Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Sóng xao Bến Rì

Sóng xao Bến Rì 
Người đàn bà đã quá tứ thập nhưng màu mắt vẫn còn sáng trong và lãng đãng chút khói sương xa vắng. Người ta sang sông. Riêng chị thì cứ đi đi lại lại như muốn tìm người thân hay một báu vật nào đó. Những dấu giày nối nhau in trên cát trắng mịn cứ nhỏ dần, nhỏ dần. Những dấu vết tận cùng về phía mặt trời lặn giống như sự lỗi hẹn của những dấu chấm lững. Thỉnh thoảng chị dừng chân, chăm chắm nhìn ngọn đồi cây đá chen nhau đang còn vướng vất mấy sợi nắng yếu mềm. Có lúc chị mỉm cười tần ngần ngắm mấy đứa trẻ chơi đuổi bắt nhau, ngã lăn tròn trên bãi, thân hình muối cát như người ta lăn nắm xôi vò vào dĩa muối mè trước khi gói bằng lá chuối mang lên rừng.
Hồi xấp xỉ tuổi lũ trẻ, chị mê vui chơi không bằng mê ngắm người dân bổn địa bến Rì khoác chiếc khăn lên người để thay đồ. Dường như chỉ thấy họ cầm đầu mối khăn quơ một vòng tay như người ta làm xiếc mà không kịp nhận ra đầu mối ấy được giắt dính vào đâu. Thế là chỉ cần tiếp một động tác co chân nép người bên bụi Rì, họ đã  thay chiếc quần sũng nước bỏ phịch trên cát, kín đáo và nhanh gọn. Lớn lên, cũng như người chị dâu từ dưới xuôi về, tập hoài vẫn chưa kịp thành thạo những động tác ấy chị đã phải xa làng, xa cái bến quê thanh bình trong ký ức tuổi thơ.
Không thấy loại Rì cây lá nhỏ, dưới nắng chỉ bám mấy chiếc rễ vào cát nóng vẫn cứ sống, cứ xanh. Cũng không thấy loại Rì đuối đan nhau dày đặc trên cát nóng, ngọn giống cái đuôi con cá đuối mẫn cán quẫy đạp cùng cát mà không bao giờ chịu để cho cát vùi lấp. Mùa mưa, lũ về vùi lấp hay cuốn sạch những thân Rì tấp vào ghềnh đá, bụi tre, tháng sau đã thấy chúng từ đâu lại trồi lên trên cát trắng những mầm mới hứa hẹn. Không thấy những cặp tình nhân vọc trăng vọc cát bên bụi Rì toả bóng che chắn. Sáng ra, lá Rì bị bứt bỏ đầy trên cát mịn. Không thấy người dân bến nằm ngửa trên đám Rì đuối chờ phơi áo quần khô ráo. Không thấy lũ trẻ mặc cả lời đồn bến Rì có ma rủ nhau ra đó chơi trò trốn tìm, áo cởi vắt trên những cành Rì oằn xuống sát đất. Sau cuộc, kẻ thắng người thua đều nhảy bùm xuống sông bơi tắm. Không thấy mấy sơn nữ tóc dài giặt đồ dưới bến, đem trải phơi trên thân Rì, chưa hết tiếng cười trong veo đã đủ khô để mang về.
-Bà có qua sông không?
-…
-Dạ, bà qua sông hay muốn tìm ai?- Người lái đò hỏi đến lần thứ hai chị mới giật mình.
-Bến Rì ở chỗ nào vậy ông?
-Thì ở đây chứ chỗ mô nữa.
Người đàn bà nói một mình như vẫn chưa tin: “Lạ quá!”
-Vậy sao chẳng thấy cây Rì nào cả?
Cây Rù Rì? Ừ nhỉ…bà nhắc tôi mới nhớ....-Ông lái đò nhìn sông rồi ngước nhìn cây cầu bê-tông mới vắt ngang qua bến Rì- Từ ngày có đường mới, cầu mới và bên Lâm Hạ chuẩn bị lên đời thị trấn thì có bao giờ sông được yên đâu bà. Người ta đào chỗ nầy lấy cát sỏi, khoét chỗ kia lấy đất đá, bên lở thành ra bên bồi….
Chỉ còn lại một ít chiều trên chóp núi Ấn. Hai con người, hai ý nghĩ khác nhau. Chị nghĩ về cái thời tay cầm chai rượu trắng nhét nút cùi bắp, tay chị giữ chặt bàn tay cha tập bước qua tấm ván nhỏ lên con đò chòng chành lắc lư để sang bên kia sông ăn giỗ. Mạnh dạn lên. Dân bến mà không tập lên xuống đò thì không phải là dân bến. Rồi mơ hồ vẳng lên trong chị lời của một người con trai: Lớn lên anh sẽ đưa em ra bến Rì….Ông lái đò thì như đang nghe lời nội kể năm nào: Ông bà mình đặt tên bến Rì là do ở đây mọc nhiều cây Rì lắm, một loài cây sống rất giống với người dân Lâm Yên. Mùa lũ trắng nước, mùa khô trắng đất cây Rì vẫn trơ gan cùng năm tháng như dân làng vẫn thuỷ chung bám sỏi đá và cát trắng để tồn tại…. Tuổi nhỏ, chưa thể hiểu hết ý khái quát trong câu nói của nội, nhưng ông biết rõ chỉ với những cụm Rì không cao quá đầu mà trò chơi đuổi bắt, trốn tìm vẫn bao đời được lặp lại. Cái bóng Rì chỉ đổ mát một vùng nhỏ bằng chiếc nia con mà bao người đã nương vào đó giữa nắng trời nóng cát. Dây Rì đuối bò mềm oặt trên cát mà chịu nóng chịu nước không chê vào đâu được. Yếu mềm thế mà Rì đã phải hứng chịu biết bao phẫn nộ, yêu thương của thiên nhiên, con người. Chỉ vài chiếc rễ bám vào cát, Rì vẫn hát reo cùng gió núi, ngả nghiêng đó rồi vững vàng đó. Vậy mà khi được hỏi cây Rì mất đâu cả rồi, ông, người lái đò truyền thống của bến Rì, lại giật mình. Nhỏ bé quá chăng, hay là con người đã quá thờ ơ với chúng, với những gì đang tốc độ vận hành xung quanh?
-Lâu quá rồi, tôi không còn nhớ rõ giống Rì đã đi đâu về đâu -Người lái đò vẫn khuấy đều mái chèo, đối thoại qua một không gian nước, mắt nhìn xa xăm vào khoảng không vừa tắt nắng- Ngày tản cư khỏi làng, tôi vẫn còn thấy bến Rì xanh dày những cây Rì tua tủa lá cành, những vùng cát trải đầy thân lá của loại Rì đuối chỉ thấy ngọn mà không biết gốc rễ ở tận đẩu đâu. Bom đạn xối xuống làng, những thân Rì ngả nghiêng, những thân Rì bị vùi chôn, những thân Rì bật gốc trôi theo sông. Nhưng vẫn còn đó những cây Rì bám cát để thử sức mình với hạn hán và bão lũ….
Chị xoay mặt về hướng người đàn ông đang chèo đò như đang thả hồn mộng du cùng mây trời. Mái chèo vỗ nước chậm đều. Sóng xao dịu nhẹ như chỉ một thoáng cau mày êm ái. Bến vắng. Một mảng tối nhanh chóng trùm xuống vùng cát trắng dưới chân cầu, nơi mà ngày xưa, vào giờ nầy, trẻ già trai gái làng Lâm Yên gần như đổ dồn về đây, thu gọn cuộc sống của làng vào một bến sông. Người gọi người, người sang sông, người tắm rửa vội vàng, người nằm ngữa trên cát để uống gió và lắng nghe những âm vang đì độp, chát chao của bến trời, bến đời.
 Người đàn ông tấp đò cập bến, chậm rãi bước lên bờ, ngồi duỗi chân trên cát mịn châm thuốc, như không hề biết sự có mặt của người khách lạ. Một vì sao sớm vừa chớp mắt trên cao. Hàng chục ánh đèn xe máy, ô tô đan xéo nhau trên cây cầu mới chênh vênh. Tiếng máy nổ rền vang. Chị cũng ngồi phịch xuống cát, cùng hướng nhìn với ông lái đò, chân gần chạm chân.
-Ông là người bến Rì?
-Nhưng tôi sống ở nơi khác nhiều hơn là ở bến Rì.
-Thế ông có biết cụ Xá lái đò hồi xưa còn hay mất không ông?
Ông lái đò xoay người nhìn thẳng vào mắt người đàn bà. Ánh mắt của khách có cái lạ của xa xôi thời gian, của khắc khoải không gian và cái quen quen của người dân bến Rì. Điếu thuốc trên môi ông chớp lửa, thoáng soi một chút xao động trên vẻ mặt phong trần.
-Bà là người Lâm Yên?
-Dạ,…Nhưng tôi đã xa làng từ hồi mới lên mười.
-Lên mười….À, mà sao bà biết ông Xá? Ông Xá là ông nội của tôi. Trong chiến tranh, cha tôi vẫn thay thế ông nội chèo đò ở bến Rì được một thời gian rồi mới mất. Còn tôi, trở về làng sau ngày hoà bình như không thể bước qua lời nguyền, tôi lại tiếp nối cái nghề chưa hẳn là nghề của cha ông mình. Lúc đầu, chỉ chèo giúp cho dân làng, hoặc được trả công bằng lúa, bắp, khoai, sắn…nhưng về sau thì khấm khá hơn. Đủ sống qua ngày. Từ khi có cây cầu mới kia- ông chỉ tay về hướng có những tiếng động lạ của máy móc- thì nghề của tôi xem như đã già cỗi. Cũng chèo cũng chống vất vưởng qua ngày tháng vậy thôi. Lỗi hẹn với bến rồi bà ạ….
Người đàn bà không hỏi gì thêm. Chị đang cố mà không thể mường tượng rõ hình ảnh một ông Xá trong ký ức trẻ con. Với ông, cái còn lại sau khi đã mất là một người đưa đò ăn ngủ với những con ma của bến Rì linh thiêng. Trưa đứng bóng hay khuya vắng lạnh, mỗi khi có ai chụm hai bàn tay làm loa gọi lớn đò ơi là thấy ông như mọc lên từ sông nước, lạch bạch xuất hiện với mái chèo khua nước mỗi lúc một rõ hơn. Tóc ông Xá nổi trắng toát trên nền đêm, không bao giờ chịu đứng yên trước những cơn gió cứ ưa chơi trò trêu đùa trái khoáy. Chị sợ ông Xá giống như anh Tuấn sợ ông lão hớt tóc dạo, chưa lên đò đã bắt đầu giữ cho tay chân phải nghiêm túc. Con gái con đứa phải nết na thuỳ mỵ, trên đò không phảinhư ngoài bãi kia đâu mà muốn đứng ngồi nhảy nhót tuỳ thích.
Thế là lần nào cũng vậy, theo  ngón tay chỉ đầy quyền uy của ông Xá, chị ngồi im thít ở một góc đò lổn ngổn đồ ăn thức uống. Ở góc đối diện, đứa cháu nội của ông tay đang múc từng gáo nước nhỉ vào lòng thuyền, đưa mắt liếc nhìn chị. Được điều, ngó vậy mà ông Xá rất tốt bụng với mọi người. Chị còn nhớ, ngày theo anh Tuấn rời bến Rì nhốn nháo để tản cư khỏi làng, chính ông Xá và đứa cháu nội như hủ mắm treo đầu giàn đã tiễn chị lên khỏi con dốc đất đổ xuống bến và dúi cho chị mấy trái ổi trắng giòn, to hơn nắm tay. Hồi đó trong làng dễ mấy ai cũng có được trái ổi giống mới chỉ nhìn đã thấy thèm. 
-Bà về đây là để thăm người thân hay có việc chi?
-Không, tôi không còn một người thân nào ở Lâm Yên cả. Cũng không có công việc gì quan trọng. Vượt hàng ngàn cây số tôi về đây chỉ là để tìm lại cái bến Rì hơn ba mươi năm trước…..
Người đàn bà định nói thêm: và một lời hứa hẹn v vơ, nhưng đã kịp dừng.
-Chắc là bà có nhiều kỷ niệm với nó?
-Chưa hẳn thế, bởi vì khi tôi bắt đầu hiểu về nó, yêu mến nó thì cũng là lúc phải bắt đầu  xa nó….
 Ánh sáng và bóng tối đều đang dịch chuyển, bắt đầu từ bến Rì trôi ngược lên chóp núi Ấn. Vầng trăng non từ lúc nào đã núp vào bụi tre bên bờ sông để trộm nghe câu chuyện giữa ông lái đò và người khách lạ. Có phải họ đã nhận ra nhau từ một lần chơi trốn tìm xa ngái hay trong ký ức mù mờ của một chuyến đò ngang? Họ đã quên hay vừa nhớ lại lời hứa vu vơ nào đó không đủ sức tồn tại với chiến tranh?  Nhưng sao họ lại chỉ im lặng nhìn nhau mà chẳng nói gì thêm với nhau? Lâu sau ông lái đò mới nhã nhặn mời khách về nhà mình để nghỉ qua đêm. Khách đồng ý nhưng xin được ngồi lại với bến Rì cho đến khi có đủ trăng. Ước mơ nhiều khi chỉ giản đơn như thế đấy, giản đơn đến không ngờ. Chị chỉ cần có vậy thôi đối với một chuyến đi dài hơn ngàn cây số.
Đêm. Bến Rì đang bắt đầu đời sống riêng với bài ca muôn thuở của lũ côn trùng trên cạn dưới nước. Thiếu tiếng chiếu giặt đập bì bộp và tiếng trẻ con reo đùa. Nhưng dẫu sao thì bến Rì vẫn nguyên vẹn còn đó. Chiến tranh hay hoà bình, bến Rì còn hay mất, cây cầu bê-tông trên cao kia có hay không, lúc còn nhỏ hay khi đã ở vào cái tuổi sắp tri thiên mệnh như chị bây giờ, bến Rì vẫn tồn tại một bản hoà tấu riêng quen thuộc. Có thể một cung bậc nào đó bị khuyết mẻ hay mất đi, có thể những cung bậc mới đã thay thế hay đang vặn mình để thay thế, nhưng rồi chị vẫn nhận ra sự ngân vang của nó, như nhận ra chính mình giữa bộn bề công việc làm ăn và gia đình. Ngồi với sông với bến và đêm thế nầy, chị càng cảm thấy mình như được gạn lọc các chất tạp để được còn lại là chính mình, giống một nghệ nhân miệt mài uốn tỉa để có được cái dáng cây ưng ý. Trăng trên cao, núi rừng sau lưng, sông bến phía trước và cả phố thị ngày ngày cuốn chị vào một vòng xoáy vô hình nào đó đều đang vận hành dữ dội để được có mặt tại đây, tại cái bến Rì gần nửa đời gặp lại. Và chị, một chấm nhỏ giữa cát mờ đục và mênh mông đất trời, là điểm ngưng tụ.
-Tôi chờ bà….
Người lái đò vừa nói vừa thong thả bước nhẹ về phía sông. Những dấu chân trên cát đọng những vùng tối mờ ảo. Thuyền chầm chậm rời bến rồi ngược dòng. Mọi tiếng động đều rất khẽ, như không muốn phá vỡ khoảnh khắc giao hoà giữa tơ trời và tơ lòng . Thuyền không khách, chẳng biết rồi ông sẽ bơi về đâu. Dáng ông cao cao nghiêng nghiêng nổi một phần trên nền trăng đã rải đến tận bãi cát đầu cầu.
Chỉ còn lại mình chị, với đêm, với trăng, với cái bến Rì năm xưa, và lời hò hẹn trong tâm tưởng. Thì đêm nào cũng có gái trai hẹn hò nhau, cứ rủ rỉ rù rì cả đêm nên gọi là bến Rì chứ sao? Có phải  như cách giải thích của ông Sang giỏi kể chuyện tiếu lâm nhất làng hay không mà suốt đời chị cứ bị ám ảnh? Ít ra thì ông Sang cũng có phần đúng, chị đã từng theo mấy người lớn tuổi hơn đi rình nghe những cặp tình nhân nói chuyện với nhau bên những bụi Rì không đủ sức che giấu họ. Có lúc lộ chân tướng bị cát níu chân chạy không nổi vẫn phải chạy. Còn những lúc không bị lộ cũng có nghe được họ nói gì đâu. Nếu không bị gió núi, tiếng sóng hay tiếng côn trùng đồng loã át đi thì cũng chỉ nghe rủ rỉ rù rì thật, như đôi chim câu mớm tình cho nhau trước giờ hưởng lạc. Rồi đến lượt chị, khi đã biết buồn vui vì một lời hứa, dù rất vu vơ, thì cái bến Rì thuộc về ký ức tuổi thơ bỗng có một vòng cầu vồng ngũ sắc vắt qua. Nhìn thấy đó, đẹp lắm, mà không biết nó có mặt lúc nào, bắt đầu từ đâu, kết thúc ở đâu. Phải vậy chăng mà một đời lỗi hẹn, thứ ngôn ngữ không thành ngôn ngữ ấy cứ bám theo, ám ảnh chị đến ray rứt bần thần, cả những lúc buồn nhất hay vui nhất với công việc làm ăn, tất bật tranh sống.
Mờ đục sương đêm đã nuốt chững cái bóng của người lái đò. Nhìn theo hướng ấy, chị chỉ còn thấy những lá Rì đuối trải lót chỗ ngồi, những thân Rì cây cố trườn người vươn bóng để che giấu cho đôi tình nhân yên bình trò chuyện. Bóng của họ khi thì hai, lúc lại nhập vào nhau, tiếng cười của họ trong như sông buổi sáng, lãng mạn như bến về khuya. Chị, đứa con gái mười tuổi, vẫn không giấu được những thoáng xao xuyến, đỏ mặt khi nghĩ đến cái ngày mình sẽ lớn lên như những anh chị gái trai trong làng….
Lớn lên anh sẽ đưa em ra bến Rì. Bằng lòng lấy tôi, em sẽ có tất cả: giàu sang, quyền lực, địa vị xã hội….Để xem anh nhảy từ nhánh cây thị ùm xuống sông, mang theo vào bờ hương thị thơm lừng? Tình yêu, làm gì có tình yêu. Cô lầm rồi đó. Không, không phải,…nhưng mà…ừ,… đúng rồi! Ngày mai cô phải nói với mọi người rằng, cái vết bầm trên mặt là do cô sơ ý bị ngã….Và anh sẽ nói với em rằng, có một đôi tình nhân đang hò hẹn bên gốc Rì đằng kia. Không đúng sao mà cô ngồi thừ cái mặt ra đó? Còn uy tín xã hội của tôi, còn sự nghiệp mà cả đời tôi đã dày công tạo dựng….Đi-anh cầm bàn tay lần đầu biết run- ta đến đó đi em….
Chị giật mình, không phải quá khứ-hiện tại đang đối thoại. Không phải một mình chị đang ngồi với sông, với đêm. Có tiếng mái chèo khua nước trở về, rất nhẹ. Trăng đã tràn không gian. Dáng người lái đò hơi nghiêng, nổi cao khều trên nền trăng mờ đục. Một cây Rì tua tủa cành, lá lóng lánh sắc màu trăng huyền ảo, đang nằm trong lòng thuyền.
Bến Rì, sóng xao dịu nhẹ….
Tiêu Đình
 Theo http://www.vanchuongviet.org/


1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...