Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2016

Một cuộc đời, một vầng nhật nguyệt 6

Một cuộc đời, một vầng nhật nguyệt 6
Đền ơn huyết sữa 
Sau khi sử dụng thần thông siêu nhiên của một bậc Toàn Giác để cảm thắng ngoại đạo - đức Phật hướng tâm xem thử chư Phật quá khứ, cũng theo lệ thường, là sẽ an cư kiết hạ ở đâu. Khi được biết là tại cung trời Tāvatiṃsa (33-Đao Lợi) vào hạ thứ bảy để thuyết pháp độ Phật mẫu, đức Phật sử dụng phạm âm nói chuyện với hai vị đại đệ tử, và chỉ riêng hai vị này mới nghe được mà thôi. Ngài dạy đại lược rằng: “Như Lai sẽ thuyết Abhidhamma (A-tỳ-đàm) ba tháng tại cung trời Đao Lợi để đáp đền ân huyết sữa đối với thân mẫu. Ba tháng tại nhân gian nhưng trên ấy chỉ là thoáng mắt [i]. Sāriputta phải sử dụng thần thông lực, gặp Như Lai mỗi ngày tại rừng trầm bên bờ hồ Anotatta ở Hy-mã-lạp sơn để Như Lai tóm tắt thời pháp; và ông phải có bổn phận giảng nói rộng rãi pháp vi diệu ấy đến cho chư tỳ-khưu Tăng có sẵn căn trí. Còn Mahā Moggallāna thì chăm sóc hội chúng đang hiện hữu – vì Như Lai biết, một số khá đông cận sự Nam nữ ở đây sẽ không chịu về, họ sẽ ở đấy để đợi chờ Như Lai trở lại trần gian. Ông phải thuyết pháp cho họ nghe, sách tấn họ. Lúc cần thiết, có thể nhờ thêm Ānanda, Mahā Kassapa cùng các vị trưởng lão khác thuyết hộ. Nói với ông Cấp Cô Độc và Tiểu Cấp Cô Độc rằng, ý của Như Lai là anh em ông triệu phú phải phát tâm dựng lều trại, chăn màn, cung cấp  vật thực, mọi nhu cầu cần yếu cho hội chúng ấy trong suốt ba tháng đấy!” Xong, cũng sử dụng thần thông, làm cho ai cũng có thể trông thấy – đức Phật đứng chót vót trên cây xoài, bước lên - thì chợt nhiên giữa hư không, đỉnh núi Yugandhara cao 48.000 yojana (do-tuần) chợt nghiêng mình đỡ chân trái của ngài; và ngọn núi Sineru cao 84.000 yojana chợt cúi đầu thấp xuống đỡ chân phải của ngài với dáng vẻ rất cung kỉnh.
Như vậy là chỉ hai bước đi, qua bước thứ ba, đức Phật đã có mặt ở cung trời Đao Lợi [ii], ngự đến tảng đá vàng Paṇḍukambalā bề ngang 50 yojana, bề dài 60 yojana, bề dày 15 yojana - vốn là ngai vàng đặt để giữa hư không của Đế Thích thiên chủ. Và đến lúc này, ngoại trừ các bậc có thắng trí [iii], không ai còn trông thấy ngài nữa.
Trời Đế Thích, thân tướng cao to, hùng vĩ, phục sức chói ngời châu báu lập tức đến cung nghinh đức Phật. Ông vội xếp nhỏ một tấm gấm của cõi trời trải lên chính giữa tảng đá vàng, với ý nghĩ: “Kim thân đức Thế Tôn nhỏ bé quá, chỉ chừng ấy là đủ cho ngài an tọa!”Biết được tâm tư của Đế Thích, đức Phật vừa ngồi kiết-già thì thân tướng từ từ cao to, lừng lững, cao to hơn cả Đế Thích, ngồi vừa vặn trên tảng đá vàng! Đế Thích sợ hãi, biết oai lực của Phật nên đến quỳ năm vóc sát đất, đảnh lễ ngài và xin sám hối...
Trong lúc này, mọi người vẫn còn đang tụ họp xung quanh cây xoài. Họ mồn một thấy rõ đức Phật bước lên mây xanh rồi sau đó không còn thấy gì nữa. Chư phàm Tăng và hai hàng cận sự Nam nữ sợ đức Phật đi luôn nên lo ngại hỏi qua hỏi lại. Họ quây quần xung quanh hai vị đại đệ tử, với những câu hỏi dồn dập:
- Trên ấy là cõi nào vậy?
- Trên mây xanh mà cũng có người ở sao?
- Đức Tôn Sư có về lại không?
- Ngài đi luôn sao?
- Lúc nào thì đức Phật về?
- Lên cõi trời à? Cõi trời ấy ra sao? Các vị ở trên đó có nhân dạng, hình tướng như thế nào?
- Chắc là sung sướng hơn nhân gian cả vạn lần...
Suốt cả buổi chiều, các vị thượng thủ A-la-hán, các vị có thắng trí tại chỗ này, chỗ kia phải giải thích cho mọi người nghe hiểu. Tôn giả Ānanda được hỏi nhiều nhất nhưng đã có tôn giả Anuruddha và tôn giả Bhaddiya trả lời giúp.
Trong lúc ấy, một số rất đông thanh niên, là bằng hữu của nhau, đều là con nhà khá giả, có học thức trong kinh thành và ngoại ô Sāvatthī đồng quỳ xin tôn giả Sāriputta xuất gia tỳ-khưu. Biết nhân duyên quá khứ nhiệm mầu, tôn giả bảo họ kiếm tìm y bát, làm lễ xuất gia tập thể cho họ; sau đó tập trung họ ở một nơi, sâu trong rừng để tiện việc giáo giới, hướng dẫn đời sống tu tập [iv].
Lúc hội chúng tỳ-khưu giải tán, lần lượt trở về Kỳ Viên tịnh xá để làm lễ an cư – thì hai hàng cư sĩ, mọi người, cả ngoại đạo vẫn còn ở lại khá đông. Tôn giả Mahā Moggallāna phải quy tụ họ lại, giải thích cặn kẽ, đến tối mịt mới xong. Tuy nhiên, một số cận sự Nam nữ ở lại không chịu về, tôn giả Mahā Moggallāna, Ānanda, Mahā Kassapa... phải thay nhau thuyết pháp, hướng dẫn hội chúng tập thiền...
Và đúng như dự liệu của đức Phật. Trong lúc chư Tăng về an cư tại Kỳ Viên tịnh xá thì một số đông cư sĩ, họ “an cư” xung quanh gốc xoài, xế cổng kinh thành Sāvatthī. Thế là ngày hôm sau, anh em trưởng giả Cấp Cô Độc phải cho người dựng lều trại – vì mùa mưa sắp đến – cung cấp tất thảy mọi nhu cầu để cho họ yên tâm nghe pháp, học đạo, đợi ngày đức Thế Tôn trở về “hạ giới”.
Trong lúc ấy, tại tảng đá vàng - vốn là ngai vàng lộ thiên của Đế Thích thiên chủ - đức Thế Tôn với kim thân to lớn, chói sáng, ngồi kiết-già tĩnh tại, uy nghi như chúa trời của các vị chúa trời! Ngài phóng hào quang sáu màu, chập chờn từng đôi một, lan rộng ra, tỏa rộng ra, đầy tràn cả hư không, chiếu khắp mười phương thế giới. Chư thiên, phạm thiên các cõi trời dục giới, sắc giới... thấy hiện tượng lạ lùng, dùng thiên nhãn, thiên nhĩ lắng nghe, quan sát - biết sự có mặt hy hữu của đức Thế Tôn tại cung trời Đao Lợi. Với thời gian nháy mắt, chẳng ai báo với ai, chẳng ai hẹn với ai, đồng vân tập, đồng quy tụ về với những đám mây ngũ sắc chói ngời, rực rỡ... lớp trong, lớp ngoài, lớp trên, lớp dưới, trùng trùng, vô tận... đến đảnh lễ đức Thế Tôn. Trong đó có lệnh bà Mahāmayā, bây giờ là một vị thiên tử phước tướng cao sang, sống trong một biệt điện sung mãn phước báu tại cung trời Tusita (Đâu-suất). Họ cúng dường nhạc trời, hoa trời, hương trời... như một ngày hội lớn, hằng ngàn năm một thuở, triệu triệu năm một lần!
Sau khi biết ý định của đức Phật lên đây thuyết Abhidhamma để độ cho Phật mẫu, đồng thời giáo giới chư thiên, phạm thiên các cõi - Đế Thích thiên chủ xiết bao hoan hỷ nên ông đã thông báo cho thiên chúng, thiên nữ cả 33 cung điện đồng đến cúng dường, nghe pháp.
Trong không gian chói ngời châu báu và sực nức mùi hương, đức Phật sử dụng thần thông, sử dụng một loại ngôn ngữ đặc biệt pha trộn giữa thiên âm và phạm âm để ai cũng có thể nghe được. Ngài nói rằng, lệnh bà Mahāmayā, bây giờ là vị thiên tử ở Tusita - hiện đang có mặt ở đây - đã có ân đức rất lớn với Như Lai. Noi gương chư Phật quá khứ, nay Như Lai lên đây thuyết một thời pháp đặc biệt để báo đền ân huyết sữa. Sau đó, thể theo lời mời của vua trời Tusita, vị thiên tử hậu thân của lệnh bà Mahāmayā, được mời đến trình diện đức Thế Tôn. Chư thiên, phạm thiên, nhất là thiên nữ các cõi trời cất tiếng tán thán vang lừng, dường như họ hãnh diện rằng là trong giới nữ nhi, có bạn đã có đại nhân duyên, đại phước báu cưu mang, thọ sanh một vị Phật!
Biết thời gian không có nhiều [v], đức Phật đi vào thời pháp ngay tức khắc, trong đó có một âm thanh đặc biệt đi thẳng vào tai, vào tâm của vị thiên tử, hậu thân của lệnh bà Mahāmayā.
Ở các cõi trời dục giới, các loại ngũ trần [vi] đều tinh sạch, vi tế. Các cõi phạm thiên thì họ đã từ bỏ dục vật chất, chỉ sống nuôi mạng bằng các trạng thái tinh thần như hỷ, lạc, xả, thanh tịnh – nên thời pháp ở đây hoàn toàn khác biệt so với cõi người! Thế là một số cương yếu cốt lõi của Abhidhamma (Vi diệu pháp, thắng nghĩa pháp) đã được thuyết ở đây [vii], còn ở cõi người thì chỉ thuyết về Pháp và Luật. Lúc nói đến bố thí thì bố thí vật thực, y áo, sàng tọa, thuốc men. Lúc nói đến trì giới thì ngăn giữ sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, uống rượu. Và kinh, luật thường sử dụng những danh từ như người, trời, loài vật, hữu tình, tự ngã, đàn ông, đàn bà; hoặc làm như thế này là lành, tốt; làm như thế kia là xấu ác. Ngôn ngữ ở Abhidhamma hoàn toàn khác thế, nó chỉ nói về tâm, những sở hữu của tâm, những sắc pháp thô thiển hoặc tế vi. Nó chỉ nói tâm và tâm sở như thế này là thiện; tâm và tâm sở như thế kia là bất thiện... Và nếu tu tập theo lộ trình thiền tâm như vậy thì có các loại trí tương thích phát sanh như vậy, lần lượt xa rời được những kiết sử, phiền não... xuôi dòng chảy đến đạo lộ chân phúc, giải thoát, bất tử, Niết-bàn. Nhờ sử dụng ngôn ngữ đặc biêt, dụ ngôn, đoản ngôn đặc biệt – phù hợp với sắc thân vi tế, trạng thái tâm lý vi tế -  nên thiên chúng, phạm thiên chúng lãnh hội dễ dàng, có được ngay thành tựu và sở đắc. Vô lượng chư thiên, phạm thiên chứng quả; riêng vị thiên tử, hậu thân của lệnh bà Mahāmayā chứng quả Nhập Lưu (Sotāpanna –tu-đà-hoàn).
Có một việc rất lạ lùng và sâu nhiệm xảy ra ở đây, đang xảy ra lúc đức Phật thuyết pháp mà chẳng ai hay biết. Đấy là đức Phật thuyết trọn vẹn tạng Abhidhamma với thời gian rất ngắn (tương đương 3 phút 36 giây) mà ngài phải phân thân 90 lần (tương đương 90 ngày – 3 tháng ở địa cầu). Mỗi lần phân thân như thế - thì một hóa thân của ngài vẫn đang ngồi tại tảng đá vàng để thuyết pháp liên tục; còn thân thật thì ôm bát đi trì bình khất thực ở Bắc Cu-lu châu (Uttarakurudīpa), trở lại hồ Anotatta trong dãy Hy-mã-lạp sơn để tắm rửa, sau đó ghé rừng trầm bên bờ hồ thuyết lại tóm tắt bài pháp đã giảng cho tôn giả Sāriputta nghe – do có hẹn từ trước! Tôn giả Sāriputta lại bay về Kỳ Viên, sâu trong rừng để thuyết lại rộng rãi cho hội chúng tỳ-khưu đặc biệt mà ngài vừa cho xuất gia. Như vậy là hội chúng tỳ-khưu trẻ tuổi này đã được tôn giả Sāriputta thuyết giảng về Abhdhamma vào mỗi buổi chiều, suốt trong ba tháng như thế - là sở học mà ngài đã nắm bắt tóm tắt vào mỗi buổi trưa tại rừng trầm bên hồ Anotatta - từ đức Thế Tôn. 
Tại Sāvatthī, sau ngày tháng mưa lũ, nước dâng ngập phố phường, gió bão tràn về, rồi đến mưa dầm, mưa lạnh... làm cho hai hàng cư sĩ giàu tín tâm đợi chờ đức Phật phải gian nan khổ cực không xiết kể. Giường chiếu, chăn màn, vật thực, thuốc men... hai anh em ông trưởng giả chu cấp chu đáo, chỉ trở ngại những lúc nghe pháp, tọa thiền tập thể ở ngoài trời. Các vị tôn giả chăm sóc hội chúng cũng phải lao đao, vất vả theo; nhưng do năng lực tăng thượng tâm, các ngài vẫn an nhiên, tùy lúc, tùy thời... lúc ở Kỳ Viên, lúc màn trời, chiếu đất với hội chúng của mình chẳng quản ngại gì! Đức vua Pāsenadi, triều thần, hoàng gia lui tới - thấy, nghe, biết mọi chuyện; họ vừa kính trọng các vị trưởng lão vừa cảm phục tín tâm của chúng đồ. Thế là nhiều lần, rất nhiều lần, họ cũng đến dâng vật thực, hộ độ thuốc men cùng những nhu cầu khác. Càng đến ngày mãn hạ, tháng Kattikamāsa (9-10), thì sự đợi chờ càng náo nức. Tôn giả Mahā Moggallāna muốn làm cho tăng trưởng tín tâm của hai hàng cận sựNam nữ, ngài tuyên bố:
- Tôi sẽ lên cõi trời Đao Lợi tức khắc. Tôi sẽ thưa hỏi đức Tôn Sư để biết đích xác ngày, giờ, nơi chốn, địa điểm... ngài trở lại với chúng ta.
Nói xong, tôn giả biến mất tại chỗ và có mặt ngay tại tảng đá vàng. Thấy kim thân Phật to lớn lững lững giữa hư không, giữa thiên chúng, phạm thiên chúng cũng to lớn không kém gì; tôn giả nghĩ rằng, lẽ nào vị đại đệ tử lại quá nhỏ bé, trông chẳng “oai lực” chút nào – nên cũng hiện thân to lớn cho đồng với bối cảnh rồi đến đảnh lễ đức Phật.
- Này Mahā Moggallāna! Khỏi cần phải thưa bạch, Như Lai biết rồi - Đức Phật nói - Kể từ hôm nay, đúng 7 ngày nữa ở nhân gian, Như Lai sẽ về lại cõi người, tại bên trong cổng thành phố Sankassa, cách Sāvatthī 30 yojana (?) – vì Giáo Pháp của chúng ta cũng có duyên lớn với chúng sanh ở đấy!
Thế là đúng ngày Mahāpavāraṇā [viii], đức Phật như từ giữa hư không [ix], đặt bàn chân phải [x] xuống mặt đất tại cổng thành  Sankassa, thì được sự cung nghinh, đón tiếp cả một rừng người, cả một biển người. Ai cũng hớn hở, mừng vui. Có người thì chỉ đứng ngây ra để chiêm ngưỡng.
Lần lượt hai vị đại đệ tử, mấy chục vị thượng thủ trưởng lão đồng đến đảnh lễ Phật sau 90 ngày xa cách.
Đức Phật mở lời khen ngợi tôn giả Mahā Moggallāna, Mahā Kassapa, Ānanda... đã lao tâm lao lực chăm sóc hội chúng cư sĩ suốt trong ba tháng qua một cách rất chu đáo. Ca ngợi, sách tấn hai anh em ông trưởng giả Cấp Cô Độc đã hộ độ tứ sự đầy đủ cho mọi người. Đặc biệt đức Phật tán thán tôn giả Sāriputta đã có trí tuệ phân tích, tổng hợp để giảng nói, quảng thuyết tạng Abhidhamma cho hội chúng tỳ-khưu trẻ một cách rất có hiệu quả.
Thấy hội chúng cư sĩ, cư dân thành phố Sankassa sẵn có túc duyên - đức Phật thuyết một thời pháp cho tầng lớp, giai cấp nào cũng nghe được, hiểu được, tu tập được. Sau thời pháp, rất nhiều người có được niềm tin vững chắc, có người thấy mắt sáng, trí sáng, có người đắc quả Nhập Lưu. Riêng hội chúng tỳ-khưu của tôn giả Sāriputta thì đồng đắc quả A-la-hán.
Khi họ đến đảnh lễ đức Phật để bày tỏ sự tri ân tối thượng, ngài tuyên bố trước đại chúng rằng:
- Đây là những vị tỳ-khưu, những đứa con trai trẻ tuổi của Như Lai - Họ là những người kế thừa tạng Abhidhamma mà Như Lai đã thuyết ở cung trời Đao Lợi đấy!
Ai cũng biết khi đức Phật tuyên bố “Con trai của Như Lai”, là hàm chỉ vị ấy đã đắc quả A-la-hán. Hội chúng xôn xao, không biết nhân duyên mầu nhiệm như thế nào? Thế là các bậc có thắng trí, nơi này và nơi kia, phải kể tóm tắt chuyện quá khứ cho mọi người nghe...“Rằng là vào thời đức Phật Kassapa, có hai vị tỳ-khưu cứ hễ đến ngày đầu và giữa tháng đến một hang động để ôn tụng Abhidhamma. Trong động ấy có một bầy dơi sinh sống. Cứ nghe mãi, nghe hoài những âm thanh tụng đọc Abhidhamma, tâm của bầy dơi trở nên mát mẻ, trong lành. Hết kiếp ấy, bầy dơi không rơi vào bốn khổ xứ, cứ sinh lui, sinh tới cõi người và cõi trời. Đến thời đức Phật Gotama hiện tại, họ đều sinh vào các gia đình khá giả, xung quanh thành phố Sāvatthī này. Bây giờ do túc duyên viên mãn, họ xuất gia tỳ-khưu, được nghe Abhidhamma trở lại, họ lãnh hội rất nhanh rồi đắc quả A-la-hán. Sự mầu nhiệm xảy ra là do nhân, do duyên như vậy đấy!
[i] Một ngày, một đêm ở cõi trời Đao Lợi bằng 100 năm ở cõi người. Tuổi thọ ở đấy là 1000 năm, tương đương 36 triệu năm ở nhân gian. Một con tính, ta thấy, ba tháng ở nhân gian, theo phút giây bây giờ - chỉ là 3 phút 36 giây - ở trên ấy!
[ii] Cõi trời Đao Lợi ở trên đỉnh núi Sineru.
[iii] Tức Abhiñāṇa: Trí thần thông – hàm chỉ các trí trong Ngũ thông.(Vào định Tứ thiền, với nguyện lực, có thể để lại toàn thân xá-lợi lúc chết, không hủy nát. Cũng từ định Tứ thiền – chưa đắc quả Thánh - có thể tu tập ngũ thông: Thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm, túc mạng, biến hóa).
[iv] Chú giải ghi là 500 vị.
[v] Xem chú thích 27.
[vi] Hình sắc, âm thanh, hương, vị, xúc chạm.
[vii] Tây phương viết sử Phật giáo, đến hạ thứ bảy, đức Phật  thuyết Abhidhamma ở cung trời Đao Lợi, họ gọi là huyền thoại tôn giáo. Đôi nơi lại nói là truyền thuyết hoặc hư cấu của các nhà sư học giả đi sau. Riêng người viết, không biết tại sao lại tin điều này là có thật trong hiện thân siêu việt, bất khả tư nghì của một bậc Chánh Đẳng Giác! Tuy nhiên, có lẽ mới chỉ là cái cương yếu - sau này do tôn giả Sārīputta triển khai và các vị kết tập sư hệ thống lại.
[viii] Đại tự tứ - ngày chư tăng mãn hạ ba tháng an cư mùa mưa.
[ix] Thật ra, vua trời Đế Thích (Sakka), đã hóa hiện 3 chiếc thang bắc từ đỉnh núi Sineru xuống sát chân cổng thành Sankassa. Một chiếc thang ngọc ở giữa dành cho đức Phật, một chiếc thang bằng vàng bên phải dành cho Phạm Thiên cầm lọng trắng, một chiếc thang bằng bạc bên trái dành cho Đế Thích ôm bát theo hầu; và đi theo sau là vô lượng thiên chúng, cưu-bàn-trà, càn-thát-bà...tấu nhạc, rải hoa tưng bừng....(theo chú giải).
[x] Vì đặt bàn chân phải xuống trước, nên tại chỗ này, người ta thiết kế một cái đài kỷ niệm, xem là chỗ thiêng liêng, được đặt tên là Acalacetiyaṭṭhāna, như là một di tích lịch sử, để chiêm bái, phụng thờ.
Với đức vua Pàsenadi 
Trở lại Kỳ Viên, sau vài ba thời pháp sách tấn, khuyến hóa chư tỳ-khưu; đức Phật ân cần nhắc nhở các vị trưởng lão là nên phân bố chư Tăng rộng đường đi du hóa các nơi do thời tiết đã tạnh ráo. Đức Phật cũng bảo, là Kỳ Viên nên giữ lại chừng 1000 vị, nhất là số tỳ-khưu sơ tu còn quá nhiều tập khí; họ còn cần phải ở gần các vị trưởng lão, giáo thọ nhiều năm để bồi dưỡng pháp học, pháp hành.
Thế là sau đó, từng chúng, từng đoàn đảnh lễ đức Phật rồi y, bát lên đường. Quả thật, sau mùa an cư, họ là những cánh chim trời tự do, ra đi vì lợi ích cho nhiều người. Riêng đức Phật và một số trưởng lão phải ở lại, ra giêng, nắng ấm mới du hành – vì đây, đúng là thời có duyên với đức vua Pāsenadi, hoàng hậu, triều đình cùng các thành phần giai cấp khác trong quốc độ.
Mấy hổm rày, đức Phật dường như thường xuyên đón tiếp bà Mallikā, là chánh hậu của đức vua Pāsenadi (Ba-tư-nặc). Bà Mallikā là một phụ nữ đẹp đẽ, đoan chính, thông minh, hiền thục – bà chưa theo một tôn giáo nào. Từ khi hoàng thân Jeta (Kỳ-đà), dâng cúng rừng cây, cùng với đại triệu phú Cấp Cô Độc kiến lập Kỳ Viên đại tịnh xá để dâng cúng đức Phật và thập phương Tăng - thì bà đâm ra tò mò! Cái đạo ấy thế nào mà hấp dẫn ông hoàng keo kiệt ấy nhỉ? Trong một vài lần dùng cơm tại vương cung, hoàng thân Jeta không ngớt tán thán đức Phật cùng giáo pháp của ngài. Ông hoàng này lại còn không hết lời ca ngợi vị đại đệ tử, nào là thần thông vi diệu, nào là trí tuệ, nhẫn nhục...đều tuyệt vời, vô song! Rồi ông hoàng kể cho bà Mallikā nghe nhiều huyền thoại về đức Phật và tôn giả Sāriputta. Rồi chuyện mới đây, tại cổng thành Sāvatthī, bà nghe thị nữ kể lại chuyện thần thông cảm hóa ngoại đạo của đức Phật nữa. Chính đức vua Pāsenadi đã ra tận nơi, tuy hơi khách sáo nhưng cũng tỏ vẻ cung kỉnh. Bà quyết định đến gặp vị Phật ấy.
Đức Phật biết bà hoàng hậu này được đức vua Pāsenadi rất thương yêu và kính trọng; nhưng ngài lại lựa chọn cách đón tiếp rất giản dị là ở giữa vườn cây.
Thấy đức Phật tuổi tác chừng ngang bằng đức vua Pāsenadi nhưng tướng hảo quang minh hơn nhiều. Đức Phật cao lớn, phương phi, nước da ngời sáng, mạnh khỏe – còn đức vua của bà thì mập phệ, béo tròn, đi đứng đã bắt đầu phục phịch, nặng nề rồi!
Sau khi chào hỏi xã giao, bà ngồi trên chiếc ghế thấp đã được soạn sẵn, hỏi đức Phật quan niệm như thế nào về hạnh phúc đời người; và quả thật có hạnh phúc thật sự trên cuộc đời này không?
- Nó có đấy, thưa lệnh bà! Đức Phật nói – nhưng theo Như Lai biết và thấy - thì nó bấp bênh, chông chênh, giả tạm, thoáng có, thoáng mất, thay đổi, biến hoại... đúng như tính chất của Pháp!
- Pháp – tính chất của Pháp, từ này tôi chưa nắm bắt được ngữ nghĩa của nó, thưa đức Thế Tôn!
“Pháp” - thế là đức Phật bắt đầu giảng nói về bản chất của tất cả pháp hữu vi, bất cứ cái gì được cấu tạo, kết hợp đều chịu chung định luật vô thường, không có tự tính, không có ngã tính như thế nào! Ngay cả các quan niệm, ý nghĩ, cả các trạng thái tâm lý như buồn vui, thương ghét, khổ lạc cũng chịu chung định luật ấy – nên nó đưa đến dukkha! Rồi đức Phật thuyết rõ cho bà nghe về dukkha - khổ đế - nó chi phối tất thảy chúng sanh trong ba giới, bốn loài... như thế nào!
Buổi gặp gỡ đầu tiên là như vậy. Vài ba hôm sau, bà chánh hậu Mallikā lại đến Kỳ Viên, và lúc nào cũng chỉ vài thị nữ theo hầu. Thỉnh thoảng có thêm hoàng thân Jeta, vì lệnh bà lại thuyết phục hoàng thân nên đi nghe pháp, vì pháp hay lắm! Lần này, đức Phật chưa thuyết về nguyên nhân dukkha (tập đế), mà ngài nói đến các cảnh trời, thuận thứ những cái gọi là “hạnh phúc” từ thấp lên cao, nhân và quả, tâm và cảnh như thế nào. Buổi khác, đức Phật lại thiện xảo mở ra cảnh giới cao hơn, về những chúng sanh xem các dục vật chất là hạ liệt, thấp kém; họ đã tu tập và thành tựu những hạnh phúc tinh thần, cao hơn hạnh phúc vật chất không biết bao nhiêu mà kể...
Thấy căn trí và duyên với bà chánh hậu có thể bước cao hơn, đức Phật nói đến những hạnh phúc của các cõi trời vô sắc – là những hạnh phúc rất thanh lương, rất vi tế - mà mọi người trên cõi đời này không thể quan niệm, khái niệm về nó được. Tuy nhiên, cả ba cõi ấy vẫn còn trầm luân, sanh tử. Cứu cánh giáo pháp của Như Lai là giải thoát tất thảy mọi ràng buộc trong ba cõi. Và muốn tu tập thì phải có chánh kiến như thế nào, lộ trình như thế nào. Đến đây, đức Phật mới giảng rộng về tập đế và con đường tu tập (đạo đế), để chấm dứt tất thảy mọi đau khổ, phiền não trên cuộc đời.
Vào cuối buổi giảng lần thứ sáu, bà chánh hậu đắc pháp nhãn, có niềm tịnh tín bất động, bất thối với con đường. Bà đã bước được bước chân đầu tiên vào giáo pháp bất tử.
Trở về cung mà tâm bà còn hoan hỷ, nhẹ lâng lâng. Bà thuyết phục đức vua Pāsenadi:
- Bệ hạ nên đến đức Thế Tôn để nghe pháp một lần đi!
Đức vua mỉm cười:
- Vị ấy có nhiều thần thông lực, phải vậy chăng?
- Đồng ý là vậy, nhưng ý tiện thiếp muốn nói là giáo pháp kìa! Giáo pháp giác ngộ đấy!
Đức vua có vẻ nhíu mày:
- Ý nàng nói là vị ấy đúng là một vị Phật? Một vị Đại A-la-hán thật sự trên đời này?
- Chắc hẳn vậy rồi.
Ngẫm ngợi một lát, vua hỏi:
- Hậu có biết xuất thân của vị ấy không?
- Thưa biết! Nhưng đâu cần phải lý lịch hoặc xuất thân?
- Cần thiết chứ! Rất cần thiết tổ tông, dòng máu di truyền là khác! Ông ta là thái tử con vua Suddhodāna, bộ lạc Sākya, một vương quốc hiền hòa, nhỏ bé, chư hầu nhiều đời của Kosala! Từ xưa đến nay, dòng dõi sát-đế-lỵ - như chúng ta - chỉ xuất sinh những tướng quân, những minh quân vĩ đại - chứ không có trường hợp xuất sinh những sa-môn, những bà-la-môn, những giáo chủ vĩ đại!
Ngừng một lát, vua tiếp:
- Như thế, một vị Phật phải được xuất sinh từ dòng dõi bà-la-môn chính thống, trẫm mới tin được. Lại nữa, một vị Phật, ít ra thì tuổi tác cũng cỡ như các giáo chủ Makkhali Gosāla, Pakudha Kaccāyana,  Nigaṇṭha Nāṭaputta,  Ajita Kesambala, Sañjaya Velaṭṭhaputta kia chứ? Ông ta còn trẻ quá! Chỉ bằng tuổi trẫm là cùng!
Nói thì nói vậy, nhưng thấy hoàng hậu vốn là người có trí, lại không dễ dàng đặt đức tin không đúng chỗ; và hoàng thân Jeta cũng vô cùng  kính phục, đã nói mãi, thuyết phục mãi, nên đức vua quyết định đến thăm.
Đức Phật tiếp ông vua uy danh hiển hách này cũng ở ngoài vườn cây, trong lúc đang đàm đạo với các trưởng lão. Đức Phật ngồi trên tảng đá lót tấm nệm cỏ, các vị trưởng lão như Sāriputta, Mahā Moggallāna, Koṇḍañña, Vappa, Mahā Kassapa, Uruvelā Kassapa, Bhaddiya, Ānanda... ngồi xung quanh lác đác trên những tấm nệm cỏ ở những vị trí thấp hơn...
Thoáng nhìn, đức vua đã suy giảm một phần nào ngạo khí. Vì, tuy đức Phật trẻ tuổi - nhưng trong nhóm đệ tử của người, ai cũng toát ra vẻ đẹp tuyệt vời của nhân tướng học; lại nữa, còn có mấy vị trưởng lão tuổi tác còn cao hơn cả các giáo chủ ngoại đạo (Koṇḍañña, Uruvelā Kassapa), trông vừa tiên phong đạo cốt vừa toát ra vẻ thông thái của các bậc hiền triết!
Sau khi chào hỏi xã giao, đức Phật bảo đặt một chiếc ghế thấp cho vua ngồi. Sự tế nhị đầu tiên ấy làm đức vua cảm kích – vì ông mập quá, không thể ngồi trên tấm nệm cỏ dễ dàng được.
Đức Phật mở lời trước:
- Thật hân hạnh cho tịnh xá Kỳ Viên, được một đức vua trẻ tuổi, vĩ đại đến thăm!
- Không dám đâu, thưa sa-môn Gotama! Ngài cũng trẻ tuổi và vĩ đại như vậy - chỉ nhìn thoáng qua hàng cao đệ xung quanh đây là đủ biết! Chưa nói đến sa-môn Gotama đã hiển lộ thần thông lực cho thế gian mở rộng tầm mắt!
Đức Phật mỉm cười:
- Như Lai nhớ không lầm thì đại vương lên kế vị ngôi vua vào năm hai mươi sáu tuổi, và chỉ hai năm sau là đại vương đã trở thành một vị vua vĩ đại – mà vẫn rất trẻ, tuổi còn rất nhỏ!
Đức vua rất bằng lòng với câu nói này. Nhưng sau đó thì giật thót mình – dường như đức Phật biết là nhà vua chê đức Phật còn trẻ tuổi, qua câu chuyện với hoàng hậu Mallikā! Tuy nhiên, không giấu được sự thắc mắc trong lòng, đức vua hỏi:
- Thưa sa-môn Gotama! Có gì không phải xin sa-môn bỏ quá cho! Rằng là, có phải sa-môn Gotama đã từng tuyên bố trước hội chúng, nơi này và nơi kia, là sa-môn đã chứng đắc Vô thượng giác – như là một đức Chánh Đẳng Giác trên đời này?
- Đúng vậy! Như Lai đã từng tuyên bố như vậy!
- Trẫm biết rằng, các sa-môn, các bà-la-môn thượng thủ, các giáo phái chủ, giáo phái sư – khi được trẫm hỏi như vậy thì họ không khẳng định, không phủ định, chỉ trả lời ởm ờ, vòng quanh. Nay, làm thế nào mà sa-môn Gotama lại dám tuyên bố như thế khi tuổi còn quá trẻ và xuất gia cũng chưa được bao lâu?
- Đại vương biết không - đức Phật tiếp lời – Có bốn cái nhỏ, rất nhỏ nhưng không được coi khinh, xem thường, đó là: Một ấu hoàng, một con rắn nhỏ, một đốm lửa nhỏ, một sa-di nhỏ!
Đức vua thừa thông minh để biết đức Phật đang ám dụ mình đây, cảm thấy vui trong lòng, nhưng ngoài miệng thì nói:
- Xin cho được nghe!
- Một ấu hoàng - Đức Phật chậm rãi nói - lớn lên, làm vua, nếu là xấu ác thì có thể quấy đảo cả thiên hạ, làm cho muôn dân phải đau khổ; nếu là hiền thiện thì có thể trở thành một đấng minh quân, đem lợi lạc và an vui cho nhiều quốc độ. Một con rắn nhỏ cũng không được coi khinh, vì biết đâu đấy là rắn chúa mà chỉ một tí nọc độc của nó có thể làm chết cả một con voi to. Một đốm lửa nhỏ cũng cần phải cẩn thận – vì nó có thể lây lan thiêu đốt nhà cửa, vườn rừng. Một sa-di nhỏ cũng có thể đắc quả A-la-hán, thành tựu tâm giải thoát, tuệ giải thoát cùng các thắng trí! Vậy Như Lai khuyên đại vương là đừng nên xem thường, coi khinh những cái nhỏ, rất nhỏ vậy!
Đức vua Pāsenadi, bây giờ, xác định rõ là đức Phật đã tế nhị răn dạy mình. Nhìn lướt qua các vị trưởng lão, vị nào cũng bình tịnh, an nhiên – và ai cũng phảng phất nụ cười, dường như họ đều đã biết nguyên nhân câu chuyện.
“Ôi! Đây đúng là những con người minh triết trong một giáo hội minh triết! Ôi! Còn chần chờ gì nữa mà không tìm chỗ nương tựa cho đời mình!” Nghĩ thế xong, đức vua Pāsenadi, thay đổi tư thế, quỳ mọp xuống:
- Đức Thế Tôn đã mở sáng con mắt cho trẫm. Vậy cho trẫm được quy giáo đức Đạo Sư cùng với giáo hội minh triết này!
Đức Phật lại mỉm cười:
- Đại vương có vội vã quá không? Đã suy nghĩ chín chắn, chu đáo chưa? Dường như đại vương còn thắc mắc về dòng dõi sát-đế-lỵ của Như Lai nữa đấy!
Đức vua quỳ lạy một lượt nữa, sau khi sợ hãi nói: “Đệ tử không dám ạ!”.
Việc đức vua Pāsenadi quy giáo đức Phật giản dị như vậy đấy, chỉ qua một lần đối thoại như vậy đấy! Nhưng là một biến cố trọng đại đối với nước Kosala.
Vốn là con trai trưởng của đức vua Mahākosala hiển hách và lừng danh, Pāsenadi được vua cha gởi đi du học ở viện đại học Takkasīla, thủ đô Gandhāra. Đây là cơ quan giáo dục lớn nhất, quan trọng nhất, uy tín nhất với chương trình đào tạo nghiêm túc, phong phú, có chất lượng đầy sức thuyết phục, hấp dẫn tuổi trẻ tri thức trong mọi quốc độ. Các giới cấp cao sang trong xã hội như bà-la-môn, sát-đế-lỵ mới đủ điều kiện cần thiết vì học phí rất cao; tuy nhiên, các sinh viên nghèo, có chí vẫn có thể theo học được bằng cách phục vụ lao công cho trường, cho lớp, cho thầy dạy học. Ngoài các môn triết lý, thần học [i], sinh viên còn phải đi chuyên sâu về các môn thế học như luật pháp và chính trị; các học nghệ cần thiết, thực tiễn cho xã hội như y khoa, luyện voi, đấu kiếm, bắn cung... [ii] Sau bảy năm trở về, đức vua Mahākosala bổ nhiệm chức vụ thống đốc thành phố Kāsi để xem xét tài lãnh đạo của Pāsenadi như thế nào. Khi vua cha mất, ông về kế vị ngôi vương, mà trong huynh đệ, không ai có thể suy bì được [iii] Lúc ấy ông mới hai mươi sáu tuổi mà phải cai trị một vương quốc khá rộng lớn với những tranh chấp phức tạp giữa các tiểu vương chư hầu. Được biết rằng, thủ đô Sāvatthi chỉ ước chừng 350 ngàn dân, nằm trong một vuông đất mỗi bề chỉ một phần tư do tuần. Và ngay chính lãnh thổ Kosala cũng không rộng lớn lắm, chỉ ước chừng 40-50 do tuần theo hình bầu dục, khoảng ba triệu người. Nhưng địa giới thuộc quyền ông làm chúa tể, được vua cha giao lại – thì kéo dài từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam. Điểm cực Tây là sa mạc, cả cao nguyên Tarai, Tây Bắc giáp giới Gandhāra. Phía Đông chạy dài bao gồm luôn các bộ tộc Sākya, Koliya, Moriya, Malla và cả Kālāma. Phía Nam xuống tận sông Gaṇgā, chạy song song với thượng lưu con sông này, giáp với Đông Bắc Bārāṇasī, tiếp tục theo hướng Tây Bắc, ôm luôn con sông Sadānīra rồi vòng trở lại khởi điểm. Cơ cấu hành chánh cũng đã có sẵn từ trước, ông chỉ kế thừa. Hệ thống quản lý điều hành thì có các quan chức đại thần lão niên quen việc, biết việc từ thời vua cha. Đức vua Pāsenadi trẻ tuổi rất khó chịu bởi các vị công thần này. Tín nhiệm quan đại thần Ugga thì quan đại thần Ārohanta ganh tỵ. Phải tìm cách liên kết họ lại thì mọi vấn đề chính trị, hành chánh đều suôn sẻ. Nhưng chính hai vị này thì nói xa nói gần, bóng gió rằng coi chừng viên thống tướng Bandhula nắm binh quyền sẽ tiếm ngôi! Chưa hết! Cứ mỗi nước chư hầu, vua phải bổ nhiệm một vị tướng giỏi, vừa mang chức năng đại sứ toàn quyền vừa mang chức năng giám sát các thuộc quốc. Cả một mạng lưới điệp viên, tình báo bủa khắp mọi nơi làm tai mắt cho triều đình trung uơng! Nếu không bản lĩnh, trí tài thì làm sao cai trị được một đế quốc như thế!
Khi còn làm thống đốc thành phố Kāsi, ông yêu thương một cô gái con người làm tràng hoa, lúc đăng cơ xong, ông phong làm chánh hậu – là bà Mallikā - mặc cho triều thần phản đối cô ấy thuộc giai cấp thấp kém. Về sau, đức vua còn có ba vương phi khác, đó là Ubbīrī và hai chị em Somā và Sakulā [iv] , nhưng đức vua đặc biệt sủng ái chánh hậu Mallikā. Bà là một cô gái diễm lệ, hiền thục, khéo léo luôn cận kề săn sóc an ủi ông, mỗi khi triều chính mệt mỏi. Vua rất quý trọng bà về tư cách xử sự, trí thông minh - nên hay hỏi ý kiến bà về việc dùng người, thái độ khoan nhượng hoặc cứng rắn đối với chư hầu cũng như những điều lệ cương, nhu trong chính sách cai trị. Ông thấy rõ cái tệ nạn giai cấp làm ngăn cản bước tiến của xã hội, ngăn chặn sự tiến thân của rất nhiều thanh niên trí thức của các giai cấp dưới. Tại đại học Takkasilā, ông quen thân một số thanh niên Vesa (Vệ-xá), Sudrā (Thủ-đà-la), chăm ngoan, hiếu học. Và ông đã không ngần ngại bổ nhiệm họ vào các chức vụ trọng yếu như phụ tá chánh án hoàng gia, quản lý kinh tế thành phố này hay thành phố khác. Bảy năm học tập, hai năm làm thống đốc, trí óc ông sắc bén do quen suy tư, thẩm xét từ nền tảng kiến thức triết học cũng như kiến thức thần học có sẵn. Dầu là giai cấp nào, tôn giáo, hệ phái nào cũng đều là thần dân của ông, phải biết tôn trọng và có chính sách trung dung phải lẽ, không được ngã bên này hay bên khác. Mười mấy năm cai trị, triều đại của ông vững mạnh, đời sống xã hội phồn vinh, các nước chư hầu đều thần phục. Chỉ có nước Māgadha là ở quá xa, cũng là một đế quốc hùng mạnh tương đương, xét ra là một hiểm họa tranh đoạt thiên hạ với ông. Tuy nhiên, việc ấy, vua cha đã nhìn xa trông rộng rồi, đã gã cô công chúa – Kosaladevi - em của Pāsenadi cho đức vua Seniya Bimbisāra, để tạo mối thân tình. Đức vua Seniya Bimbisāra cũng không thua gì ông về mọi lãnh vực, lại đạo đức, hiền thiện rất đáng tin cậy. Mười mấy năm nay không có chiến tranh lớn, chỉ có vài bộ lạc nhỏ nổi loạn đòi tự trị, đòi độc lập - chỉ một viên tướng nhỏ cầm quân là có thể dẹp yên. Nhức đầu nhất là bọn cướp thường xuất hiện như ma, biến mất như quỷ, luôn quấy rối địa phương này và địa phương khác. Tăng cường binh bị, quốc phòng chưa cần thiết lúc này – nhưng phải bổ sung binh lính tuần tra đem lại an bình cho muôn dân khắp hang cùng, ngõ hẻm.
Như vậy đó! Một đức vua vĩ đại như thế mà quy giáo sa-môn Gotama là tiếng sét đánh thứ hai, sau tiếng sét thứ nhất là đức vua Seniya Bimbisāra! Các giáo phái khác bàng hoàng, khó chịu và ganh tỵ.
Hôm kia, đức vua Pāsenadi nằm thấy mộng dữ, cảm thấy lo sợ [v]. Một vị lão thần bà-la-môn đoán mộng, bảo là sắp có chuyện chẳng lành xảy đến cho đức vua – nên giết cừu, dê, trâu, bò mỗi loại 700 con - tế lễ thần linh để tránh họa. Nghe lời, vua truyền sắm lễ vật, tế vật theo nghi thức truyền thống của đạo bà-la-môn là phải hy sinh hằng ngàn sinh linh trong cuộc đại tế này. Hay tin, hoàng hậu Mallikā lật đật đến can gián, khôn ngoan và sáng suốt khuyên vua đừng vội giết vật, nên đến thỉnh thị ý kiến của đức Phật xem sao. Nghe lời, đức vua đến Kỳ Viên hầu Phật, kể lại giấc mộng dữ của mình, mong được đức Phật tìm cách hóa giải tai họa.
Đức Phật nói:
- Hãy bình tĩnh, đại vương! Rồi Như Lai sẽ giải trừ tai họa cho! Bây giờ đại vương cho Như Lai được hỏi, khi mình giết một vật, cho đầu rơi, máu chảy – thì lúc ấy, tâm mình là lành, tốt hay là xấu, ác?
- Tâm giết vật, sát vật thì làm sao mà lành, tốt được!
- Cảm ơn đại vương đã hiểu. Bây giờ cho Như Lai được hỏi tiếp - Giết một sanh mạng là xấu ác, giết một ngàn sanh mạng thì xấu ác tăng lên một ngàn lần. Chẳng lẽ nào lấy một ngàn lần xấu ác ấy - để cầu nguyện, để van vái thần linh giải trừ tai hoạ cho đại vương? Chẳng lẽ nào chúng ta có thể gieo một nhân đắng - một ngàn nhân đắng, lại có thể thu hoạch được một trái ngọt, một trái lành được sao? Đại vương là bậc có trí, hãy trả lời cho Như Lai nghe với nào?
Đức vua Pāsenadi thất sắc, nín lặng.
- Lại nữa – đức Phật tiếp - Nếu có thần linh, thì thần linh là một loại chúng sanh tiến hóa bậc cao, có phước báu thù thắng hơn cõi người. Chẳng lẽ nào, các vị thần linh ấy lại thích hưởng thụ đầu súc vật, máu súc vật do đại vương dâng cúng? Nếu quả có loại thần ấy – thì nó còn tệ mạc, hạ liệt, thấp thỏi hơn con người - là quỷ dữ, là ác thần, là ác dạ-xoa đấy! Bọn quỷ xấu ác, thiếu phước ấy lại có thể hộ trì, giải trừ tai họa cho đại vương được sao?
Nghe đến ngang đây, đức vua cảm thấy trí sáng, thông suốt được vấn đề:
- Xin đức Tôn Sư cho đệ tử được nghe tiếp!
- Vậy thì phải làm ngược lại, tâu đại vương! Nghĩa là phải tác ý, phải khởi tâm làm một việc lành, tốt, một ngàn việc lành, tốt. Và chính nhờ năng lực một ngàn việc lành tốt kia thì tức khắc tai họa, nếu có, sẽ tự động được giải trừ!
- Đệ tử hoàn toàn lãnh hội, đã hoàn toàn thấy rõ sự sai lầm của sự tế vật. Nhưng vừa rồi, đức Tôn Sư có sử dụng từ điều kiện cách, “nếu có”, đệ tử chưa hiểu rõ lắm!
- Đúng vậy! Đức Phật gật đầu- Như Lai thấy rõ rằng, chưa chắc đã có tai họa gì! Vì chiêm bao là lúc trạng thái tâm, trạng thái trí chập chờn, mơ màng - ở đấy là do các“tưởng” [vi] đúc kết, vẽ vời không trung thực các hình ảnh hiện tại, quá khứ, vị lai mà thành! Có thể nó là lành tốt, có thể nó là xấu ác - các nhà chiêm tinh gia đoán mộng, từ xưa đến nay - họ cốt ý để mưu sinh, để kiếm tiền nhiều hơn là có lòng tốt với khổ chủ!
- Nếu nó xấu ác thật sự thì sao, thưa đức Tôn Sư!
- Thì nên làm một ngàn điều lành, tốt để giải trừ - hay nên làm một ngàn việc xấu ác để tăng thêm tội thì tùy ý đại vương vậy!
Với cách đặt vấn đề thiện xảo như vậy, trí tuệ như vậy - đức Phật đã làm cho đức vua biết cách bố thí, trì giới, làm các công đức, thiện sự, phước sự... sau này! Ngay ngày hôm sau, đức vua cung thỉnh đức Phật và hội chúng 1000 vị tỳ-khưu làm một cuộc cúng dường lớn tại cung điện. Đức Phật và chư Tăng đã đọc kệ phúc chúc, mong rằng với phước sự ấy, đức vua được tai qua nạn khỏi. Và quả thật, mấy ngày sau đó, đức vua cảm giác được an lành; và một làn gió mới, trong trẻo len vào đời sống tâm linh của nội cung, nội viện và cả triều thần. Hoàng hậu Mallikā là người sung sướng nhất – vì bà đúng là người bạn đời hiền thiện, cao quý, đã sáng suốt, đã dịu dàng đưa cánh tay hoa sen của mình dẫn dắt ông vua chồng quyền uy hiển hách đi vào chánh đạo!
Đức Phật biết là đã đặt được nền móng giáo pháp vững chắc tại kinh đô này, quốc độ này; ngài lại chuẩn bị đi du hóa phương khác.
[i] Hàm chỉ các môn phổ thông đương thời, như nghiên cứu triết lý vệ-đà, kỹ năng tế lễ, chú thuật, văn phạm, ngữ pháp...
[ii] Xem Đức Phật lịch sử của H.W. Schumann, Trần Phương Lan dịch, tr.257, NXB T/P HCM, năm 2000.
[iii] Đức vua Mahākosala có khá nhiều vương phi, thứ hậu – 30 vương tử Kosala được đức Phật hóa độ tại rừng Kappāsīya là con của các bà này.
[iv] 10 năm sau, vua Pāsenadi muốn được thân tình với dòng dõi Sākya của Phật -  mới xin cưới thêm vương phi Vāsabhakkhattiyā, cô công chúa con vua Mahānāma với nàng nữ tỳ - sinh ra thái tử Viḍūḍabha, là người nổi loạn chống vua cha và tiêu diệt dòng Sākya sau này.
[v] Mahā Supina Jātaka.
[vi] Tri giác – Saññā.
Cuộc luận chiến về chiêm tinh 
Đức Phật và hội chúng đang chuẩn bị khởi hành thì đức vua Pāsenadi lại tìm đến Kỳ Viên lúc trời còn mù sương. Nhìn thấy đôi mắt thâm quầng của vị minh quân, đức Phật hướng tâm, biết chuyện gì đã xảy ra.
Sau khi mời an vị xong, đức Phật nói:
- Đại vương lại mất ngủ suốt đêm qua rồi!
- Thưa, đúng vậy!
- 16 giấc mộng kia lại tìm đến?
- Thưa, đúng vậy!
- Nó đến không nhanh, không chậm - mà ngay sau khi được sự bàn ra, tán vào của các lão quan tinh thông chiêm tinh, thuật số ở bên cạnh đại vương!
Đức vua Pāsenadi ngạc nhiên, mở lớn đôi mắt:
- Hóa ra đức tôn sư đã biết rồi! Và ông bắt đầu tâm sự - Đệ tử sau khi nghe pháp, bố thí lớn, cúng dường lớn đến đức tôn sư và đại chúng - đệ tử cảm giác được an lành, yên ổn. Tuy nhiên, chỉ được mấy hôm, một số lão trượng bà-la-môn đại thần có thẩm quyền về chiêm tinh nhất, đến gặp đệ tử, nói rằng: Việc đại vương bố thí, cúng dường, ấy là việc tốt, nên làm; nhưng việc đoán mộng, giải mộng - đại vương cũng không nên bỏ qua, chớ nên thất lễ với thần linh - vì đấy là trí khôn, kinh nghiệm được tích lũy cả hàng ngàn năm nay, chẳng lẽ nào... Thế xong, họ bỏ lửng câu nói. Nhưng mà đệ tử biết, họ muốn ám chỉ đức tôn sư...
Đức Phật mỉm cười:
- Ý họ nói, Như Lai không thể thông thái hơn trí khôn cả hàng ngàn năm cộng lại?
Đức vua im lặng, như thú nhận điều ấy là đúng.
- Lại còn có ý nói rằng, Như Lai chưa từng có thẩm quyền gì về chiêm tinh, về việc đoán mộng, giải mộng cả?
- Quả thật, họ đã có hàm chỉ như thế nhưng không dám nói - vì họ biết, đụng đến đức tin của đệ tử, của một ông vua, họ sẽ bị tội chém đầu!
Chậm rãi, tự tại, đức Phật nói:
- Đại vương cứ yên tâm. Về lãnh vực chiêm tinh, thuật số - Như Lai chưa từng biết, chưa từng thấy trên thế gian này có ai nghiên cứu tới nơi tới chốn bằng Như Lai. Như Lai còn đọc được cả những ký hiệu ngôn ngữ cổ xưa còn lưu lại nơi những tấm thẻ đồng, thẻ vàng trong điện thờ tại Kapilavatthu. Vậy, đối thoại về lãnh vực chiêm tinh, không cần đến Như Lai, chỉ cần hai vị đại đệ tử của Như Lai thôi, cũng đã là bậc thầy của tất thảy chiêm tinh gia trên toàn cõi châu Diêm-phù-đề này!
Nghe nói vậy, đức vua Pāsenadi vô cùng sung sướng, nở mặt, nở mày; ông dè dặt hỏi:
- Vậy thì sẽ có cuộc đối thoại, luận chiến về chiêm tinh để cho các vị bà-la-môn chiêm tinh kia sáng mắt ra, bạch đức tôn sư?
- Đúng vậy!
- Và đức Thế Tôn sẽ dạy cho họ một bài học?
- Không cần thiết! Một Sāriputtta hoặc một Moggallāna của Như Lai là đủ rồi!
- Vậy thì đệ tử sẽ bảo họ đến đây, tại Trúc Lâm đại tịnh xá để họ luận chiến về chiêm tinh, về 16 giấc mộng của đệ tử với hai bậc thượng thủ của giáo hội!
Đức Phật xuyên sâu vào tâm lý, hiểu rõ cả tóc tơ của vấn đề, nói rằng:
- Hãy tạo sự ưu tiên và thuận lợi cho các nhà chiêm tinh, này đại vương! Như Lai sẽ bảo hai vị đại đệ tử đến ngay trên đất của họ, chỗ quen thuộc của họ! Nếu mà họ đến Trúc Lâm - thì mọi thuận lợi, chúng ta đã chiếm hết tiên cơ mất rồi!
Xiết bao cảm phục, đức vua nói:
- Vậy thì ngay chiều nay, tại hoàng cung, đệ tử sẽ cho tổ chức một cuộc hội thảo về chiêm tinh. Một bên là các lão quan chiêm tinh, một bên là hai vị thượng thủ của giáo hội. Từng giấc mộng một, đệ tử sẽ kể lại, sau đó là nghị luận, luận giải của hai bên... Có hoàng gia và triều thần làm quan khách...
- Ừ! Quan khách sẽ có thêm một số đông tỳ-khưu trưởng lão nữa; và chính Như Lai chỉ ngồi lắng nghe!
Thế rồi, chiều hôm đó, tại hoàng cung, không khác gì một buổi thiết triều nhưng có thêm sự tham dự của đức Phật và 100 vị A-la-hán đứng đầu giáo hội. Đức vua muốn bố cáo chuyện này một cách rộng rãi - nên ngoài triều thần, vua đã cho mời thêm một số nhân vật tai mắt trong kinh thành; đấy là các giáo phải chủ, giáo phái sư, các bà-la-môn đạo sĩ hữu danh, các đại triệu phú, các đại doanh gia, đại diện các nghiệp đoàn; nghĩa là đại diện đầy đủ các giai cấp trong xã hội...
Vị quan phụ trách nghi lễ, khánh tiết đã được tôn giả Sāriputta hướng dẫn cho cách sắp xếp các chỗ ngồi cho đức Phật và tăng chúng, để làm sao tránh được hai cực đoan: Không nên quá kiểu cách, xa hoa như ở cung đình mà cũng không nên quá giản dị, xuề xòa như tại tịnh xá Kỳ Viên.
Hiểu ý đức Phật, đức vua Pāsenadi bỏ qua tất thảy mọi nghi thức. Vị đại lão thần bộ lễ (tương tự thượng thư bộ lễ), tuyên bố lý do, đại ý nói rằng, vì những điềm triệu xảy ra trong giấc mộng của đức vua, liên hệ đến sức khỏe, tai nạn, bệnh tật, tuổi thọ của ngài - đồng thời còn liên hệ đến sự an nguy, khổ vui cho bá tánh và cả quốc độ - nên triều đình đã đứng ra tổ chức buổi hội thảo rộng rãi hôm nay. Một bên là hai vị đại đệ tử của đức Phật, một bên là các lão quan chiêm tinh. Đức vua tối cao của chúng ta lần lượt thuật lại các giấc mộng. Hy vọng rằng, với trí tài, với thông tuệ, học sâu, hiểu rộng của các bậc đại trí thức - các ngài sẽ đoán mộng, giải mộng cho đức vua - trên tinh thần học thuật một cách nghiêm minh, chân xác, khách quan, trung thực để đem lại lợi ích chung cho toàn xã hội...
Nội dung buổi hội thảo, sau đó, diễn ra như sau.
Đức vua kể:
- Trẫm thấy bốn con bò đực có sừng, sắc đen tuyền từ bốn hướng, chạy vào sân chầu với vẻ muốn đánh nhau. Thế rồi, dân chúng từ bên ngoài đổ xô đến xem. Nhưng bốn con bò chỉ ra bộ giận dữ, vần qua đảo lại, đạp đất, rùn  mình, nghinh sừng ... ra oai một hồi rồi bỏ đi - chứ không đánh nhau. Đấy là giấc mộng thứ nhất của trẫm. Các lão quan chiêm tinh trước đây bảo là điềm xấu; bây giờ trước tất thảy mọi người, hãy cho trẫm biết, xấu là xấu như thế nào?
Một vị đứng dậy, tâu:
- Theo thần được học thì giấc mộng này báo triệu hai điều có thể xảy ra, đều là điều xấu! Nhưng nay nhờ có thần linh đã mách bảo cho đại vương để đại vương tìm cách giải nạn vẫn còn kịp thời. Thứ nhất, bốn con bò đen tuyền, có sừng, từ bốn hướng chạy vào sân chầu, ra oai muốn đánh nhau - ở đây muốn ám chỉ bốn lực lượng mạnh mẽ (có sừng) từ bốn phương của quốc độ, sẽ kéo quân về triều đình, có lẽ do quyền lợi, quyền lực, danh vọng gì đó nên đã đấu khẩu, tranh cãi lẫn nhau. Còn dân chúng thì bàng quan đứng xem, không can thiệp, vì đây là việc nội bộ của triều đình. Thứ hai, bốn con bò đực có sừng, từ bốn hướng vào sân chầu - cũng tượng trưng cho đất nước lửa gió, 4 sức mạnh của ngoại khí sẽ đe dọa bệnh tật, ốm đau cho bệ hạ. Thưa, đấy là thần đã giải đoán cái mộng thứ nhất là như vậy.
Vị quan bộ lễ cất tiếng hỏi:
- Các ngài trong bộ chiêm tinh, có bổ túc gì nữa không?
- Thưa không, đủ rồi!
Hướng qua hai vị đại đệ tử, vị ấy thưa:
- Bây giờ đến phiên giải mộng của giáo hội đức tôn sư.
Tôn giả Sāriputta đoan nghiêm đứng dậy, mỉm cười, phong thái ung dung, tĩnh tại:
- Thưa, tôi cũng có học chiêm tinh; nhưng có lẽ kinh qua quá nhiều khẩu truyền, quá nhiều nhà luận giải - nên ngay chuyện bốn con bò đực, đen tuyền, có sừng - tôi lại có hai cách luận giải khác, nhưng đều là điềm tốt! Nay xin được trình bày cái kiến giải thô thiển này để mọi người cùng suy ngẫm, nhất là có đức tôn sư của chúng tôi ở đây.
Khai từ vừa khiêm tốn vừa chứng tỏ bản lãnh kiến thức,  sở học về bộ môn này của tôn giả - tức khắc, lôi cuốn thính giả tham dự phải chăm chú lắng nghe. Tôn giả bèn hướng đến đức vua, tiếp tục:
- Đại vương khỏi lo. Đây là điềm triệu mai sau. Đại vương có khí cốt lớn, là chân mệnh đế vương, tương lai về sau, ngài còn có phước báu làm một đức Chuyển luân Thánh vương nữa! Điềm triệu này, nhắc nhở đại vương phải biết sống theo chánh pháp để đem lại an vui, hạnh phúc cho quốc độ. Nếu người đứng đầu một nước mà tham lam, bất chính, không có đạo đức - thì triều đình cũng tham lam, bất chính, không có đạo đức, và muôn dân sẽ đau khổ, lầm than, kéo theo sát sanh, trộm cắp, tà vạy, bất chánh, dối láo. Nghĩa là khi cái ác, bất thiện pháp tăng trưởng thì thiện thiên thần, thiện dạ-xoa sẽ bỏ đi - các thế lực che chở cho quốc độ không còn nữa. Lúc ấy chuyện gì xảy ra? Bốn con bò đen có sừng từ bốn hướng - nghĩa là mây đen bốn hướng, vần vũ tràn vào kinh thành, ầm ỉ, sấm chớp đùng đùng, hướng đông, hướng tây, hướng Nam, hướng bắc... hầm hè như tranh giành nhau, nhưng rốt lại, vẫn không có mưa! Quốc độ rơi vào nạn hạn hán trầm trọng, mất mùa, đói kém - nhân dân trông chờ, kéo nhau đi xem, nhưng trời vẫn không cho họ một giọt nước. Vậy thì muốn mưa thuận, gió hòa, nhân dân an cư lạc nghiệp thì đức vua phải chơn chánh, lấy mười vương pháp trị dân, theo đó, đại thần cũng chơn chánh, có đạo đức; muôn dân sống theo chánh pháp thì các thiện dạ-xoa, thiện thiên thần sẽ hoan hỷ theo để hộ trì quốc độ. Cách giải đoán thứ hai cũng tương tợ vậy. Bốn bò đen, có sừng, từ bốn phương tràn vào kinh thành, hầm hè muốn đánh nhau nhưng không làm gì cả rồi bỏ đi. Cũng vậy, đấy là binh lực đen tối từ bốn phương, có thể là các nước chư hầu, cũng có thể là các binh trấn, muốn nổi loạn, ai cũng muốn tranh quyền, cướp ngôi; ai cũng múa võ giương oai; ai cũng muốn áp đảo đối phương... Nhưng khi đến kinh thành, thấy uy lực của một đức vua sống theo chánh pháp, muôn dân thanh bình, đâu đó bình chân như vại - nên họ phải tự động giải tán, mây tan, gió lặng...
Nói đến ngang đây, tôn giả Sāriputta đưa mắt nhìn các nhà chiêm tinh, cất giọng êm dịu, hòa hoãn:
- Thú thật rằng, lời giải đoán của chư vị đều là cái “có thể”; mà lời giải đoán của tôi cũng là cái “có thể” - làm sao biết nói ai đúng, ai sai...
Hội trường im lặng, rất nhiều người gật đầu lặng lẽ.
Vị quan bộ lễ cất giọng lớn:
- Từ một giấc mộng mà nhóm chiêm tinh gia giải đoán, có khả năng phát sanh hai điềm xấu; còn ngài sa-môn đại đức cũng giải đoán, lại có khả năng ngược lại, là hai điềm tốt! Đúng vậy, chưa biết lẽ phải, sự thật thuộc phần ai. Bây giờ, xin đức vua chí tôn cho nghe giấc mộng thứ hai.
Đức vua kể giấc mộng thứ hai:
- Trẫm thấy có một bụi cây con từ dưới đất trồi lên; khi nó mới cao chừng vài gang tay, thân đang còn xanh nõn đã đơm hoa sum suê rồi tức khắc kết trái, trĩu cành. Thật là lạ lùng. Xin các vị đoán cho.
Một vị chiêm tinh gia tóc bạc trắng, đứng dậy:
- Đây là điềm xấu, điềm dữ! Cây non mà sinh hoa kết trái thì thật là kinh khủng. Đấy là một báo triệu, thần linh sẽ giận dữ nếu không biết cúng tế đúng lễ nghi, phép tắc. Khi mà thần linh nổi trận lôi đình thì các vì tinh tú sẽ lệch vị trí, phương hướng; định luật của đất trời sẽ bị đảo lộn. Đất nước lửa gió bên trong, bên ngoài; thời tiết, mùa vụ, con người, sinh vật, thảo mộc... sẽ bị tác động mà sinh ra quái thai, dị chủng, nghịch thường... Vậy thì không thể không cúng tế thần linh.
Lần này thì tôn giả Mahā Moggallāna trổ tài miệng lưỡi:
- Đúng thay, hay thay! Vị lão trượng chiêm tinh gia đã giải đoán giấc mộng thứ hai này rất chính xác. Tôi cũng đồng ý đấy là điềm dữ, điềm xấu. Tôi cũng đồng ý đất trời đảo lộn, khí huyết tương xung mà sinh ra quái thai, dị chủng, nghịch thường... Tuy nhiên, việc ấy không phải xảy ra bây giờ mà đấy chỉ là dự báo trong tương lai. Xin các nhà tôn giáo học, tâm linh học, đạo đức học, giáo dục học, xã hội học, nhân văn học... hãy để tâm chuyên sâu nghiên cứu về lãnh vực này - nắm nguyên lý của nó mà đưa ra chiến lược, kế sách thích hợp để cứu cho xã hội, con người khỏi rơi vào thảm họa. Chính con người phải tự cứu con người chứ không có thần linh nào cả. Giấc mộng ấy sẽ trở thành hiện thực khi thế gian, thế giới này suy đồi. Con người nếu cứ tăng trưởng mãi mọi dục vọng, ác độc, xan tham - nghĩa là không có đạo đức và giới hạnh - thì một mai nào đó sẽ phát sinh ngay trước mắt là những cô con gái rất non trẻ chưa đến tuổi vị thành niên sẽ tìm cách sống chung với bọn đàn ông, không kể trẻ, không kể già, cốt là để thỏa mãn dục vọng, hai là bòn rút, kiếm chác bạc tiền. Và rồi, chúng sẽ thụ thai và sinh con. Cái cây non mởn mà sinh hoa kết trái là báo hiệu thảm họa này đấy; kéo theo sự đảo lộn thương luân bại lý cho toàn xã hội, gây nhiễm độc cho nhân sinh... Vậy thì xin thưa, chính chánh pháp mới cứu được cuộc đời, con người chứ không có thần linh nào ở đấy cả! Như thế, xin đại vương đừng lo gì cả - vì đại vương đang sống trong chánh pháp!
Tôn giả Mahā Moggallāna đã phát biểu xong. Quả thật kiến giải ấy rất hợp với luận lý, phơi bày một sự thật có thể kiểm chứng được, hiểu được khi con người suy đồi phẩm chất.
Mọi người yên lặng, suy ngẫm cả hai cách lý giải. Không ai phát biểu ý kiến.
Vị quan bộ lễ tiếp tục:
- Xin bệ hạ kể cho nghe giấc mộng thứ ba.
Đức vua kể:
- Trẫm thấy một bầy bò cái cùng nhau bú sữa nơi bầy bò con - mà đáng thương thay, bầy bò con ấy mới chỉ sinh ra trong một ngày mà thôi!
Vị chiêm tinh giải đoán:
- Đấy là điềm xấu, điềm dữ - liên hệ thần linh nổi giận! Đây là dấu hiệu những giá trị cổ xưa, những tín ngưỡng thiêng liêng từ ngàn năm không còn được tôn trọng, nể vì. Chúng ta đã sống tốt đẹp, được nuôi dưỡng trong những bầu sữa mẹ thiêng liêng của suối nguồn kinh điển Vệ-đà với những lễ nghi, tập tục, tế lễ, phúng tụng, chú thuật... đem thanh bình yên ổn cho xứ sở, được thần linh che chở. Nay nguồn sữa ấy không còn nữa, đã khô cạn. Rồi ai cũng tuân theo những chỉ dụ mới, đạo đức mới, lẽ phải mới - cho đến nỗi thần linh cũng đói meo. Giá trị tốt đẹp, linh thiêng ngàn xưa, những người đại diện cho các giá trị cũ,  phải sống gởi, sống nhờ vào những chủ thuyết mới - những chú bê non mới sinh được một ngày, có thảm thương không chứ! Than ôi!
Tôn giả Sāriputta thấy đã đến phiên mình, đứng dậy, phản bác lời kiến giải ấy. Tôn giả nói:
- Biện giải ấy hơi áp đặt, chủ quan; nếu không muốn nói là tự bảo vệ cho mình, lại còn quy cho việc thần linh nổi giận - hầu gợi ý cho đức vua chí tôn chúng ta phải tổ chức đại tế, trung tế, tiểu tế rất tốn kém hằng ngàn sinh mệnh của súc vật, của chúng hữu tình - cùng với những thúng vàng, thúng bạc từ máu mủ thuế khóa của nhân dân! Giấc mộng ấy rất đơn giản, bậc có trí nghe qua, tức hiểu.
Hướng qua đức vua, tôn giả nói:
- Giấc mộng ấy ứng về tương lai, liên hệ nhân sinh chứ không phải thần linh. Khi đạo đức, luân thường của xã hội không còn được duy trì thì thế hệ người già, bô lão không còn được tôn trọng nữa! Vào thời ấy, con cái không còn biết kính trọng cha mẹ hay nhạc phụ, nhạc mẫu của mình. Chính chúng làm ra tiền, ra bạc nên sẽ cai quản tài sản gia đình. Và nếu vui, chúng sẽ cho cha mẹ thức ăn, áo mặc; còn nếu không thích, do buồn bực, chúng sẽ hất hủi cha mẹ và chỉ cho ăn, cho uống một cách lấy lệ, cầm chừng. Và lúc ấy, lớp người già yếu cô độc, sống rất thiếu thốn, hoàn toàn lệ thuộc vào con cháu, lây lất qua ngày tùy theo ân huệ ban bố của cháu con mình - giống như bò cái bú sữa bò con một cách tội nghiệp! Đây là hiện tượng báo triệu nhân luân suy đồi, con cháu bất hiếu - chứ không liên hệ gì đến thần linh cả. Xin đại vương sáng suốt, anh minh để nhận ra sự thật ấy - và tất thảy cử tọa thính chúng đồng suy ngẫm!
Đức Phật mỉm cười, nhẹ gật đầu. Đức vua cũng gật đầu, áng chừng là đã thấu hiểu. Và rất đông cử tọa như đồng thuận lời giải đoán của tôn giả Sāriputta hơn.
Lần này thì đức vua kể giấc mộng thứ tư của mình:
- Trẫm thấy người ta buộc những con bò lực lưỡng vào một nơi, rồi đem cả đàn bò con buộc vào những cỗ xe lớn, bắt kéo xe. Thế là đàn bò con, do sức yếu nên xe không chuyển dịch được, cứ đứng yên như thế. Thật lạ đời. Các thầy chiêm tinh cũng bảo là điềm xấu, điềm dữ, phải lo cúng tế nhưng không cho trẫm biết lý do tại sao! Trẫm lo lắm!
Đây là lời giải của phe chiêm tinh gia:
- Cũng là điềm dữ, điềm xấu mà thần linh đã báo triệu cho đức vua. Thần linh nhắc nhở rằng, đức vua phải biết quý trọng, tôn trọng các lão thần đã có công với xã tắc từ thời tiên đế. Đấy đa phần là các bà-la-môn trọng thần hoặc hoàng gia quý tộc lão niên đảm nhận, duy trì các chức vụ trọng yếu - thì giang sơn mới ổn định được, tâu đại vương! Còn nếu dùng các lớp trẻ, trẻ người non dạ, chưa trưởng thành, thiếu kinh nghiệm thì làm sao gánh nổi trọng trách quốc gia? Xin đại vương phải biết lễ tạ thần linh về sự báo triệu ấy! Đàn bò con mà bắt kéo xe, đàn bò mạnh mẽ lực lưỡng thì đem buộc vào một nơi, cho ngồi chơi xơi nước thì uổng phí nhân tài quốc gia!
Tôn giả Mahā Moggallāna gật đầu:
- Đúng! Tôi cũng giải đoán như thế. Nhưng đây là dự báo về những ông vua bất minh, vô học, không có giới hạnh trong tương lai. Do dục vọng, xan tham, ngu dốt - không biết tôn trọng, tin dùng những bậc hiền triết, những nhà thông thái, trí thức, học giả; những người am hiểu lịch sử, văn học, luật pháp cổ kim, những vị cố vấn đa mưu túc kế... để cùng lãnh đạo, cầm cán cân điều hành, có tâm, có tầm để làm cho dân giàu, nước mạnh. Các vị có đạo đức và trí tài này bị đức vua quản thúc, cột lại một đống, một chùm quăng vất một bên, không dùng nữa; vì họ hay nói ngay, nói thẳng, liêm khiết và chính trực - họ chỉ biết nghe lời phải, không biết nịnh bợ, cúi luồn, không chịu bán rẻ lương tâm vì quyền lợi vật chất! Đức vua chỉ sử dụng người nào giỏi ăn, khéo nói, biết quỳ gối, biết khom lưng; kẻ nào biết đem đến nguồn lợi, tạo tiện nghi cho ông ta hưởng thụ ngũ dục - bóc lột dân đen cũng không sao. Thời này không còn nói đến công bằng và lẽ phải nữa. Trên pháp đình, những vị quan tòa béo nục, béo tròn, mặt đỏ gay - ai hối lộ cho y nhiều tiền thì thắng cuộc, trắng án; ai không biết luật của đồng tiền vàng thì ở tù rục xương, bị tử hình, bị đóng gông, khắc dấu lưu đày! Các vị quan mới, đa phần là trẻ, thiếu mọi kiến thức chuyên môn - nhưng nhờ là con cháu trọc phú hoặc bọn chúng cùng ở một vây cánh, được cất nhắc đưa lên quan to! Vậy là đám người này, đủ mọi thành phần ngu dốt, thiếu đạo đức, vô học - lại đảm nhận trách nhiệm lớn lao thì làm sao đủ sức? Giềng mối quốc gia không nghiêng ngả, không điên đảo, không rơi vào vực thẳm mới là chuyện lạ!
Tâu đại vương! Chuyện này chưa xảy ra ở đây. Hiện tại, đức vua không tin dùng một số lão thần và có tin dùng một số người trẻ tuổi - thì chưa phải là điềm dở, điềm xấu mà ngược lại, là điềm tốt, điềm hay! Tại sao vậy, tại vì các vị lão thần ấy đã suy kiệt năng lực, trí não đã lão suy, đạo đức đã giảm sút - mà cứ mãi ăn trên ngồi trước, tự tại, tự thị trên đầu thiên hạ mà phán quyết, mà kể công! Hạng đại quan ấy cho nghỉ về vườn là đúng! Còn lớp trẻ, tuy trẻ thiệt, nhưng đã qua trường lớp đào tạo chính quy, thâu hái những kiến thức chuyên môn tại đại học Takkasīla nổi danh xưa nay - thì tùy trí tài mà đặt đúng nơi đúng chỗ! Dùng họ là anh minh, sáng suốt. Đây chính mới là đàn bò thanh niên, sung sức, lực lưỡng nên để họ kéo xe! Phải biết thu dụng, khuyến khích và nâng đỡ hiền tài. Xin đại vương hãy yên tâm! Điềm báo triệu kia chỉ để dành cho những quốc gia suy đồi, băng hoại - bất kể nơi đâu, khi đạo đức, lẽ phải, tình thương xuống cấp, và dục vọng, ngu si, dốt nát lên ngôi!
Tôn giả Mahā Moggallāna ngưng nói đã lâu mà mọi người không ai có ý kiến gì. Họ có vẻ suy nghĩ. Dầu sao, bên nào cũng đúng cả  - nhưng có khác là phải cúng tế thần linh hay không cúng tế thần linh mà thôi. Mọi người thông qua.
Đức vua kể giấc mộng thứ năm:
- Trẫm mơ thấy một con ngựa hai bên có hai cái mồm. Rồi nó ăn cả hai mồm cùng một lúc?
Nhóm chiêm tinh giải đoán:
- Là điềm xấu, điềm dữ. Nếu không cúng tế thần linh với đầu và máu súc vật - thì sau này, người ít mà súc vật nhiều - chúng sẽ ăn hết vật thực của mọi người, như con ngựa mà ăn cả hai mồm cùng một lúc vậy!
Tôn giả Sāriputta mỉm cười:
- Các quan chiêm tinh đã đi quá xa rồi. Đây chỉ là điềm báo triệu tương lai, khi ông vua bất minh, tham lam thì triều đình cũng tham lam, bất chánh. Những vị phán quan đáng lẽ ra phải cầm cán cân công lý cho công minh, phải chính trực và liêm khiết nhưng chúng vơ vét của hối lộ vào cái túi tham không đáy. Chúng tìm cách ăn cả hai bên, cả bên nguyên và bên bị- như con ngựa có hai cái mồm cùng ăn một lúc vậy. Rõ ràng là như thế. Xin hội đồng sáng suốt phân định đúng sai!
Mọi người nghiêng về kiến giải của tôn giả.
Đức vua kể giấc mộng thứ sáu:
- Trẫm thấy có người cầm cái bát vàng quý báu đáng giá một trăm ngàn đồng tiền vàng kahāpaṇā - lại đưa ra mời một con chó rừng già nua tiểu tiện vào đấy! Điềm triệu gì mà quái gở quá sức?
Nhóm chiêm tinh:
- Vẫn là điềm dữ, điềm hung! Cái bát vàng quý giá là tượng trưng cho vận mệnh quốc gia và những giá trị thiêng liêng của đất nước. Vậy, vận mệnh quốc gia và những giá trị thiêng liêng ấy phải biết giao phó cho tập cấp quý phái, cao sang, thượng đẳng của xã hội thì mới tương xứng. Xin đại vương hãy thận trọng đừng sử dụng, cất nhắc những người không xứng đáng - như con chó rừng già nua lại tiểu tiện nơi cái bát vàng -  nếu không thần linh sẽ nổi giận!
Đến chỗ này, chợt nhiên đức vua cười ha hả, hào sảng:
- Được lắm! Các ngươi lúc nào cũng thần linh, thần linh! Rồi còn nói cạnh, nói khóe trẫm đã cất nhắc một số vị quan trẻ thuộc hai cấp dưới là vệ-xá và thủ-đà-la! Họ có trí tài lắm đấy! Họ không phải là kẻ hạ lưu đâu! Họ không phải là chó rừng già nua đâu!
Tôn giả Mahā Moggallāna cũng mỉm cười:
- Họ nói cũng có phần đúng, tâu đại vương! Và con chó rừng già nua kia có lẽ là những người già lão thiểu trí, liệt tuệ, thiếu đạo đức, thiếu tất thảy mọi khả năng để có thể điều hành, quản lý chuyện trọng đại của quốc gia! Tuy nhiên, đây chỉ là tiên tri thuộc về tương lai, nhưng đại vương nên để tâm ngay từ bây giờ cũng không muộn! Điều đáng nói nữa, hạ lưu, hạ đẳng ở đây - không ám chỉ giai cấp mà muốn nói đến sự thối đọa, xuống cấp của con người; kẻ thiếu nhân cách, kẻ đã đánh mất phẩm giá của mình, tâu đại vương!
Các vị quan chiêm tinh và một sỗ lão thần đã tự xét mình nên xấu hổ cúi mặt. Đức vua biết nhưng cứ giả vờ không biết, kể tiếp giấc mộng thứ bảy:
- Trẫm thấy một người đang đan bện một sợi dây thừng. Sợi dây ngày một dài, được thả xuống đất, lượn ra sau chỗ ghế ngồi. Một con chó rừng, ốm dơ xương, ngồi chồm hổm bên sau, có vẻ do quá đói - nên cứ hễ sợi dây thừng dài ra được khúc nào thì nó gặm ngay khúc ấy mà người đan bện chẳng hề hay biết. Thế là thế nào hở các quan chiêm tinh?
Đức vua hỏi hồi lâu mới có vị đứng dậy tâu:
- Chúng thần không dám đoán nữa, vì nếu có đoán, có luận giải gì - thì cũng không ra ngoài việc cúng tế thần linh và những kiến giải bảo vệ tập cấp và truyền thống tín ngưỡng cổ truyền. Điều này, chúng hạ thần không có lỗi; vả chăng, tất thảy đều phát xuất từ kinh điển Vệ-đà mà chúng hạ thần đã được học từ tấm bé!
Đức vua cười dòn:
- Ừ, nếu nói vậy thì tốt! Nói vậy chứng tỏ các khanh đúng là bậc thức giả! Sau khi trẫm học hiểu được chút ít giáo pháp của đức Thế Tôn, một giáo pháp có trọng tâm là hoàn thiện những phẩm tính cao đẹp của con người - trẫm không còn tin vào hệ thống, trật tự, quy định phẩm chất con người tùy thuộc các giai cấp nữa. Đâu phải cứ hai giai cấp trên là tốt, là hay - còn hai giai cấp dưới là xấu, là dở! Bằng chứng là chánh hậu của trẫm, tuy thuộc giai cấp thủ-đà-la - nhưng kẻ khó tính nhất, bảo hoàng hay xét nét nhất cũng phải công nhận tư cách, phẩm hạnh của nàng đúng là bậc mẫu nghi thiên hạ! Trẫm chán lắm rồi những cái quy định, những cái phạm trù, những cái ước lệ - được xem như là thước đo, những chân lý có sẵn ấy!
Có những tiếng lời lao xao:
- Đúng là bậc minh quân!
- Những thấy biết, kiến giải ấy rất mới mẻ, đã đi ngoài truyền thống nhưng rất thuyết phục, tiến bộ!
Đức Phật bây giờ mới lên tiếng:
- Hay lắm! Đại vương và triều thần đều đã trực nhận được một phần tinh tủy giáo pháp của Như Lai! Một giáo pháp không có thần linh, nói cách khác, không nô lệ thần quyền, mà trọng tâm là vì con người và cho con người; những thấy biết khổ đau, phiền não cùng sự tu tập làm sao để giải trừ, làm cho vắng mặt, tịch diệt những khổ đau và phiền não ấy! Mỗi người phải tự nắm vận mệnh, định mệnh mình mà lên đường; khổ hay lạc, sinh tử hay niết-bàn - đều nằm nơi tấm thân một trượng này cùng với cảm giác và tri giác!
Đức vua khẽ cúi đầu:
- Tri ân đức tôn sư! Rồi đức vua đưa mắt nhìn khắp triều cung, cất giọng dõng dạc - Trẫm không cần các chiêm tinh gia đại thần đoán mộng nữa. Các vị nói như thế nào, đoán như thế nào - thì chỉ có một quyển sách, và trẫm cũng đã tiên đoán được quyển sách ấy nói gì, phán như thế nào! Trẫm chỉ cần nghe những lời khuyên, những chuyện sẽ xảy ra trong tương lai như thế nào để tự răn giữ mình. Bây giờ, xin nhị vị thượng thủ của giáo hội tiếp tục giải minh giấc mộng thứ bảy của đệ tử.
Hai vị tôn giả đồng thanh nói:
- Xin tuân mệnh đại vương!
Rồi tôn giả Sāriputta nói:
- Giấc mộng này sẽ trở thành hiện thực, một vị lai nào đó khi đức vua, bá quan bất chánh, xã tắc suy đồi, đổ nát; mọi giá trị tinh thần bị xem nhẹ, coi khinh thì con người sẽ sa đọa, xuống cấp, bản năng và thú tính lên ngôi, ai cũng tìm cách hưởng thọ ngũ  dục. Cha mẹ chăm chỉ làm ra của cải, tài sản thì con cái phá tán để ăn chơi phè phỡn, đàn đúm, cờ bạc, rượu chè! Chồng làm ra bạc tiền, lúa gạo - thì bà vợ lăng loàn bớt xén để hú hí, ngoại tình với trai. Vợ đảm đang, đầu tắt mặt tối ruộng đồng, ao cá, trồng dâu, nuôi tằm thì chồng phung phí với bạn bè, gái điếm, thanh lâu... Những công phu đan bện những sợi dây thừng bị con chó rừng núp bên sau ăn hết là ám chỉ người trong một gia đình ăn chặn, gặm khới - chứ không phải người xa lạ, tâu đại vương!
- À, à! Đức vua chợt nói - Trẫm nhớ lầm, dường như là con chó cái thì phải!
- Nếu vậy thì ứng vào nữ nhân! Tôn giả tiếp tục giải đoán - Nữ nhân không còn biết việc tề gia nội trợ nữa, chỉ biết ăn chơi phóng đãng, đánh cắp tiền bạc của cải của cha mẹ hoặc của chồng con để chạy theo bọn đàn ông vô lại. Bọn nữ nhân này chỉ biết trang điểm vòng hoa, sáp thơm, xiêm y diêm dúa bòn rút sản nghiệp của những người chồng khốn khổ, tội nghiệp để du hí với tình nhân!
- Trẫm hiểu rồi! Còn bây giờ là giấc mộng thứ tám. Trẫm thấy chính giữa hoàng môn có một cái bình lớn, trang trí châu báu, cực quý, nước đầy tràn; còn xung quanh là những chiếc bình đất xấu xí, sứt mẻ, bên trong khô nước. Rồi từ khắp bốn hướng có bốn dòng người có đủ bốn thành phần giai cấp sát-đế lỵ, bà-la-môn, vệ-xá, thủ-đà-la, liên tục đội những ghè nước đổ vào bình lớn, nước đã đầy tràn rồi nhưng họ cứ đổ hoài, đổ mãi! Chẳng ai thèm để ý những chiếc bình đất khô nước ở xung quanh! Ồ, thật là lạ lùng!
Tôn giả Mahā Moggallāna đáp:
- Chẳng lạ lùng gì cả, tâu đại vương! Chuyện đó sẽ xảy ra trong tương lai. Đây là thời đại của những vua chúa bất chánh, đa đâm dục, hư đốn, độc tài, độc quyền, độc trị - bắt cả bốn giai cấp trong xã hội cung phụng cho mình, cho hoàng gia, cho bầu đoàn thê thiếp, cung phi, mỹ nữ của mình. Dân chúng nai lưng ra làm việc. Họ quần quật cày bừa, đồng sâu đồng cạn, gieo lúa, trỉa hạt... đến khi thu hoạch phải nộp cho triều đình, đã đầy tràn thì đầy tràn thêm nữa - còn kho lẫm của họ thì trống trơn! Việc trồng mía làm đường, nấu mật, các loại hương hoa, cây trái khác cũng tương tợ vậy... phải nộp hết cho bọn thống trị, dân chúng không còn gì, đâu dám liếc mắt trông xem gia đình mình no đói ra sao!
Đức vua nhăn mày:
- Quả thật có cái loại vua chúa như vậy sao, thưa đại đức?
- Khi nhân tâm, đạo đức suy đồi thì con người còn độc ác và tồi tệ hơn cả sài lang, rắn rít, tâu đại vương!
Một hồi, đức vua kể lại giấc mộng thứ chín:
- Trẫm thấy một hồ nước sâu có bờ cao bao quanh, mọc đầy năm loại hoa sen. Lạ lùng là bốn phía bờ hồ, nước cạn, lại trong trẻo, các loài vật hai chân, bốn chân kéo xuống tha hồ uống nước, vọc nước, tắm rửa. Chính giữa hồ, nước sâu lại đục ngầu như quấy bùn; chẳng có con thú nào dại khờ ra đấy cả. Thế là sao, chư đại đức?
Tôn giả Sāriputta trả lời:
- Giấc mơ này trong tương lai sẽ trở thành hiện thực - khi vua chúa vơ vét, bóc lột của dân - cả bốn giai cấp - tương tợ như giấc mộng trước. Không còn đạo lý, không còn công lý, chỉ có lẽ phải của tiền bạc cùng sự gian ác. Bọn này không có một chút xíu thương xót, yêu mến dân chúng; họ chà đạp bầy tôi như ép mía và đánh thuế đến độ dân chẳng còn một đồng xu dính túi. Vì không còn sống nổi nữa khi sưu thuế cứ mãi gánh nặng trên lưng; họ bỏ phố, bỏ thành, bỏ làng mạc, dắt díu nhau đến sống tại những miền biên địa rồi khai hoang lập ấp ở đấy. Thời gian sau, ở những nơi này trở thành những xóm làng sầm uất, dân cư đông đúc và đời sống ấm no. Chuyện này ứng hợp hiện tượng nước bốn bờ hồ trong vắt - dân chúng vui vẻ sinh sống - còn giữa hồ đục ngầu - do kinh thành điêu tàn, đổ nát không còn dân cư ở đấy nữa!
Đức vua gật gật đầu, kể tiếp giấc mơ thứ mười:
- Trẫm thấy cơm sôi trong nồi nhưng mà sao thấy lộn chộn, lạo chạo chứ không được khuấy đều. Khi bưng xuống bếp thì nồi cơm chia làm ba phần rõ rệt: Phần nhão nhoẹt, phần thì sống sượng, chỉ có một phần chín trông thật ngon lành! Điềm triệu gì mà lạ vậy, thưa đại đức!
Tôn giả Mahā Moggallāna đáp:
- Cũng tương tợ vậy, chúng sẽ trở thành hiện thực trong tương lai. Vua chúa bất công, các quan đại thần bất chính - kéo theo các bà-la-môn gia chủ, trưởng giả, thị dân, nông dân cũng thế - trở thành bất chánh cả. Kế đó là các vị thần linh mà chúng tôn thờ, tế lễ như thọ thần, sơn thần, hải thần, giang thần cũng trở thành bất chánh luôn! Rồi thì những cơn gió thổi qua lãnh thổ của vị hôn quân bất chánh ấy sẽ trở thành những trận cuồng phong, điên đảo, hỗn loạn, làm rung chuyển các đền đài, cung điện trên thiên giới khiến Tứ đại thiên vương bực mình, chư thiên phẫn nộ làm cho thời tiết, khí hậu, mùa tiết chuyển đổi thất thường, mưa nắng bất trắc. Chỉ trong một vùng, một miền mà chỗ này thì nắng hạn, khô cháy đất đai, ruộng đồng, vườn tược, cây trái, hoa màu bị thiêu cháy, vàng úa -  chỗ kia thì lũ lụt, úng thủy làm cho ngũ cốc bị ngâm trong làn nước bạc. Tuy nhiên vẫn có được một vài xóm làng hiền lương, có đạo đức thì mưa thuận, gió hòa, dân chúng có được cái ăn, cái mặc. Hiện tình đất nước có khác gì nồi cơm chia làm ba phần khác nhau như giấc mộng của bệ hạ đâu?
Đức vua đáp:
- Đúng là vậy! Nhưng mà trẫm thắc mắc - rằng là chư thiên mà cũng nổi giận hay sao?
- Không những chư thiên - mà Đế Thích thiên chủ đôi khi cũng tham lam, nóng nảy, ganh tỵ kia mà! Họ chỉ là chúng sanh thôi, tâu đại vương! May nhờ có chút ít phước báu mà sinh thiên giới, nhưng họ cũng đầy rẫy tham sân si như con người vậy! Họ cũng thiên vị vì thương, thiên vị vì ghét mà sinh ra nhiều chuyện điên đảo, thị phi lắm chớ!
Đức vua kể giấc mộng thứ mười một:
- Trẫm thấy một người, hình dáng chẳng giống tăng, chẳng giống tục - đem lấy gỗ chiên đàn trị giá cả trăm ngàn đồng tiền vàng để đổi lấy một muỗng bơ tươi để ăn, không dính răng. Sao có kẻ tham ăn ngu ngốc đến thế?
Tôn giả Sāriputta đáp:
- Điềm triệu này vừa ứng hợp với tình trạng đất nước suy đồi trong tương lai mà cũng ứng hợp lúc giáo pháp suy tàn. Bọn vua chúa đục khoét, hút máu mủ của dân chưa đủ; chúng còn cắt từng phần đất đai, lãnh thổ đem bán, đổi chác hoặc sang nhượng cho ngoại bang, cho bọn trọc phú cơ hội vừa ngoi lên - để vinh thân phì gia, ăn chơi du hí, thỏa mãn ngũ dục thấp hèn! Đấy, đấy, có khác gì lấy gỗ trầm hương quý báu, đáng giá trăm ngàn đồng tiền vàng để đổi lấy một muỗng bơ tươi? Ôi! Cái đó, xem vậy mà chưa nguy hại khi đem so vào thời buổi chánh pháp suy tàn. Thời ấy, nhiều ông tỳ-khưu tham lam, không biết hổ thẹn tội lỗi, không biết ghê sợ tội lỗi sẽ xuất hiện nhiều như lá vàng mùa thu - chúng thuyết giảng giáo pháp chỉ với mục đích miếng cơm manh áo - chứ không phải mục đích cao thượng! Chúng sẵn sàng từ bỏ chánh pháp, giáo hội để chạy theo bọn tà giáo, hàng ngũ của quỷ ma - miễn là được no thân, ấm cật, rủng rỉnh bạc tiền, danh vọng, địa vị, lợi dưỡng! Chúng dùng đủ mọi lời lẽ hoa mỹ, dịu dàng, ngọt như đường mật, có vẻ trí thức, cao siêu để dụ dỗ quần chúng nhẹ dạ, cả tin. Chúng cúi đầu, khòm lưng để luồn lọt chỗ này, chỗ khác. Chúng ngồi ở đại lộ, góc đường, giảng đường, đền miếu to nhỏ. Chúng ton hót, nịnh bợ để được ghế ngồi cao, được nổi tiếng. Giáo pháp cao quý, thiêng liêng, trong sạch, thánh hạnh - nhưng khi mà chúng thuyết giảng thì mục đích lại bốc mùi hạ liệt, hơi đồng, hơi bạc, hơi vàng, thực phẩm thượng vị, y phục đắt tiền - thì có khác gì đem đổi chiên đàn hương để lấy một muỗng bơ tươi? Thế đấy, cái con người ấy trông chẳng giống tăng, chẳng giống tục là vì vậy - có lẽ giống ngạ quỷ - có phải vậy không đại vương?
Đức vua nói:
- Trẫm hiểu rồi! Hiểu rất thấm thía nữa là đằng khác. Bây giờ trẫm lại kể thêm giấc mộng thứ mười hai. Nó như thế này: Trẫm thấy dây bầu, dây bí rỗng ruột mà sao chúng lại chìm xuống nước, chìm sâu trong nước?
Tôn giả Mahā Moggallāna trả lời:
- Đây cũng là báo triệu thuộc thời vị lai. Sẽ có thời mà thế giới điên đảo, trí ngu điên đảo; bọn vua chúa do tham ác và ngu si nên không tin dùng giới trí thức nữa - mà chỉ ưu đãi bọn hạ đẳng, bọn vô học có cái tài bẻm mép môi lưỡi và biết cúi luồn, nịnh bợ. Tại triều đình, cung môn, pháp tòa, các trấn thành - những chức vụ trọng yếu, quyền cao, bổng lớn đều là của bọn hạ đẳng, là nơi thao túng của bọn bụng to nhưng rỗng óc này. Đấy, chúng là những dây bí dây bầu rỗng ruột mà có sức nặng ghê gớm có thể khuynh loát cả tổ quốc, giang san! Trong hội chúng tỳ-khưu cũng thế! Nơi các cuộc đàm luận, hội thảo lớn nhỏ, trong việc cúng dường thực phẩm, y phục, sàng tọa, dược liệu; kể cả việc xây cất chùa tháp... ở đâu cũng là ý kiến quyết định của bọn tỳ-khưu ác dục, vô trí, vô giới - còn ý kiến của các vị có giới hạnh, thiểu dục, tri túc thì không còn được ai xem trọng nữa. Đấy cũng là hiện tượng suy đồi chung, tâu đại vương!
Đức vua kể giấc mộng thứ mười ba:
- Trẫm thấy những tảng đá to lớn bằng cả ngôi nhà nhưng lại nổi bồng bềnh trên nước, từ đoạn sông này sang sông khúc kia - như thuyền bè không khác?
Tôn giả Sāriputta đáp:
- Cũng tương tợ như trên, tâu đại vương! Những tảng đá lớn, nặng ấy tượng trưng cho giới có học, là tri thức của xã hội - bị coi khinh, xem nhẹ - nên chúng nổi lềnh bềnh nơi này và nơi khác như bèo dạt hoa trôi thấy mà xót thương! Trong hội chúng tỳ-khưu cũng thế! Lời của các bậc tôn trưởng, các bậc tối thắng về giới, định và tuệ - đối với bọn ác tăng đâu có nghĩa lý gì, chỉ như những tảng đá nổi lềnh phềnh, trôi dạt nơi này đến nơi khác. Quần chúng chỉ biết nghe theo bọn tà hạnh, bất chánh, ác dục ấy nên đời sống tinh thần của xã hội đã đen tối lại càng đen tối hơn! Nhưng biết làm sao được, có lúc, trên thế gian này, khi chánh pháp suy đồi, các giá trị thượng đẳng, thanh cao, thù diệu  được thay thế bởi các giá trị hạ đẳng, thấp hèn, tối tăm  - thì những cái gì thiêng liêng, cao khiết nhất cũng trở nên nhẹ phều, không trọng lương, phải lang thang, bập bềnh, trôi dạt tại các sông cái, sông con nơi trần thế; không còn ai tin dùng và sống theo những giá trị ấy nữa! Chúng xưa rồi, cũ rồi, lạc hậu rồi! Đến lúc này thì không những bậc trí thở dài, các nhà đạo đức cay mắt - mà cát đá vô tình cũng phải thở dài, cũng cay mắt, tâu đại vương!
- Hay lắm! Đại đức ví von hay lắm! Trẫm thấm thía tận ruột gan! Cảm ân đại đức lắm lắm! Còn bây giờ là giấc mộng thứ mười bốn. Trẫm thấy những con nhái bén cỡ bằng mấy cánh hoa nhỏ tí tẹo - lại nhanh nhẹn săn bắt những con rắn khổng lồ, cắn đứt chúng ra từng khúc như các ngó sen rồi nhai nuốt ngấu nghiến, chốc lát là sạch trơn. Việc gì sẽ xảy ra từ cái điềm triệu kỳ quặc ấy, thưa đại đức?
Tôn giả Mahā Moggallāna mỉm cười:
- Những con nhái bén nhỏ tí tẹo ấy chính là những cô gái trẻ, đẹp, non tơ, xinh xắn - chúng đã bắt hồn, đã hớp hồn những ông lớn trong xã hội - từ vua chúa, các quan đại thần, các vị tổng trấn, các đại triệu phú, các đại danh gia, doanh gia, các đại gia chủ bà-la-môn, các giáo chủ và các đại giáo chủ, các vị trụ trì, các vị phó trụ trì, chức sắc lãnh đạo giáo hội lớn, giáo hội nhỏ... đấy, tâu đại vương! Khi mà dục vọng hưởng thụ lên ngôi chúa tể - thì tửu sắc chính là chiếc mồ chôn biết bao trang Nam nhi hảo hán trên đời. Những hầu non, thiếp non, bê non, gái non ấy - với thân xác nõn nà, nụ cười lả lơi, khóe mắt đong đưa, mùi hương quyến rũ, ăn mặc gợi tình... đã làm cho thế gian điên đảo, thành trì nghiêng ngả, tôn miếu, xã tắc điêu linh - họ đã cắt khúc danh dự, địa vị, quyền lực, bạc tiền, sự nghiệp của Nam nhân - thanh niên, trung niên, lão niên - mà nhai nuốt ngấu nghiến - thì có lạ gì đâu? Đây là thời suy đồi, ngũ dục được tôn vinh, và cái của nợ của đàn ông, đàn bà được tôn thờ trên các đền miếu, thánh miếu! Thế gian lúc ấy chỉ còn biết nô lệ vào đám con gái trẻ măng; quỳ gối, hầu hạ và tôn xưng chúng là nữ vương khoái lạc! Đến lúc này lại bắt đầu xuất hiện thêm những tôn giáo, tín ngưỡng lấy chuyện bí quyết phòng the, dâm dục Nam nữ để mà tu tập, mà hành trì cho đến nơi giác ngộ, giải thoát đấy, tâu đại vương!
- Thât là kinh khiếp - đức vua nói - Nữ nhân phước mỏng, nghiệp dày nhưng mà tham vọng, dục vọng - có người còn mãnh liệt hơn cả đàn ông! Phải có biện pháp chế tài mới được!
- Luật Manu đã chế tài, đã giới hạn trí thức, quyền lợi cũng như các chức năng của họ trong xã hội rồi đấy, tâu đại vương!
- Nhưng cái luật ấy, đem áp dụng lâu ngày thì lại biến nữ nhân thành một loại nô lệ mới, trở thành bất bình đẳng một cách oan nghiệt!
Tôn giả cất giọng điềm đạm:
- Phải gỡ thoát cho họ, chút ít, từ từ - như đức tôn sư đã từng chế tài ni giới trong Bát kỉnh pháp, nhưng phải tôn trọng họ để họ phát triển mọi khả năng có thể. Tuy nhiên, chỉ một thời gian tồn tại nào đó thôi, đến lúc ni chúng họ xé bỏ Bát kỉnh pháp, họ đòi bình đẳng, ngang hàng với tỳ-khưu tăng, đôi khi họ còn lãnh đạo và sai bảo tỳ-khưu tăng; còn cả gan truyền thụ giới pháp cụ túc cho tỳ-khưu tăng nữa. Lúc ấy thì chánh pháp đã suy tàn, chiếc y cà-sa chỉ còn là một mảnh vải vàng vắt qua lỗ tai mà thôi!
Đức vua thở dài.
Tôn giả nói tiếp:
- Chánh pháp mà cũng còn thành, trụ, hoại, vong - huống gì phi pháp, huống gì những chế định của thế gian pháp, tâu đại vương! Hãy kể lại giấc mộng thứ mười lăm đi thôi, đại vương!
- Vâng, vâng! Đức vua kể tiếp - Trẫm thấy một con quạ đồng quê đầy đủ mười ác hạnh, lại được một đoàn tùy tùng gồm toàn chim quý hộ tống, đó là loài chim có lông màu vàng ánh - được gọi là kim nga vương giả - theo hầu hai bên! Điềm gì lạ vậy, đại đức?
Đến phiên tôn giả Sāriputta:
- Cũng dễ hiểu thôi, đại vương! Sẽ có thời đảo lộn quyền lực, tập cấp, địa vị trên thế gian này. Những người thuộc giai cấp dưới đáy xã hội như thủ-đà-la, chiên-đà-la bị bóc lột, áp bức lâu ngày - tức nước vỡ bờ - họ vùng dậy với đao gươm, giáo mác, cung tên, búa rìu... để lật đổ những tên bạo chúa... rồi lên ngôi, cai trị đất nước. Bọn này đa phần vô học, ngu si, nghiệp dày nên tham ác, bất chánh... tương tợ như con quạ đồng quê với mười ác hạnh không khác. Giới cấp lãnh đạo xã hội mới này cùng tập cấp với vua chúa mới... như cày ruộng, thợ săn, hớt tóc, thợ gốm, thợ làm cung tên, thợ xây, thợ hồ... nắm mọi chức vụ, quyền hành nên tha hồ tham nhũng, vơ vét của công để thành những chủ nhân ông mới, trưởng giả mới, trọc phú mới. Thế rồi, thành phần trí thức, có học trong xã hội, ban đầu thì bất cộng tác, muốn giữ gìn sự trong sạch cho mình nên không chịu thò chân vào vũng nước đục. Sau, do miếng cơm, manh áo, do gia đình đói khổ, túng quẫn quá - họ đành phải theo hầu, làm thuộc hạ giai cấp mới. Và đây chính là hình ảnh loài kim nga vương giả phải theo làm tùy tùng con quạ đồng quê có mười ác hạnh đấy, tâu đại vương!
- Thật là tội nghiệp! Đức vua thở dài, tâm sự - Trẫm du học đại học Takkasīla 7 năm, thuộc thành phần sinh viên ưu tú, thâu hái được chút ít kiến thức, hiểu biết để cai trị đất nước. Thế nhưng, đôi khi còn tự thẹn, tự giận mình sở học không tới nơi tới chốn! Thế mà, ở đây, bọn không biết chữ, vô học lại lên nắm quyền lãnh đạo... đúng là đại họa cho nhân gian rồi!
Tôn giả Sāriputta lại mỉm cười:
- Đấy cũng là định luật của thế gian pháp, đại vương! Bọn vua chúa vô học kia, một thời gian sau thấy rõ cái bất tài của mình nên họ sẽ tìm cách chiêu mộ người tài, kẻ có học vào các chức vụ như phụ tá, tham mưu, cố vấn... Chưa thôi, họ còn cho con cháu đi du học tại Takkasīla hoặc thuê mướn các bà-la-môn thông thái, uyên bác để dạy dỗ cháu con mình. Rồi, thế hệ tiếp nối cai trị đều là dòng dõi, huyết thống của họ; lại trở thành hoàng gia mới, quý tộc mới... rồi họ lại bóc lột, áp bức giai cấp thủ-đà-la mới, chiên-đà-la mới! Thế gian vốn vậy, vốn loanh quanh luẩn quẩn vậy, tâu đại vương!
Đức vua kể tiếp giấc mộng thứ mười sáu:
- Xưa nay, hổ báo săn bắt sơn dương; nhưng ở đây trẫm thấy sơn dương lại săn bắt hổ báo rồi xé xác ăn rau ráu! Còn nữa, bầy chó sói vừa thoáng thấy bóng đàn dê từ xa - liền hoảng hốt bỏ chạy, trốn mình trong các lùm bụi. Đây cũng là điềm triệu thế gian điên đảo, phải vậy không, đại đức?
- Đúng vậy - Tôn giả Mahā Moggallāna gật đầu - Đấy là thời mà bọn hạ đẳng được nắm quyền cao chức trọng, được nhiều quyền lợi, ân sủng của vua chúa - trong lúc đám quý tộc, trí thức lại rơi vào cảnh bần cùng, tối tăm. Vì có nhiều thế lực trong chốn công quyền và tại pháp đình - nên bọn hạ đẳng này tìm cách tước đoạt quyền tư hữu đất đai, nhà cửa, tài sản do tổ tiên để lại - của tầng lớp quý tộc, trí thức kia. Khi họ cố bênh vực quyền lợi tư hữu chính đáng của mình trước tòa án với lời lẽ cứng rắn, đanh thép mà sự hợp lý của nó, tượng đá cũng phải gật đầu. Tuy nhiên, ở đây không còn là lẽ phải của công lý - mà là lẽ phải của quyền lực và cơ bắp! Đám bộ hạ, tùy tùng của các quan - dẫn họ vào phòng kín, lấy gậy gộc đánh đập, nắm cổ quăng vào góc tường, chửi rủa thô bỉ, quác mồm hăm dọa: “Liệu thần hồn đấy, bọn quý tộc, trí thức ngu si kia! Sao? Các người muốn tranh giành với chúng tao ư? Đừng có hỗn láo mà trổ tài lý sự! Nếu không ngoan ngoãn hiến cúng đất đai, tài sản, nhà cửa thì chúng ông sẽ tuần tự hãm hiếp vợ, hãm hiếp con - rồi chặt chân tay, thân hình các người ra từng khúc, từng khúc rồi quăng cho chó ăn! Cứ vác đơn lên ông trời mà kiện - vì tại thế gian, luật pháp đã nằm trong tay chúng ông rồi!” Kinh khủng bởi đòn tra tấn và sự hăm dọa dã man ấy, bọn người quý tộc, trí thức kia bèn tự nguyện dâng cúng hết tất thảy mọi tư hữu cho các quan - hầu kiếm kế an thân! Tuy nhiên, như chim thoáng thấy bóng cây cung đã sợ hãi; cũng vậy, vừa thoáng thấy bóng bọn thống trị mới, đám quý tộc, trí thức đã chạy núp trốn nơi này và nơi khác. Đây chính là hình ảnh ngược đời - sơn dương săn bắt hổ báo rồi nhai ăn rau ráu và chó sói thoáng thấy dê từ đằng xa đã chạy ẩn vào các lùm bụi!
- Kinh khủng!
- Đúng vậy, quả là kinh khủng! Hiện tình chánh pháp mai sau cũng tương tợ vậy, đại vương! Bọn ác tỳ-khưu đầy rẫy ở cung đình, giảng đường, chùa viện, ở phố, ở thành, thị trấn và làng mạc; và chúng tha hồ khủng bố, hăm dọa, nói lời thô bỉ đối với các bậc tỳ-khưu hiền thiện, chơn chánh... Cho đến khi, các ngài cảm nhận được rằng, tà giáo đã lên ngôi, chánh pháp đã suy tàn, ác tỳ-khưu mọc lên như nấm sau cơn mưa - muốn bảo vệ mình và bảo vệ chánh pháp, buộc họ phải trốn vào động vắng, hang sâu, rừng rậm...
Mười sáu giấc mộng đã giải đoán xong. Cả hội trường, cử tọa thính chúng bàn tán nho nhỏ với nhau, có lao xao chút ít rồi trở lại yên lặng.
Đức vua cất giọng đầy cảm khái:
- Cảm ân nhị vị tôn giả đại đức - đã khai tâm, đã mở mắt cho trẫm nhìn thấy rõ hầu như toàn bộ viễn cảnh tương lai - khi đạo đức và lẽ phải suy đồi, kéo theo sự suy đồi của con người và xã hội! Vậy thì, trách nhiệm của một vị vua lớn lắm, cao cả lắm mà cũng nặng nề lắm! Vận mệnh của đất nước, sự vui khổ của muôn dân - tùy thuộc đạo đức, giới hạnh bản thân của vị vua ấy - cùng cán cân nghiêm minh của công lý. Thiếu một trong hai, không được; nghiêng lệch bên này, bên kia, không được! Toàn thể triều đình, các quan - hãy ghi nhớ lời trẫm hôm nay!
Đức vua quay qua đức Phật, chấp tay xá - thay cho cung cách đảnh lễ của một đệ tử đối với vị chân sư - mở lời trân trọng:
- Đây quả là bài học vô giá - thay mặt cho toàn thể quốc độ Kosala - xin tri ân đức tôn sư!
Với chàng thanh niên nô lệ 
Sau mấy ngày đức vua Pāsenadi (Ba-tư-nặc) quy giáo đức Phật; và sau câu chuyện mười sáu giấc mộng của đức vua đã được hai vị đại đệ tử thay nhau giải đoán – thì các quan đại thần, quý tộc, danh gia và khá đông thành phần trí thức trong xã hội tìm đến Jetavana để tìm hiểu môn giáo pháp lạ lùng này! Một mình, đức Phật không thể tiếp kiến hết được, hai vị đại đệ tử phải thay nhau để trả lời nhiều câu hỏi phức tạp rồi dẫn dắt họ có cái thấy biết đúng đắn. Các vị thượng thủ trưởng lão khác cũng bận bịu cho việc xuất gia từ lớp này đến lớp khác, căn cứ theo các điều kiện được thọ đại giới đã được chế định tại Trúc Lâm.
Thấy tình hình Jetavana như vậy là tạm ổn. Hôm kia, đức Phật thông báo là ngài phải rời Sāvatthī để đi về phương Nam, chỉ chừng 100 vị tỳ khưu tháp tùng, trong đó có tôn giả Sāriputta, Ānanda và thị giả Upavāna. Tôn giả Mahā Moggallāna và các vị trưởng lão khác tùy nghi phân bố đi hành hóa các phương.
Phía Nam Sāvatthī, xa về phía ngoại ô, trong xóm nhà tồi tàn ổ chuột của cư dân nô lệ chiên-đà-la – có gia đình người thanh niên làm nghề hốt phân, nạo vét mương cống bẩn thỉu. Chàng tên là Sunīta. Tuy là tầng lớp tiện dân dưới đáy xã hội nhưng chàng là một con người tốt, sống đời lương thiện. Cha mẹ mất sớm, gia tài để lại là một chòi tre rách nát, vài dụng cụ bằng sắt, vài đòn gánh, triên gióng cùng năm bảy cái ghè lớn nhỏ để đựng phân, tải phân, đội phân khi có công việc. Phía đầu làng, gần con lộ chính là những gia đình lao động chân tay với đủ mọi thứ nghề nghiệp trong xã hội. Họ có đẳng cấp cao hơn Sunīta. Lúc có công trình, chính giai cấp này cung cấp việc làm cho giới nô lệ. Mỗi nghề như vậy được quần tụ lại một nơi, trở thành một phường hay một làng. Cho nên có phường chuyên nghề xây dựng, chuyên nghề mộc, phường chuyên nghề đóng xe, nghề ráp cửa, nghề khắc gỗ; làng nghề đúc kim khí, làng nghề làm dụng cụ lao động các loại, làng nghề gốm; nghề làm vòng hoa, nghề giết súc vật, thợ may, thợ nhuộm... Họ thuộc giai cấp Sūdra (thủ-đà-la), có cả nghiệp đoàn thầy thợ, phân ra các nghề nghiệp khác nhau, rất có tổ chức. Từ khi đức vua Pāsenadi cưới cô con gái người làm tràng hoa phong làm hoàng hậu thì giai cấp này đặc biệt được xã hội tôn trọng, vị nể. Vả chăng, mọi công trình xây dựng và kiến thiết từ hạ tầng cơ sở đến thượng tầng kiến trúc đều ở trong tay của họ. Nhân công lao động cũng chỉ có được ở nguồn này. Khi có nhiều công việc xem ra quá nặng nề hoặc hôi hám bẩn thỉu thì giai cấp Sūdra kêu gọi lớp tiện dân nô lệ đến làm việc với tiền công rẻ mạt chỉ đủ vừa bụng một người. Do vậy, tiện dân chiên-đà-la không có khả năng sửa sang nhà cửa, tiện nghi sinh sống cũng như cải thiện chuyện ăn, ở, mặc...
Sunīta nghe tin về đức Phật và giáo hội Tăng đoàn đã lâu; và cũng đã nhiều lần, chàng đứng núp sau các lùm cây nhìn những vị sa-môn y áo vàng rực, thanh thản trên các ngá đường. Ai trông cũng dịu hiền và dễ mến. Nhưng chàng chưa bao giờ dám đến gần dù năm bảy cái đòn gánh. Sáng nay cũng vậy, vừa đội một ghè phân băng qua con lộ để xuống một bờ ruộng thì Sunīta trông thấy một đoàn sa-môn áo vàng. Không biết tránh đi đâu, hoảng loạn, sợ hãi quá, chàng vội lặn “ùm” xuống một mương nước, lấy rong bèo phủ trùm lên đầu... Qua kẽ hở của những lá bèo, Sunīta trông thấy một vị sa-môn tướng hảo sáng ngời như một vị đại phạm thiên, từ đường lớn, bước gần lại bên bờ nước, cách chỗ chàng chừng hai đòn gánh thì dừng lại...
- Này Sunīta, con trốn đi đâu? Như Lai muốn nói chuyện với con mà!
Sunīta tưởng tai mình nghe lầm! Không! Đúng rồi, vị ấy đang nói chuyện với mình! Ôi! Cái giọng nói dịu dàng như giọng nói của người mẹ hiền! Nhưng chàng cứ im thin thít, không dám đáp, không dám trả lời.
- Không sao đâu con, Sunīta! Như Lai biết tên của con đấy! Như Lai còn biết rất nhiều kiếp trước của con nữa! Con là một người rất tốt bụng, rất lương thiện! Đừng ngại ngùng gì nữa, hãy lên đây để nói chuyện với Như Lai!
Lúc đức Phật bước tới bờ nước để hỏi chuyện chàng nô lệ đội phân thì tôn giả Sāriputta, Ānanda và thị giả Upavāna đồng bước lại. Hội chúng tỳ-khưu Tăng cũng dừng lại, vây quanh lớp xa, lớp gần. Thế rồi, dân chúng quanh vùng, hai bên đường làng, nghe thấy chuyện lạ cũng ùn ùn đổ đến...
Nghe giọng nói dịu dàng, hiền từ của đức Phật đến lần thứ ba, Sunīta mới dám nói:
- Bạch ngài sa-môn! Thân thể con hôi hám, áo quần con dơ dáy; con lại thuộc vào giai cấp hạ tiện nữa – nên con sợ ô uế đến ngài. Thật con không dám bước lên đâu!
Đức Phật mỉm cười, cất giọng phạm âm cho ai ở xa cũng có thể nghe được:
- Ừ! Sunīta! Đúng là thân thể con hôi hám, áo quần con dơ dáy, con lại thuộc giai cấp hạ tiện – nhưng con không thể nào làm cho ô uế đến Như Lai và giáo đoàn thanh tịnh của Như Lai được đâu mà sợ! Trái lại là khác nữa, này Sunīta!
Ngưng một chút, đức Phật tiếp -  Con lại muốn hỏi tại sao mà con không dám hỏi chớ gì? Ừ, Như Lai sẽ nói đây, Như Lai sẽ giải thích vì sao! Vì đối với Như Lai và đệ tử của Như Lai thì ô uế bên ngoài không quan trọng bằng ô uế bên trong. Cái ô uế bên trong mới đáng sợ, mới đáng xa lánh, mới đáng nhờm gớm! Này Sunīta! Ai sống với tâm địa độc ác, bạo tàn, hung dữ, giết người giết vật là ô uế! Ai sống với tâm địa xan tham, xảo quyệt, trộm cắp, lường gạt của người là ô uế! Ai sống với tâm tà vạy, tà hạnh, bất chánh là ô uế! Ai sống mà nói dối, nói láo, nói thêu dệt, nói lời ác độc, nói hai lưỡi mới là ô uế! Nói ngắn gọn, cái gốc của mọi ô uế trên đời này là bởi tham lam, sân hận và si mê, này Sunīta!
Chàng thanh niên nô lệ nghe như uống từng lời, từng chữ vào lòng. Cả đời, chàng chưa bao giờ được nghe những điều như thế. Tâm trí chàng như được mở ra. Cánh cửa giai cấp và truyền thống đã đóng chặt kiếp bần cùng nộ lệ của chàng, dường như chưa có một ánh sáng mặt trời nào len vào đấy được!
- Này Sunīta! Giọng của đức Phật dịu dàng rót vào tai chàng – Con đội phân nhưng con đâu có giết người, giết vật? Con đội phân nhưng con đâu có lường gạt trộm cắp của ai? Con đội phân nhưng con đâu có tà vạy, tà hạnh và bất chánh? Con đội phân nhưng con đâu có dối láo ngôn lời, ác khẩu với một ai? Như thế, chứng tỏ rằng, trong con có mầm giống thanh tịnh; nếu mầm giống ấy biết bón phân, tưới nước, biết cách chăm sóc - thì mai sau nó sẽ phát triển trở thành một con người tốt đẹp, hiền thiện xiết bao, này Sunīta!
Cho đến lúc này, Sunīta mới mạnh dạn mở lời:
- Bạch ngài sa-môn! Vậy thì con chưa đến nổi ô uế! Là giai cấp tiện dân nhưng con chưa dám có những tâm địa ô uế như thế! Con cũng muốn tốt đẹp và hiền thiện vì cái mầm giống ấy ở trong con cũng có tí chút – nhưng bón phân là thế nào, tưới nước là thế nào, chăm sóc là thế nào, quả thật con chưa hiểu!
- Muốn bón phân, tưới nước, chăm sóc cái mầm giống tốt đẹp có hiệu quả thì con phải sống đời sa-môn khất sĩ như Như Lai và như hội chúng sa-môn của Như Lai đứng xung quanh đây! Con có muốn như thế không, Sunīta?
- Con có ước mơ cũng không thể được! Ai mà cho kẻ khốn nạn như con xuất gia, sống đời sa-môn khất sĩ – khi con là kẻ ở cuối cùng, tận đáy của mọi giai cấp?
- Như Lai sẽ cho con xuất gia. Như Lai sẽ hoan hỷ đón nhận con. Tại sao vậy? Vì giáo hội của Như Lai không có giai cấp, không phân biệt giai cấp! Giáo hội của Như Lai là giáo hội bình đẳng cho tất thảy mọi hạng người trong xã hội. Hãy nghe đây! Sunīta! Mỗi một con sông đều có tên. Trăm con sông đều có trăm tên gọi khác nhau. Nhưng khi trăm con sông ấy về biển cả rồi thì chúng hòa trộn với nhau, trở thành biển lớn, tên của trăm con sông sẽ không còn nữa. Giáo hội của Như Lai cũng tương tợ vậy. Những sa-môn khất sĩ, hằng ngàn sa-môn khất sĩ, có người xuất thân thái tử, hoàng tử, vương tử, bà-la-môn gia chủ, tướng lãnh, tổng trấn, quý tộc, danh gia, triệu phú, thương gia, thợ thuyền... nhưng khi về sống trong giáo hội thanh tịnh rồi... thì các giai cấp kia không còn tồn tại, không ai gọi tên nữa – mà chỉ đơn giản là một sa-môn sống đời vô sản, bần hàn, thiểu dục, tri túc... để tu tập, để bón phân, để tưới nước, để chăm sóc cho cái mầm giống hiền thiện, này Sunīta! Không có giai cấp khi máu ai cũng đỏ, không có giai cấp khi nước mắt ai cũng mặn như nhau, này Sunīta!
Sunīta phủi đám rong bèo trên đầu, bụm hai tay lên đầu, vái lia lịa:
- Con hiểu, bạch ngài sa-môn! Mắt con đã sáng ra, đã có một ngọn đèn! Trí con cũng sáng ra, ở đó cũng có một ngọn đèn! Con thật là hạnh phúc, được sống cuộc đời mới, làm một hạt bụi đi theo gót chân trần của ngài!
Đức Phật mỉm cười. Các vị tôn giả và hội chúng tỳ-khưu cũng mỉm cười! Ôi! Là những nụ cười thanh lặng và siêu thoát! Dân chúng xung quanh thì hò reo sung sướng khi thấy đức Phật nắm tay chàng nô lệ kéo ra khỏi mương nước. Tôn giả Sāriputta và thị giả Upavāna trao bình bát cho người bên cạnh rồi bước nhanh lại. Cả hai vị giúp chàng thanh niên tắm rửa cho sạch sẽ. Tôn giả Ānanda  định lấy chiếc y hai lớp của mình quàng cho Sunīta – nhưng bên kia đường, một người thanh niên Sūdra đội y và bát bước lại, gập đầu xuống:
- Bạch đức Thế Tôn! Con hay đến Kỳ Viên nghe pháp! Y và bát này là của con, con đã tự sắm sửa khi nào đủ duyên sẽ xuất gia. Nhưng hôm nay, con xúc động và sung sướng quá khi thấy đức Thế Tôn đã xóa bỏ giai cấp, nhận vào giáo hội thanh tịnh một thanh niên nô lệ. Sunīta là một người bạn tốt, làm việc gì cũng chu đáo, đàng hoàng; là niềm tin của tất cả thầy thợ chúng con. Con rất mừng cho Sunīta. Vậy y và bát này con tình nguyện dâng cúng để đức Thế Tôn làm lễ xuất gia cho Sunīta.
Đức Phật gật đầu chấp thuận và mỉm cười trong tâm – vì cái duyên như thế này ngài cũng đã biết rồi. Sau khi Sunīta được cạo đầu, mặc y, mang bát thì tướng mạo sa-môn hiện ra, không còn tìm thấy đâu là hình bóng người thanh niên nô lệ nữa.
Đức Phật làm lễ xuất gia ngay cho Sunīta bên vệ đường trước sự chứng kiến của dân chúng địa phương và cả khách bộ hành, người đi ngựa, kiệu phương xa - đủ mọi giai cấp trong xã hội - dừng chân lại, tò mò, chỉ trỏ, luận bàn!
Sau đấy, tôn giả Sāriputta dẫn Sunīta trở lại Kỳ Viên tịnh xá để bàn giao vị tân tỳ-khưu cho các trưởng lão giáo giới, còn ngài sẽ bộ hành theo sau.
Thế là không mấy chốc, tin này được loan truyền ra, chấn động cả kinh thành Sāvatthī. Chuyện cũng đến tai đức vua Pāsenadi. Triều thần có người phản ứng, chống đối ra mặt; có người mỉm cười, có người im lặng.
Riêng đức vua thì nói với hoàng hậu Mallikā rằng:
- Hậu là giai cấp Sūdra! Thuở trước, trẫm phong hậu làm chánh cung, dư luận nhân gian cũng ồn ào như vậy đấy. Trẫm đã cách mạng phá bỏ giai cấp từ độ ấy! Tuy rất âm thầm! Còn đức Tôn Sư, trẫm mang máng hiểu ngài cũng muốn phá bỏ giai cấp kể từ khi hóa độ dâm nữ Ambapālī! Ngài lại rất công khai, đường đường chính chính; nhất là cho anh chàng nô lệ xuất gia ngay bên vệ đường, trước mắt bàng dân thiên hạ! Đáng phục! Thật đáng khâm phục!
Hoàng hậu Mallikā dè dặt nói:
- Có người, nhất là các giới cấp bà-la-môn, sát-đế-lỵ, các nhà giáo dục sẽ cho rằng đức Phật đã đảo lộn trật tự xã hội, không tôn trọng quy củ, truyền thống đạo lý từ ngàn xưa của cha ông – tâu bệ hạ!
Đức vua Pāsenadi cười rõ to rồi nói:
- Đạo lý à? Đạo lý à? Lấy bình phong đạo lý à? Con người lành tốt, hiền thiện mới là đạo lý đích thực, hậu à! Trẫm không đồng ý cái cách duy trì truyền thống ấy là đạo lý đâu! Cái đạo lý ấy là đạo lý hình thức, là cái đạo lý  “rởm”, hậu à!
Chính kiến của đức vua tối cao trong cuộc đàm đạo với hoàng hậu Mallikā – sau đó đến tai triều thần rồi không mấy chốc, lan khắp kinh thành. Thế là chỉ năm bảy ngày sau, dư luận im bặt!
Thêm một vị đệ tử lớn 
Nhắc lại chuyện đức Phật, sau khi độ cho chàng thanh niên nô lệ xuất gia, ngài và hội chúng tiếp tục bộ hành về phương Nam. Chẳng có việc gì phải gấp gáp nên mỗi ngày chỉ đi chừng hơn một do-tuần. Vượt qua từng thị trấn, từng làng mạc... rồi hội chúng đi dọc bên này bờ sông Sadānīra có dân cư đông đúc, nhà cửa tươm tất, nếp sống phồn vinh. Chừng mươi hôm sau, gần đến sông Gaṅgā thì đức Phật rẽ trái, theo con đường nhỏ, men theo dãy núi đá vôi rồi vào một khu rừng im mát để độ ngọ và nghỉ trưa.
Buổi chiều, thấy đức Phật vẫn chưa tính chuyện lên đường, tôn giả Sāriputta đến gần bên thưa hỏi:
- Dường như đức Thế Tôn cố ý chờ đợi một người?
- Phải đấy, này Sāriputta! Như Lai chờ đợi một người khá quan trọng cho giáo pháp!
- Xin đức Thế Tôn cho đệ tử được nghe?
Rồi đức Phật nói về gốc gác Kaccayāna cho tôn giả Sāriputta nghe. Sau đó, tôn giả đã kể lại cho đại chúng rằng: “Phía cực Nam châu Diêm-phù-đề có một tiểu quốc tên là Avanti (A-bàn-đề). Vị quốc sư của nước này có bà vợ chính là em gái của đạo sĩ Asita, người đoán tướng cho thái tử Siddhattha thuở đản sanh, là ba mươi lăm năm sau, ngài sẽ đắc quả vị Chánh Đẳng Giác. Trước khi hóa sanh vào cõi trời phi tưởng, đạo sĩ căn dặn vợ chồng quốc sư rằng: “Sau này, nếu có con trai phải cho xuất gia làm đạo sĩ. Lúc nào nghe tin trên thế gian có một vị Phật ra đời thì đấy chính là thái tử Siddhattha Gotama, con của đức vua Suddhodāna, vương quốc Sākya  - hãy tìm đến mà quy giáo với Người! Chính ta cũng rất tiếc là không được quỳ bên chân đức Chánh Đẳng Giác để nghe về giáo pháp Bất Tử ấy!” Thời gian sau, họ có hai người con trai đều thông minh, tuấn tú, học hành thông đạt nên được đức vua đặc biệt yêu mến. Người con trai út tên là Kaccayāna, dù sinh sau đẻ muộn nhưng cái gì cũng giỏi, cũng vượt trội hơn anh. Ngoài ra, chàng có nước da vàng sáng, mịn màng và tinh sạch như cánh sen nên ai cũng trầm trồ chiêm ngưỡng. Lớn lên, cha mẹ chàng vẫn còn nhớ đinh ninh lời dạy bảo của ông anh đạo sĩ Asita hiền thiện, nhưng ông bà thấy hai con tương lai đều sáng sủa nên mải chần chờ, lần lữa! Lúc Kaccayāna vừa chẵn tuổi hai mươi thì chàng đã nắm vững, nắm chắc mọi sở học cần thiết của một thanh niên bà-la-môn chơn chính. Đặc biệt, Kaccayāna đam mê và nghiên cứu sâu về triết đạo học – nên chàng xin cha mẹ cho được xuất gia làm một đạo sĩ du phương! Đến lúc này thì ông bà quốc sư đành phải kể lại sự thật về ước nguyện, di huấn xưa của đạo sĩ Asita cho Kaccayāna nghe. Thế rồi, từ đó, Kaccayāna như cánh chim trời, lang thang từ nước này sang nước khác để tầm sư học đạo. Kaccayāna luôn tra vấn, thao thức; và chàng cũng không dễ dàng chấp nhận một đời đạo sĩ dung tục, tầm thường với những tri thức, luận giải từ chân lý có sẵn ngàn đời. Chính vì lý do này mà chàng cứ đi mãi, học hỏi mãi mà không chịu lưu trú ở đạo tràng nào lâu. Ngọn lửa tri thức nung đốt, đẩy chàng ta-bà khắp các tiểu quốc miền Nam rồi miền Bắc, Tây Bắc, đến tận Hy-mã-lạp sơn. Mười năm sau, chàng đã nổi tiếng khắp nơi về khả năng nghị luận biện tài. Ai cũng kính phục, kính trọng chàng; nhưng tự thân, cõi lòng Kaccayāna vẫn bất an. Trở lại quê nhà thì cha mẹ đã già yếu và ông anh trai đã được vua phong làm quốc sư với địa vị vững chắc và danh vọng lẫy lừng. Lúc đức Phật chuyển pháp ở Vườn Nai, Isipatana - thì Kaccayāna đã hay tin nhưng chàng chưa thể rời chân đi được – vì chàng muốn ở nhà ít năm để cho hai thân được vui sau mười năm xa cách. Tuy nhiên, Kaccayāna vẫn không được yên vì danh tiếng của chàng đã làm cho rất nhiều đạo sĩ tìm đến, kẻ đòi chiến luận, kẻ muốn học hỏi... Lúc này thì Kaccayāna đã chán ngấy cái trò chơi phù phiếm của chữ nghĩa và miệng lưỡi – nên chàng đã đóng cửa không tiếp khách suốt mấy năm trường. Thấy cũng không yên, Kaccayāna làm một chòi tre nhỏ ở trong rừng vắng, thỉnh thoảng viếng thăm cha mẹ một chút, lại đi. Nhiều lần đức vua triệu Kaccayāna vào chầu để đàm đạo, ngài rất ngưỡng mộ trí thức bác học và lối nghị luận sắc bén của chàng. Ông anh của Kaccayāna, bây giờ là vị tân quốc sư cũng nhiều lần thuyết phục chàng ở lại để làm quan đương triều. Riêng cha mẹ Kaccayāna thì không có ý kiến gì, tuy nhiên, có nhẹ nhàng nhắc lại lời hứa thuở trước! Hôm ấy, khi biết ý định của đức vua là muốn phong quan tước và gã công chúa cho thì Kaccayāna biết là chàng không thể ở nhà được nữa rồi. Vậy là chàng lại ra đi theo tiếng gọi sông hồ sau nhiều năm biệt tích! Kaccayāna nghe lời căn dặn của đạo sĩ Asita, của cha mẹ - đi tìm đức Phật nhưng chàng không nôn nóng, không vội vã. Trên đường đi, dưới gốc đa già, bên một bến nước vắng hay cạnh một chiếc cầu nhỏ sang sông... Kaccayāna gặp và đàm đạo với các vị sa-môn áo vàng. Thi thoảng thôi - chứ chàng chỉ thích lắng nghe và nhìn ngắm nhiều hơn.
“- Đúng là đức Chánh Đẳng Giác xuất hiện ở đời thật rồi!” Hôm kia, Kaccayāna suy nghĩ như thế khi đến Vườn Nai, thấy khá nhiều cốc liêu và cả một hội chúng thanh tịnh. Chàng ở cạnh một khu rừng để quan sát các sa-môn đi trì bình khất thực, tọa thiền, kinh hành, giặt y áo, làm vệ sinh sân vườn, sàng tọa... Đâu đâu cũng gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp... và nhất là ở đâu, lúc nào cũng an bình và tĩnh lặng!
Nghe tin đức Phật đang ở Kỳ Viên, chàng âm thầm từ giã Isipatana để ra đi, ngược đường lên hướng Bắc..
Sớm hôm kia, không thông báo với ai, ngoại trừ tôn giả Sāriputta, đức Phật từ giã ngôi rừng, ôm bát ra đi một mình. Sau khi kiếm vật thực vừa đủ dùng, ngài men theo sông Gaṅgā theo hướng về Vườn Nai, ngồi dưới gốc cây to để độ ngọ và nghỉ trưa.
Khi đức Phật đang tọa thiền thì Kaccayāna từ hạ lưu sông Gaṅgā đi lên. Đến bên gốc cây, Kaccayāna cũng dừng chân lại, bất giác, chăm chú quan sát vị sa-môn áo vàng có tướng hảo rất quang minh! Lát sau, không dám làm kinh động, chàng nhẹ nhàng thu vén một góc để độ thực rồi tọa thiền nghỉ ngơi!
Một khắc qua đi, Kaccayāna xả thiền, chuẩn bị lên đường, liếc nhìn qua bên kia thì thấy vị sa-môn dường như còn trú sâu vào đại định; và không gian xung quanh như thấm đẫm làn khí thanh bình và mát mẻ. Ngạc nhiên quá, Kaccayāna lặng lẽ ngồi xuống. Toàn thân vị sa-môn như phát sáng, lấp lánh hào quang; rồi hào quang ấy chập chờn từng đôi một, từng vòng tròn một, ửng hiện năm sắc màu khác nhau làm lu mờ cả mặt trời ở trên cao!
Kaccayāna đang say sưa quan sát hiện tượng lạ lùng thì thấy từ phía dưới đi lên một đoàn sa-môn áo vàng, mà dẫn đầu cũng có mấy vị với tăng tướng, nghi dung đẹp đẽ và rạng rỡ không kém gì! Đến gần cội cây, họ trật y vai phải, đãnh lễ vị sa-môn rồi ngồi xuống rải rác ở xung quanh, cũng rất lặng lẽ!
Kaccayāna chợt dưng hiểu ra sự vụ, biết đích xác vị sa-môn ấy là ai; không tự chủ được mình, chàng quỳ năm vóc sát đất, không nói được một lời tiếng nào!
“- Kaccayāna! Như Lai chờ đợi ông đã lâu! Sao bây giờ ông mới đến?”
Tiếng đức Phật thoảng nhẹ bên tai Kaccayāna, chàng ấp úng:
- Bạch đức Tôn Sư! Đệ tử đã đến đây rồi!
- Ừ, ông đến rồi nhưng ông còn đi nữa không, Kaccayāna?
Câu hỏi của đức Phật làm cho Kaccayāna lúng túng, ngơ ngác. Cả hội chúng cũng không ai hiểu. Ngoại trừ tôn giả Sāriputta thì mỉm cười!
Tiếng đức Phật vọng lại mồn một bên tai Kaccayāna:
- Còn đến, còn đi là còn thời gian, tất là còn sinh tử đấy – Ông có thấy không, này Kaccayāna?
Chợt dưng, ngay giây khắc ấy, Kaccayāna đắc pháp nhãn, đặt được bàn chân đầu tiên vào giáo pháp bất tử. Chàng quỳ mọp xuống, ôm chân bụi của đức Đạo Sư:
- Tri ân đức Tôn Sư! Đệ tử đã thấy rồi! Đệ tử trở về với đức Tôn Sư, với hội chúng thanh tịnh này, đệ tử sẽ không đến và không đi nữa!
- Có chắc vậy không, Kaccayāna? Đức Phật tiếp tục pháp thoại xem thử cái thấy của chàng như thế nào – Không đến, không đi – nhưng nó có nhân, có duyên gì không, Kaccayāna?
- Có nhân thì nhân sanh, nhân diệt; có duyên thì duyên hệ duyên, duyên sở duyên - bạch đức Tôn sư!
- Thế thì phải cắt đứt nhân, cắt đứt duyên hay sao, Kaccayāna?
- Nếu cắt đứt thì rơi vào hư vô, đoạn diệt kiến! Nếu không cắt đứt thì phó mặc cho bộc lưu - bạch đức Tôn Sư!
- Vậy thì làm thế nào để thoát ra khỏi bộc lưu [i], Kaccayāna?
Kaccayāna lại rơi vào bế tắc. Cũng đúng thôi! Tôn giả Sāriputta tự nghĩ! Đây là những pháp thoại cao siêu, rốt ráo nhất, thù thắng nhất, mà, Kaccayāna chỉ là kẻ sơ cơ mới bước vào dòng! Dù ông ta kiến thức có thâm uyên, nghị luận có biện tài cách mấy – cũng đành phải bất lực trước những câu hỏi tế nhị thuộc tuệ giải thoát, chúng không nằm trong lãnh vực kiến thức và trí năng!
Đức Phật chợt mỉm cười vì hiểu được tâm ý của người đại đệ tử:
- Hãy gỡ bí cho Kaccayāna xem coi nào, Sāriputta?
- Câu này đệ tử chỉ lặp lại khi đức Tôn Sư giáo giới cho một lão bà-la-môn. Đệ tử xin được nói lại đúng nguyên văn, như sau: “Như Lai không bước tới, Như Lai không dừng lại – Như Lai ra khỏi bộc lưu!”
- Vậy thế nào là bước tới? Thế nào là dừng lại - hở con trai trưởng của Như Lai?
- Vì bước tới là sẽ trôi lăn, dừng lại là sẽ chìm đắm, bạch đức Tôn Sư!
- Vậy là phải! Vậy là đúng, này Sāriputta! Rồi đức Phật nói với Kaccayāna – Còn ông, đừng suy nghĩ nữa, suy nghĩ sẽ không tới đâu! “Hãy lại đây! Này tỳ-khưu!” [ii] Hôm nay, Như Lai đã chứng nhận cho ông là một vị tỳ-khưu trong giáo hội thanh tịnh rồi đấy!
Thế là Kaccayāna trở thành một vị tỳ-khưu - mặc dầu y bát và tăng tướng chưa đúng cách.
Sau đó, đức Phật giới thiệu Kaccayāna với mọi người và ngược lại. Bây giờ, Kaccayāna mới biết đến vị sa-môn đức tướng trang nghiêm, vầng trán cao sáng đối thoại với đức Phật vừa rồi chính là tôn giả Sāriputta - vị đệ nhất đại đệ tử, bậc thượng thủ của giáo hội! Chỉ thoáng nhìn, thoáng nghe vài câu - Kaccayāna sớm hiểu rằng, mọi kiến thức và khả năng biện tài của chàng sẽ không lý nghĩa gì ở trong giáo hội minh triết, của những con người minh triết như thế này! Vị thứ hai là tôn giả Ānanda, hoàng đệ của đức Phật, trông phương phi với nhiều mỹ tướng đặc thù, tỏa rạng một nhân cách hy hữu.
Khi đức Phật và hội chúng lên đường; tôn giả Ānanda thấy Kaccayāna cứ đăm chiêu, bèn mỉm cười nói:
- Rồi hiền giả sẽ biết thôi, sẽ thấy thôi! Đừng thắc mắc mà làm gì!
- Nhưng đầu óc tôi nó cứ làm việc! Nó cứ đặt câu hỏi: Làm thế nào để không dừng lại? Làm thế nào để không bước tới?
- Hãy xem nào, hiền giả! Tôn giả Ānanda cất giọng ôn nhu, điềm đạm - Đức Tôn Sư có dạy rằng, khi căn duyên trần thì có những dòng sông trôi chảy, trôi chảy rất mạnh nên nói là bộc lưu! Ví như dòng sông cảm giác, dòng sông thức tri... hiền giả có thấy thế không?
- Vâng, vâng, tôi thấy rồi!
- Thế thì đơn giản thôi! Vậy thì lúc nào cảm giác và thức tri bị đắm chìm? Lúc nào thì cảm giác và thức tri bị trôi lăn? Hiền giả hãy nhìn ngắm, hãy quan sát chúng xem nào? Hãy như lý tác ý miên mật về điều ấy để ra khỏi bộc lưu, này hiền giả!
- Vâng, vâng, tôi thấy rồi! Tri ân tôn giả!
Nghe tôn giả Ānanda giảng pháp - đức Phật và tôn giả Sāriputta đều mỉm cười - vì cách nói, cách nhìn, nội dung, cả văn phong, ngữ nghĩa... không ai dám nói là Ānanda mới chỉ đắc quả Nhập Lưu!
[i] Chỉ dòng chảy mạnh của sinh tử.
[ii] “ Ehi! Bhikhave!”Kinh sách nói rằng, khi đức Phật nói như thế thì vị tân tỳ-khưu tóc râu rụng sạch, có đầy đủ y bát và tám món vật dụng, trông tăng tướng trang nghiêm như một vị tỳ-khưu cao hạ! Thường thì các vị này đều đã đầy đủ ba-la-mật từ quá khứ.
Về sợi dây luyến ái 
Giữa sông Gaṅgā sông Yamunā có một nước khá rộng lớn, đấy là vương quốc Vamsā, đức vua là Udena, thủ đô là Kosambī [i]. Đây là quê hương của bộ tộc Bhagga hùng mạnh. Nhờ ưu thế địa lý nằm giữa hai con sông nên sự giao thương lên miền Tây Bắc hoặc xuôi hướng Đông Nam đều thuận lợi. Đây còn là giao lộ thương mãi với các nước cộng hòa liên bang Vajjī, Licchavī, với Māgadha về phía hạ lưu mà còn là địa điểm trao đổi hàng hóa từ các nước ở thượng lưu và cả phía Bắc và Tây Bắc xuống nữa.
Sau khi đặt được những cơ sở hoằng pháp lớn tại những lãnh địa quan trọng: Miền Đông Nam thì có đại tịnh xá Veḷuvana (Trúc Lâm), Rājagaha (Vương Xá), nước Māgadha(Ma-kiệt-đà) của đức vua Bimbisāra (Bình-sa) – và Mahāvana (Đại Lâm) tại Vesāli; miền Tây Bắc thì có đại tịnh xá Kỳ thọ Cấp Cô Độc tại Sāvatthī (Xá-vệ), nước Kosala của đức vua Pāsenadi (Ba-tư-nặc) và  Nigrodhārāma (Vườn rừng cây đa) tại Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ)nước Sākya... đức Phật lại nghĩ đến miền trung, hai bờ Nam Bắc sông Gaṅgā. Trước đây bốn năm năm về trước, chư vị trưởng lão A-la-hán đã thay nhau đến hoằng pháp tại vùng này, nhưng nghe trình báo lại thì chưa đặt được những cơ sở lớn do uy tín của họ chưa đến tai các đại thương gia, đại danh gia cũng như triều đình.
Tại Kosambī có trưởng giả Ghosita, là bậc cự phú đệ nhất; ông vừa làm chủ tịch nghiệp đoàn thương mãi vừa là chủ ngân khố của hoàng gia. Có một vài lần giao lưu thương mãi, ở lại nhiều ngày tại Sāvatthi – ông và bạn hữu đến Kỳ Viên nghe pháp. Tuy chưa gặp được đức Phật nhưng thấy giáo đoàn có một nếp sống kỷ cương, giản dị và lành mạnh – ông rất kính trọng, phát khởi đức tin. Trưởng giả Ghosita có nói với chư trưởng lão rằng, lúc nào chư tỳ-khưu Tăng ghé Kosambī, hãy báo cho ông một tiếng, ông có khá nhiều lâm viên rộng rãi, có nhiều phòng ốc thoáng mát, khá tiện nghi... không gần mà cũng không xa làng xóm, thuận lợi cho việc trì bình khất thực cũng như nơi chốn để tĩnh cư! Không những trưởng giả Ghosita hào hiệp như thế mà bạn bè thương gia thân hữu của ông cũng sẵn lòng đón tiếp chư Tăng tại các lâm viên thoáng đãng khác.
Do vậy, khi đức Phật và hội chúng từ giã Vườn Nai, sau nửa tháng giáo giới ở đấy, bộ hành dọc theo bờ Bắc sông Gaṅgā đến Kosambī thì thấy lác đác ở đâu cũng có những sa-môn áo vàng. Nhìn qua dáng sắc thì biết tứ sự họ đầy đủ. Nhìn qua oai nghi đi đứng thì thấy họ khá vững chãi và ổn định.
Đến Kosambī, đức Phật không ghé một lâm viên nào... mà ngài cứ đi mãi, đi mãi, tìm chỗ ngụ cư tại một khu rừng lớn phía ngoại ô, tên là Bhesakaḷā, gần ngôi cổ thành Susumāragira. Bây giờ đã là tiết tháng tư, khí trời oi bức – nhưng khu rừng Bhesakaḷā thì cây lá còn xanh, suối còn nước chảy nên khí hậu mát mẻ, dễ chịu.
Vài ba ngày sau, chư Tăng trong vùng đã hay tin, lác đác đến đảnh lễ đức Phật, thăm hỏi và vấn an sức khỏe của ngài. Rồi dân chúng quanh vùng lũ lượt rủ nhau đến cúng dường và nghe pháp. Đặc biệt có hai vợ chồng bà-la-môn là trưởng giả Nakulapitarā và phu nhân là Nakuḷamatā cứ nói đức Phật là con trai của họ. Rồi họ khóc lóc thảm thiết, vật mình, vật mẩy, tỏ lời trách móc, sao con trai bỏ nhà, bỏ cửa ra đi biệt tăm, biệt dạng đã lâu mà không chịu trở về thăm cha mẹ lấy một lần. Khi hai ông bà trưởng giả cùng đến ôm chân đức Phật – thì tôn giả Ānanda tìm cách ngăn lại; đức Phật từ hòa nói:
- Này Ānanda! Ông cứ để yên vậy! Cứ để yên cho ông bà trưởng giả biểu tỏ cảm xúc của mình!
Khi thấy cả hai người bình tĩnh trở lại, rồi từ nhân duyên ấy, đức Phật thuyết một thời pháp nói về sợi dây luyến ai nhiều đời! Ngài nói rằng:
- Không phải không duyên cớ, hai ông bà nhìn nhận Như Lai là con trai đã lưu lạc. Trong các kiếp quá khứ, trầm luân sinh tử nhiều như hạt bụi trong ba cõi sáu đường; hai ông bà trưởng giả đây đã từng là cha mẹ của Như Lai năm trăm kiếp; đã từng là bác ruột, là chú thím ruột của Như Lai cũng nhiều kiếp như thế! Sự thương yêu, trìu mến của ruột rà, huyết thống nhiều đời kiếp đã tạo nên sợi dây luyến ái vô hình, nó liên lỉ trôi chảy, xuyên suốt không dễ gì đứt mất! Do vậy, các thầy tỳ-khưu phải thông cảm giọt lệ của ông bà, những chúng hữu tình trôi lăn mà không ai có khả năng bước ra khỏi bi kịch tử sinh ấy! Khi vừa thấy Như Lai – thì kỳ ức chất chồng của tiền kiếp trở về! Vóc dáng ấy, màu da ấy, mắt mũi ấy, âm thanh ấy... dẫu có bị chuyển dịch, thay đổi, biến dạng bởi nghiệp từ kiếp này sang kiếp khác - nhưng vẫn mường tượng được những nét đặc trưng... do tưởng đúc kết lại, đấy là con trai mình! Điều ấy khó lý giải nhưng trực giác thì cảm nhận được!
Này đại chúng! Điều mà Như Lai thấy chắc, biết chắc; đó là khi giữa hai người có sợi dây ái luyến sâu đậm, đam mê, thiết tha đã gắn kết keo sơn – thì kiếp lai sinh họ sẽ là vợ chồng của nhau. Cũng sợi dây ái luyến ấy, bởi yêu thương và kính trọng; nhưng nếu kính trọng nhiều hơn yêu thương thì sẽ là làm con, làm cháu! Cũng sợi dây ái luyến ấy, bởi yêu thương, nhưng trong yêu thương ấy còn hàm tàng tình cảm bao bọc, chở che thì sẽ làm cha làm mẹ! Tương tợ như thế, tùy theo cường độ, nồng độ tình cảm đậm nhạt, nhiều ít mà sợi dây luyến ái biến họ trở thành thân quyến, họ hàng, gia tộc, bạn hữu, thân hữu, làng xóm, tỉnh thành, quốc độ...
Trong khi đức Phật ngưng nói, tôn giả Sāriputta tự nghĩ: “ Đức Tôn Sư đã vén mở cho đại chúng thấy mối liên hệ của sợi dây luyến ái nhiều đời. Tuy nhiên, đấy chỉ là luyến ái thuận chiều để giải thích rộng rãi trường hợp vợ chồng trưởng giả bà-la-môn! Bởi vậy, ta hãy tạo nhân, tạo duyên để đức Tôn Sư vén mở tiếp nữa cho đại chúng thấy thêm nhiều trường hợp ái luyến nghịch chiều – mà ở đó - cũng cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn hữu, thôn lân... nhưng lại nằm trong mối liên hệ phản trắc, bội bạc, hận thù... hoàn toàn tương nghịch, tương xung với thiện pháp...”
- Bạch đức Thế Tôn! Nhờ đức Thế Tôn vén mở mà chúng đệ tử đã biết rõ, thấy rõ sợi dây luyến ái tạo nên sự thương yêu, trìu mến, tình nghĩa, thủy chung, đùm bọc, chở che... kết dệt nên những đóa hoa mỹ miều, nhiều hương sắc trong đời sống an vui và hạnh phúc của các gia đình, nhiều gia đình trên trần thế. Tuy nhiên, vì tâm bi mẫn, xin đức Tôn Sư vén mở tiếp, tại làm sao mà những cái cây an vui và hạnh phúc nhân gian ấy, thỉnh thoảng ở nơi này và nơi kia lại sinh gai độc, trái độc, mủ độc? Đấy là vợ chồng bất hòa, xung đột, đày đọa nhau, áp bức nhau, bội bạc với nhau? Cha mẹ phân ly, phiêu tán; con cái hỗn hào, bất hiếu, đánh cha, giết mẹ, phá tán của cải và thanh danh gia đình? Quyến thuộc, bạn hữu, thôn lân... thì lợi dụng nhau, hiềm hại nhau, trấn bức nhau... tạo nên biết bao bi kịch trên trần thế? Phải chăng, đấy là loại ái luyến nghịch chiều, bên trong còn có sự chi phối của nhân quả nghiệp báo?
- Hay lắm, này Sāriputta! Ông đã đã đưa một câu hỏi như ngón tay trỏ chỉ thẳng vấn đề; và trong câu hỏi của ông đã có câu trả lời, đấy là nhân quả nghiệp báo. Bây giờ, hãy nghe đây, Như Lai sẽ giảng nói rộng rãi, xuyên suốt về điều ấy!
Này đại chúng! Nếu vợ chồng thương yêu nhau, tôn trọng nhau, hiểu biết nhau, thông cảm nhau... đối xử với nhau như bát nước đầy, thủy chung như nhất... thì đấy là sợi dây ái luyến thuận chiều; sẽ nẩy nở, tăng trưởng trong môi trường thiện pháp với khí hậu trong lành, mát mẻ, tốt tươi! Cũng là vợ chồng, nhưng nếu một trong hai – do sắc, do tài, do lợi, do danh, do thiếu giới, do thiếu trí, bị vô minh ái dục chi phối... thì người này sẽ làm khổ người kia, làm khổ một cách đớn đau, bạo liệt, hung tàn... thì trong ái luyến đã nẩy mầm phản trắc, thù hận! Đây là nhân đã gieo,  là nghiệp báo! Nếu đời này mà tình trạng hận thù không được hóa giải thì kiếp sau - do ái luyến vẫn còn - họ nên vợ nên chồng, nhưng chỉ để người này làm khổ người kia trở lại! Đây gọi là ái luyến nghịch chiều, duyên với ác pháp, sinh cây độc, trái độc, mủ độc là vì vậy!
Còn nữa, này đại chúng! Trên đời này, có những gia đình sinh ra được những người con thông minh tuấn tú, có hiếu, có thảo; đối xử với cha mẹ như đối xử với vị phạm thiên ở trong nhà; lúc nào cũng kính kính, cẩn cẩn, chăm học, chăm làm, không những bảo vệ, gìn giữ được sự nghiệp, thanh danh gia đình, tổ tông, dòng họ mà còn phát triển thêm nữa, làm cho xán lạn và quang vinh hơn nữa! Đây gọi là sợi dây ái luyến thuận chiều, thuận theo thiện pháp; là cây lành, trái ngọt của trần gian – do nhân những đứa con thai sinh vào gia đình này để đền ơn, trả nghĩa - bởi kiếp trước, ông cha, bà mẹ này đã có ân đức rất lớn đối với chúng. Ngược lại, nếu chúng hoàng đàng, ngỗ nghịch, phá nát của cải, tài sản, bất hiếu, bất mục... chỉ làm khổ gia đình, cha mẹ - là vì chúng sinh ra để báo thù, đòi lại nợ cũ mà cha mẹ kiếp trước đã gieo, đã làm khổ chúng, đã đày đọa chúng!
- Thật là kinh khiếp! Thật là oan gia! Ôi! Vợ với chồng, Ôi! Con với cái! Ôi! Tốt đẹp thay mà cũng đáng sợ thay!
Không biết ai đã cảm thán thốt lên câu ấy!
Thời pháp chưa chấm dứt mà ông bà trưởng giả bà-la-môn Nakulapitarā và Nakuḷamātā đã chứng quả Nhập Lưu; họ chợt quỳ mọp bên chân đức Phật, hoan hỷ quá, cất giọng cảm động:
- Ôi! May mắn thay! Hạnh phúc thay! Chúng đệ tử đã thấy đường đi, lối lại! Hãy cho chúng đệ tử nương tựa nơi giáo pháp chân chánh này!
- Còn Phật và Tăng nữa, này ông bà trưởng giả hiền thiện – tôn giả Ānanda mỉm cười, nhắc nhở - Phải lập lại ba lần: Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi. Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi. Sanghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Ông bà lặp lại ba lần và đã trở thành một cận sự Nam (upāsaka) và cận sự nữ(upāsikā) của giáo hội.
Sau đó, suốt cả buổi chiều, thời pháp ái luyến vẫn chưa chấm dứt, do một số đông chư Tăng và quần chúng các tập cấp trong vùng tìm đến. Tôn giả Sāriputta được đức Phật chỉ định thay ngài trả lời những câu hỏi còn tồn đọng. Đại lược, tại sao có những người con lại chết ngay trong thai bào, chết khi vừa sinh ra, chết khi hai tuổi, ba tuổi, còn thanh xuân? Tại sao hai người xấu đẹp khác nhau, giai cấp khác nhau, nghèo giàu khác nhau, ngu trí khác nhau, sở thích khác nhau... lại ái luyến, yêu thương nhau đến đầu bạc răng long? Tại sao có người keo kiệt, bủn xỉn, ăn mắm mút giòi suốt đời lại không có người thừa kế, hoặc con cái thừa kế là để phá nát, phá tan gia sản? Tại sao có đứa con vừa sinh ra thì gia đình được hoạnh phát, hoạnh tài; ngược lại, có đứa vừa sinh ra thì gia đình bị lửa cháy, bị trôi sông, bị vua xử phạt, bị lụn bại, làm ăn thất bát?
Ôi! Thật là quá nhiều câu hỏi. Do nhờ đã biết, đã thấy, lại có tuệ phân tích thiện xảo, lợi tài – tôn giả Sāriputta từ từ, điềm đạm... từng điểm một, từng điểm một giải thích cho hội chúng nghe. Cũng là ái luyến, nhưng bây giờ phải đi sâu hơn về nhân quả nghiệp báo liên hệ một đời, hai đời, từ nhiều đời. Lại còn phải đan xen quả ngọt, quả đắng, quả chua, quả chát, quả xanh, quả chín mọng, quả non, quả già, quả nguyên vẹn, quả sâu đục, quả dơi ăn, quả gió bão rụng rơi... Như thế là tôn giả phải giải thích thêm, từ nhân, duyên đến quả - thật không đơn giản chút nào! Nhân thì có vô lượng nhân! Duyên cũng có vô lượng duyên! Quả cũng có vô lượng quả! Do hội chúng con sơ cơ và sơ căn; vả lại, sở kiến, sở văn cũng không được bao nhiêu – nên tôn giả nêu thí dụ là chính. Thí dụ nào cụ thể, giản dị mà ai cũng có thể thấy được, biết được, hoặc từ đó mà tác ý, tư duy được. Ví dụ, tôn giả nói, quý vị tưởng nhân sinh quả sao? Đâu đơn giản vậy! Một hạt lúa sinh ra cây lúa sao? Đâu dễ dàng như thế! Thử xem nào? Nếu hạt lúa gieo trên đá? Hạt luá vừa gieo thì chim ăn, sâu đục, lửa cháy? Vậy thì cái nhân ấy còn cần có duyên. Duyên còn có duyên thuận, duyên nghịch. Thuận thì khả thể, nghịch thì không thể. Thuận, ví như ý niệm gieo trồng, hạt giống tốt, đất, nước, ánh sáng, phân, công chăm sóc, thời gian, thời tiết ... Tất cả duyên ấy cọng lại thì đã thành quả chưa, gặt hái lúa được chưa? Xin thưa, chưa chắc! Tại sao vậy? Vì nước phải vừa đủ, phân phải vừa đủ, ánh sáng vừa đủ, thời tiết thuận lợi... thì quả mới chắc thành. Nghịch lại, nghịch duyên hoặc thiếu một vài yếu tố, điều kiện cần và đủ thì cho dù có nhân, có duyên thì quả cũng không thành!
- Nói tóm lại – tôn giả Sāriputta kết luận – Ái luyến, nhưng ái luyến ấy đan xen nhân quả nghiệp báo khá phức tạp; ngoài các bậc có tuệ nhãn quang minh, có đầy đủ thắng trí mới biết, mới thấy được vài phần. Chỉ đức Chánh Đẳng Giác mới biết rõ, thấy rõ toàn phần! Vậy, chư vị chỉ cần gieo nhân tốt, tạo duyên lành từ suy nghĩ, hành động, nói năng – thì mai kia sẽ gặt hái được quả ngọt, trái lành – không khó khăn lắm đâu!
Cuối thời pháp thoại, chợt có một ông lão quắc thước, nét mặt buồn buồn, ăn mặc sang trọng trông như một thương gia, đứng dậy xin phát biểu:
- Thưa tôn giả! Tôi là Kukkuṭṭa, là người bạn già của trưởng giả Ghosaka, đã vài lần được nghe pháp tại Kỳ Viên. May mắn và vinh hạnh thay cho đất nước Vamsā và kinh hành Kosambī, hôm nay được đức Thế Tôn và vị tôn giả đệ nhất đại đệ tử đặt chân đến! Còn may mắn và vinh hạnh hơn thế nữa là nghe được thời pháp nói về ái luyến một cách rất hiện tiền, cụ thể, phong phú và sống động của đức Thế Tôn và tôn giả. Quả thật, chúng tôi đã được rửa tai cho thông, đã được rửa mắt cho sáng! Tuy nhiên, tôi lại là kẻ may mắn và hạnh phúc đệ nhất trong hội chúng này! Tại sao thế? Vì rằng, tôi đã được nghe những thời pháp tương tự từ các vị trưởng lão Vappa, trưởng lão Yasa, trưởng lão Kāḷudāyi tại Kỳ Viên và ở tại Kosambī này, trong khu lâm viên của trưởng giả Ghosaka (Ghositārāma)!
Ngưng hơi một lát, ông lão xin được ngồi xuống để tiếp tục câu chuyện khá dài - rồi nói:
- Tôi có một câu chuyện, thưa tôn giả! Một câu chuyện về gia đình, buồn, rất buồn, rất đau xót, rất thương tâm... về  cái sợi dây ái luyến kia! Ở Kosambī này, nếu nói về danh vọng, địa vị, giàu sang... thì tôi tương tợ một người, ấy là bạn tôi, trưởng giả phú hộ Pāvārika; và chỉ thua sút một người, đó là trưởng giả phú hộ Ghosaka! Tôi có ba bà vợ đẹp người, đẹp nết nhưng chẳng bà nào có con! Nghĩ đến gia sản cự phú mai hậu không có người thừa kế, tôi rất buồn, rất sầu não. Tôi đã đi cúng tế đền cao, miếu thấp; và cả hàng ngàn, hằng vạn súc vật làm lễ tế, vật tế... từng thúng vàng, thúng bạc ra đi... để cầu tự - nhưng vẫn chẳng được một mụn con nào! Đến tuổi năm mươi, tôi lấy thêm bà vợ thứ tư! Và đùng một cái, cả thảy bốn bà đều sinh con, và đều là con trai! Ôi, sung sướng xiết bao? Được ân sủng của thần linh như thế này thì bán cả gia tài để tri ân cũng xứng đáng! Cả bốn bé trai chỉ hơn nhau mỗi đứa mấy tháng, và đứa nào cũng bụ bẫm, mũm mĩm, hồng hào, ngời sáng, lớn nhanh như thổi! Và có điều kỳ lạ, là từ khi có chúng, việc làm ăn không còn thuận lợi nữa, cứ thua lỗ luôn! Được bạn bè khuyến khích, an ủi – nào là, được cái này thì mất cái kia; nào là hãy làm phước đi, bố thí đi, tạo nhân lành tốt thì quả sẽ tốt. Nghĩ cuộc đời cũng lạ, khi làm ăn thuận lợi, tiền bạc vô như nước lại không nghĩ chuyện bố thí, cúng dường – nhưng khi thua lỗ, thất bát mới nghĩ đến chuyện tích phước cho mai sau. Mấy lần tôi đến Kỳ Viên nghe pháp cũng vì vậy. Tôi nghĩ, mình phải tích phước cho bốn đứa con trai...
Nói đến ngang đây, lão triệu phú đưa mắt nhìn khắp hội chúng - rồi tiếp:
- Không có trưởng lão Yasa, Vappa, Kāḷudāyi; nhất là trưởng lão Kāḷudāyi ở đây để chúng thực cho lời nói của tôi! Một thời, các vị trưởng lão ấy có đến an cư ở Ghositārāma; và tôi thường xuyên đến nghe pháp và cúng dường. Năm đó, bắt đầu thấm thía về giáo pháp, tôi xin quy y Tam Bảo, thọ trì năm giới cấm dưới chân trưởng lão Kāḷudāyi; và tôi bắt đầu bỏ chuyện ăn chơi nhảm nhí, bắt đầu rời xa dần những việc cho giết mổ, cúng tế súc vật, xa dần những ý nghĩ xấu ác ở trong đầu! Đùng một cái, đứa con trai lớn tuổi nhất, chín tuổi, đẹp tướng, thông minh, sáng dạ... bị bạo bệnh, chết một cách đột ngột! Cũng nhờ hiểu biết giáo pháp, hiểu sơ về nhân quả nên tôi vượt qua nỗi buồn khổ khá nhanh. Thời gian sau, tôi sửa sang, chỉnh trang một khu lâm viên với mong ước, chư khách tăng lui tới Kosambī có chỗ để an cư. Tiếp theo, đứa con thứ hai của tôi chết do trúng gió bất ngờ. Đau khổ quá, tôi đến quỳ bên chân trưởng lão Kāḷudāyi:
- Chết tôi rồi, ngài sa-môn ơi! Khi tôi bắt đầu thọ quy giới, tu tập đàng hoàng thì thằng con trai thứ nhất chết! Cố gắng tu tập nữa – thì thằng con trai thứ hai chết! Như vậy thì thà rằng đừng tu tập còn hơn! Nhân quả nghiệp báo ngài dạy, thế là bất minh rồi, thế là đi lộn ngược đầu rồi! Ngài phải đền trả hai con lại cho tôi!
Khi tôi khóc lóc, đòi nợ - thì lạ lùng làm sao, trưởng lão lại mỉm cười, nói như sau:
- Trái lại, tôi mừng cho ông, này ông cận sự Nam! Tôi sẽ vén mở bức màn khói sương quá khứ cho ông thấy. Đứa con thứ nhất của ông, một kiếp trước là em ruột của ông! Trước lúc cha mẹ ông mất có để lại một gia tài, nhưng ông muốn “thủ” một mình nên tìm cách vu oan giá họa cho em vào tội âm mưu phản nghịch triều đình có nhân chứng, có vật chứng hẳn hoi. Thế là em ông bị tội tù, sau lại bị đóng dấu lên trán rồi đày ra biên ải làm nhân công khổ sai. Do nhờ cuối đời, ông thường xuyên bố thí cúng dường cho các sa-môn, đạo sĩ, trong đó có khá nhiều vị ẩn sĩ thanh tịnh - nên nhiều đời kiếp vẫn được giàu sang, các nghiệp ác cũ chưa đủ duyên để trả quả! Đứa em kia, sinh lại làm con ông, khi sinh ra, tiền bạc của ông bị suy giảm, đấy là dấu hiệu, nhưng chưa quan trọng. Chính nó đến là cố ý trả thù ông, làm cho ông tán gia bại sản, đưa ông vào tù tội để lấy lại gia tài. Nhưng nhờ ông tu tập chơn chánh, thọ trì quy giới, bố thí cúng dường – còn do phước báu quá khứ còn năng lực - nên cậu em trai, do nghiệp xui, không thể báo thù được nên đành phải ra đi! Đấy! Không là điều đáng mừng sao!
Đến ngang đây thì hội chúng đồng “Ồ” lên một tiếng, nửa lạ lùng, ngạc nhiên; nửa như nhìn ra vấn đề: “ Trong sợi dây ái luyến này có ẩn mầm oan trái - thật là kinh khiếp!”
Vị trưởng giả vẫn bình tĩnh tiếp tục câu chuyện:
- Rồi đứa con trai thứ hai – ngài trưởng lão Kāḷudāyi vén mở bức màn quá khứ, cũng tương tợ vậy. Rằng là một kiếp nọ, tôi làm chủ một gia đình cự phú khi còn rất trẻ, mọi công việc trong ngoài tôi giao phó cho một người quản gia – là người cháu ruột, con ông anh của tôi. Suốt mười năm, nhờ tài giỏi của người cháu, và cũng nhờ bóc lột lớp nhân công nô lệ, tài sản của tôi vào như nước. Tôi hứa tặng cho nó một gia sản xứng đáng là một dinh thự, một ngôi vườn với đầy đủ tôi trai, tớ gái cùng với gia súc mỗi thứ 100 con. Nhưng tôi cứ hẹn mãi, hẹn hoài. Gần mười năm rồi mà vẫn còn hẹn do tiếc của, do lòng tham không đáy muốn lợi dụng người! Đùng một cái, một trận dịch tràn qua, nó chết với hai bàn tay trắng! Kiếp này, nó sinh lại làm con của tôi để đòi nợ gia tài! Nhưng do phước báu quá khứ vẫn còn bảo trợ, do nhờ phước đức tu tập hiện tiền bảo trợ - nó đến đòi nợ nhưng không hội đủ nhân duyên và điều kiện nên nó phải ra đi – Nhân quả nghiệp báo tuy lạnh lùng nhưng rất công minh, trung chính - tại sao ông thiện Nam lại dám bảo là bất minh? 
Sau câu chuyện, hội chúng im lặng như tờ. Lát sau, ông trưởng giả mới kết luận:
- Thưa tôn giả, chư Tăng và hội chúng! Tôi đã thấm thía những bài học của cuộc đời! Tóc tôi đã bạc, tấm thân đất nước lửa gió tôi đã chuẩn bị sẵn sàng trả lại cho đất nước lửa gió. Tôi không còn ham hố, cưu mang gì nữa. Bây giờ chỉ việc tu thôi. Hãy lấy trí tuệ của giáo pháp để soi đường! Hãy lấy tấm lòng yêu thương mà sống với gia đình, vợ con, bằng hữu, thôn lân, tổ quốc.. Hãy bố thí, cúng dường đến giáo hội của đức Tôn Sư, các đạo sĩ, du sĩ, ẩn sĩ. Hãy nhường cơm xẻ áo đến những kẻ đói nghèo nơi này và nơi khác! Tôi còn hai đứa con trai, nhưng cũng chưa rõ vì duyên hay vì nợ! Việc ấy đối với tôi, bây giờ,  không còn quan trọng nữa! Cứ để cho nhân quả nó làm việc, nó làm việc vô cùng công minh và trung chính! Vô lượng tri ân Tam Bảo, ngọn đèn chiếu soi bất tử giữa cuộc đời, giữa trần gian khổ não này!
Ông lão nói xong, hướng về tôn giả Sāriputta và chư Tăng, quỳ lạy với năm vóc sát đất. Cả hội chúng đồng thanh cất tiếng “ Sādhu, sādhu”!
[i] Khoảng chừng 50 km về phía Tây Nam Allahabād ngày nay.
Con chó khôn ngoan 
Vào thời không có đức Phật Chánh Đẳng Giác ra đời, tại vùng Allakappa bị dịch bệnh hoành hành, lây lan từ người này sang người khác, nhà này sang nhà khác làm cho rất nhiều người chết, đói kém xảy ra khắp nơi. Những người còn mạnh khỏe, chưa bị lây nhiễm, tìm cách bỏ đi nơi khác – trong đó có gia đình hai vợ chồng và một đứa con nhỏ. Trên quảng đường hành trình gian lao vất vả, chẳng tìm đâu ra cái ăn, họ lây lất tấm thân tàn, dường như sắp chết đến nơi, lạc vào một trại nuôi súc vật. Người chủ trại hỏi ra, biết họ nhịn đói đã nhiều ngày nên thương tình làm cơm sữa cho ba người ăn tùy thích! Người chồng, suốt dọc đường, vì có cái gì đều nhường cho vợ, cho con – nên bị cái đói hành hạ nhiều hơn. Được cho ăn đồ ngon, không kềm chế được, người chồng đã ăn quá nhiều nên bị trúng thực rồi mạng chung ngay đêm đó. Trước khi mất, oan nghiệt thay, người chồng nhìn thấy con chó cái của chủ trại, to lớn, đẫy đà – do được thực phẩm đầy đủ, sung mãn - đang chơi trò chơi vợ chồng với một con chó đực cũng to lớn, nung núc thịt và mỡ. Chỉ một khởi niệm luyến ái, yêu thích con chó cái (hâm mộ, ước ao vật thực đầy đủ) - thì tức khắc, thức tái sanh nhập vào thai bào con chó ấy!
Đủ tháng, đủ ngày, chó mẹ sinh ra một chú chó đực xinh xắn, dễ thương, khôn ngoan, dễ dạy (do mới từ cõi người sinh ra)! Được mấy tháng tuổi, chú chó con lớn như thổi, càng lớn, càng khôn, chủ nói gì nó biết đấy, do vậy, đi đâu, chủ trại nuôi gia súc thường dẫn nó đi theo.
Một hôm có một vị đạo sĩ (vốn là một vị Độc Giác Phật) đến nhà chủ trại để khất thực. Chủ nhà thành kính cúng dường vật thực thượng vị, lại còn thỉnh mời ngài để được đặt bát hằng ngày. Nơi ngụ cư của vị đạo sĩ là một hang đá trong một ngôi rừng vắng, không gần mà cũng không xa làng xóm bao nhiêu. Vào mỗi buổi chiều, lúc rảnh rỗi, ông chủ trại thường đến chỗ đạo sĩ, vấn an sức khỏe, nghe pháp hoặc cúng dường thêm dầu đèn, một vài loại thuốc cảm sốt, ho, nhức đau thông thường do thời khí hoặc hơi đá, sương mù, gió độc. Và lúc nào cũng có chú chó con đi theo. Ông chủ trại thông minh, linh mẫn đã biết cách huấn luyện chú chó mỗi lần đi hay về đến hang đá thăm vị đạo sĩ. Trên đường đi, nơi nào có bụi rậm, có một hang hốc sâu, ông chủ trại lấy một hòn đá ném vào và giả vờ kêu la, vỗ tay, đập chân ầm ĩ; con chó tinh minh, biết ý chủ nên nó sủa theo. Làm vậy, cốt ý là đuổi thú dữ! Năm bảy lần thành quen, thành quán tính, các lần đi và về sau, không cần chủ ném đá nữa, hễ cứ thấy bụi rậm, hang hốc sâu là chú chó cứ cong đuôi sủa ầm ĩ, sủa vô hồi kỳ trận – và chắc hẳn rằng, có thú dữ nào ở trỏng, chắc phải trốn biệt hoặc chạy mất tiêu.
Thấy việc huấn luyện chú chó thuần thục rồi, hôm kia đến thăm đạo sĩ, người chủ trại nói rằng: “Lúc nào con chó này đến đây một mình, nó sủa lên – thì xin đạo sĩ cứ hiểu cho là nó thay mặt con, thỉnh ngài về nhà để đặt bát cúng dường!”
Thế là bắt đầu từ đây, chú chó thường thay mặt chủ trại. Khi được chủ ra dấu hiệu chỉ tay vô rừng, là nó cong đuôi, mừng rỡ chạy đi. Hễ ngang qua những bụi rậm, những hang hốc... thì nó nhớ bài học, châu mỏ sủa loạn cả lên. Đến hang đá nơi đạo sĩ ở, nó cũng sủa từ ngoài xa, đến khi thấy được đạo sĩ rồi, nó sủa ba tràng nữa, rồi nằm bẹp bên chân đạo sĩ, ve vẩy đuôi, liếm chân hoặc đưa mắt hiền lành, trong sáng nhìn đạo sĩ như cố ý chờ đợi. Hiểu ý, đạo sĩ xoa đầu nó một cách rất trìu mến rồi với y bát, với gậy cầm tay lên đường. Thế là con chó chạy trước, đến các chỗ rậm, sủa, làm công việc an ninh, dọn đường mới trở lại dẫn đạo sĩ đi tiếp. Đến nhà chủ trại, sau khi nhận đầy đủ vật thực, đạo sĩ ôm bát trở lại hang – thì chú chó cũng cần mẫn, tận tụy làm công việc “vệ sĩ”của mình rất mực chu đáo! Và bao giờ cũng vậy, phần vật thực còn thừa, loại cứng loại mềm, chú chó được hưởng phần “tàn thực” một cách rất ngon lành!
Cứ thế, thời gian trôi qua, sau mấy tháng an cư, khi người chủ trại dâng cúng y áo, vật dụng tứ sự, đạo sĩ (vị Độc Giác Phật) phải lên đường, du phương hóa độ người hữu duyên.
Từ khi vị đạo sĩ ra đi, con chó ngày ngày nằm bên ngưỡng cửa, nhìn vào rừng, mắt buồn rười rượi. Vài ba lần, nó vào ra hang núi, lùng sục, kiếm tìm, thất vọng, trở về, bỏ ăn bỏ uống! Người chủ trại lo lắng, vuốt ve trìu mến, đưa thức ăn ngon tận miệng, nhưng nó cũng không chịu ăn. Mười hôm sau thì con chó chết, tức khắc hóa sanh làm một vi thiên tử ở cõi trời Tāvatiṃsa. Đặc biệt vị trời này không những cao sang, chói sáng mà còn có giọng nói ngân vang, du dương, trầm bổng không ai bì – nên có tên là thiên tử Ghosaka[i].
Hết phước báu cõi trời, thời hiện tại này, Ghosaka sinh vào thai bào của một cô kỹ nữ. Sợ ảnh hưởng đến nghề nghiệp của mình, nên vừa sinh ra, cô kỹ nữ đã đem quăng đứa trẻ nơi một đống rác bên vệ đường.
Sớm hôm ấy, người làm công cho một vị đại phú hộ đi ngang, thấy một bầy bồ câu quây quần, xúm xít xung quanh một vật lạ. Tò mò, đến xem thì ông thấy một hài nhi còn đỏ hỏn, được bầy bồ câu bảo vệ chu đáo; nghĩ đây là điềm triệu lạ thường, đứa hài nhi có thể là quý nhân trong tương lai nên ẵm bồng về nhà để nuôi dưỡng.
Vị đại phú hộ là chủ ngân khố của triều đình, làm chủ tất cả các nghiệp đoàn thương mãi tại kinh thành Kosambī – ở cạnh ông luôn túc trực một lão bà-la-môn giỏi về chiêm tinh, thiên văn, thuật số... Sáng hôm ấy, vị đại phú hộ hỏi vị cố vấn, tham mưu của mình rằng:
- Ngài đoán quẻ, xem thử trong ngày hôm nay, tại kinh thành có chuyện lạ thường gì xảy ra không?
Lão bà-la-môn sau khi gieo quẻ nói rằng:
- Mọi việc đều bình thường, duy có một điều lạ, hài nhi nào sinh ra trước giờ sao mai mọc sớm hôm nay – sau này sẽ phú quý, danh vọng, địa vị... không kể xiết được!
Vị đại phú hộ mỉm cười hỏi:
- Thế thì có bằng ta hiện nay không?
- Hơn, hơn nhiều! Nếu không muốn nói, khi vị này có mặt thì ngài sẽ bị lu mờ - như ánh sáng ngôi sao so với ánh sáng đom đóm vậy!
Giật mình, lo lắng - vị đại phú hộ tức tốc cho hằng chục gia nhân lùng sục khắp kinh thành, xem thử có đứa trẻ nào sinh ra sớm hôm nay, trước giờ sao mai – thì với giá nào cũng phải mua về cho bằng được! Khi biết đấy là đứa hài nhi còn đỏ hỏn mà người làm công của mình vừa nhặt được – ông đã trả 1000 đồng tiền vàng māsaka đem về nuôi dưỡng. Tự nghĩ:“Vợ ta, ít hôm nữa thì đến ngày sinh. Nếu là gái thì ta sẽ nhận đứa trẻ này làm con. Nếu là trai – thì ta sẽ giết chết đứa trẻ này để trừ hậu hoạn sau này nó sẽ tranh đoạt ngôi vị phú quý, giàu sang và địa vị của ta!”
Quả thật vậy, ba hôm sau, vợ ông sinh được con trai; ông bèn cho người bỏ đứa hài nhi đầu cổng trại nuôi gia súc, nơi mấy trăm con bò vô ra hằng ngày, với ý nghĩ: “ Ta được học hỏi từ giáo chủ Ni-kiền-tử rằng, thân nghiệp tội năng hơn ý nghiệp. Vậy ta sẽ không đích thân ra tay giết chết nó mà chỉ sai người đặt nó ở đó thôi!”
Người chăn bò, khi mở cổng lùa đàn bò ra khỏi chuồng - chợt thấy một con bò mẹ to lớn, đứng bốn chân vững chắc như bốn trụ đồng, dường như cố ý bảo vệ vật gì bên dưới. Tò mò đến xem, thì thấy một đứa trẻ. Tự nghĩ: “ Thật lạ lùng! Con bò mẹ này đã có linh tính gì đấy, đứng bảo vệ đứa trẻ vì sợ các con bò khác đụng nhằm hoặc dẫm đạp chết. Vậy đứa trẻ này, không phải là một con người tầm thường, ta phải đem  về để nuôi dưỡng, sau này sẽ có chỗ nhờ cậy!”
Chiều hôm đó, ông đại phú hộ cho người đi xem thử đứa bé đã bị đàn bò dẫm đạp chết chưa? Khi biết là còn sống do người chăn bò đã mang về nhà, ông đại phú hộ lại phải tốn thêm 1000 māsaka nữa. Rồi lần này ông cho mang ra quăng tại nghĩa địa – nơi thường có hằng trăm dê, cừu ăn cỏ và hằng trăm kên kên, diều hâu tìm kiếm xác chết, săn bắt các động vật nhỏ như chồn, cáo, thỏ... Lần này thì đứa trẻ được một con dê cái to lớn nằm ôm và bảo vệ, liếm đầu, liếm tóc rất ư là thâm thiết, lại còn tìm cách cho trẻ bú no nê bầu sữa của mình nữa! Người chăn dê thấy hiện tượng lạ lùng lại đem về nuôi! Rồi còn nữa, tiếp theo là quăng vào giữa xa lộ thương mãi thường có hằng trăm đoàn xe có bò hoặc ngựa kéo, chuyển tải hàng hóa phương này sang phương khác. Hai con bò dẫn đầu đoàn xe, thấy trẻ bèn dừng lại không chịu đi. Người chủ chiếc xe đem về nuôi. Ông đại phú hộ lại tốn thêm 1000 māsaka...cho đến 1000 kahāpaṇa, người chủ xe mới cho nhượng lại. Tức giận quá, lần này thì ông cho quăng trẻ xuống vực sâu cho tan xác nhưng lại được lau sậy nâng đỡ! Người tiều phu lại nhặt được.
Biết là mệnh trời hoặc phước báu của trẻ bảo vệ, ông đại phú hộ đành phải mang về nuôi dưỡng chung với con trai của mình!
Hai trẻ lớn lên rất thương yêu nhau, bao giờ con ông đại phú hộ vẫn xem Ghosaka là anh. Trong khi vui chơi hoặc trong khi học hành, Ghosaka luôn chứng tỏ sự thông minh, sáng dạ, khôn ngoan và khéo léo hơn con trai ông đại phú hộ.  Còn nữa, Ghosaka luôn tỏ ra lễ phép, lễ độ, dễ dạy, dễ bảo và chưa hề làm ông phải mếch lòng về điều gì! Đối với cả đại gia đình, người làm, kẻ ở, bạn hữu, quyến thuộc... ai cũng yêu thích và cảm mến Ghosaka hơn con trai ông chủ. Chính vì vậy ngày càng làm cho ông chủ bực mình, khó chịu; sự thù hận như tro than cứ âm ỉ cháy mãi ở trong lòng. Hôm kia, không chịu nổi, ông chủ suy nghĩ mưu kế giết trẻ.
Ngoại ô thành phố có một chủ lò gốm, vốn là người làm công thuở trước của ông, mang ơn ông rất sâu nặng. Ông tìm đến, sau khi thăm hỏi xã giao, ân cần nắm tay ông chủ lò gốm,  rồi nhờ một việc. Ông nói nhỏ vừa đủ nghe:
- Tôi có đứa con nuôi, nó ngỗ nghịch, hoang tàn, bất hiếu, cứng đầu, khó dạy – sau này sẽ là hiểm họa cho gia đình, họ tộc. Tôi nhờ ông làm ơn ra tay giết nó giúp. Ở đây có rất nhiều lò lửa cháy đỏ rực, quăng nó vào trong là xương thịt thành tro ngay, ma không biết, quỷ không hay! Ông làm được việc ấy là bảo vệ được gia sản và thanh danh gia đình tôi sau này. Tôi nhớ ơn ông. Bây giờ ông nhận trước 1000 đồng tiền vàng kahāpaṇa, xong xuôi công việc, tôi sẽ đền trả thêm bằng ngân lượng như vậy nữa.
Ban đầu, ông chủ lò gốm chần chừ, nhưng thấy số tiền cả đời ước mơ cũng không thấy, nên tối mắt, gật đầu ưng thuận. Cả hai to nhỏ ra dấu hiệu, bày mưu kế thực hiện.
Đúng ngày hẹn, ông đại phú hộ kêu Ghosaka đến bên:
- Này con thân! Cha có đặt ở nhà thợ lò gốm một số bình, chậu đặc biệt để tiến cung. Bây giờ, con đi ngay đến đó xem thử số hàng ấy đã được thực hiện xong chưa?
Ông chủ chỉ đường. Nghe lời, Ghosaka ngoan ngoãn chạy đi. Ra đến đầu ngõ, Ghosaka gặp đứa em – con ông chủ - đang chơi đáo với trẻ hàng xóm. Thấy Ghosaka, đứa trẻ nắm tay kéo lại, hỏi đi đâu. Ghosaka kể lại. Đứa trẻ nói:
- Vậy thì anh hãy ở đây đánh đáo giúp em, gỡ gạc giúp em! Còn việc kia để em đi thay cho!
Khi đứa trẻ đến nhà chủ lò gốm, nghe nói đúng nguyên văn là hàng gốm đặc biệt đã thực hiện xong chưa – thì ông biết phải làm gì rồi!
- Này cậu bé, hãy ra đây mà xem! Ông giả vờ vui vẻ nói - Hàng như thế này! Đang ở chỗ này này!
Rồi ông dẫn trẻ lui sau. Bất ngờ, ông xách hỏng đứa trẻ quăng vào lò than đang cháy đỏ ngọn, đứa trẻ không kịp kêu la một tiếng. Rồi ông còn cẩn thận phủ than, củi lửa thêm nữa để xóa hết tất cả mọi dấu tích. Ông âm thầm làm một mình, vì hôm ấy ông đã cho tất cả mọi người nghỉ việc.
Ghosaka đã đánh đáo gỡ thua cho em, đợi lâu không thấy em về. Đến nhà chủ lò gốm, trong ngoài thấy vắng tanh, tưởng là em đã về nhà rồi, đành quay lui.
Ông đại phú hộ chợt dưng thấy nóng ruột, đứng đợi bên hiên, đăm đăm nhìn ra đầu ngõ... thì lù lù thấy Ghosaka bước vào. Ngạc nhiên, ông hỏi han tự sự. Ghosaka kể lại đầu đuôi.
Như gáo lửa xối xuống đầu, nhưng ông vẫn cố gắng bình tĩnh, cho dong xe ngựa chạy nhanh đến nhà ông chủ lò gốm. Vừa đến cửa, ông đã ba chân, bốn cẳng chạy vào bên trong, hét toáng lên: “ Hãy dừng tay lại! Hãy dừng tay lại! Đó là con trai yêu quý của ta!” Nhưng muộn mất rồi! Ông chủ lò gốm nghe được, thất thểu bước ra, mặt như gà bị cắt tiết, run lẩy bẩy! Nói gì được nữa, trách gì được nữa, vì ông chủ lò gốm đã làm đúng “hợp đồng”một cách nghiêm túc!
Càng lớn lên – thì tư cách Ghosaka càng thêm chững chạc, càng đẹp người, đẹp nết hơn. Nhưng ông đại phú hộ đã không còn ăn cơm chung với Ghosaka nữa! Ông thù ghét Ghosaka, thù hận Ghosaka đã đến tận xương, tận tủy!
Sự mất tích đứa con trai, được ông phú hộ che giấu rất kỹ, bảo là đã cho đi du học ở Takkasīla tận nước Gandhāra kia lận! Tuy nhiên, Ghosaka vẫn mơ hồ biết, mơ hồ hiểu. Nhất là đêm đêm, tiếng khóc của người mẹ lọt qua kẽ hở các bức tường, vọng đến tai Ghosaka. Biết nguyên nhân bởi mình, Ghosaka càng để ý nết ăn, nết ở, càng để ý chăm sóc, hầu hạ ông bà rất mực chu đáo hầu mong cứu vãn một phần nào tình yêu thương trống vắng trong gia đình ông đại phú hộ.
Đến tuổi thanh niên, Ghosaka trông rất khôi ngô tuấn tú, ai thấy cũng mến, cũng ưa! Tuy nhiên, ông phú hộ lại tìm cách giết chàng kiểu khác.
Hôm nọ, ông trao cho Ghosaka hai lá thư xanh đỏ khác nhau, được niêm phong cẩn thận rồi ông dặn dò:
- Tại thủ đô Vesāli, ta có một người bạn làm ăn thâm giao, đấy là triệu phú Gāmaka, hỏi tên ông tại các cửa hàng thì ai cũng biết. Gặp ông, con trao lá thư màu xanh, đấy là những bản giao kèo, cam kết chuyện làm ăn những món hàng sắp tới! Rời Vesāli con tìm đến thủ đô Videha, ta cũng có một người bạn thâm giao khác là triệu phú Kikiṭṭāra, hỏi ông thì ai cũng biết – con sẽ đưa lá thư màu đỏ, con đừng hỏi han gì vì đó là chuyện bí mật trên thương trường của chúng ta.
Ông chủ sai người hầu đóng cho chàng một một cỗ xe hai ngựa để lên đường, với tay nải, với lương thực... tức tốc đi ngay! Đến Vesāli, Ghosaka mới mở rộng tầm con mắt, thấy kinh thành này xa hoa tráng lệ hơn Kosambī nhiều. Hỏi tên triệu phú Gāmaka, người ta vui vẻ chỉ đường, hóa ra đấy là một dinh thự nguy nga, giàu sang tột bực.
Gặp triệu phú Gāmaka, chàng kính cẩn chào hỏi rồi trao lá thư màu xanh. Đúng là chuyện làm ăn, những món hàng quốc cấm, lời lãi được tính toán người bốn, người sáu... Ông triệu phú cười sảng khoái:
- Thật là tri ân vị ân nhân đã chỉ chuyện làm ăn cho ta! Ta cũng cám ơn con lặn lội đường xa đến đây! Con trai của bạn ta cũng là con trai của ta. Con hãy ở lại đây vui chơi ít ngày, ta sẽ xem con như thượng khách!
Người tớ gái dọn cơm thết đãi, sau đó quét dọn phòng ốc cho Ghosaka nghỉ ngơi. Cô cứ liếc nhìn chàng rồi tủm tỉm cười hoài vì chàng trai trẻ đẹp quá, hiền lành quá. Khi người ở gái đi mua hoa về để chưng cho đẹp thì bắt gặp cô tiểu thư, con triệu phú ở cửa. Cả hai to nhỏ chuyện trò. Nghe nói chàng trai đẹp lắm, tuấn tú lắm, tò mò, cô tiểu thư bạo gan hé cửa nhìn. Ghosaka vì đường xa mệt mỏi nên ngủ say như chết, đâu có biết gì! Cô tiểu thư đến ngắm nhìn, do sợi dây luyến ái từ quá khứ, cô động lòng và yêu thương ngay! Chợt thấy nơi tay nải của chàng trai rơi ra một lá thư màu đỏ, động tính hiếu kỳ, cô tiểu thư lấy nước miếng nhẹ nhàng thấm lên, mở dấu niêm phong ra đọc. Chữ là một thứ chữ chưa hoàn chỉnh, lẫn lộn nhiều ký hiệu chấm, móc, ngoặc... phức tạp... Nhờ tinh thông văn tự, cú pháp, văn phạm, ký tự, dấu hiệu... cô tiểu thư vừa đọc, vừa đoán. Đại ý, thư gởi triệu phú Kikiṭṭāra ở Videha, như sau:
“- Bạn thân mến! Cậu thanh niên mang lá thư màu đỏ này đưa đến tay bạn, chính là người đã giết chết con trai của ta một cách rất tức tưởi. Vì địa vị, vì danh vọng của ta ở Kosambī nên ta chẳng thể làm gì được, sợ mang tiếng xấu! Vậy bạn hãy giúp ta, tìm cách giết nó đi! Ta biết bạn là người cẩn thận, chu đáo lại có nhiều mưu kế hay, giỏi - vậy hãy chịu khó giúp ta – ta sẽ tri tạ hậu hĩ, sau khi xong việc!  Ký tên, Đại phú hộ Kosambī!”
Đọc xong lá thư, cô tiểu thư toát mồ hôi hột. Vì quá yêu thương chàng trai, cô gái liền tức khắc viết giả mạo một bức thư khác. Thư gởi triệu phú Kikiṭṭāra, như sau:
“- Bạn thân mến! Cậu thanh niên mang lá thư màu đỏ này đưa đến tay bạn, là đứa con trai mà ta rất yêu mến. Vậy khi nhận được thư này, bạn chịu khó sắm giúp cho ta 100 mâm lễ vật, có cả vải vóc, rượu trà, gấm lụa Kāsi, tư trang, tư dụng quý đẹp được đặt trên những mâm vàng, mâm bạc - trên những cỗ xe hai ngựa, bốn ngựa cao sang và lộng lẫy. Rồi bạn và người thân uy tín, thay mặt ta, đến kinh thành Vesāli, hỏi cưới cô tiểu thư, con của triệu phú Gāmaka – cũng là bạn của chúng ta, giúp ta! Lúc này ta già yếu và lại hay đau ốm bất thường, không đi đâu được! Vậy việc đại sự cho nó, bạn coi nó như là con của bạn mà lo chu toàn cho ta nhé! Mọi tốn kém ta sẽ trả lại gấp đôi - bạn đừng lo ngại gì! Kính mến - triệu phú Kosambī!”
Viết xong, cô tiểu thư khéo tay, niêm phong trở lại rồi bỏ vào đãy, nửa rơi ra ngoài y như cũ!
Hôm sau, Ghosaka vô tư lên đường, đến Videha, tìm ra dinh thự của triệu phú Kikiṭṭāra kính cẩn, lễ phép trao phong thư màu đỏ. Đọc xong thư, ông triệu phú vui mừng, triệu tập cả đại gia đình, giới thiệu chàng trai rồi tuyên bố hỷ sự mà ông bạn thâm tình nhờ cậy. Nhìn thấy Ghosaka, ai cũng phát tâm yêu mến nên sẵn sàng vui vẻ giúp một tay! Chính Ghosaka cũng ngạc nhiên, ngây người về chuyện lạ; và hôm ở nhà triệu phú Gāmaka, chính chàng cũng cảm nghe trái tim mình rung động khi thấy mặt cô tiểu thư quý phái, xinh đẹp ấy!
Thế rồi, cả hai gia đình triệu phú chung lo công việc. Hôn lễ cử hành tốt đẹp. Ông nhạc gia thương chàng trai và con gái cưng của mình nên tặng cho một biệt cư, trong một ngôi vườn có cây trái, hoa lá xanh tươi bốn mùa để hưởng tuần trăng mật, xây tổ ấm! Thật là hạnh phúc đến quá bất ngờ làm cho Ghosaka choáng ngợp!
Mọi việc diễn ra, đến tai đại phú hộ Kosambī, chẳng hiểu trời trăng gì nữa, tức quá, ông hộc máu tươi, ngất xỉu. Tỉnh lại, ông biên thư cho người triệu về, viện cớ đau ốm quá nặng, hai vợ chồng hãy về cho ông thăm lần chót! Thấy Ghosaka tức tốc muốn lên đường, cô tiểu thư biết chàng quá thật thà, quá ngây thơ và quá trung hậu nên đem chuyện lá thư tận tình kể lại cho chàng nghe. Ghosaka hiểu. Chàng hiểu ông triệu phú manh tâm muốn hãm hại chàng lâu rồi, nhưng phận làm con, không công sinh thì cũng có công nuôi dưỡng từ tấm bé, không biết làm sao cho lưỡng toàn? Tuy nhiên, khi cấp tốc nhận được lá thư thứ hai, mới biết quả thật ông đại phú hộ đã lâm bệnh nặng! Thế là hai vợ chồng son trẻ phải lựa ngày, tính ngày để lên đường; nhưng cô tiểu thư căn dặn là phải nhất nhất nghe theo lời nàng mới tránh khỏi tai họa. Chàng đồng ý. Thế là tức khắc, nàng không nệ bạc vàng, với giá rất cao, tìm thuê ba mươi người thân tín, cung cấp ba mươi con ngựa nòi, ngựa khỏe, đặt một đường dây liên lạc, từng trạm, từng trạm dọc đường, từ nhà triệu phú Kosambī - để báo tin cho nàng biết hằng ngày về bệnh tình của ông ta. Khi biết chắc, quả thật ông triệu phú chỉ còn ăn cháo loãng, đang nằm trên giường bệnh, hai vợ chồng mới chính thức lên đường! Vừa về đến cửa nhà, Ghosaka chưa biết làm gì – thì cô tiểu thư đã bù lu bù loa khóc thương thảm thiết. Ai cũng thương tình cô dâu có hiếu, tránh đường để cho cô đi. Đến bên giường, cô lại đấm tay, đấm chân, đấm ngực, càng khóc lóc lớn hơn nữa. Ông đại phú hộ lúc ấy hơi thở đã yếu, mở hé mắt ra – thì thấy cô gái đập cái đầu xuống ngực mình như trời long đất lở. Ông bị vỡ tim ngay lúc ấy rồi qua đời. Mọi người nhẹ nhàng kéo cô gái ra, an ủi, dỗ dành, bảo thôi đừng khóc nữa, không ai thoát khỏi cái chết, đừng thương tâm như vậy nữa! Một hồi sau, cô mới chịu nín, còn tất ta, tất tưởi, giọt ngắn, giọt dài – không ai biết là chính cô vừa giết ông phú hộ độc ác một cách rất khôn khéo!
Sau đó, đám tang được cử hành trọng thể. Bảy ngày sau, đức vua Udena, quốc vương nước Vamsā phong Ghosaka chức đại thủ khố thay cha – và chàng vẫn làm chủ tịch nghiệp đoàn thương mãi. Đã giàu, chàng lại giàu hơn – do thời gian sau, vị triệu phú Gāmaka tại Vesāli mất, để lại cho vợ chàng cả một gia tài cự phú nữa! Tuy nhiên, hai vợ chồng Ghosaka còn có tấm lòng quảng đại hơn các triệu phú khác một việc: Là họ đã đồng lòng, cùng có trái tim bi mẫn giống nhau nên họ đã lập những trại tế bần khắp nhiều nơi, và còn thường xuyên cúng dường các sa-môn, đạo sĩ đến Kosambī! Nhưng sau khi được gặp đức Phật và giáo pháp của ngài, hai ông bà đã kiến tạo khu lâm viên tên là Ghositārāma – như đã nói ở trên để cúng dường thập phương Tăng. Rồi tuần tự, thứ lớp, hai vị triệu phú bạn thân của ông bà là triệu phú Kukkuṭa và triệu phú Pāvārika - đồng kiến tạo hai khu lâm viên khác, có tên là Kukkuṭārāma và Pāvārikarubavana rồi cúng dường đến thập phương Tăng có đức Phật chứng minh.
[i] Nghĩa: Người có tiếng nói lớn, vang xa, du dương, mỹ diệu.
Chánh hậu của đức vua Udena 
Trong mùa an cư năm thứ tám, khi chư Tăng các nơi về đảnh lễ đức Phật ngày càng đông, tôn giả Sāriputta bàn với các vị trưởng lão hiện có mặt để phân bố họ đến ba khu lâm viên để an cư mùa mưa. Trưởng lão Vappa, Assaji, Yasa, Upāli, Kāḷudāyi... đảm trách tu tập và giáo giới khoảng 300 tỳ-khưu ở lâm viên Ghositārāma. Trưởng lão Kimbila, Bhaggu, Nandiya... hướng dẫn tu tập và giáo giới chừng 150 tỳ-khưu ở lâm viên Kukkuṭārāma. Trưởng lão Devadatta, Bhaddiya, Anuruddha...chăm sóc tu tập và giáo giới khoảng 150 tỳ-khưu ở lâm viên Pāvārikarubavana. Riêng hai trưởng lão Nadī Kassapa và Gayā Kassapa chăm sóc hội chúng hơn 100 tỳ-khưu đầu-đà khổ hạnh – thì tùy nghi lựa chọn trú xứ cho mình.
Khi hội chúng rời chân đi, hai trưởng lão Bhaddiya và Anuruddha tìm gặp tôn giả Sāriputta, đại ý rằng:
- Trưởng lão Devadatta chỉ lo tu tập, trưởng dưỡng các thắng trí nhưng không chịu hướng tâm, hướng trí đến việc đoạn tận các lậu hoặc – không biết phải khuyên nhủ làm sao?
- Biết làm sao được – Tôn giả Sāriputta mỉm cười – tuy nhiên, bên cạnh Devadatta luôn có mặt hiền giả Bhaddiya, bậc đầy đủ sáu thông; luôn có mặt hiền giả Anuruddha, người mềm mỏng, dịu hiền mà ai cũng phải cảm mến – do vậy, hiện tại vẫn chưa có gì đáng ngại!
Anuruddha chợt cười vui:
- Hóa ra, việc phân bố người và công việc, bậc Tướng quân chánh pháp vẫn hơn chúng đệ một cái đầu, hai cái đầu!
Các bậc thánh gặp nhau, chia tay nhau, ai lo việc nấy, an nhiên và thanh bình xiết bao! Và như vậy, tại khu rừng lớn Bhesakaḷā, gần cổ thành Susumāragira – an cư ở đây chỉ có đức Phật, tôn giả Sāriputta, Ānanda, thị giả Upavāna  cùng vài mươi vị tỳ-khưu đã có sơ quả, nhị quả - trong đó có tỳ-khưu Kaccayāna. Đến gần ngày an cư, tỳ-khưu Kaccayāna đến đức Phật xin đề tài thiền quán thích hợp với đời sống độc cư. Đức Phật giáo giới xong rồi nhắc nhở câu cuối:
- Hãy tháo gỡ, quăng bỏ tất thảy mọi kiến thức, tri thức cũ! Hãy lắng nghe và học hỏi những lời pháp hiện tiền, phong phú, sinh động, mới mẻ chưa ai viết ra, chưa ai đọc lên ở chính nơi thân, tâm của mình trong tương quan với ngoại giới. Sinh diệt ở đấy mà bất tử cũng ở đấy! Lúc nào cần thiết, Như Lai sẽ có mặt tức khắc ở bên cạnh.
Tỳ-khưu Kaccayāna phủ phục đảnh lễ rồi rút vào tĩnh cư ở một hang đá sâu ở khu rừng bên cạnh; chàng quyết chứng quả vô sanh ngay mùa an cư này! Và quả đúng như vậy, Kaccayāna dễ dàng chứng quả A-la-hán với 4 tuệ phân tích, sau này nổi danh là đệ nhất biện tài trong giáo hội của đức Tôn Sư!
Đức vua Udena, nội ngoại cung, triều đình đều nghe bàn tán xôn xao về đức Phật, các vị sa-môn và giáo pháp. Lúc cả ba vị đại triệu phú hầu như nhất loạt hiến cúng ba đại lâm viên thì cả kinh thành Kosambī như lên cơn sốt. Chưa thôi, trên những con đường phố, phường ấp, các tụ lạc,  làng mạc ở ngoại ô xuất hiện các sa-môn áo vàng ngày càng nhiều. Họ ăn bận tươm tất, dù hoại sắc, dù vải xấu, vải lượm... nhưng vẫn toát ra phong cách chừng mực, chững chạc, trang nghiêm. Ngay cả việc đi khất thực cũng vậy, vị nào trông cũng đàng hoàng, ung dung, chậm rãi.  Có một số vị cao ráo, đẹp đẽ, phước tướng chói sáng – và rõ ràng không phải là những kẻ đi ăn xin! Còn nữa, có một số vị quắc thước, uy nghi, đĩnh đạc toát ra trình độ tri thức, học vấn, trông chẳng khác gì những bậc hiền triết, ẩn sĩ! Như thế rõ là, họ không giống các đạo sĩ, du sĩ trong các tôn giáo cổ truyền trước đây tại các xứ sở này. Họ bắt đầu nghe tin về đức Phật, bàn tán sự xuất thân của đức Phật và uy lực về giáo pháp của Người. Họ biết rằng, hai vị đại vương và quần thần của hai đế quốc Māgadha và Kosala đã phủ phục, quy y tôn giáo mới này. Và nghe đâu, trình độ kiến thức và tu chứng của các vị đại đệ tử của Người còn cao siêu hơn các vị giáo chủ đương thời nữa.
Tuy nhiên, đức vua Udena vốn là tay võ biền, vũ phu, thô lỗ - quen với nếp sống, nếp nghĩ trần tục; ông chỉ thích săn bắn, tửu sắc, ca vũ – không thèm để ý đến dư luận về những sa-môn, đạo sĩ xin ăn trong quốc độ của ông. Triều thần cũng vậy mà các bà thứ phi cũng vậy - họ thích thú vui ngũ dục hơn là các giá trị tinh thần.
Chỉ riêng hoàng hậu Samāvati là người đầu tiên trong nội cung đi nghe giáo pháp tại lâm viên Ghositārāma qua các trưởng lão Yasa, Kāḷudāyi... trước đây. Bà đã thâm tín giáo pháp này. Khi nghe đức Phật đến, niềm háo hức nghe pháp đã thôi thúc bà, nhưng do bụng mang dạ chửa với đủ mọi thứ kiêng khem phức tạp, bắt bà phải nấn ná từ ngày này sang ngày khác. Hôm kia, biết đức vua đi săn bắn ở một rừng xa, bà với hai thị nữ tùy tùng, sắm sanh lễ vật trọng hậu, lên cỗ xe hai ngựa đến khu rừng Bhesakaḷā.
Đức Tôn Sư biết nhân duyên tốt đẹp của bà chánh cung hiền thiện này, nên ngài ngồi đợi dưới gốc cây ngoài bìa rừng. Khi cỗ xe không còn đi được, hai thị nữ dìu bà bước qua một lối đi nhỏ - thì bà nghe tiếng nói thoảng vào tai:
- Này, Samāvati! Hãy cẩn thận từng bước đi, chẳng phải gấp gáp gì mà ảnh hưởng đến thai nhi! Như Lai đang ở đây! Đang đợi bà ở đây!
Thế là bà Samāvati thấy đức Phật sau khi nghe được tiếng nói trầm ấm vi diệu ấy.
- Không cần phải đảnh lễ, bà đã đảnh lễ ở trong tâm rồi! Hãy ngồi nhẹ nhàng trên tảng đá kia, Như Lai sẽ nói chuyện!
Chợt dưng, bà Samāvati cảm giác như gặp lại một vị cha già hiền lành, nhân hậu lâu xa nào đó trong quá khứ! Bà cảm nghe một sự bình yên, mát mẻ, một hạnh phúc lạ lùng tuôn tràn, thấm đẫm cả châu thân.
- Bạch đức Thế Tôn! Bà nói – Nghe đức Thế Tôn đến Kosambī đã lâu, hôm nay con mới có dịp đến thăm! Con ngưỡng mong rằng, đứa con trong bụng con, dẫu trai hay gái phải làm một con người tốt, quý nhất là được làm một cận sự Nam hay một cận sự nữ trong giáo hội thanh tịnh cho đến trọn đời!
- Như Lai đã chấp nhận, đã chứng minh cho sự quy y của cả hai mẹ con; và rồi cả hai mẹ con sẽ được như nguyện!
Rồi đức Phật cặn kẽ giải thích - nghĩa đích thực của “sự trở về nương tựa Tam Bảo”từ nghĩa sự tướng đến nghĩa lý tính ra sao! Sự tướng chính là đức Phật ba đời, giáo pháp ba đời và Tăng chúng ba đời! Lý tính – nghĩa Phật Bảo,  chính là sự giác ngộ, tánh sáng suốt, tỉnh thức thường trực trong tâm trí mình. Lý tính – nghĩa Pháp Bảo, là chân lý, là sự thật - phải luôn tuân chỉ, thực hành! Lý tính – Tăng bảo – chính là luôn hướng đến sự hiền thiện, thanh tịnh, chính trực, quang minh cao đẹp!
Biết bà hoàng hậu là bậc trí thức nên đức Phật chỉ nói tóm tắt về Tam Bảo với những thuật ngữ khá cao siêu. Nhờ quán đúng cơ căn nên bà tức khắc thấy pháp, đắc quả Nhập Lưu với tâm tịnh tín bất động. Bà cúi xuống khom lưng đảnh lễ đức Phật mà có vài giọt nước mắt lăn đọng như mấy hạt kim cương!
Khi tôn giả Sāriputta, Ānanda vừa thọ nhận xong lễ vật cúng dường của hoàng hậu – thì một đoàn tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni tìm đến, chừng 50 vị. Họ đến từ Vesāli và cả Rājagaha. Trong số đó, có trưởng lão ni Gotamī, Yasodharā, Nanda và Rāhula cùng một số vị thuộc dòng Sākya khác nữa. Họ viện cớ thấy đức Phật đi vắng lâu ngày nên muốn tìm đến đây để an cư, đồng thời để học hỏi giáo pháp.
Khi được thấy thân quyến của đức Phật, bà vô cùng hâm mộ, quyến luyến đến nắm tay trưởng lão ni Gotamī và Yasodharā không chịu rời. Lát sau, do trí thông minh có sẵn, bà thưa trình:
- Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử có một khu rừng gỗ hương trầm rất quý báu, cũng không xa đây lắm. Đấy là nơi có sẵn một số cốc liêu, nhà nghỉ cùng các công trình phụ - mà đệ tử thường hay lui tới để an dưỡng. Quý Ni sư ở đây mình mai vóc hạc, tu hành kham khổ - thanh khí từ vỏ, từ lá, từ nhựa hương chiên đàn đỏ, chiên đàn vàng... rất tốt cho sức khỏe của chư Ni! Đệ tử xin được cúng dường cho trưởng lão Ni cùng Ni chúng thập phương thì hạnh phúc cho đệ tử lắm vậy.
Đức Phật mỉm cười, ngài biết nhân là vậy, duyên là vậy. Còn hội chúng thì tán thán “ Sādhu, sādhu” đầy hoan hỷ và vui vẻ.
Thế là mùa an cư năm ấy, tôn giả Sāriputta và Ānanda ngoài việc tiếp đón liên tục ba vị đại triệu phú và bạn hữu của họ, còn phải thay mặt đức Phật thuyết pháp đến hội chúng cư sĩ. Riêng đức Phật thì tùy nghi. Lúc thì ngài dẫn Nanda cùng đi, xuất hiện ở lâm viên này, mai ngài xuất hiện ở lâm viên khác để giáo giới chư tỳ-khưu! Đôi lúc ngài lại dẫn theo Rāhula, sang khu rừng gỗ hương để giáo giới tỳ-khưu-ni. Ông hoàng si tình - tỳ-khưu Nanda - vẫn chưa tiến bộ, vẫn còn nhớ nhung quay quắt vị hôn thê công nương xinh đẹp. Đi bên Phật, được ngài ân ần nhắc nhở, hướng dẫn một vài phương pháp tu tập để đối trị, đại đức này trông đã khá hơn. Sa-di Rāhula lúc này đã gần 14 tuổi, đã là một thiếu nhi cường tráng và khỏe mạnh. Đức Phật chỉ dạy những pháp ngắn, thật ngắn, dị giản về hít thở, đi đứng nằm ngồi... để Rāhula tự suy nghĩ, tìm kiếm thêm. Đôi khi, đức Phật chỉ cách nhìn ngắm mọi vật xung quanh, các trạng thái nơi thân, nơi tâm mình; và phải phản ánh cho trung thực, chính xác! Luôn luôn, lúc nào cũng phải biết dùng chánh niệm và tỉnh giác để an trú trong hiện tại. Ý thức trong sáng luôn luôn được thắp lên, bất kể lúc nào! Đức Phật thấy rõ Rāhula khuôn mặt rạng rỡ, đôi mắt sáng quắc, lấp lánh niềm vui – nhưng ngài biết rõ, không phải là sự đắc pháp – mà do tao ngộ, gặp gỡ cả “đại gia đình”! Trưởng lão Ni Gotamī trông đã vững chãi, đã hoàn toàn làm chủ bản thân, an trú pháp và chu toàn rất tốt mọi công việc trong ngoài! Đúng là bản lãnh một bậc Ni trượng! Tỳ-khưu-ni Yasodharā trông cứng cáp hơn nhờ gió sương, mưa nắng; ngài còn đọc được sự tĩnh lặng và bình an nhất định trong đôi mắt của bà.
Nhưng khi mưa gió quá, không đi đâu được thì đức Phật ẩn ở động sâu. Chỉ riêng tôn giả Sāriputta mới biết rằng - đức Phật luôn luôn có công việc của ngài. Chúng phi nhân như thọ thần, sơn thần, dạ-xoa, a-tu-la, rồng, càn-thát-bà, kim-xí-điểu, cưu-bàn-trà, Tứ đại thiên vương, Sakka, phạm thiên... luôn là hội chúng, thính chúng của đức Phật nơi này và nơi khác, kể cả giữa đêm hôm khuya khoắc.
Hôm kia, trời mây thưa, gió nhẹ có vẻ tạnh ráo, sáng sớm, đức Phật lại ôm bát ra đi một mình. Ngài đi rất xa, đến vùng Kuru, thị trấn Kanumāsadamma, gần các ngôi đền thờ các vị thần của bà-la-môn giáo. Đức Phật tọa thiền suốt đêm tại một vòm cổng bằng đá, sáng ngày, ngài ôm bát theo con lộ chính trong thị trấn để khất thực. Trời mưa rất nhẹ, chỉ như sương mù lay bay, đường đất thấm nước, không có bụi, khí trời mát mẻ. Đây là vùng đất, là xứ sở của bà-la-môn giáo! Các vị sa-môn, chư tỳ-khưu cho biết rằng, ở đây rất khó kiếm vật thực mặc dầu đời sống cư dân khá sung túc - họ không đặt bát cho người khác tôn giáo! Tuy nhiên, nhờ tướng hảo quang minh, sự sáng chói từ hào quang lan tỏa nơi ngài - hấp dẫn lôi cuốn mọi người – nên vật thực ngài cũng có đủ! Lựa tìm một cội cây tại ngã ba đường, đức Phật xếp bốn tấm y hai lớp rồi ngồi độ thực. Dùng xong, ngài trú quang định để chờ đợi hai kẻ hữu duyên sẽ đắc quả A-na-hàm (Anāgāmī)!
Thị trấn Kanumāsadamma có một bà-la-môn gia chủ hữu danh, đấy là ông bà Māgaṇḍi. Suốt đêm, ông ở trong đền để chăm lo việc tế thần lửa, trên đường về nhà, ông chợt thấy đức Phật ngồi dưới cội cây! Sửng sốt, ông đứng lặng, ngắm nhìn mê mải - vị này là ai mà đẹp quá! Cả thân thể sao mà tỏa sáng như châu ngọc! Từ vừng trán, khuôn mặt, cái mũi, cái miệng, chân mày, đôi mắt, vai, ngực, chân tay... cả những ngón tay... đều do thợ điêu khắc tuyệt hảo của đức thần Brāhmā! “ Chà! Ông tự nghĩ – Ta có cô con gái xinh đẹp tuyệt trần - nếu có được một chú rể đông sàng tướng hảo tuyệt mỹ như thế này thì mới thật là xứng đáng!” Nhà ông cũng ở gần đây – nên ông hấp tấp đến báo cho bà hay: “ Này bà, có một chàng trai tuyệt đẹp, đúng là quý nhân, quý tướng! Bà hãy mau đến gốc cây đầu đường kia mà xem! Ta đã chọn cho con gái rượu của chúng ta một tấm chồng đấy!”
Đức Phật biết chuyện gì xảy ra nên ngài bước xuống, để lại một dấu bàn chân [i] rồi đi sang hướng khác.
Khi hai ông bà Māgaṇḍi dẫn cô gái Māgaṇḍiyā tìm đến thì không thấy đức Phật đâu – mà chỉ thấy dấu bàn chân có cả ngàn căm bánh xe, trông rõ ràng như điêu khắc ở trên đất. Hai ông bà vốn có tài xem tướng, bà giỏi hơn ông - thấy dấu bàn chân lạ lùng nên đồng ngồi xuống, săm soi nhìn kỹ.
Bà nói:
- Không phải là dấu bàn chân của con người, ông mày ạ! Ông trông có lầm chăng? Đâu có phải của con người?
- Con người thật mà! Ông gật đầu “chắc nụi” - Ta thấy rõ là con người bằng xương bằng thịt thật mà!
- Thế thì lạ lùng quá! Dấu bàn chân này oai lực lắm!
Ông tròn mắt, gặng hỏi:
- Ma vương chăng?
- Nói bậy!
- Quỷ vương chăng?
- Càng nói bậy!
- A-tu-la vương chăng?
- Đừng có “hằm hồ”!  chau mày, nói như gắt - Dấu bàn chân này rất trung chính, chẳng có tà ma, quỷ quái nào ở đây cả!
- Vậy thì thọ thần, chư thiên gì ở đây rồi!
- Còn chưa đáng kể gì! Vị này còn cao sang, oai lực hơn nữa kìa!
- Đại phạm thiên chăng?
- Cái này thì tôi chịu! Bà lắc đầu – nhưng dấu bàn chân này phải là của một con người đã tận diệt mọi khát dục, khát vọng ở đời!
- Khiếp! Thế là không thể bắt người này làm chồng con gái cưng của chúng ta nữa hay sao?
Bà trầm ngâm một lúc, có lẽ suy nghĩ lung lắm, sau đó, bà thở dài, nói như hơi gió thoảng:
- Hỏng rồi ông mày ạ! Theo tôi được học – thì dấu bàn chân có ngàn căm bánh xe như thế này, trong nhân tướng học, nói về đại quý nhân - thì chỉ có hai người. Một là đức Chuyển luân Thánh vương, hai là đức Phật Chánh Đẳng Giác. Nếu là Chuyển luân Thánh vương – thì luôn có 7000 cô tiên nữ theo hầu, con gái ta cũng không bén mảng tới được. Tuy nhiên, vì dấu bàn chân này quá thiêng liêng và trong sạch nên ta phải loại bỏ ông này ra. Vậy chỉ còn là dấu bàn chân của đức Chánh Đẳng Giác – thì con gái ta dẫu đẹp như chúa của tiên nữ, vị ấy cũng không thèm để dính một ngón chân đâu!
- Phải đấy, này hai ông bà Māgaṇḍi - Đức Phật đã đứng bên vệ đường, gần sát bên họ, cất giọng phạm âm - Nhận xét như vậy là chính xác! Thuở ấy có ba cô tiên nữ thiên kiều bá mị - con gái của Đại ma vương, chúa cõi trời Paranimmittavasavatti [ii]– nõn nường, lả lơi, gợi tình; đã đến quyến dụ Như Lai, mê hoặc Như Lai bằng thiên sắc, thiên âm, thiên hương... Phải biết rằng, thiên sắc ấy tế nhị, thù thắng, mỹ diệu. Thiên âm ấy tế nhị, thù thắng, mỹ diệu. Thiên hương ấy tế nhị, thù thắng, mỹ diệu. Thế nhưng, một sát-na nhanh như ánh chớp, Như Lai cũng không để cho lục căn bị vướng vào đâu cả. Như Lai không hề động tâm! Huống hồ là cô gái đẹp của ông bà!
Rồi đức Phật đọc lên câu kệ:
“- Đã nhận thấy sự rỗng không, bọt bèo, bất tịnh của ái dục, bất mãn và tham vọng. Như Lai không còn thích thú, đắm say trong dục lạc phù phiếm của ái tình nữa. Cái thân thể xú uế, ô trược ấy là cái gì? Như Lai không bao giờ muốn sờ chạm đến nó, dầu chỉ đụng bằng chân!”[iii]
Lạ lùng làm sao, đức Phật chỉ nói chừng ấy, xác chứng một sự thực – mà ông bà Māgaṇḍi tức khắc, chứng quả Bất Lai - quỳ năm vóc sát đất, đảnh lễ ngài với lòng tri ân vô hạn. Riêng cô gái Māgaṇḍiyā thì tức tưởi, khóc lóc bỏ chạy! Cô thấy mình bị sỉ nhục một cách đau đớn khi đức Phật chê thân thể cô xú uế, ô trược... không muốn sờ chạm đến, dầu chỉ đụng bằng chân! Xấc xược thế là cùng! Vậy nên, bắt đầu từ đấy, cô cột oán kết với đức Phật bằng một mối hận thù sâu sắc. Cô quyết tìm cơ hội báo thù.[iv]
Còn ông bà Māgaṇḍi, sau khi để lại toàn bộ gia sản cho người em trai là bà-la-môn Cūḷamāgaṇḍi, gởi gắm chăm sóc cô con gái – hai người tìm đến khu rừng lớn Bhesakaḷā xin xuất gia, trở thành tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni – không lâu sau họ đắc quả A-la-hán.
[i] Nguyện lực để lại dấu bàn chân được gọi là “Pādacetiya”.
[ii] Cõi trời Tha hóa tự tại.
[iii] Phỏng dịch từ câu kệ ngôn: ”Disvāna taṇhaṃ aratiṃ rāgañca. Nāhosi chando api methunasmiṃ. Kimevidaṃ muttakarīsapuṇṇaṃ. Pādāpinaṃ  samphusitum na icche”.
[iv] Chuyện xảy ra năm sau, khi cô được làm thứ phi đức vua Udena– xem sau.
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Theo http://trungtamhotong.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...