Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Phần thiêng liêng ấy của lòng ta

Phần thiêng liêng ấy của lòng ta
Đường Trần Phú nối liền với đường Trần Hưng Đạo và xa hơn nữa về phía ngoại vi là đường Hùng Vương, có lẽ là con đường đẹp nhất của Đà Lạt. Đường rộng, phẳng và ít khúc quanh, vốn hiếm thấy ở Đà Lạt, thành phố của những con đường quanh co. Độc đáo cũng vì thế mà thơ mộng cũng vì thế! Đó là những con đường của những biệt thự xinh xắn, những hotel sang trọng mà riêng cái tên đã trở nên thân quen đối với du khách xa gần. Đó cũng là con đường của những trung tâm văn hóa thông tin lớn : Bưu điện tỉnh, Nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh, Trường phổ thông trung học Thăng Long và Thư viện tỉnh.
Thư viện nằm trong một khuôn viên khá rộng và tương đối yên tĩnh. Bước lên những bậc tam cấp thân thuộc, qua ngưỡng cửa đi vào phòng đọc tổng hợp, tôi như lạc vào thế giới khác, yên lặng, yên lặng đến lạ lùng ! Các ghế ngồi hầu như đã kín chỗ. Đôi lúc một ai đó giở trang sách báo sột soạt, âm thanh này làm tăng thêm vẻ tĩnh lặng, tĩnh lặng mà sâu thẳm, vì trong sự tĩnh lặng ấy chứa bao khát khao về cái đẹp và hiểu biết, bao trăn trở cho tìm tòi và sáng tạo... Có lẽ đó là những điều bình thường và dung dị. Nhưng giá thiếu chúng, ta sẽ không thể hình dung nổi cuộc đời  này sẽ ra sao!
Vâng, đúng vậy, tôi đang lạc vào một thế giới khác. Ngoài kia là cuộc sống sôi động, trong này là cuộc sống kết tinh. Chỉ cần băng qua một đoạn đường, thả xuống một con dốc, bạn sẽ bắt gặp một Đà Lạt khác hẳn : Đà Lạt của những dòng xe nối đuôi nhau chạy xuống từ trung tâm Hòa Bình; Đà Lạt của chợ búa, không ồn ào náo nhiệt như thường thấy ở đồng bằng, nhưng dẫu sao vẫn là nơi giao dịch và thương mại, kẻ mua người bán với bao lo toan, tính toán hàng ngày; Đà Lạt của những nhà hàng, những tiệm cà phê, những rạp hát, những sàn nhảy... dành cho sự vui chơi. Tôi vừa qua Đà Lạt đó để tới đây, để trở về với một Đà Lạt khác -  Đà Lạt của sự trầm tư sâu lắng. Tôi lặng nhìn những bàn tay nhăn nheo đang lần giở những trang báo; những cặp mắt trang nghiêm đang chăm chú dõi theo những trang tạp chí khoa học nước ngoài, và kia là những dáng  ngồi ngay ngắn của những chàng sinh viên, những cô nữ sinh gần như bất động. Mọi cử chỉ đều gượng nhẹ, mọi trao đổi nếu có đều cố ý thầm thì. Tôi nghĩ, không ở đâu giáo dục ý thức tự trọng  mình và tôn trọng người tốt hơn ở phòng đọc của một thư viện. Trong khi những phẩm chất ấy  lại vô cùng cần thiết để duy trì mối quan hệ xã hội, lối sống tập thể. Muốn tạo ra chất văn hóa phải xây dựng môi trường văn hóa là vì vậy chăng!
Tôi lặng nhìn những gương mặt ngời sáng của các thủ thư. Bộ đồng phục sáng màu như làm tăng thêm vẻ trang nghiêm vốn cần thiết ở họ. Bạn đang quan tâm tới vấn đề gì? Nếu những ngăn mục lục phân loại chưa đáp ứng yêu cầu của bạn thì hãy hướng tới thủ thư, mạnh dạn trao đổi với họ. Và hãy xem, thái độ của họ mới ân cần làm sao ! Vốn là một người giảng dạy và nghiên cứu văn chương, một lần tôi cần tìm hiểu văn chương Mỹ hiện đại. Người thủ thư không chỉ đưa ra những cuốn sách theo phiếu đề xuất của tôi mà còn giới thiệu thêm một số tài liệu thú vị và bổ ích khác. Với ai không rõ, với tôi sự lựa chọn và hướng dẫn của thủ thư bao giờ cũng đáng tin. Tôi tin họ như tin vào chính lương tri của mình. Mà ai cũng biết để chiếm được lòng tin của người khác, để duy trì lòng tin ấy thật không một  chút dễ dàng. Với thủ thư, hiểu biết phải đến nơi đến chốn đã đành. Còn phải hết lòng vì độc giả của mình nữa. Tôi biết tiền lương của họ, cũng như của người phụ trách thư viện kia, nào có nhiều nhặn gì đâu. Vậy mà họ, như bao viên chức chỉn chu khác, phải sống và làm việc. Phải sống, nghĩa là phải thỏa mãn bao yêu cầu tối thiểu khác nhau của con người. Phải làm việc, nghĩa là phải phục vụ, phải học hỏi -  học nghiệp vụ, học văn hóa, học ngoại ngữ... Không ai đòi hỏi cao với mình lại có thể thỏa mãn, tự hài lòng về mình cả. Mỗi ngày trôi qua là bao lo toan, trăn trở trôi qua. Vậy mà nét mặt của họ vẫn thư thái, lời nói của họ vẫn nhỏ nhẹ, thái độ của họ vẫn trầm tĩnh. Thật đáng khâm phục biết nhường nào ! Có phải trong họ tiềm tàng những phẩm chất ấy hay chính công việc đã tạo nên chúng ? Có lẽ cả hai ! Nếu vậy họ quả là những người may mắn. Họ chủ động đến với cuộc đời và cuộc đời dang tay đón họ. Không phải họ không cần tới những đáp ứng chính đáng về vật chất cũng như những sự động viên cần thiết về tinh thần. Bởi họ không phải là thiên thần, mặc dầu họ mang trong mình những vẻ đẹp có thể sánh được với thiên thần. Tôi đã nói quá về họ chăng ? Nếu bạn nhận ra vai trò vốn có của họ gắn liền với một trong những thứ qúy giá nhất của con người đó là sách. Họ là những nhịp cầu diệu kỳ nối liền sách với độc giả để cho nguồn tri thức của bao thế hệ không bị ngừng trệ.  “Nếu ta được là vị chúa trời, thì ngai vàng của ta sẽ là sách”. Tôi không rõ ai đã từng nói câu đó. Có điều, tôi biết chắc rằng Gorki - một trong những nhà văn lớn của nhân loại không thể kìm được nỗi xúc động sâu xa mỗi khi nói tới sách. Đó là gốc của mọi thiên tài.
Tôi nhớ một lần để trả lời câu hỏi : “Bằng cách nào ông trở thành nhà bác học vĩ đại ?” Niutơn nói : “Vì tôi biết đứng trên hai vai người khổng lồ”. Người khổng lồ mà ông nói đây là kho tàng tri thức của nhân loại. Tất nhiên chỉ có những người bản lĩnh cao cường mới biết đứng và đứng vững “trên vai người khổng lồ”, nhưng nếu không tồn tại “người khổng lồ” ấy thì mọi ý tưởng sáng tạo dù táo bạo đến đâu cũng chỉ biến thành những ảo tưởng đẹp đẽ. Thật hạnh phúc cho cuộc đời những ai gắn liền với quá trình đi tới của nhân loại.
Tôi đang nghĩ về thủ thư, về lòng tận tụy với công việc của họ. Nhưng sẽ là khiếm khuyết lớn nếu không nói tới tính nguyên tắc của họ. Ai cũng biết Thư viện vừa là nơi lưu chuyển, vừa là nơi bảo tồn sách. Con số sách báo của Thư viện tỉnh Lâm Đồng chưa phải đã lớn, chừng trên 250.000 bản sách và khoảng 3000 loại báo chí trong và ngoài nước. Nhưng chỉ chừng đó thôi cũng đã là kho tài sản quý giá lắm rồi. Phải bảo quản ra sao đây ? Giáo dục, tuyên truyền ? Trông cậy vào ý thức của độc giả ? Cái đó cần nhưng chưa đủ. Phải có phép tắc, luật lệ. Phải tôn trọng phép tắc, luật lệ. Không thể khác được ! Có lần, một cán bộ của tỉnh bạn đến Đà Lạt công tác rất cần sử dụng một vài tài liệu quan trọng trong phòng đọc. Không có thẻ, làm sao đây? Anh trình bày với nhân viên thủ thư. Phải đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của bạn đọc dù người đó là ai. Thế nhưng không thể xa rời nguyên tác. Chính thủ thư thay mặt Nhà nước bảo quản tài sản của nhân dân. Cuối cùng, người cán bộ kia đã nhận tài liệu cần thiết đọc ngay tại chỗ, sau khi gởi lại nhân viên phục vụ chứng minh nhân dân và số tiền cược gấp nhiều lần giá sách. Lần khác, một cán bộ Tỉnh đội đang quan tâm tìm hiểu một vấn đề về nước bạn Campuchia. Anh rất cần sử dụng từ điển Việt - Khơme trong nhiều ngày. Phòng mượn không có. Chỉ có một cuốn duy nhất ở phòng đọc. Lại thêm một khúc mắc nữa. Trong công việc luôn nảy sinh những vấn đề tương tự. Cần phải giải quyết. Sau khi xin ý kiến của Giám đốc Thư viện, người sĩ quan quân đội đã nhận từ điển với tờ cam kết cũng như phải để lại giấy giới thiệu và một số giấy tờ tùy thân quan trọng khác. Khó tính ư ? Nhiễu sự ư ? Vậy mà sách quý vẫn mất, vẫn rách. Được biết từ  năm 1992, Thư viện chủ trương phạt tiền những ai không bảo quản sách hoặc giữ sách quá thời hạn quy định. Đây cũng là biện pháp bất đắc dĩ mà thôi ! Giá độc giả nào cũng có ý thức giữ sách như nhà văn Đích - ken.
Có những quyển nhà văn nổi tiếng người Anh đọc đến lần thứ 121, thuộc làu làu, vậy mà sách vẫn như lúc mới mua. Đíchken là người “chủ sách” rất khó tính. Ai mượn sách của ông mà làm dây bẩn, làm nhàu nát là lần sau mượn lại nhà văn liền móc túi đưa tiền và vui vẻ bảo : “Vui lòng cầm lấy ra hiệu sách mua mà đọc”. Một lần có người bạn thân của ông đến chơi và ngỏ ý mượn vài quyển sách qúy của nhà văn. Nể bạn, Đíchken đành cho mượn nhưng trong lòng rất áy náy khi thấy bạn vừa cầm lấy sách đã gập lại rất mạnh tay. Lúc nhận sách, ông thấy ruột mình đau như cắt vì bìa sách đã bung, nhiều trang gập thành nếp, và nhất là vài trang còn bị rách và vấy mực nữa. Đíchken giận đến mức không buồn nghĩ đến ăn tối. Có thể đó là giai thoại. Song lẽ nào trong đó không chứa những hạt nhân của sự thật. Kể chuyện này để bạn đọc thêm cảm thông với những biện pháp cần phải có của Thư viện. Xin đừng trách móc, đừng nặng lời với họ.
Nhiều năm này, tôi là bạn đọc thủy chung của Thư viện tỉnh. Tôi coi đây là một may mắn lớn. Được làm bạn với sách, với những người có tâm hồn rộng mở, bao dung và hào hiệp như sách lại không là may mắn hay sao ! Bởi vậy ký ức trong tôi hay sống dậy những kỷ niệm thật khó phai mờ. Đà Lạt vinh dự thường xuyên đón các văn nghệ sĩ từ nhiều miền đất nước về thăm, nghỉ dưỡng và sáng tác. Hầu như nhà văn, nhà thơ có tiếng nào khi dừng chân ở Đà Lạt đều tiếp xúc với bạn đọc của Thư viện. Là người làm công tác văn học, ít khi tôi bỏ qua những buổi chuyện trò như vậy. Đó là chất kích thích qúy báu cho suy tư, cho sáng tạo. Một lần tôi nghe nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đọc thơ. Chị đến thăm Đà Lạt không phải một lần. Và như để trả món nợ tinh thần đối với mảnh đất gợi nhiều thương nhớ trong lòng, chị đã viết về Đà Lạt. “Một ngày Đà Lạt” là một bài thơ hay của chị. Trong đó tôi rất chú ý tới câu thơ này đi giữa Đà Lạt mà:
Như gió lạc vào huyền thoại
Như em lạc vào tình yêu của anh.
Kết thúc buổi sinh hoạt, tôi gặp chị hỏi: “Có thể đối câu “Như em lạc vào tình yêu của em” được không, thưa chị?” Chị mỉm cười rất duyên rồi trả lời : “Có lẽ như vậy chăng nếu tôi là đàn ông !”. Tôi chợt thấm thía cái điều đã trở thành nguyên lý : văn chương hay là thư văn chương chân tình chân thành, chân tình chân thành đến cùng. Vai trò của cá tính sáng tạo lớn lao cũng vì vậy.
Nhiều lần tôi vinh dự được mời đến trao đổi những vấn đề văn học khác nhau tại Thư viện. Mỗi buổi có mỗi vẻ riêng nhưng không lần nào tôi xúc động như lần nói chuyện về “Thung lũng Cô Tan” của Lê Phương. Đó là vào tháng 7/1984, mùa mưa ở Tây Nguyên và Đà Lạt. Dường như chiều nào trời cũng mưa. Hôm ấy, 14 giờ bắt đầu nói chuyện, thì 13 giờ 30 trời mưa như trút. Ngồi nhà, chờ xe đến đón, lòng tôi bồn chồn như lửa đốt. Mãi tới 13 giờ 45 mới có cán bộ thư viện đến, không phải bằng xe hơi mà xe máy. Chị phân trần rằng vì xe hơi của Ty (thời ấy gọi là Ty) có việc đột xuất, và mong tôi thông cảm. Thế là chúng tôi gấp rút mặc áo mưa băng đến thư viện.  Phòng đọc được sắp xếp lại thành nơi sinh hoạt văn học. Có chừng 30 thính giả, chủ yếu là những bạn đọc thân tín của Thư viện. Chưa có buổi nói chuyện nào của tôi lại ít người nghe đến như vậy. Nhưng cũng chưa buổi nói chuyện nào tôi lại xúc động đến như vậy. Họ đã đội trời mưa đến nghe phân tích, đánh giá tác phẩm văn chương. Liệu những gì tôi nói có ý nghĩa bao nhiêu với họ ? Tôi hào hứng nói và quên rằng thời gian hai tiếng đã trôi đi. Sau buổi nói chuyện, chị Đặng Việt Nga, Chi hội trưởng Hội Kiến trúc sư Lâm Đồng chân tình tâm sự: “Hôm nay anh nói hấp dẫn quá !” Không rõ buổi đó tôi có nói hấp dẫn hay không. Nhưng riêng điều này thì tôi biết rất rõ : Tôi đã gắng xứng đáng với sự quan tâm của các thính giả đáng kính trọng đang ngồi nghe mình nói. Đó là bài học thấm thía trong cuộc đời hoạt động văn học của tôi.
Cuộc đời rất cần những kỷ niệm, vốn liếng tinh thần quý giá của mỗi con người. Mỗi lần có dịp nhớ lại tâm hồn ta được thanh lọc trở nên trong sáng cao đẹp hơn lên. Cách đây 10 năm, tôi đã ghi những dòng sau đây vào “Sổ cảm tưởng” của Thư viện tỉnh Lâm Đồng:
“Là một người nghiên cứu và giảng dạy văn chương tôi không thể hình dung được tâm hồn, hiểu biết và công việc tôi, nghĩa là con người và cuộc sống của tôi sẽ ra sao nếu thiếu đi những thư viện như thế này. Tôi rất yêu qúy và trân trọng các bạn vì lẽ đó. Quả thật các bạn đã giúp đỡ chúng tôi, những độc giả của Thư viện rất nhiều. Giữa bao nỗi eo sèo, nghiêng ngả ngoài đời, đặt chân đến Thư viện, tôi như sống giữa những người đồng chí thân tình nhất, giàu văn hóa nhất. Gặp những người như vậy, con người ta trong bao nỗi trăn trở, ngổn ngang vẫn có cái để mà tin, vẫn có chỗ dựa tinh thần mà sống cho xứng đáng. Thư viện, đó là một mảng quý giá của tâm hồn tôi, một mảnh phong phú của cuộc đời tôi.
Có thể ai đó, độc giả hoặc cán bộ thư viện chưa thật hài lòng với công việc ở đây. Cũng chẳng khó hiểu gì ! Thói thường, người ta không dễ đánh giá hết giá trị của những cái bình thường nhưng lại là điều kiện sinh tồn của đời sống chúng ta. Và, riêng với các cán bộ quản lý thì thói quen khe khắt với mình cũng là một nét đáng yêu. Có lẽ ở đây tốt hơn là làm một phép so sánh chăng ? Chúng tôi có may mắn từng làm việc ở nhiều thư viện khác nhau, trong nước có, ngoài nước có. Có thể dễ chỉ ra những thư viện quy mô hơn nhiều, nhưng không dễ tìm thấy một thư viện trong hoàn cảnh ngặt nghèo của riêng mình, đã thực sự vươn lên để đáp ứng những nhu cầu tinh thần dồi dào, đa dạng ngày một tăng của con người như ở đây.
Có điều thắc thỏm này hay trở ngại trong tôi với tư cách là một độc giả bình thường của Thư viện: mình phải làm gì để đáp lại tấm lòng bè bạn ?”.
Đến giờ, 10 năm đã trôi qua, vật đổi, sao dời. Cùng với năm tháng, có lẽ tôi đã từng trải hơn, chín chắn và đằm thắm hơn. Vậy mà những dòng chữ ấy vẫn đúng với suy nghĩ và tình cảm của tôi lúc này. Đó là phần thiêng liêng sâu thẳm của lòng tôi. vì vậy, nó dám lên tiếng thách thức với thời gian, cái sức mạnh ghê gớm từng hủy diệt nhiều thứ ghê gớm trên đời. Nếu có gì cần viết thêm thì đó là nỗi vui mừng của tôi trước sự trưởng thành đáng kể của Thư viện sau 10 năm này. Rồi lòng mong mỏi nữa: Thư viện tỉnh Lâm Đồng hãy vươn lên một tầm cao mới xứng đáng với lòng tin và hy vọng của độc giả đã dành cho mình.
Phạm Quang Trung
Theo http://www.pqtrung.com/
                                    

1 nhận xét:

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...