Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Bình phong: Dấu ấn văn hóa tại các di tích kiến trúc ở Đà Nẵng

Bình phong: Dấu ấn văn hóa 
tại các di tích kiến trúc ở Đà Nẵng
1. Ở nước ta, từ các tỉnh duyên hải miền Trung kéo dài vào tận các tỉnh thành phía Nam, bức bình phong xuất hiện rất nhiều trong các công trình kiến trúc dân dụng cũng như tín ngưỡng tôn giáo như nhà ở, nhà thờ tộc họ, đình, chùa, miếu, mộ,... Bức bình phong với nhiều kiểu dáng và mô típ trang trí khác nhau, tạo tác trên các chất liệu cũng khác nhau đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, phần nào đã thể hiện cái hồn cho mỗi công trình kiến trúc.
Ở Đà Nẵng, bức bình phong rất ít xuất hiện trong các ngôi nhà của người dân như nhiều địa phương khác như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế,… mà phần nhiều hiện diện trong các nhà thờ tộc họ, đình, chùa, miếu thờ thần chung của cộng đồng. Bình phong ở Đà Nẵng được thể hiện khá đơn giản, nhưng là những tác phẩm nghệ thuật có sức lôi cuốn mạnh mẽ bởi những đồ án trang trí được chạm khắc, đắp nổi hoặc vẽ bằng sơn màu trên các chất liệu bằng sa thạch hoặc bằng xi-măng,… đã thể hiện đời sống văn hóa tâm linh cũng như tình cảm của cộng đồng cư dân nơi đây.
2. Cho đến nay, bức bình phong có tự bao giờ trong các công trình kiến trúc thì vẫn còn là một ẩn số? Một số công trình nghiên cứu về kiến trúc cổ đã cho rằng, ở phương Đông, kể từ khi con người biết xây dựng nhà cửa thì các quan niệm về phong thủy cũng dần dần xuất hiện và từng bước hoàn thiện, bức bình phong ra đời cũng từ lý thuyết về “Triều” và “Án” trong Phong thủy học. “Triều” có nghĩa là “quay về, hướng về”, viết tắt của chữ “Triều sơn”, tức chỉ núi quay về; còn “Án” vốn nguyên có nghĩa gốc là cái bàn, nhằm để chỉ ngọn núi nhỏ ở phía trước nhà ở, đình, miếu hay mộ phần của người đã qua đời nhằm ngăn cản những ảnh hưởng xấu xâm nhập trực diện từ phía trước.
Một số nhà nghiên cứu về văn hóa và kiến trúc cho rằng, nước ta và một số quốc gia ở khu vực Đông Nam - châu Á, do ảnh hưởng mạnh mẽ của nền văn minh Trung Hoa và các học thuyết phong thủy của họ mà bức bình phong dần dần được hình thành nên trong đời sống của mình. Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn trong bài viết “Bức trấn phong xứ Lưu Cầu” in trên Thông tin Di sản của Chi hội Di sản Văn hóa Hùng Vương - Thành phố Hồ Chí Minh năm 2011 cho biết, tại đảo quốc Lưu Cầu (nay là là tỉnh Okinawa của Nhật Bản), trong những công trình kiến trúc dân gian của họ cũng thường xuất hiện những bức bình phong. Và Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn còn cho biết, theo lời của Tiến sĩ Itai Hedenobu, người Nhật cho rằng: “Người Lưu Cầu dựng bức trấn phong trước nhà với hai mục đích: về tâm linh, nó ngăn cản những điềm gở hay uế khí xâm nhập vào nhà, có thể gây phương hại cho chủ nhân; về thực tiễn, nó có tác dụng ngăn chặn những cơn gió chướng từ biển khơi thổi thẳng vào nhà. Vì Lưu Cầu là xứ đảo, phải hứng chịu nhiều phong ba bão tố. Có bức trấn phong án ngữ phía trước, thì ngôi nhà sẽ kín đáo và ấm cúng hơn rất nhiều”.
Còn ở nước ta, từ rất sớm, bức bình phong đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong ngôi nhà của người Việt. Chúng được trang trí cầu kỳ, tinh xảo, dùng để ngăn cản các uế khí và độc khí phát sinh từ các vật lạ thâm nhập vào nhà.
Đà Nẵng tuy là vùng đất được lưu dân người Việt vào khai phá cách nay khoảng 700 năm. Tuy nhiên, vùng đất tương đối còn non trẻ này đã chứa đựng trong mình một khối lượng di sản khổng lồ với hàng trăm di tích đình, miếu thờ thần, có niên đại hàng thế kỷ. Tại các di tích này, hầu như chúng ta đều bắt gặp những bức bình phong che chắn trước lối vào cửa chính của công trình. Đối với những loại bình phong này, ngoài ý nghĩa về phong thủy còn là những công trình mang ý nghĩa trang trí thật sự. Trong công trình nghiên cứu về Đình làng Đà Nẵng do Thạc sĩ Hồ Tấn Tuấn chủ biên, ông đã có một nhận xét khá độc đáo về bức bình phong trong các ngôi đình ở Đà Nẵng: “Sự xuất hiện của tấm bình phong ở vị trí này đã thể hiện sự kính ngưỡng tuyệt đối của người trần đối với thế giới thần linh. Bởi lẽ, bước vào đây người ta buộc phải rẽ sang hai bên mà không thể bước tiếp nếu muốn vào chính điện. Mặc khác, đứng ở ngoài không ai có thể nhìn thấu xuyên suốt vào điện thờ trong đình do sự che khuất của tấm bình phong”.
Về đại thể, các bức bình phong ở Đà Nẵng thường chỉ là một bức tường xây ngang nhưng kiểu dáng và cách thức trang trí của chúng thì vô cùng phong phú. Chúng thường có hai dạng phổ biến là dạng cuốn thư và hình chữ nhật. Hầu như các bức bình phong có kích thước cao từ 1,5 m đến 2 m, rộng từ 1,5 m đến 3 m. Vật liệu xây dựng là gạch và xi măng. Mặt sau bình phong thường có chữ Thọ hoặc chữ Linh, có khi chữ Kính. Họa tiết, hoa văn trang trí trên bình phong cũng rất đa dạng, phổ biến nhất vẫn là những con vật trong Tứ linh, gồm: long (rồng) - lân (kỳ lân) - quy (rùa) - phụng (chim phượng), hay đắp nổi hình “lân mã hà đồ”,... Những con vật đó biểu tượng cho sự thăng hoa, phù hộ cho đời sống của người dân được bình yên, thịnh vượng. Có một số bình phong thì trang trí hình hổ, hình dơi, lý ngư hóa long, con hạc, hoa sen, tranh phong cảnh,… rất phong phú và đặc sắc. Phía sau bình phong thường có một ban thờ, ở một số đình, miếu thì ban thờ có mái che hoặc bàn thờ lộ thiên. Đây là nơi đặt các lễ vật trong những dịp cúng tế và là nơi tế âm linh, cô hồn.
Qua những bức bình phong còn hiện diện trong các công trình thuộc loại hình tín ngưỡng dân gian ở Đà Nẵng, phần nào cho chúng ta thấy được hình thức thể hiện, những đồ án trang trí chủ đạo, cũng như chất liệu tạo tác chúng. Qua đó, thể hiện thế giới quan và nhân sinh quan của cư dân Đà Nẵng về bức bình phong, nó có tác dụng che kín cho các cơ sở tín ngưỡng, tránh những thứ khí chẳng lành phát ra từ những vật lạ phía trước công trình như cây cối, cột mốc, đường đi... và ngăn chặn không cho tà ma xâm phạm thẳng vào nơi thờ thần. Có thể nói, bức bình phong đã trở thành một bộ phận kiến trúc không thể thiếu trong các công trình tín ngưỡng dân gian, góp phần tạo nên những giá trị văn hóa độc đáo về đời sống tâm linh cũng như về mặt nghệ thuật của cộng đồng cư dân sinh sống trên mảnh đất Đà Nẵng bao đời qua.
3. Ngày nay, bình phong trong các công trình kiến trúc thuộc loại hình tín ngưỡng dân gian ở Đà Nẵng còn hiện diện khá nhiều, chúng được làm từ các chất liệu khác nhau, và những đồ án trang trí cũng rất phong phú, đa dạng.
Sự xuất hiện bức bình phong trong các công trình thuộc loại hình kiến trúc tín ngưỡng dân gian ở Đà Nẵng ngoài mục đích ngăn gió, các uế khí và độc khí phát sinh từ các vật lạ thâm nhập, mà còn để ngăn cản tà ma vào nơi thờ phượng thần. Bức bình phong đã trở thành một chi tiết kiến trúc độc đáo, mỹ thuật góp phần làm phong phú di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên mảnh đất Đà Nẵng.
Đinh Thị Trang 
Theo http://vannghedanang.org.vn/

1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...