Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Thu rơi

 Thu rơi
Hạ nóng bức và đông lạnh lẽo, thu là nhịp cầu, một vùng giao thoa ảo ảnh, tô điểm đời sống. Trong nắng cuối hè, chớm thu nồng nàn. Chút nắng hanh hao, chút lạnh gầy, những làn gió heo may mát nhẹ, làm cành cây đung đưa,  đủ để lá vàng rủ nhau trở về nơi ươm mầm - đất mẹ! Đêm thu, nghe tiếng mưa rơi, tiếng nhạc buồn tênh làm ta liên tưởng mối tình buồn: “Ngoài hiên mưa rơi rơi, buồn ai như chơi vơi…Người ơi, nước mắt hoen mi rồi”.
Khi thời tiết hanh hao, lá bắt đầu rơi và mặt trời lặn sớm. Mùa thu đã về.
Mùa đem lại nhiều cảm hứng với những dư vị lãng mạn, ngọt ngào. Thu đã sang nhưng vẫn thơ thẩn nỗi buồn đã cũ. Nghe tiếng gọi lao xao trong đám lá vàng run rẩy trên cành yếu ớt. Mùa lá tàn úa, rơi rụng, chết khô, để ủ ấm nơi sinh thành, kết thúc một vòng đời. Thu buồn man mát, với những tâm hồn cô đơn. Ấn tượng vẫn là không gian xao xác, tiết trời se lạnh, mặt nước hồ phẳng lặng và mọi thứ lung linh! Nhưng mùa trở nên ấm áp, khi có một vòng ôm ủ ấm, một bờ vai tựa và những lời thì thầm sẻ chia. Thu rơi theo cảm xúc con người, có thể chạm vào từng góc khuất nhung nhớ, yêu thương, dỗi hờn… Khi nỗi cô đơn giằng xé và làn gió cứa rát, lòng ta rưng rưng. Những giọt mưa không ạt ào mà rả rích, từng giọt, từng giọt, đủ ngấm vào lòng người, sẻ chia tâm trạng, cùng trời đất giao mùa…
Thu đẹp dịu dàng bởi vàng hoa cúc. Hoa cúc tự bao giờ đã thành biểu tượng gắn với mùa thu. Không quá ồn ào, sôi nổi mà nhẹ nhàng, dịu êm...Nguyễn Trãi cảm hứng rất tài tình về hoa cúc: Nào hoa chẳng bén khí đầm hâm/ Có mấy bầu sương nhị mới đâm/ Trùng cửu chớ hiềm thu đã muộn/ Cho hay thu muộn tiết càng thơm. Thơ tình cuối mùa thu, nhạc Phan Huỳnh Điểu và thơ Xuân Quỳnh được nhiều ca sĩ thể hiện khá thành công: “...Mùa Thu ra biển cả Theo dòng nước mênh mông/ Mùa Thu vàng hoa cúc/ Chỉ còn anh và em/ Là của mùa Thu cũ/ Chỉ còn anh và em/ Tình ta như hàng cây/ Đã qua mùa bão gió/ Tình ta như dòng sông/ Đã yên ngày thác lũ...”.
Trên con đường đầy lá vàng, lất phất trong không gian những chiếc lá rơi. Bất chợt, nhìn dáng người con gái, làn tóc, bờ vai vương màu lá. Lạ lẫm bỗng thân quen. Trong lòng dậy lên niềm cảm xúc tuyệt vời. “Lá thu kêu xào xạc/ Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô? …”. Ta nghe gì khi nhìn thấy hình ảnh ấy? Tiếng lá vỡ vụn dưới chân chú nai vàng ngơ ngác? Tiếng thu đích thực Lưu Trọng Lư! Tiếng thu ấy không nghe bằng tai mà bằng tất cả xúc giác, trí tưởng tượng và cả tâm hồn...Thu vẫn mãi là nguồn cảm hứng vô tận. Thu đã sang, mà vẫn nồng nàn, da diết.
Thu xúng xính, xênh xang, gieo vào lòng người nỗi buồn vô cớ. Thời gian như dài ra, vầng trán vất vưởng những âu lo. Buổi chiều hay mưa bay bay, một chút thôi, đủ để các Em làm dáng dưới những chiếc ô nhiều sắc màu. Và, ta vẫn ở quán góc đường, nhìn những mùa thu qua…Ngắm mưa và Em. Nhấm nháp hơi thở cuộc đời, thở dài nỗi niềm miên viễn. Tiếng ghita ru vào cõi trần ai mộng mị. Nhớ một cung đàn du dương bản tình ca bất tận.
Nếu yêu thương là số phận thì sao phải kiếm tìm! “Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ/ Em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương/ Và em có nghe khi mùa thu tới/ Mang ái ân mang tình yêu tới/ Em có nghe nghe hồn thu nói mình yêu nhau nhé...”. Ngô Thụy Miên đã nói hộ lòng ta: Mùa thu cho em.
Thong dong đường quê mùa gặt, cơn mưa uốn cong rạp những bông lúa chín vàng trĩu hạt. Tuổi thơ lại hiện về trên cánh đồng. Đám con nít quần xà lỏn, lăng xăng bắt cá, mò cua... Những cơn mưa dông dỗi hờn mùa hạ đã qua. Ở miền Trung nầy, tháng chín, tháng mười, trời mưa có thể lũ về. Theo năm tháng chất chồng, gánh nặng cuộc đời là những trầm tư. Một mình với mùa thu. Lắm lúc cô đơn và thân phận. Nhận ra mình không chỉ lớn thêm từng ngày mà còn sâu thêm từng ngày…
Thu gọi mùa, đất trời thay áo, những gam màu ấm nóng mà lòng người mong manh mơ màng hư ảo. “Tiếng thu” đâu chỉ riêng mùa?  Bắt đầu từ thu nhưng dư âm vọng mãi bốn mùa. Ai không có những buổi “chiều thu”? Những buổi mà cái buồn vẩn vơ dụ dỗ. Những buổi vàng thu gieo vào lòng nỗi nhớ mênh mang...
Thuận Tình
Chuyển mùa
Gọi là chuyển mùa cũng được. Không có cái vĩnh hằng đâu. Cái gọi là muôn năm chỉ là ước muốn của con người mà thôi! 
1 – Bạn đã có lúc nào cầm chiếc lá vàng rơi trên lòng đường chưa. Một chiếc lá bàng, lá sấu hay lá bằng lăng…chẳng hạn. Bạn ngắm nó đi và bạn thấy gì? Quan sát kĩ thì trên cái nền tường toàn màu vàng ươm của lá sấu, bạn vẫn nhận ra có chỗ còn diệp lục , có chỗ vàng, chỗ héo quắt dập nát. Nhìn kĩ, Bạn sẽ thấy mùa chuyển trên mặt lá.  
Trên một cái lá bàng , lá bằng lăng, lá sấu, người ta sẽ thấy có bốn mùa hiện ra bởi cái sắc của sự sống đó. Dùng chế độ Macro chụp lấy một kiểu trong khuôn viên cái lá, rồi đem phóng to, sẽ có hình ảnh một bức tranh siêu thực và sự chuyển mùa càng trở nên rõ rệt.
Sự chuyển mùa của tự nhiên là một quy luật do tác động của thời tiết và nhiều yếu tố nữa, nhưng tóm lại nó là sự tương tác lại nhau trong sự vận động tự nhiên. Các nhà vật lý đã nghiên cứu về sự chuyển động trong cấu trúc nguyên tử, nhận ra sự chuyện động của các hạt. Suy rộng ra thì những vận động của thiên nhiên không ngừng nghỉ này cũng chỉ là hình ảnh vận động của các nguyên tử , các hạt … được phóng to ra. Sự vận động đem lại những thay đổi có tính qui luật. Lá già tự phủ định mình bằng cách rời cành để cho búp chồi non năm sau khi mùa xuân ấm áp đến. Sự vận động luôn sinh ra cái mới thay thế cái cũ . Thiên nhiên và vũ trụ là như vây.
2 – Một nhà nghệ thuật học phương tây phát biểu” nghệ thuật không có sự tiến bộ. Vì sao ư? Đơn giản thôi, nghệ thuật là tiếng nói cảm xúc của thời đại. Thời đại nào thì có tiếng nói ấy”, thời đại mới có cái kế thừa thành quả của cái cũ, nhưng lại có cái bị loại bỏ và có cái mới xuất hiện bù vào cái mất.
Hiểu thế, với nghệ thuật tạo hình chúng ta sẽ không quá ngạc nhiên với sắp đặt, nghệ thuật hình thể, siêu thực, trình diễn… và âm nhạc không phải lăn tăn với Rốc Ráp, hay tục ca của Phạm Duy, văn chương thì có hậu hiện đại, thơ văn xuôi và thơ bóng chữ cũng từ vận động mà có. Nhiều khi cái mới lạ xuật hiện bị miệt thị vì người ta chưa quen, như người phương Tây thấy mắm tôm, và người phương đông thấy pho mát thiu và không ngạc nhiên khi người Trung Hoa ăn đậu phụ thối… Đó đều là sự lặp lại một quy luật của thiên nhiên cả thôi. Thiên nhiên thì nó vô tư, con người có trí tuệ thì đẻ ra luật để quản lý.

Ngày nay văn minh áo quần từ vải dày như mo nang rồi sang mỏng như sa như lụa, nên người đẹp ăn mặc hở hang lườn nách, hay ăn mặc thiếu vải, vun cao bộ ngực lấp ló thì ngạc nhiên và nhà quản lý nhòm ngó chặt với lý do văn hóa, không phù hợp vói thuần phong mĩ tục, thế là phạt!.
3 – Có lần ngồi nghĩ đến bản thân, tôi thấy mình cũng siêu thực chết đi được. Đang ngồi họp lại nghĩ chuyện con cái nhà cửa, lại chợt đau bụng , mót đi giải, lại chợt nhớ đến cô bồ và thấp thoáng hình ảnh vợ, chợt nghĩ tới sex… bỗng chốc bâng quơ chuyện mèo kêu chó cắn, cãi nhau với thủ trưởng, lên án bạn bè nghĩ khác mình…vân vân và vân vân. Rõ ràng tâm não con người mình là hình ảnh siêu thực và trừu tượng hết chỗ nói, trong khi đó không chấp nhận văn chương viết không dấu ngắt câu không đúng… chúng ta dần dần nhìn ra mọi hiện tượng đều có nguồn gốc và có sự nẩy sinh do vận động. Rồi cái có lý thì tồn tại cái phi lý nó tự chết. Tất cả là kết quả và cũng là nguyên nhân của sự vận động. Gọi là chuyển mùa cũng được. Không có cái vĩnh hằng đâu. Cái gọi là muôn năm chỉ là ước muốn của con người mà thôi!
Đỗ Đức
vanhien.vn
Theo http://vannghedanang.org.vn/


1 nhận xét:

  Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầ...