Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Phía sau các cuộc thi văn chương

Phía sau các cuộc thi văn chương
Chưa bao giờ chúng ta được chứng kiến các cuộc thi văn chương quy mô, rầm rộ và đều khắp như bây giờ. Có thể thấy gì qua các cuộc thi này?
Bước vào thời kỳ Đổi mới, nhất là chừng năm bảy năm trở lại đây khi công cuộc Đổi mới đã gặt hái được những thành quả đáng khích lệ bước đầu, Nhà nước ta đã thật sự quan tâm hơn đến các hoạt động văn hóa tinh thần đặc biệt là các hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Nhiều chính sách cụ thể, thiết thực nhằm khuyến khích sáng tạo mới đây đã dần dần tháo gỡ những vướng mắc thâm niên, giải quyết những khó khăn không đáng có, tạo điều kiện thuận lợi về vật chất và tinh thần cho các nghệ sĩ thực hiện những dự đồ sáng tác chính đáng bấy lâu của mình. Vậy mà, nói riêng trên lĩnh vực văn chương, ta chưa tạo ra được những tác phẩm đỉnh cao, tương xứng với quy mô và tính chất của sự nghiệp Đổi mới như đã và đang diễn ra.
Các cuộc thi tiểu thuyết, thơ, ký và kịch bản văn chương liên tục được mở ra. Ngắn hạn và dài hạn, độc lập và liên kết. Lớn hơn cả là ở cấp độ Hội Nhà văn Việt Nam. Mục đích duy nhất và cao nhất của các cuộc thi là huy động mọi tiềm lực, điều kiện sáng tạo của từng cá nhân và cả đội ngũ, mong xuất hiện những công trình nghệ thuật có sức kết tinh tài năng, trí tuệ của dân tộc trước giao điểm của thiên niên kỷ mới. Đó là sự biểu hiện tập trung tinh thần trách nhiệm cao, đáng nể phục của các tổ chức hội và mỗi người cầm bút trước nhân dân và thời đại mình. Tuy nhiên, chính ở đây, lại dễ nhận ra sự nôn nóng quá thái, từ đó dễ sinh ra tâm trạng chán nản, thậm chí thất vọng khi mọi chuyện trên thực tế chưa diễn ra theo ý nguyện da diết của chúng ta.
Tôi liên tưởng đến một trận cầu sôi nổi, các cầu thủ đều đá hết mình, mà tỉ số mãi vẫn chưa được mở. Ôi! Các danh thủ có kém cạnh ai đâu, cả về kỹ thuật và sức bền. Lại nữa, tinh thần đồng đội khá cao, những đường chuyền nhỏ mà chính xác. Chỉ có điều cầu môn vẫn từ chối bàn thắng. Mà muốn nói gì thì nói, bóng cũng phải được đưa vào lưới. Chơi đẹp đến đâu, dốc sức đến đâu, phối hợp đến đâu mà lưới chưa bị rung lên cũng trở nên... vô nghĩa. Ta nóng lòng chờ bàn thắng. Hiệp một đã kết thúc, hiệp hai đã bắt đầu. Đầu hiệp hai, rồi đến phút thứ ba mươi, sự thể vẫn không có biến chuyển theo chiều hướng tốt đẹp, nếu có nản lòng thì cũng là khó tránh khỏi. Tôi nghĩ, tình thế của văn chương ta lúc này có gì từa tựa như vậy! Cũng dễ hiểu thôi, có sự kiên nhẫn nào lại vô giới hạn đâu.
Tôi cho rằng, trong nhiều nguyên do có nguyên do nằm trong nhận thức của không ít người: Họ đặt quá nhiều hy vọng vào các cuộc thi. Thật ra cái gì cũng có mặt trái của nó. G.G. Mackết từng đưa ra những nhận xét thú vị thế này: “Hiện nay các nhà văn đang sa vào cơn hiểm nghèo trầm trọng khi họ tự đặt ra cho mình nhiệm vụ giành chiến thắng trong các cuộc thi văn chương... Các cuộc thi là sự giúp đỡ đáng kể. Song các nhà văn đều mang trong mình một nguy cơ trầm trọng: viết để giành chiến thắng trong các cuộc thi. Từ đó mục đích chỉ quy vào điều này. Viết vội vã cho kịp thời gian quy định. Và chiến thắng trong cuộc thi sẽ là kẻ viết đúng lúc nhất chứ không phải người có công viết cho hay hơn Xecvăngtex hoặc Sếchxpia” (Nhà văn bàn về nghề văn, Hội VHNT Quảng Nam - Đà Nẵng xuất bản, 1983, tr. 195).
Ý kiến sâu sắc của văn hào Colombia đáng để chúng ta suy ngẫm. Ông không phủ nhận ý nghĩa tích cực của các cuộc thi. Nhưng ông đã chỉ ra một cách đích đáng hạn chế của mọi cuộc thi. Vấn đề là làm sao cho mỗi người cầm bút thường xuyên ấp ủ những ý đồ sáng tạo lớn lao mà các cuộc thi chỉ là chất kích thích thêm, chất kích thích bên ngoài, tạo động lực cho chúng mau chóng được vật thể hóa thành ngôn từ, hình ảnh đầy sức mạnh. Hàng ngày, ta không “sống chết” vì ý tưởng, không bị nó “hành hạ” một cách khổ sở, thì nếu có buộc mình ngồi vào bàn viết cũng chỉ tạo nên những sản phẩm sống sượng, chính người làm ra nó cũng chưa thật yêu nó đến mức cần phải có. Những tác phẩm sinh ra trong hoàn cảnh như vậy, cố nhiên, không thể làm hài lòng một ai cả. May mắn cho cây bút nào tìm được sự hòa hợp giữa động lực bên trong và cơ hội bên ngoài. Chỉ khi ấy các cuộc thi mới có ý nghĩa khơi nguồn.
Về những người tổ chức các cuộc thi còn có thêm một điểm đáng bàn này nữa: Hình như ta chưa chú ý đúng mức đến việc sơ kết, tổng kết, nhất là trao đổi, bàn bạc để tháo gỡ những khúc mắc về lý luận và thực tiễn sáng tác mà bất cứ ai, mà bất cứ lúc nào cũng dễ gặp phải. Phải chăng vẫn còn tình trạng sơ kết giữa chặng và tổng kết cả đợt một cách chiếu lệ, hình thức? Tính định hướng còn yếu và thiếu. Ở đây có liên quan đến ý thức trang bị mọi hiểu biết, đặc biệt là những hiểu biết lý luận cho những người tham gia các cuộc thi. Tôi biết rồi sẽ có người chê cười tôi là đề cao lý thuyết, hơn thế “sính lý thuyết”.
Nhưng thử hỏi trong lịch sử văn chương dân tộc và nhân loại có nhà văn lớn nào lại ít am hiểu lý luận sáng tác đâu. Đó là tiềm lực của mọi tiềm lực làm nên những trang viết để đời. Do vậy, song song với các cuộc thi, các nhà tổ chức nên tính chuyện mở các cuộc đàm luận về những vấn đề thực tiễn và lý thuyết có liên quan. Làm sao phải thật sự hữu ích, nghĩa là tránh cao đàm khoát luận mà đi vào thực chất, cụ thể và thiết thực. Được thế, chắc không ai còn nghĩ là ta cứ hùng hục làm mà không có lúc dừng tay xem ta đã làm được những gì, chất lượng ra sao, để rút kinh nghiệm tiếp tục làm tốt hơn. Như trận bóng giằng co, không có tỉ số ấy, phải tính cách thay đổi chiến thuật phù hợp, nếu một ai đó còn muốn giành lấy chiến thắng oanh liệt về cho mình. Muốn làm được thế phải có tầm nhìn xa rộng, tất nhiên.
Phạm Quang Trung
Theo http://www.pqtrung.com/


1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...