Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Người sớm chạm vào thơ hay

Người sớm chạm vào thơ hay
Người đẹp Thái Nguyên Lưu Thị Bạch Liễu đến với Trại Sáng tác Nha Trang - Hè 2006 khá là ồn ã. Liễu nói nhiều, lời nào cũng như có cánh, lấp lánh trí tuệ. Em như một người từng trải, dám phán xét, lật tung tất cả. Mà có tuyệt không, lời nào của em dường như cũng ẩn cái lý riêng, càng ngẫm càng thấy thấm.
Ngày thường, có thể bảo Liễu thuộc loại những người đàn bà lắm điều, nhưng em lại viết ít và ngắn đến không thể ít hơn và ngắn hơn thế được nữa. Tôi đã đọc kỹ thơ Liễu, rồi buộc phải thừa nhận là em thuộc trong số ít những người sớm chạm vào thơ hay. Tôi mừng như bất ngờ chạm phải Thần Vệ nữ của Lò Ngân Sủn:
                  Cha mẹ sinh ra nàng
                  Đặt tên nàng là con gái
                  Nghệ thuật sinh ra nàng
                  Đặt tên nàng là “Thần Vệ nữ”…
Rồi có người sẽ bảo có lẽ tôi đã quá lời. Tôi không ngại. Chỉ ngại là không biết Liễu có đắm đuối với thơ cho đến tận cùng không? Nếu em dám đánh cược cuộc đời mình với canh bạc thi ca, tôi cả quyết là em sẽ thắng đậm. Ngay từ đầu kia, chứ không phải đợi đến canh bạc về chiều đâu!
Bằng chứng ư? Xin chỉ trưng ra hai bằng cớ tiêu biểu này thôi! Ấy là tôi sợ mình lại trở nên lắm lời như Liễu. Bằng cớ thứ nhất là về những đứa trẻ và đàn ông Xứ Mây:
Những đứa bé họ Nông lớn lên
Giúp cha gieo hạt bằng cách tung còn
Hoa cải theo nắng về ấm vàng chân cầu thang
Những người họ Nông
Mỗi bước đi chân cứng đá nềm
Vì đến từng đầu ngón chân đều có tình yêu em ấp ủ
Khổ thơ liền mạch vì ý thơ không đứt quãng: từ đứa bé họ Nông đến người họ Nông - chúng được diễn tả trong thế động lớn lên rồi sau này là chân cứng đá mềm. Đứa trẻ gắn với những hình ảnh lấp lửng ý nghĩa bởi hai phép ẩn dụ. Hay là ở chỗ lấp lửng ấy. Giúp cha gieo hạt bằng cách tung còn quả có gì thật sự mới lạ. Vừa thật vừa ảo. Viết hoa cải theo nắng về ấm vàng chân cầu thang, Liễu chịu ảnh hưởng rõ rệt những khúc tình ca dân dã. Cái đáng khen là nó hợp. Đáng khen hơn là Liễu nhận từ dân gian cái hồn vía là chính. Đúng như cách những cây bút già dặn tay nghề từng làm. Tôi thích những hình ảnh gắn với những người đàn ông họ Nông hơn. Bởi chúng đời hơn. Lý giải mỗi bước đi chân cứng đá mềm bằng đến từng đầu  ngón chân đều có tình yêu em ấp ủ thì phải nói là chí tình. Thơ hay tôi nghĩ là ở khả năng lay động tình người, tình đời này. Có phải thế chăng?
Bằng cớ thứ hai  là những người đàn bà Xứ Mây:
Người phụ nữ Dao tuổi cao dần đầu thấp dần
Suốt đời làm con ngựa thồ
Thuở nhỏ cõng em bằng địu cũ
Cõng con bằng địu hoa rực rỡ
Cõng măng
Cõng ngô
Người phụ nữ với tấm lưng còng và đôi bàn chân to
Rụt rè hơn đất
Chỉ con suối thấy trái tim họ trĩu xuống
Trọn đời địu một bóng đàn ông
Đó là bài Ở Cao Phong của Liễu. Xuyên suốt câu chữ là sự cảm thông đến tận cùng. Chỉ có người đàn bà mới viết nổi về người đàn bà ngập tràn cảm xúc đến vậy. Hơn thế, Liễu là người đàn bà biết làm thơ. Ý tôi muốn nói, em biết cách thể hiện nỗi cảm thông con người bằng nghệ thuật ngôn từ. Mà em không hề uốn éo lời như một nghệ sỹ xiếc. Em thổ lộ thật, và, thế mới đau. Không đau, không thật không thể viết nổi  những câu thơ thắt ruột thắt gan ấy. Cái lành mạnh của tình cảm được bảo hiểm bởi câu cuối: Chỉ con suối thấy trái tim họ trĩu xuống. Mọi cảm giác nặng nề hầu như tan biến đi đâu mất. Đọng lại chỉ còn là nỗi cảm phục. Trọn đời địu một bóng đàn ông -  Liễu đã nâng tấm tình thủy chung của người đàn bà vùng cao thành tấm gương sáng cho mọi người phụ nữ đích thực trên đời cùng soi. Liễu rõ ràng đã biết dừng lại ở chỗ cần dừng, biết nói cái điều mà thơ cần nói. Em đã làm chủ ngòi bút phiêu diêu của mình. Bản lĩnh của người làm thơ là ở đó chăng?
Thơ Liễu củng cố niềm tin này ở tôi: phải tìm đến thứ thi ca đích thực như tìm  một người tình đích thực. Tiếc là không ít người làm văn chương suốt cả một đời mà vẫn chưa tìm được cái đích thực của văn chương. Tấn bi kịch phải nói là quá chua chát. Họ chỉ ôm cái bóng mờ ảo không thực của văn chương thôi.
                                     Nha Trang, 15/6/2006
Phạm Quang Trung
Theo http://www.pqtrung.com/



1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...