Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Đổi thay cùng mùa xuân

Đổi thay cùng mùa xuân 
Mới đây đã hết một năm! Nỗi cảm thán ấy là một sự ngạc nhiên, hay một tiếng thở dài? Chẳng thể nào rành mạch được, chỉ chắc rằng không ai kháng cự được sự dịch chuyển của bốn mùa.
Mới cái nắng hè chao chát, mới cái gió thu miên man, đã phải co ro trong áo ấm mùa đông và lại phải đón mùa xuân thong thả bên bậc thềm. Và giữa sự thay đổi của trời đất, không thể không nghĩ đến sự thay đổi của con người!
Cuộc đời luôn có những thay đổi khó lường. Ai cũng biết vậy nhưng không phải ai cũng trả lời được câu hỏi: khi nào cần thay đổi? Chúng ta chịu đựng sự thay đổi, hay chúng ta chủ động sự thay đổi, thì rõ ràng khi chúng ta nhận ra sự thay đổi đã có mặt hôm nay nghĩa là quá khứ đã khép lại ít nhiều hôm qua.
Một sớm mai thức dậy, nghe được một cơn gió khác, nhìn thấy một màu mây khác, tôi luôn nghĩ về sự thay đổi khi gỡ đi một tờ lịch cũ. Trời đất cũng thay đổi thì liệu điều gì bất biến đang ở lại với chúng ta? Nhanh hơn khí hậu, và cũng nhanh hơn cỏ cây, sự thay đổi của con người mới đáng mừng nhất và mới đáng lo nhất.
Đôi lần gặp lại ánh mắt người quen hoặc đôi lần bước lại góc phố thân thuộc, tôi chợt thấm thía những sự đổi thay chóng mặt. Công việc xưa, đồng nghiệp xưa, tình yêu xưa, quan hệ xưa cứ chồng chất lên nhau có thể khiến những người nhạy cảm bị xô cảm trong mênh mông kỷ niệm.
Tôi không phải người chai sạn hay dửng dưng, nhưng tôi luôn dùng thái độ bình tĩnh và cầu tiến để tin rằng, giữa sự vận động liên hồi của xã hội, chẳng ai có quyền dậm chân tại chỗ với những ngậm ngùi xót thương. Nhịp sống phát triển kêu gọi chúng ta đồng hành và trả công cho chúng ta bằng những trải nghiệm nhiều hào hứng lắm cam go.
Nếu chúng ta dự phần như thành viên tích cực của sự thay đổi thì mỗi lần ngoảnh lại là một lần ngạc nhiên cho những năm tháng ngổn ngang phận mình! Tôi dám chắc, chẳng có người nào ổn định mãi mãi với dự tính khép kín của bản thân. Có thể họ không nói, và có thể chúng ta không biết, nhưng từng người đều có sự thay đổi khi rạo rực lúc âm thầm trên cõi nhân gian này.
Có sự thay đổi kỳ thú khiến chúng ta bật cười. Có sự thay đổi choáng váng khiến chúng ta bật khóc. Có sự thay đổi chao chát khiến chúng ta thở dài. Dù sự thay đổi lớn lao hay sự thay đổi bé mọn cũng trở thành hành trang để chúng ta hy vọng gõ cửa hạnh phúc và chạm ngõ tương lai.
Dường như sự thay đổi nào cũng gắn với ước ao và chối từ thực tại. Vì vậy, người trẻ bao giờ cũng mạnh dạn với sự thay đổi hơn người già, bởi họ trông cậy vào quỹ thời gian rộng dài phía trước sẽ mang đến sự thay đổi tiếp theo. Tất nhiên, bản năng sinh tồn không cho phép ai tìm đến sự thay đổi để có kết quả kém cỏi hoặc xấu xa hơn.
Và tất nhiên, cũng có sự thay đổi hoàn toàn chờ đợi sự quyết định của may mắn hoặc rủi ro! Bước qua thập niên đầu tiên và nửa thập niên thứ hai của thế kỷ 21, đã có nhiều bậc cao niên được trang bị tầm nhìn của nhà thống kê học và trái tim của nhà đạo đức học, để thường xuyên lên tiếng phàn nàn về sự thay đổi ở giới trẻ từ cách ăn mặc, cách giải trí, cách giao tiếp cho đến cách kiếm tiền.
Đó là sự âu lo đáng trân trọng, nhưng chưa hẳn đã phản ánh đầy đủ diện mạo một thế hệ có điểm rơi vào thời hội nhập toàn cầu. Hãy nhớ rằng, sự thay đổi chỉ xảy ra khi có điều kiện thích hợp. Sở dĩ, giới trẻ hiện đại có nhiều thay đổi vì họ có nhiều thông tin, nhiều chọn lựa và nhiều nhiệt huyết.
Tôi không ủng hộ lối yêu cuồng sống vội, nhưng tôi không thấy chuyện một bạn trẻ nào đó nhảy việc hàng chục nơi trong một năm là một điều quá kinh khủng. Đành rằng, có nhiều cách tồn tại khác nhau, nhưng sẽ không thể nào che đậy vẻ dối trá nếu chúng ta khăng khăng không muốn được chỗ làm tốt hơn, khăng khăng không muốn được trả lương cao hơn, khăng khăng không muốn được coi trọng hơn, hoặc khăng khăng không muốn bứt phá thành đạt hơn.
Mặt khác, nhân loại cởi mở đang muốn giúp mỗi người được phô diễn cá tính và đam mê, thì cớ gì chúng ta lại vỗ tay cho những bạn trẻ thụ động úp mặt vào tường một cách cam chịu? Có điều đáng băn khoăn, bên cạnh sự nhanh nhẹn tích cực, nhiều bạn trẻ cũng thay đổi ngẫu hứng đầy tiêu cực. Lẽ thường, kẻ kiễng chân thì không thể đứng vững, kẻ xoạc cẳng thì không thể đi xa.
Chính sự nông cạn và hấp tấp đã cuốn không ít bạn trẻ ưa chuộng sự thay đổi bấp bênh vào vòng quay tít mù và phải trả giá khá đắt. Thôi thì an ủi, ai nên khôn không vụng dại một đôi lần! Vấp váp và tổn thương cũng là phương pháp khiến con người dày dạn và bản lĩnh hơn! Khi ngoảnh lại chặng đường thay đổi, nhiều người dễ dàng phân định có sự thay đổi không đến từ ham muốn của chúng ta.
Và chúng ta gánh vác biến cố ấy như một sự thay đổi bất đắc dĩ. Bệnh tật, thiên tai, sạt nghiệp… đều là những biến cố bắt buộc chúng ta thay đổi sâu sắc cả tâm tư lẫn hành động. Có người trầm cảm, có người u uất và có người hoảng loạn.
Nhân gian chẳng có mấy người gánh vác nợ nước thù nhà mà chỉ qua một đêm thao thức đã bạc trắng cả râu cả tóc như Ngũ Tử Tư trong tích "Đông Chu Liệt Quốc", nhưng chúng ta đều tạm nguôi đau đớn để động viên nhau trước mỗi biến cố theo lý thuyết: đã là phúc thì không phải họa, đã là họa thì không tránh khỏi!
Tôi quan sát nhiều trường hợp bất trắc và thấy, hễ người nào chấp nhận biến cố như một sự thử thách thì người ấy tận tụy với cuộc đời hơn. Bao giờ giữa khoảnh khắc sống chết mong manh, con người cũng thấy quý trọng sinh mạng và hiểu thêm điều tuyệt diệu của sự sống. Nếu tôi nhớ không nhầm thì nhà thơ Hafiz ở thế kỷ 14 từng viết “mọi người đều là thượng đế đang nói, tại sao lại không lễ phép lắng nghe” để tặng những người trải qua ngọt ngào và cay đắng mà chắt lọc lại thành sự quan tâm đến những người bất hạnh xung quanh.
Nói cạn lời thì những sự thay đổi của chúng ta, thay đổi tư duy luôn là yếu tố cần thiết nhất. Thay đổi kiểu tóc hay mốt áo, chỉ là thay đổi ngắn hạn. Thay đổi trình độ hiểu biết hay năng lực thẩm mỹ mới là thay đổi lâu bền. Tuân theo quy luật tất yếu của sự thịnh vượng, người khéo léo sẽ thay đổi phương tiện để đạt được mục đích. Còn người hời hợt, cứ liên tục thay đổi mục đích rồi cuối cùng chơi vơi không biết đi đâu, về đâu. Bây giờ mùi nước hoa thơm phức hay chiếc xe hơi bóng lộn cũng có thể trở thành thước đo đẳng cấp người này với người kia.
Trong "Đạo Đức Kinh", Lão Tử khuyên: “Ai hiểu kẻ khác là người khôn. Ai tự hiểu mình là người sáng suốt”. Mỗi ngày để nhẹ nhàng lên đường cùng mọi người, tôi nghiền ngẫm sự thay đổi của cuộc đời, và lặng lẽ thay đổi bản thân với ý nghĩ: chúng ta chẳng có gì xấu hổ khi cò kè bán sức lực và trí tuệ của chúng ta cho kẻ khác, nhưng chúng ta thật sợ hãi nếu bị kẻ khác mua cảm xúc và phẩm giá của chúng ta!
Mùa xuân đang thay đổi lá hoa, và mùa xuân đang thay đổi chúng ta!.
Nguồn NongNghiep.vn
Theo http://www.vaas.org.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...