Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Thơ hiện đại dân tộc thiểu số miền Trung - Tây Nguyên

Thơ hiện đại dân tộc thiểu số miền Trung - Tây Nguyên
Tôi nhớ, vào tháng 8 năm 2008, tại một cuộc tọa đàm sôi nổi về thơ Việt Nam diễn ra tại Trụ sở của Hội Nhà văn được sự hưởng ứng rộng rãi của nhiều nhà văn, nhà thơ và nhà lý luận phê bình, vấn đề thi ca các dân tộc miền núi đã được nêu ra và đã gây được nhiều sự quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, cho đến nay, bộ phận quan trọng của nền thi ca Việt Nam hiện đại, trong đó có mảng thơ các dân tộc thiểu số ở một vùng rộng lớn Trường Sơn - Tây Nguyên vốn giữ vị trí đặc biệt và có sắc thái riêng biệt này chưa được tìm hiểu là bao. Có lẽ đây là một khiếm khuyết còn lâu mới có thể lấp đầy, nếu như chúng ta chưa có ý thức thường xuyên về nó, để có thể kịp thời bắt tay vào công việc. Trong khi hầu như ai cũng biết, bức tranh toàn cảnh của nền thi ca dân tộc sẽ thiếu hoàn thiện đến mức nào chừng nào còn thiếu vắng mảng màu đặc sắc này.  
Trong tay tôi là tuyển thơ dân tộc thiểu số Việt Nam do nhà thơ Lò Ngân Sủn chọn lựa có tựa đề Núi mọc trong gương in năm 1998. Trong số 159 bài của 51 tác giả, vùng Trường sơn - Tây Nguyên chỉ góp mặt có 6 bài của 4 cái tên là Hồ Chư (Dân tộc Vân Kiều), Kpa Ylăng (Người Banar ghi chú nhầm là dân tộc Êđê), Hơ Vê (Dân tộc H’Rê), Môlô Y Clavi (Dân tộc Êđê). Quá mỏng mảnh và ít ỏi! Những tác giả Đạ Rờ Lâm (Dân tộc K’Ho), Alăng Văn Gáo (Dân tộc K’Tu), và Prêkimalamak (Dân tộc Châu Ro) đã xuất hiện từ lâu sao lại không có mặt? Có thể do thiếu tư liệu. Hoặc có thể thơ họ chưa gây được nhiều cảm tình. Mà có thể là do sự quan tâm chưa đến nơi đến chốn của người  tuyển chọn. Dẫu vì bất cứ lý do nào thì cũng là chuyện đáng buồn. Rất mừng là chỉ 10 năm sau, số lượng những cái tên có thể đứng được trong lòng người đọc đã kéo dài thêm ra, trong đó có những tên tuổi còn rất mới, rất trẻ nhưng đã khá nổi, được nhiều người nhắc tới, như Đinh Mỹ Duyên (Dân tộc H’Rê), Krajan Plin (Dân tộc K’Ho), nhất là K’Triem K’Nul (Dân tộc Êđê). Vậy là đội ngũ các cây bút thơ dân tộc ít người ở vùng đất này rõ ràng đã dần dần được hình thành và bước đầu đã khẳng định được tiếng nói riêng, buộc những người có trách nhiệm phải quan tâm.
Đặc điểm nổi trội nhất của thi ca dân tộc thiểu số vùng Trường Sơn - Tây Nguyên chính là tính sử thi. Đó là sự tiếp nối truyền thống bền bỉ được hình thành hàng trăm năm nay trong trầm tích văn hóa của một vùng đất. Đó còn là dư âm kéo dài từ nền thi ca hào sảng được sản sinh ra trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ gian khổ và oanh liệt của cả dân tộc. Không lấy làm lạ khi biết trong cảm quan của nhiều giọng thơ tiêu biểu ở đây, cái ta rộng lớn hầu như luôn thấm nhuần và ôm trùm. Hồ Chư thể hiện rõ mình qua bài Đi qua bản Tamêl (1.10). Hướng thẳng cảm nghĩ của mình tới những chiến sỹ biên phòng, người viết mở đầu bài thơ bằng những thử thách khắc nghiệt không dễ vượt qua hiển hiện ngay trước mắt: Đi qua bản Tamêl/ Hơn một giờ lên/ Non một giờ xuống… Đường dốc và trơn/ Đá ghềnh lởm chởm. Bút pháp tả thực không màu mè, nhưng khi hạ những dòng thơ bình dị như Giữ bước chân phải chống/ Bằng chiếc gậy Trường Sơn lại gợi được những liên tưởng sâu xa và ý nghĩa. Những ý thơ sau đó được bồi đắp bằng những suy nghĩ thành thật mà thấm thía: Ai đến đây đều phải dè chừng… Xem ra chỉ có anh bộ đội biên phòng/ đá mềm chân cứng mới có thể vượt qua mọi thử thách nghiệt ngã đó. Bởi mục đích của đời các anh được xác định rất rõ và rất đẹp: Xây niềm tin/ Lo cái chữ/ Lo cái đau, cái đói/ Giữ bình yên cho dải đất biên cương. 
Vậy nên, bất cứ ai “đi qua bản Tamêl” cũng đều “không thể nào quên” những bước chân quen thuộc mà quả cảm ấy: Những bước chân đi trong tiếng chim ca, suối chảy. Tưởng nặng nề…, những bước chân kia bỗng trở nên nhẹ nhõm, thanh thoát lạ! Trong cảm nhận của tác giả, dường như sương cũng tan theo những bước chân đi tới của những người chiến sỹ biên phòng cao đẹp và hùng vĩ như núi như rừng. Chất sử thi đặc biệt nổi bật ở bài Cô gái vót chông của Môlô Y Clavi, để làm nên giá trị dài lâu của nó nhất là khi được âm nhạc tiếp thêm sức để có thể vang xa hơn. Mở đầu bài thơ là câu hỏi mang sức khơi gợi: Tiếng ai hát dưới ánh trăng tròn? Lời đáp ngay sau đó cũng khơi gợi không kém: Cô gái sông Ba búi tóc thon/ Tay vót chông, miệng hát không nghỉ. Hàng loạt, hàng loạt những câu thơ tiếp theo chỉ nhằm bồi đắp, cho thêm dầy dặn, cho tăng dư âm, tất thảy là nhằm làm bật nổi ý tứ trung tâm này: Ai nhanh tay vót bằng tay tay em/ Chim hót không hay bằng tiếng ru em… Hành động ấy hướng tới một mục đích trước sau không đổi: Còn giặc Mỹ cọp beo/ Lũ làng chưa yên bụng phát nương hát hò/ Em chưa ngừng ta vót chông rào nương rẫy… Để rồi niềm vui trọn vẹn chắc chắn sẽ tới: Đất nước ta mới liền nhau/ Em chặt tre làm đinh hót, đinh năm/ Quanh lửa hồng em vui nhảy múa/ Đón Ama Hồ vô Nam cùng uống rượi cần…
Tương tự, tính sử thi hầu như bao trùm, để tạo nên ý nghĩa xã hội của thơ Kpa Ylăng. Như bài Tháng ba Tây Nguyên (3. tr.140). Khi con chim kêu pôlôtôk “báo mùa rẫy tới” thì cả bản làng đều rộn lên theo một nhịp điệu chung: Cái cuốc, cái dao lên nương xuống suối/ Hạt muối theo người vượt núi qua khe/ Con gái Gia Rai, chàng trai Êđê/ Rừng già bên kia, rừng trên bên ấy/ Hương khói tháng ba bừng dậy núi rừng. Kết thúc bài thơ vẫn vang lên tiếng chim giục giã ngày đêm ấy, nhưng được nâng lên cao hơn: Tháng ba không ngủ ở Tây Nguyên/ Vì buôn Gia Rai gọi nhau lên núi/ Vì làng Êđê giục nhau đi hội/ Hội tháng ba mùa rẫy mới Tây Nguyên. Bài thơ Ayun pa (1.5) của Kpa Ylăng lấy cảm hứng trực tiếp từ nơi xuất xứ của vua Lửa trong huyền sử. Đây, cái tình riêng ấp ủ trong một đêm không ngủ ở thung lũng Cheo Reo: Đêm ru nồng ai ngủ/ Đêm ấp ủ tình anh. Tuy, cái riêng quyện hòa trong cái chung thật đẹp: Hơ Lan ơi chớ vội/ Trăng với sao còn đó/ Mây với gió còn đây/ Tiếng chiêng đầy thung lũng. Bởi vậy, khi em dịu dàng vòng xoang và anh thả hồn theo gió thì không thể ở một nơi nào khác mà phải ở chính giữa thơm ngát đồng lúa mới trong mùa màng tới bội thu. Hạnh phúc đôi lứa ngập tràn trong hạnh phúc no ấm của bản làng. Đêm Ayun pa nhờ thế càng trở nên dịu dàng, lung linh để ngân nga mãi trong ta vì tình thương nỗi nhớ dạt dào. Một bài khác của Kpa Ylăng - Pleiku (1.9) lại viết về những oh mai (chị em) Banar, như những cách hoa phong lan/ dịu dàng trên phố núi. Tác giả tập trung mọi cảm nhận tinh tế của mình vàonhững bước chân không vội/ thong dong phố núi chiều giữa hàng thông reo vi vu vào đêm Pleiku gió hát. Từ đó, cảm quan của tác giả mở rộng ra nhiều chiều: Biển Hồ chè xanh ngát/ Ngào ngạt hương cà phê/ Đê mê tiếng cồng chiêng. Ta thấy xuất hiện tất cả những gì được coi là hiện thân tiêu biểu nhất của Tây Nguyên. Rồi cuối cùng, em ru nồng hồn ta, để cho anh mang nặng suốt đời.Bài Nhớ Chư Prông (1.7) của Kpa Ylăng thì lấy cảm hứng chung từ cảnh vật thiên nhiên bao la, hùng vĩ: Gió lang thang Đức Cơ, Chư Sê/ Gió ồn ào thổi từ Chư Prông/ Mây vần vũ, mây mênh mông Cao nguyên/ Mưa tràn trề, mưa triền miên tháng Tám/ Cao nguyên xanh/ xanh biển lúa bậc thang/ Xanh đồi nói, xanh bạt ngàn cà phê… Bạt ngàn cao su xanh ngát chân trời. Những hình ảnh dồn dập như những cơn gió không ngừng thổi dọc theo vùng rừng núi Cao Nguyên ngút ngàn suốt năm suốt tháng…
Thơ của Đạ Rờ Lâm cũng chủ yếu đi theo hướng chung này. Như bài Gọi mùa (1.11). Tiếng chiêng vang lên giữa núi rừng, giữa buôn làng là tiếng gọi mùa ấy. Tác giả mô phỏng trực tiếp: Thụp… thoang…/ Thụp… thi… thế… thi… thụp… thi… thế. Sau đó là liên tiếp, liên tiếp những lời khẩn cầu tâm linh da diết như vọng lại từ huyền thoại ngàn xưa: Ơi! Yàng núi yàng đồi/ Hạt lúa được nẩy mầm đầy đồng/ Ơi! Yàng sông yàng suối/ Cho cây lúa xanh tốt đầy nương/ Ơi! Yàng nằng yàng mưa/ Hạt lúa vàng trĩu nặng/ Ơi! Yàng mặt trời yàng mặt đất/ Cho ta hạt lúa đầy chòi, hạt gạo đầy chum/ Rượi cần đầy chóe, hạt cơm đầy nồi… Dấu ấn cá nhân theo yêu cầu của sáng tạo thi ca hiện đại hầu như vắng bóng. Cái chung cộng đồng nổi bật lên chi phối tất cả: từ cảm nghĩ tới câu từ, hình ảnh. Bài Cô gái K’Ho (1.12) của Đạ Rờ Lâm cũng được viết từ nguồn cảm hứng tương tự: Cô gái K’Ho lội qua suối/ Tìm anh bộ đội/ Một blơ cơm, một rợ đọ gạo/ Gói cả lòng buôn làng. Sức mạnh ở đây là vô địch. Dường như không một thế lực nào có thể ngăn cản nổi những bàn chân, những đôi tay tưởng như yếu ớt ấy: Ấp chiến lược thằng Mỹ/ Không ngăn nổi bàn chân nhỏ/ Rào thép gai thằng ngụy/ Không giữ nổi cánh tay mềm. Tất thảy là vì độc lập, vì tự do tạo thành sức mạnh bất khả chiến bại của toàn dân tộc. Kết thúc bài thơ là niềm tin chắc chắn vào ngày mai khi: Ngày độc lập đến rồi! Niềm tin ấy vốn là mạch sống của toàn thể dân tộc ta vào một thời chinh chiến khốc liệt chưa xa.
 Thế rồi, thi ca sau đó của vùng đất này hầu như vẫn trôi đi theo cái nhịp điệu quen thuộc sớm định hình và tưởng như ít thay đổi ấy. Ngay cả ở những tên tuổi đã thành danh, như Hơ Vê. Bài Plây em mùa xuân (3, tr.252) là một minh chứng: Tiếng chim hót rót đầy tai/ Trời nghiêng xuống dòng sông bối rối/ Tiếng chiêng đồng đầu cành mai/ Mặt trời hồng ôm đỉnh núi… Plây em mùa xuân đến rồi/ Hối hả âm thanh sắc ửng hồng/ Trên tay cô gái H’Rê trẻ/ Ôm một mùa xuân mắt ngỡ ngàng. Cũng dễ nhận ra chất sử thi ở bài Về lại Sơn Tây (1.13) của chị. Những vần thơ sau dấu ấn của cái tôi không nhiều, dầu người viết vẫn nhân danh cái tôi để thể hiện: Về lại Sơn Tây hôm nay/ Tôi choáng ngợp trong sắc màu ngói đỏ… Điện sáng lung linh rọi đường nhựa lên cao. Có hy vọng chăng là nhờ sự níu lại của câu kết: Ngây ngất men rượi cần cùng ai!... Đấy cũng là lý do khiến người đọc trông chờ vào sự chuyển biến theo hướng hiện đại của cây bút thơ có nghề, thậm chí có thể xem là chuyên nghiệp như Hơ Vê. Tôi đọc bài Một thoáng Đăk Nông (1.15) trong ngập tràn nỗi niềm hy vọng ấy: Thời gian trôi/ Tôi sần sùi già cỗi/ Chơi vơi tim đập/ Nhịp đập nào cũng làm tôi bật khóc. Người đọc có thể tự nhiên thốt lên: làm sao viết về một vùng đất mà lại được mở đầu bằng những vần thơ riêng riêng một cõi lòng như vậy? Những câu thơ sau kịp lên tiếng trả lời, và câu trả lời thật liền mạch với những ý thơ trên: Vậy mà về Đăk Nông/ Đăk Nông đẩy lặn nỗi ưu phiền trong tôi. Đẩy vào đâu? Và bằng gì vậy? Rất nên thơ, tác giả lý giải: Vào huyền thoại, sử thi/ Vào thác, vào suối/ Vào con đường đất đỏ cao nguyên… Nghĩa là bằng những gì rất chung. Những cái đó, lạ thay, cũng rất riêng một khi được rung lên tự đáy sâu tâm hồn của mỗi người. Tôi hiểu vì sao đoạn kết vang lên những cái tên rõ ràng là những tên chung mà vẫn có phần lắng đọng và lay động: Ơi! Cư Jút, Đak Mil, Đak Rlấp/ Ơi! Krông Nô, Đak Song, Đak Nông/ Và huyền tích anh hùng Ma Trang Lơng/ Ma Trang Gút/ Đẹp như cái trăng cái sao/ Đốt lửa sáng dưới sông sâu/ Lòng tôi… Theo tôi, đây có thể xem là hiện tượng chuyển dịch điển hình theo xu hướng hiện đại của thi ca một vùng đất. Một tín hiệu mới và sáng.
Bài Người mẹ K’Dong (3.27) của Hơ Vê có lẽ thành công hơn trên con đường này. Ở đấy, ta nhận ra tính phát hiện nhờ sự khám phá rất riêng của nhà thơ. Đây, hình ảnh bình dị mà nổi bật của người phụ nữ K’Dong: Người mẹ K’Dong lên rẫy/ Quấn chút vải qua ngực/ Thắt chút dây qua lưng/ Chân đất, vải trần. Nhất là: Cần cù, nhẫn nại/ Cõng đói nghèo còn lại/ Đi qua mắt tôi/ Trần trụi như… chiếc vỏ sồi. Đáng nói hơn cả là cái nhìn động của người làm thơ. Hiện tại: Tôi dõi theo/ Hun hút trong ngàn khói mây.Trong dự tưởng lại hoàn toàn không như thế: Rồi có một ngày/ Một ngày bầu trời vỡ ra/ Ánh sáng chói lòa… Một sự đổi đời kỳ diệu. Mà tất yếu, vì cùng với Sơn Tây đi về phía trước là hình ảnh mới của bà mẹ: Không còn chân đất/ Không còn vai trần/ Mẹ bần thần đi qua mắt tôi/ Phơi phới nụ cười trên môi. Đó là một thành công có ý nghĩa đại diện của nhà thơ dân tộc H’Rê trong cố gắng bứt phá vươn tới tính chuyên nghiệp của thơ. Nhìn rộng và xa hơn, có lẽ bài Sóng của Hồ Chư gây được ấn tượng cũng là nhờ ở sự cố gắng này: Sóng núi lặng lẽ xanh/ Sóng biển ầm ào trắng/ Sóng lòng tôi vô hình/ Ngọt ngào và cay đắng// Sóng cồn cào phẳng lặng/ Những bước đi thăng trầm/ Sóng đời người cũng thế/ Như thủy triều ngàn năm. Ý thơ có sức bao quát trong cách thể hiện gọn mà chặt, phảng phất sự cô đúc của thơ ca dân gian ngàn đời nhưng tư duy thơ lại khá hiện đại.  
Rất khác với nhiều trường hợp còn lại, chẳng hạn, Đạ Rờ Lâm. Tôi không hề nhận ra sự chuyển mình về mặt tư duy thơ trong bài Từ khi có Đảng Bác Hồ (1.14). Một cây bút khác người Banar là Bă Lỡm cũng vậy. Bài Hoa mai rừng (1.16) chưa vượt qua được trình độ nghiệp dư bởi cái tôi cá nhân của người làm thơ chưa được chú trọng thể hiện đúng mức: Mai rừng - hoa của đất trời/ Loài hoa mang đến cho đời mùa xuân. Dụng công có đấy, nhưng vẫn cảm thấy có gì hụt hơi đuối sức bởi sự bất cập trong tư duy thơ. Kiểu thơ nhàn nhạt, chung chung như thế có thể dễ dàng bắt gặp trên các trang báo tường một thời hay trong sinh hoạt thơ của nhiều câu lạc bộ nhan nhản thời nay. Cũng có thể nhận định như vậy về Kpa Ylăng. Tác giả này xuất hiện không ít nhưng tư cách nhà thơ lại chưa từng được khẳng định có lẽ vì cái riêng chưa kịp và cũng có thể nói là chưa thể định hình. Như ở các bàiGió Pleuku (1.24),  Nhớ mãi Lạng Sơn (1.30). Càng nhận rõ hơn khi đến với bài Tiếng đàn goong già làng (1.18). Thực tình, trong bài thơ không phải không có những vần thơ đáng nhớ, như: Mang Yang đêm Mang yang/ Tiếng đàn goong thao thức/ Tiếng đàn gioong rạo rực/ Ngân nga náo nức gọi ta về. Nhưng chỉ chừng đó thôi vẫn chưa thể giúp tác giả vươn tới những yêu cầu khe khắt của một nhà thơ hiện đại. Hãy đọc hai câu kết để rõ thêm nhận định này: Đàn goong cùng với già làng/ Lắng sâu, vang vọng, nồng nàn cao nguyên. Ôi, chung chung và nhàn nhạt quá!
Trong trường hợp Alăng Ngước lại cho ta một bài học khác: vai trò của cảm quan hiện đại trong lối viết hiện đại ra sao? Sống vào thời hiện đại không thể thiếu cảm quan hiện đại. Chưa có thì phải trau dồi. Rồi mạnh dạn thể hiện. Ban đầu có thể còn sống sượng, nhưng dần dà nếu kiên trì và biết cách thì rồi sẽ chín. Vấn đề là ở ý thức. Và còn ở ham muốn. Phải thường xuyên và liên tục. Bài Tiếng gà gáy có thể xem là một dẫn dụ điển hình. Trước, Alăng Ngước như bị ghim chặt vào cách nhìn xưa cũ nên xem ra trong thơ anh sự vận động thì có mà sự đổi thay thì chưa. Bài Em có về (1.19) hoàn toàn mòn xáo: Em có về thăm mảnh đất quê anh/ Nơi bạt ngàn cây xanh vây xóm nhỏ… Đến bài thơ dầy dặn Bên bếp lửa (1.25) có nhích thêm được một bước nhưng về căn bản thì vẫn nằm trong vùng trời quen thuộc. Cấu tứ bài thơ khá chặt theo lối cổ điển, nhiều liên tưởng chân thật và xúc động: Bên bếp lửa… Bố gửi thịt khô trên giàn bếp/ Thời gian đen sì/ Mùi hương quyến rũ… Những khái quát ở đoạn kết làm cho ý thơ vút cao thêm: Ơi bếp lửa!/ Nuôi ta lớn lên chan hòa nước mắt/ Khói bếp thấm vào da thịt/ Cho thân người rắn chắc/ Mang vóc dáng núi rừng. Có điều, do lối tư duy có phần mòn cũ nên ở nhiều phương diện bài thơ chưa được nâng cao lên theo yêu cầu tự nhiên của thi ca hiện đại. Bài Tiếng gà gáy (1.31) có khác, và là cái khác căn bản. Kết cấu đối lập giữa xưa và nay cho phép người viết lóe lên ánh sáng tư duy mới. Xưa: tiếng gà gáy đưa con người “mơ về phố núi”: Xanh một màu tre xanh/ Bát ngát đồi nương mới… Trong xanh hơi dòng sông/ Tuổi thơ em tắm mát. Giờ, khác rồi: Ta mông lung choàng dậy tỉnh giấc/ Vẫn ồn ào nhịp sống thị thành. Nhân vật trữ tình bỗng thấy xao xuyến lạ: À! Điện thoại anh chàng bên cạnh/ Nhạc chuông gà reo: ò… ó… o…! Tôi xem đây là một bài học nghề nghiệp thấm thía và cần thiết: chỉ có thơ hiện đại khi có cảm quan hiện đại. Khi đó, nội dung mới sẽ tự tìm đến cách thức thể hiện mới. Phải chăng rất cần trăn trở cách tân thi pháp, nhưng cái căn bản cần đổi mới trước tiên nhiều khi lại nằm trong sự chuyển biến mang tính quyết định của tư duy thơ?
Đi cùng với tính sử thi là cách thức biểu hiện mang sắc màu dân tộc. Đây là một đòi hỏi thật tự nhiên của thơ. Tính chất biểu hiện bao giờ cũng đòi hỏi một cách thức biểu hiện tương ứng. Xét từ những yêu cầu ấy, bài Hương xuân (1.4) của Hơ Vê có cái hồn hậu, trong trẻo trong nếp cảm nếp nghĩ, nhưng xem ra cách thể hiện có phần còn ít đổi khác: Ơi, cô gái K’Dong/ Cõng gùi đi trong nắng/ Cõng tiếng chiêng lấp lánh/ Và hương mùa xuân sang. Cũng hoàn toàn đúng với bài Cô giáo Plây – Chêm (1.4): Giữa ngày nắng nhạt trời mây/ Tôi về Sơn Lập, ngất ngây lan rừng/ Chim ca suối hát tưng bừng/ Rừng cây ngút ngát, mênh mông đất trời. Ở những trường hợp này, nếu nghiêm khắc mà xét đoán, thì cần phải coi là biểu hiện của sự dễ dãi trong lao động nghệ thuật.
Tuy nhiên, khi dựa hẳn vào dân ca thì thơ Hơ Vê lại đem tới dấu ấn riêng làm nên thành công khá ấn tượng. Như bài Hát tỏ tìnhtheo điệu kachoi của dân tộc H’Rê (1.4): Này em ơi!/ Tôi không sờ ngực em/ Tôi không nắm yếm em/ Tôi không nói bằng lời con chim, cái gió/ Tôi nói bằng lời ngọt con ong mật/ Bằng lời say cái say tình. Điều nói ra ở đây là thiêng liêng và nghiêm túc nhất:Rằng tôi thương em/ Tôi muốn em làm vợ tôi. Khi ấy sẽ ước gì? Tôi sẽ làm cột nhà cho em. Cột nhà ấy ra sao? Rất chân thực, nhân vật trữ tình giãi bày tiếp: Cột không nghiêng bên nọ/ Cột không đổ bên kia. Cho dầu gió đập phía đông, bão tông phía bắc, cho dầu sấm rền, chớp nổ, đất có long, trời có lở thì: Cột vẫn đứng trơ trơ/ Chở che em suốt đời. Thế là ngày vui cưới được người vợ ưng ý đã đến trong tưởng tượng, đẹp tươi và sống động đến lạ lùng: Ngày cưới vui nhàu nát chiếu/ Vui mòn cầu thang/ Vui lay cửa trời, long cửa đất... Những câu thơ cuối mạnh bạo mà bay bổng và vô định đến bất ngờ. 
Có điều, trên con đường tìm tòi một cách nói dân tộc chưa hẳn đã hết những vướng mắc. Chẳng hạn, tôi chưa thật đồng cảm với việc sử dụng những tên gọi thay thế trong bài Hãy cho con tim tìm em (1.6) của Hơ Vê. Như đã thấy, hoa ka mai được chủ ý thay cho hoa phong lan và đuôi amrăg thì cho đuôi công. Mặc dầu tôi lại có thể chia sẻ với những vần thơ đọc lên dường như ai cũng hiểu mà vẫn không dễ gì viết nổi sau: Hãy cho cái nhớ theo con mắt/ ngó em/ hãy cho cái thương theo con tim/ tìm em. Ở đây nảy ra vấn đề sử dụng chất liệu và ngôn từ thi ca dân tộc. Làm sao cho hài hòa đây? Không dễ đâu! Nhất là khi bắt tay vào làm. Một dẫn dụ khác: bài Thương lắm nhớ nhiều (3, tr.253) cũng của Hơ Vê. Mở đầu là những câu thơ nhàn nhạt bằng lối ví von quen thuộc: Em yêu anh/ Như con chim Vơ linh yêu rừng/ Như con cá Rơ tang thương nước. Có chim Vơ linh, có cá Rơ tang rất riêng đấy mà sao vẫn không neo được vào lòng người đọc! Trong khi những dòng thơ sau dầu không còn những tên riêng nữa mà vẫn đi thẳng vào lòng tôi, lòng bạn với những cảm nhận riêng khó phai: Em nhớ anh/ Cứ nhấp nha nhấp nhổm/ Như có kiến cắn tim/ Như có lửa đốt bụng/ Muốn thấy ngay cái miệng/ Muốn cầm ngay cái tay. Cũng vậy, tôi không thể quên những vần thơ sau của Hơ Vê: Ta quý mẹ như quý con tim đập/ Ta thương cha như thương con mắt nhìn trong bài Với gọi (3, tr.254) của chị. Vậy thì ta nên đi tìm bản sắc dân tộc ở chiều sâu thể hiện trong lối nghĩ, qua cách cảm chăng? Bài Nhớ Chư Prông (1.7) của Kpa Ylăng lại gợi cho tôi nghĩ theo một hướng khác, có lẽ tích cực hơn. Tác giả đưa vào thơ tên riêng của loại khèn thổi của phụ nữ Gia Rai: Vang tiếng Đinh Zơn tiếng gọi bạn bè. Và cả tên điệu hát giao duyên và cách gọi khác của trường ca vào thơ nữa: Nghe em hơri nghe khan ông bà. Trong những trường hợp này, theo ý tôi, lại tự nhiên và hoàn toàn có thể chấp nhận được.   
Về vấn đề nan giải này, tôi nhớ tới bài Chị tôi (1.3) của nhà thơ Hơ Vê. Người chị mà tác giả nhắc tới và quý trọng đề tặng ở đây chính là ca sỹ Kim Nhớ. Ngay từ khổ đầu, nữ nhà thơ của chúng ta đã dứt khoát khẳng định: Không mòn cũ và tự bỏ mất mình/ Từ một vùng sâu xa/ Chị tôi/ Trỗi dậy… Ý thơ mạnh mẽ, giọng thơ rắn rỏi, thể hiện chân xác một sự thật - sự thật này đi liền với một đòi hỏi mang tính nghề nghiệp đặc thù. Nghệ thuật đích thực ngàn đời nay khi nào chẳng thế: phải có cá tính, không được phép “mòn cũ”, đồng thời lại phải mang bản sắc riêng của dân tộc mình cho dầu đó là một dân tộc ở vùng “sâu xa”, số dân chưa phải đã nhiều nhặn gì. Nguyên cớ của những vần thơ sau là thế: Chị bé nhỏ/ đường lầy - sương mây - hút lối/ Mượn bóng hoàng hôn che chắn/ Bóng mình/ Dìu nỗi đau qua cơn co thắt. Có điều, cái nhìn của nghệ sỹ Kim Nhớ đồng thời là cái nhìn của người viết khi nào cũng hướng về phía trước, “tìm về tương lai” với bao “khát vọng vơi - đầy”… 
Bạn đọc hoàn toàn có thể chia sẻ với tâm tình ẩn trong khổ kết của bài thơ:  Từ cái nhìn đau thương gai góc/ Trái tim chị sinh nở thi nhân/ Chất đầy vần điệu… Không còn ranh giới giữa nhạc và thơ. Như bất kỳ sự sáng tạo thành công nào trong hai lĩnh vực vốn là anh em sinh đôi này. Nhiều bài thơ hay ở vùng đất này đã được phổ nhạc như Tháng ba Tây Nguyên, Cô gái vót chông… Và, cũng không ít bài hát chứa ca từ rất giàu chất thơ. Nhạc sỹ Yphôn sáng tạo nên lời của bài hát Đi tìm lời ru mặt trời là một trong những thành công nổi bật về mặt này: Một mình lang thang trên đất này/ Theo dấu chân cha ông từng ngày/ Một mình qua sông qua núi đồi/ Tìm mặt trời và tìm lời ru ngàn đời/ Tôi như con chim lạc bầy trên đồi cao/ Tôi như con thú lang thang trong rừng sâu/ Tôi như dòng sông khao khát lời/ Tôi như hạt mưa không rõ lời. Nếu tách lời riêng ra thì đây là một bài thơ thực thụ mà là một bài thơ thật hay xét trên nhiều phương diện.
 Trong số những cây bút thơ dân tộc ít người ở Trường Sơn - Tây Nguyên xuất hiện gần đây, tôi thấy nổi bật lên tên của Krajan Plin. Tập thơ Cao nguyên tôi yêu do Nxb Hội Nhà văn ấn hành năm 2006 đã giải quyết được nỗi băn khoăn của nhiều người trên con đường tìm đến tính chất thi ca dân tộc mà hiện đại. Không ít bài trong tập đạt tới độ chín về nhiều mặt. Chủ yếu là vì nó là lạ một cách hồn nhiên. Không chút uốn éo cố tình làm cho khác lạ. Thơ Plin như trào ra từ tâm hồn cháy bỏng của anh. Nó giúp ta thêm hiểu thế nào là chất người Tây Nguyên. Đất đỏ Ba Zan cùng truyền thống ngàn đời của xứ sở hun đúc nên một tâm hồn như thế. Và, Plin ý thức rất rõ về điều này. Chẳng hạn, tôi không quên được bài thơ Người Tây Nguyên của anh. Plin phác thảo con người Xứ Núi bằng thứ ngôn từ nồng ấm mà lại giàu suy tưởng: Người có chữ/ Như cây Jri/ Vui cái bụng/ Sáng con mắt/ Nhức cái đầu. Anh đã bằng cảm quan của một người sống chết với núi với rừng để tạo dựng hình ảnh thơ. Sự cần thiết và cấp thiết của hiểu biết trong nhận thức cũng không nhỏ: Nhức cái đầu. Anh đã nghĩ đúng, chẳng dễ dàng gì trên con đường chinh phục kho tàng tri thức vô tận của dân tộc và nhân loại. Sự đối lập giữa loài cây Jri (đại thụ, thể hiện sự khác thường) với loài cây bri (cây bạt ngàn, thể hiện sự tầm thường) trong suy nghĩ của anh là rành rọt: Người không chữ/ Như cây bri/ Đau cái bụng/ Mỏi cái lưng/ Vẫn vô tư. Sự trách cứ không hề nhẹ nhàng trong lời thơ tưởng như nhẹ nhàng của Plin: Vẫn vô tư. Khi trí óc của một người đã được thức tỉnh, anh ta sẽ biết tìm ra một lối đi riêng trong sự giao hòa với người khác, và xa hơn là với dân tộc khác.
Tôi muốn nói đến sự giao hòa đích thực. Muốn vậy phải tựa vào bản ngã dân tộc mà đi. Nhất là trong thi ca, nghệ thuật. Là một trong những đại diện xuất sắc cho cộng đồng dân tộc K’Ho ở Cực nam Trung Bộ, Plin thấu hiểu hơn ai hết điều đó: Sợ lắm!/ cây bri/ đến mùa thay lá/ Sợ lắm!/ phù dung/ đổi sắc thay màu/ Sợ lắm!/ rừng xanh/ thay màu vàng úa/ Sợ lắm!/ trái tim/ thay màu máu (Bài Sợ lắm). Tôi biết Plin không chỉ nghĩ được mà còn làm được - làm một cách tích cực, triệt để và có hiệu quả. Nhóm những người bạn Lang Bian nổi tiếng từ lâu. Dưới sự dẫn dắt của anh, tinh hoa văn hoá dân tộc bản địa không chỉ lung linh thêm mà còn lan tỏa ra khắp đất nước vốn rất rộng dài của chúng ta. Thời đại mới đã cho anh và dân tộc anh đôi cánh mới, để có điều kiện bay cao, bay xa như mong ước ngàn đời của ông cha. Và tôi biết, Krajan Plin đang say mê sống, đam mê hát, và miệt mài viết để xứng đáng với niềm tin của mọi người mà trước hết là đồng bào Xứ Núi quê anh.
Tôi xin kết thúc bài viết của mình bằng niềm tin vào cây bút thơ dân tộc K’Ho giàu triển vọng được nhiều người biết đến. Đó đồng thời là niềm tin của tôi vào tương lai của vùng thi ca Trường Sơn - Tây Nguyên rất quan trọng và thật đặc sắc này nếu được chúng ta cùng chung tay góp sức vun đắp. Ngay từ bây giờ. Và với nhiệt huyết cháy bỏng có thể có…
CHÚ THÍCH
1. Tạp chí Văn hóa các dân tộc 1. Số 10/1999; 2. Số 1/2002; 3. Số 3/2002; 4. Số 10/2002; 5. Số 1/2003; 6. Số 2/2003; 7. Số 4/2003; 8. Số 5/2003; 9. Số 6/2003; 10. Số 7/2003; 11. Số 5/2004; 12. Số 7/2004; 13. Số 8/2004, 14. Số 2/2005; 15. Số 5/2005; 16. Số 6/2005; 17. Số 9/2005; 18. Số 3/2006; 19. Số 5/2006; 20. Số 7/2006; 21. Số 9/2006; 22. Số 8/2007; 23. Số 12/2007; 24. Số 5/2008; 25. Số 6/2008; 26. Số 12/2008; 27. Số 6/2009; 28. Số 7/2009; 29. Số 9/2009; 30. Số 5/ 2010;  31. Số 12/2010; 32. Số 6/2011.
2. Tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2/2010.
3. Núi mọc trong mặt gương - Lò Ngân Sủn tuyển chọn, Nxb Văn hóa dân tộc, HN,1998.­
Đà Lạt, 26/9/2011
Phạm Quang Trung
Theo http://www.pqtrung.com/



1 nhận xét:

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...