Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Giữa một vùng non nước phong quang

Giữa một vùng non nước phong quang
Chúng tôi về dự Trại viết Văn học Dân tộc và Miền núi do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Trại dành cho các cây bút thơ, văn, lý luận, phê bình đang sống và làm việc ở Tây Nguyên và một số tỉnh phía Nam.
Nhà sáng tác nằm cạnh hồ Đại Lải, không gian rộng và thoáng, nhìn ra dãy núi nhấp nhô xanh nhạt vốn là nguồn cảm hứng vô tận của thi sỹ Tản Đà - tác giả bài thơ Thề non nước danh tiếng. Trong tiếng Việt ta non nước đồng nghĩa với Tổ quốc. Có lẽ không ở đâu ý nghĩa quen thuộc này lại được cảm nhận một cách cụ thể gần như bằng mọi giác quan như ở đây. Cùng với cảnh quan mở ra tầm nhìn khoáng đạt thì còn có một nguyên do khác nữa nâng cao tầm nghĩ của mỗi người: Ấy là bởi cách đây không xa là khu di tích Đền Hùng. Chúng tôi từ Nam ra, trong bao nỗi khát khao ấp ủ, có nỗi khát khao ấy: Trở về cội nguồn dân tộc Việt. Đứng ở vùng đất cách đây hàng nghìn năm, các vua Hùng từng dốc tâm, dốc trí, dốc sức ra dựng nước, lòng chúng tôi, dù là ai, thuộc dân tộc nào, cũng đều trào lên bao nỗi xúc động lớn lao. Chúng tôi đã đi hàng nghìn bậc đá từ đền Hạ lên đền Trung tới đền Thượng và trở về giếng Ngọc. Soi lòng mình vào từng hiện vật thiêng liêng, chúng tôi như có dịp nhận ra chính bản ngã của mình. Những ấn tượng về thời Hùng Vương chắc sẽ theo chúng tôi đi suốt cuộc đời cầm bút của mỗi người. Và đây chính là nền tảng của mọi sáng tạo văn chương chân chính. Vì, như Phạm Văn Đồng - người bạn lớn của văn nghệ sỹ đã từng nói: Văn học nghệ thuật là dân tộc. Nhà văn bao giờ cũng là con đẻ của một dân tộc. Ai quên điều hiển nhiên ấy liệu có còn xứng đáng với danh hiệu nhà văn hay không?
Những ngày ở Nhà sáng tác, công việc chủ yếu của chúng tôi là ngồi vào bàn sửa chữa, nâng cao những trang viết dang dở hoặc thực hiện những dự đồ sáng tác mới mẻ. Có thể không ngần ngại mà cả quyết rằng: chúng tôi đã sống và sáng tạo hết mình trong những ngày ở Đại Lải.
Câu thơ của Lương Định đã nói đúng nỗi lòng của mỗi người chúng tôi: Tim ơi cạn máu vì yêu! Cũng từ ý thơ của một cây bút khác, Inrasara - Phú Trạm, tôi muốn nói thêm: hình như trái tim của chúng tôi như lặng câm suốt nhiều năm tháng, giờ như có dịp lên tiếng, và tiếng nói ấy nếu chăm chú lắng nghe thì không thể nói là không da diết, mạnh mẽ. Sự sống đã được kết tinh vào những trang bản thảo thơ, văn, kịch, tiểu luận, phê bình.
Thu hoạch lớn nhất đối với chúng tôi trong những ngày dự trại chính là ý thức trách nhiệm với vùng đất mà mình từng gắn bó, với dân tộc mà mình đã sinh thành. Mâu thuẫn giữa những gì mình ưa viết với những gì mình cần viết luôn tồn tại trong thực tế. Một cây bút có tinh thần công dân cần giải quyết thỏa đáng mâu thuẫn này. Ngoài những vấn đề chung thuộc dân tộc và thời đại, mỗi vùng đất lại nảy sinh những vấn đề riêng mà những cây bút gắn bó với nó không được phép tránh né nếu không muốn những trang văn của mình rơi vào sự thờ ơ, lãnh đạm của người đọc. Chúng tôi ý thức sâu sắc rằng, mình không làm sẽ không ai làm thay mình cả. Nền văn học đa dân tộc Việt Nam đang cần những đóng góp mang bản sắc riêng biệt đó. Ai khước từ những đòi hỏi da diết của vùng quê mình, của dân tộc mình, người ấy sẽ không xứng đáng với lòng tin và niềm hy vọng mà bạn đọc gửi gắm nơi người cầm bút.
Thu hoạch về nghề nghiệp đáng nói nhất qua những ngày dự trại lại là ở những trang viết. Chúng tôi có dịp soi vào mình và soi vào nhau để ngẫm nghĩ và cùng nhau ngẫm nghĩ. Mới hay, những gì mình làm được chưa đáng là bao. Số lượng là vậy mà chất lượng cũng là vậy. Văn chương mới nghiệt ngã làm sao! Cần tạo ra những tác phẩm hữu ích mà lại có sức ám ảnh người đọc.
Và đó là công việc cực nhọc của cả cuộc đời người cầm bút. Thỏa mãn với mình, dầu chỉ trong khoảnh khắc, là tự hại mình. Bởi vậy, câu nói quen thuộc Thời gian là hữu hạn, nghệ thuật là vô cùng chưa bao giờ được chúng tôi thấm thía như những ngày vừa qua.
Thời gian sống và viết ở Đại Lải, ký ức chúng tôi được nối dài bởi chuyến đi du thuyền trên hồ và du ngoạn trên đảo. Tắm mình trong những làn gió mát rượi từ Tam Đảo thổi tới, đằm mình trong vẻ đẹp nguyên sơ của cỏ cây sông nước, chúng tôi như có dịp thấm thía đến tận cùng câu nói của Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội Y Ngông Niếk đăm trong lần gặp gỡ thân mật với Trại viết: Các nhà văn hãy góp sức mình vào sự nghiệp gìn giữ môi trường thiên nhiên khi chưa quá muộn!
Con thuyền rẽ sóng đưa chúng tôi dạo quanh hồ để trở về với bút viết và bàn làm việc. Sóng vỗ dưới mạn thuyền lao xao. Gió thổi hất tung những mái tóc lộ ra những vầng trán đầy ưu tư. Dãy núi xanh đậm phía trước chập chờn hư ảo. Nghệ sỹ Linh Nga tự  nhiên cất lên bài ca quen thuộc của Phan Huỳnh Điểu. Chúng tôi cùng hát theo chị. Tiếng hát hòa vào  mênh mang sông nước.
                        Chỉ còn anh và em
                        Là của mùa thu cũ ...
                        Mùa thu ra biển cả
                        Theo dòng nước mênh mông
Có phải nghệ thuật đích thực là vậy chăng? Đó trước hết là nỗi lòng day dứt của riêng ta. Nhưng cũng như nước của sông hồ, văn chương nghệ thuật chỉ trở thành bất tử khi gặp biển lớn của nhân dân, của thời đại...
                                          Đại Lải, 6/1996
Phạm Quang Trung
Theo http://www.pqtrung.com/


1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...