Những khoảnh khắc giao mùa tạo ra bao cung bậc, bao ấn tượng
về sắc màu hoa lá, cỏ cây. Và chớm đông khi cái rét ngọt đã thấm về thì bếp lửa
bập bùng vun lên trong ta bao ký ức…
Bếp lửa ngày đông chính là điểm nhấn hội tụ vừa bập bùng ảo ảnh cũng chính là
nơi vun lên những nhỏ nhoi niềm vui tí tách len lỏi vào tâm tư, lan tỏa vào mạch
giao cảm khi đốt những lụi tàn, nhen nhóm những tro than, thổi bùng lên hy vọng.
Bếp lửa là nơi ta trở về với tuổi ấu thơ mà “chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu -
đến bây giờ sống mũi vẫn còn cay” (Bằng Việt).
Không hiểu sao tôi vẫn thích “Bếp lửa ngày đông” hơn là “Bếp lửa mùa đông” những
khoảnh khắc bất chợt với những ngấn thời gian chia nhỏ như lóng mía, đốt cau
cứ từng tấc một để vươn cao và bùi ngọt. Vị ngọt của hương đất, hương đời,
trong ngọt có cả bùi và ấm. Có cả chút đắng đót để miếng trầu thêm đậm cho sắc
da thêm đỏ, cái kẹo mía thêm giòn, những sợi mật thêm dai. Một sự dẻo dai quyến
luyến hòa nhau đánh thức mọi khứu giác chứ không phải bọt bèo hòa tan, nông nổi
nhạt nhẽo. Bếp lửa ngày đông có gì lạ đâu mà sao cứ rưng rưng lạ lùng, cứ làm
nhẹ nhõm cả người như nâng bổng ta lên mà không hời hợt bãng lãng cứ bập bùng
quấn quýt thật độ lượng và tin cậy biết bao.
Khác với ánh lửa gas xanh lè hay ngọn lửa hồ quang nhức mắt của hơi thở công
nghiệp lạnh lùng, có chút gì đó vô cảm. Hơi lửa có sóng điện riêng, có tần số
riêng bằng sự đồng điệu của những nhịp đập trái tim đỏ thắm sắc hồng cầu tình
cảm.
Có hai câu thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh thật ám ảnh day dứt trong tôi: “Còn một
chút hoa dong riềng cuối dậu/Có một ngày sương muối đến mang đi”. Màu hoa
dong riềng như một ánh lửa thiên nhiên lẻ loi thắp lên từ đất, tự dâng hiến
mình để củ khoai bụ bẫm hơn, thơm bùi hơn giấu sau màu đất giá lạnh sương muối
của mùa đông khắc nghiệt. Mới biết sức sống của thiên nhiên lớn lao hết mình
thì sao ta lại không truyền giữ và khơi bùng bếp lửa như một hồi âm đồng vọng
giữa héo khô và tươi cháy, giữa mộc đến hỏa đúc cho người một khối kim trong
veo, không đọng cặn cát bụi đời thường. Mà kết tụ thành “Bông hồng vàng” như
tên một thiên truyện nổi tiếng của nhà văn Nga Pau-tốp-xít-ki, những cám vàng
li ti, in hình vảy lửa của thổn thức tình người.

Trong những ngày giá lạnh đầu đông này, ta lại bùi ngùi khi thấy những người
bán hàng rong nhen bếp lửa bên hè phố để tiếng rao không khản giọng. Rồi bếp
lửa vùng cao các em học sinh đến lớp hơ những con chữ mỏng manh, xiêu vẹo
trên chính hơi ấm của rừng. Và ngoài đảo khơi xa các chiến sĩ hải quân tựa
lưng tìm hơi ấm vào nhau trong nhà giàn heo hút gió, thèm nghe tiếng lửa ấp
úng cơm sôi với bóng dáng mẹ già. Bếp lửa ngày đông – bếp lửa mùa đông đang
nhóm trong ta bao niềm tin cuộc sống. Đừng để ngày xưa ấy lụi tàn – ai đã từng
nói thế! Trong ánh sáng quang phổ mặt trời ta thấy cả diệp lục màu xanh.
Trong ánh sáng điện gần như không trọng lượng ta thấy cả quang hợp màu sáng
và trong ánh sáng của bếp lửa ta thấy cả màu ấm tình người…
Nguyễn Ngọc Phú
Cảm xúc xuân
Không còn bao nhiêu ngày nữa, tết lại về. Mùa đông năm nay
không lạnh lắm, chỉ thoáng hơi sương mỏng mảnh để các nàng làm điệu với áo
khoác, với phu la (khăn choàng cổ) nhưng cũng không giấu được rằng xuân đã cận
kề.
Ngoài vườn, những chiếc lá mai già cỗi đang cố khoe chút sắc xanh cuối cùng để
chờ bàn tay người lặt lá. Lác đác mấy cành ra nụ sớm khiến ai nghe lòng nao
nao. Mấy trái mận vừa rũ xong những tia bông trắng muốt và đang dần hồng lên
để đón tết. Trên cành bàng, chiếc lá mới thay nghe chừng xanh lắm màu cốm ngọt.
Lũ én cứ xôn xao trên những dây đèn đường như hình những nốt nhạc xuân. Bên
rào, ai phơi tấm lụa màu, vắt ngang lòng chút dịu nhẹ cuối đông.
Bước ra phố, bắt gặp sự lấp lánh, lung linh của những chùm đèn, những dây kim
tuyến, của ngồn ngộn hàng hóa chờ người mua. Phố đã mang một vẻ đẹp khác,
không diêm dúa nhưng lộng lẫy, huy hoàng. Chợt thấy mình như hạt bụi giữa
dòng chảy xô bồ, náo nhiệt. Người, xe nhoáng nhoàng qua lại, bán mua. Chỉ
riêng mình đứng nép bên lề, ngắm nhìn và hân hoan. Nỗi hân hoan vì hạnh phúc
đến bất chợt giữa những bộn bề lo toan thường nhật.
Trời không nhiều mây trắng. Nắng cũng nhẹ nhàng hơn. Ba ngày mưa giữa mùa
đông đã rửa trôi những nặng nề của ngày tháng cũ để tết đến thanh sạch, lắng
đọng hơn. Chỉ mong sao chiều trôi thật chậm, đêm qua bình yên, giấc mơ thấm đẫm
nồng nàn để níu kéo mùa đông ấm. Tiếng còi tàu những ngày cuối năm như chùng
xuống, kéo dài như muốn ngân nga rồi tan loãng nhanh trong tâm thất. Những cảm
xúc cũ mới lẫn lộn, đan xen. Những hồi ức của ngày mười tám tuổi cựa quậy,
xôn xao…
Khuya. Sương không buông. Những chiếc lá thấp thoáng ánh trăng cuối cùng của
một năm. Mùa treo bên song thưa. Chiếc áo cũ như một nốt lặng giữa không gian
tĩnh mịch. Ngày mai thay áo mới, dấu hiệu của mùa xuân vĩnh cửu và an nhiên.
Hoa cũng vàng ươm theo nắng, gieo rắc ánh vàng trên đồi hương.
Tết này lại có chợ đêm. Luồn tay vào áo đan nghe mùa xuân đang về. Tìm bàn
tay ai, nắm chặt, sợ lạc giữa thinh không ồn ã. Nải chuối, buồng cau, quả sa
bô chê, trái dưa hấu… nổi bật lên trong sợi khói lan man trên bàn thờ. Nghe
lòng ấm và êm. Biết tình còn vương.
Không biết cành lộc năm nay bao nhiêu lá. Không biết hướng xuất hành ngày đầu
năm. Nhưng biết mùa xuân không bỏ quên một ai. Một ít hương hoa. Một ít tin
lành. Lời cầu chúc luôn ở trên môi. Xuân muôn hướng.
Nhớ tết xưa
Nhớ lại tết xưa, cứ nhằm từ 23 tháng chạp là tiếng quạ kêu
oàng oạc, quạ khoang, quạ đen bay vắt bụi tre này sang bụi tre khác trong xóm
ngoài làng, ngó nghiêng, ngóng xuống từng nhà mổ lợn để kiếm tí mỡ chài, mẩu
lòng vụn. Qụa cũng có những ngày tết đúng nghĩa của nó: có món tươi, no nê mấy
ngày, dù chỉ là nhặt nhạnh.
Những năm trời ấm thì có nhà vẫn tranh thủ đổ ải, bắt nước vào những chân ruộng
cao, cấy vội cho mạ ấm chân trước tết thì mới yên mà ăn tết! Lúc này nhiều nhà
nhà chăm lo vào lá dong, củi gộc chuẩn bị nồi bánh chưng cho ngày tất niên nên
nước nôi đỡ bị tranh giành. Những con chìa vôi, từng đàn sáo thấy mặt ruộng
sóng sánh nước thì bay về sà xuống nhặt con dế, con cập cậy con nhện và các
loài sâu bọ chui lên khi sặc nước. No ơi là no. Chúng cũng có những ngày tết no
nê cùng với con người.
Bố tôi chuẩn bị thịt lợn, nhưng thường là vào hai tám tết cơ.
Ngày ấy, lợn chăn thân chuối băm với ít cám. Ăn chẳng có gì nên có con nuôi cả
năm chỉ còi cọc vài ba chục cân. Gía như ngày nay, con lợn ấy có giá phải biết.
Nhưng thời mới hòa bình lập lại thì bố chỉ biết than thở, nuôi cả năm ba chục
kí là lợn sán mới thế.
Những năm ấy chưa ai biết bao cấp là gì, Tem phiếu là sáng kiến đẻ ra trong những
năm đánh nhau với Mĩ. Còn trước đó thì dân chỉ có trách nhiệm đóng thuế nông
nghiệp, giết trâu bò lợn thì nộp thuế sát sinh. Ngưồn thu của Chính phủ có nhõn
mấy thứ. Chính quyền và dân, thân ai nấy lo. Cán bộ xã không có lương, chẳng biết
nhà nước trợ cấp bằng gì , nhưng khối xã chỉ dăm mống chứ không hàng đàn hàng
lũ ban ngành lên hàng trăm người như bây giờ. Khi ấy chính quyền với dân gần
nhau nhưng đều nghèo rơi nghèo vãi. Đến rau muống cho bữa ăn cũng còn tiềm tiệm,
lấy gì mà đầy bùn đầy vữa như ngày nay!

Những năm ấy chờ mãi mới thấy tết. Mỗi cái tết cách nhau đến hàng mấy năm hay
sao í. Chả bù bây giờ vèo cái đã tết. Người già thấy tết mau hơn trẻ thơ mấy lần.
Tết ở thôn quê là của trẻ thơ mới đúng. Mỗi đứa trẻ thế nào được mẹ may cho bộ
quần áo mới. Chưa đến tết là chưa có! Ngày trước ai cũng chỉ hai bộ quần áo. Bộ
này thay giặt thì mặc bộ khác. Chẳng như bây giờ, có người mặc chục năm mà áo
không sờn cổ, hỏi ra năm mặc có hai ba lần , còn thay áo khác.
Quay lại chuyện tết.
Hai tám tết, con lợn mổ ra thì ăn bộ lòng, cái thủ, chân giò, lá mỡ rán cất đi
dự trữ được mấy tháng xào rau. Thịt pha ra lấy ít nạc vai ướp nhân bánh chưng,
còn lại cắt miếng cho vào chum ướp muối để dành cho cả năm. Miếng thịt ngày đó
hiếm nên mùi thơm nó cũng kéo dài hơn hôm nay. Tất nhiên lúc ấy không ai viết
nó là “ thịt sạch”. Khi nghèo cái gì cũng sạch, thịt sach, rau sạch, gạo sạch,
hoa quả thực phẩm toàn sạch. Tinh thần con người cũng sạch nốt! Mãi sau những
năm sáu mươi thì những phuy DDT sữa dùng phun trừ sâu mới thấy lăn về thôn xóm.
DDT là thuốc độc đầu bảng. Lúc ấy nó là quả bom hạt nhân với các loài sâu bọ.
Thày thuốc trên cánh đồng là đàn sáo mất dần vai trò… Giống như ngày nay có cày
bừa máy thì con trâu mất vị trí đầu cơ nghiệp.
Con người đi một chặng đường dài tìm cách tăng trọng lợn cùng tăng sản lượng
các loại lương thực, phát triển đủ thứ cho năng suất cao… Để rồi hôm nay bối rối
với các loại thực phẩm bẩn tấn công vào sức khỏe của mọi người. Của đáng tội,
khoa học kĩ thuật đâu có lỗi. Lỗi ở sự lạm dụng đến thái quá. Trên đời các cụ tổng
kết bằng bốn chữ “ thái quá bất cập”. Sự lạm dụng bây giờ trên đủ phương diện từ
chính trị đến khoa học kĩ thuật, văn học nghệ thuật, nhiều cái đi quá giới hạn.
Hỏi thế nào là quá giới hạn? Cái gì bắt đầu tác hại đến con người, làm cho người
ta sống không yên là quá giới hạn chứ còn gì nữa!
Có lẽ đã đến lúc hình thành một thành ngữ mới, thành ngữ của thế kỉ 21: “đói
quá chết/ no quá cũng chết/ vừa đủ thì sống”.
Nhớ lại hay ngoái lại quá khứ là việc cần lắm. Có người bảo khi sống với kí ức
thì con người đã chết. Cái đó đúng nhưng đúng với người chỉ sống với nó. Còn kí
ức chính là sự nhắc nhở tươi rói để con người điều chỉnh cuộc sống hôm nay. Mất
quá khứ thì còn gì để so, để rút kinh nghiệm, để thấy cái sai mà tránh vấp lại
những lỗi lầm đã mắc ở quá khứ. Mất quá khứ, khi ấy con người sẽ rơi vào vòng
luẩn quẩn.
Mỗi năm. Cứ giáp tết ai cũng thời gian chững lại. Thời gian chầm chậm thì con
người có dịp ngoái nhìn quá khứ. Tết là ngày “vọng” của năm. Nhớ một lần được
nghe ông Vũ Kì nói cụ Hồ giảng giải về việc thắp hương mồng một và ngày rằm. Cụ
bảo “đó là sóc và vọng. Sóc là ngày đầu tháng, thắp nén nhang cắm vào bát hương
để định việc trong tháng. Còn ngày rằm giữa tháng là ngày nhìn lại những gì làm
được từ đầu tháng đến giờ để tính hoàn thành nốt phần còn lại”. Cụ Hồ lý giải với
tinh thần cách mạng, nhưng ta hiểu rằng cái ý đó rất hay. Năm có cái tết chính
là ngày vọng để cùng nhau nhìn lại thành quả năm qua, hoạch định cho công việc
năm tới , cần lắm chứ.
Nhớ…
Những ngày cuối năm này mỗi người đều có nỗi nhớ của mình, nhớ cái mình quan
tâm nhất cho một năm mới tới vun vén cho thêm đầy để năm sau lại vọng thấy cuộc
sống thêm ý nghĩa đáng sống.
16/1/2016
Một năm mới
Từng tờ lịch cuối cùng của năm cũ lần lượt rời đi và chuẩn bị cho một ngày mới,
tháng mới, năm mới. 365 ngày thấm thoát trôi xa với bao việc đã làm và những việc
dở dang ở mỗi người, mỗi gia đình. Năm nay, mưa thuận gió hòa không bão lũ thì
năm tới sẽ không hề giản đơn với thời tiết đỏng đảnh ở mỗi vùng đất có nhiều
sông ngòi lẫn biển biếc.
Tờ lịch đầu tiên mở đầu một năm của hy vọng, cũng như các nhà vườn đang chăm
chút cho từng cánh hoa để trong nắng se lạnh đầu mùa sẽ bừng nở đầy sắc thắm,
lung linh theo gió mà tràn ngập các loại hoa xuân. Đồng lúa vàng là ước ao của
bao đời người bắt đầu vào mùa gieo sạ với niềm tin là ngọn lúa trĩu bông đến với
từng vụ; những nhà máy hay cả công trường luôn mong tiếng máy reo vui và những
công nhân cười tươi vào, ra rộn rã. Một năm dần qua và một năm đang đến trong nắng
se lạnh với từng cánh hoa bừng sắc.
Buổi sáng cuối tuần, nơi góc phố còn mờ sương. Ngồi bên những người bạn ở xa và
cả gần bên ly cà phê tỏa hương thì câu chuyện vẫn rôm rả một đề tài: Tết đã về.
Vâng, tết đã về khi tờ lịch đầu tiên thơm xực đầy mới mẽ đã ở trước mặt ta. Và
sau tờ lịch ấy, lần lượt sẽ đến một cái tết dân tộc an vui, ấm áp nhưng trước
đó cũng có bao nỗi lo toan; lo toan trong một hạnh phúc: tàu xe cho con về từ một
mái trường, từ một nhà máy, từ một tiền thưởng, từ những ngày nghỉ, từ vật giá
của những món hàng đón tết...
Dù gì, thì tết đã về, năm mới đã đến lúc thời tiết dần thay đổi cho những cánh
chim thiên di lần lượt bay về vùng nắng ấm. Nắng se vàng dịu ngọt, dịu ngọt
trên từng khuôn mặt, từng nụ cười, trong từng gia đình, trong những con phố
cùng với dòng sông, cánh đồng, nhà máy, công trường… khi một mùa xuân, một cái
tết dân tộc đang chầm chậm đến…
Huỳnh Thạch Thảo
Theo http://www.lengoctrac.com/
|
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét