Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Bài ca "Những người con của bản"

Bài ca "Những người con của bản"
Cầm trên tay bản trường ca Những người con của bản, tôi không khỏi sững sờ. So với nhiều cây bút người dân tộc thiểu số, con đường văn chương của Cầm Hùng quả chưa phải đã dài. Mãi đến năm 1998, anh mới có tập thơ in riêng mang tựa đề Đoàn quân đi làm ánh mặt trời. Dù thiện cảm với anh tới đâu cũng chẳng thể coi tập thơ là dầy dặn, mặc dầu nó cũng đã để lại một đôi ấn tượng tốt đẹp cùng một vài tia hy vọng ấm áp trong lòng người đọc. Vậy mà, có ngạc nhiên không, Cầm Hùng đã chấp nhận bao thách thức về tầm bao quát, về vốn sống, về khả năng xử lý chất liệu - những thách thức không dễ vượt qua, để đến với trường ca. Liệu có đuối sức, hẫng hụt không đây? Tôi buộc lòng phải đặt ra câu hỏi ấy. Và xin thú thật, phải tới khi đọc xong chương cuối cùng Thành phố những vì sao, tôi mới hầu như hết e ngại.
Chợt nhớ tới ý thơ của Dương Thuấn: Tắm nước suối mới là người của làng bản; tắm nước sông anh trở thành người của quốc gia; chỉ tắm nước đại dương anh mới trở thành người muôn nơi. Từ đó, tôi nảy ra một ý nghĩ khác: ta đã trải khắp đại dương thì khi trở về quê mình, nhìn nước của sông, của suối sẽ khác đi rất nhiều. Cái khác ấy sao đây? Đâu là cái tương đồng, còn đâu là dị biệt ? Đâu là sự hạn hẹp, còn đâu là sự giao hòa, rộng mở?... Biết bao vấn đề thiết cốt rất cần được giải đáp. Bởi vì nhờ đó mới biết cái gì cần nâng niu, gìn giữ và cái gì cần can đảm vượt qua. Lại phải giải đáp bằng văn chương, bằng nghệ thuật, nghĩa là bằng một hình thái dễ lôi cuốn, dễ thuyết phục mà lại có sức neo giữ bền lâu. Có thể nói, bản trường ca Những đứa con của bản ở mức độ nào đó có thể xem là đã đáp ứng được mong mỏi ấy của chúng ta.
Đọng lại trong lòng bạn đọc là lời ngợi ca không dứt những người con ruột già của bản mường dưới ánh sáng chói lòa của thời đại mới:
Nếu chàng trai nào chưa đến Sơn la
Nắm bàn tay
Cô gái Thái múa xòe
Thì đời như thiếu nắng, thiếu mưa.
Và:
Cô gái nào chưa được hôn
Chàng trai người Thái
Sẽ bâng khuâng hẫng hụt
Suốt đời người.
Ai đã từng sống hết mình với bản, với người Tây Bắc sẽ không thấy nhà thơ của chúng ta nói quá lời. Nhưng cái khiến tôi thật sự xao lòng là niềm kiêu hãnh được là người dân tộc Thái, được sống ở vùng núi Sơn La - niềm kiêu hãnh này thấm đẫm trong từng lời của bản trường ca từ câu đầu tới câu cuối. Những chàng trai, cô gái sinh ra từ nơi đầu nguồn bó nước, có những cánh rừng huyền thoại, những dãy núi sừng sững tưởng với tới được trời. Hạnh phúc ban đầu của họ có được là nhờ sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người:
Hoa lau nở thành gối
Hoa gianh nở thành đệm
... Sợi chỉ nắng khăn piêu
Rực rỡ hoa mặt trời
Những câu thơ mang vẻ đẹp dung dị lại nói được những điều lớn lao. Ta đang sống  những ngày ít ỏi còn lại của thế kỷ XX. Một trăm năm qua, nhân loại từng chứng kiến sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ. Văn minh vật chất vì vậy không ngừng tăng trưởng. Biết bao sự biến đổi mà ở cuối thế kỷ trước còn nằm ngoài giấc mơ ở ngay cả những người giàu óc tưởng tượng nhất! Giờ đây, con người có quyền đứng ở tầm cao vòi vọi để có thể hãnh diện một cách chính đáng với muôn loài. Từ đó, dễ nảy sinh ra xu hướng sai lầm coi con người có thể dời sông lấp biển, bất chấp mọi quy luật khe khắt của tự nhiên. Câu thơ của Nguyễn Du Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều được ngâm nga trong mọi hoàn cảnh. Xin được nhấn mạnh: không phải bao giờ cũng phù hợp đâu! Biết bao bài học nhãn tiền mà cái giá phải trả đâu có nhỏ. Một trong những bài học thấm thía ấy là: hãy biết tìm hạnh phúc bền vững trong sự chung sống thân thiện với tự nhiên khi vẫn không ngừng vươn lên chế ngự nó. Đoc thơ Cầm Hùng, và nói chung của các cây bút dân tộc ít người khác, tôi thường lưu tâm nhất tới điều này. Các chàng trai cô gái miền núi được tắm nơi bó nước, nên: Những đứa trẻ chào đời/ Trai lớn lên thành Ka-Đông/ Văn hay võ giỏi. Còn: Gái lớn lên thành Căm-Lau/ Thành dâu hiền.../ Dịu dàng thương chồng con.
Cứ vậy, cứ vậy... họ lớn lên về thể xác nhất là về tinh thần. Tầm nhìn của họ được mở rộng, tri thức của họ thêm giàu có, và bản tính hiền hòa, yêu lao động, dũng mãnh trước kẻ thù, biết thương yêu, bao dung, hy sinh vì đồng loại được giữ gìn/ dựng xây/ cho đẹp mãi đất này. Tất cả, tất cả những điều quý giá đó, bạn đọc có thể tìm thấy ở bản trường ca của Cầm Hùng. Tôi xin trân trọng mời các bạn cùng thưởng thức.
Đà Lạt, tháng 9/2000
Phạm Quang Trung
Theo http://www.pqtrung.com/


1 nhận xét:

  Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầ...