người ta sẽ biết rằng :Mùa Xuân đang về!
“Chúa sẽ luôn luôn lo toan, trong mỗi năm ngày, qua cả đời nầy, Ngài lo chu cấp thích đáng, Chúa sẽ lo sẵn từng giây”. Lời bài hát vang vọng trong tâm trí, con nhỏ mỉm cười, nó tin rằng:
- "khi ta đặt nan đề vào trong tay Chúa, Ngài đặt sự bình an Ngài vào lòng chúng ta.”
CÁNH ÉN NHỎ
Naomihaiyendinh
Quẳng gánh lo âu
 “Người dẫn chương trình giơ cao một ly nước và hỏi khán giả:
- Quí vị thử đoán xem ly nước này nặng bao nhiêu?
- Điều đó còn phụ thuộc vào anh cầm nó trong bao lâu chứ.
- Đúng vậy, nếu tôi cầm nó trong một phút thì không có gì đáng nói. Nhưng nếu tôi cầm nó trong một tiếng đồng hồ thì tay tôi sẽ mỏi. Còn nếu tôi cầm nó cả một ngày, quí vị sẽ gọi xe cấp cứu cho tôi. Cùng một khối lượng, nhưng mang nó càng lâu thì nó càng trở nên nặng hơn.
Trong cuộc sống cũng vậy. Nếu chúng ta cứ liên tục chịu đựng gánh nặng, nó sẽ càng ngày càng trở nên trầm trọng. Không sớm thì muộn chúng ta cũng gục ngã. Điều quí vị phải làm là đặt ly nước xuống, nghỉ một lát rồi tiếp tục cầm nó lên.
Thỉnh thoảng chúng ta phải biết đặt gánh nặng cuộc sống xuống, nghỉ ngơi lấy sức để còn tiếp tục mang nó trong quãng đời tiếp theo. Khi bạn trở về nhà, hãy quẳng lo âu về công việc ngoài cửa. Ngày mai bạn sẽ nhặt nó lên và tiếp tục mang. Còn bây giờ: Giải trí và thư giãn!”
Chúa Giêsu từng phán: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.” (Phúc Âm Mathiơ 11: 28-30)
Lời mời gọi của Chúa Giêsu thật diệu kỳ, Ngài có sẵn những chương trình, phương cách để giúp chúng ta thoát khỏi những gánh nặng và nỗi lo âu luôn đeo bám chúng ta hằng ngày.
Là con người, ai trong chúng ta không có gánh nặng? Hãy trao cho Chúa. Chỉ có Ngài mới làm được việc này chứ không ai khác, bởi Ngài chính là Đức Chúa Trời Toàn năng. Thật là một điều kỳ diệu. Vậy, bạn còn chần chờ gì nữa?
VŨ HƯỚNG DƯƠNG
Theo http://www.songdaoonline.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầ...