Cô gái trong ca khúc Mùa xuân làng lúa làng hoa
Có một ca khúc Việt, mỗi khi Tết đến Xuân về lại được vang
lên, khiến lòng người xôn xao, náo nức. Đó là bài hát “Mùa xuân làng lúa làng
hoa”. Nhưng tác giả bài hát là ai, ca khúc này được viết ra thế nào, có lẽ còn
ít người biết tới.
“Bên lúa, anh bên lúa cánh đồng làng ven đê/ Hồ Tây xanh mênh
mông trong tươi thắm nắng chiều/ Làng em làng hoa, hoa thơm ngát bốn mùa/ Hồ
Tây đôi bên trong tình yêu hoa lúa rộn ràng/ Lúa ơi! Thơm ngát cho em hát cùng
người/ Bởi lúa yêu cuộc đời nên xanh thắm tươi ruộng đồng/ Sóng lấp lánh mặt hồ
cho hoa em ngọt ngào/ Hương hoa bay dạt dào làng hoa em gọi mùa/ Mùa xuân!”.
Một chiều Hà Nội se lạnh, tôi đã được ngồi với tác giả bài
hát- nhạc sĩ Ngọc Khuê bên ấm trà nghi ngút khói...
“Tôi sinh năm 1947 tại Hoài Đức (Hà Tây cũ). Năm mười tám tuổi,
tôi bắt đầu rời quê hương, bước vào cuộc đời quân ngũ, sau đó trở thành lính
cao xạ pháo bảo vệ cầu Hàm Rồng.
Năm 1974 thì được chuyển về đoàn Văn công Phòng không -
Không quân, làm diễn viên hát, và gắn bó với Quân chủng Phòng không -Không quân
đến lúc nghỉ hưu”.
Nhắc tới Ngọc Khuê là nhắc tới Mùa xuân làng lúa làng hoa…
Nhiều người cũng nói như vậy. Có người còn gọi tôi là “ông
Làng lúa làng hoa” nữa (Cười). Cũng như nhiều nhạc sĩ khác, từ lâu tôi muốn viết
một ca khúc về Hà Nội, đặc biệt là về mùa xuân Hà Nội, nhưng viết mãi mà chưa
thành. Tôi muốn ca khúc ấy tuy là đứa con riêng của tác giả nhưng mọi người vẫn
có thể thấy mình trong đó.
Mỗi khi nghe ca khúc này, hình ảnh người con gái dịu dàng,
chăm chỉ vun xới cho mùa màng hiện lên đẹp và đáng yêu, tràn đầy sức sống mùa
xuân. Bây giờ ông có thể tiết lộ “em” trong bài hát này là ai không?
Không biết tôi có nên kể chuyện này?(Cười) Chuyện là: Quãng
năm 1978, hay 1979 gì đó, tôi có quen một cô gái và thú thật cũng rất muốn viết
ca khúc để tặng. Đôi khi chúng tôi đèo nhau trên chiếc xe đạp lòng vòng trên những
con đường ven hồ Tây, Hà Nội. Tôi nảy ra ý định “mượn” những làng hoa ven hồ để
làm cái cớ.
Định như vậy rồi nhưng khi viết thì vẫn thấy khó, thấy không ổn.
Tôi đành “gác” kế hoạch viết bài hát ấy lại. Cho tới một chiều mùa đông năm
1981, khi đạp xe đi thăm người bạn ở gần hồ Tây tôi mới phát hiện ra rằng hồ
Tây không chỉ có hoa.
Phía bên Xuân La, Xuân Đỉnh còn là “làng lúa”. Lâu nay người
ta thường gọi đó là những cánh đồng lúa xanh mướt hay chín vàng. Nhưng tôi muốn
ví đó là những “làng lúa”.
Sự “phát hiện” đó cộng với hình ảnh những “làng hoa” ấp ủ bấy
lâu đã giúp tôi bật ra câu hát: “Lúa ơi thơm ngát cho em hát cùng người/ Bởi
lúa yêu cuộc đời nên xanh thắm ruộng đồng,…”. Câu hát đầu tiên ấy đã xuất hiện,
và nhờ đó, về nhà tôi đã viết xong bài hát.
Câu hát ở giữa bài, lại được viết ra đầu tiên?
Trước đây có một nhạc sĩ-nhà nghiên cứu về âm nhạc khi giới
thiệu bài hát “Mùa xuân làng lúa làng hoa” của tôi có viết: “Thật ra, theo tôi
hiểu, đâu có phải tác giả chủ ý phải viết, phải cấu tạo đoạn đầu bài hát như thế
để dẫn dắt người nghe”.
Đây là cách hiểu chưa đúng. Bởi trên thực tế, cảm xúc của buổi
chiều cuối năm 1981 ngay giữa thiên nhiên đó đã giúp tôi hoàn thành đoạn chính
của bài hát trước. Đến khi về nhà tôi mới ngồi viết phần đầu và phần kết của
bài hát.
Tôi viết hai phần này thật khó khăn, nhất là đoạn mở đầu:
“Bên lúa, anh bên lúa/ Cánh đồng làng ven đê/ Hồ Tây xanh mênh mông, trong tươi
thắm nắng chiều/ Làng em làng hoa, hoa hơm ngát bốn mùa…”.
Tôi đã thử bằng nhiều cách khác nhau để mở đầu bài hát, cuối
cùng thấy hợp lý khi lấy âm hưởng của một điệu hò (ở điệu hò tiết tấu bốn nét
móc kép nhịp 2/4, trong bài này biến thành chùm 4 móc đơn nhịp 6/8 và nhóm tiết
tấu này được duy trì hết bài) để thể hiện sự lấp lánh của mặt gương hồ Tây, sự
dào dạt êm ả của sóng nước, sóng lúa.
Đó là một sự giao duyên
tình tứ rất mộc mạc nhưng lại vô cùng đằm thắm của những đôi trai gái mà tôi
nghĩ rằng chỉ có ở những làng mạc lâu đời, trù phú mà thanh lịch ven hồ Tây- Hà
Nội.
Một thời
khán giả đã được nghe giọng hát của Ngọc Khuê trầm ấm (cùng với Minh Nguyệt)
trên sóng phát thanh qua ca khúc Đưa em đi hái măng rừng, Sapa thành phố
trong sương, Tiếng hát từ hai đầu dây.
Bài hát
đầu tiên hoàn thành và được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1968 là ca
khúc Tiếng hát bên dòng sông Mã khi Ngọc Khuê còn là anh lính cao xạ pháo bảo
vệ cầu Hàm Rồng.
|
Rồi âm nhạc trở thành sức hút ghê gớm với người lính ấy,
Ngọc Khuê đã sáng tác hàng loạt ca khúc như: Hạt nắng, hạt mưa, Mùa xuân làng
lúa làng hoa, Tình ca người lính, Khoảng trời riêng em, Tìm em nơi phố nhỏ...
Rồi đến đoạn kết của bài
hát, vừa là cao trào của âm nhạc, vừa là một tình cảm như đột ngột bừng dậy của
tình yêu đôi lứa. Đến đây thì hồ Tây chỉ còn lại như cái cớ, như điểm tựa để
nhường chỗ cho tình yêu và hạnh phúc của con người.
Với tôi, lúa và hoa như
một biểu tượng đẹp đẽ nhất của cuộc sống. Làng lúa – làng hoa, cả mùa xuân nữa
dường như mới chỉ bắt đầu.
Thưa ông, thế còn cô gái
trong bài hát?
Ừ, thì đó cũng chỉ là
một… cô gái thôi mà (cười). Hồi đó, chúng tôi thường hay đặt “bí danh” cho nhau
bằng những con số. Cái tên của tôi khi viết tắt là “K” được “dịch” sang con số
12, còn tên cô ấy là số 13 (nhạc sĩ Ngọc Khuê nhất quyết không tiết lộ tên thật
của cô gái, song theo suy luận của chúng tôi, tên của cô có chữ cái đầu là
“B”-NV).
Hồi ấy vợ tôi đang dạy
học ở quê, khi láng máng biết được chuyện này, cũng hơi “ghen” một tí. Nhưng
cái quan trọng là tôi cũng biết đi và biết dừng.
Mình làm nghệ thuật,
những phút xao lòng như vậy cũng khó tránh. Nhưng nhờ thế mà mình viết được một
Làng lúa, làng hoa. Bây giờ chúng tôi cũng thành ông thành bà, cô ấy giờ làm ở
Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội, thi thoảng vẫn gặp nhau, và coi nhau như bạn
bè thân thiết.
Được biết, lúc đầu tên
của bài hát là Làng lúa, làng hoa, không có Mùa xuân?
Đúng rồi, vì tôi nghĩ
thế là đủ. Với lại tôi rất thích chữ “làng lúa”, “làng hoa” nên đã đặt luôn cho
bài hát như vậy. Viết xong bài hát, tôi sướng lắm. Tôi nhớ khi ấy có hát cho
“13” nghe, cô ấy vui lắm.
Bên góc bản thảo, tôi
cũng trân trọng đề dòng chữ: “Tặng bạn tôi: 13” kia mà. Sau đó, đến mùa xuân
năm 1982, tôi mang bài hát tới Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ngày ấy, nhà khá giả mới có chiếc tivi, mà thời lượng phát
sóng của truyền hình lại không phải 24/24 tiếng như bây giờ, nên Đài Tiếng nói
Việt Nam là nhất. Gửi ca khúc đến Đài và được duyệt để dàn dựng phát sóng cũng
là một niềm khích lệ lớn rồi.
Hồi đó, nhạc sĩ Hoàng Tạo và nhạc sĩ Thế Song đang phụ trách.
Nghe xong bài hát này, nhạc sĩ Thế Song khuyên tôi nên thêm 2 chữ “Mùa xuân”
vào tên bài hát vì bài hát có nhiều chữ về mùa xuân,... Sau đó, ca sĩ Thanh Hoa
là người đầu tiên thể hiện bài hát này
Đến bây giờ ông thấy lời khuyên của nhạc sĩ Thế Song thế nào?
Và sau Thanh Hoa, ca sĩ nào thể hiện bài hát này ông thấy thích?
Góp ý của nhạc sĩ Thế Song là chính xác. Nhờ thế mà bây giờ
mùa xuân nào ca khúc của tôi cũng được vang lên. Tôi nghĩ, nếu chỉ để Làng lúa,
làng hoa thì ít lợi thế hơn. Còn về ca sĩ, sau Thanh Hoa, có nhiều người hát,
nhưng tôi thích Trung Anh, và gần đây là ca sĩ Tố Nga và Mỹ Lệ.
Một câu hỏi riêng tư nữa: Ngoài cái “được” là nói chuyện
riêng của mình mà trúng cái chung, Mùa xuân làng lúa làng hoa còn “cho” ông điều
gì?
(Cười) Tôi viết đến nay tới hơn 300 bài rồi. Sau này tôi có
viết được ca khúc Hạt nắng, hạt mưa – một bài mà tôi rất thích, nhiều bạn bè
trong giới nhạc cũng thích, vì nó có hình tượng âm nhạc khỏe, kỹ thuật viết
cũng tốt nữa, lại được giải đặc biệt trong Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc nhưng
vẫn không “vượt” được Mùa xuân làng lúa làng hoa về sự phổ biến. Mùa xuân làng
lúa làng hoa cho tôi nhiều thứ. Bây giờ, mỗi lần tới Trung tâm bản quyền nhận
nhuận bút, thì Mùa xuân làng lúa làng hoa phải chiếm tới 60%.
Chiều cuối đông, mặt trời đi ngủ sớm. Trước khi chia tay Ngọc
Khuê, tôi nói với ông rằng, người ta bảo internet là một kho dữ liệu khổng lồ,
nhưng tìm thông tin về ông trên mạng còn khó hơn gặp ông ở ngoài đời – vì cái
tên Ngọc Khuê của ông dễ lẫn với ca sĩ trẻ Ngọc Khuê “Thị Mầu”.
Nhạc sĩ Ngọc Khuê cười giòn: “Cũng may mà cô ấy là ca sĩ chứ
không phải là nhạc sĩ, và là… phụ nữ”.
Ông nói thêm: “Tôi nghĩ, các bạn trẻ sau này, dù tên khai
sinh cha mẹ đặt thế nào, nhưng nếu làm nghệ thuật, cũng nên chọn cho mình một
“nghệ danh” thật độc đáo, để không trùng với những người cùng ngành nghề đã đi
trước”.
Cá nhân tôi cũng nghĩ rằng đây là một lời khuyên đáng suy
nghĩ của một người đi trước.
Sau buổi gặp gỡ nhạc sĩ Ngọc Khuê, vẫn có một điều tôi muốn
tìm hiểu, người con gái làm cảm hứng cho nhạc sĩ viết nên ca khúc đó, là ai?
Tôi đã gọi điện và thử thuyết phục Ngọc Khuê thêm một lần nữa. Ông vẫn từ chối,
nhưng hỏi lại rằng có nhất thiết cần phải biết không? Tôi nói, lời giải đáp
này không phải dành cho riêng tôi mà cho tất cả những ai hâm mộ bát hát của
ông.
Nhạc sĩ Ngọc Khuê cười giòn vang trong điện thoại. Rồi ông
đồng ý cung cấp cho tôi địa chỉ email và danh tính của “người con gái”– với
điều kiện tôi không được tiết lộ lên báo chí khi chưa có sự ưng thuận của người
phụ nữ ấy.
Và qua email, tôi đã “gặp” được “em” trong bài hát Mùa xuân
làng lúa làng hoa của nhạc sĩ Ngọc Khuê. Trong thư hồi âm cho tôi, chị đã tâm
sự chân tình thế này: “Rất cảm ơn vì bạn đã quan tâm và có ý định phỏng vấn
mình về bài hát Mùa xuân làng lúa làng hoa của nhạc sĩ Ngọc Khuê.
Đối với bất cứ ai cũng vậy, có được cái may mắn làm nguồn cảm
hứng sáng tác cho nhạc sĩ viết nên bài hát, được công chúng ở nhiều lứa tuổi
đón nhận và dành cho nó nhiều cảm tình và sự yêu thích, và là bài hát đã làm
nên tên tuổi của nhạc sĩ, ai mà chẳng cảm thấy tự hào. Song đã từ nhiều năm
nay mình luôn giữ điều đó cho riêng mình và không có ý định chia sẻ điều đó
trên các phương tiện truyền thông đại chúng từ phía mình.
Tất nhiên quyền chia sẻ với công chúng thuộc về nhạc sĩ Ngọc
Khuê và công chúng cũng có quyền được biết về xuất xứ ra đời cũng như nguồn cảm
hứng sáng tác của nhạc sĩ, đó là đòi hỏi chính đáng. Vì vậy mình muốn đề nghị
bạn trao đổi với nhạc sĩ và mình tôn trọng tất cả các thông tin do nhạc sĩ
cung cấp (…)
Mình rất mong bạn thông cảm. Mình tin rằng bài hát Làng lúa
Làng hoa, đối với tất cả công chúng yêu thích nó, đều tìm thấy một cảm xúc
chung là tình yêu mùa xuân, yêu Hà Nội, tình yêu đôi lứa thắm thiết, ngọt
ngào, da diết và mang đến một sự lạc quan bất tận cho dù cuộc sống còn nhiều
khó khăn thách thức”.
Tôi nghĩ, đó là những tâm sự thật lòng của chị. Chị là người
có danh có phận. Nhưng có lẽ, với độc giả, sau khi đọc những tâm sự riêng của
chị, thì tên chị là gì đến bây giờ không còn quan trọng nữa…
Mùa xuân làng lúa làng hoa
Nhạc Ngọc Khuê - Ca sĩ Anh Thơ
Mùa xuân làng lúa làng hoa
Nhạc Ngọc Khuê - Ca sĩ Trung Anh
Mùa xuân làng lúa làng hoa
NSƯT
Thanh Thúy & bé Thiên Nhâm
Mùa xuân làng lúa làng hoa
NSƯT Thanh Hoa
|
Nguyễn Thanh Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét