Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Những kiêng kỵ ngày Tết của cư dân xứ Quảng

Những kiêng kỵ ngày Tết của cư dân xứ Quảng
Tết Nguyên đán là lễ hội cổ truyền đặc sắc của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân xứ Quảng nói riêng. Nó mang tính thống nhất cộng đồng xã hội, tính nhân văn thẩm mỹ cao. Tết là điểm xuất phát thiêng liêng của ngày mới, tháng mới, năm mới và còn là dịp để mọi người hướng tới mỹ tục: lịch sự, cao thượng, nhân ái với những lời cầu chúc tốt đẹp nhất. Bên cạnh lễ tục, hội hè trong ngày Tết thì đi kèm với nó là những kiêng kỵ nhằm tránh sự xui xẻo, tìm kiếm sự may mắn khi bắt đầu một năm mới. Đến nay, kiêng kỵ trong ngày Tết của cư dân xứ Quảng là một trong những tập tục truyền thống đã hiện diện từ lâu trong đời sống văn hóa của mỗi người dân, gia đình xứ Quảng.
1. Kiêng kỵ và nguồn gốc của kiêng kỵ
Kiêng kỵ là gì? “Kiêng” chính là sự cảnh giác, dè chừng của mọi người trong cộng đồng đối với những sự vật hiện tượng trong cuộc sống. Kiêng giúp người ta thấy yên lòng hơn nhờ những lời cảnh báo, khuyên nhủ của các thế hệ tiền nhân. Còn “kỵ” là tránh né, là nghiêm cấm, không nên vi phạm, nếu vi phạm thường có hậu quả xấu.
James George Frazer (1854 - 1941) - người Anh, là một nhà nhân học văn hóa nổi tiếng thế giới đã chia các tập tục cần kiêng kỵ ra bốn loại: những hoạt động kiêng kỵ như về tình dục, về ăn uống, về quần áo, nhà ở,…; những người phải kiêng như người có tang, người có kinh nguyệt, kẻ sát nhân, người săn bắn, người làm nghề đánh cá,…; những đồ vật kiêng kỵ như đồ sắc nhọn, vũ khí bằng sắt, móng tay cắt ra,…; những kiêng kỵ như tên người, tên gọi quan hệ họ hàng, tên người chết, tên vua chúa, tên các thần,...
Nhà nghiên cứu Ngô Đức Thọ cho rằng, cách phân loại của J.G. Frazer đã tách hành vi kiêng kỵ bằng ngôn ngữ ra một nhóm và nhóm này thuộc lĩnh vực tu từ học hoặc tâm lý ứng xử ngôn từ, không thuộc phạm vi các tục lệ kiêng kỵ, ba nhóm còn lại của J.G. Frazer trùng với khái niệm kiêng kỵ trong tiếng Việt hoặc kỵ húy trong tiếng Trung Quốc.
Đã có một thời người ta coi kiêng kỵ là sản phẩm của mê tín dị đoan song thực chất, chính kiêng kỵ lại chứa đựng nhiều nghi lễ phong tục cổ, những lớp văn hóa sớm, còn thô sơ khi con người chưa làm chủ được thiên nhiên, sợ hãi trước cuộc sống bất trắc. Nguồn gốc của kiêng kỵ có lẽ xuất phát từ tập quán làm nông nghiệp. Người dân làm nông nghiệp thường phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên, sự may rủi của số phận. Cho nên, tư duy kinh nghiệm và niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng, kiêng kỵ là sản phẩm tất yếu của cư dân nông nghiệp nói chung.
Quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” thường gặp ở nhân dân ta cũng đã góp phần duy trì những kiêng kỵ trong đời sống của họ. Con người bị những điều kiêng kỵ quy định, điều chỉnh trong hoạt động thường ngày và cũng chính con người là lực lượng duy trì, phổ biến những điều kiêng kỵ đó cho thế hệ nối tiếp. Hành trình này lâu dần trở thành tập quán.
Cộng đồng cư dân xứ Quảng là những con người thật thà, chân chất nên việc tuân thủ và làm theo những kiêng kỵ này rất phổ biến. Hầu như tất cả mọi lĩnh vực trong cuộc sống của họ đều có kiêng kỵ như: kiêng kỵ trong ma chay, cưới xin, học hành, chữa bệnh, kiêng kỵ trong buôn bán, chăn nuôi, làm nhà cửa… Có thể khẳng định rằng, kiêng kỵ chứa đựng trong nó rất nhiều tri thức dân gian về mọi lĩnh vực trong cuộc sống và lao động của con người nhằm bảo vệ gia đình và bản thân chống lại những bất trắc và đã tạo thành nét văn hóa trong cộng đồng cư dân xứ Quảng.
2. Những kiêng kỵ trong ngày Tết ở xứ Quảng
Tết Nguyên đán là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong đời sống người Việt nói chung và người Việt ở xứ Quảng nói riêng. Theo quan niệm dân gian, ngày đầu năm mà có những điều tốt đẹp thì cả năm sẽ gặp nhiều điều may mắn, cho nên họ đặt ra hàng loạt những kiêng kỵ đầu năm. Có những điều kiêng kỵ không còn phù hợp với thời đại ngày nay nhưng vẫn có những kiêng kỵ mà thiết nghĩ chúng ta cũng cần chú ý.
*Kỵ mai táng
Ngày Tết là ngày hội vui, ngày mở đầu cho một năm mới nên có ý nghĩa linh thiêng. Gia đình có tang phải tạm quên đi để hòa chung với láng giềng dân tộc, cho nên mới có tục “cất khăn tang” trong ba ngày Tết. Nhà nào có đại tang thì không được đi chúc Tết bà con, xóm giềng. Ngược lại bà con xóm giềng nên đến thắp hương và chia buồn với gia đình. Nhưng ở miền quê xứ Quảng, người ta vẫn kiêng đi nhà có tang vì sợ gặp điều xui xẻo, bởi họ quan niệm rằng nhà mới có tang thì âm khí rất nhiều và cả việc bàn thờ người chết và đồ tang còn treo ở giữa nhà nên kiêng ghé thăm nhằm tránh phiền phức.
Trường hợp những gia đình có người chết vào 30 tháng Chạp mà gia đình có thể định liệu được thì nên chôn cất cho kịp trong ngày đó, đa số các gia đình kiêng để qua ngày mồng một Tết. Còn nếu không may chết vào đúng ngày mồng một thì chưa phát tang mà chuẩn bị tới ngày mồng hai mới làm lễ phát tang.
*Chọn người xông đất
Đây là tục kiêng kỵ mà người Việt ở đâu trên đất nước ta cũng đều tuân theo. Theo tục xưa, người đầu tiên bước vào nhà ai trong ngày mồng một Tết chính là người quyết định đem lại sự may mắn hoặc xui xẻo cho gia đình ấy trong một năm. Do vậy, người xông đất thường được gia đình lựa chọn theo các tiêu chí như: sức khỏe tốt, tính tình hiếu thuận, làm ăn phát tài, hợp tuổi với gia chủ theo từng năm để xông đất. Nếu không phải đối tượng được mời mà cứ đến vào thời điểm này thì không được đón tiếp niềm nở.
Bởi vậy, sáng mồng một ai cũng ngại đến nhà người khác nên nhà ai cũng ít khách vì ngại mình “nặng vía”. Ở một số nơi, người ta kiêng vào nhà người khác vào mồng một nếu không được gia chủ mời vì họ sợ sẽ mang điều không tốt đẹp đến cho gia đình đó. Trường hợp nếu gia đình nào có trẻ con đến xông đất thì người ta lại rất mừng vì trẻ em thường vô tư, hồn nhiên nên sẽ mang những điều tốt đẹp đến cho gia đình đó.
*Kiêng xin nước, lửa
Ngày đầu tiên của năm mới người ta rất kỵ người khác đến xin lửa nhà mình vì họ quan niệm lửa là “vận đỏ”, là Bà Hỏa ngự trị trong mỗi nhà. Lửa luôn gắn với bếp là nơi nấu nướng những bữa cơm sum họp của mỗi gia đình. Người dân xứ Quảng quan niệm, nếu cho lửa vào ngày mồng một Tết thì cả năm sẽ gặp điều không may như làm ăn thua lỗ, trong nhà trục trặc, ra đường gặp phải tai bay vạ gió.
Nước cũng là nguồn tài lộc chảy vào và đọng lại trong nhà. Người dân xứ Quảng có tục vào đêm Trừ tịch người ta múc nước giếng lên trữ vào ang hoặc bể để dùng trong các ngày từ mồng một đến mồng ba, tuyệt đối trong thời gian đó không được múc nước dưới giếng lên dùng vị sợ kinh động đến Thủy thần. Một số nơi ở Quảng Nam người ta còn kiêng giặt giũ vào mùng một và mùng hai Tết vì họ quan niệm hai ngày này là ngày sinh của Bà Thủy không nên giặt quần áo những ngày này để tránh xui xẻo.
*Kiêng vay mượn
Người Quảng cũng rất kiêng việc vay mượn đầu năm. Cuối năm ai còn có nợ nần thì lo trả cho hết, những ai mà cho vay cũng đòi trước ngày 30. Vì nếu đầu năm mà đi vay đi mượn thì sợ rằng cả năm sẽ túng thiếu, không gặp may mắn.
*Kiêng quét nhà, đổ rác
Vào ngày mồng một Tết người ta thường kiêng quét nhà, hốt rác đổ đi. Tục này có nguồn gốc gắn liền với nhiều sự tích của người Hoa lẫn người Việt. Trong truyền thuyết của Trung Quốc kể rằng: Có một người lái buôn tên là Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo được Thủy thần ban cho con hầu tên là Như Nguyệt. Âu Minh đem về nhà nuôi được vài năm thì tự nhiên trở nên giàu có. Một hôm đúng ngày mồng một Tết, Âu Minh đánh nó, nó giận chui xuống đống rác biến mất. Từ đó Âu Minh làm ăn không được thuận lợi như trước nữa mà tiền tài cứ hao hụt dần.
Theo tích cổ Việt Nam thì cái chổi là hóa thân của thần Tài, một vị thần ngự trên trời thường xuống trần gian để giúp loài người. Ông Trời hứa một năm cho thần Tài nghỉ việc ba ngày Tết. Ba ngày đó thần Tài sẽ hóa thân vào cái chổi xuống trần gian ăn Tết nên trong ba ngày Tết, người ta kiêng cầm chổi quét nhà sợ kinh động đến thì thần Tài sẽ bỏ đi, cả năm sẽ nghèo đói, khánh kiệt. Người Việt tin rằng, trong ba ngày Tết, nhà nhiều rác là của tích tụ lại nên người ta chỉ nhặt rác bỏ lại một chỗ rồi qua ba ngày Tết mới được đổ đi.
*Kiêng làm đổ vỡ đồ vật, to tiếng, khóc lóc
Trong những ngày Tết, người lớn trong nhà thường nhắc con cháu không được làm vỡ bát đĩa, các vật dụng trong nhà, không được cãi nhau để cả năm được hòa thuận. Cũng không được khóc to, nói to và nói những điều xui xẻo trong ngày Tết.
Theo quan niệm xưa thì vỡ, bể là những từ tạo nên cảm giác chia cắt, đổ vỡ trong gia đình hoặc trong các mối quan hệ xã hội, cho nên ai cũng kiêng không để xảy ra đổ vỡ trong dịp đầu năm. Nói to, cãi nhau, nói xấu hay la mắng người khác cũng tạo ra ồn ào, hỗn loạn và gây ra buồn phiền. Vì vậy, dù không ưa ai hay xích mích điều gì người ta cũng cố bỏ đi. “Chín bỏ làm mười”, “Một điều nhịn chín điều lành” là những truyền thống tốt đẹp của người Việt ta. Ngày Tết, gặp nhau thì nên hồ hởi, tìm những lời hay ý đẹp mà chúc nhau để cả năm được an khang thịnh vượng. Người Quảng cũng kiêng chúc “sức khỏe” vì họ có tập quán nói lái nên sẽ thành “sẽ khuất” nên người ta tránh. Nếu muốn chúc thì nên chúc là mạnh khỏe hoặc mạnh giỏi. Người Việt có tinh thần lạc quan và tinh thần cố kết cộng đồng rất cao nên dù bất đắc dĩ rơi vào hoàn cảnh không vui, họ cũng cố gắng kiềm chế để mọi người xung quanh được vui vẻ trong dịp năm mới.
*Kiêng mặc quần áo màu trắng hoặc màu đen
Theo quan niệm của người xưa, mùa xuân là mùa trăm hoa đua nở, mọi vật tươi mới đủ mọi sắc màu thể hiện sức sống của vạn vật nên đầu năm nên mặc màu sắc sặc sỡ (xanh, đỏ, tím, vàng…) tạo sự hứng khởi, vui tươi. Chính vì vậy người ta kiêng mặc màu đen và màu trắng vì hai màu này làm người ta liên tưởng đến chuyện buồn, chết chóc, tang lễ.
*Kiêng xuất hành
Theo quan niệm “nhẹ vía hay nặng vía” mà ngày mồng năm tháng Giêng là ngày nguyệt kỵ (ngày con nước), theo dân gian lí giải thì đây là ngày nước xuống nên mọi việc sẽ mất sự nâng đỡ, không hợp phong thủy nên không thích hợp cho việc xuất hành.
Đặc biệt ở một số nơi ở xứ Quảng người ta cũng quan niệm vào sáng mồng một phải xem hướng xuất hành để được thuận lợi và may mắn cả năm. Ngoài ra khi xuất hành mà người đầu tiên họ gặp là phụ nữ thì họ quan niệm như vậy là sẽ gặp xui xẻo.
*Kiêng xõa tóc
Ở một số gia đình gốc Hoa, người ta kiêng việc các thiếu nữ xõa tóc đi ngoài đường. Họ cho rằng xõa tóc rũ rượi gợi lên hình ảnh ma quỷ, cõi âm. Vì vậy, trong những ngày này, phụ nữ thường buộc, tết, kẹp tóc gọn gàng khi ra đường. Tục này không còn phổ biến trong thời đại ngày nay.
Ngoài ra còn kiêng kỵ trong ăn uống như kiêng ăn thịt chó, cá mè, thịt vịt trong những ngày đầu năm vì sợ những thứ này sẽ mang đến những điều xúi quẩy.
3. Thay lời kết
Có thể khẳng định rằng, kiêng kỵ thuộc về phong tục và tín ngưỡng. Phong tục của cư dân xứ Quảng trong dịp Tết có những nét chung với cả nước nhưng cũng có những nét đặc trưng riêng thể hiện nét văn hóa riêng để rồi hòa mình vào tổng thể văn hóa chung của người Việt cả nước tạo nên một nền văn hóa đa dạng, đặc sắc. Cùng với sự phát triển của xã hội, sự thay đổi chính trị cũng ảnh hưởng tới phong tục từ bỏ cái cũ, tiếp nhận cái mới. Kiêng kỵ trong ngày Tết cũng vậy, tuy vẫn giữ được những nét truyền thống nhưng không tránh được những sự biến đổi. Đặc biệt xứ Quảng là một vùng rộng lớn, tốc độ phát triển nhanh, thu hút người dân ở nhiều nơi đổ về cộng với những đặc trưng vùng miền phong phú và đa dạng, bên cạnh đó với xu thế hội nhập kinh tế, văn hóa, xứ Quảng chịu ảnh hưởng của nhiều luồng văn hóa khác nhau do vậy nó cũng tác động tích cực cũng như tiêu cực đến lối sống của người dân.
Có thể nói, kiêng kỵ trong ngày Tết có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của cư dân xứ Quảng. Nó được bảo lưu và gìn giữ qua nhiều thế hệ. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, những quan niệm kiêng kỵ vẫn bám sâu trong đời sống hàng ngày của người dân như một cách ứng xử giữa người với người, với xã hội, với thế giới tâm linh. Kiêng kỵ biểu hiện đạo lý làm người, là nhu cầu hướng về cuội nguồn của gia đình, của dân tộc. Quan niệm kiêng kỵ giúp con người tránh đi những cái xấu, hướng tới cái tốt đẹp và còn có ý nghĩa giáo dục hành vi của thế hệ sau, giúp con người hướng thiện. Trong quá trình hình thành và phát triển, quan niệm kiêng kỵ trong ngày Tết góp phần tạo dựng những giá trị truyền thống như: lòng hiếu thảo, tình nhân ái, ý thức cộng đồng, tình yêu quê hương đất nước. Tìm hiểu quan niệm kiêng kỵ của người Việt trong dịp Tết Nguyên đán ở xứ Quảng giúp ta hiểu biết thêm những quan niệm tốt đẹp của dân tộc và góp phần lưu giữ và phát huy nét đẹp văn hóa cha ông cho thế hệ sau.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Toan Ánh. 1999. Tìm hiểu những phong tục Việt Nam qua nếp cũ gia đình. Hồ Chí Minh: Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Toan Ánh. 2000. Tìm hiểu những phong tục Việt Nam qua Tết, hội hè. Hà Nội: Thanh Niên.
3. Phan Kế Bính. 2005. Việt Nam phong tục. Hà Nội: Văn hóa.
4. Võ Văn Hòe. 2011. Tết xứ Quảng. Đà Nẵng: Đà Nẵng.
5. Lê Minh Quốc. 2003. Hỏi đáp về non nước xứ Quảng. Đà Nẵng: Đà Nẵng.
Huỳnh Thạch Hà
Theo http://vannghedanang.org.vn/


1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...