Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Thể nghiệm thơ, những giới hạn cần vượt qua

Thể nghiệm thơ, những giới hạn cần vượt qua
Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước cho tới giờ, thơ luôn là điểm nhạy cảm nhất của đời sống văn chương, nơi thường nổ ra nhiều cuộc tranh luận đôi khi rất quyết liệt. Có lẽ do thơ là thể tài biểu hiện rõ nhất đặc thù của văn chương với tư cách là nghệ thuật ngôn từ, nên mọi sự đổi mới đều bắt nguồn từ đây.
Ngoài khuynh hướng thơ truyền thống khởi phát và kết tụ từ phong trào Thơ mới 1932 – 1945 tiếp tục gặt hái được những thành tựu, ta thấy xuất hiện nhiều tìm tòi thể nghiệm đa dạng và đa tạp, tập trung vào 3 nhóm chính sau đây :
Khởi đầu là nhóm các nhà thơ Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Hưng…
Tiếp theo là nhóm các nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Trần Tiến Dũng…
Gần đây là nhóm các cây bút trẻ Văn Cầm Hải, Vi Thùy Linh…
Bên cạnh những người sáng tác, mỗi nhóm đều có những cây bút lý luận, phê bình đứng ra bảo vệ, khuyến khích họ.
Đặc điểm chung của các tác giả thể nghiệm là họ không hài lòng với thơ truyền thống trong việc thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ hiện đại nhiều phần đã khác trước, nhất là khi có điều kiện hội nhập với nền thi ca nhân loại ở nhiều chân trời khác nhau. Họ mở rộng phạm vi thể hiện, đặc biệt là mở rộng trường thi pháp với nhiều hình thái mới mẻ, ít nhiều xa lạ với nếp thơ quen thuộc xưa nay ở nước ta.
Đã có sự xung khắc về quan niệm thi ca giữa phái truyền thống và phái thể nghiệm (tạm gọi  như vậy). Có lúc có nơi khá căng thẳng. Đó là lẽ tự nhiên, khó tránh khỏi. Như những cuộc đối đầu thật sự, để giành chiến thắng , các bên bao giờ cũng tuyệt đối hoá sở trường  của mình và sở đoản của đối phương. Xem ra họ không thể ngồi chung bàn được với nhau. Ay là chưa nói, khi không tự kiềm chế nổi, lời lẽ trong tranh luận ở một đôi người tỏ ra khá gay gắt, gần như là chế diễu mạt sát nhau, chứ không phải là thái độ của những người cùng chung ý nguyện tìm tòi chân lý, nhằm thúc đẩy nền thi ca dân tộc vươn tới những tầm cao mới. Nhớ lại cuộc “ giao tranh” giữa Thơ mới và Thơ cũ đầu những năm 30 của thế kỷ XX, thì ở đây có gì từa tựa như thế. Phía nào cũng tỏ ra là mình có lý, và dường như phía nào cũng đều rơi vào cực đoan. Đây là ý kiến của Thạch Lam về những bài Thơ mới chưa chín tràn lan ở nhiều tờ báo:
“ Các bài thơ đó có 5 đặc tính sau đây :
- Cái đặc tính thứ nhất – và cũng lạ lùng nhất – là những bài đó không phải là thơ.
- Cái đặc tính thứ hai là không có vần.
- Cái đặc tính thư ba là đọc lên nghe sang sảng như những mảnh sắt vụn người ta để trong bao gai mà xốc lên.
- Cái đặc tính thứ tư là không có nghĩa lý gì hết.
- Cái đặc tính thứ năm nữa, cái đặc tính này không phải của thơ mà của những người viết ra những thơ đó, cái đặc điểm ấy là…xuẩn” (theo Gs Lê Đình  Kỵ – Thơ mới những bước thăng trầm, Nxb Tp. HCM, trang 19 và20).
Còn  đây là nhận xét của Lưu Trọng Lư: “… Người có trí xét đoán chắc chắn như Phạm Quỳnh tiên sinh, khi đọc bài Đèo Ngang, mà phải phục là “tuyệt bút”. “Tuyệt bút” theo tiên sinh, nghĩa là không thể đặt bút vào chỗ nào nữa, hết nước hay, hết nước đẹp; nhưng thưa các ngài, chỉ có một cái lỗi nhỏ là chẳng thành thực chút nào hết.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
(theo Thanh Lãng, 13 năm tranh luận văn học, tập I, Nxb Văn học, 1995, trang 88).
Nếu có khác chăng, thời ấy Thơ mới sau đó đã chiến thắng Thơ cũ, còn hiện giờ thì chưa thể biết rốt cuộc ai sẽ giành vòng nguyệt quế về mình. Phải thừa nhận rằng, cho đến giờ, cảm tình của công chúng chừng như  dồn cả cho phái thơ truyền thống. Cái gì quen thuộc đều dễ chấp nhận. Thị hiếu nghệ thuật thường biến đổi chậm chạp, nhất là xét ở bề rộng, liên quan đến số đông.
Tôi hoàn toàn có thể cảm thông với sự phản ứng đôi khi gay gắt của nhiều nhà thơ, nhà phê bình trước sự thể nghiệm chưa thật sự chín muồi của một số cây bút thơ. Liệu học tập người ngoài như vậy có sống sượng? Liệu có xa lìa bản chất của thi ca đích thực? Liệu có làm nhiễu loạn chuẩn mực thi ca dân tộc? Liệu có khiến cho các cây bút trẻ hoang mang?… Càng dễ cảm thông khi cả dân tộc ta đang cháy bỏng khát vọng đưa nền văn hóa nước nhà bước vào thời kỳ phục hưng mới trước ngưỡng cửa của thiên niện kỷ thứ 3 này. Tôi chỉ e rằng, từ nỗi lo ngại chính đáng, một số người lại rơi vào thành kiến, thiển kiến trước mọi sự tìm tòi, bứt phá trong thể nghiệm thi ca.
Tôi xin lưu ý tới một quan niệm không được nói ra một cách hiển ngôn, nhưng áng chừng bám dai dẳng vào đầu óc của một số người: Hình như cái đích đến của các cây bút thơ thể nghiệm không phải là những bài thơ mới mà hay, chẳng qua họ muốn phá bỏ những giá trị tương đối ổn định của thi ca truyền thống. Từ đó đi xa hơn, người ta nghĩ tới vinh quang từng có của mình và thế hệ mình có thể bị bôi đen ? vị trí đã được sắp đặt của thơ mình cùng thế hệ thơ mình trong lịch sử có thể bị đảo lộn ? Tôi cho đây là sự lo xa không có cơ sở. Giá trị văn chương bao giờ cũng thuộc về một thời ; với thời sau, ít nhiều chúng đều mang ý nghĩa lịch sử. Do vậy, lịch sử văn chương trong một chừng mực nhất định chính là quy luật diễn biến của các giá trị. Nói thế, cũng có nghĩa ta thừa nhận sự liền mạch trong tiến bộ nghệ thuật. Không có sự tiếp biến nào lại không đi liền với sự tiếp nối. Đó là lẽ tự nhiên, ai có ý định làm khác đi cũng không thể làm nổi. Rất mong những người đó hãy bình tâm để xác định một cách ứng xử đúng hơn với mọi trăn trở đổi mới trong thi ca thường gắn liền với sự bứt phá của các cây bút trẻ. Nói vậy, không phải tôi không tin vào những giá trị mới trong sáng tạo của những nhà thơ đã thành danh. Nhưng, giá trị mới trong nghệ thuật trước hết phải thuộc về thế hệ mới với những quan niệm mới tương thích với nhu cầu thẩm mỹ mới.
 Tôi nghĩ đến “những sự kiện văn hoá ở thế kỷ 20” vừa đi qua (Xin xem báo “Văn nghệ”, số 45, ra ngày 6/11/1999). Ngay vào năm đầu thế kỷ, vũ công người Mỹ Isadora Duncan đã tạo nên sự choáng ngợp cho công chúng châu Âu bởi nguồn cảm hứng mới từ sự phá cách các động tác so với quy định chặt chẽ của các điệu nhảy cổ điển. Duncan khuyếch trương các động tác mang tính sáng tạo cá nhân và có thiên hướng tự do, tự nhiên. Điệu nhảy nhanh chóng được chấp nhận, và có tên là “điệu nhảy biểu cảm”. Lại nữa, sự nảy sinh nghệ thuật trừu tượng vào năm 1910 mà người đặt nền móng là Wassily Kandinsky. Hoạ sỹ này vẽ một xêri tranh “Ngẫu hứng” đúng với nghĩa đen của từ này. Nhìn vào tranh ông, người ta không thấy một vật cụ thể nào. Nguồn cảm hứng của Kandinsky đến khi ông nhìn vào một trong những bức tranh tả thực của mình từ phía sau. Và chợt cảm giác “ rừu tượng” đến với ông bằng một vẻ đẹp không thể nào tả xiết. Và từ đây, ông bắt đầu vẽ với phong cách không diễn tả trực diện, có ảnh hưởng sâu sắc tới nhiều họa sĩ đương thời khác.
Trước cái mới trong nghệ thuật, công chúng và giới phê bình thường phản ứng rất khác nhau. Tôi cũng xin được nhắc lại vở ballet “ Nghi lễ mùa xuân” của Stravinsky năm 1913 và chủ nghĩa lập thể xuất hiện trong hội họa năm 1908.
Trong lịch sử môn nghệ thuật ballet chưa bao giờ xảy ra các vụ ẩu đả hi hữu giữa khán giả và tác giả như “ Nghi lễ mùa xuân”- sau cũng được xem là sự kiện văn hoá khác của thế kỷ. Ngay khi điệu múa mới bắt đầu được vài phút, khán giả đã la ó, ném đủ mọi thứ lên sân khấu, thậm chí nhà soạn nhạc cho vở ballet đó là Saens còn bước ra phản đối đạo diễn đã “ bóp méo tinh thần ballet chính thống”. Còn một nhà phê bình hội họa ở Pari đã lớn tiếng chế nhạo bức tranh “ Những ngôi nhà ở Estaque” của Braque, chê rằng nó được tạo ra bởi những thứ trông như hình lập phương. Nhà phê bình đã không biết rằng đó chính là dấu mốc cho sự ra đời của một trào lưu sáng tác mới có tên là chủ nghĩa lập thể. Chẳng bao lâu sau, chủ nghĩa này với tên tuổi của Pablo Picasso đã có tiếng nói ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong hội họa, có ảnh hưởng tới cả điêu khắc.
Từ những dẫn dụ trên, tôi mong sự bao dung của thế hệ đi trước đối với những tìm tòi đổi mới của thế hệ trẻ mà chắc chắn tương lai của nền văn chương dân tộc sẽ thuộc về họ. Cá chép ở thời nào cũng thế, muốn hoá rồng đều phải tự vượt vũ môn. Tôi luôn thành thực nghĩ vậy!.
Phạm Quang Trung
Theo http://www.pqtrung.com/

1 nhận xét:

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...