Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

Bóng mình dưới “Bóng thời gian”

Bóng mình dưới “Bóng thời gian” 
(Đọc tập thơ “Bóng thời gian” 
Nxb Hội Nhà văn, 2014 của Nghiêm Khánh) 
Tác giả Nguyễn Quốc Khánh, bút danh Nghiêm Khánh - hội viên Hội VHNT Tây Ninh vừa cho ra mắt bạn đọc tập thơ thứ 2 của mình do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Tập thơ có tên gọi “Bóng thời gian”, dày124 trang, khổ rộng, đẹp bắt mắt. Tập thơ ra đúng dịp Tết đến Xuân về như thêm một bông hoa xuân trong vườn hoa ngào ngạt hương thơm, thắm tươi màu sắc. Có gì thú vị hơn trong những ngày Tết, những buổi du xuân mà được đọc thơ, thưởng thức những vần thơ dạt dào cảm xúc để từ đó cũng thăng hoa cùng thi sĩ.
Bao trùm cả 60 bài thơ trong tập “Bóng thời gian” là tình cảm của tác giả dành cho quê hương, gia đình, người thân và bầu bạn. Tôi đã đọc kỹ các bài thơ này và thấy Nghiêm Khánh đã trải lòng mình ra trên từng con chữ. Việc đặt tên cho tập thơ và chọn lựa số lượng bài thơ giới thiệu trong tập này phải chăng là chủ ý của tác giả. Bước vào tuổi 60, chuẩn bị về nghỉ hưu, bao cảm xúc ùa về, nhiều nỗi niềm tâm tư dội tới, quá khứ, hiện tại, tương lai đổ bóng lên cái mốc thời gian quan trọng này để bật lên những câu thơ đầy khắc khoải trong anh. “Qua rồi giông bão, gió mưa/ Anh về hong vạt nắng xưa bên thềm” để cho “Bóng thời gian” cứ đổ dài, in mãi suốt dọc đường đời của Nghiêm Khánh.
Mạch nguồn cảm xúc chủ đạo của tác giả là hướng về những kỷ niệm trong đời công tác của mình với Tây Ninh, gia đình và bầu bạn. Chỉ lướt qua tên những bài thơ thôi cũng thấy được điều này. Đây là về quê hương: Núi Bà Đen trong ta, Gò Duối quê mình, Nhớ búng Bình Thiên, Trung ương Cục một ngày tới thăm, Nhớ mãi đêm nguyên tiêu Bình Thạnh, Về với Phong Lưu, Chút lãng mạn với thành phố mới, Về lại Ma Thiên Lãnh nhé em v.v...

Ta hãy xem tâm trạng của tác giả khi thị xã Tây Ninh trở thành thành phố như thế nào? “Đêm đọc báo Xuân Tây Ninh/ Tin vui chào thành phố mới/ Biết bao năm chờ, tháng đợi/ Thành phố bây giờ như mơ” để rồi anh không còn ngồi ở nhà đọc báo nữa mà đã một mình “Lặng thầm đi trong đêm mưa/ Say giấc mơ Xuân mộng mị” để mà “Ngẩn ngơ vừa quen vừa lạ/ Thành phố quê mình đẹp quá/ Bao nhiêu là cờ, là hoa...” (Giấc mơ xuân). Hay “Chút tự hào ta dành cho thành phố mới/ Đi bên người mà trong dạ xôn xao/ Tây Ninh ơi! Trong mình giờ đẹp lạ/ Đêm giao thừa như thêm vạn vì sao” (Chút lãng mạn với thành phố mới). Phải háo hức với tin vui này, phải thơ thới với mùa xuân lắm, phải yêu Tây Ninh rất nhiều anh mới có được những câu thơ tung tẩy như vậy.
Cùng với cảm xúc chợt đến, thăng hoa, thi sĩ thường nặng lòng với quá khứ. Nghiêm Khánh cũng không ngoại lệ. Về lại Ma Thiên lãnh, thấy “lững lờ trôi mây cuốn phủ non xanh/ mấy tầng cao trăng thanh gọi thêm luồng gió mới” anh đã nhớ “trong từng hang đá nơi núi rừng thanh vắng/ ta chia vui chinh chiến nhớ quê hương/ Đĩa rau cần vị ngọt đắng vấn vương/ Lời du dương bạn bè cất cao bao tiếng hát” (Về Lại Ma Thiên Lãnh nhé em). Kỷ niệm thời chiến tranh binh đao khói lửa, gian khó, anh dũng hào hùng được anh khắc họa trong các bài thơ “Trung ương Cục một ngày tới thăm”, “Núi Bà Đen trong ta” để bây giờ, đất nước hòa bình trong công cuộc đổi mới, “Đứng trên núi Bà Đen lòng vui phơi phới/ Dầu Tiếng kia như ánh mắt quê hương/ Cả đất nước ngẩng cao đầu bước tới/ Nắm chặt tay em vững bước một con đường”. Đó là tâm thế mới, đĩnh đạc, đàng hoàng cho một công cuộc xây dựng mới. Giọng thơ hào sảng, tin yêu. Ví hồ Dầu Tiếng như “ánh mắt quê hương” thì thật là thi sĩ.
Với nhịp thơ 4 chữ, 5 chữ, Nghiêm Khánh có 3 bài thơ viết cho thiếu nhi (cụ thể là cháu ngoại của anh) khá ấn tượng. Kể “Chuyện con ngựa vằn” để khuyên răn cháu “Chớ có tham khóc/ Mai chẳng nên người/ Chúng bạn chê cười/ Bạn bè xa lánh”; hay “Trong mơ”, việc ông ngoại quát cháu như thế nào để khi tỉnh dậy ông đã nhận ra lỗi lầm và hứa với cháu sẽ sửa chữa. Bài “Bố ở Trường Sa” có tứ lạ là cháu xem ti vi thấy bố mình trên màn ảnh đã reo lên “Bố về!’ và cháu đã “Dang tay một mình/ Ôm chiếc truyền hình/ Gọi bố thiết tha” và “Cười nói tỉ tê/ Luôn mơ lúc ngủ”. Lời thơ giản dị, dáng dấp đồng dao nhưng hình ảnh ấn tượng, tình cảm chân thực đã đọng lại trong lòng người đọc.   
Với Tình yêu, Nghiêm Khánh ngu ngơ, khờ dại và kỷ niệm về những cuộc tình, những người con gái cứ đeo đẳng, bám riết anh. Chỉ “Chiều hôm nghe tiếng vạc sành...” thôi thế mà “Đêm về trong dạ nôn nao...”, để Nghiêm Khánh “Bây giờ tiếc mấy cho vừa/ Cái tình đã gửi người xưa đâu rồi?” (Tiếng vạc sành). Bài “Mất sóng” khá thú vị. Bốn khổ thơ thể 4 chữ nhưng đầu mỗi khổ chỉ có một từ thôi nhưng đã lột tả tâm trạng khắc khoải, bão giông của tác giả khi xa vắng người yêu trong hoàn cảnh “mất sóng điện thoại. Chắc những người yêu nhau trong hoàn cảnh ấy sẽ phải cảm ơn tác giả vì đã nói hộ lòng mình.
Tâm hồn đa cảm của thi sĩ khiến Nghiêm Khánh cũng nghiêng ngả, cũng bồi hồi, cũng xao xuyến khi gặp những bóng hồng, những vùng đất đẹp và thơ. Từ “Cô hàng cà phê” đến cô lái đò trong buổi “Gió đông gợn sóng Lòng Hồ” ở hồ Dầu Tiếng, ở suối Bà Chiêm cũng đã làm lòng anh dậy sóng. Từ “Mùa hoa phượng” ngày xưa đến “Đêm Nguyên tiêu Bình Thạnh” bây giờ, từ buổi “Mưa chiều trên tháp Phước Duyên” xứ Huế đến làng nghề rượu ngon Bàu Đá, cho tới cả lúc thoảng “Hương mật mía” nữa...bao ánh mắt con gái đã níu giữ lòng anh, để thơ anh cất cánh bồi hồi trong thương cùng nhớ.
Tâm trạng của người sắp hoàn thành nhiệm vụ công tác về với đời thường cũng được dồn nén trong một số bài thơ của Nghiêm Khánh. Một thoáng buồn, một thoáng ưu tư nhưng trên hết là sự thanh thản như chiếc lá cuối thu, đổ bóng vào thời gian, rơi vào vô biên, hòa vào đất để mà xanh mãi (Chốn thiền, Thế là, Giọt rượu chiều thu...) để mà “Ta về say giấc thiên thai non bồng”.
Thơ Nghiêm Khánh thể nghiệm trên nhiều thể loại: lục bát, bốn chữ, năm chữ, tự do (có vần và không vần). Anh không quan tâm nhiều đến việc “đẽo câu, gọt chữ, ngắt dòng” mà chủ yếu là chuyển tải được tình cảm, tâm trạng của mình. Vì thế, thơ anh dễ đọc, phù hợp với nhiều độc giả. Nói vậy, nhưng phải công nhận rằng về “kỹ thuật” làm thơ thì tập này khá hơn tập thơ trước. Đọc “Bóng thời gian” tôi thấy cũng có cả bóng mình trong đó. Anh đã nói hộ tôi và nhiều người rồi đó. Với một người làm nghề kiểm sát “khô cứng” như anh mà có được nguồn thơ ào ạt ấy quả thật là rất quý và trân trọng. Xin chúc mừng anh và hy vọng đón chờ những tác phẩm mới hay hơn nữa của anh.
Đỗ Xuân Thu
Theo http://vanhocnghethuatphutho.org.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...