Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Nỗi thao thức chẳng của riêng ai

Nỗi thao thức chẳng của riêng ai
Tôi có một người bạn cùng trường đại học, dạy lý, rất mê văn chương. Gặp nhau, chúng tôi ham đàm đạo đủ  chuyện đời chuyện nghề, nhiều nhất vẫn là chuyện văn. Anh đã buộc tôi ngạc nhiên không phải một lần. Chẳng hạn, anh bảo :
- Tôi làm vật lý lý thuyết. Anh biết không, ngành này gần với văn chương lắm đấy! Đó là thơ của vật lý mà...
Quê anh ở Ý Yên, Nam Định, cách làng cụ Nguyễn Khuyến chỉ một cánh đồng. Học phổ thông, anh là học sinh giỏi văn của một tỉnh vốn rất ham học và cũng rất có kinh nghiệm luyện “gà nòi”. Một lần, anh đưa ra nhận xét:
- Tiểu thuyết viết về chiến tranh ở ta nghiêng về lý tưởng hóa, hoặc bi kịch hóa. Không đúng! Mà cuộc chiến tranh của ta đâu có thường. Sao mình không viết được như các nước khác nhỉ? Thiếu tài năng ư? Có đấy! Nhưng phải chăng là thiếu nhiệt huyết.
Nói đến đây, anh kể cho tôi nghe vì sao anh sớm nhập ngũ. Và cho đến giờ, khi ngồi viết những dòng chữ này, tôi vẫn chưa thôi kinh ngạc.
- Tôi cầm súng là do nhu cầu sống còn của dân tộc. Ấy là cái chung. Và còn do một động cơ riêng này nữa: Để viết tiểu thuyết nhiều tập về người lính nữa. Đọc những “Chiến tranh và hòa bình”, “Sông Đông êm đềm”... thấy kinh quá! Tuổi trẻ thường tự tin và lãng mạn, tôi nghĩ., có thể viết chưa bằng họ nhưng quyết phải viết. Và thế là tôi nảy ra ý định ra chiến trường khi vừa tốt nghiệp phổ thông...
- Vậy vì lẽ gì mà đến giờ anh vẫn chưa thực hiện được một trong những ý định trọng yếu của đời mình? - Tôi thẳng thắn hỏi.
- Cầm súng thì bị hút vào cuộc chiến. Khi hòa bình thì lại quá nhiều cái phải lo. Đời sống hàng ngày hối thúc dữ lắm, không cưỡng lại được. Nhưng ý định thì vẫn còn nguyên vẹn. Chưa làm, chưa thể yên tâm. Như người ta  thương nói: Đó là món nợ tinh thần. Với thế hệ hôm nay và thế hệ ngày mai. Mà trước hết là với đồng đội mình, những người đã ngã xuống và những người đã để lại một phần xương máu ở khắp các chiến trường ác liệt hôm qua.
Theo cách diễn đạt quen thuộc của một nhà thơ nổi tiếng thuộc Liên Xô trước đây, tôi muốn nói: Nỗi thao thức này chẳng của riêng ai.
Phạm Quang Trung
Theo http://www.pqtrung.com/


1 nhận xét:

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...